Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Ơ, sao lại vặt lông con cốc?

"Vặt lông con cốc", ấy là một đoạn trong một bài ca dao dân gian mà chắc là người VN nào cũng phải thuộc. Phiên bản mà tôi biết về bài ca dao ấy như thế này:

Cái cò cái vạc cái nông
Ba con cùng béo vặt lông con nào?
- Vặt lông con cốc cho tao!
Hành răm, nước mắm, đổ vào mà đun!


Bài ca dao ấy, ngày bé tôi vẫn nghe mẹ tôi hát ru em, rồi sau đó chính tôi cùng hát nó để ru những đứa em nhỏ hơn tôi đến cả chục tuổi (gia đình tôi có đến 8 anh chị em, 3 đứa em út của tôi cách tôi 10 tuổi, 11 tuổi và 13 tuổi!). Và cả đến khi tôi có gia đình, rồi có con, 2 đứa, tôi cũng đã từng hát bài này (và nhiều bài ca dao về con cò khác nữa) để ru con. Thế nhưng tôi chẳng bao giờ có chút thắc mắc về bài thơ này cả.

 Nhưng thắc mắc cái gì mới được chứ? A ha, chính bạn cũng không để ý phải không? Xin bạn theo dõi lại nhé:

- Câu hỏi: Vặt lông con nào, trong số 3 con (well, cái!): cái cò, cái vạc, cái nông. Nếu nói theo kiểu thi trắc nghiệm thì đây là câu hỏi có 3 lựa chọn: A- cái cò; B-cái vạc; C-cái nông.
- Câu trả lời: Vặt lông con cốc! Xin đọc kỹ lại nhé: con cốc không hề có trong 3 lựa chọn trên, thế nhưng nó lại là đáp án! Nếu nói theo kiểu thi trắc nghiệm thì đây là một câu hỏi có lỗi, vì không có đáp án (đáp án đúng không nằm trong đề thi)! Cần phải loại khỏi bài thi!

Một lỗi nghiêm trọng thế, mà lâu nay tôi cứ chấp nhận như là một chuyện đương nhiên ư? Vậy mà tôi vẫn tưởng mình là một người có tính phản biện cao lắm cơ đấy! Thế mới biết, thói quen quả là một cái gì đó đáng sợ. Cái gì vô lý hoặc sai trái đến cỡ nào mà ta nghe quen, nhìn quen, và làm quen (theo kiểu ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt) rồi thì sẽ thấy ... nó cũng bình thường thôi mà!

Thì, ai sao mình vậy, chứ tội gì "đời đục mình ta trong", phải không? Ngay cả nhà thơ Tú Xương, con người đau đáu, thao thức với thời cuộc thế, mà cũng còn phải thốt lên: "Thiên hạ có khi đang ngủ cả/Tội gì mà thức một mình ta" cơ mà. Ai cũng sẽ làm thế thôi!

A ha, "ai cũng làm thế", có phải đây là một phiên bản của "không có gì mới" không, Liam Kelley ơi? Ai không biết Liam Kelley và lời biện hộ "không có gì mới" thì hãy đọc entry gần đây nhất của tôi.

Nhưng mà, vì cớ gì mà hôm nay tôi lại quan tâm đến con cốc như thế này nhỉ? À thì ... nói ra cũng ngại quá, hôm nay tôi đọc báo mạng, chả biết ma đưa lối quỷ đưa đường thế nào lại đọc trúng ngay tựa bài viết "Khi quyền lực nhân dân bị vặt trụi", ở đây: http://quechoa.vn/2013/04/14/khi-quyen-luc-nhan-dan-bi-vat-trui/. Đọc vào mới thấy, bài này ... thật phản động - à, là tôi nói "phản động" theo quan điểm chính thống của nhà nước ạ, chứ cá nhân tôi thì thấy nó cũng ... có lý lắm các bạn ạ!

