Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường?

Lại là một câu trong bài thơ tuyệt tác của Bà Huyện Thanh Quan mà cách đây mấy ngày tôi đã mạn phép sử dụng một câu để đặt tựa cho một entry trong blog này của tôi, "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo".

Trước hết, hãy đọc lại bài thơ này, và hoàn cảnh sáng tác của nó. Bài thơ ấy tôi học từ hồi lớp 9, trước năm 1975, lúc ấy còn đang chiến tranh hai miền Nam Bắc, và cô giáo dạy Văn của tôi, như nhiều người miền Nam lúc ấy, đang đầy ắp những tâm trạng về tình cảnh nước nhà. Tôi vẫn nhớ cô giáo tôi đã nói nhiều điều rất cảm động, ví dụ như vụ trả thù nhà Tây Sơn của vua Gia Long sau khi lên ngôi hoàng đế. Và cô bảo, lịch sử VN cho thấy người VN mình thiếu khoan dung.

Bài thơ "Thăng Long hoài cổ" cũng là một trong những bài cô giảng rất hay. Ngậm ngùi. Đó là một trong những bài thơ mà tôi nghe vài lần là nhớ, không cần học thuộc lòng. Nó như thế này đây, viết lên đây để mọi người cùng đọc lại để thưởng thức cái hay của nó nhé.

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.


Bài thơ này sáng tác vào lúc nào và để làm gì nhỉ? Đây, hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, chép từ wikipedia, ở đây.
Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này, sau năm 1802, khi mà Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị đầu não của đất nước về chính trị và văn hóa.

Chủ đề: Bài thơ tả cảnh ngụ tình. Cảnh thì tang thương. Tình thì hoài cổ. GS. Phạm Thế Ngũ viết: Bài này nói lên nỗi đoạn trường của tác giả trước cảnh hoang tàn của cố đô đất Bắc.

Nhưng đấy là tâm trạng của nhà thơ trong cái thời mà kinh đô của nước Việt đã dời đi khỏi Thăng Long. Còn hôm nay, thì Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội (Hà Nội mến yêu, như một câu trong một bài hát rất nổi tiếng về Hà Nội) đang náo nức, rộn ràng tổ chức đại lễ mừng Thăng Long một ngàn năm tuổi kia mà. Sao tôi lại nhớ đến bài thơ này nhỉ, hình như hơi ... lạc điệu?

Tôi cũng không rõ. Tôi chẳng có gì để nói về đại lễ này, và thật ra thì giới truyền thông chuyên nghiệp và nghiệp dư (tức các blogger) đã nói về nó rất nhiều, và tôi hoàn toàn không có thông tin gì mới hơn để góp vào đây. Tôi chỉ muốn im lặng thôi. Vì ... biết nói gì?

Nhưng sáng nay đọc tin về "Tổng diễn tập diễu binh đại lễ" thì tôi không im lặng được nữa. Vì quả thật, tất cả đều rất đậm đà bản sắc dân tộc ... Trung Hoa, thật thế. Tại sao tôi nói thế, thì tôi không dám đưa ra đây phân tích và chứng minh, vì không có nghề. Tôi không phải là nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu lịch sử, hoặc người chuyên nghiên cứu và so sánh các đặc trưng về y phục của các thời đại, nên không dám hó hé gì, chỉ biết, cảm nhận của tôi là mọi thứ không giống Việt Nam.

Và dù không biết gì nhiều, nhưng có một điều tôi biết chắc, là không có ai ở Việt Nam khi nghĩ đến lực lượng dân quân tự vệ lại mường tượng ra hình ảnh như thế này (xem hình bên dưới).

Thực ra, khi nhìn vào hình này (và nhiều hình khác, nhưng đặc biệt là hình này), tôi lại nhớ như in một cuộc "đại lễ" mà tôi đã "hân hạnh" được tham dự cách đây nhiều năm, hình như là vào năm 2003, tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Lúc ấy, tôi làm ở Phòng HTQT của một trường đại học ở TP HCM này, và được cử trong đoàn đi dự lễ kỷ niệm 50 năm hay 100 gì đó tôi không nhớ rõ, ngày thành lập Học viện dân tộc Quảng Tây, ở Nam Ninh.

Quảng Tây là một nơi có rất nhiều dân tộc thiểu số của Trung Quốc sinh sống, trong đó có khu tự trị dân tộc Choang, là một dân tộc mà theo tôi hiểu (qua lời giới thiệu của phía "bạn") thì có khá nhiều đặc điểm tương đồng với dân tộc Kinh, tức là người Việt chúng ta.

Và motif diễu binh như trong hình này, trong đó đến gần cuối sẽ có xuất hiện những người mặc trang phục dân tộc như hình các cô dân quân tự vệ mà tôi đưa ở trên, là một motif rất ... Quảng Tây, và rất Trung Quốc.

Motif đó như sau: lãnh đạo vĩ đại, quân đội hùng mạnh, và các dân tộc thiểu số sống đề huề, hòa bình và hạnh phúc, được tạo điều kiện phát triển tối đa dưới sự "chăn dắt" nghiêm minh và công bằng của đảng lãnh đạo và nhà nước trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo sáng suốt của đảng.

