Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Yêu nước đo bằng gì?

Trước hết, xin giải thích cái tựa. Thì, các bạn biết rồi đấy, tôi làm nghề đo lường mà lại. Mà là "đo lường giáo dục" cơ đấy, tức là đo mấy cái khái niệm (tiếng Anh là "construct", mà cố GS Dương Thiệu Tống đã dịch là "khái niệm tạo lập", nhưng mà nghe nó trúc trắc quá, nên tôi tạm gọi là "khái niệm") vốn là những cái mà mấy nhà lý thuyết bày đặt nghĩ ra theo kiểu thừa giấy vẽ voi, chứ không tồn tại dưới dạng vật lý (physical existence).

Ví dụ như "thông minh" - nó là cái gì, nhỏ to lớn bé ra sao, chẳng có ai thấy bao giờ cả, nhưng ai cũng có quyền nói, "thằng bé đó thông minh lắm", hoặc "con bé đó hơi chậm chạp" (ý nói kém thông minh, cái này hồi bé là tôi hay bị người khác nói lắm!)


Khi nói rằng ai đó thông minh hoặc kém thông minh, tức là đã thừa nhận sự tồn tại của cái gọi là "thông minh", dù không nhìn thấy. Cũng như ai cũng biết là có tồn tại một thứ gọi là tình yêu, dù không ai chỉ ra được nó là cái gì. Nhưng trong cái nghề đo lường của tôi thì người ta cứ khăng khăng rằng cái gì (được xem là) tồn tại thì ắt phải đo được, còn nếu không đo được thì xem như nó không tồn tại!


Bây giờ đến "dzụ" yêu nước. Lý do hôm nay tôi nhắc đến chuyện yêu nước là do gần đây lùm xùm vụ tàu Bình Minh 2, rồi đến vụ ngày 5/6 khi một số người có đủ trẻ già lớn bé tình cờ đi bộ ngang đại sứ quán TQ ở Hà Nội và lãnh sự quán TQ ở TP HCM trong trật tự .... Cũng phải thú thật, trong cái ngày ấy tôi cũng rất muốn đi bộ ngang LSQ TQ nhưng ... không dám, vả lại ngày ấy tôi cũng có giờ dạy từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa, nên cũng chẳng có thì giờ mà đi.


Sau buổi ấy, đọc báo chí, "mạng miếc" tôi mới hay là trong số người đi bộ đó có kha khá nhiều người mình biết; mới thấy rằng mình cũng ... hèn thật! Chỉ là ôn hòa biểu lộ công khai quan điểm và tình cảm của mình đối với đất nước và phản đối sự gây hấn của người hàng xóm "lớn xác, xấu tính" kia thôi, mà cũng không dám (dù sao cũng có lý do để bào chữa: hôm ấy tôi cũng mắc đi dạy cơ mà?)


Rồi nghĩ ngợi lan man, phải chăng mình không yêu nước, hay ít ra là không yêu bằng người khác? Nhưng tôi vẫn luôn tin là mình yêu nước lắm cơ mà. Vậy tại sao tôi không dám đi bộ ngang lãnh sự quán TQ vào ngày hôm ấy nhỉ?


Và chợt nhớ ra một câu hỏi có thật mà tôi đã có dịp trao đổi trực tiếp với một GS người Úc cách đây cả chục năm, một chuyên gia đo lường trước đây giảng dạy tại ĐH Melbourne (giờ có lẽ đã về hưu, GS Patrick Griffin ấy, ở VN chắc có nhiều người biết), câu hỏi mà tôi đã đưa lên làm tựa entry này.


Chuyện như sau: lúc ấy GS Griffin đang giúp VN xây dựng công cụ đánh giá giáo viên (trong đề án phát triển giáo viên tiểu học, sử dụng vốn vay của WB, hình như thế). Và trong các chuẩn do nhà nước ta đưa ra để đánh giá giáo viên thì yêu cầu đầu tiên là phải yêu nước - tất nhiên là yêu nước xã hội chủ nghĩa! Mà hễ đã là chuẩn đánh giá, thì tất nhiên là phải đo! Vì không đo, thì làm sao biết được người này yêu nước hơn người khác?


