Tựa của entry này là một câu thành ngữ của VN, ý nói đang cần cái gì thì nó bỗng xuất hiện ngay cạnh mình.
Vậy tôi đang cần gì, và cái gì xuất hiện ngay cạnh tôi thế? Chẳng là tôi đang có vài tranh luận nho nhỏ trong cơ quan, và ... trên các blogs của tôi, và cả trên báo chí, công luận nữa, về một vài vấn đề cũng ... nho nhỏ thôi. Nhưng hình như càng trao đổi ý kiến thì câu chuyện càng trở nên ... trầm trọng.
Thậm chí đôi khi tôi còn có cảm giác là kết cục của những tranh luận này - dù vấn đề thật nhỏ nhặt - sẽ dẫn đến những đổ vỡ trong quan hệ nữa. Nếu ai đó - kể cả tôi, và có lẽ nhất là tôi - không biết cách ứng xử khéo léo, để vẫn giữ được ý riêng của mình nếu mình tin là mình có điểm đúng, vừa tôn trọng và lắng nghe ý kiến người khác nhưng không tin và chấp nhận một cách mù quáng.
Tôi không có kỹ năng này. Ít ra là không có một cách thuần thục, mà phải khó khăn, vật vã để thành công trong các cuộc tranh luận theo phương châm mà tôi đã nêu ở trên. Tức vẫn là mình, nhưng vẫn tôn trọng người khác, không cãi bướng mà cũng chẳng vào hùa. Biết mình, biết người, biết nhận cái sai của mình chứ không lớn lối, tự vỗ ngực "duy ngã độc tôn", nhưng cũng dám nói - một cách nhẹ nhàng, lịch sự nhưng hiệu quả - về cái sai của người đối diện.
Chà, khó thật ấy chứ. Tôi nghĩ, người VN mình rất thiếu cái này. Hình như văn hóa Tây thì nó có khá hơn một chút. Vì nó chú trọng đưa kỹ năng này vào dạy ở trong trường. Và văn hóa của nó khuyến khích sự tranh luận.
Trước đây tôi cũng đã viết về vấn đề này trên blog này rồi. Trong một bài viết có cái tựa là "Văn hóa tranh luận và lời xin lỗi".
Nhưng tôi đang lạc đề. Vì tựa của entry này là "Buồn ngủ gặp chiếu manh". Buồn ngủ thì nói rồi: đang tranh luận với bạn bè. Vậy chiếu manh đâu?
Ừ, thì nó ở đây này. Trên Tuần Việt Nam, sáng hôm nay. Bài viết mới (dịch) có tựa là "Tranh luận một cách đúng đắn". Ở đây.
Tôi đã liếc sơ qua rổi. Không có gì là cao siêu, hoặc mới lạ. Toàn là common sense thôi. Nhưng ... đúng, và cần học nếu chưa biết, hoặc nếu biết rồi thì cần ôn lại, thường xuyên.
Xin trích lại đây vài câu để tự răn mình:
Bất chấp bản chất của bất đồng, hãy cố gắng để cảm xúc của bạn ngoài cửa. "Bất đồng được giải quyết một cách tốt nhất bằng thái độ khách quan chứ không phải bằng cảm xúc".
[...]
Nếu ý kiến trao đổi của bạn trở nên nóng nảy, hãy đưa cuộc nói chuyện trở lại với những sở thích và mục tiêu chung của hai bên. Nhấn mạnh lại về cuộc đối thoại trong tương lai. "Anh không thể giải quyết xung đột bằng một vấn đề đã xảy ra, nhưng anh có thể khiến cho diễn biến trở nên sáng sủa hơn".
[...]
Nếu đồng nghiệp của bạn phản kháng hay hung hăng, có lẽ tốt nhất là hãy nghỉ không tranh luận nữa. Bạn có thể dừng suy nghĩ để quan sát tiến trình của cuộc đối thoại. Cách quan sát "người ngoài cuộc" này có thể giúp bạn thấy được viễn cảnh của những gì thực sự đang diễn ra.
Và cuối cùng, dos and don'ts
Nên:
- Chú trọng vào những lợi ích và mục tiêu chung
- Hiểu bản chất của sự bất đồng trước khi gặp đồng nghiệp
- Giữ thái độ cởi mở để thuyết phục
Không nên:
- Tỏ ra bạn hiểu hết những ý đồ của đồng nghiệp
- Cố gắng giải quyết bất đồng qua thư điện tử
- Ngăn đồng nghiệp bộc lộ sự giận dữ
Làm được những điều này có dễ không? Không, chắc chắn là không. Ít ra là tôi thấy thế.
