Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Mưa, mưa mãi ...

Mấy ngày nay trời SG cứ mưa, mưa mãi ...

Mưa rả rích suốt buổi sáng, ngồi nhà chờ mưa tạnh để đi làm nhưng "trời chẳng chiều người", đợi mãi mà mưa không tạnh, chắc chắn là rồi sẽ đành phải chui vào chiếc áo mưa còn ướt từ chiều tối hôm trước, để đến nơi làm trong cơn mưa rả rích thôi.

Tôi sợ đi xe gắn máy khi trời mưa, vì đường trơn, kiếng (mắt, không phải kiếng xe hơi) ướt, mắt mờ, rất dễ bị tai nạn. Mà đối với tôi tai nạn không chỉ đến từ bên ngoài, mà còn từ bên trong: những đi trong mưa, dù là đi xe gắn máy, cái đầu óc lơ mơ, thi sĩ nửa mùa của tôi lại hay chạy đi vơ vẩn, nhìn đường phố trong mưa.

Nhìn những bà cụ già ướt lóp ngóp ngồi dưới tấm bạt căng để che mưa, bên dưới là mấy củ khoai, mấy nải chuối ... để bán cho người qua đường. Nhìn những chiếc áo mưa đủ  màu sắc trên đường, đa số là những màu tối, trung tính như màu xanh đen, màu "đỏ đô", nhưng đôi khi cũng có những chiếc áo màu vàng chanh rực rỡ, màu hồng/hường (?) hay màu đỏ của thuốc đỏ mà có người gọi là màu đỏ máu (!) chói cả mắt.

Nhìn, và quên đi là mình đang chạy xe, cứ để chiếc xe đưa mình tới trong giòng người, đầu óc tê dại đi, cho đến khi có một chiếc xe vọt qua mặt để dành đường, chạy sát đến suýt quẹt vào xe mình, tôi mới giật mình tỉnh dậy khỏi cơn mơ ngắn ấy. Nguy hiểm thực sự.

Nên thường là tôi không đi trong mưa, dù đi như thế cũng có cái thú của nó (thú, cho nên mới nguy hiểm). Và sáng nay cũng vậy, Trong khi chờ trời mưa tạnh, tôi viết lăng nhăng vài giòng lên blog cho qua thời gian.

Và nhớ bài thơ Mưa, mưa mãi của Lưu Trọng Lư mà tôi rất thích, nên đăng lên đây cho mọi người cùng đọc lại.


Mưa mãi mưa hoài
Lòng biết nhớ thương ai
Trăng lạnh về non không trở lại


Mưa chi mưa mãi
Lòng nhớ nhung hoài
Nào biết nhớ nhung ai


Mưa chi mưa mãi
Buồn hết nửa đời xuân
Mộng vàng không kịp hái


Mưa mãi mưa hoài
Nào biết trách ai
Phí hoang thời trẻ dại


Mưa hoài mưa mãi
Lòng biết tìm ai
Cảnh, tưởng đầy nơi quan tái.

Mưa ở SG, như vậy đó. Nhưng thực ra, ở miền Trung ngoài kia, là bão lụt, là nguy cơ động đất ở gần sông Tranh, thảm cảnh chết người, màn trời chiếu đất. Hết năm này sang năm khác. Trong khi dọc bờ biển miền Trung bây giờ cơ man là resort sang trọng. 

Ai ở trong các resort đó nhỉ? Và những thành quả của phát triển kinh tế bao nhiêu năm nay ai là người hưởng nhỉ? Chắc không phải là những người dân ở vùng thủy điện xả lũ hàng năm, không phải những người dân ở gần thủy điện Sông Tranh vốn được khẳng định là an toàn nhưng giờ đây  người dân đang phải hối hả dựng nhà bằng tre nứa để ở để sống chung với động đất! 

Và danh sách những lo âu, những hiểm họa đang rình rập người dân vẫn còn có thể tiếp tục kéo dài mãi.

Trời SG thì cứ mưa. Mưa, mưa mãi ....

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Rudyard Kipling và lá diêu bông

Lá diêu bông thì chắc chắn là ở VN ai cũng biết. Đó là bài thơ của thi sĩ tiền bối Hoàng Cầm, nói về tình yêu đầu tiên của một cậu bé với một người con gái lớn hơn mình mà cậu gọi bằng chị. Chỉ một câu nói bâng quơ của chị thôi, "đứa nào tìm được lá diêu bông/từ nay tao sẽ gọi là chồng (lời của Phạm Duy) thế là cậu bé tội nghiệp bỏ cả thời trai trẻ để "mình tôi lang thang muôn nơi, đi tìm lá cho em tôi" (lời của Trần Tiến).

Trong khi em mải miết đi tìm lá thì ở quê nhà, khốn thay, chị lại đi lấy chồng mất (mà chẳng cần lá diêu bông gì cả), để cậu em khi trở về với chiếc lá trên tay thì chỉ còn cõi lòng tan nát vói mối tình câm lặng suốt bao năm. Một chuyện tình buồn nhưng rất nên thơ, và bài thơ đã được đến hai nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc: bản Lá diêu bông do Phạm Duy, và bản Sao em nỡ vội lấy chồng của Trần Tiến mà tôi nhắc đến ở đoạn trên.

Cả hai bài hát đều rất hay, nhưng bài thơ theo tôi vẫn hay hơn rất nhiều, vì nó toát lên được sự vụng về, câm lặng nhưng rất lớn lao và sâu sắc của mối tình đầu không may và không bao giờ quên được của nhân vật xưng tôi trong bài thơ. Ai chưa đọc, xin google mấy từ "bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm", chắc chắn sẽ ra ngay.

Còn Ruyard Kipling thì chắc chắn là rất nổi tiếng ở Anh và tất nhiên còn ở cả nhiều nước khác nữa, trong đó có Việt Nam. Tôi đã có đề cập đến ông một chút trong bài "Được mùa thơ" của tôi cách đây vài ngày. Ông rất đa tài, vừa làm thơ vừa viết văn (và còn làm nhiều nghề khác nữa nhưng tôi không nhớ rõ), và là tác giả của bài thơ rất nổi tiếng có tựa là "If" tức là "Nếu". Bài thơ này cũng đã được nhiều người dịch sang tiếng Việt, trong đó có bản khá nổi tiếng mà tôi biết, với 4 câu đầu như sau:

Nếu bỗng thấy tan tành sự nghiệp
Mà nín thinh xây tiếp cuộc đời
Hay trong một ván bạc thôi
Mất hàng trăm tiếng không lời thở than ...