Vấn đề ở đây là: đo lòng yêu nước thì đo cái gì mới được chứ?


GS Griffin đã đặt ra câu hỏi ấy cho tất cả những người dự buổi trình bày của ông hôm ấy. Đặt một cách nghiêm túc, và người nghe buộc phải đi đến 1 trong 2 lựa chọn: một là tìm ra được biểu hiện của lòng yêu nước và tìm cách đo nó, hai là bỏ nó ra khỏi danh sách những chuẩn mực cần thiết đối với một giáo viên.


Bị ép phải trả lời, tôi nhớ các thành viên của buổi thảo luận đã đưa những ví dụ về biểu hiện đo được - chú ý nhé, phải là biểu hiện đo, đếm được - của lòng yêu nước như sau:


- Chăm chỉ tham dự các buổi họp và học tập chính trị ở cơ quan (ai hay vắng thì kém yêu nước hơn những người đi đầy đủ)

- Chăm phát biểu trong các buổi học chính trị

- Tham gia mọi phong trào do nhà nước (cụ thể là cơ quan đang làm việc) phát động ...


Thực ra, khi đưa những biểu hiện này ra thì chính những người phát biểu cũng thấy rằng chúng vẫn còn ... linh tinh lắm! Vì ai cũng biết, có thề đi họp, đi học chính trị nhưng đầu nghĩ việc khác, tay làm việc khác (tôi là chuyên môn chấm bài vào những lúc họp); cũng có thể phát biểu "xoen xoét" nhưng bụng chẳng tin gì cả; và có thể tham gia phong trào chẳng qua là do ... sợ chính quyền mà thôi, chứ có tin yêu, tự nguyện đóng góp gì đâu. Nhưng dù sao thì đó đúng là những biểu hiện nhìn thấy và đo đếm được, theo đúng yêu cầu của GS Griffin.


Thế mới thấy, biểu hiện lòng yêu nước (chân chính) ra bên ngoài là một việc làm quá khó! Và nếu khó đo như thế, thì như GS Griffin đã nói trong cuộc thảo luận đó, thôi đừng có đưa nó ra thành chuẩn làm gì! Còn nếu thấy nó quan trọng, thì bằng mọi giá phải tìm được biểu hiện nào đo được, rồi đo nó!


Lẩn thẩn, tôi liên hệ những gì GS Griffin nói với sự kiện tàu Bình Minh 2, và tự hỏi: biết đâu TQ thử làm mấy chuyện ấy để "nắn gân" VN, xem thử dân ta có yêu nước không, có dám phản đối những việc làm ngang nhiên của họ không. Và họ sẽ tìm một biểu hiện nào đấy để đo lòng yêu nước của chúng ta, rồi sẽ chọn thái độ ứng xử tiếp theo.


Theo tôi, số lượng "người đi bộ đi ngang qua ĐSQ/LSQ TQ vào ngày 5/6" rõ ràng là một biểu hiện đo được. Cũng như độ nóng trên mạng về vụ "đi bộ" này. Vậy thì số người đi bộ hôm ấy rõ ràng phải là càng đông càng tốt, và mạng càng nóng thì càng tốt.


Nhưng ... việc "đi bộ" hôm ấy dường như không được khuyến khích. Thậm chí có nơi, ban giám hiệu trường đại học còn ra thông báo hăm he, dọa đuổi những sv nào "đi bộ ngang qua LSQ/ĐSQ TQ vào ngày 5/6" nữa kia.


Vậy, nếu ai cũng im re, nằm nhà, giống như tôi hôm ấy (nói cho đúng, tôi đâu có nằm nhà, mà đi dạy học đó chớ, không tin các bạn cứ hỏi các học viên của tôi ắt sẽ rõ!), thì TQ sẽ hiểu sao về lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của người Việt (và nhà nước VN, đảng lãnh đạo của dân tộc VN) nhỉ?