Tự nhiên tôi nghĩ, biết cách tranh luận một cách đúng đắn, hiệu quả, liệu có phải đó là indicator - chỉ báo - đầu tiên của một trí thức hay không, nhỉ?
E rằng có nhiều người (trí thức VN?) nói là KHÔNG! Thì định nghĩa này tôi viết cho tôi thôi mà. Nhưng vẫn (trộm) nghĩ, hình như tại vì "trí thức" VN không biết cách tranh luận đúng đắn, nên xã hội VN nó mới thế này đây!
Chỉ là một suy nghĩ vụn, và ... nhảm!
Blog này là hậu thân của BlogAnhVu đã bị tôi xóa do một số vấn đề kỹ thuật. Như tên gọi của blog, Just for myself, nó chỉ là nhật ký cá nhân, dù ở dạng mở, nhằm ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của chính tôi về những vấn đề xung quanh mình. Vì là nhật ký mở, tôi cũng chia sẻ đến những người đồng cảm, nhưng không chịu trách nhiệm nếu ai đó lấy bài đi và sử dụng ở nơi khác với những mục đích riêng. Nếu có comment, xin sử dụng ngôn từ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng những quan điểm khác biệt.
Entry của mẹ khá hay. Đọc xong entry này con học được nhiều điều bổ ích về kỹ năng tranh luận ghê. ^^
Trả lờiXóaMà entry này con thấy hay nhất là cái hình ( cái này con đạo của mẹ...hehe :D )
Trả lờiXóaHi Khuê,
Trả lờiXóaThanks for your comments.
Đọc về tranh luận rồi thì từ giờ tranh luận cho hiệu quả Khuê nhé! Không đem cảm xúc vào tranh luận, nhớ đấy!
Cám ơn cô đã chia sẻ. Em (không phải trí thức) xin góp thêm vài ý nhỏ.
Trả lờiXóa1. Theo em, đôi khi tranh luận bằng cách viết, thay vì nói, cũng có cái lợi. Một là người tranh luận sẽ không thể dùng non-verbal language để át mình (đôi khi hung hăng và giọng to cũng là một lợi thế trong tranh luận trực tiếp, dù là một lợi thế không hay gì). Hai là mình có thời gian sắp xếp ý tưởng, cũng như hiểu ý tưởng người kia thấu đáo hơn. Ngôn ngữ cũng sẽ tiết chế hơn. Còn nếu sự hằn học thể hiện ngay trong bài viết thì đúng là nan giải thật.
2. Để tránh hiểu lầm không đáng có, em nghĩ mình nên cố gắng dùng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Nếu có thể diễn đạt ý tưởng một cách đơn giản thì không nên bọc nó vào những ngôn từ trừu tượng, đao to búa lớn (và thường không được định nghĩa chặt chẽ). Những người được mệnh danh là public intellectual như Paul Krugman vẫn cố gắng diễn đạt ý tưởng phức tạp bằng ngôn từ đơn giản, thì hà cớ gì mình phải dùng từ ngữ màu mè trừu tượng để diễn đạt những ý tưởng dễ hiểu?
3. Có lẽ cũng nên cố tâm niệm là tôi và anh có thể bất đồng ý kiến về một vấn đề nào đó, nhưng nhìn chung chúng ta không có bất đồng. Tôi phản đối ý kiến của anh không có nghĩa là tôi phản đối con người anh. Điều này em đã nói vài lần, và bản thân vẫn cố thực hiện.
4. Nhìn chung em đồng tình với indicator của cô. Có điều, nếu được, em sẽ giữ lại hai chữ "đúng đắn" và bỏ đi hai chữ "hiệu quả". Suy cho cùng, tranh luận có hiệu quả hay không phụ thuộc vào cả hai bên. Một người có thể trình bày ý tưởng đúng mực, nhã nhặn, nhưng người kia cứ khăng khăng cho mình là đúng thì cuộc tranh luận cũng khó đi tới đâu. Mà, quả thực, chỉ cần các bên tranh luận nhã nhặn, thì các diễn đàn của VN đã tốt hơn nhiều rồi.
5. Nhân nói đến chuyện tranh luận, em nghĩ blog sau đây của Gail Collins và David Brooks, hai cây bút bình luận quen thuộc của New York Times là một ví dụ khá hay: http://opinionator.blogs.nytimes.com/category/the-conversation/.
