Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Biển Đông và .. Biển Thước

Trước hết, hãy nói về Biển Thước.

Ai không biết Biển Thước là ai, xin vào wikipedia đọc entry về ông, ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83n_Th%C6%B0%E1%BB%9Bc.

Nói vắn tắt, ông là một danh y thời Chiến quốc bên Tàu, đã nhiều phen chữa bệnh cứu người, lừng lẫy tài danh từ thời cổ đại.

Có rất nhiều giai thoại về tài chữa bệnh cứu người của ông, nhưng tôi nhớ nhất là một giai thoại mà tôi đã được đọc từ thời tiểu học, hình như là trong cuốn sách Tập đọc hay là sách gì đó, tôi không còn nhớ nữa. Một giai thoại làm cho tôi có ấn tượng sâu sắc ngay lập tức, và vẫn nhớ đến tận bây giờ, tức hơn 40 năm qua.

Xin chép lại giai thoại ấy từ trang wikipedia:

Chuyện như sau: Một hôm Biển Thước sang nước Tề gặp Tề Hoàn Công, thấy khí sắc vua Tề không tốt, bèn tâu: "Quân hầu, trong da và chân lông ngài đã có gốc bệnh, nếu không kịp thời chữa trị, bệnh sẽ nặng thêm ". Tề Hoàn Công thờ ơ đáp: "Ta cảm thấy trong người rất khỏe, chẳng có bệnh tật gì cả ". Biển Thước lui ra, sau đó năm ngày lại vào yết kiến, nhìn sắc diện rồi khẳng định một lần nữa với vua Tề: "Bệnh của ngài đã vào đến nội tạng rồi, phải chữa ngay đi". Hoàn Công tỏ vẻ khó chịu, không trả lời.

Sau khi Biển Thước đi khỏi, ông mới bảo với mọi người: "Thầy thuốc chỉ khéo vẽ vời, hù dọa người ta. Ta chẳng có bệnh gì mà ông ta dám bảo là bệnh nặng. Thật vớ vẩn! ". Năm ngày sau nữa, Biển Thước lại vào yết kiến, chỉ mới nhìn mặt vua Tề, đã quay bước, bỏ đi thẳng. Hoàn Công sai người chạy theo hỏi, Biển Thước nói:"Bệnh ở da, thịt thì còn xoa thuốc được, bệnh ở huyết mạch thì còn tiêm thuốc được, nay bệnh đã vào đến xương tủy rồi thì trời cũng không cứu được nữa, bởi vậy tôi mới bỏ đi ".

Mấy ngày sau quả nhiên Hoàn Công phát bệnh. Ông vội cho người đi tìm Biển Thước, nhưng vị "thần y"đã đi sang nước Tần rồi. Bệnh Hoàn Công ngày càng trở nặng, chẳng bao lâu vị bá chủ chư hầu này tạ thế.

Câu chuyện Biển Thước với Tề Hoàn Công tất nhiên là câu chuyện nhằm ca ngợi tài năng của Biển Thước, nhưng tôi lại nhớ nó với ý nghĩa cần phải lo xa, cảnh giác ngay khi có những dấu hiệu nhỏ. Cũng cùng ý nghĩa của câu nói: "Đừng khinh việc nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền". Rõ ràng là không ai muốn bị giống như Tề Hoàn Công cả. Tôi trộm nghĩ, những ngày nằm trên giường bệnh chờ chết, hẳn là Tề Hoàn Công phải ân hận lắm, khi đã được Biển Thước báo trước mấy lần rồi, mà vẫn không nghe.

Và đến bây giờ, mỗi lần thấy việc gì có vẻ quá trễ, không còn làm được gì nữa mà người ta mới bắt đầu lo lắng - như Tề Hoàn Công ở cuối câu chuyện, khi bệnh đã phát ra - thì tôi lại nhớ ngay đến Biển Thước. Đấy, Biển Thước đối với tôi là có ý nghĩa như thế.

Thế còn Biển Đông? À, thì bây giờ chuyện Biển Đông đã rõ rành rành rồi, từ đứa bé con cũng biết rõ, tức là TQ đang ngang nhiên lấn chiếm biển đảo của VN mình. Mà chuyện này không hề mới đâu nhé, nó bắt đầu từ công hàm 1958 của cố TT Phạm Văn Đồng của nước VNDCCH, tức 1/2 nửa đất nước VN thống nhất hiện nay. Công hàm ấy xưa nay nhà nước ta chẳng bao giờ nhắc tới cho đến rất gần đây, mà đau một cái là chính anh bạn 16 vàng (khè) và 4 (chết) tốt TQ lại là người đầu tiên đưa ra công luận cho toàn bộ thế giới cùng biết, để khẳng định rằng Biển Đông với Trường Sa và Hoàng Sa chính là của TQ, và ngay cả VN cũng đã công nhận điều này từ lâu rồi. (Thì đó, từ năm 58 lận chứ có ít gì?)

