Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Đường thi dẫn luận (2): Phân loại và niêm luật (GNLT)

Hôm trước tôi đã đăng phần 1 của bài nhập môn về Đường thi của thầy GNLT. Nay xin đăng tiếp phần còn lại, cũng là phần mà tôi "nhằn" mãi mà không tiêu được, vì tâm lý không muốn tiếp thu cái gọi là luật lệ chặt chẽ về ngữ âm của nó.  Tôi nhớ ngày xưa thời đi học trung học, cô giáo dạy văn cứ nói đi nói lại cụm từ "niêm luật chặt chẽ", mà tôi thì tự xem mình là con người tự do phóng khoáng, ghét luật lệ bó buộc, nên có tâm lý phản kháng với luật lệ của thơ Đường từ đó đến giờ.

Nhưng cũng vì thế mà tôi bị ... mất căn bản nên giờ này phải học bù, hu hu hu! Các bạn đọc ở dưới đây nhé. 

Nói thêm: cái tựa ở trên cũng do tôi tự đặt ra trên cơ sở thêm bớt những gì mà anh GNLT đã viết.
-------------------
2. PHÂN LOẠI

Đường Thi chủ yếu gồm 2 loại: Thơ cổ phong và thơ Ðường luật (còn gọi thơ cận thể) .
+ Thể cổ phong gồm những thể thơ có từ trước thời nhà Đường và vẫn được sáng tác trong thời Đường, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của thơ Đường luật.
+ Thơ Đường luật (còn gọi thơ cận thể) hình thành và ổn định trong thời Đường.
 

Phân loại Đường luật:

- Phân loại theo số tiếng trong câu gồm hai loại: thất ngôn và ngũ ngôn
- Phân loại theo số câu trong bài thì có 3 dạng chính:
Thơ bát cú (8 câu), 8x 7 và 8 x 5
Thơ tứ cú (4 câu) thường gọi “tứ tuyệt” / tuyệt cú : 4x7 và 4x 5
Thơ bài luật gồm nhiều khổ tứ tuyệt, kéo dài vô hạn.
Trong 3 dạng trên, thất ngôn bát cú (8 x7) có cấu trúc hoàn chỉnh nhất, mẫu mực nhất.

Sau đây chúng ta chỉ nghiên cứu thể “bát cú thất ngôn” (hoặc thất ngôn bát cú)

3- BỐ CỤC
Bát cú thất ngôn gồm 04 phần:
“đề - thực - luận - kết”, mỗi phần.được giao một nhiệm vụ.
Ðề: phần mở đầu có hai câu. Câu 1 phá đề, giới thiệu. Câu 2 thừa đề (tiếp ý để chuyển vào bài).
Thực : câu 3 và 4: trình bày hiện thực, nói rõ vấn đề của bài
Luận : câu 5 và 6 : phát triển rộng thêm, tỏ thái độ
Kết : câu 7 và 8 kết thúc, hợp ý toàn bài.
Ý nghĩa của bố cục: tương tự một dàn bài văn thông thường.

Tuy nhiên, thực tế bố cục trên được vận dụng rất uyển chuyển (tiền bán/ hậu bán. hoặc 4/4 .v.v..).

(Bổ sung: Bố cục 4 phần có cách gọi tên thứ 2: “khai - thừa - chuyển - hợp” chỉ ra mối quan hệ liên tục của 4 phần)

4. LUẬT NGữ ÂM
Là qui định về thanh bằng và thanh trắc trong từng câu và trong cả bài.

Luật ngữ âm được bắt đầu bằng âm thanh của chữ thứ 2 của câu thứ nhất. Nếu chữ thứ 2 là thanh bằng thì gọi bài thơ luật bằng. Chữ thứ hai là thanh trắc gọi là bài thơ luật trắc, (ví dụ bài "Vô đề" của Lý Thương Ẩn là theo luật trắc (ghi vào tiếng thứ 2: kiến), còn bài "Hoàng hạc lâu" của Thôi Hiệu là luật bằng (ghi vào chữ thứ 2: nhân).
 

Luật của bài thơ xác định rõ âm hưởng chủ đạo của toàn bài, giống như "gam" của một bài hát, bản nhạc hiện đại phương Tây (gam chủ thể hiện ở nốt nhạc cuối cùng).
 

Đọc bài “Vô đề” Lý Thương Ẩn, ta thấy chữ thứ 2 câu đầu là thanh trắc (kiến) báo hiệu một âm điệu nặng nề, u uất bao trùm toàn bài. Bài “Tiên tử tống Lưu Nguyễn xuất động”, chữ thứ 2 câu đầu là thanh bằng (cần) báo trước một âm hưởng nhẹ nhàng, nao nao suốt bài kể cả dư âm, dư vị.

