Tôi cũng giống như một số người khác ở VN, không thích ngày 20/10 và không xem ngày này là ngày phụ nữ VN. Vì vốn nó là ngày kỷ niệm thành lập Hội phụ nữ, một cái hội mà giống như một số đoàn thể chính trị khác của VN, tôi cảm thấy nó chẳng có vai trò gì trong việc bảo vệ hay đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Nó cũng chẳng có chức năng thông tin về các vấn đề cần quan tâm của phụ nữ Việt Nam, chứ đừng nói đến việc nghiên cứu và đề xuất những giải pháp về các vấn đề này. Tóm lại, có thể nói đối với tôi nó hoàn toàn là một cái hội vô tích sự.
Vô tích sự thế, nhưng mà nó lại là một cái hội to đùng vật vã, có cơ quan từ trung ương đến địa phương, có cả cơ quan ngôn luận, cả trụ sở to nhỏ, và biên chế cơ man là con người, sử dụng không biết bao nhiêu là tiền ngân sách. Trong khi đó, những bài viết về phụ nữ đáng đọc, có giá trị thông tin cao vv thì tôi lại phải tìm ở những nơi xa lạ nào đó, ví dụ như trên trang web của Ngân hàng thế giới chẳng hạn!
Và dù hội này có chân rết ở khắp địa phương, từ trung ương cao chót vót đến tận cấp phường, nhưng những thân phận phụ nữ như bị bạo hành gia đình, bị buôn người bán qua biên giới, hoặc không có nghề nghiệp phải làm sex workers đầy rẫy, nhan nhản ở khắp Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố lớn nhỏ tại VN, thậm chí ở cả vùng nông thôn nữa, thì cấm có thấy Hội ỏ ê, động tĩnh gì để giúp đỡ, giải quyết cho cuộc sống của họ tốt hơn bao giờ cả. Nếu có thì chỉ thấy họ bị chính Hội phụ nữ sỉ nhục thôi; nếu bạn muốn biết rõ hơn xin hãy tìm bài "Văn học cách mạng, cô gái sông Hương và bà tiến sĩ" trên blog này của tôi và đọc thì sẽ rõ.
Nhưng thôi, như một bạn nào đó đã nói trên facebook, đàng nào thì ngày 20/10 cũng đã (lỡ) được xem là ngày phụ nữ VN rồi, mà một ngày như thế thì cũng đáng để có, nên có ai muốn lấy ngày này để nhớ đến phụ nữ, để chúc mừng vv thì tôi tin là phụ nữ VN cũng sẽ rất vui. Hôm nay, tôi cũng nhận được một lời chúc muộn và một món quà dành cho phái nữ trong số các bạn đọc blog này. Các bạn đọc bên dưới nhé.
Và cảm ơn anh HAD đã gửi đến bloganhvu món quà này, dù có hơi muộn một chút. Cũng là để kéo dài niềm vui "là phụ nữ" ra thêm một chút mà, các bạn nhỉ.
------------------
VICTOR HUGO & BÀI THƠ NỔI TIẾNG VỀ CON GÁI
Victor Hugo sinh ngày 26 tháng 2, 1802 tại Besançon. Mất ngày 22 tháng 5, 1885 tại Paris. Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch lớn của nước Pháp và thế giới. Các tác phẩm của ông rất đa dạng bao gồm tiểu thuyết, thơ, kịch, các diễn văn chính trị,... Cuốn Người cùng khổ (LesMisérables) và Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) là hai tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.
Victor Hugo có một con gái đầu lòng tên Leopoldiné, mà ông rất yêu quý. Khi Leopoldiné vu quy, ông có làm một bài thơ cảm động tặng con.
Đám cưới chưa được bao lâu thì Leopoldiné qua đời trong một tai nạn đi thuyền trên sông. Ngôi mộ trên một ngọn đồi nhìn xuống sông Seine.
Victor Hugo không sao nguôi ngoai được nỗi buồn , ông cảm thấy như con gái còn hiện hữu, gọi ông, đợi ông... Ông hẹn sẽ đến thăm con.