Bài viết ấy, bạn biết không, nó dám ám chỉ, trời ơi, 3 cái (cò, vạc, nông) là ... cán bộ tham nhũng, còn con cốc thì là nhân dân - ấy quên, là dân đen, vì tôi không rõ những người này có xứng đáng là nhân dân theo định nghĩa của một ông đại tá nào đó đã viết hay không. Những người bị vặt lông như con cốc ấy có thể kể anh Đoàn Văn Vươn, như bà Ba Sương đã từng một thời là anh hùng, như ai ai nữa đấy, nhiều lắm chứ chẳng chơi!

Tất nhiên, tôi không tin bài ca dao kia có nghĩa như thế, vì thời xưa, lúc bài ca dao ấy ra đời thì đâu đã làm gì có cán bộ, Đảng viên như thời nay để mà có thể ám chỉ như trong bài viết phản động kia. Mà cũng chẳng có ĐVV hay Ba Sương bốn nắng gì cả; chẳng qua là người viết muốn ... bẻ quẹo sự thật đi cho mục đích "không thân thiện" với nhà nước của mình thôi, tôi tin thế. Thì, tôi vẫn thường đọc báo, nghe đài, lúc nào cũng thấy bảo nhà nước của chúng ta là của dân, do dân, vì dân mà lại. Sao lại có chuyện 3 ông cán bộ to, tham nhũng thì không xử, lại đi xử dân đen như sự ám chỉ trong bài viết ấy!

Tin thì đã hẳn là tin rồi. Nhưng tôi vẫn còn cứ thắc mắc mãi: vậy chứ bài ca dao kia muốn nói cái gì thế? Sao lại nêu ra 3 lựa chọn, để rồi đáp án bất ngờ lại là lựa chọn  thứ 4, nhỉ?

Nghĩ mãi nát óc mà không thể nào tìm ra một lời giải thích cho khả dĩ chấp nhận được, tôi bèn theo lời khuyên của ca dao thời a còng, "trăm năm trong cõi người ta/cái gì không biết thì tra gúc-gồ". Lên gúc một cái, ra ngay bài này, lâu rồi, từ năm 2011 lận. Nó ở đây: http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/ngam-ngoi-cuoi-tuan-vat-long-ai-n20111204052838465.htm, với cái tựa cũng có hơi hướm ... phản động, đó là "Vặt lông ai?"

Ừ, có thế chứ! Đâu phải có một mình tôi bí, không có câu trả lời đâu nào? Người khác cũng đã tự hỏi, và cũng đã bí lù đấy chứ. Hệt như trước đây có nhà thơ nào đó đã viết: "Cha ông chúng ta từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời/Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa/Những pho tượng chùa Tây phương không biết cách trả lời/Cà dân tộc đói nghèo trong rơm rạ ...". Bây giờ thì chúng ta có ai đang đấm nát tay trước cửa cuộc đời nữa không nhỉ, hay là cửa đã mở (nhưng các pho tượng chùa Tây Phương thì có lẽ vẫn không biết cách trả lời, hẳn là thế!)

Ở mà tôi muốn nói thêm này: bài thơ này tôi thấy sao cũng có gì đó có ý ... châm chọc, mỉa mai thì phải? Hừm, nhà thơ nói cái gì mà cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ, là sao, là sao hả, hả, hả????

Thôi, không nói lăng nhăng nữa, kẻo lại phản động, à không, suy thoái đạo đức chứ nhỉ, thì phiền chết. Thôi thì đăng lại ở đây bài viết thắc mắc của người khác, đã đăng lên trên báo chính thống hẳn hoi, cho mọi người xem này:
----------
Ngẫm ngợi cuối tuần: “Vặt lông” ai?

Chủ Nhật, 04/12/2011 15:00 |

(TT&VH) - 1. Ngày bé mẹ nghe ầu ơ: Cái cò cái vạc cái nông/ Ba cái cùng béo vặt lông cái nào/ Vặt lông con cốc cho tao/ Ta nấu ta nướng ta xào ta ăn. Nghe mãi, nghe mãi thành thuộc từ thuở nằm nôi, lớn lên nhớ nằm lòng.