Vô đề
(Lý Thương Ẩn)

Tương kiến thời nan biệt diệc nan
Ðông phong vô lực bách hoa tàn
Xuân tàm đáo tử ty phương tận
Lạp cự thành khôi lệ thỉ can
Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn
Bồng Lai thử khứ vô đa lộ
Thanh điểu ân cần thám vị khan

Dịch thơ

Khó gặp nhau mà cũng khó xa,
Gió xuân đành để rụng trăm hoa.
Con tằm đến thác tơ còn vướng,
Chiếc nến chưa tàn lệ vẫn sa.
Sáng ngắm gương buồn thay mái tuyết,
Đêm ngâm thơ thấy lạnh trăng ngà.
Bồng Lai tới đó không xa mấy,
Cậy với chim xanh dọ lối mà.
(Khương Hữu Dụng và Tương Như)




Tiên tử tống Lưu Nguyễn xuất động
(Tào Đường)

Ân cần tống biệt xuất Thiên Thai
Tiên cảnh na năng khước tái lai
Vân dịch kí qui tu cưỡng ẩm
Ngọc thư vô sự mạc tần khai
Hoa đang động khẩu ưng trường tại
Thuỷ đáo nhân gian định bất hồi
Trù trướng khê đầu tòng thử biệt
Bích sơn minh nguyệt chiếu thương đài


Dịch nghĩa

Ân cần tiễn khỏi núi Thiên Thai
Cõi tiên đâu đến lần nữa được !
Rượu mây người về cố uống đi
Lá thư không cần thì đừng mở
Hoa cửa động sẽ còn tươi mãi
Nước về trần quyết không trở lại
Ngơ ngẩn đầu suối, từ đây li biệt
Ánh trăng núi biếc soi lớp rêu xanh

(Phùng Hoài Ngọc)

Nhìn trong bảng công thức, bên trái là bài thơ luật bằng (b) đóng khung, còn bên phải là bài thơ luật trắc (t) đóng khung.

[Vì đăng lên blog không thể có 2 cột nên tôi đăng bên trái ở trên và bên phải ở dưới và không có đóng khung các bạn nhé.]
Bài thơ luật bằng, vần bằng
1. b b t t t b b
2. t t b b t t b
3. t t b b b t t
4. b b t t t b b
5. b b t t b b t
6. t t b b t t b
7. t t b b b t t
8. b b t t t b b


Bài thơ luật trắc, vần bằng:
1. t t b b t t b
2. b b t t t b b
3. b b t t b b t
4. t t b b t t b
5. t t b b b t t
6. b b t t t b b
7. b b t t b b t
8. t t b b t t b

Nếu bài thơ nào cũng đúng luật như trên thì e rằng giống nhau, dễ nhàm chán, đôi khi nhà thơ cũng loay hoay, bó tay khi chọn chữ, vậy nên luật cho phép có ngoại lệ.
 

Bất qui tắc nói như sau : « Nhất - tam - ngũ bất luận » (cho phép tiếng thứ 3,5,7 tùy chọn bằng/ trắc), nhưng phải đảm bảo «nhị - tứ - lục phân minh » (tiếng 2,4,6 phải đúng công thức trên).

Bài thơ có 4 liên (2x 4 = 8), mỗi liên là một cặp câu liền nhau (liên = liền).

Hai « liên » đi liền nhau mà chữ thứ 2 cùng thanh thì gọi là một "niêm". Toàn bài có 3 niêm :
Niêm 1 là hai thanh t,t tô màu xanh ( thuộc hai câu 2 -3)
Niêm 2 là hai thanh b,b tô màu đỏ ( thuộc hai câu 4 – 5)
Niêm 3 là hai thanh t,t tô màu vàng (thuộc hai câu 6-7).

« Niêm » có vai trò ràng buộc, móc xích theo chiều dọc của bài thơ cho khỏi xộc xệch.

Niêm (nghĩa đen là cái mảnh giấy dán đè qua hai cánh cửa hoặc đồ vật, phong bì thư, phong bì đề thi: dấu hiệu cấm tự ý mở ra, gọi là « niêm phong »).

Ðể cho bài thơ uyển chuyển (tránh đơn điệu lặp lại), nhịp đi của "liên trên" phải khác nhịp đi của "liên dưới". Muốn vậy, tiếng thứ 2 của câu chẵn thuộc "liên trên" phải cùng thanh với chữ thứ 2 của câu lẻ thuộc "liên dưới" (dẫn đến các chữ chẵn cùng thanh). Sự giống nhau đó gọi là Niêm, tức là sự kết dính hai liên với nhau.

5- LUậT ĐỐI NGẫU
Hai câu thực đối nhau, hai câu luận đối nhau.