Và niềm khắc khoải đớn đau đó được thể hiện qua Demain, dès l’auble, một bài thơ ông làm năm 1847, 4 năm sau ngày Leopoldiné mất.
Nguyên tác như sau :
Demain, dès l'aube
Demain, dès l'aube, à l'heure où blanchit la campagne,
Je partirai. Vois-tu, je sais que tu m'attends.
J'irai par la forêt, j'irai par la montagne.
Je ne puis demeurer loin de toi plus longtemps.
Je marcherai les yeux fixés sur mes pensées,
Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit,
Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées,
Triste, et le jour pour moi sera comme la nuit.
Je ne regarderai ni l'or du soir qui tombe,
Ni les voiles au loin descendant vers Harfleur,
Et quand j'arriverai, je mettrai sur ta tombe
Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.
Đây là một bài thơ thuộc vào loại nổi tiếng nhất của Victor Hugo trên phạm vi toàn thế giới. Ở Việt Nam, bài thơ nói trên cũng có khá nhiều bản dịch. Xin giới thiệu sau đây một số bản dịch tương đối phổ biến nhất :
Bản dịch nghĩa của Sóng Việt Đàm Giang :
Ngày Mai, Từ Rạng Đông
Ngày mai, từ rạng đông lúc trời đồng quê bắt đầu sáng
Cha sẽ đi, Con thấy không cha biết con đang chờ cha
Cha sẽ vượt qua rừng, cha sẽ vượt qua núi.
Cha không thể nào xa cách con lâu dài hơn được nữa
Cha sẽ đi, đôi mắt chăm chú vào suy nghĩ của cha
Chẳng hề màng nhìn chung quanh, không màng nghe một tiếng động
Một mình, không ai biết, lưng còng, hai bàn tay đan nhau
Sầu buồn, và ngày đối với cha cũng tựa như đêm thôi.
Cha sẽ không màng nhìn chiều vàng đang đổ xuống,
Hay những cánh buồm xa đằng phía cảng Harfleur,
Và khi cha đến nơi, cha sẽ đặt trên mộ của con
Một bó hoa có ô-rô xanh cùng thạch thảo đang nở.
Một bản dịch chưa rõ tác giả :
NGÀY MAI, LÚC RẠNG ĐÔNG
Cha sẽ đi- phương trời - con có biết ?
Sáng mai đây khi sương sớm giăng mờ,
Cha sẽ qua bao núi đồi - con biền biệt,
Chẳng thể nào chờ lâu nữa...con thơ !
Chân cha bước, lòng chìm sâu suy tưởng,
Mắt không nhìn, tai cũng chẳng nghe đâu,
Tay nắm chặt, vai cõi còm - pho tượng
Lòng trĩu buồn, ngày chìm xuống đêm sâu...
Cha nhắm mắt , xua chiều vàng trước mặt,
Cả những cánh buồm đang lượn phía Harfleur
Khi cha đến bên con-vòng hoa trên mộ vắng
Ô-rô, thạch thảo này- hoang đắng cõi lòng cha!...
Bản dịch thơ của Tôn Thất Phú Sỹ
SÁNG SỚM NGÀY MAI
Ngày mai khi mặt trời vừa ló dạng
Tia nắng hồng nhuộm trắng cả đồng quê
Ba sẽ đi ... băng qua rừng qua núi
Và bên kia , con vẫn đợi ba về
Chân rảo bước mà hồn nghe đau nhói
Mắt mơ hồ nhìn hình bóng con thơ
Nỗi cô đơn trong khắc khoải từng giờ
Vòng tay rộng ôm cho tròn nỗi nhớ
Lòng mơ hồ theo nắng chiều rơi rụng
Cánh buồm xa thấm mệt gió muôn phương
Ôm mộ con thơm mùi hoa thạch thảo
Giọt nước mắt buồn rơi xuống Đại Dương
Bình luận ngắn :
Bài thơ nói trên cũng như bao bài thơ nước ngoài khác, hoàn toàn không dễ dịch. Kể từ khi tôi biết về Victor Hugo thì tôi cũng biết luôn bài thơ nổi tiếng Demain, dès l’auble của ông. Nghĩa là cũng mấy chục năm qua rồi. Và tôi cũng thử dịch đôi ba lần nhưng đều thất bại. Tôi tự thấy là mấy bản dịch đó của tôi nghe kỳ kỳ - nếu hiểu theo tiếng miền Tây Nam Bộ thì có lẽ từ đó tương đương với … dở !