Ấn tượng năm 2003 ở Trung Quốc, mà vào thời đó tôi thấy "hay hay", "lạ lạ", khá thú vị và hơi buồn cười một tí vì nó rất ước lệ, nay chẳng phải đi đâu xa, đã được nhập cảng (= nhập khẩu, nói cho đúng điệu ... Trung Quốc) sang tận Thăng Long thành để chúng ta tha hồ chiêm ngưỡng cho thỏa thích rồi đó. Mọi người có thấy thích thú không?

Còn tôi, thì tôi nhớ đến bài thơ Thăng Long thành hoài cổ, và tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan. Đặc biệt là câu đầu tiên mà tôi đã trích làm tựa của entry này, và câu cuối:

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường!
---
Cập nhật tối cùng ngày

Không hiểu sao cái link tôi đưa buổi sáng từ nguồn của vietnamnet bây giờ không tồn tại nữa, thành ra có vẻ giống như là tôi đưa tin xạo? Đành phải đưa link khác vào đây. Đây này, trên Dân Trí.

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Cả tôi nữa ...

Hôm qua cơ quan tôi tổ chức Hội nghị Thi đua yêu nước.

Tôi không đi dự, mà cử mấy em trẻ ở TT đi dự. Lý do chính thức: tôi đi dự những Hội nghị như thế rất nhiều rồi, còn các em trẻ thì nên đi, để biết, và để có sự giao lưu, quen biết nhiều người hơn, sau này dễ làm việc.

Nhưng cũng còn một lý do không chính thức nữa: Tôi thấy "thi đua yêu nước" là một việc làm hơi ... kỳ kỳ. Yêu nước là tình cảm tự nhiên của mỗi người, và vì vậy, không cần, cũng không thể, thi đua. Vì thi đua - competition - tức là có hơn, có kém. Vậy làm sao đo được ai yêu nước hơn ai?

Mà hơn nữa, thi đua tức là có những người bị loại - ngay từ vòng đầu tiên, gọi là vòng loại. Thì đó, TT của tôi có hơn một chục người, mà chỉ cử có 3 người đi "thi đua yêu nước", tức ngay từ vòng đầu tiên là vòng cử đi dự hội nghị, đã có những người không được vào danh sách "thi đua yêu nước" rồi. Bị loại ngay từ đầu. Những người không được quyền, hoặc không được phân công, yêu nước!

Và trong khi những người yêu nước đang đi dự hội nghị - rất đông, nơi những con người ưu tú của các đơn vị được tập hợp lại để nói chuyện yêu nước - thì những con người không yêu nước (well, thì không yêu nước bằng người khác) phải ở cơ quan, lặng lẽ làm việc, việc của mình, và cả việc của những người đang "mắc" họp về việc yêu nước nên không làm được, với đồng lương chỉ có thể sống cầm hơi trong thời buổi gạo châu củi quế đúng nghĩa này. Họ không được "tổ chức phân công" yêu nước, mà chỉ được phân công làm việc để người khác có thể yêu nước mà thôi.

May quá, trong số người bị phân công ở nhà làm việc chứ không được phân công đi yêu nước ấy, tôi đã tự phân công tôi. Nên hy vọng các em trong TT không thấy tủi, không thắc mắc tại sao người khác thì được phân công yêu nước, còn mình thì không?

Không hiểu có ai nghĩ gì về điều này không nhỉ? Và không hiểu những việc làm kỳ lạ, chỉ có ở VN như thế này, có sẽ sớm thay đổi không?

Tôi không trả lời được. Tôi chỉ xin chia sẻ với những người không được phân công yêu nước bằng bài thơ này của Langston Hughes, nhà thơ người Mỹ da đen đầu thế kỷ 20 mà tôi rất thích. Bài thơ có tên, "I, too" - Cả tôi nữa!

Vì cả tôi nữa - ừ, tôi, PA ấy - tôi cũng yêu nước, có lẽ cũng không kém gì ai.

I, Too

by Langston Hughes

I, too, sing America.

I am the darker brother.
They send me to eat in the kitchen
When company comes,
But I laugh,
And eat well,
And grow strong.

Tomorrow,
I’ll be at the table
When company comes.
Nobody’ll dare
Say to me,
“Eat in the kitchen,”
Then.

Besides,
They’ll see how beautiful I am
And be ashamed—

I, too, am America.
http://www.poetryfoundation.org/archive/poem.html?id=177020
---------
Còn đây là bản dịch của tôi (vừa mới dịch xong), xin tặng các bạn độc giả của blog này:


Cả tôi nữa

Cả tôi nữa, cũng ngợi ca nước Mỹ.

Tôi, thằng em da đen.
Họ xấu hổ đuổi tôi xuống bếp
Khi khách đến chơi nhà.
Tôi chỉ cười
Vẫn ăn uống thản nhiên
Và sống vui, lớn mạnh.

