Thứ Ba, 20 tháng 4, 2010

Những bài thơ từ thời tiểu học

Tôi vừa tìm thấy một bài thơ mà tôi học từ thời tiểu học, nhờ đọc blog của BS Hồ Hải với những hồi ức và tự sự của ông. Tìm thấy, và giật nẩy mình, cùng với những bồi hồi xúc động, với những ký ức cũ ùa về.

BS Hồ Hải là người cùng thời và ít nhiều cùng cảnh ngộ với tôi: một người lớn lên ở SG trước năm 1975, nhưng gốc gác không phải là ở SG mà là từ một nơi khác, Nam tiến! Có lẽ nhờ thế mà đồng cảm, hoặc ít ra, dễ nói chuyện, vì có những điều mình nói ra người khác không hiểu hoặc không thông cảm do không cùng trải nghiệm.

Tôi sinh ra ở tận Sóc Trăng, nhưng cha mẹ là người gốc Bắc di cư, vào miền Nam năm 1954 nên còn gọi là Bắc 54, để phân biệt với Bắc 75. Nhân tiện, những cái tên gọi này có lúc có người xem là "kỳ thị", nhưng hôm nay khi ngồi viết những giòng này thì tôi thấy những tên gọi đó cũng cần thiết để phân biệt các nhóm người với những đặc điểm vừa giống nhau vừa khác nhau. Cho nên mới thấy, kỳ thị hay không thì không ở tên gọi, mà ở thái độ của người sử dụng tên gọi đó.

Quay trở lại bài thơ. Đó là một trong những bài học thuộc lòng mà tôi được học từ thời tiểu học, và vẫn còn lưu trong bộ nhớ dài hạn đến bây giờ, mặc dù ít có dịp truy hồi lại. Nhưng khi vừa đọc câu đầu và cái tựa của bài thơ thì giống như một cuộn băng cũ vừa được bỏ vào máy và nhấn nút "play", tất cả bài thơ đó tự động chảy ra khỏi trí nhớ đã đóng bụi của tôi. Nó đây, tôi chép từ trang web mà BS Hồ Hải đã đưa link:

ANH HÙNG VÔ DANH
(Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tổ quốc)

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước

Họ là kẻ tự nghìn muôn thủa trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một sơn hà gấm vóc


Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc
Không ngại xa hăng hái vượt trùng sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn rộng lớn rộng

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc

Trong chiến đấu không nề muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm
Quyết khước từ lạc lộc với vinh hoa
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời trong bóng tối

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hi sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch

Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật

["sổ sách" là tôi chép nguyên văn bài thơ trong cái link đã được cung cấp, nhưng theo trí nhớ của tôi và logic của bài thơ thì nó phải là "sử sách"!]

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt
.

ĐẰNG PHƯƠNG
Link: http://www.tinparis.net/vanhoa/vh_NguyenngocHuy-BaXaoDangPhuong_VuUYenGiangHoNam.html

Toàn bộ bài thơ chép ra là như vậy, nhưng những đoạn in nghiêng là phần tôi nhớ đã được học trong bài học thuộc lòng hình như là hồi lớp 1, tổng cộng gồm 4 khổ thơ. Thật không ngờ là tôi nhớ không sai một chữ! Điều này cho thấy trí nhớ trẻ em thật kỳ diệu, có thể nói là photographic (trí nhớ chính xác như chụp hình). Và nếu đầu óc non nớt của trẻ thơ được tiếp thu những điều đúng đắn mang tính nhân bản - lòng thương người, yêu cha mẹ, thầy cô, có trách nhiệm với bản thân, đối xử công bằng và giúp đỡ bạn bè, thương yêu súc vật và người cơ nhỡ, kính trọng người già, yêu tổ quốc, hiểu về lịch sử dân tộc với cả những cái đúng và cái sai - đúng để tự hào và sai để tránh lặp lại - thì những điều đó sẽ còn đó trong trí óc của trẻ thơ và theo chúng đến hết cuộc đời.

Phải chăng đó là phần dường như còn thiếu của giáo dục ngày nay, khi ta vội vã nhồi nhét cho các em những kiến thức mà hiện nay có thể tìm thấy dễ dàng chỉ với vài giây gõ từ khóa để làm một google search?

Bài thơ vừa chép ở trên làm cho tôi lại nhớ thêm được những bài khác mà tôi đã học thời tiểu học, những bài thơ theo tôi đến cuối cuộc đời.

Ví dụ như bài này, liên quan đến lịch sử mở cõi của dân tộc ta, mà tôi đã nhớ lại một cách đau đớn vì cảm giác có lỗi trong lần tôi đi thăm khu di tích Mỹ Sơn. Lúc ấy, có một người hướng dẫn viên gốc Chăm dẫn chúng tôi đi để giải thích ý nghĩa của các di tích trên, và anh ấy (trạc bằng tuổi tôi, tôi nghĩ thế) có nói một câu tôi không bao giờ quên: "Các cô hãy nhìn vào mắt chúng tôi xem. Người ta bảo người Chăm chúng tôi có đôi mắt rất buồn. [Ừ mà buồn thật, đôi mắt với cặp chân mày rất rậm và cong, và sâu thăm thẳm] Nhìn phế tích của chúng tôi như thế này thì các cô hiểu tại sao mắt người Chăm buồn rồi chứ?"