Cả bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm lẫn tác giả của bài thơ If đều đã rất nổi tiếng với mọi người rồi, nên chẳng cần giới thiệu thêm nữa. Nhưng liên hệ Rudyard Kipling với Lá diêu bông thì hẳn là chỉ mới có một người đề cập đến thôi. Người ấy chính là người bạn thơ của tôi, anh Hoàng Anh Dũng mà tôi đã giới thiệu trên blog này một lần rồi, và cũng đã úp úp mở mở trong entry "Được mùa thơ" của tôi cách đây vài ngày. Nên tôi cũng sẽ không nói gì thêm nữa. Mời các bạn thưởng thức thôi.

Các bạn đọc dưới đây nhé.
---------

RUDYARD KIPLING
đi tìm diêu bông

Nhiều thân hữu hỏi tôi Ruyard Kipling thì có mắc mớ gì đến cái lá diêu bông bất tử của Hoàng Cầm kia chứ ? Vậy mà có đấy thưa các bạn : Ruyard Kipling thực sự có một bài thơ gần như diêu bông ! Vâng Rudyard Kipling là một tên tuổi lớn của thế giới , và khi nói đến ông người ta thường nhắc đến bài thơ  If .Đây là bài thơ Anh được bình chọn hay nhất mọi thời đại. ( theo khảo sát của BBC năm 1995 ).Cũng bởi danh tiếng If quá dữ, nên đôi khi người ta quên rằng Ruyard Kipling còn nhiều bài thơ nổi tiếng khác nữa, và một trong số đó là Blue Roses :

Blue Roses

Roses red and roses white
Plucked I for my love's delight.
She would none of all my posies
Bade me gather her blue roses.

Half the world I wandered through,
Seeking where such flowers grew.
Half the world unto my quest
Answered me with laugh and jest.

Home I came at wintertide,
But my silly love had died,
Seeking with her latest breath
Roses from the arms of Death.

It may be beyond the grave
She shall find what she would have.
Mine was but an idle quest—
Roses white and red are best.

Tôi biết bài thơ này khá lâu , nhưng bỏ qua liền .Chỉ là một chuyện tình buồn : chàng trai, cô gái quen nhau rồi xa nhau, rồi một người bệnh chết, rồi một người đứng bên mộ ...  Tôi cho rằng mô típ cổ điển này thua xa lắc Những Đồi Sim của Hữu Loan, hay Bài Thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Nhưng trong một lần về quê , chiều ngồi bên mộ thầy tôi,  tôi thấy một chiếc lộc bình đất cũ cắm đơn sơ mấy cánh hồng trắng và mấy cánh hồng đỏ héo úa, tự nhiên tôi nhớ tới bài Blue Roses, và phát hiện ra một chi tiết khá lạ là chàng trai đem tặng cô gái có đủ cả hồng trắng,hồng đỏ. Lạ là bởi vì thường thấy những người yêu nhau tặng toàn hồng đỏ thôi !

Từ cảm xúc đó, về sau tôi lại thấy Blue Roses thực sự hay và thú vị, nhưng thực sự quá khó diễn đạt, bởi vậy phải gần hai năm, bản dịch mới hoàn thành :

NHỮNG NỤ HỒNG XANH

Nhớ thuở hoa hồng hái tặng nhau, 
những màu trắng đỏ gợi mai sau,  
rồi em hờ hững màu hoa cũ,
em thích hồng xanh ở tận đâu !

Từ đó trầm luân cuộc bể dâu, 
tôi đi dường bốn bể năm châu,
tìm nơi có mọc loài hoa ấy, 
năm tháng thêm đầy những nỗi đau…

Một mùa Đông tôi trở lại bên cầu,  
người yêu dấu năm xưa không còn nữa, 
phút cuối em vẫn nhìn ra phía cửa, 
đợi anh về với những nụ hồng xanh !

Này em hỡi, dưới suối vàng hoang lạnh,
nguyện cầu em thấy cánh hoa mơ,
điều tôi tìm giờ vẫn hư vô, 
trần thế vẫn rực rỡ những màu hoa dạo nọ…

Ruyard Kipling
Hoàng Anh Dũng dịch
tháng 10/ 2006

Người dẫn chuyện : Tâm hồn thì không thể dịch được, nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ này, tôi vẫn thấy dâng lên cái cảm giác bâng khuâng. Tôi vẫn như thấy hình ảnh một đóa hồng xanh. Tôi vẫn thấy một cách sinh động, hình ảnh nhỏng nhẻo, phụng phịu của cô gái đòi nụ hồng xanh, cái hình ảnh co ro của một gã trai đi trong mịt mùng rét mướt để tìm một cái Ảo cho một Tình Yêu Thực, thế nên đời mới có cái bi tráng uy mãnh của những gã Kinh Kha trong tình yêu :

 Đời vẫn nhớ
 những  gã Kinh Kha
khóc dưới hoàng  hôn.
một lá diêu bông
khóc trong chiều tiễn biệt !
( HAD)

Tôi thầm nghĩ , nếu gã trai trong Blue Roses còn sống tới giờ này thì anh có thể ra phố rồi : hoa hồng xanh bán đầy luôn ! Nhưng như thế thì không còn diêu bông ! Nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ biết tới những chuyện tình diêu bông đầy nước mắt như trong chính Blue Roses, và trong chính cuộc đời cát bụi này .
Liệu chúng ta có cần một chút diêu bông ?

HOÀNG ANH DŨNG
     Cuối Thu 2012
 ---------------
Cả bài thơ lẫn lời dẫn của dịch giả ở trên đều rất hay và hoàn toàn không cần tôi can thiệp vào nữa phải không các bạn. Nhưng tôi vẫn muốn thêm một chút ở đây: Anh HAD không chỉ dịch bài Blue roses một lần như ở trên, mà đã dịch đến mấy lần cơ. Dưới đây là một bản dịch khác, thơ ngũ ngôn. Theo dịch giả thì các bạn trẻ thích bản dịch này hơn vì thấy bài thơ 8 chữ ở trên khá nghiêm trang. Thơ ngũ ngôn thì bao giờ cũng đơn giản hơn, dễ đọc hơn mà. Và tôi, tôi cũng thích bài này hơn dù bài ở trên cũng rất hay. Các bạn đọc nhé.