Ngày mai
Tôi sẽ ngồi vào bàn ăn
Ngang hàng với khách.
Sẽ chẳng ai
Dám đuổi tôi vào bếp
Mỗi khi có khách
Đến nhà chơi.

Họ sẽ được thấy tôi
Thấy rằng tôi vô cùng cao đẹp
Rồi họ sẽ âm thầm hổ thẹn.

Vì cả tôi, tôi cũng là nước Mỹ.

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo ...


Có một người bạn mới hỏi tôi: Lúc này sao ít thấy viết blog? Cả tuần không thấy có entry mới?

Ừ, thì có nhiều lý do. Một trong những lý do hiển nhiên là tôi bận quá. Cuối năm, công việc dồn lại, chạy vắt giò lên cổ cho xong kế hoạch đã đề ra.

Những lý do khác: mệt mỏi; chán (cái gì cũng thế mà, lúc còn mới thì háo hức vồ vập, sau thì thành ... nhàm, thì chán, và bỏ bê); và có lẽ ... buồn!

Tại sao buồn? Thôi mà, ai biết thì đã biết, ai không biết thì cũng không nên biết làm gì cho mệt. "Cuộc đời đó có bao lâu ..."

Vậy chứ hôm nay tôi viết gì thế này? À, hôm nay không buồn, không chán, nhưng rất bực, nên dù vẫn bận, vẫn mệt nhưng không viết không được. Vì tôi mới đọc được bài viết này trên báo Lao Động, ở đây về thành nhà Mạc.

Lần đầu tiên tôi được biết về nó. Thành cổ nhà Mạc chỉ nhìn qua hình thôi mà thấy đẹp đến sững sờ. Một trong những tấm hình về nó tôi đưa ở đây, nhưng nay nó đã hoàn toàn không còn nữa!

Thực ra, nói cho đúng thì nó cũng còn nhưng chưa biết gọi là gì, "phế tích" (di tích bị bỏ phế) đã thành ... "tu tích" (di tích được tu bổ, tân tạo), "thành nhà Mạc" nay đã biến thành "thành nhà Gạch"!

Tôi nhớ có một dạo người ta đem sơn Nippon (sơn đâu cũng đẹp) đi sơn lên mấy ngôi chùa cổ, và đã bị dân chúng phản ứng dữ dội. Thật lạ, sơn Nippon sơn đâu cũng đẹp, sao sơn lên chùa cổ thì dân chúng lại chửi nhỉ?

Nay, người ta tiếp tục tu tạo cho phế tích, tốn nhiều tỷ đồng, đã rút kinh nghiệm rồi, đâu có dùng sơn Nippon nữa đâu, chỉ có gạch, mà dân chúng cũng chửi? Dân mình sao lạ quá!

Mà không biết còn bao nhiêu di tích khác đã bị xóa sạch một cách ngu xuẩn như thế này, nhỉ? Tôi chỉ biết, ở gần nhà tôi có Lăng Ông Bà Chiểu và thành Gia Định. Tuy là vẫn còn, nhưng cũng đã biến dạng nhiều lắm lắm.

Ôi ...

Tự nhiên nhớ một câu trong một câu truyện mà hình như bà mẹ nào có con đi học Mẫu giáo cũng nhớ: "Làm sao mà tôi không khóc cho được?"

À, mới đọc được bài thơ này về sự kiện mà tôi đưa trong entry này, nên chép lên đây cho các bạn thưởng thức luôn:

Mùa đông về nâng chén rượu vơi đầy
Mới hiểu hết lẽ đời tan hợp
Chiều nay ơi! Thành Tuyên giá rét
Có người nào về gặp mẹ rưng rưng.

Gió tháng mười thổi lạnh xuống dòng sông
Bờ bãi vắng dốc gầy hơn mọi bữa
Tôi một mình lang thang bên thành cổ
Một thời qua đi dưới gốc duối lặng im già.

Con tắc kè nói điều gì gần xa
Không ai hiểu mà cứ kêu chẵn lẻ
Dòng Lô xanh suốt đời như thể
Biết nói gì trước đám cỏ lau xưa.

Ôi dòng sông chảy suốt dọc tuổi thơ
Giờ nhìn tôi như thầm trách móc
Còn ai biết khi nắng chiều chưa tắt
Một nỗi niềm viên sỏi lắm xanh xao.

Có điều gì không nói được cùng ai
Mắt cứ chớp trước dòng sông đầy gió
Biết nói gì với một trời bão tố
Đành lặng im về khóc với quê hương!
Tác giả Nguyễn Hồng Hải là người con của Thành Tuyên. Hiện đang công tác tại Đài TH Việt Nam (theo blog Nguyễn Xuân Diện).

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Giang hồ

Mấy bữa rồi bận quá, vướng vào những chuyện không đâu trên "chốn giang hồ" (!). Mà đúng là "giang hồ hiểm ác", thực đấy. Nghĩ lại, vẫn còn cảm giác ... rùng mình, toát mồ hôi!