Nhưng bản dịch gần đây nhất vào khoảng tháng 6 năm 2002 thì có đôi chút khác. Đó gần như là một câu chuyện.Một thân hữu được tôi chia sẻ bài thơ cùng bản dịch đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện như vầy:
“ Số là tôi có một người bạn, tướng tá trông oai vệ, đẹp trai, cằm bạnh, râu quai nón, nghĩa là manly hết chỗ nói .Nhưng lạ thay hắn chỉ có con gái, không chỉ một mà tới bốn đứa con gái ! Bị bạn bè trêu ghẹo mãi, hắn đâm quạu. Hắn đâm ra ghét bỏ mấy đứa con gái của mình. Hắn thường to tiếng, thậm chí xỉ vả mấy đứa con tội nghiệp của mình vì những lý do chẳng ra sao. Hắn buồn phiền tới mức ngay cả khi mấy đứa con bệnh, hắn cũng bỏ đi nhậu với bạn bè, để mặc vợ hắn tự xoay xở.
Một hôm, sau một chầu nhậu sương sương ở đâu đó, hắn tới nhà tôi chơi, gặp khi tôi vừa đọc xong bản dịch bài thơ Demain, dès l’auble của anh tặng, còn để trên bàn, trong khi chờ tôi pha bình trà nóng, hắn cầm lên xem rất lâu, rồi vùng ứa nước mắt, đứng lên không kịp nói gì với tôi, không nói một lời từ giả, hắn ra về, để mặc tôi đứng ngẩn ngơ với làn khói Honda còn vương lại. Ít lâu sau đó tôi nghe vợ hắn kể chuyện : lạ lắm anh ạ, giờ đây tự nhiên “ ảnh ” đã biết thương mấy đứa con, mà thương vô cùng …Phải chăng cái nhà ông Victor Hugo với bài thơ về cô con gái bạc mệnh Leopoldiné đã làm thay đổi cả tâm hồn và tư tưởng của hắn rồi ? Anh nghĩ có đúng không? Còn tôi, tôi nghĩ chắc là vậy. Và về sau mấy lần tôi gặp hắn cùng mấy “tiểu thư” tay trong tay, tươi rói, đi siêu thị, hỏi hắn, nhưng thằng cha ấy chỉ cười cười không nói …. ”
Tôi thấy vui, nhưng cũng chỉ dám nghĩ là một sự trùng hợp ly kỳ nào đó, hoặc là mình gặp may thôi. Và thành thử, bài thơ dịch chưa bao giờ được phổ biến ra ngoài- ngoài vài ba thân hữu .
Nhưng hôm kia khi đọc bài Why Vietnam needs its baby girls ? nói về xu hướng trọng nam khinh nữ ở Việt Nam đăng trên báo AV , tôi thấy mình cũng nên giới thiệu bài dịch của mình, biết đâu trong muôn một, bài dịch đó cũng có thể tác động đến một vài đấng nam nhi có hoàn cảnh như của người bạn của thân hữu nói trên của tôi ! Bản dịch đó như sau :
MAI SỚM BÌNH MINH
Con gái!
Sớm mai đây khi bình minh vừa ló dạng
chốn đợi chờ cha sẽ đến thăm con
mấy cánh rừng rồi mấy dặm núi non
cha qua hết bởi không xa con lâu hơn được.
Cha cất bước đắm chìm trong suy tưởng
không nghe cùng không thấy gì hơn
ngày và đêm thăm thẳm nỗi cô đơn
lưng chừng nặng tay đan niềm đau đớn
Rồi chập choạng trong bóng chiều đang xuống
những cánh buồm hoang vắng Harfleur
trên mộ con cha đặt cánh hoa xưa
thạch thảo tím ô rô xanh
đầy nước mắt…
HOÀNG ANH DŨNG dịch
06 /2002