Mà cũng không chỉ thích, tôi còn là dân gốc nhân văn, ngôn ngữ, tức cũng được học hành chút chút. Thời còn đi học đại học tôi lại khá môn dịch, và cũng có chút ít thành tích là được chọn làm mấy "đề tài khoa học sinh viên" về dịch thuật và so sánh tiếng Anh tiếng Việt, đại khái thế.
Nói thế để nói rằng những gì tôi viết ở đây, dù hơi lan man, tản mạn, đôi khi lăng nhăng lít nhít, nhưng cũng không phải là không có gì đáng quan tâm về mặt ... khoa học đâu. Seriously, no kidding, các bạn ạ! Cứ đọc đi, ngoài việc mua vui được vài trống canh, các bạn khối văn chương ngôn ngữ chắc cũng thêm được đôi chút thông tin bổ ích đấy!
Vậy chứ tôi định viết gì ở đây nào? À, thì viết về oxymoron.
Oxymoron là một trong những "biện pháp tu từ", hoặc cũng có thể gọi nôm na là một "tiểu xảo" về ngôn ngữ mà các cây bút lớn, hoặc các nhà hùng biện, tóm lại là những người sử dụng ngôn ngữ một cách chuyên nghiệp để kiếm sống, thường hay sử dụng để gây ấn tượng cho người nghe, nhằm đạt được hiệu quả cao trong các cuộc trao đổi, tranh luận.
Định nghĩa nguyên văn bằng tiếng Anh, lấy từ trên từ điển mạng, ở đây, là như thế này:
a combination of contradictory or incongruous words (as cruel kindness); broadly : something (as a concept) that is made up of contradictory or incongruous elementsCác ví dụ về oxymorons trong tiếng Anh rất nhiều, xin kể ra đây một vài từ để mọi người ... chiêm ngưỡng thành quả lao động của những người sử dụng ngôn ngữ thuộc hạng siêu:
- cruel kindness = sự tốt bụng độc ác
- deafening silence = sự im lặng chói tai
- cold sun = mặt trời lạnh
- smart failure = sự thất bại diệu kỳ (well, tôi dịch không sát nghĩa lắm, nhưng thôi tạm chấp nhận nhé)
Còn nhiều, nhiều lắm! Ai quan tâm, có thể đọc thêm ở đây, hẳn một cuốn sách viết về oxymorons, bằng tiếng Anh, hơn 200 trang lận đó. Một cuốn sách rất hay, đáng đọc. Thậm chí, đây có thể là cuốn sách tạo nền tảng lý luận cho một đề tài luận văn tốt nghiệp hoặc luận văn thạc sĩ cho các bạn học ngôn ngữ học so sánh được đấy, tại sao không nhỉ?
Tản mạn thế cũng đủ rồi. Bây giờ là giải thích cái tựa entry này, và cũng là giải thích tại sao hôm nay tôi lại viết về oxymoron.
Thực ra, có lẽ tôi không cần giải thích, nhỉ? Vì tôi tin là cho đến nay câu phát biểu về vụ "phá sản kiểu VN" của Vinashin của TS Nguyễn Đức Kiên đã trở nên nổi tiếng lắm rồi, có lẽ không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng trên toàn thế giới nữa!
Sau những phát biểu hùng hồn của TS Kiên, báo chí đã thi nhau đưa tin về vụ này, đến nỗi một người ít đọc báo như tôi cũng còn biết đến cụm từ "tàn phá sáng tạo" được ông Kiên dùng để chỉ vụ phá sản của Vinashin đấy. Của đáng tội, thực ra tôi không đọc cũng không xong với ông xã tôi; hôm ấy ông ấy đọc trên báo xong, bực quá, chửi thề vài tiếng (sorry), xong thẩy tờ báo cho tôi, bảo, "em đọc bài này đi!".
Tôi đang bận, không chịu đọc, thế là ông ấy đọc luôn cho tôi mấy dòng ấy, mà đến nay tôi chỉ còn nhớ 2 cụm từ là "phá sản kiểu VN", và "tàn phá sáng tạo".
Tôi ấn tượng nhất là với cụm từ tàn phá sáng tạo. Vì nó hay quá, mà cũng ... "điêu" quá! Và vì thấy ông Kiên ông ấy bảo đấy là khoa học gì gì đấy, nên tôi phải lên mạng tìm xem có thực là có cái khái niệm "tàn phá sáng tạo" đấy trong kinh tế hay không.
Và quả nhiên là ... có, các bạn ạ, thế mới hay chứ! Tiếng Anh của cụm từ này là creative destruction. Nghĩa của nó đúng như ông Kiên nói đấy nhé!