Lại nhớ hồi tôi còn bé, nhà chật chội lại đông em, để các em không quấy khóc vướng chân vướng tay, mẹ hay bảo tôi dắt em đi chơi loanh quanh trong xóm. Đôi khi đi xa, lạc vào những chỗ lạ, có lúc bị trẻ con nơi khác xúm lại "trấn lột" (giựt kẹo bánh, có khi trấn lột tiền), sau khi thoát ra và dẫn em an toàn về tới gần nhà, thấy hú hồn. Bây giờ, cảm giác của tôi cũng gần như thế: hú vía!

Nhưng hôm nay chép được bài thơ "Giang hồ" trên mạng, thấy cũng hay hay, thú vị, nên đưa về đây để lưu. Lưu một bài thơ hay, mà cũng ghi lại một chuyến "phiêu lưu" vào trong "chốn giang hồ"! Cũng đáng nhớ chứ, bài học để đời đấy!

Mọi người đọc bài thơ và enjoy nhé!

------------------
GIANG HỒ

Phạm Hữu Quang

Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang, với giặt đồ

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng góc ghế
Đếm thấy thừa ra một góc si

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ thôi trời đất cứ liêu xiêu

Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

Giang hồ ba bữa , buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió
Ngựa về ta đứng bụi mù tung

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi, cũng nhớ nhà.

5/1991

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

"Không bao giờ đâu, Donna"

Cập nhật ngày 14/9/2010:
Nếu có ai đã đọc entry "Một thông báo nhỏ" của tôi, thì tôi xin báo là tôi đã cất nó đi, như đã hứa. Rất cám ơn những người đã đọc và chia sẻ, động viên. Đối với tôi, việc vừa qua đem lại cho tôi rất nhiều bài học - về con người, về cách ứng xử công cộng, về sự trầm tĩnh, và lòng khoan dung. Việc thật đáng buồn, nhưng nó đã xảy ra, biết sao được. Thôi thì đành nhủ: "We all live, and learn!"

---------------------------------------
Entry này tôi bắt đầu viết cách đây 3, 4 ngày rồi nhưng vì bận công việc nên bỏ dở dang. Hôm nay cuối tuần, viết nốt và post lên đây. Vì đã trễ mấy ngày nên có thể không còn "thời sự" nữa, vì lúc tôi viết thì Thanh Chung, một blogger Việt mà tôi hâm mộ, vừa đăng lên một entry khiến tôi có cảm hứng viết entry này. Giờ thì có lẽ TC đã viết những mẩu khác rồi!


----------------------------------------------------------------------------------
Không bao giờ đâu, Donna!
Dù anh có yêu em hơn bất cứ thứ gì có trên đất Mỹ
Thì anh cũng phải trở về
Quê hương anh
Nơi mẹ già anh nửa đời ăn cơm chan bằng nước mắt
...
Quê hương anh
Trẻ chưa lớn đã già
Người chưa cao đã cọc..."
Những câu thơ trên đây tôi vừa chép ra trong trí nhớ. Đó là những câu đầu trong bài thơ "Vỡ lòng cho người con gái Mỹ" mà tôi đọc lóm trong tập thơ Du Tử Lê của bà chị của tôi vào đầu thập niên 1970, có thể là 1973, 1974 gì đó.

Lúc ấy, tôi cỡ 13, 14 tuổi (bằng tuổi Khuê Vũ bây giờ, trời, có thể tưởng tượng mình cũng có lúc ... trẻ như vậy sao????) Tập thơ ấy nhiều bài, tôi đọc lướt qua và không có bất kỳ ấn tượng gì hết.

Cho đến khi gặp bài thơ ấy. Bài thơ rất dài, nên tôi chỉ đọc lướt, nhưng rất ấn tượng với nó, đặc biệt là câu đầu tiên (và được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài thơ). Và nhớ mãi đến bây giờ.

Tại sao hôm nay tôi lại nhớ và nhắc đến bài thơ ấy? Vì tôi có nhìn thấy trên blogroll của tôi cái tựa một entry mới của Thanh Chung, một blogger mà tôi hay đọc. Đọc, vì thấy có sự đồng cảm. Thanh Chung tuổi Tân Sửu tức là thua tôi một tuổi, coi như là người cùng thời đi, và lại cũng có gốc là cô giáo, nên lại càng dễ gần.

Entry của TC nói cái gì mà làm cho tôi nhớ bài thơ của Du Tử Lê nhỉ? À, tựa entry của TC là "Phải yêu nước mình em ạ" (đại khái thế). Một entry cũng có ít nhiều so sánh Mỹ với VN, lần này là chị gái nói với em (bạn?) khi thấy những sự khác biệt giữa Mỹ và VN. Tự nhiên tôi thấy có gì đó hao hao với bài thơ của Du Tử Lê, nên - với khả năng liên tưởng 'siêu phàm' (và vì thế hay lạc lối, nói loanh quanh) của tôi, tôi bỗng nhớ ngay đến bài thơ của Du Tử Lê mà tôi vừa nêu ở trên.