Một người là Democrat, một người là Conservative, nhưng vẫn có thể tranh luận rất hòa nhã và hài hước. Nếu có dịp cô thử ghé xem, coi như "trực quan sinh động" minh họa cho "lý thuyết khô khan" về tranh luận. Blog này có khá nhiều đề tài về chính trị Mỹ có thể không phải mối quan tâm của độc giả VN, nên em xin chọn ra 1 entry (cũng khá thought-provoking và không quá xa vời) để giới thiệu: Why househusbands are the future (http://opinionator.blogs.nytimes.com/2010/02/17/why-househusbands-are-the-future/)
SGK
Để tránh xung đột trong vấn đề tranh luận thì tôi thấy câu này tôi chịu nhất.
Trả lờiXóa"Biết thì nói, không biết thì dựa cột mà nghe."
Nếu biết mình, biét nguời thì việc gì cũng xong cả.
Cũng xin thêm môt chút là nói với giới nào thì dùng ngôn ngữ của giới đó. Không thể xử dụng ngôn ngữ bác học mà trao đổi với nguời chưa qua truờng lớp đuợc và nguợc lại cũng thế.
Xin trích một câu để đời, "Các nuớc có Đường sắt cao tốc thì dân có chỉ số IQ cao"
" Ở nuớc ngòai, các bà đi chợ và trẻ em đi học bằng đuờng sắt cao tốc"
Đó là những khởi đầu của những cuộc tranh luận bất tận...
Choi
P.S. Đừng bao giờ nên tranh luận với vợ. Vì chắc chắn sẽ thua và sẽ ăn mì gói dài dài.
"Tranh luận 1 cách đứng đắn" mà còn thấy mệt.Vậy thì nghĩ xả hơi đừng tranh luận nữa vì"Nhịn...nhịn...nhịn là đại dũng.Đứa thất phu ko bao giờ nhịn được,chỉ có người quân tử mới có đức tính nầy thôi."
Trả lờiXóaHi SGK,
Trả lờiXóaCám ơn sự đồng cảm, và các cái link của em. Cô sẽ bỏ thời gian để đọc và ... viết tiếp cảm nhận của mình, có lẽ thế!
Bác Chơi,
Em thích 2 ý của bác:
1. giới nào thì dùng ngôn ngữ của giới đó
2. không tranh cãi với vợ, cái này là universal truth đó bác à! ;-)
Anh Cà Tửng ơi,
Rất cám ơn lời khuyên. Của một người từng trải, tôi tin thế, đúng không anh?
PA
Cảm ơn bài viết của chị PA.
Trả lờiXóaEm cũng là người cảm thấy khó mà dàn xếp cái "tôi" của mình trong các cuộc tranh luận. Tuy nhiên em khoái cách tranh luận trong "Six Thinking hats" của De Bono. Vì trong cuộc tranh luận, cốt lõi là kết luận vấn đề (outcome)nào thực sự chấp nhận được. Văn hóa Việt dễ làm mọi người đồng tình với một vấn đề mà không cần biết kết quả ra sao (a dua).
Dear Secret Garden,
Trả lờiXóaSáu màu mũ rất đẹp nhưng có vấn đề hơi khó chọn môt chút là mình sẽ đôi mũ màu gì đễ tranh luận với những màu mũ khác. Cũng hơi rắc rối giống như mình phải đeo mặt nạ nào khi tiếp xúc với ai.
Cái khổ nhất trên đời là sáng ra khỏi nhà phải đem theo nhiều mặt nạ để thay đôi khi tiếp xúc. Nhiều khi mình không biết mình là ai nữa.
Trở lại vấn đề sáu màu mũ. Mũ thì có rất là nhiều màu mà cái màu thông dụng ở VN là màu mũ "Tai Bèo" mà nếu mình đội cái mũ màu vàng mà mình tranh luận với màu mũ tai bèo thì mình thua là cái chắc phải không?
Just Kidding..
Dear 張雅筑張雅筑
I would appreciate if you could use Vietnamese or English language to give Comment.
"Hiểu chết liền" vì bạn dùng tiếng nước lạ.
Respectfully,
Choi
Hi hi hi,
Trả lờiXóatiếng nước lạ,
tàu lạ,
lạ
Cảm ơn anh Choi,
Vậy anh cố gắng đội mũ tai bèo đặng nói chuyện với mũ tai bèo. Em thì chỉ sợ trong cuộc tranh luận, thiếu mất người đội mũ xanh (Blue), nó lại hóa ra cái chợ ấy chứ.