Tôi hiểu mà. Hiểu từ bé lận. Bài thơ tôi học đây này:

Trên đồi cỏ(?) nắng hè gay gắt
Những mảnh lăng đổ nát nằm trơ
Mình đầy những vết thương xưa
Máu Chàm nhuộm đỏ đến giờ chưa phai.
[Chàm là cách gọi người Chăm thời trước năm 1975)

Tầng tháp cao rã rời nghiêng ngả
Bước thang lầu tường đá đổ xiêu
Cỏ gai tàn phá tiêu điều
Tượng thần dưới đất ra chiều đau thương.

(Chỗ chấm hỏi là những từ tôi không chắc lắm).

Một bài thơ khác tôi vẫn còn nhớ loáng thoáng đến giờ, nói về tình cảm gia đình:

Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa
Mắt trông con đứa đứa về dần.
Xa xa con đã tới gần
Các con về đủ quây quần bữa ăn.

Cơm dưa muối khó khăn mới có,
Của không ngon, nhà khó cũng ngon.
Khi vui câu chuyện thêm giòn
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà.


[Bài này tôi mới cập nhật hôm nay 26/4/2010, hôm trước không nhớ rõ, mới tìm lại trên Internet, không ngờ bài thơ này là của Tản Đà đấy! Ai muốn đọc đầy đủ thì lên đây.]

Tuy không nhớ trọn vẹn nhưng tôi nhớ là bài thơ này làm tôi xúc động lắm. Vì lúc ấy nhà tôi rất đông anh em, gia đình khá chật vật, bố tôi vừa đi học vừa đi làm, mẹ tôi tần tảo vừa nuôi con (cứ 2 năm lại sinh một đứa, tổng cộng đến 8 anh em, sao giỏi thế không biết?), nên nhưng câu thơ đó, đặc biệt là 2 câu "cơm rau muối..." làm cho tôi rất ý thức là mình phải cố học cho giỏi để sau này thành tài, giúp đỡ cha mẹ và phụng sự tổ quốc (nghe có vẻ "thuộc bài" quá phải không, nhưng trẻ con mà, tôi tin thật như thế đấy, chẳng có chút gì giả dối ở đây cả!)

Và một bài khác nữa, bài này hình như học hồi lớp 5, nên hy vọng là còn nhớ trọn bài. Tiếc cái là không nhớ tựa. Bài này nhằm dạy cho trẻ con lòng thương người, đặc biệt là những người kém may mắn hơn mình:

Nhà em có một u già
Từ bao giờ chẳng học qua chỗ nào
Hỏi già rằng tại làm sao?
Già cười móm mém, ui chao tại nghèo!

Em nhìn vầng trán nhăn nheo
Thương già không biết bao nhiêu, em buồn
Em cầm mấy ngón tay xương
Bảo già hễ viết chữ luôn là mềm.

Từ khi già học chữ em
Sáng hơn đôi mắt nhưng thêm lưng còng
I tờ già đọc rất thông
Già ru em ngủ, bồng bông i tờ.

Chữ em dạm, chữ già đồ
Run run đôi nét đậm mờ cuốn nhau.
Em đọc trước, già đọc sau
Hơi già thở ấm cả đầu tóc em.


Bài thơ cuối cùng này khi các con tôi còn nhỏ, đang học tiểu học, tôi cũng đọc cho chúng và chúng cũng rất thích. Có lẽ vì lời thơ dễ hiểu, không trau chuốt, lại hợp với tình cảm trẻ thơ, nên chúng nhớ, chẳng cần ép buộc.

Lại nhớ có một ông thầy gần đây dạy vật lý (?) cho học sinh bằng cách hát như nhạc ráp, và rất thành công, nhưng không được ủng hộ vì dạy cách gì ... lạ quá! Nên nói như BS Hồ Hải, ngày xưa soạn sách giáo khoa người ta có cả một ban tu thư hùng hậu trong đó có những chuyên gia tâm lý - chuyên gia đúng nghĩa - để những gì làm ra phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. Bây giờ có làm như vậy không nhỉ, chuyên gia nhiều lắm mà, tiền công quỹ hình như cũng nhiều, mà SGK thì cứ phải sửa đi sửa lại...

Tôi muốn nói gì qua entry với mấy bài thơ thời tiểu học này? Có lẽ chẳng muốn nói gì cả, hoặc là rất nhiều. Ít nhất thì cũng ghi lại đây những gì còn nhớ, kẻo một lúc nào đó cả trí nhớ nghịch thường cũng sẽ phản bội mình.

Liệu có ai đọc những giòng này của tôi không nhỉ, những người mà thông điệp tôi muốn gửi đến? Tôi bỗng cảm thấy mình giống như Nguyễn Du (tôi chỉ nói tâm trạng, chứ tài cán thì tôi chỉ là một hạt cát so với Thái Sơn!):

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?


Ba trăm năm nữa, 3 năm nữa, 3 ngày nữa, biết có ai còn đọc những giòng này của tôi không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.