Một bài thơ theo tôi là quá hay, và rất tiếc là không được phổ biến chính thức tại VN hiện nay. Nhà thơ Du Tử Lê thì đã đi định cư ở Mỹ rồi, là nhà thơ miền Nam thuộc "chế độ cũ" mà. Chà, nhắc tới mấy từ này là chẳng đặng đừng, chứ tôi là chúa ghét nhắc đến mấy cái từ quỷ quái ấy, vì nó làm cho nhiều người đau lòng, cả tôi nữa.

Vì tôi cũng là con nhà thuộc chế độ cũ mà lại, khi đi thi đại học còn bị xếp loại lý lịch gần bét, và gần đây khi chuyển công tác, lấy hồ sơ về - lần đầu tiên sau hơn 25 năm thi vào trường mới được thấy lại nó - tôi đọc thấy mấy giòng chữ ghi trên hồ sơ của tôi là "con ngụy quyền". Thôi chuyện cũ rồi, dù gì thì chủ nghĩa lý lịch cũng đã bị bỏ đi (trên danh nghĩa, ít ra là thế), không nhắc nữa chỉ đào sâu thêm hố sâu chia rẽ ...

Dù sao thì tôi, với tư cách một người VN, vẫn cứ thích bài thơ đó của Du Tử Lê. Cũng như tôi thích đọc blog của Thanh Chung, dù TC là người Bắc Hà Nội (khác với tôi là Bắc 54 sinh ở tận ... Sóc Trăng). Vì cùng là người Việt với nhau, cùng da vàng máu đỏ, cùng một bào thai trăm trứng mà. Mặc dù tôi chả thích truyền thuyết con rồng cháu tiên đó chút nào, gì mà mới lấy nhau đẻ con xong thì bỏ nhau, còn ra thể thống gì nữa!

Tôi muốn viết cái gì ở đây ấy nhỉ? Viết lăng nhăng ấy mà. Chỉ là để muốn nói, người Việt mình thật yêu nước, cho dù ở nơi nào, quan điểm chính trị ra sao, cũng giống nhau ở điểm ấy. Đấy, cứ đọc Du Tử Lê, rồi đọc Thanh Chung, thì sẽ thấy ngay. À mà ai muốn đọc Thanh Chung thì vào đây này: http://guihuongchogio.vnweblogs.com/.

À, mà tác giả bài "Không bao giờ đâu, Donna" thì bây giờ đã trở thành "Không bao giờ đâu, Lê ơi" rồi. Tức là không bao giờ trở về VN ấy, chứ không phải là "thì anh cũng phải trở về" đâu. Tìm trên mạng, tôi thấy Du Tử Lê đã viết khúc cuối của bài thơ ấy, có tựa là "Cuối cùng cho người con gái Mỹ" rồi. Mọi người cứ tìm trên google sẽ có ngay thôi.
------
Viết tiếp vào ngày Thứ Bảy 11/9/2010

Bài đang viết hôm trước thì rớt mạng, rồi sau bận quá nên bỏ dở dang đó. Hôm nay, thấy tiếc công nên đăng lên, nhưng thực sự trong đầu bây giờ đang ngổn ngang những điều khác muốn nói. Điều gì thế? À, tôi mới đọc blog của TS Nguyễn Xuân Diện về vụ phim Lý Công Uẩn, một bộ phim làm để chào mừng 1000 năm Thăng Long, được quay khá tốn kém, hình như đâu 100 tỷ (?), và điều đáng nói là ... nó rất đậm đà bản sắc dân tộc ... Trung Hoa. Ai muốn biết về điều đó thì vào blog của bác ấy mà xem, địa chỉ nguyenxuandien.blogspot.com.

Mà, theo lời bác ấy thì mấy ngày nay blog của bác ấy khó vào? Tôi cũng chả hiểu làm sao nữa. Hôm nay tôi vào blog của Thanh Chung cũng không được. Theo lời bác Diện, hình như nhiều người vào quá? Chẳng biết người vào, hay là máy vào nhỉ?

Nhân đọc blog bác Diện, rồi viết tiếp entry này do cảm hứng từ mẩu entry của TC, tôi lại lẩn thẩn nghi: Rõ ràng là người Việt Nam ở đâu, và bất cứ thời đại nào, cũng yêu nước. Nhưng cũng rõ ràng là dân tộc Việt Nam ta, khác với Nhật, lại có một "truyền thống" mà ngày xưa còn nhỏ, khi đi học thì tôi thấy mấy cô giáo dạy Sử khen là ... khôn ngoan, đó là đánh thắng quân Tàu xong thì lại sang triều cống. Bây giờ nghĩ lại, tại sao ông cha ta lại làm thế nhỉ? Sao không làm giống Nhật, ngay từ thời đó?

Có phải vì cái vì cái tâm thế chính trị, ngoại giao đó của cha ông ta mà ta mới có những nhân vật Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống hay chăng?

Ôi, đôi khi tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng...

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

"Người anh hùng nói" - Thơ dịch

Tôi nhận được mail của một người quen không biết mặt trong thế giới ảo, nhưng đối với tôi là khá thân thiết vì có thể xem là bạn thơ của nhau.