Thế nhưng, hình như các đoàn viên, đảng viên vv, những con người ưu tú, tầng lớp lãnh đạo hiện tại và tương lai của đất nước, dường như chẳng có mấy ai chịu "đi bộ" vào ngày ấy. Well, có lẽ là cũng có (?), nhưng trong số những người thuộc thành phần ưu tú mà tôi biết, chẳng có ai biểu hiện lòng yêu nước ra theo kiểu đi bộ như thế cả.


Mà ngay cả báo chí "lề phải" cũng chẳng thấy nói gì mấy (à, thì cũng có, nhưng mà ... hình như vẫn "ôn hòa", mềm mỏng, thậm chí "nương nhẹ" lắm. Nương nhẹ với "cái cướp", tôi hình dung mẹ tôi sẽ nói như thế, nếu bà còn sống.)


Vậy mà theo tôi biết, thì tất cả các đảng viên, đoàn viên ấy chắc chắn phải yêu nước hơn tôi rất nhiều. Chứ gì nữa, họ được đảng giáo dục kỹ lưỡng đến thế còn gì.


Nhưng yêu nước mà không biểu hiện ra chút nào như thế, thì làm sao người khác biết được nhỉ? Rồi lỡ TQ nó hiểu lầm là VN ta ... rất hài lòng với mối quan hệ 16 chữ vàng hiện nay, và không hề than phiền gì về những hành động kia, thì sao nhỉ?


Hừm ... Khó quá, tôi không thể nào nghĩ ra được.


À thôi đúng rồi: thì họ biểu hiện đúng bằng những điều đã nêu ở trên đấy, còn gì nữa: đi họp, học chính trị (về sự quan trọng của đấu tranh bằng ngoại giao, chắc thế), tham gia mọi phong trào do nhà nước tổ chức vv (còn cái gì không phải do nhà nước tổ chức, vd như vụ đi bộ kia, thì chắc chắn không tham gia).


Chỉ có thế thôi, mà nghĩ mãi không ra!


PS: Chuyện đo lòng yêu nước này không phải tầm phào đâu nhé; trước đây trên thế giới cũng đã có hẳn một nghiên cứu "xuyên quốc gia" về vấn đề này rồi đấy. Bạn nào không tin thì cứ google với cụm từ này "how to measure patriotism" là ra ngay thôi! Đây, nó ở đây này!

21 nhận xét:

  1. Ôi em thích entry này của cô quá. Rất thâm thúy cô ạ :-)

    Trả lờiXóa
  2. Hi Xu,

    Lâu quá mới gặp em ở đây. Em khen làm tôi phổng cả mũi đây này! ;-) Thanks Xu nhé.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết này của chị rất lý thú. Cảm ơn Chị vì bài viết!
    Xây dựng thang đo cho khái niệm yêu nước, cũng căng nhĩ.Các biến quan sát (không biết dịch qua tiếng Việt vậy có đúng không?) mà các đồng nghiệp của Chị đưa ra...mắc cười quá, đúng là yêu nước thời XHCN! Nếu ai có biết sơ qua về khoa học hành vi thì ắt sẽ hiểu việc xây dựng thang đo thái độ cho một khái niệm là gian truân lắm lắm lận. Từ việc xây dựng thang đo sơ bộ cho đến việc phân tích định tính rồi đến dùng các công cụ thống kê để phân tích định lượng nhằm kiểm định độ tin cậy, độ giá trị,...của thang đo.
    Xây dựng thang đo cho khái niệm yêu nước là đề tài khá hay và lý thú. Theo thiển ý của tôi, biến quan sát đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng nên thang đo lòng yêu nước cho người Việt Nam phải là:
    "Tôi sẵn sàng xuống đường biểu tình chống bọn Tàu khựa khi chúng có hành động gây hấn với ngư dân hay lấn chiếm vùng biển đảo của Việt nam" (Thang đo Likert cho điểm từ 1 đến 7, 1:hoàn toàn đồng ý, 7: hoàn toàn phản đối).
    Kính Chị!
    nguyennx

    Trả lờiXóa
  4. Bạn nguyennx thân,

    Lâu quá mới lại gặp bạn. Tôi có tình cờ tìm được trang blog của bạn và thỉnh thoảng cũng có vào nh à bạn để đọc lén đấy.

