Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Đằng Giang tự cổ huyết do hồng!

Entry này tôi sẽ viết rất lăng nhăng, tản mạn, chủ yếu là ghi lại những suy nghĩ lộn xộn đang ngổn ngang trong đầu của tôi mà thôi.

Trước hết, phải giải thích cái tựa của entry này. Nó là một câu đối mà tôi mới đọc được trên blog của Nguyễn Xuân Diện, ở đây.

Một bài viết rất đáng đọc và suy ngẫm, đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long này. Riêng tôi, khi đọc nó, đặc biệt là trong bối cảnh mới đi một chuyến công tác với mấy em trẻ (7x, 8x) tại TT của tôi và có dịp trò chuyện với các em trên đường đi, tôi lại nhớ về việc giáo dục lịch sử và truyền thống yêu nước thời trung học của tôi trước năm 1975.

Lúc ấy, tôi học trường Gia Long, một trường công có truyền thống dạy tốt (ngày xưa không dùng từ 'dạy tốt' mà gọi là 'dạy giỏi') từ thời VNCH. Tôi vẫn nhớ ngay từ năm lớp 6, bọn tôi đã được tập hát (trong giờ học nhạc, mỗi tuần một giờ) những bài hát ca ngợi lịch sử hào hùng và truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của người VN, mà bài đầu tiên là bài Bạch Đằng Giang. Tôi không nhớ chính xác tựa bài hát này, nhưng vẫn nhớ rõ lời của như sau:

Đây BĐG sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung.

Trên trời xanh muôn sắc đua chen bóng ô
Dưới đáy giòng nước ánh sáng vởn vơ nhấp nhô
Hàng cây cao soi bóng, gió cuốn muôn ngàn lau
Hồn ai đang phảng phất trong gió, cảm xiết bao!

Mây nước linh thiêng còn ghi chép rằng
Thời liệt oanh có bao người xưa trung chánh
Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân
Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần

Giòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù cho sấm sét bão bùng mưa nắng
Bạch Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung.

Ghi chú: Lời bài hát mới được sửa lại chút ít theo góp ý của bameque.

Bài hát ấy theo tôi là rất hay, rất hùng tráng. Bọn con nít lớp 6 của chúng tôi hát say sưa, gân cổ lên hát, rồi sau đó cô giáo hỏi và nói chuyện về sông Bạch Đằng, về những trận đánh hào hùng với quân Tàu trên giòng sông đó. Những bài học lịch sử cứ thế được đưa vào trong giờ học một cách tự nhiên và hứng thú, mặc dù đó là giờ nhạc chứ không phải là giờ Sử. Mấy bài lịch sử này theo tôi nhớ thì đến năm lớp 7 bọn tôi mới học, và lúc ấy thấy nó rất dễ nhớ vì hình như mình đã biết hết cả rồi, chỉ "chuẩn hóa" lại một số chi tiết cho chính xác, và nghe cô giáo dạy Sử phân tích những nguyên nhân của cuộc chiến, cùng những cách giải quyết của vua chúa mình thời đó mà thôi. Rất dễ dàng và hào hứng.

Một bài hát khác tôi cũng được nghe từ thời lớp 6 và vẫn còn nhớ đến giờ là bài hát về sông Hát (tôi mới tìm trên mạng và thấy tựa của bài hát này là "Ngày xưa", tìm ở đây).

Bài này thì giọng điệu ai oán, bi hùng, khó hát nên không nằm trong chương trình bắt buộc mà bọn tôi phải tập, nhưng gần như ngày nào cũng được nghe hòa tấu bằng đàn mandoline (do lớp tôi nằm gần phòng tập nhạc). Vì thấy bọn tôi thích nghe bản nhạc đó nên cô giáo đã chép bài này và tập sơ sơ cho bọn tôi. Một số câu mà tôi còn nhớ trong lời bài hát như sau:

Giòng sông Hát nước xanh mờ sâu
Êm đềm trôi về đến nơi đâu...

Ngày xưa kia nơi đây đã từng in hình bóng
Đôi quần thoa đem máu đào hòa nước sông nhà
Hồn oai linh sống trong muôn nghìn sóng
Những khi nào chiều vắng trầm vang lên tiếng ca.


Tôi viết lẩn thẩn những giòng này trong dịp nhà nước VN đang tổ chức đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, với những tình cảm buồn vui lẫn lộn. Hôm qua, bọn tôi mới có chuyến đi Trà Vinh giúp Phòng Khảo thí của ĐH Trà Vinh trong việc xây dựng một ngân hàng đề thi trắc nghiệm. Đi, nhìn, nghe, và nghĩ. Và đặc biệt là nghĩ nhiều về quê hương VN, về lịch sử, về sự phát triển của đất nước, về những chính sách phát huy sức mạnh của dân tộc.