Sau đó mấy câu ca dao đến lượt ru em tôi. Thời gian trôi, tôi lớn lên có gia đình. Đến lượt “cái cò cái vạc cái nông” lại lần nữa đem tặng vào giấc ngủ các con tôi…
Tôi đọc và thuộc như cháo, đọc như một thói quen chơi chạy vòng tròn, như ăn bát cháo hoa thấy mát mẻ trong lòng mà không bao giờ tìm cảm nhận về khí vị của cháo. Nào có bao giờ nghĩ đến chuyện đi tìm cái lý trong câu ca dao đâu.
2. Một hôm nằm ngẫm lại từng câu bỗng phát hiện ra cái vô lý: Ba con cò, vạc, nông đều béo, được người ta tính đến sẽ chọn một con vặt lông đánh chén. Ba đối tượng này thì đối tượng nào sẽ bị đưa lên thớt? Bất ngờ, và bất ngờ lớn nhất ở câu cuối: Vặt lông con “cốc” cho tao! Ôi trời, cốc không hề xuất hiện trong dự án làm thịt nhưng cuối cùng lại là kẻ hiến tế.
Tôi giật mình, giữ trong lòng nỗi băn khoăn. Một lần về quê hỏi thì nghe mẹ bảo: Là ca dao nó nói thế, ai biết là cái gì. Mẹ cũng nghe từ bé thế thì nhớ thế thôi…
Ờ, đều là loài kiếm ăn mặt nước nhưng câu ca dao lại phân loại khác nhau: cò, vạc, nông được gọi là “cái”. “Cái” là mẹ, là bề thế. Trong nhà là người cai quản, ra đường là bậc phụ huynh. Còn nông là “con”, là nhỏ bé và phụ thuộc. Ba “cái” bỗng nhiên thoát cảnh vặt lông, còn “con” không được nhắc tới trong sự lựa chọn bỗng được lôi tuột ra để xử. Chuyện đời thật rắc rối. Vẫn chưa tìm ra ý nghĩa của cái cảnh tréo ngoe này.
Tôi đã thấy con cốc trên trống đồng Ngọc Lũ, còn ngoài thiên nhiên thì chưa thấy bao giờ. Tuy vậy một hôm xem trên YouTube thấy ở nước ngoài, thuyền chài cốc để bắt cá. Chủ thuyền buộc dây lồng cái thòng lọng vào cổ cốc rồi thả cho cốc lặn xuống sông mò cá. Đớp được cá nhưng cốc không thể nuốt vì bị cái thòng chặn ngang cổ. Cốc ngoi lên thì chủ thuyền thu con cá rồi cho cốc lặn tiếp. Chỉ hết buổi, chủ tháo thòng lọng thì cốc mới nuốt được. Thân phận con cốc là như vậy.
3. Nào, bây giờ chúng ta cùng nhau nghĩ xem tại sao lại có chuyện này. Ca dao xưa đọc thấy như vu vơ nhưng bao giờ cũng ẩn dưới nó một câu chuyện khác. Chúng ta cùng ngẫm để lý giải xem tại sao cốc lại bị vặt lông. Phải chăng cốc nằm trong vị thế thấp cổ bé họng nhất nên thường là kẻ bị bắt nạt?
Bài và tranh minh hoạ: Đỗ Đức
----------------
Tôi cũng đọc xong rồi, nhưng đọc xong vẫn cứ thắc mắc mãi, không sao giải thích được. Ừ nhỉ, sao lại vặt lông con cốc cơ chứ? Chẳng lẽ người Việt ta từ ngàn xưa đã có thói vào hùa với kẻ mạnh để bắt nạt kể thân cô, thế cô rồi sao?