    Phần bạn viết về đo lường thái độ rất hay! Và tôi cũng đồng ý với cách đo lòng yêu nước của bạn.

    Thanks!

    Trả lờiXóa
  5. Entry này thật là thấm thía, chị Phương Anh ạ!

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn Chị đã chiếu cố ghé thăm tệ xá. Thật buồn và ái ngại khi chẳng có món ngon đãi khách quý, nhìn quanh chỉ toàn những món được tạo ra bởi công nghệ C&P (Copy & Paste)!hehe...
    Chúc Chị sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  7. Bài viết của chị rất thú vị, và/vì khác biệt với những bài cùng đề tài. Trên Facebook lúc kêu gọi đi bộ qua ĐSQ TQ, có người đưa ra tiêu chí đo:
    Đi biểu tình là yêu nước
    Không đi biểu tình là không yêu nước
    Ngăn chặn biểu tình là bán nước
    Một blogger bình: tiêu chí 1 và 3 thì đúng, nhưng tiêu chí 2 thì chưa chắc đã đúng.

    Ngồi gõ vài chữ, post lên blog, web, facebook có phải là biểu hiện của lòng yêu nước không?

    Trả lờiXóa
  8. Bác levinhhuy,
    Tôi có comment trên nhà bác rồi nhé.

    Nặc danh 23:45 ngày 7/6,
    Có phải anh (bạn?) là "người bán báo" đó không? Nếu không phải, thì xin lỗi bạn rất nhiều, và mong biết quý danh, dù là quý danh ảo. Nếu phải, thì nhà anh có rất nhiều thứ quý giá, anh ạ!

    Nặc danh 9:20 ngày 8/6,
    Cám ơn lời khen, thông tin thêm, và cả câu hỏi rất hay của bạn. Tôi thì tôi nghĩ, viết blog như tôi có lẽ cũng được xem là biểu hiện của lòng yêu nước, nhưng mà là ... sự yêu nước của một người ... hèn, có lẽ thế?

    PA

    Trả lờiXóa
  9. Thật xin lỗi Chị. Do sơ suất quên ký tên trong comment phía trên nên đã làm Chị khó nghĩ.
    nguyennx(Nặc danh 23:45 ngày 7/6)

    Trả lờiXóa
  10. Ồ, ai cũng yêu nước. chỉ có điều nước họ yêu là nước nào mà thôi. Có khi những người đi bộ ngày 5/6 vừa qua yêu một nước còn những đảng, đoàn viên lại yêu một nước ... khác !

    Trả lờiXóa
  11. "Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ" nhiều người bị làm khó, bị khổ khi yêu lắm cô ạ.

    Trả lờiXóa
  12. Nếu la to lên: Tôi yêu nước! thì cũng giống như đi bác sĩ khám bệnh cầm toa thuốc, vậy thôi! Khi nào mới thật sự là yêu nước? Có những hành động, việc làm, giống như mua thuốc về uống khỏi bệnh. Mình mượn lời của một người để nói cho vui vậy thôi. Những lời hoa mỹ, những việc làm tỏ vẻ khoe khoang...để chứng minh lòng yêu nước không có ý nghĩa gì. Trong thâm tâm một người, cũng chưa hiểu tường tận mình có hay không yêu nước và tình cảm đó đến mức nào, nếu không đưa người đó trước những thử thách, những chọn lựa.

    Trả lờiXóa
  13. Từng là HS dưới mái trường XHCN, ai mà không biết: YÊU NƯỚC là và phải là YÊU ĐẢNG, YÊU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI. Như vậy thì đã rõ rồi, với một bên là những người trấn áp biểu tình (bên A) và bên kia là những người biểu tình (bên B), ta có:
    1/ Vì bên A đương nhiên phải là rất yêu nước nên chứng tỏ rằng bên B đã không yêu nước.
    2/ Vì bên B căm ghét TQ (nhìn biểu ngữ, băng rôn thì bít)nên chứng tỏ rằng bên A rất yêu quý TQ.