Nhưng chuyện Biển Đông không chỉ có thế. Nào là vụ hải chiến Hoàng Sa năm 1974 giữa Trung Cộng và VNCH (xin lỗi, tôi viết TC vì thời đó ở SG người ta gọi như thế, nên tôi cũng dùng lại ngôn từ thời ấy cho nó đúng không khí lịch sử lúc bấy giờ). Rồi các vụ đụng độ giữa VN (CHXHCN Việt Nam, tất nhiên) và Trung Quốc (đúng ra phải gọi là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) vào thập niên 80, và dai dẳng suốt từ bấy đến giờ, mặc dù những vụ này (kể cả vụ 1974, đến các vụ 1988 và sau đó nữa) thì hình như nhà nước ta không mấy khi nhắc đến.

Nhưng từ năm 2007, đúng cách đây 5 năm, cũng ngày 9/12, thì vấn đề Biển Đông tại VN đã được rất nhiều người dân biết đến. Đó là do vụ biểu tình hiếm hoi không do nhà nước đứng ra tổ chức vào ngày 9/12/2007 mà dân SG đã chủ động tổ chức để chống lại TQ nhân vụ thành lập huyện đảo Tam Sa. Tiếc thay, lúc ấy tôi lại đi công tác ở nước ngoài nên không có thông tin gì, mà chỉ được nghe kể lại. Lúc ấy việc biểu tình không do NN tổ chức vẫn là một cái gì vô cùng đặc biệt và chắc là làm cho nhà nước ta shocked lắm lắm. Và hình như những người biểu tình lần ấy sau đó đều bị làm khó dễ, bị công an mời lên làm việc nhiều lần, và thậm chí bị tù tội, đàn áp ....

Nhưng, "chúng ta nhất định không sợ" (lời Hồ Chủ tịch). Việc biểu tình chống TQ còn lập lại nhiều lần nữa, mỗi khi chúng có hành động gây hấn. Biểu tình diễn ra chủ yếu ở Hà Nội và Sài Gòn. Có một hai lần dường như được "thả" cho tự do, thậm chí có lúc có lãnh đạo cấp cao tại VN còn cho rằng biểu tình là yêu nước nữa. Nhưng nói chung thì lúc nào cũng bị dẹp, bị bắt "lên xe buýt", đưa về trại phục hồi nhân phẩm (!), thậm chí còn bị đàn áp, bắt nóng bắt nguội, kẹp vào nách xách đi như xách con vật, và ... còn bị đạp vào mặt nữa cơ, thật là hy hữu (Only in Vietnam, OIV!)

Trừ lần biểu tình năm 2007 là tôi không được chứng kiến, còn thì những lần sau tôi đều có  cố tình đi qua, quan sát một chút. Tại sao chỉ quan sát thôi nhỉ? À, là vì tôi thường phải đi dạy vào sáng chủ nhật, nên chỉ có thể chạy xe qua sớm một chút hoặc về sớm một chút để xem tình hình, chứ không thể tham gia được. Mà muốn tham gia hình như cũng không hề dễ, vì bao giờ đường vào nơi biểu tình cũng đều bị chặn. Không chỉ chặn bằng hàng rào B40, mà còn là hàng rào người nữa. Thì đó, thử lên mạng mà tìm thì thấy ngay thôi, hình những em sinh viên tình nguyện với chiếc áo xanh cúi mặt đứng sau hàng rào chặn người biểu tình, còn bên kia hàng rào là những người, hừm, gọi họ là gì nhỉ, chẳng lẽ gọi họ là người yêu nước thì hóa ra bên kia là không yêu nước ư? Hay gọi là biểu tình viên vậy?

Không tham gia được lần nào ở SG, nhưng cũng rất tình cờ, tôi lại tham gia được ở Hà Nội, mới cách đây 1 năm thôi. Lúc ấy tôi ra HN công tác, chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà tôi lại ra ngồi quán cafe vào đúng cái quán mà các anh em biểu tình tập kết để đi. Việc biểu tình này tôi đã viết đăng lên blog rồi đấy, sợ lắm nhưng cũng xúc động lắm. Lại càng xúc động hơn khi hôm ấy tôi rút về sớm (vì sợ có gì bị công an giữ thì lại lỡ việc, do 2 giờ chiều tôi phải ra sân bay để tiếp tục bay vào Đà Nẵng công tác), sau đó mới biết cũng chính hôm đó, chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ sau thì có vụ công an đạp mặt người biểu tình nữa chứ, khiến tôi cũng làm được một bài thơ đăng lên blog về vụ đó (Khi công an Việt đạp vào mặt người yêu nước Nam, tựa của bài thơ đấy, các bạn có thể tìm trên blog này mà đọc nếu muốn biết).

