Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Lại chuyện chữ nghĩa: vi trùng, vi khuẩn, siêu vi trùng, siêu vi khuẩn, và virút (virus)

Nhân có cuộc tranh luận nho nhỏ giữa các bác ... lớn lớn về mấy từ này bên blog BS Hồ Hải ở đây, và bản thân tôi cũng muốn biết rõ nên tôi đã phải trèo lên lục mấy tủ sách trên tầng ba (thư viện gia đình???) để lôi ra mấy cuốn từ điển xưa mà tôi vẫn để trong tủ sách và dùng thường xuyên hồi chưa có Internet.

Nhân đây cũng khoe một chút: tôi có rất rất rất nhiều từ điển, cái này là một thói quen chẳng biết là tốt hay xấu do bố tôi để lại. Đó là rất mê sách và trong nhà chứa rất nhiều sách. Vả lại, trước đây tôi là dân dạy ngoại ngữ mà.

Thời mới mở cửa (cuối thập niên 1980), có ai biết nói tiếng Anh mấy đâu, cái gì cũng đẩy bọn tôi ra nói và dịch, mà có biết gì đâu để dịch, nên mua đủ loại từ điển về tra cứu và làm ... "vũ khí chống lại kẻ thù xâm lược đất nước" (!) Nhắc lại thời ấy, cũng phải dùng ngôn ngữ thời ấy cho phù hợp chút xíu mà!

Và đây là kết luận về mấy từ này: Tóm lại, vi trùng là từ hơi xưa một chút, bây giờ ít dùng rồi. Vi khuẩn cũng có từ xưa (từ thời Đào Duy Anh lận!), nhưng bây giờ dùng phổ biến hơn. Và vi trùng với vi khuẩn là một thứ. Còn siêu vi trùng hoặc siêu vi khuẩn (hoặc thậm chí có người chỉ dùng siêu vi) là cái mà bây giờ người ta hay gọi là virút hoặc virus, tùy theo mức độ "sính ngoại" hoặc hội nhập của nơi dùng. Có vẻ như miền Bắc có "dân tộc tính" cao hơn nên viết theo kiểu nôm na là vi rút hoặc virút, còn miền Nam thì sính ngoại hơn hoặc hội nhập cao hơn nên hay dùng virus.

Vậy đấy các bác ạ! Dưới đây là phần em chép lại hầu các bác. Trả công em giương mục kỉnh đọc tới đọc lui và đánh máy muốn còng lưng rồi nghe các bác!

Mà bỗng dưng thấy ... thương mấy cuốn từ điển cũ, chúng lợi hại ghê, và trung thành, hiền hậu, củ mì cù mì, như bà mẹ quê, hoặc thậm chí là bà vợ quê (= cơm nguội) luôn ở đó chờ ta quay về, mà ta thì cứ mê mải chạy theo nàng Anh-tẹc-lét xa lạ, vong bản, hư hỏng kia, hic hic!!
---
A. Trích trong Từ điển các thuật ngữ khoa học Anh - Anh - Việt do NXB Thống kê 1998

1. virút (virus) hạt lây nhiễm, chứa lõi axit nucleic (DNA hoặc ARN) được bọc trong vỏ protein. Virút là loại không có tế bào, chỉ có thể hoạt động và sinh sản nếu chúng có thể xâm nhập vào tế bào sống và sử dụng hệ thống của tế bào đó để tự sao chép. Trong quá trình này chúng có thể phá hủy hoặc làm thay đổi tế bào chủ. Trong số các bệnh do virút gây ra có ho gà, cảm cúm, mụn giộp, cúm virút, bệnh dại, AIDS, và nhiều ở thực vật. Bằng chứng gần đây cho thấy virút gây ra một số dạng ung thư. Các thuốc kháng sinh không được dùng để điều trị các bệnh do virút, nhưng vaccine có thể bảo vệ chống lây nhiễm.

2. vi khuẩn (bacterium, bacteria snh) Các sinh vật đơn bào chỉ nhìn được dưới kính hiển vi. Chúng khác với các vật đơn bào bình thường ở chỗ không chứa hạt nhân. Chúng thường sinh sản bằng cách nhân đôi, và vì điều này có thể xảy ra khoảng 20 phút một lần, nên một vi khuẩn có thể có tiềm năng sinh sản ra 16 triệu bản sao của chính nó trong một ngày.