Mà cũng không chỉ có creative destruction. Ngược lại với cụm từ này, vốn là một oxymoron, trong tiếng Anh còn có một oxymoron khác có liên quan, là destructive creation. Khó dịch quá, nhưng thôi, tôi tạm dịch là "kiến thiết hủy diệt". Ai có cụm từ hay hơn thì cho tôi biết nhé!
Nói thêm về creative destruction và destructive creation. Cụm từ đầu là do ông Schumpeter đặt ra, và không chỉ mấy người VN như tôi và ông xã tôi nghe thấy ... bực, mà tây nó nghe cũng thấy bực, nên nó bèn đặt ra cụm từ sau để chửi lại mấy người dùng cụm từ đầu để tự bào chữa cho sự tàn phá (sáng tạo) của mình.
Và sau khi cụm từ sau ra đời, thì nó luôn được sử dụng để nói đến tình trạng xây dựng, phát triển mà làm hủy hoại môi trường. Ai muốn biết thêm thì đọc ở đây. Hoặc đọc đoạn trích ở dưới đây này:
[Destructive creation =] When innovation leads to destruction. Destructive creation was coined as a play on Joseph Schumpeter's famous term "creative destruction", which suggests that innovation leads to changes and economic growth. The term destructive creation was popularized during the financial crisis of 2007-2009, when large banks and insurance companies ceased to exist as a result of financial innovations.Rồi đó, bây giờ thì chắc các bạn đã hiểu cái tựa entry này của tôi, và thôi không ... chửi tôi là đặt tựa vớ vẩn nữa, nhỉ?
Vì oxymoron là sự phân loại về mặt tu từ cái phát biểu của ông Kiên, còn "nghịch hợp" là từ tương đương trong tiếng Việt của oxymoron, chẳng phải do tôi nghĩ ra mà là tôi tìm được trên internet đã có người dùng rồi (nó rất hay, đúng không, người ta nói hòa hợp, nhưng ở đây lại là "nghịch hợp", bản thân nghịch hợp cũng là một oxymoron rồi đó).
Còn Vinashin thì là ví dụ của creative destruction, đúng như ông Kiên đã nói.
Vậy còn Nhân Cơ? À, đó là đóng góp của tôi: nó là ví dụ của destructive creation đó.
Phải không các bạn? Ai không đồng ý xin cho tôi biết nhé.
Còn kết luận của tôi cho entry này là như thế này: Trước giờ, tôi vẫn phục thầm trong bụng về cái tài ... ngụy biện của bọn Anh-Mỹ, tư bản đế quốc sừng sỏ, chuyên đi khai thác tài nguyên của thế giới đến cạn kiệt, nhưng có việc gì xảy ra thì lại già mồm đặt ra khái niệm nọ khái niệm kia để mà tự bào chữa. Rất ... hay, nếu xét về khía cạnh ngôn ngữ. Nên các nhà ngôn ngữ mới có việc để làm, để mà nghiên cứu, viết sách. Ví dụ như cuốn sách tôi đưa link ở trên kia kìa, trong đó có khá nhiều ví dụ về sử dụng ngôn ngữ của giới chính khách đấy.
Nhưng chưa thấy ai phân tích ngữ dụng (pragmatics) của các chính khách VN cả. Tôi thì tôi thấy rằng, qua nhiều sự kiện gần đây, có lẽ trình độ sử dụng ngôn ngữ của chính khách VN có lẽ cũng rất cao, không kém gì các chính khách Anh-Mỹ đâu nhé!
Đấy, riêng chỉ phát biểu của ông Kiên cũng đã cho ta vài ví dụ kinh điển rồi. Phá sản nhưng không tuyên bố? Tàn phá sáng tạo? Vinashin là đứa con bị ốm? (Tôi cứ nghĩ, toàn bộ dân Việt, đặc biệt là những người dân ở miền Trung, rốn bão, đang chịu lũ lụt tàn phá, ngư trường bị thu hẹp, vv mới đúng là đứa con bị ốm chứ nhỉ?)
Mọi người cứ phân tích tiếp xem, tôi tin là oxymoron trong bài này không chỉ có thế. Đọc ở đây này.
Tự nhiên tôi nghĩ, nếu chính khách VN nay cũng có trình độ hùng biện, sử dụng ngôn ngữ như bọn tư bản đế quốc như thế kia, thì có lẽ kinh tế VN cũng sắp phát triển đến trình độ của bọn chúng rồi đó! Hurrah, mọi người đừng băn khoăn nữa, hãy vui mừng lên, trước sự phá sản (kiểu VN) của Vinashin.
Chứ gì nữa! Tôi nói thật đấy, chứ không oxymoron gì đâu nhé! Chẳng phải Vinashin đang trải qua thời kỳ tàn phá sáng tạo đó sao?