CHUYỆN ĐÓA HỒNG XANH

Thuở nào hồng đỏ trắng,
tặng nhau mình bâng khuâng !  
chợt một ngày em bảo,
hái hồng xanh cho em !

Từ đó tôi đi tìm, 
đóa hồng xanh mơ ước,
khắp tinh cầu lưu lạc,
đời cười một gã ngông…

Tôi trở về mùa Đông,
em ra người thiên cổ
phút cuối bên khung cửa,  
em có đợi hồng xanh?

Em ơi chốn u linh,   
hẳn có loài hoa ấy,
trần gian thì vẫn vậy,  
đỏ trắng sắc hoa xưa …

Blue Roses
Ruyard Kipling
Hoàng Anh Dũng dịch
          ( 2010)
--------
Bông hồng xanh, bông hồng xanh.... Tôi bâng khuâng tự hỏi, chẳng biết trên cuộc đời này có gã trai khờ khạo nào đã từng đi tìm một bông hồng xanh vì những câu nói bâng quơ của tôi chưa nhỉ? Ai biết đâu đấy?

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Tin nóng: Ông Bạc Hy Lai bị khai trừ khỏi ĐCSTQ

Vâng, đó là tin tôi mới đọc được trên trang tin của tổ chức CFR, tức Council on Foreign Relations, một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Hoa Kỳ. Link đây:  http://www.cfr.org/?cid=nlc-dailybrief-daily_news_brief-link2-20120928. Và đây là lời dịch câu đầu tiên, tóm tắt những ý chính:

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định khai trừ đảng đối với Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh, người hiện đang phải đối mặt với nhiều lời buộc tội bao gồm hối lộ, hành vi tình dục sai trái, và lạm dụng quyền lực. 

Tin này có vẻ quá mới vì chưa báo chí nào trong nước đưa tin cả (hay là tin nhạy cảm nên không ai đưa nhỉ?). Vì sợ tin vịt cồ, nên tôi gõ cụm từ "Bo Xi Lai expelled" lên google, và nhận được 160 ngàn kết quả. Gồm toàn những tờ báo uy tín như Guardian, BBC của Anh, Washington Post, Bloomberg, VOA của Mỹ.

Ôi, tin nóng quá. Chuyện gì đang xảy ra trong chính trường của ĐCSTQ, người đồng chí, người anh lớn, người bạn vàng, bạn tốt của chúng ta thế này nhỉ. Và chẳng hay nó có ảnh hưởng gì đến tình hình chính trị của VN sắp tới hay không?

Chính trường, sợ thật!
---------


Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Không viết về tự do!

Chắc chắn là nhiều bạn sẽ không hiểu cái tựa ở trên. Không sao, đọc xong bài thì các bạn sẽ hiểu thôi.

Hôm nay, như thỉnh thoảng ông ấy vẫn yêu cầu như thế, ông xã tôi bảo: "Em viết một bài về tự do đi!"

Ngạc nhiên, tôi trả lời: "Sao hôm nay lại bắt em viết về đề tài to tát và nghiêm túc thế? Em không viết được đâu, vì em chỉ quen viết lăng nhăng, thơ thẩn thôi mà. Vả lại, viết mấy cái chủ đề ấy, tự do, dân chủ gì gì đấy thì ngại lắm. Lôi thôi lại bị cho là thế lực thù địch, phản động lôi kéo, thì chết! Không, không viết về tự do đâu!"

Nhưng ông ấy bảo, "Không phải tự do như em đọc trong mấy cái tài liệu của mấy nhà triết học, chính trị học, kinh tế học của phương Tây, Adam Smith, John Locke với lại Milton Friedman gì đó đâu. Mà là tự do theo định nghĩa của một vị công an hình như có quân hàm cấp tá  của VN mới đây thôi."

Ô, lại có chuyện đó nữa sao? Sĩ quan công an của VN đưa ra định nghĩa mới về tự do cơ à, lạ quá nhỉ. Thế mà tôi không biết gì cả, chết thật. Tôi vội vàng lên mạng google mấy key words để tìm: "định nghĩa mới về tự do".

Và thật ngỡ ngàng, tôi đã tìm thấy!

Nhưng cũng thật ngỡ ngàng, cái định nghĩa đó rất ... kỳ cục, bậy bạ, mặc dù nó cũng rất độc đáo, thật vậy. Tôi cam đoan trên thế giới này chưa có ai có bao giờ có thể nghĩ ra một cái định nghĩa lạ lùng đến như vậy. Trừ vị trung tá công an đã thốt ra cái định nghĩa đó, tất nhiên.

Bạn tò mò muốn biết định nghĩa đó là gì, phải không? Hừ hừ hừ, tôi vốn là một cô giáo mà, nên không thể nào viết cái định nghĩa đó ra đây được đâu. Nếu muốn biết, bạn chỉ có cách là google thôi, cũng dùng mấy key words mà tôi đã dùng ở trên đấy, chắc chắn bạn sẽ thấy. Vì cái định nghĩa này nổi tiếng lắm rồi, không chỉ đối với người Việt Nam, mà cả với nước ngoài nữa.

Chẳng hạn như trên trang web của BBC. Vì thù địch với VN, và chắc là đặc biệt với lực lượng an ninh của VN, nên cái đài phản dộng này nó đặt tựa như sau: "Trung tá văng tục trong ngày xử bloggers".

Ngoài bài viết không thân thiện ấy ra thì tôi thấy nhìn chung các bài viết khác có vẻ cực kỳ thích thú, thậm chí kích động. Có rất nhiều bài viết mà tôi vừa đọc vừa thấy ngượng vì nó ... bậy bạ lắm. Đúng là bọn thù địch, phản động viết, hèn gì nhà nước mình lo ngại, cấm đoán, bắt bớ, thậm chí bỏ tù, cũng là hiểu được. Nhưng sao tôi cũng thấy nó có phần đúng, lại khá thú vị, và buồn cười nữa. Đến nỗi đã xuýt viết ra đây để kể, nhưng lại nhớ ra tôi làm sao mà viết được. Đúng là làm nghề cô giáo cũng khổ thật đấy, mất hết cả tự do.