Trà Vinh, một tỉnh nghèo, nơi đó 3 dân tộc Khmer, Hoa, và Việt đang chung sống. Tôi đến thăm một ngôi chùa của người Khmer mà nghe nói đã được xây dựng từ năm 980 gì đó, tức hơn 1000 năm rồi. Như vậy, tức là có một lịch sử rất phong phú của vùng đất này mà tôi chưa hề bao giờ được biết đến. Lịch sử khẩn hoang miền Nam mà ngày xưa tôi đã từng được nhắc đến và nghe lóm khi bà chị lớn của tôi (học hơn tôi 4 lớp) trao đổi với bạn bè khi học thi tú tài. Tiếc là sau này lên cấp 3, học trong "nền giáo dục cách mạng" sau năm 1975, tôi không được học nữa.

Đi, nhìn, nghe, nói, và nghĩ miên man. Trên đường về, bác lái xe của trường lại mở nhạc phản chiến của TCS cho nghe. Có những câu mà tôi nghe tự nhiên rất thấm thía, trong bài Người nô lệ da vàng, như "Đi cho thấy quê hương - Việt Nam 20 năm liền - Thịt xương phơi trên đôi miền ...". Hoặc bài Ta đã thấy gì trong đêm nay: "Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn - Ruộng đồng VN lên những búp non đầu tiên - Từng đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên rừng - Từng đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh ..."

Rồi lại nhớ đến những kết quả thi đại học và tốt nghiệp THPT, trong đó môn Sử luôn luôn là bết bát nhất, nhiều em bị không điểm. Và học sinh thì chán học môn Sử, không biết gì về lịch sử nước nhà, TV thì toàn chiếu phim ngoại, không Hàn thì Tàu, không Tàu thì Tây. Có bộ phim lịch sử nước nhà, được đầu tư (nghe nói là) hoành tráng để định chiếu nhân dịp "đại lễ" (nghe Tàu quá!) thì Lý Công Uẩn lại bị chê là giống Lý ... Triển Chiêu. Buồn thế!

Chẳng biết viết gì nữa, thôi thì đưa lên đây mấy tấm hình mới chụp ở Trà Vinh. Lần sau, tôi sẽ cố đi ngược về phía Bắc, tìm các cổ tích về lịch sử Việt, chụp hình, đọc và viết. Ví dụ, đọc và viết về Giang Văn Minh, người đã khẳng khái đối đáp với phía TQ về quan hệ VN-TQ bằng câu mà tôi đã đưa lên làm tựa entry này: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng!
Hình chụp ở ĐH Trà Vinh sau buổi trao đổi sáng ngày 1/10 (trước khi về SG). Người đứng cạnh tôi, mặc áo trắng, là thầy hiệu trưởng ĐH Trà Vinh.
Hình chụp trong lớp 1 của một trường tiểu học ở Trà Vinh. Trường này có 10 lớp học cho 5 cấp lớp (mỗi cấp lớp có 2 lớp), tổng cộng khoảng 350 học sinh, đa số (80%) là học sinh người Khmer, khi vào lớp 1 các em còn chưa biết nói tiếng Việt nên các cô giáo rất khó khăn. Một hiện thực rất đáng nghiên cứu về giáo dục ngôn ngữ cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nhưng hình như chưa có ai nghĩ đến?

Tôi còn nhiều suy nghĩ, nhưng tản mạn và lộn xộn nên không viết ra ở đây nữa. Có lẽ cần thời gian cho mọi việc lắng lại rồi mới có thể viết rõ ràng. Tôi chỉ lẩn thẩn nghĩ, giá mà các đại gia thay vì bỏ tiền làm bộ phim rồi bị phản đối, thì xây vài ngôi trường tiểu học, vài cây cầu bắc ngang những sông rạch chằng chịt ở miền Tây, nơi người dân nghèo đang cặm cụi, "côi cút làm ăn/ chăm lo nghèo khó"; nhà nước thay vì bỏ đến hình như là 10 tỷ đô la (?) để tổ chức đại lễ thì làm sao để những ngôi chùa cổ hơn ngàn năm ở những nơi như Trà Vinh, Sóc Trăng đừng trở thành đống đổ nát hoặc bị tu bổ theo kiểu thành nhà Mạc.... Trời ơi, giá mà có số tiền đó trong tay, tôi sẽ đi, và sẽ làm được rất nhiều việc.