    Trả lờiXóa
  14. Tiếng Anh và Pháp họ có hai danh từ để nói về lòng yêu nước : nationalism và patriotism. Riêng về chữ thứ hai thôi (patriotism) mà cũng có tới ít nhất 5 định nghĩa khác nhau. Thôi thì mình hãy để sự tranh luận này sang một bên mà chỉ nên đề cập đến lòng yêu nước có đạo đức. Tôi lấy một ví dụ nhé : tỉ dụ tôi là lính Mỹ và tôi nghĩ là việc gửi quân sang đánh Irak (hoặc ngay cả Việt Nam ngày xưa) là sai, không chân chính, tôi khẳng định từ chối và tôi sẽ trốn không đi dù cho có bị bắt đưa ra tòa (như trường hợp ông Casius Clay hoặc những tân binh Mỹ gần đây). Ở đây tôi muốn đặt vấn đề khác biệt giữa nghĩa vụ quốc gia và lòng yêu nước. Nghĩa vụ quốc gia thì có thể mù quáng, trong khi lòng yêu nước đúng cách phải luôn luôn đi đôi với đạo đức. Ngày xưa ở miền Nam VN có bài hát : ..."đi quân dịch là yêu nòi giống"...thế mà những đứa trẻ ở tuổi tôi thời bấy giờ đứa nào cũng tìm mọi cách để khỏi đi quân dịch, mặc dù chúng tôi không ít thì nhiều đều có lòng yêu nước.
    Lòng yêu nước là một cái gì bàng bạc và thiêng liêng giống như lòng yêu thương người Mẹ hay Bố mình. Nhà nước và chế độ hiện tại có thể làm sai, đi sai đường nhưng lòng yêu nước chân chính và có đạo đức thì không bao giờ sai cả. Nó là một tình cảm bao la, nó dạt dào như lúa vàng vùng vẫy đẩy đưa trong gió chiều, nó đậm đà ngọt ngào như chuối ba hương, nó chan chứa ân tình đã được un đúc và nung nấu từ bao thế hệ tổ tiên cha ông chúng ta.
    Mặc nhà nước cứ định nghĩa lòng yêu nước theo ý họ. Chúng ta nếu thấy cần phải làm điều gì chân chính đầy hiểu biết và thương yêu cho quê hương thì ta cứ làm, trong phạm vi nhân bản tuyệt vời của con người có tư cách và văn hóa. (Nguyễn Duy Vinh, giáo sư già về hưu)

    Trả lờiXóa
  15. Có lẽ đảng ta đo lòng yêu nước bằng cách làm cho người dân(trong đó có họ) phải thần phục TQ!

    Trả lờiXóa
  16. Đinh Tấn Phướclúc 21:57 15 tháng 6, 2011

    Xin chào Vũ Thị Phương Anh,
    Tôi là Đinh Tấn Phước, đang công tác ở sân bay Chu Lai. Rất vui khi đọc được "Thơ, thấy chưa!" của bạn. Tôi muốn xin địa chỉ của Phương Anh để gửi tặng "Chạm bóng" - tập thơ mới in của tôi.
    Chúc Vũ Thị Phương Anh và gia đình hạnh phúc, sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  17. Từng là HS dưới mái trường XHCN, ai mà không biết: YÊU NƯỚC = YÊU ĐẢNG + YÊU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI. Như vậy thì đã rõ rồi, với một bên là những người trấn áp biểu tình (bên A) và bên kia là những người biểu tình (bên B), ta có:
    1/ Vì bên A đương nhiên phải là rất yêu nước nên chứng tỏ rằng bên B đã không yêu nước (?)
    2/ Vì bên B căm ghét TQ (nhìn biểu ngữ, băng rôn thì bít)nên chứng tỏ rằng bên A rất yêu quý TQ (!)
    3/ Bên A sống và làm việc nhờ thuế của dân Việt nên chứng tỏ rằng bên B không phải là dân Việt (?)