Viết đến đây tôi bỗng giật bắn mình. Mất hết cả tự do ... theo định nghĩa nào chứ? Nếu theo định nghĩa mới, thì ngay từ đầu, by default, tôi làm gì có nhỉ? Vì tôi là phụ nữ mà? Cái tự do theo kiểu mới thì chỉ có đàn ông có thôi nhé.

Ơ, thế ra theo định nghĩa mới này thì tất cả phụ nữ đều không có tự do à? Mà hình như điều này cũng đúng đấy nhỉ, phụ nữ VN nói riêng và phụ nữ châu Á nói chung, nếu mà theo đúng lời dạy của Khổng tử, cứ giữ tam tòng, tứ đức thì làm gì có chút tự do nào cơ chứ?

Nếu thế thì ông trung tá công an nhà ta tuy là buột miệng văng ra vậy thôi, nhưng lại thốt ra một chân lý đấy nhé. Một chân lý đã có tự ngàn đời, ít ra là ở châu Á. Phụ nữ thì không thể có tự do. Vì trời sinh ra thế. Không phải là do con người kỳ thị, áp bức gì cả, mà do thiên nhiên đã thiết kế như vậy sẵn rồi.

Nhưng rồi tôi nghĩ thêm. Có lẽ không phải nam giới nào cũng có tự do đâu, mặc dù, by default, theo thiết kế của thượng đế và với định nghĩa mới kia, có lẽ họ đều phải có. Đấy, mấy bloggers vừa bị bắt, vừa được xử và tuyên án rất nặng, cũng là nam giới, có tự do by default, thế mà có chút tự do nào đâu. Viết blog mà đụng tới mấy việc nhạy cảm chút thôi là mười mấy năm tù cái một, sợ quá (nên tôi e ngại là cũng phải các bạn nhỉ?).

Cái vụ viết blog mà bị tù này nếu muốn giải thích thì chắc phải liên hệ đến một bài viết khác thôi, cũng của một vị sĩ quan công an nào đấy, viết về định nghĩa nhân dân. Tôi đã từng viết một entry về bài viết đấy trên blog này rồi đó, các bạn có thể tìm bằng công cụ search.

Đại khái, theo định nghĩa đó thì chỉ có lẽ chỉ có ai có chức, có quyền, và hẳn là tất cả các đảng viên, những người vốn thuộc giai cấp lãnh đạo, và tất cả những người làm trong lực lượng an ninh (hình như tất cả đều phải là đảng viên thì phải, tôi không chắc lắm nhưng nghe loáng thoáng thế), thì mới là nhân dân thôi. Và chỉ có nhân dân (mà phải là nam giới) thì mới có tự do đúng nghĩa.

Đấy. Thế mà lâu nay tôi cứ tưởng khẩu hiệu "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" nó dành cho tất cả mọi người, trong đó có tôi. Cứ tưởng bở!

Viết tới đây, tôi thấy mình thật sáng suốt khi đã quyết định "Không viết về tự do", như cái tựa của entry này. Vì làm gì có tự do mà viết. Thì đó, nãy giờ các bạn đọc, có thấy tôi nêu định nghĩa (mới) của tự do ở chỗ nào đâu? Việc đó, đã có đảng và nhà nước lo rồi nhé!

(À, bây giờ tôi mới hiểu, tại sao tất cả các vị trong Bộ chính trị đều là nam giới cả. Phụ nữ thì làm sao mà chen vào đấy được, by default, hiểu chửa?)

Không viết (không nói, không nghĩ) về tự do, muôn năm! (Muôn năm, muôn năm!)
--------
PS: Ông xã tôi lại vừa hỏi thêm một câu: Vậy chứ mấy người chắc chắn là nhân dân, vd như PCT nước Nguyễn Thị Doan với phát biểu nổi tiếng về dân chủ, nhưng lại là phụ nữ như bà Doan, thì có tự do hay không? 

Câu hỏi này khó quá, tôi không trả lời được, các bạn trả lời giúp tôi nhé!

Được mùa thơ

Có lẽ tôi đang được mùa thơ.

Vâng, vì hôm nay tôi lại nhận được thêm một bài thơ dịch nữa, không kém thú vị, của người bạn mới quen mà tôi đã giới thiệu trong entry trước.

Cũng như lần trước, bài thơ này cũng đem lại cho tôi một sự ngạc nhiên vô cùng thích thú. Nhưng lần này thì không chỉ vì bài thơ dịch hay. Hay thì đã tất nhiên rồi, có lẽ thế; tôi đang may mắn có một người bạn hết sức yêu thơ, giống tôi. (Tuy nhiên, thơ dịch của bạn ấy thì hay chứ không có ... vè như thơ tôi dịch, nên chỗ này thì không giống.)

Nhưng sự thích thú của tôi lần này là do một điều khác, đó là khám phá ra một bài thơ rất hay của một nhà thơ Anh rất nổi tiếng (tên của nhà thơ và bài thơ ấy tôi tạm giấu đi, để mọi người chờ cho hồi hộp) mà tôi hoàn toàn chưa hề nghe đến bao giờ cả (thật xấu hổ cho một người đã học qua văn chương Anh-Mỹ như tôi). Cho đến khi nhận được món quà thơ của người bạn thơ của tôi (đến nay vẫn chưa biết mặt).

Và thú vị hơn nữa, là vì bài thơ của thi sĩ người Anh rất nổi tiếng ấy lại được ví với một bài thơ Việt của nhà thơ Việt cũng rất nổi tiếng khác, bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm.

Bạn có nghĩ ra được đó là thi sĩ nào với bài thơ nào không? Xin đưa thêm thông tin để các bạn dễ tìm nhé: Đó là một nhà thơ Anh sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Một người không chỉ là nhà thơ mà còn soạn kịch, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, và đã từng đoạt giải Nobel văn chương. Một người chắc chắn là rất nổi tiếng ở VN, well, ít ra là ở thế hệ của tôi, còn bây giờ thì bọn trẻ thích cái gì tôi cũng không biết nữa.

Đấy là về nhà thơ, còn bài thơ thì ...

