Vào thời ấy, vẫn còn dịch vụ cho mướn băng từ (video tape) để xem các phim video từ nước ngoài đem về VN, được chép ra … thoải mái (vi phạm bản quyền) để cho thuê. Cuốn phim mà tôi được xem là bản mà ông xã tôi đi thuê về, phim nói tiếng Anh không có phụ đề, chất lượng âm thanh và hình ảnh khá thấp vì chép đi chép lại. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu sơ sơ, đó là một phim tâm lý thuộc loại kinh dị (horror), trong đó có một tên tội phạm giết người hàng loạt (serial killer) máu lạnh rất đáng sợ, còn nạn nhân của hắn thì … chỉ biết im lặng. Sự im lặng của bầy cừu.
Đối với tôi, cuốn phim đó rất hay. Đã lâu rồi nên tôi không còn nhớ rõ, nhưng vẫn mang máng nhớ là cuốn phim hay sử dụng sự hồi hộp (suspense) qua những pha trao đổi căng thẳng giữa tên tội phạm và nhân vật nữ chính trong phim. Với những kỹ xảo như căn phòng tối, tiếng nói thì thầm, những câu nói bỏ lửng, khó hiểu, và thỉnh thoảng là sự im lặng kéo dài. Sự im lặng chết chóc, rợn người ….
Ai chưa biết phim này thì nên tìm hiểu thêm để biết, ví dụ như xem giới thiệu ở đây.
Lại nói về con cừu, hay bầy cừu. Nghĩ đến chúng, người ta hay nghĩ đến những kẻ ngu ngơ, nếu có nghĩ theo nghĩa tốt thì cũng chỉ là những con vật ngoan ngoãn, dễ dạy, còn nghĩ theo nghĩa xấu, thì đó là những kẻ không có đầu óc, có thể nói là ngu si, đần độn, phải chịu để cho kẻ khác chăn dắt, không có chính kiến, mà chỉ biết im lặng.
Còn nếu không im lặng, thì cũng chỉ biết kêu be be ầm ĩ, vô nghĩa, chỉ như đám trẻ con khóc nhè mà thôi. Tệ hơn nữa, chúng rất cam chịu khi bị đè nén, áp bức: thì đó, được người ta nuôi ăn cho mập, có mỗi bộ rậm rạp đẹp đẽ để che thân, thì sau đó lại bị người ta đè ra xén hết lông trụi thui lủi, thế mà cũng phải chịu phép, có làm gì được đâu, cũng cứ phải ngoan ngoãn, nhẫn nại chịu đựng. Thế nên mới có phim “sự im lặng của bầy cừu” chứ.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến mấy con cừu khác nữa: trước hết là mấy con cừu trong phát biểu rất nổi tiếng của GS NBC sau khi ông đoạt giải Fields – mấy con đó, chắc là có cả tôi nữa đấy; và sau đó là bầy cừu trong phim “Con heo chăn cừu” (tên tiếng Anh là Babe). Nói thêm, bầy cừu trong phim con heo ấy (đây là tôi nói con heo chăn cừu có tên là Babe, các bạn chớ hiểu lầm ra nghĩa khác mà tội tôi lắm), chúng đặc biệt lắm nhé, ai mà có thành kiến với cừu thì phải xem phim này đi thôi.
Vì bầy cừu trong phim khi Babe chưa biết cách lãnh đạo chúng thì trông có vẻ là một đám đông hỗn loạn, thật khó bảo, chậm chạp, lì lợm, thậm chí ngu độn. Thế nhưng sau đó, khi Babe đã nói được cùng tiếng nói với bầy cừu, thì dưới sự lãnh đạo của chú Babe chúng đã trở nên rất dễ thương, cũng vẫn im lặng nhưng mà là sự im lặng có tổ chức, có trật tự, khiến đã giúp chú Babe và chủ của chú ấy đạt được kết quả phi thường, đó là: giải thưởng dành cho chú chó chăn cừu xuất sắc nhất.
Thật đúng là … chuyện Mỹ: heo thì có thể dự cuộc thi dành cho chó chăn cừu và đoạt giải nhất, còn cừu thì lại thông minh, có bản lãnh, biết đoàn kết, và đặc biệt hơn là … biết tự chọn lãnh đạo cho mình! Hay thật chứ! À mà phim Babe này cũng nổi tiếng một thời đấy, rất hay, rất có tính giáo dục, ai muốn tìm hiểu thêm thì hãy xem ở đây.
Nhưng hôm nay sao tôi lại quan tâm đến sự im lặng của bầy cừu thế này nhỉ? Là bởi vì tôi mới đọc được một mẩu tin trên báo nước ngoài, ở đây này, một mẩu tin về các nạn nhân của vụ sập hầm mỏ ở Trung Quốc, trong đó có nhắc đến sự im lặng của báo chí TQ về số phận của những người này.