    Trả lờiXóa
  18. Gửi anh Đinh Tấn Phước,

    Xin lỗi không hồi đáp sớm hơn cho anh. Tôi có viết một mẩu mới trên blog này, với tựa đề là "Thơ, thấy chưa!" (2), không biết anh đã đọc chưa ạ?

    Entry mới là viết cho anh đấy, nhưng mấy ngày mà chưa thấy anh đọc, nên tôi xin gửi mấy giòng này để hy vọng đến được anh.

    Rất cám ơn nhã ý tặng thơ của anh, và mong nhận thư anh qua email này nhé: vtpanh@gmail.com.

    Và cuối cùng, chúc anh sớm có thêm nhiều tập thơ mới.

    PA

    Trả lờiXóa
  19. Tác giả này? bạn nghe truyện "Người Việt Nam nói một đằng làm một nẻo !" bao giờ chưa? Khi bạn kéo người ta xuống đường biểu tình, bạn biết một ngày nhà nước mất bao nhiêu tiền không?? Để tôi xác định một phần cho bạn hiểu rõ, đất nước đang khó khăn, nền kinh tế thì suy thoái theo biến động của thế giới, bạn có bao giờ nghĩ rằng ở thời đại này muốn yêu nước, muốn bảo vệ đất nước cần rất rất nhiều tiền không hả? chắc hiểu sơ sơ đúng không? 6 chiếc tàu ngầm lớp kilo trị giá 3.2 tỉ đô khi đem nhân với 20870đ theo giá 12/8/2011 của Vietcombank bằng 6,6784 × 10^13 đồng. Bạn yêu nước bằng cách "đi bộ" sao?? à chết quên tiền mua tàu là thế nhưng tiền huấn luyện, mua trang thiết bị, vũ khí, đạn dược cho 6 chiếc tàu này là hơn 6 tỉ đô đó thưa bạn, yêu nước như bạn là một sai lầm, đó, tôi đưa ra thang đo độ yêu nước rồi đó, "đừng hỏi tổ quốc làm gì cho ta..." câu đấy hoàn toàn có ý nghĩa đấy và bạn hãy thử liên lạc và nói chuyện với TS của bạn về thang đo này xem!

    Trả lờiXóa
  20. Hây da !
    Không biết bác nặc danh tên gì để kêu cho đích danh. Nhìn bác phân tích về 6 con cá nục ấy cũng thấy đúng, cũng có ý, có cái tâm nhưng vẫn thiếu cái tầm thì phải. Không biết bản thân bác đã nỗ lực đóng góp được phần nào trong con 6 con cá nục ấy được mấy đồng nhỉ! Nếu như bác đừng nêu ý kiến của bác lên đây thì tốt hơn vì ý của gia chủ lớn hơn của bác rất nhiều. Cảm ơn chị Phương Anh vì bài viết rất hay !

    Trả lờiXóa
  21. Cảm ơn trang chủ, và rất cảm ơn khi trang chủ là người dũng cảm của phái đẹp.
    Nghe đến từ yêu nước là người ta hiểu ngay hoàn cảnh cấu thành vấn đề rồi! Giống như anh ấy rất thương đồng bào/ có nghĩa là đồng bào cũng rất là đáng thương và đang cần được quan tâm.
    Nếu nước anh là một cường quốc về văn hóa, về quân sự, về kinh tế thì người ta ít dùng từ yêu nước, thay vào đó sẽ là một từ khác! Khi đã phải dùng đến từ yêu nước, từ hy sinh hay quên mình thì buồn nhiều hơn vui.
    Bác Minh Tú với bác nặc danh hơn thiệt chi cho mệt ! Mà người ta đã phải dùng "nặc danh" rồi thì còn phải trái chi nữa! Sao phải nặc danh?: Sợ!?
    Sao phải sợ??? Mà lại là sợ khi nói đến lòng yêu nước???
    Thế là rõ! Kiếm vài li uống cho quên m ẹ nó đời đi, mới là thông thái.
    em sorry các bác ạ.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.