Mail ấy được gửi sau khi tôi post bài thơ Ngữ pháp của tình yêu lên. Người bạn thơ của tôi gửi cho tôi một bài thơ khác cũng rất hay, thơ tiếng Anh của nhà thơ Mỹ thời chiến tranh VN. Tựa là "Speaking: The Hero".

Bài ấy, trong mail nói là chép từ trang blog của VTN, và có kèm bản dịch sang tiếng Việt mà VTN nói là do Xuân Diệu dịch. Chẳng biết đúng sai, nhưng ông bạn thơ của tôi có nói một câu, chẳng biết thật, đùa, hay là ... khích, rằng, tôi thử dịch lại, chắc sẽ "hay hơn ông kia" (tức là ông ... Xuân Diệu, cha mẹ ơi!).

Thôi thì đàng nào cũng đã bị ... khích rồi, tôi đã đọc bài thơ tiếng Anh, cả bản dịch của Xuân Diệu, và sau đó bèn ... hì hục dịch bản của tôi. Nay đưa lên cho mọi người đọc và ... tha hồ bình phẩm nhé.
---
Speaking: The Hero

I did not want to go.
They inducted me.

I did not want to die.
They called me yellow.

I tried to run away.
They courtmartialed me.

I did not shoot.
They said I had no guts.

I cried in pain.
They carried me to safety.

In safety I died.
They blew taps over me.

They crossed out my name
And buried me under a cross.

They made a speech in my home town.
I was unable to call them liars.

They said I gave my life.
I had struggled to keep it.

They said I set an example
I had tried to run.

They said they were proud of me.
I had been ashamed of them.

They said my mother should be proud.
My mother cried.

I wanted to live.
They called me a coward.

I died a coward.
They called me a hero.

FELIK POLLAK (1909-1987)

Bản dịch của (giả định là) Xuân Diệu:
Người anh hùng nói

Tôi đã không chịu đi
Chúng bắt tôi vào quân dịch

Tôi đã không muốn chết
Chúng gọi tôi là nhát hèn

Tôi đã tìm cách trốn
Chúng mang tôi ra tòa án binh

Tôi đã không nổ súng
Chúng bảo tôi là không có thớ

Chúng mở cuộc xuất kích
Một viên đạn ngấu nát ruột tôi

Tôi đau quá khóc lên
Chúng đưa tôi vào hầm trú ẩn

Trong hầm tôi đã chết
Chúng lặng lẽ chào tôi

Chúng đã gạch tên tôi
Và chôn tôi dưới một cây thánh giá

Chúng đọc điếu văn trong thành phố tôi sinh
Tôi không thể kêu lên là chúng nói dối

Chúng nói tôi đã cống hiến đời mình
Tôi thì cố mà giữ lại

Chúng nói chúng tự hào về tôi
Tôi thì đã xấu xa đi vì chúng

Tôi đã muốn sống còn
Chúng gọi tôi hèn nhát

Tôi đã chết hèn nhát
Chúng gọi tôi anh hùng

Và cuối cùng, bản dịch của tôi (vẫn giữ tựa mà Xuân Diệu đã dịch):
Tôi đã chẳng muốn đi
Bọn chúng xô đẩy mãi.

Tôi chẳng hề muốn chết
Bọn chúng bảo tôi xoàng.

Đào ngũ cũng thử rồi
Chúng lôi ra tòa án.

Tôi đã không dám bắn
Bọn chúng chửi tôi hèn.

Đau đớn quá tôi rên
Chúng đưa vào bệnh viện.

Trong bình yên tôi chết
Chúng ngả mũ kính chào.

Chúng gạch tréo tên tôi
Trên mộ tôi thập giá.

Chúng đọc bài diễn thuyết
Thật dối trá làm sao!

Chúng nói tôi hy sinh
Thật ra tôi muốn sống.

Chúng nêu tôi gương sáng
Thực sự tôi rất hèn.

Chúng bảo tôi vinh quang
Về chúng, tôi hổ thẹn.

Đáng tự hào, chúng nói.
Mẹ tôi chỉ nghẹn ngào.

Tôi muốn sống bình thường
Chúng bảo tôi hèn nhát.

Tôi chết, tên hèn nhát
Chúng ca ngợi vinh danh.

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

"Ngữ pháp của tình yêu"

Tôi đọc được bài thơ tiếng Anh này hay quá, nên đưa lên đây chia sẻ với các bạn. Enjoy nhé.

A Grammar of Love

I met a noun,
introduced by a comma, and
we verbed across the dance floor.
I love you, noun, I said.
Let’s get married
and have a couple of objects.
Now our objects are out on their own,
but we sit and enjoy prepositions
running all through the house.
And I still love my noun,
and we still like to verb
and dance when we get a chance.


– Joe Linker

Bài ấy ở đây này: http://www.csmonitor.com/The-Culture/Poetry/2009/0528/p18s02-hfpo.html.