Một số vi khuẩn là loài ký sinh gây ra các căn bệnh, một số khác nếu không được kiểm soát [...] có thể làm hỏng thực phẩm và làm thực phẩm bị nhiễm độc. Tuy nhiên, hầu hết các vi khuẩn đều thực hiện các chức năng thiết yếu trong hệ sinh thái là tiêu hóa xenlulô trong ruột của loài ăn cỏ, tham gia phân hủy chất thải hoặc các vật thể chết, và cải thiện sự màu mỡ của đất nhờ xử lý các hợp chất nitơ. Các vi khuẩn khác thực hiện các chức năng có ích trong công nghiệp sữa như lên men phômai và ya-ua, và trong quá trình xử lý nước thải.
---
B. Trích trong Đại từ điển tiếng Việt của NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 1998

1. vi khuẩn Những cơ thể sinh vật gây bệnh hoặc không gây bệnh, có cấu tạo đơn giản, chỉ gồm một tế bào kích thước nhỏ chưa có nhân sinh sản chủ yếu bằng lối phân đôi.

2. vi trùng côn trùng nhỏ gây bệnh vd: vi trùng bệnh lao - ổ vi trùng - diệt vi trùng

3. virút (virus) vi sinh vật nhỏ nhất, dùng kính hiển vi thường cũng không nhìn thấy, phần lớn có thể gây bệnh, vd: virút bệnh dại được truyền qua vết cắn, nằm trong nước bọt

4. siêu vi khuẩn Như virút

5. siêu vi trùng Như virút
---
C. Trích trong Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh, do NXB Khoa học Xã hội in lại tại Hà Nội năm 1992

(Có lẽ lúc ấy in lại cuốn từ điển này thì không xin phép tác giả vì đã khuất, cũng không quan tâm đến bản quyền vì lúc ấy dường như chưa có Luật bản quyền thì phải!)

1. vi trùng Thứ sinh vật rất nhỏ, cũng thường gọi là vi khuẩn hoặc mi khuẩn (microbe)

2. My khuẩn Một thứ thực vật hạ đẳng, gặp thấp khí thì mọc mầm, khi mới sinh thì như sợi tơ trắng, cũng gọi là vi khuẩn, thường gây bệnh cho người (bacille)

2. vi trùng học Như Mi khuẩn học


Có một ghi nhận: từ "mi khuẩn" đứng làm entry head thì được viết là "my", những chỗ khác thì viết là "mi"? Đặc biệt, không tìm thấy từ siêu vi trùng hoặc siêu vi hoặc siêu vi khuẩn trong từ điển của Đào Duy Anh!
--
Nói thêm một chút: tôi là dân gốc ngôn ngữ nên chỉ quan tâm đến ngôn ngữ, mà dễ nhất là tìm được cách dịch 1 đối 1 với tiếng Anh là xong. Nên kết luân của tôi tóm lại là như sau:
1. bacteria: dịch là vi trùng hoặc vi khuẩn (cả hai đều được)
2. virus: dịch là siêu vi trùng, siêu vi khuẩn, hoặc siêu vi; nếu không dịch thì dùng từ vay mượn là virus!

Còn nếu ai muốn tranh luận về chuyên môn (vd: cấu trúc tế bào, nguồn gốc động, thực vật, có lợi hay có hại vv), xin mời vào đây đọc và tranh luận.

8 nhận xét:

  1. Thời cụ Đào Duy Anh thế giới chưa biết virus hay siêu vi trùng đâu chị ạ.

    Con người chỉ mới biết virus từ 197x, khi con người phát m,inh ra kính hiển vi điện tử. Vì kích thước nó quá nhỏ kính hiển vi thường không thể nhìn thấy được.

    Khà khà,

    Trả lờiXóa
  2. Vâng, tôi cũng đoán thế (nên mới có ghi nhận ở trên cho những người như bác xác nhận lại).

    Không thấy bác nói gì đến việc trả công tra tìm và cung cấp thông tin nhỉ? ;-)

    PA

    Trả lờiXóa
  3. Bà 8 xin cám ơn chị chủ nhà đã khai quang và phóng xạ với chi tiết từ Thư Viện 3 Tầng.

    Riêng bà 8 đây chắc vì bị tửng tửng lâu ngày nên thường luôn théc méc tài cán cùng kiến thức chuyên môn của mấy tay in tự điển. Sinh ngữ như 1 cái cây với cành lá xanh tươi cùng chồi non hoặc khô héo, nên mấy cuốn từ điển chỉ có giá trị tương đối cho 1 thời gian và không gian nào đó mà thôi.

    Theo kinh nghiệm xương máu của bà 8 đây, "Tiếng Đức" có 2 thứ German German và Austrian German; "Tiếng Anh" cũng vậy có 3 loại English English, American English, Autralian English nên nhiều lúc cùng 1 chữ nhưng rất khác ý tùy người và trường hợp lúc dùng. Vì vậy bà 8 đây nhiều lúc "bỗng dưng muốn khóc" với bài dịch qua "Tiếng Việt" nhất là trên mấy tờ lá cải in cho đầy trang.