Nhưng mà thôi, có lẽ dân VN cũng đã quen rồi. Đã cả ngàn năm bị sống dưới sự đô hộ và bóc lột của ngoại bang, bị ngu dân, mà dân tộc VN vẫn tồn tại một cách bền bỉ. Như những em bé người Khmer kia, mà tôi thấy hình như đa số bị suy dinh dưỡng vì nhỏ con và gầy gò hơn bình thường. Họ vẫn đang cố gắng học hành để thoát nghèo, và có lẽ chẳng biết, cũng chẳng quan tâm đến đại lễ đang được tổ chức tại Hà Nội, vừa hoành tráng và có lẽ cũng đáng tự hào, nhưng cũng không ít lời xì xầm, tai tiếng.

Vâng, rồi cuộc sống vẫn sẽ tiến lên, và dân tộc Việt vẫn sẽ tồn tại và phát triển. Vì "dù có sấm sét bão bùng mưa nắng/ Bạch Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung".

Tôi vẫn tin như thế. Vì làm sao có thể diệt được sức sống của một dân tộc nhỏ nhưng đã kiên cường giữ vững được độc lập dân tộc sau 1000 năm đô hộ của một nước lớn ngay bên cạnh mình?

Viết vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
-----
Cập nhật lúc 14 giờ cùng ngày

Ai có quan tâm thì đọc thêm bài phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu nhé. Ở đây. Đọc để thấy hào khí của cha ông trước đây trong việc giữ gìn độc lập dân tộc.

5 nhận xét:

  1. Gừ gừ...
    Đây là bài hát ruột của tôi những năm sáu mươi. Đỉnh cao danh vọng là được hát trên sân khấu ....trường tiểu học trong lễ phát thưởng cuối năm, lúc tôi học lớp tư.
    Vì vậy có lẽ nhớ rõ hơn cô Phương Anh chăng?
    Cẩn thận chút, tôi đi kiếm trên mạng bài này, thì thấy tôi nhớ đúng lời hơn cô Phương Anh nhớ.
    Vầy nè, những chữ tôi viết in là những chữ khác so với bản của cô.

    bạch đằng Giang

    Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng,
    Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.
    Trên trời xanh muôn sắc đua chen bóng ô
    Dưới đáy dòng nước ánh sáng VỞN VƠ nhấp nhô
    Hàng cây cao soi bóng, gió cuốn muôn ngàn lau
    Hồn ai đang phảng phất trong gió cảm xiết bao !...

    Mây nước THIÊNG LIÊNG còn ghi chép rành
    Thời liệt oanh của bao người xưa TRUNG CHÁNH
    Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân
    Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần...

    Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng
    Từ xưa nêu cao tấm gương ANH HÙNG
    Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
    Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung..

    Trả lờiXóa
  2. bameque thân mến,

    Nếu anh đã nhớ như thế thì chắc là đúng rồi. Vì anh đã lên đến "đỉnh cao danh vọng", còn tôi thì chưa ;-).

    Mới hay chỉ dựa vào trí nhớ thì không ăn thua, phải không bameque nhỉ?

    Ngày xưa, ngày xưa, hai chữ ấy thật đẹp phải không anh? Nó là tựa của bài hát về giòng sông Hát đấy (theo thông tin từ trên mạng), anh ạ!

    Chúc anh một ngày không buồn, vì đang "đại lễ" mà!

    Trả lờiXóa
  3. Lưu Hữu Phước có nhiều bài nghe hay thật cô ạ, tiếc là bây giờ chỉ có Lên đàng là phổ biến nhất. :-) Tiếng gọi công dân cũng hay, nhưng vì lí do lịch sử nên phổ biến được "chết liền". :D

    Gần đây em thấy em em có được học lại Bạch đằng giang, nhưng là ở chương trình ngoại khóa ở cấp 2 thôi. Vừa rồi nhóm nhạc được giải nhất 1 cuộc thi hát ở bậc THPT TPHCM cũng hát bài này. Cô thử nghe 9x hát Bạch đằng giang xem có khác gì hồi xưa không?

    http://www.youtube.com/watch?v=V7niMNvyZwQ

    SGK

    Trả lờiXóa
  4. Entry này của mẹ hay ghê ^^ Sao hồi đó mẹ được học bài hát Bạch Đằng Giang mà giờ con hổng được học dzậy :(( Kì quá à

    Trả lờiXóa
  5. Hi SGK,

    Ừ, mấy bài của LHP hay thật, kể cả - hay nhất là? - bài Tiếng gọi thanh niên. "Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi..."

    Cô nghĩ, có lẽ nhà nước mình nên cho phổ biến bài đó đi, vì còn gì phải ngại nữa nhỉ?

    Khuê ạ,
    Câu hỏi của K. thì mẹ không trả lời được đâu. Nhưng cần gì học ở trường, bây giờ thì K. tự lên youtube nghe rồi hát theo cũng được mà? Link thì anh SGK đã đưa rồi đó.

    PA

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.