Không thể nói thêm được nữa, vì lộ bí mật mất, nên tôi đành đưa lên đây bài thơ mà trước đây tôi đã từng dịch nhưng không lưu lại nên chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu. Nên mới ngồi dịch lại những chỗ không nhớ, xem như là bản dịch mới của chính tôi, hôm nay.

Bài thơ cũng không kém nổi tiếng, "Oh my love is a red, red rose" của Robert Burns, một nhà thơ Anh khác (well, chính xác ra là nhà thơ Tô Cách Lan), sống trước nhà thơ ... bí mật chưa được bật mí của tôi hàng thế kỷ. Tôi lập tức nhớ ra bài thơ này sau khi đọc về bài thơ kia, chẳng rõ tại sao, mặc dù tôi đã lâu lắm rồi tôi không có dịp nhắc đến nó.

Đây, bài thơ của Robert Burns và bản dịch của tôi, các bạn đọc tạm, trong khi chờ bí mật được lộ ra trong entry sau (không biết chừng nào mới viết đây, hi hi) nhé. Nói trước, tôi dịch dở lắm nhé, nhưng thôi kệ, các bạn đọc tạm vậy.



O my Luve's like a red, red rose
That’s newly sprung in June;
O my Luve's like the melodie
That’s sweetly play'd in tune.

As fair art thou, my bonnie lass,
So deep in luve am I:
And I will luve thee still, my dear,
Till a’ the seas gang dry:

Till a’ the seas gang dry, my dear,
And the rocks melt wi’ the sun:
I will luve thee still, my dear,
While the sands o’ life shall run.

And fare thee well, my only Luve
And fare thee well, a while!
And I will come again, my Luve,
Tho’ it were ten thousand mile.


----------
Còn đây là bản dịch (con cóc) của tôi.



Người yêu tôi như bông hồng đỏ thắm 
Vừa nở bừng sáng rực giữa trời Xuân
Người yêu tôi như bài ca đầm ấm
Vang rộn ràng những nét nhạc thanh tân.

Tôi yêu em, hỡi người yêu bé bỏng
Dẫu mai sau sông có cạn, núi mòn
Tôi vẫn yêu, ơi người em nhỏ bé
Như biển kia sóng cứ vỗ miên man.

Tạm biệt em, hỡi người em yêu dấu
Đành xa em một thoáng chốc trong đời
Nhưng chắc chắn tôi sẽ về tìm lại
Dù cho đường muôn vạn dặm xa xôi.

----------
Vậy nhé, các bạn chờ đọc entry sau. Món ngon phải đưa lên từ từ các bạn nhỉ, ăn nhiều quá một lúc e rằng sẽ không còn thấy ngon nữa.

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Thơ dịch của người bạn mới quen

Như một món quà bất ngờ, sáng nay tôi nhận được mail kèm  bài thơ dịch của một người bạn mới quen (nhưng cũng chỉ là quen qua điện thoại và email thôi, chứ chưa hề gặp mặt). Đối với người bạn ấy thì có vẻ như tôi chẳng xa lạ chút nào, vì bạn ấy đã quen tôi qua trang blog này, với những bài viết lăng nhăng, vớ vẩn, lẫn với mấy bài thơ thẩn cả thơ sáng tác lẫn thơ dịch của tôi.

Mở bài thơ ra đọc, tôi thật vui vì đó chính là bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Mỹ Robert Frost, "The Road Not Taken". Bài thơ mà tôi đã được học thời đại học, ở ĐH Văn Khoa cũ (đến khi tôi học thì đã đổi tên thành ĐH Tổng hợp, còn bây giờ là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - tên càng ngày càng dở đi như có ai đó đã nhận xét). Một bài thơ mà tôi rất thích nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dịch nó ra, vì tôi nghĩ sẽ khó dịch cho hay. Như một vài bản dịch mà tôi đã từng đọc được; đọc, và chỉ thấy dở hơn bản chính nên tôi cũng không có chút ấn tượng gì.

Nhưng bản dịch của người bạn mới quen của tôi thực sự làm tôi ngỡ ngàng một cách thích thú, vì nó vừa giữ được ý tứ của bài thơ gốc, lại được viết bằng một ngôn ngữ rất thơ và rất Việt. Tuyệt không có cảm giác "dịch" chút nào. Đọc lên, thấy thú vị lắm, nhất là khi bạn đã biết rõ cái hay, cái đẹp của bài thơ gốc và cho rằng nó thuộc loại không thể dịch ra được.

Các bạn đọc bài thơ ấy ở dưới đây nhé. À mà không chỉ có bản dịch đâu, các bạn còn được đọc lời dẫn của dịch giả nữa, cũng không kém phần thú vị. Tôi đăng nguyên văn cả lời dẫn dưới đây, trừ một giòng có nhắc đến tôi. Và xin gửi lời cám ơn đến người bạn mà tôi chưa có cơ hội để gặp mặt.

Enjoy!
-----------------


FROST & CON ĐƯỜNG KHÔNG CHỌN

Tôi nhớ đâu đó có người nói rằng : Tuổi thọ  của một người có thể tăng lên và cũng có thể giảm xuống sau khi đọc một áng thơ nào đó của một thi hào nào đó.  Một trong những thi hào đó là Robert Frost.

Chính nhận xét đó đã làm tôi chú ý đến thi hào người Mỹ này.Bởi tôi yêu thơ và cũng thích dịch thơ cho riêng mình đọc. Không chia sẻ với ai.Thói quen đó đã mấy chục năm rồi.Những bài thơ của Robert Frost quả nhẹ nhàng, nhưng ý tứ sâu xa.Đọc xong tôi còn hiểu chút chút.Ai dè  khi đọc một số bài bình luận về Robert Frost và thơ của ông thì phải nói thiệt, lúc này thì :  Không còn hiểu gì hết ! Sao mà cao siêu quá vầy trời?

Tôi đem điều này nói với thầy tôi – Duy Sơn Lão Nhân – người cười mà rằng : Ta cũng không hiểu đâu ! Về sau, khi tôi đang học đại học ở Sài Gòn, người còn gởi cho tôi một lá thư ngắn vỏn vẹn có dòng trào lộng : Có lẽ chính Robert Frost cũng không hiểu những bình luận đó đâu ! 