    Riêng về từ "Vi Khuẩn = Virus".... mặc dù chưa thấy rõ nhưng Vi Khuẩn và Thuốc Chủng đã được giảng dậy ở trường ĐH và Viện Pasteur hồi 1970, kiến thức khoa học cùng áp dụng với chi tiết rất đặc thù về Virus gần như bây giờ. Đây là kinh nghiệm bản thân qua mấy Thầy Cô học từ Pháp hoặc đã làm việc với Viện Pasteur bên Paris trước khi về nước.

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  4. Bà Tám ui,

    Hoàn toàn đồng ý với Bà Tám nhiều điều trong cái còm của 8, nhất là mấy chỗ này:

    Sinh ngữ như 1 cái cây với cành lá xanh tươi cùng chồi non hoặc khô héo, nên mấy cuốn từ điển chỉ có giá trị tương đối cho 1 thời gian và không gian nào đó mà thôi.

    ĐỒNG Ý CẢ HAI TAY VÀ HAI CHÂN!

    Riêng về từ "Vi Khuẩn = Virus".... mặc dù chưa thấy rõ nhưng Vi Khuẩn và Thuốc Chủng đã được giảng dậy ở trường ĐH và Viện Pasteur hồi 1970

    BẢN THÂN EM THÌ KHÔNG BIẾT GÌ NHƯNG EM CÓ HỎI VÀI NGƯỜI VÀ HỌ CŨNG NÓI VIROLOGY LÀ VI KHUẨN HỌC, TỨC VI KHUẨN = VIRUS (CÓ NGHĨA LÀ CÓ LÚC, CÓ CHỖ DÙNG VI KHUẨN = VIRUS)

    Nhưng kết luận của em chỉ là muốn cho bác thấy hiện nay ở VN nó dùng như thế đấy, ví dụ trước đây hay nói nhiễm trùng, bây giờ nói nhiễm khuẩn.

    Nói thêm: em đi tìm từ điển vì muốn chứng minh là Bác Hải sai (!), vì đầu tiên em cũng đồng ý với Bà Tám vi khuẩn = virus. Nhưng tìm xong rồi đành kết luận Bác Hải đúng vì từ điển nó ghi như thế, hic hic.

    Vài giòng thưa lại với Bà Tám.

    Trả lờiXóa
  5. À thì là mà.... như bác Hải còm ví von giữa 2 từ "điên và điện" vài tuần trước.... từa tựa là "nếu ngày xưa người ta gọi điện là điên thì ngày nay mình cũng xài chữ điên"......
    như điên và ai điên thì lại dùng từ điện hỏng chừng. Hehehe

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  6. The first images of viruses were obtained upon the invention of electron microscopy in 1931 by the German engineers Ernst Ruska and Max Knoll.
    In 1887, Buist visualised one of the largest, Vaccinia virus, by optical microscopy after staining it. Vaccinia was not known to be a virus at that time. (Buist J.B. Vaccinia and Variola: a study of their life history Churchill, London)

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn Anonymous.

    Cái này chắc là bạn phản biện lại BS Hồ Hải trong cái còm của ông?

    Vậy bạn có thể cung cấp nguồn của trích dẫn (tiếng Anh) trên đây được không?

    Cám ơn bạn trước nhé!

    PA

    Trả lờiXóa
  8. Thực ra miền Nam Việt Nam đã có electron microscope trước 1970 do Viện Pasteur bên Paris viện trợ; nhờ cơ may là hồi đó mấy thầy cho 3 môn Microbiologie, Virologie et Parasitologie rất "chảnh" luôn dùng tiếng Pháp cho các từ sinh học và không chựu "đứng lớp" ở trường, và vì vậy tụi tớ phải "tới lớp" ở Viện Pasteur ở đường.... Pasteur Sàigòn ngày nào, cùng nhờ thế tớ đã có dịp tham quan cái electron microscope đó năm 1970 cùng nhiều cái khác nữa nhưng tất cả chỉ dành riêng cho các thượng thừa ở Viện Pasteur mà thôi. Sinh viên tụi tớ chỉ được nhìn từ ngoài và học từ hình vẽ tay hoặc từ sách giáo khoa bằng tiếng Pháp cho lý thuyết mà thôi, còn thực tập thì về phòng thí nghiệm ở trường góc Cường Để và Hồng Thập Tự.

    Bà 8

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.