Bác Chơi và SG,
Trả lờiXóa1. Cám ơn mọi người đã đọc và share thoughts về cái entry này. Không ngờ đấy, vì nó rất ... linh tinh, như những suy nghĩ của chủ nhân của blog.
2. Tiếng nước lạ: không biết mắc chứng gì mà thỉnh thoảng cứ có người nước lạ vào đây comment bằng tiếng nước lạ. Vì em không biết tiếng ấy nên hễ có nó là em delete đi bác Chơi ạ. Nên em đã delete rồi. Đối với em, comment bằng tiếng nước lạ là spam. Lần sau bác thấy thì bác cũng mặc nó nhé, từ từ em thấy thì em delete.
Trừ phi là bác thích "tranh luận đúng đắn" với các bạn nước lạ, lúc ấy thì em sẽ để comment của bác lại mà vẫn delete cái của bạn nước lạ đi. Lúc ấy bác sẽ bị thiếu background cho phần tranh luận của bác, hơi bất tiện nhưng ... ráng chịu vậy bác nhé. Vì em đã nói, comment bằng tiếng nước lạ trên blog của em thì là spam mà. Phải kiên định lập trường chứ bác nhỉ?
3. Mũ tai bèo: SG và bác Chơi làm em nhớ đến thơ của nhà thơ chính trị vĩ đại của VN và mọi thời đại, chắc thế, mà hồi học ở THPT em đã phải học rất nhiều.
Ôi chiếc mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ
Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành
Sáng trên đầu như một mảng trời xanh
Mà hăng hái mà tung hoành ngang dọc
Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả Lầu Năm Góc!
Chị e rằng bác Chơi bác ấy không đội nổi chiếc mũ ấy đâu. Chị còn chẳng đội nổi nữa là! Nó ... vĩ đại quá em ạ, "đỉnh cao trí tuệ loài người" chứ có ít đâu!
PA
Nhân nói đến chuyện tranh luận, tình cờ hôm nay báo có đăng một phản biện (phản bác?) cho những nhận xét của blogger NVT về đề thi tiếng Anh vừa rồi. Đọc vào, nhớ đến entry này, tự dưng em nghĩ post ý kiến phản biện này ở đây cũng thích hợp (như một case study về dos and don'ts trong tranh luận nói chung và phản biện nói riêng). Mọi người đọc ở đây: http://www.baomoi.com/Home/DaoTao/www.tamnhin.net/Chuyen-gia-phan-bac-vu-dao-van-de-tuyen-sinh-Tieng-Anh/4591379.epi.
Trả lờiXóaTrích:
Ông Lê Quốc Hạnh, một trong những người từng tham gia ra đề thi môn Tiếng Anh phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CD của Bộ GD & ĐT trong những năm trước đây. Trước khi giữ chức vụ trưởng phòng Đào tạo, ông là trưởng khoa Tiếng Anh của Đại học Hà Nội.
Ông Hạnh nói: "Với tư cánh cá nhân, tôi khẳng định không có chuyện “đạo văn” trong đề thi tuyển sinh môn Tiếng Anh, sau khi nghe và đọc thông tin trên tôi đã xem lại đề thi rất kỹ, không thấy đề thi có sai sót gì. Đề thi Tiếng Anh đã được nhiều người đánh giá là một đề thi rất phù hợp với các thí sinh".
Đề thi tuyển sinh của Bộ GD & ĐT, được soạn thảo đúng quy trình, dưới sự giám sát chặt chẽ, không có chuyện cắt, gián như nhận định của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ông Hạnh nói tiếp: Không có chuyện đạo đề, đạo văn, không có chuyện sai về chuyên môn, đề tiếng Anh là một đề thì được quan tâm hàng đầu. Các đồng nghiệp của tôi đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình.
"Cả 3 đợt thi tuyển sinh ĐH,CD, kết thúc đã hơn 1 tuần nhưng dư luận xã hội vẫn chưa có một đánh giá nào về đề thi tuyển sinh năm nay. Hàng ngàn giáo viên bộ môn Tiếng Anh của các trường PTTH, giảng viên các trường Đại học, các Học viện, các trường Cao đẳng, các chuyên gia trong lĩnh vực Tiếng Anh và hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh năm 2010, họ sẽ lên tiếng nếu như đề thi ra không đúng, không phù hợp", ông Hạnh cho biết.
SGK