Thầy tôi đi xa lâu rồi, Frost cũng vậy. Và có lẽ là hai người đã gặp nhau và trao đổi câu chuyện về tôi ở một cõi trời nào đấy, nên ngày nọ tôi bất giác ngộ rằng : Thơ chỉ có thể Ngộ chứ không thể Hiểu !

Bởi vậy phải Ngộ thơ mới dịch được thơ – nếu không Ngộ mà dịch thơ, thì thơ dịch ấy có thể gây thảm họa dịch thuật còn nặng hơn cả truyện dịch như Trần Tiễn Cao Đăng nói về một số tác phẩm văn học dịch ở Việt Nam vài năm trước. Và bản thân tôi cũng “ tự hào” vì nào giờ không dại dột bình luận thơ của ai cả ! Năm khi mười họa, bạn thân, thân lắm,thì mới dám nhận xét sương sương thôi ! Thiệt may mắn !

Năm xưa tôi chép được một bài thơ của Frost : The Road Not Taken. Đó là năm 1988. Tôi thấy cũng dễ hiểu, nhưng dịch ra thì cứ trúc trắc làm sao đó. Thành ra cứ phải dở dang. Có điều là tôi không quên bài thơ đó.Lâu lâu cũng đem ra  “ nghiên cứu ”. Mãi đến 16 năm sau, mùa thu 2004, bản dịch mới hoàn thành, mà hoàn thành chỉ trong một đêm ! Ngâm nga chán rồi đem để đâu đó. Thế rồi thất lạc.Mãi đến chiều hôm kia , khi cùng  mấy học trò dọn thư viện cũ của nhà, thì phát hiện mảnh giấy nhỏ chép bài thơ dịch nằm cô đơn giữa một cuốn tự điển Hán Việt dày cộm. Tính ra trước sau cũng hơn 24 năm kể từ ngày có trong tay bài The Road Not Taken !

Thế rồi tự dưng, không hiểu sao, tôi lại gởi  Email bài thơ dịch đó cho một người bạn mới quen : cô Vũ Thị Phương Anh, như một quà tặng niềm vui đầu tuần. Nút “ send ” bấm đi rồi mới thấy …ân hận! [...] (Tôi đã bỏ bớt một câu ở đây. - PA ghi chú)

Không ngờ chỉ không lâu sau đó cô Phương Anh hồi âm, đề nghị post lên blog cho mọi người cùng đọc! Một lời khen rồi còn gì ! Vì thế  tôi mạnh dạn giới thiệu sau đây : The Road Not Taken của Robert Frost – cùng bản dịch.

 ------------
THE ROAD NOT TAKEN
Robert Frost
Two roads diverged in a yellow wood,
And sorry I could not travel both
And be one traveler, long I stood
And looked down one as far as I could
To where it bent in the undergrowth;

Then took the other, as just as fair,
And having perhaps the better claim,
Because it was grassy and wanted wear ;
Though as for that the passing there
Had worn them really about the same,

And both that morning equally lay
In leaves no step had trodden black.
Oh, I kept the first for another day!
Yet knowing how way leads on to way,
I doubted if I should ever come back.

I shall be telling this with a sigh
Somewhere ages and ages hence:
Two roads diverged in a wood, and I --
I took the one less traveled by,
And that has made all the difference.



Hai Ngả Đường Xưa

Hai ngã rẽ
giữa cánh rừng
thu vắng

biết về đâu,
người lữ khách
phân vân

một ngả đường 
ta đứng
xa trông

cho đến lúc 
giữa ngàn cây
lẫn khuất.

Nhưng ....
ta chọn
không phải em
đường thứ nhất !

bởi đường kia 
mới thật
chất nguyên sơ !

đường cỏ xanh
như tiếng
gọi trong mơ

dù có lẽ,  
cũng lối mòn
chẳng khác!

Sáng thu ấy
lá rụng nhiều
xao xác

ngã đường đầu 
ta hẹn...
đến mai sau,

những ngả đường  
ta ước
sẽ giao nhau,

bởi không biết
bao giờ
ta trở lại!

Ta sẽ kể
về tháng năm
khắc khoải

tiếng thở dài
vọng mãi
cánh rừng xưa

nắng hanh vàng
trên một
lối hoang sơ 

ta đã chọn, 
và đường đời ta
đã khác.

Robert Frost
Hoàng Anh Dũng dịch
Thu 2004
----------
Nói thêm một chút cho hết ý.

Bài thơ của RF theo tôi hay nhất là ở đoạn cuối, đặc biệt là 2 câu cuối: "I took the one less travelled by/And that has made all the difference". Và bản dịch có lẽ cũng hay nhất ở câu cuối này, với những từ ngữ buồn buồn nhưng vẫn nhẹ nhàng, thanh thản: tháng năm khắc khoải, tiếng thở dài, nắng hanh vàng, lối hoang sơ. Và hay nhất, đạt nhất là câu cuối cùng: "Ta đã chọn, và đường đời (ta) đã khác". (Xin phép dịch giả được lược đi từ "ta" cho câu thơ được giữ đúng câu 8 chữ.)

Một lần nữa, cám ơn dịch giả HAD, người bạn mới quen nhưng chưa biết mặt của tôi.

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Đọc "Đế Thiên - Đế Thích "của Nguyễn Hiến Lê (viết năm 1943)

Như các bạn đã biết, tôi đang viết dở dang loạt bài về chuyến đi thăm Campuchia, xứ Chùa Tháp, với rất nhiều ấn tượng tốt đẹp đến nay vẫn chưa phai. Nhưng bận quá nên mới viết hết một buổi sáng đầu tiên của chuyến hành trình 5 ngày 4 đêm, rồi ngưng lại.

Vì đang quan tâm đến Campuchia sau chuyến đi này nên tôi tìm tài liệu đọc về lịch sử Campuchia và các đền đài, cung điện cổ của đất nước Khmer oai hùng một thời, thời đại Angkor. Và tìm được cuốn "Đế Thiên - Đế Thích" của Nguyễn Hiến Lê, viết từ năm 1943 tức các đây gần 70 năm, và chỉnh sửa vào năm 1960, năm tôi chào đời! Một cuốn sách viết vô cùng thú vị, đáng đọc, vì nó không chỉ kể cho ta câu chuyện của một người lữ hành, đi, nhìn, nghĩ, viết, mà còn cho ta những hiểu biết tuy khái quát nhưng sâu sắc về lịch sử của Campuchia và những điều cần suy nghĩ về sự hưng vong của một dân tộc.