Và thấy chạnh lòng, vì một câu trong bài viết ấy, như thế này:
China joined the world in breathless coverage of the Chilean mine rescue, but when a gas blast killed 21 Chinese miners and trapped 16 Saturday, the national TV evening news didn't say a word.Sao lại chạnh lòng? Vì hai lẽ:
1. Cũng là người, và cũng là thợ mỏ như nhau cả, nhưng những người thợ mỏ Chile (và cả một người Bolivia nữa), sao họ may mắn thế, được cứu sống đủ cả 33 người, dù đã bị kẹt ở dưới hầm – bị chôn sống đúng nghĩa – đến hơn 2 tháng trời! Còn những thợ mỏ TQ, dù sao cũng chỉ mới có từ hôm qua thôi, những người nào chết thì đã chết rồi, còn người sống, dù sao cũng phải ráng mà cứu, phải đưa tin cho người nhà người ta biết, và phải thể hiện trách nhiệm cộng đồng, thể hiện tình người, tình đồng bào nữa, thì báo chí TQ đã vội … im lặng, một sự im lặng đáng sợ?
2. Rồi lại nhớ, lại cũng là người nữa, nhưng lần này là những ngư dân Việt Nam, cụ thể là 9 ngư dân bị TQ bắt rồi thả ra trong tình trạng hiểm nguy, rồi lại bị bắt lại và lại tiếp tục cầm tù, đến nay mới biết là cả tháng rồi, mà báo chí cũng chỉ mới nói về họ có mấy ngày nay thôi. Mà cũng lạ, từ hôm qua đã nghe tin về họ, biết rằng còn sống, hiện đang ở ngoài đảo Hoàng Sa của VN (đang bị TQ “tạm chiếm”), nhưng tại sao cho đến nay họ vẫn chưa về được? Hay phía TQ lại không thả nữa, mà đang đòi hỏi một điều kiện gì nữa từ phía chính phủ VN? Lạ quá?
Ừ, mà trong cả hai trường hợp tôi mới nêu ở trên, thì không chỉ có sự im lặng của bầy cừu, tức là phía nạn nhân – sự im lìm, bặt âm vô tín từ phía họ – mà còn có cả sự im lặng bao trùm, rờn rợn, giống như trong cuốn phim mà tôi đã xem. Sự im lặng của kẻ thủ ác?
Chẳng hiểu sao tôi cứ thấy u ám như thế nào ấy. Trời SG thì hôm nay lành lạnh, heo heo, cái lạnh của dịp cuối mùa mưa, cũng là mùa bão của miền Trung. Và những tin bão lụt miền Trung thì thì cứ dồn dập đổ về, bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ.
Lại nghĩ đến cảnh những thân nhân của 9 ngư dân “mất tích” từ đảo Lý Sơn, và những hòn vọng phu của thời nay.
Và nhớ đến sự im lặng. Sự im lặng của bầy cừu.
Có phải tôi cũng đang im lặng? Sự im lặng của tôi, và của nhiều người khác trong lúc này, đó là sự im lặng gì vậy? Của bầy cừu chăng, vì chắc hẳn tôi cũng là một trong những con cừu mà GS NBC đã nhắc tới?
Mà tại sao miền Trung của chúng ta, miền “quê hương xứ dân gầy” đó, lại khổ sở quá như vậy nhỉ? Có phải tại chúng ta đang chịu số phận của bầy cừu nên cứ phải lặng im cam chịu như vậy mãi hay không?
Hay sự im lặng của chúng ta là sự im lặng của kẻ thủ ác, vì im lặng là đồng lõa, mà đồng lõa thì cũng là tội phạm, dù gián tiếp?
Tôi không im lặng được nữa. Dù chỉ biết kêu lên: Ôi, miền Trung ơi, Lý Sơn ơi, Hoàng Sa ơi!
Ai cha!
Trả lờiXóaMột khi mình mình còn mang nợ một ai đó thì chắc là mình cũng phải nhún nhường một chút.
Nếu con châu chấu húc và chiếc xe, chắc chắn nó chết. Nhưng nếu con châu chấu nhảy qua được chiếc xe thì nó sẽ sống đó và đi tiếp theo con đường của nó; giống như chúng ta bước đi gặp hòn đá to chắn ngang lối thì:
- Dùng sức khênh hòn đá đi (mất sức)
- Dùng chân đá nó đi (gãy chân)
- Đi vòng qua nó (hơi xa nhưng bình yên đi tiếp)..
Hi Cu Chuoi,
Trả lờiXóaCo le ban (anh/chi?) noi dung.