Sau lần ấy, tôi còn có một lần có ý định tham gia biểu tình nữa, hình như vào tháng 7 năm nay. Hôm ấy tôi lại cũng có giờ dạy, nhưng vì là buổi thi nên tôi biết trước sẽ  ra sớm, khoảng 10 giờ, nên đã chủ ý ra Công viên 30/4 để tham gia (vuốt đuôi) khúc cuối nếu đoàn biểu tình vẫn còn. Tôi chạy xe từ Nguyễn Đình Chiểu nơi tôi dạy ra Nhà thờ Đức Bà nơi đoàn biểu tình tập kết, nhưng ra đến nơi thì không thấy đoàn biểu tình đâu cả, hình như đã bị giải tán hoặc thậm chí chưa hề bắt đầu được. Tôi chỉ thấy rất nhiều xe đậu quanh đó, với những người mặc đồng phục xanh lá cây giống như cảnh vệ hoặc bảo vệ cơ quan đứng từng nhóm xung quanh, mắt quan sát người qua lại. Và đặc biệt là rất đông người trẻ đang ngồi trong công viên, nói chuyện ồn ào, nhưng ... dường như họ đang chờ một cái gì đó, hoặc muốn làm một cái gì khác, chứ không phải là rảnh rỗi đến nỗi ra công viên ngồi chơi, nói chuyện như vậy. Một kiểu "biểu tình ngồi" (vì không khởi phát được việc tuần hành) mà tôi đã nghe trên báo chí lề trái, nhưng chưa thực sự bao giờ chứng kiến.

Để thử "hưởng" cái không khí biểu tình ngồi nổi tiếng chỉ có ở VN ấy, tôi cũng ... ngồi trên ghế đá công viên, khoảng 30 phút. Vì ngồi một mình, không có gì để làm, không có ai để nói chuyện, chơ vơ trên ghế đá giữa công viên như vậy thì kỳ, nên tôi lôi bài của học trò ra chấm. Tập trung vào bài chấm, nhưng rõ ràng tôi có cảm giác là đang bị rất nhiều cặp mắt theo dõi. Sau một lúc thì tôi có điện thoại, và khi tôi đứng lên cầm điện thoại trả lời thì rõ ràng có rất nhiều con mắt dõi theo từ những vị áo xanh cảnh vệ kia. Cảm thấy khó chịu và không an toàn quá, tôi bèn quyết định lấy xe ra về. Và ... chán!

Lúc ấy, đột nhiên tôi nghĩ, hình như việc biểu tình của tôi hoặc của chúng ta nếu có được thực hiện thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu, một khi chính nhà nước chẳng có chút động thái gì rõ ràng trước những hành vi gây hấn của ... nước lạ (có thể gọi thẳng ra đó là kẻ xâm lược phương Bắc, như trước đây mình đã từng gọi trong cuộc chiến 1979 không nhỉ). Mà ngược lại, nhà nước lại luôn ngăn cản việc biểu lộ tình cảm yêu nước của người dân như thế, thực sự không hiểu ra sao nữa? Vậy thì việc biểu tình của người dân như tôi đây có đem lại kết quả gì không?


Đấy là chuyện cách đây vài tháng. Rồi cách đây vài ngày, tôi có được thông tin về vụ biểu tình sáng nay  tại Sài Gòn. Đã có hẹn từ trước, nên tôi phân vân không biết có nên hoãn lại để tham gia biểu tình hay không? Nghĩ tới, nghĩ lui, nếu thay đổi phút chót thì lỡ việc của người khác, nhưng nếu không đi biểu tình để thổ lộ lòng yêu nước (dù nếu có giải tán, đàn áp thì chắc chắn là tôi sẽ chuồn sớm, vì ... thôi nhận đại đi, tôi hèn ấy mà), đặc biệt là nếu nhà nước đang cần thì sao? Vì gần đây tôi thấy nhà nước có vẻ có những phát biểu mạnh mẽ hơn về vấn đề  Biển Đông, ví dụ như có nhắc đến vụ cắt cáp tàu Bình Minh thêm một lần nữa (nhưng không dám gọi thẳng là cắt mà phải nói là làm đứt!). Nếu nhà nước thực sự cần đến một sự biểu lộ ra bên ngoài về lòng yêu nước, ủng hộ nhà nước chống xâm lược, thì chúng ta cũng rất nên tham gia chứ nhỉ?