9 nhận xét:

  1. Dị bản nữa thế này:

    "Cái cò cái vạc cái nông/ Ba con cùng béo vặt lông con nào/ Vặt lông con mẹ cốc cho tao/ Ta nấu ta nướng ta xào ta ăn"

    "Cái cốc" chỉ được gọi xách mé là "con mẹ" thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn chaubochinh nhé. Chắc là có nhiều dị bản đây. Nếu hôm nào ngồi sưu tập lại chắc cũng thú vị bạn nhỉ.

      Xóa
  2. Đặt vần đề rất hay,nhưng rốt cuộc cái dấu hỏi vẫn còn đó.Tại sao lại là con cốc. ?
    Nếu con cốc là dân đen thì toàn xương xẩu,có màu mỡ gì đâu mà đòi vặt,chẳng phải uổng mấy chai Remy Martel lắm sao ?
    Tôi cũng đã đọc xong rồi,nhưng vẫn chưa hết thắc mắc.
    Tại sao thế nhỉ ?Sao lại vặt lông con cốc ? Hẳn nó phải là thứ gì béo tốt,đẹp mã lắm nhưng không ngoan,không chịu nghe lời,là thế lực thù địch chẳng hạn ?có khi là Trí thức như...cũng nên.phải cẩn thận,hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Xuân Lộc ơi,
      Cám ơn anh đã nhắc: con cốc phải là một con béo tốt đẹp mã nhưng không ngoan, chắc là thế lực thù địch, và rất có khả năng là trí thức. Anh nói làm tôi cứ giật mình thon thót vì sợ bị dính thành phần, nhưng xét đi xét lại thì tôi không có trong thành phần mà anh nói đâu ạ! Vì tôi không đẹp mã (dù có hơi béo, nhưng là béo xấu không phải béo tốt), rất ngoan (vâng, xin thề!), và không phải là trí thức gì cả, chỉ có tí bằng cấp, nhưng mà ai đó đã khẳng định rồi: không phải ai có bằng cấp cũng đều là trí thức! Thế nhé, phù!!! Hú vía!!!!!

      Xóa
  3. Không biết con nào còn béo, chứ em thấy bọn em chỉ còn bộ xương khô thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Vương Đức Việtlúc 14:45 17 tháng 4, 2013

    Con cốc chắc chắn không phải trí thức rồi. Mao xếnh xáng nói: " Trí thức hông bằng cục phân " Ai lại vặt lông cục phân bao giò chứ? Các bạn đùng lo. he he....

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Trong dân gian có câu nói khuyên nhủ những người ham việc công, phục vụ cho đối tượng gian tham nào đó, khi mà những kẻ đó coi công lao của những người ra sức chẳng là "cái đinh" gì. Câu nói đó là: "Cố cho lắm cũng công CỐC mà thôi! Con à." Mẹ tôi thường nói như thế, mỗi khi tôi tỏ ra quá hăng say... tán một em không vừa ý cụ. Thật lòng, nhờ bài viết của chị tôi mới ngộ được lời nói của mẹ tôi ngày xưa.
    Hóa ra những người phụ nữ xưa vốn hiểu rất rõ vai trò của Con CỐC trong cuộc đời này. Nhất là những người chỉ tỏ ra hăng hái đối với những việc vô bổ và không phù hợp với vị trí của mình.
    Khi thế lực nắm quyền (đôi khi gọi là cầm quyền) muốn "xử đẹp" thì chúng nhằm ngay những loại CỐC đó thôi, chứ những CÁI cánh hẩu có bao giờ đụng tới đâu, phải không nhỉ! Than ôi.

    Trả lờiXóa
  7. Cái cò cái vạc cái nông
    Ba cái cùng béo vặt lông cái nào
    Cái cò là cháu của tao
    Tao với chú nó vẫn thường lai nhai
    Cái vạc cháu của xếp tao
    Tao mà giết nó thì tao hết thời
    Cái nông chẳng của ông nào
    Vậy là nông đã toi đời nông ơi

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.