Nhung ma toi van thay phai noi len mot cai gi do. Khong noi len thi khong ai biet duoc ... nha nuoc VN dang gap kho o dau, de dan chung con biet duong ma ho tro chu?
Vi du co ke cuop vao nha, bo me khong bao cho con cai biet, ma cu lang lang giai quyet, noi nang nhe nhang voi ke cuop lam cho con cai trong nha tuong la nguoi than, thi ket cuc se nhu the nao, Cu Chuoi nhi?
Hihi..
Trả lờiXóaAnh hàng xóm từng giúp (qua cho hay cho vay, hay cho mượn), nhưng anh hay to mồm lớn lối ăn hiếp tui. Không chỉ như vậy anh còn ăn hiếp, hay gây chuyện với những người khác ở gần nhà anh. Như vậy tui mang ơn anh, nhưng tui ghét anh, hàng xóm khác cũng ghét anh, thì những bạn bè xa cũng trở nên ghét anh luôn vì anh xấu quá (vì ta để cho họ thấy được tang chứng vật chứng).
Còn nếu tôi chống lại anh ngay, tui sẽ không được người khác ủng hộ (vì kẻ đi ăn mày mà bày đặt chảnh - như vậy tui bị anh hàng xóm đánh mà còn bị mấy người ngoài xúi đánh thêm...không nên).
Đó là chiến thuật. (Thể hiện sự khôn ngoan)
Bạn là chủ gia đình, bạn có muốn đánh nhau với nhà hàng xóm bạn không, vì hàng xóm bạn ỷ có tiền-nhà to-gái gú dập dìu? Có thể là không, vì đánh nhau bên nào cũng bị tổn thương cả, rồi bị bắt, tam giam, mất việc, bê trễ công ăn việc làm, đi hầu toà, người khác cười chê mình dại và xốc nỗi... Hàng xóm bạn cũng như vậy thôi. Nhưng mấy đứa con trẻ người non dạ của bạn và con của thằng hàng xóm thì hiếu thắng - hiếu chiến muốn đánh nhau. Vậy bạn nên phân tích cho chúng thấy đánh nhau không được gì...chỉ có mất mà thôi.
Hihi...
Hihi..
Trả lờiXóaKhông sao cả, nếu mình muốn nói thì cứ nói. Nhưng mọi người sẽ đánh giá cao mình khi mình hiểu một cách thấu đáo, đạt tình đạt lý.
Thử phân tích nha?
Anh Nhật có yếu hơn anh TQ không (chắc chắn là không)? Có phải anh TQ lần đầu tiên gây hấn với anh Nhật về quyền lợi không? Không. Trước khi anh Nhật thả người, ảnh phải bị 6 lần triệu hồi Đại sứ (lúc thì tối, lúc thì tờ mờ sáng) để đòi thả người...nhưng anh Nhật vẫn im...? Có phải chỉ duy nhất một tàu gặp tàu địch không (mà có mấy chục chiếc gặp, cùng bỏ chạy) chỉ duy nhất một chiếc cố tình...Anh làm sai mà anh còn cương là anh thấy thế. Tui có thế vì tui học được chữ nhẫn. Chính vì thế tui không bị chơi xỏ lá và bị xỉ nhục bỡi nhiều người (thằng tù tội lại được giải...).
Vui vẻ.
Mình không nghĩ là kẻ cướp đâu. Một kẻ hàng xóm cứ lảng ảng trước nhà, bẻ cây, bẻ cành, vức rác không phải là anh hàng xóm tốt.
Trả lờiXóaKẻ cướp mà đột nhập: giết ngay - tự vệ chính đáng (nếu phát luật có truy cứu thì biện hộ là do tự vệ quá mức nên gây ra sự cố không mong muốn).
Chị PA vẫn bị "bầy cừu" của GS Ngô ám ảnh thì phải :). Bài viết này của chị rất hay.
Trả lờiXóaHi SG,
Trả lờiXóaCám ơn em! Đúng là chị bị bầy cừu của GS Ngô ám ảnh thật em ạ! Và thấy mình quả ... đúng là cừu, không chối cãi được! ;-)
PA
Lecter gợi ý hỏi Clarice cái gì khiến ta thèm muốn, khao khát ? Đó là những gì đập vào mắt ta hàng ngày. Điều ác điều thiện trong cuộc sống cũng vậy diễn ra hàng ngày , mọi người chúng ta ai cũng chứng kiến chúng. Dường như cái ác cái xấu đang quá nhiều còn chúng ta đang cho điều gì dần chinh phục chúng ta? thiện hay ác. Đó là một cuộc chiến thực sự mà chính mỗi người chúng ta phải quyết định từng giờ từng ngày trong mỗi ý nghĩ và hành động.
Trả lờiXóaBài viết của cô quá hay.
Trả lờiXóa