Đọc xong, tôi hết muốn viết nữa, vì NHL viết quá hay, nên những gì tôi viết ra hoặc sẽ hết sức mờ nhạt, vớ vẩn bên cạnh những gì ông đã viết, hoặc ngược lại sẽ bị ảnh hưởng vì những ý tưởng của ông khi nghĩ về một đất nước đã có một thời hùng vĩ, cực thịnh thời Angkor với diện tích được cho là 1 triệu mét vuông, mà nay chỉ còn là một đất nước nghèo nàn (ít ra là nghèo hơn VN) vừa mới thoát khỏi nạn diệt chủng và ngày nay nạn tham nhũng vẫn hoành hành.

Đành tạm thời ngưng lại, không viết nữa cho tới khi nào rảnh rang hơn, và ... tự tin rằng những gì mình viết ra cũng có cái gì đó riêng và đáng đọc. Còn dưới đây là đường dẫn đến chỗ để download tập du ký nói trên. Bạn nào muốn đọc thì vào đây nhé, tôi đã đưa lên google.doc để chia sẻ với mọi người một tài liệu quý.

Link: https://docs.google.com/file/d/0B23GcuCxvQVBRWg1RzZUclZNbTQ/edit
--------------

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Nơi trú ẩn của tôi (2)

Rất lâu rồi, tôi không làm thơ. Đọc thơ cũng không, dù ngày xưa đối với tôi đó là một cái thú, một sự đam mê hầu như không cưỡng lại được. Chả hiểu sao, có lẽ, nói như Nguyễn Ngọc Tư, trái đến độ thì đổi vị; người đến ngày (già!) thì đổi tính.

Nhưng hôm nay tôi lại làm thơ, tất nhiên là thơ con cóc (như mọi lần), mới chết chứ. Chả là hôm nay cuối tuần, có chút rảnh rang, trời Sài Gòn lại gió hiu hiu, vì hôm qua mưa cả buổi chiều rả rích. Cứ như là mùa thu vậy, dù ở Sài Gòn làm gì có mùa thu mà chỉ là hai mùa mưa nắng.

Nên tâm hồn ... lãng mạn (hừm, thời nay tuổi teen chúng không còn dùng từ này nữa, mà nói thẳng luôn là ... sến!) của tôi ở đâu bỗng trỗi dậy. Và thế là tôi làm ra được một khổ (=đoạn) thơ, nối vào một khổ (=đoạn) khác đã làm cách đây 2 năm, cùng tựa.

Nói thêm một chút cho mọi người hiểu. Tôi có một nhóm bạn học từ thời Gia Long, gọi là nhóm 10b1 vì chúng tôi quen nhau từ lúc vào lớp 10, năm mới "giải phóng". Thời "Khi mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy/Làm học trò mắt sáng với môi tươi" của chúng tôi hồi ấy rất vất vả, nhiều xáo trộn với những kỷ niệm đau lòng mà đến giờ có người vẫn chưa quên được, nhưng có thể chính vì đã cùng nhau trải qua một thời gian khổ mà chúng tôi dễ cảm thấy gần gũi với nhau dù đến nay đã gần 40 năm.

Nhóm bạn ấy hiện nay ở khắp nơi trên thế giới này, châu Âu, Mỹ, Úc, và tất nhiên, Việt Nam. Chúng đông lắm, đến mấy chục đứa, nếu đủ cả thì phải trên 50 người. Và có cả những người đã mất. Đứt đoạn với nhau đến mấy mươi năm, rồi có một người bạn bỏ chúng tôi đi xa một mình. Đau lắm, thương lắm, nhưng cũng chính vì cơ duyên ấy mà chúng tôi đã nối lại với nhau.

Thế là mail qua mail lại, rồi họp mặt, rồi ăn uống, sinh nhật, ca hát, cứ rộn ràng như thuở 15! Mệt lắm, mất thì giờ lắm, nhưng cũng vui lắm.

Rồi bây giờ nhóm bạn ấy còn bày đặt làm ra một cái blog chung nữa chứ. Tôi, đứa được xem là blogger chuyên nghiệp vì tự mình đã có đến 2, 3 cái blog, thực ra cũng đã hơi mệt mỏi với blog rồi. Thế mà khi chúng nó có cái blog đó, tôi vẫn không cưỡng được, cứ một ngày vào đó vài lần.

Cũng chẳng có gì đặc sắc, nếu bạn không phải là một người trong bọn chúng tôi. Chỉ là những tâm tình nho nhỏ, những trò đùa cợt lăng nhăng của trẻ con, nói bậy nói bạ. Đôi khi cũng có những tài hoa trong nhóm chúng tôi, chúng phát ra nào thơ nào văn nào nhạc nào họa. Nhưng đa số là viết lăng nhăng, như tôi đang viết đây, chẳng hạn.

Nhưng không sao; đối với chúng tôi, nó có ý nghĩa, thế là được.

Nên tôi vẫn cứ vào đấy, một ngày ít nhất là vài lần, có khi là vài chục lần. Chỉ là đùa cợt vớ vẩn thôi, y như hồi còn đi học, viết giấy chọc ghẹo nhau, ném qua ném lại, để chống cơn buồn ngủ, để tiếp tục chịu đựng những bài toán nhức đầu, những bài sử - địa lê thê, bài chính trị chán ngắt.

Cái blog ấy, với những đứa bạn thậm chí có thể sẽ khó có cơ hội gặp nhau tận mặt, nó đúng là nơi trú ẩn của tôi. Của chúng tôi.

Nên mới có đoạn 2 của bài thơ Nơi trú ẩn của tôi, như thế này. Chắc chắn là không hay, nhưng mà thật.

Chép lại đây để để giành cho mình, và cho những người bạn gần xa.