(Còn Nhân Cơ, nhân tiện nhắc luôn, thì có lẽ đang trải qua giai đoạn kiến thiết hủy diệt chăng? Chà, nếu thế thì ... không biết nên buồn hay nên vui, nhỉ?)
Chào cô
Trả lờiXóaCreative destruction đúng là sáng tạo ra cái mới để thay thế cái cũ. Chẳng hạn, khi một công ty nào đó độc quyền quá lâu, dựng nên quá nhiều "entry barriers" (rào cản nhập ngành), thì những công ty nhỏ hơn sẽ có động lực nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm mới hữu dụng hơn và có khả năng thay thế sản phẩm độc quyền hiện tại (đặc biệt là trong tương lai xa). Một số ví dụ: máy tính thay bàn tính (giả sử ngày xưa có độc quyền ngành sản xuất bàn tính) hay bây giờ người ta không còn thuê băng để coi phim bộ nữa, mà đã có DVD, 1 đĩa mỏng dính mà chứa được cả chục tập phim. :-)
Cho nên em nghĩ không phải Schumpeter ngụy biện gì đâu (thực chất theory of creative destruction đã mang lại một góc nhìn khác, rất thú vị, về độc quyền) - mà có thể người ta đang mượn ông để ngụy biện. :D Vì thực ra em không hiểu ở VN hiện tại có cái gì gọi là creative destruction? Destruction thì nhiều, nhưng không thấy innovation nào thay thế cả.
SGK
Hay quá...
Trả lờiXóaChang, H.J. (2002). Kicking away the ladder (How the Economic and Intellectual Histories of Capitalism Have Been Re-Written to Justify Neo-Liberal Capitalism). Anthem Press
Quyển sách đầu tiên tôi đọc có liên quan đến từ này... Quyển này đã nhận được giải Gunnar Myrdal năm 2003. Một tác phẩm thuộc về thể loại Historical Economy, mà khi đọc phân tích của chị về từ này, tôi liên tưởng và hiểu sâu sắc hơn về quyển sách tôi đã đọc cách đây 6 năm.
Một quyển sách viết tuy đã lâu nhưng vẫn còn nóng khi các nước đang phát triển đang chịu một áp lực khá lớn về phát triển quốc gia để thông qua một tập hợp các "chính sách tốt" và "Tổ chức tốt" - như tự do hóa thương mại và đầu tư và pháp luật bằng sáng chế mạnh mẽ - để thúc đẩy phát triển kinh tế của họ. Trong khi đó, các nước phát triển thì đã không phải chịu sự áp đặt này trước đây khi chính bản thân họ đang phát triển, và lúc này, họ ép các nước đang phát triển bằng những từ ngữ như thế này, sự ngụy biện hoàn hão với cái vỏ bọc hào nhoáng mà chị đã đề cập trong bài viết của chị.
Cám ơn chị
Dear SGK,
Trả lờiXóa"Vì thực ra em không hiểu ở VN hiện tại có cái gì gọi là creative destruction?"
Ngày xưa dánh tư sản miền Nam để xây dựng sáng tạo XHCN là creative Destruction đấy.
Hiện nay thì đầy rẫy ra đấy thôi. Phá rừng làm hồ chứa nuớc và xây cả trăm thủy điện. Phá rừng đào Boxit. Đó là creative destruction đấy thôi.
Choi
TS. Nguyễn Đức Kiên: Chuyện đó là bình thường, chúng ta tưởng tượng, nhà có 3 đứa con trong đó 1 đứa bị ốm, ông bố bảo 2 đứa con còn lại thằng nào có tiền thì phải bỏ vào đây để nó đi bệnh viện thay thận.
Trả lờiXóaĐằng nào cũng phải cho em vay tiền để chữa bệnh cho em khỏi bệnh trước đã. Không lẽ hai đứa kia lại hỏi, bố ơi, nhỡ giờ con bỏ tiền 10 triệu cho em đi thay thận sau này em không trả được thì sao?!
Ở đây không có gì là khó xác định trách nhiệm! Tất cả đều cùng một Bố, tất cả đều do Nhà nước chủ sở hữu, 3 con cùng 1 bố cả, có phải đắn đo gì.
Còn việc kiểm định, kiểm toán thì có thể tiến hành sau.
Ông Tiến Sĩ này chắc học truờng đảng ra qúa.
Ông bố thì say xỉn, cả ba thằng con đều mất sạch thận cho các em chân dài rồi. Chỉ còn nông dân, công nhân đang sống dở chết dở thôi ông ạ.
Cám ơn cô về bài viết rất hay ^^
Trả lờiXóa