Và đây là bản dịch của tôi:

Ngữ pháp của tình yêu

Tôi gặp một danh từ
Người giới thiệu em là dấu phẩy
Chúng tôi động từ trên sàn nhảy
Thương em quá, em yêu
Mình cưới nhau, danh từ nhé!
Chúng tôi sinh ra mấy thằng bổ ngữ
Bổ ngữ đã lớn, chúng bỏ đi rồi
Những giới từ của chúng còn đây
Chạy lăng xăng dưới mái nhà này
Tôi vẫn yêu danh từ bé bỏng
Chúng tôi vẫn động từ đều đặn
Và nhảy với nhau những lúc còn 'xung'!

Well, bản dịch ... mì ăn liền, có lẽ chưa hay lắm, nhưng cũng đưa lên cho ... xôm. Ai có cách dịch hay hơn xin đóng góp nhé!

Ngồi buồn đốt một đống rơm ...

Đó là câu đầu của một bài ca dao có tác giả khuyết danh. Toàn bộ bài ca dao ấy như sau:
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào.
Khói bay đến tận Thiên tào
Thượng hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?
Lần đầu tiên tôi biết bài ca dao này là hồi học trung học, hình như là hồi lớp 10, niên khóa 1975-1976. Tức là năm đầu tiên sau ngày thống nhất.

Hồi nhỏ đi học, tôi rất khá môn Văn. Hễ trong lớp cô giáo hỏi gì về tục ngữ, ca dao, hoặc các tác phẩm văn học phổ biến (ví dụ của Tự lực văn đoàn) thì bao giờ tôi cũng là người được chỉ định trả lời, nếu không có bạn nào khác xung phong (tôi thì vì nhát nên ít xung phong lắm).

Nhưng riêng có bài ca dao mà tôi mới đưa ở trên thì tôi không trả lời được. Mà hình như cũng chẳng ai trong lớp trả lời được.

Và đây là lời giải thích của cô giáo mà đến giờ tôi còn nhớ. Đại khái, đống rơm với người nông dân VN là một tài sản lớn, vì làm một vụ mùa xong mà trừ mọi chi phí thì không còn nhiều, mà lúa gạo thì phải để dành ăn cả năm, và mọi thứ mua sắm gì đều trông vào đấy cả. Nên phải rất tằn tiện, và đống rơm là một loại nhiên liệu tự tạo của người nông dân, để dành sử dụng quanh năm.

Điều này, thì tôi tin là đúng, vì tôi cũng có bà con làm ruộng ở dưới Rạch Giá (Cái Sắn), tôi đã đến thăm và đã kinh qua việc thổi cơm bằng bếp rơm, rút rơm từ đụn rơm to đùng ra để đun, khói cay xè cả mắt ....

Tóm lại, là làm gì có chuyện "Ngồi buồn đốt một đống rơm", chẳng qua đấy là một cách nói. Kiểu nói giảm để tu từ. Chứ đúng ra phải hiểu là khi người nông dân mà đốt đống rơm, ấy là vì anh ta bức xúc lắm lắm rồi, không thể nào chịu nổi nữa!

Bức xúc, thì điên tiết lên, cho luôn một mồi lửa vào đống rơm. Thế là rơm cháy. Chà, rơm mà cháy thì phải biết, khói ơi là khói. Mà lại lâu tàn, cứ âm ỉ, âm ỉ thế, có khi cháy đến cả ngày chứ chẳng chơi.

Cho nên khói mới lên đến tận Thiên tào. Thiên tào là gì, cô giáo tôi không giảng, tôi cũng chưa tra từ điển nên chẳng biết chính xác là gì, chắc là nơi Thượng hoàng ở.

Thế, Thượng hoàng làm gì? Tôi nghĩ, Thượng hoàng này hiền thật đấy, ông chẳng tức giận về việc có ai đó dám đốt rơm để khói vào nhà trời, cũng không buồn thắc mắc xem tại sao dân lại đốt rơm, có bức xúc gì đó chăng? Không, ông chẳng tức giận, chẳng thắc mắc gì hết.

Ông chỉ phán có mỗi một câu dửng dưng thôi: "Đứa nào đốt rơm thế nhỉ?" Thế đấy. Thời nay, bọn trẻ con nghe xong chắc sẽ phán tiếp: "Bó tay chấm com!"

Nhưng thời năm 1975, tôi không kêu "bó tay chấm com". Mà tôi suy nghĩ nhiều lắm. Rằng nông dân VN thời xưa khổ thật, đúng là bị địa chủ bóc lột, vua chúa quan lại thì vô trách nhiệm, bù nhìn, dửng dưng trước vận mệnh đất nước (như những bài học lịch sử và chính trị mà nhà trường đã dạy). Hèn chi mà cách mạng, long trời lở đất như tôi đã được dạy trong các bài Sử, lật đổ chế độ phong kiến, chấm dứt chế độ người bóc lột người, vân vân và vân vân. Đúng quá, chứ còn gì nữa!