(Câu 3 đối 4, câu 5 đối 6).
Đối nghĩa là : đối thanh (trái thanh), đối từ loại (cùng từ loại) và đối ý (ý song hành hoặc ý tương phản)

Ta thử đọc bài "Không đề” của Lý Thương Ẩn
Câu 3 : Con tằm đến thác tơ còn vướng
Câu 4 : Chiếc nến chưa tàn lệ vẫn sa
Con / chiếc .
Tằm / nến .Bằng / trắc, danh từ / danh từ.
Vướng - sa : trắc - bằng, danh từ - danh từ.
Thác - tàn : trắc - bằng , động từ - động từ.
Câu 5 : “sáng soi gương”... đối với Câu 6 : “đêm ngâm thơ”v.v...

Lưu ý : Ðối ý có hai trường hợp:
- Ý đối lập chống lại nhau, diễn tả mâu thuẫn, xung đột (đối tương phản /phản đối )
- Ý bổ sung tăng cường cho nhau (đối tương hỗ /song hành). Kiểu này phổ biến trong Đường luật bởi tính cách nhà thơ cổ điển thích hài hòa, ít tranh cãi đả kích.

Hai kiểu đối ngẫu làm cho bài thơ ngắn mà ý tưởng được nhấn mạnh, dứt khoát.

6. LUậT GIEO VầN

Thơ Ðường luật chỉ gieo một vần là vần bằng (bình), hiếm khi gieo vần trắc. Bài «Vô đề» gieo một vần là «an». Bài «Tiên tử tống Lưu Nguyễn xuất động » gieo một vần là «ai».

Gieo vần vào tiếng cuối của câu 1, 2, 4, 6 và 8. (ngoại lệ: riêng câu 1 bát cú ngũ ngôn có thể không gieo vần cũng được).

Trong thực tế sáng tác, các nhà thơ đời sau đã sáng tạo thêm những biệt thể mới như tiệt hạ (ý mỗi câu còn lơ lửng), yết hậu (câu cuối còn thiếu một số tiếng), thủ vĩ ngâm (câu một giống câu tám, đọc vòng tròn...) .v.v... nhưng không mẫu mực.

(còn tiếp)

----
Bài này nhằn hoài không vô, nên tôi không có thắc mắc gì hết. Chỉ có vài nhận xét riêng, kết quả của quá trình tự khám phá quy luật để nhớ, như sau, không hiểu thầy GNLT sẽ nói gì:
 -
Vì chỉ có 2 thanh bằng và trắc nên thật ra sự khác biệt về âm thanh giữa các câu thơ chỉ là sự khác biệt về các kiểu tổ hợp (1 thanh trắc/bằng, 2 thanh trắc/bằng đi liền nhau, 3 thanh trắc/bằng đi liền nhau) và vị trí của các thanh điệu đặt trong câu thơ.


Vì câu thơ chỉ có 7 từ nên số kiểu tổ hợp và vị trí cũng không quá nhiều, vì vậy thực sự ta chỉ có 4 loại câu với các kiểu tổ hợp sau đây:

1. b b t t t b b (2 bằng, 3 trắc, 2 bằng, tức tổ hợp 2-3-2) --> câu 1, 4, 8 trong bài thơ luật bằng (tạm gọi câu loại A)
2. t t b b t t b (2 trắc, 2 bằng, 2 trắc, 1 bằng, tức tổ hợp 2-2-2-1) --> câu 2, 6 trong bài thơ luật bằng (câu loại B)
3. t t b b b t t (2 trắc, 3 bằng, 2 trắc) --> câu 3,7 trong bài thơ luật bằng; thực chất đây là câu thơ theo cùng kiểu tổ hợp của câu 1, nhưng đổi ngược thanh điệu bằng thành trắc. (câu loại C)
4. b b t t b b t (2 bằng, 2 trắc, 2 bằng, 1 trắc) --> câu 5 trong bài thơ luật bằng; thực chất đây là câu thơ theo cùng kiểu tổ hợp của câu 2 nhưng đổi ngược thanh điệu trắc thành bằng). (câu loại D)

(Hai câu màu xanh là ngược nhau về thanh và giống nhau về cách tổ hợp, hai câu màu đỏ cũng vậy.)

Bài thơ vần trắc cũng chỉ là 4 kiểu câu nói trên nhưng được sắp đặt ở các vị trí khác nhau trong bài thơ. Cụ thể, bài thơ vần trắc được sắp xếp như sau:

1. Câu loại B ở trên t t b b t t b: câu 1, 4, 8 trong bài thơ luật trắc
2. Câu loại A ở trên b b t t t b b: câu 2, 6 trong bài thơ luật trắc
3. Câu loại D ở trên  b b t t b b t: câu 3, 7 trong bài thơ luật trắc
4. Câu loại C ở trên t t b b b t t: câu 5 trong bài thơ luật trắc

Tóm lại, với 4 loại câu thơ (với các tổ hợp thanh điệu khác nhau) là A, B, C, D, ta có bài thơ luật bằng và bài thơ luật trắc như sau:
Luật bằng: A B C A D B C A
Luật trắc: B A D B C A D B

Không hiểu có gì sai sót ở đây không nhỉ; mà rút ra quy luật rồi sao thấy vẫn chưa nhớ nổi? Hình như em không thể nào chịu nổi mấy cái trò niêm với luật này thầy GNLT ơi!!!!