Nhưng chẳng hiểu sao, cuối cùng tôi dứt khoát quyết định không đi biểu tình mà sẽ tiếp tục với kế hoạch cũ. Và cùng lúc với cái quyết định ấy, tôi nhớ đến Biển Thước. Biển Thước và Biển Đông, có vẻ tạo thành một cái tựa hay hay đấy nhỉ. Thế là tôi viết cái entry lảm nhảm, không đầu không đuôi, với cái tựa nhố nhăng này.

Thực chẳng hiểu ra làm sao cả. Có ai hiểu tại sao tôi lại nghĩ đến Biển Thước khi nói đến Biển Đông không?
-----
Tái bút:

Tôi viết entry này tối hôm qua nhưng chưa viết xong, sáng nay đi công chuyện (như đã hẹn) nên bây giờ về mới hoàn tất. Lên mạng đọc về biểu tình tại SG cũng như HN sáng nay. Và biết mình đã lo quá xa, vì nhà nước mình rõ ràng là chưa cần dân đi biểu tình chống TQ để biểu dương sức mạnh đoàn kết chống xâm lược, mà dường như vẫn cứ quan tâm đến việc bảo vệ 16 vàng khè với 4 chết tốt hơn.

Bỗng mang máng hiểu tại sao tôi nghĩ đến Biển Thước rồi: có phải nhà nước ta đang ứng xử giống Tề Hoàn Công không nhỉ?

Ai biết bảo cho tôi với nhé!


3 nhận xét:

  1. Cảm ơn chị đã viết một bài rất hay, biểu lộ một tấm lòng yêu nước nồng nàn (nghe có vẻ không được "politically correct" trong hoàn cảnh bây giờ; nhưng sự thực nó là như vậy. Chị miễn cho nhé). Qua bài này tôi lại được biết thêm về Biển Thước. Chị ơi ! Việt Nam của mình đang ở sát nách một nước rất lớn và đang trở nên hùng mạnh mỗi ngày. Họ lại có cái tham vọng cố hữu là muốn bành trướng và Việt Nam ta là miếng mồi ngon trong con đường xâm lăng của họ. Đừng nghĩ rằng nhà nước VN không nghĩ tới chuyện này. VN mua Tàu ngầm hiện đại hạng kilo để làm gì? Mua máy bay tân tiến để làm gì? Vận đọng Liên Xô chuyển giao gấp khí tài để làm gì? ( nhất là trong bối cảnh VN là một nước nghèo, đang trong tình trạng kinh tế khó khăn). Tôi nghĩ chiến lược phòng thủ và bảo vệ VN rất hay và hợp tình hợp lí trong điều kiện hạn hẹp của VN. Tôi nghiên cứu các Tài liệu hiện đại trên thế giới để biết người biết ta để nói nghiêm túc điều này. Một quy luật bất biến của chiến tranh là: nếu biết không thể thắng được thì phải tìm mọi cách để tránh cuộc xung đột. Đó là lí do ta phải bấm bụng mà cấm biểu tình để tránh gây tình hình xấu thêm MỘT CÁCH KHÔNG CẦN THIẾT ( tôi dịch bài thơ công an đạp vào mặt người biểu tình của chị đấy!). Ta phải dùng cái đầuos trí để kiểm soát trái tim. Những yếu tố ảnh hưởng tới an ninh VN rất phức tạp không thể viết hết ra ở trong khuôn khổ hạn hẹp của comment này. Trong một dịp khác thuận tiện hơn hy vọng mình có cơ hội chia xẽ ( chia sẽ?) với chị. Vậy nhé chị. Thân ái. David.

    Trả lờiXóa
  2. Chào anh David,

    Lâu quá mới "gặp" lại anh. Cám ơn 2 comments của anh và sự ưu ái anh dành cho chủ blog này. Và cũng rất mong có dịp gặp và chia sẻ với anh (chia sẻ, sẻ dấu hỏi, không phải dấu ngã anh ạ; anh đúng là "người đàng trong"!) ;-)

    Trả lờiXóa
  3. "Không chỉ chặn bằng hàng rào B40" không phải đâu, tôi đã thấy không phải họ chặn bằng hàng rào B40 mà là lớp lớp hàng rào kẽm gai, đến nỗi tôi phải buột miệng nhiều lần với người nhà rằng :"sao chúng ác thế" lỡ người biểu tình phản đối Trung cộng bị xô đẩy té vào hàng rào này thì chắc chắn thương tích đầy thân thể, ý đồ của họ chăng? sao mà họ ác ôn cả trong suy nghĩ.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.