Và thế là bài thơ nằm luôn trong trí nhớ dài hạn của tôi cho đến giờ, mặc dù lâu nay các lớp bụi thời gian đã phủ dày .... (Trời ơi, viết hay quá, đúng là ... hồi nhỏ giỏi văn phải không các bạn? :D)

Vậy chứ hôm nay tại sao tôi lại nhớ bài ca dao này? À, vì nhiều chuyện lắm. Vì mấy hôm nay báo chí nói về Vinashin, tôi tò mò lên mạng, thấy mấy cái hình chụp các tàu bè, thiết bị gì gì đấy do Vinashin nhập về, toàn là đồ phế thải ở đâu đấy mang về, mà mua bằng tiền đô la lấy từ ngân sách, do mồ hôi nước mắt của người dân giống như tôi đây tích cóp đóng góp, để bây giờ Vinashin phá cho tan tành hết!

Rồi lại vụ TS Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ Đài truyền hình VN, một chức khá to vì nó là vấn đề tuyên truyền, tư tưởng mà, xin từ chức để ra ngoài làm tư. Ừ, "thôi thì anh Tuấn làm tư thì làm", có gì đâu mà rộn, nhưng người ta lại bảo anh Tuấn (sinh năm 1957, bằng tuổi ông xã tôi) anh ấy nghỉ vì bị ... vô hiệu hóa, cô lập gì đấy, bởi ông TGĐ đang tại vị là ông Vũ Văn Hiến (tôi chỉ nhớ mang máng vì thật ra cũng không quan tâm lắm về vụ cụ thể này).

Nhưng việc đáng nói không phải là ông Tuấn nghỉ và ông Hiến tại vị, mà là ông Hiến thì hình như đã 63 tuổi, quá tuổi quản lý rồi (ông Tuấn thì 53), mà lại có nhiều fault nữa chứ, hình như đã bị thanh tra kết luận là có sai sót, con gái ông làm cùng chỗ cha mình làm và cũng dính scandal gì đó, chưa thấy sửa sai nhưng vẫn yên vị và giờ đây lại sắp được tặng huân chương độc lập thì phải. Lạ quá????

Lại đọc thấy đồ chơi nguy hiểm của TQ được bày bán tràn lan tại VN. Gì chứ mấy trò chơi nguy hiểm của TQ là tôi rành lắm, vì tôi có con trai mà. Bây giờ lớn rồi, chứ hồi nhỏ, cậu con trai của tôi thường xuyên đi mua những trò chơi súng ống bạo lực ấy về chơi, toàn đồ TQ, rất nguy hiểm và đáng sợ. Vậy đó, bảo sao không bạo lực học đường?

Đọc chừng ấy chuyện thì tôi bỗng như một anh nông dân hiền lành, thường ngày chỉ lầm lũi làm lụng (côi cút làm ăn, chăm lo nghèo khó), bỗng nộ khí xung thiên lên, chẳng nói chẳng rằng, quẳng ngay một mồi lửa vào đụn rơm để đốt, cho nó bõ tức!

Đốt xong, mới sực tỉnh: thôi chết, hết rơm rồi, cả năm lấy gì mà đun nấu đây cơ chứ?

Thế còn Thượng Hoàng? À, ông ấy hỏi: Đứa nào đốt rơm?
----
Tôi vừa tra từ "Thiên tào" rồi, nó là "Thiên đình", tức nhà của trời đấy. Trong Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh.

Nhân tiện, thấy có bài này bình loạn về bài ca dao tôi mới đưa, cũng hay đáo để, nên đưa vào đây luôn, "cho nó khỏi lạc bầy"! Ở đây này.

Lại còn cái này nữa này: Khói rơm là khói độc lắm đấy, không nên đốt nhé. Đọc ở đây.

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

"Bài toán Ngô Bảo Châu"

Tình cờ ghé qua nhà bác Diện, ở đây này, tôi bắt được 2 bức biếm họa rất dí dỏm của họa sĩ Phan Cẩm Thượng về sự kiện NBC và câu phát biểu nổi tiếng liên quan đến con chiên - ủa quên, con cừu chứ (ờ mà chiên cừu gì cũng một thứ thôi mà!).

Tranh vẽ quá hay, nên mặc dù đã đưa link ở trên, nhưng tôi vẫn thấy cứ phải rinh về nhà để ngắm cho thỏa thích, nên đã xin phép chủ nhân của blog rồi nhưng chưa được trả lời (qua comment). Nhưng thôi thì đây cũng chỉ là giúp tác giả các bức vẽ trên đưa tranh đến người thưởng thức thôi mà. Nào, mọi người cùng ngắm nhé! Dưới đây này.


Biếm họa thật độc đáo, phải không các bạn? Mà không hiểu bác Châu bác ấy sẽ thực sự nghĩ như thế nào khi thấy mấy cái hình này nhỉ? Còn tôi, thì tôi nghĩ bác ấy sẽ ... phì cười vì sự dí dỏm của tranh vẽ, và cũng ... hơi một chút thú vị vì thấy câu nói của mình - có lẽ phát ra trong một lúc hơi bực mình vì bị mất tự do sau khi đã trở nên nổi tiếng - giờ cũng đã nổi tiếng đến thế.

Dù gì thì tranh vẽ cũng làm cho ta cười thoải mái. Cười, là liều thuốc bổ mà, bà con ơi!