6 nhận xét:

  1. Tớ cũng ráng làm theo mấy luật này nhưng khó quá nên cuối cùng không theo nổi đành ...phang thẳng, hihihi

    Trả lờiXóa
  2. Úi trời ơi,XLtui cứ hứng là thả cửa gieo vần rồi bắt luật chạy theo,hihi.như thế đỡ ĐÂU CÁI ĐÀU hơn,hehe

    Trả lờiXóa
  3. Bổ sung:
    Anh Vũ chỉ tính ra 04 tổ hợp A,B,C,D là còn thiếu nhiều lắm. Thanh bằng Hán ngữ gồm 02 thanh âm bằng (phù và trầm) và 04 thanh âm trắc (thượng, khứ, nhập x 2 = 6). Hán Việt cũng có: 02 thanh bằng (huyền, không) và 04 thanh trắc kia mà (hỏi, ngã, sắc, nặng)... Mời nữ sĩ tính lại, sẽ cho ra một con số tổ hợp rất lớn, túc là rất nhiều lựa chọn chứ không hẹp hòi đâu....( Lãng tử sẽ gửi một email riêng về ngữ âm Hán và Việt tương đương)

    Bạn Trăng Quê nói khá đúng: cứ "phang thẳng" tức là đọc lên thấy du dương trầm bổng là được (về luật ngữ âm), còn nếu không theo luật vần, đối thì nó là thơ cổ phong.

    Còn bạn XL "cứ hứng là thả cửa gieo vần" thì bạn đang làm thơ cổ phong chứ không phải thơ Đường luật. Cổ phong hay Đường luật, miễn là người đọc khen hay là được rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thầy GNLT ơi, em muốn cho nó đơn giản để người học đỡ ngán, và đã quy luật hóa nó thành một thứ khá đơn giản, vậy mà thầy không thèm khen chút nào lại còn chê nữa chứ! Thầy dạy rắc rối vậy, thì học trò bỏ học hết cho mà xem, hi hi hi!

      Thực ra em biết rõ về khả năng thay thế của các loại thanh bằng và thanh trắc khác nhau chứ ạ. Nhưng đang muốn đưa quy luật của thơ về chỗ tối giản thôi.

      Nếu áp dụng số thanh điệu riêng biệt thì thực ra tổ hợp sẽ như sau (ai giỏi toán xin tính lại giúp ạ):

      Câu loại A có số kiểu khác nhau (2x2) x (3x4) x (2x2) = 192 x
      Câu loại B có số kiểu khác nhau (2x4) x (2x2)x (2x4) x (1x2) = 512
      Câu loại C có số kiểu khác nhau (2x4) (3x2) (2x4) = 384
      Câu loại D có số kiểu (2x2) (2x4) (2x2) (1x4)= 512

      Như vậy con số là vô biên, nếu xét đến từng thanh điệu. Nhưng đấy không phải là điều em muốn nói thầy GNLT ạ. Em chỉ muốn nói: sự đa dạng đó bắt nguồn từ một số quy luật rất căn bản thôi (2 thanh, 3 loại tổ hợp: 1 từ, 2 từ, 3 từ). Vậy thôi thầy GNLT ạ.

      Xóa
    2. Thầy PHN (GNLT) trả lời qua mail, nay đăng lại ở đây:
      -----
      Tôi hiểu rồi, hoan nghênh sáng kiến của Anh Vũ...
      Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng cái khó không phải ở chỗ thanh bằng trắc, do vậy nhìn công thức hoa mắt khó nhớ thì xin cứ...quên nó đi. Vẫn làm thơ được.


      Xóa
  4. Hic, tớ có nguyên 1 cuốn thơ Đường do ngày xưa tò mò mượn của bạn rồi bạn tặng luôn. Đọc 1 số bài thích ý tứ rồi mò mẫm tự điển Hán Việt tìm ngữ nghĩa chứ chưa bao giờ để ý đến niêm luật gì ráo. Và tớ cũng giống cô PA là rất ghét khuôn khổ, bó buộc, luật lệ úp lên bất cứ cái gì nên đọc bài viết của GNLT mà tớ cóc hiểu gì ráo ( hay là không muốn hiểu!). Ahem, bằng bằng trắc trắc... niêm luật mà làm quái gì nếu bài thơ không nói được điều gì hay ho và chạm đến trái tim tớ???

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.