-----------
Nơi trú ẩn của tôi

I.
Nơi trú ẩn của tôi
Là thơ đấy
Nhắm mắt lại nghe giòng suối chảy
Nghe gió xanh, nghe tiếng chim thanh
Mở mắt ra là cuộc đời bát nháo
Là gạo tiền cơm áo
Vòng đời xoay nhanh, xoay nhanh
Ôi những con chuột chạy
Vật lộn giành tranh, bon chen rồi cũng vậy
Tôi tìm về với thơ.
(2010)

II.
Nơi trú ẩn của tôi
Là bạn Mười Bê đấy
Xa cách suốt thời gian ngần ấy
Gặp lại vẫn mày tao
Vẫn điên khùng, nói chuyện tào lao
Vẫn chọc ghẹo, dành ăn, vẫn thơ văn nhạc họa
Giòng đời trôi dù mệt nhoài nghiệt ngã
Còn một chỗ về rộn tiếng cười vui
Về đây, người ơi
Bốn mươi năm còn ắp đầy tình bạn
Và còn có cả khoảng không vô hạn
Ta kéo về blog chơi.

(22/9/2012)

-----
Nhân tiện đọc bài này, các bạn đọc bài cũ năm 2010 nhé, ở đây này: http://bloganhvu.blogspot.com/2010/07/noi-tru-cua-toi.html

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Lần đầu thăm quê hương Chùa Tháp (4)

Ngày thứ nhất  (tiếp theo)

Chúng tôi ngừng lại để ăn trưa khoảng vào khoảng gần 11 giờ - ăn cơm sớm, vì sau đó đường xấu, không có chỗ dừng chân, người hướng dẫn cho biết như vậy. Đi với đoàn chúng tôi có đến 2 hướng dẫn, một là người Việt, theo chúng tôi từ VN, và một là người Campuchia, đón chúng tôi sau khi qua cửa khẩu Mộc Bài.

Theo anh Tường, HDV Việt, luật ở Campuchia rất chặt chẽ, người nước ngoài (trong trường hợp này là VN) không được phép làm hướng dẫn tại Campuchia mà bắt buộc phải có HDV địa phương. Vì vậy, HDV Việt đi theo đoàn nhưng không được phép thuyết minh, hướng dẫn, chỉ có thể nói trên xe chứ xuống đất là không được nói vì có thể có cảnh sát du lịch theo dõi và phạt. Luật này hẳn là để bảo vệ công ăn việc làm cho người Campuchia, một việc làm chính đáng xét theo lợi ích quốc gia của người Campuchia, đặc biệt là trong quan hệ với người láng giềng VN dù thân thiết (hẳn là thế) nhưng cũng luôn là một mối đe dọa ngầm cho người Campuchia vì sự khôn lanh, số đông và sức mạnh về kinh tế, quân sự của nó (tất nhiên là VN chỉ mạnh hơn Campuchia là một nước vừa mới thoát khỏi nạn diệt chủng đây thôi, đừng có lên mặt nhé người Việt!)

Lẩn thẩn, tôi nghĩ mối quan hệ Campuchia - VN cũng thật giống mối quan hệ VN - TQ. VN cũng đất hẹp người đông, dân đông như kiến (so với Campuchia, tất nhiên) như TQ đối với VN vậy. Dân số VN cũng gấp đến gần 10 dân số Campuchia, gần tương tự như dân số TQ đối với dân số VN. Nhưng sao chính phủ Campuchia đối với VN vẫn tỏ ra có đầy đủ tư thế, sự hiên ngang và độc lập đến thế. Sao họ không sợ môi hở răng lạnh nhỉ? Chẳng bù cho chính phủ VN, lúc nào cũng sợ làm TQ mích lòng. Cứ như là một nước phiên thuộc vậy, thật là ... chẳng biết dùng tính từ nào để nói nữa.

Quán ăn khá tươm tất so với một quán ăn dọc đường ở miền quê. Món ăn nấu nướng cũng tạm, đặc biệt là nêm nếm khá hợp khẩu vị VN: không nhiều dầu mỡ, không có các món xào với nước sốt có bột sền sệt, không có tô canh toàn quốc mà ông xã tôi gọi là tô nước rửa chén mà gia đình tôi đã quen trong mấy tiệm ăn của người Hoa qua mấy lần du lịch ở Mã Lai và Singapore.
Bên ngoài quán ăn, phía bên kia đường có một hồ nước rộng mênh mông, cây cổ thụ xanh um, rợp mát, như một ốc đảo trên một vùng đất cháy nắng. Bọn trẻ con đứng tụ tập, da đen nhẻm, tò mò nhìn những du khách Việt. Chúng chơi giỡn, nhưng không gây ồn ào mà khá trật tự. Tự hỏi, chẳng hiểu chúng nhìn mình có giống như mình hay nhìn các đoàn du khách ở VN không nhỉ? Không biết mọi người nghĩ sao, chứ sao tôi không thể nào có thiện cảm được với những đoàn khách TQ đi du lịch ở VN: họ quá ồn ào, rối rít, phát mệt!
Nhưng sang Campuchia rồi, tôi mới thấy  rõ ràng là so với người Campuchia thì người Việt cũng ồn ào như thế. Anh Đen, HDV người Campuchia cũng nói: "Chỗ nào có người Việt thì người Campuchia dọn đi nơi khác. Không ở với nhau được, không hợp. Người Việt ồn ào quá, đi đâu thì đi hàng đàn, không sợ ai hết. Xe hơi ở VN bấm còi inh ỏi, ở đây không có cảnh đó."

Như vậy, VN hơn Campuchia cái gì thì không biết, nhưng riêng cái khoản giữ gìn sự im lặng ở nơi công cộng, một dấu hiệu của văn minh, thì rõ ràng mình cần học từ họ rồi, nhỉ?


Đây là tháp thờ người quá cố, bên trong đặt hũ cốt, được thấy khắp nơi ở Campuchia (và cả ở miền quê tại một số nơi trên đất Thái Lan nữa)

(còn tiếp)

Lần đầu thăm quê hương Chùa Tháp (3)

Ngày thứ nhất - 31/8/2012


Xe khởi hành từ đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận) lúc 6 giờ, đi một mạch và dừng lại ăn sáng ở Tây Ninh. Chẳng biết tôi có tưởng tượng ra không, mà sao tôi thấy những người phục vụ và cả ông chủ tiệm ăn nơi chúng tôi dừng lại ăn sáng, nghỉ chân có gì đó giống giống người Campuchia? Cũng nước da ngăm ngăm, khuôn mặt hơi khắc khổ, hằn dấu ấn của một nơi có khí hậu khá khắc nghiệt, nắng nóng chói chang.

Qua cửa khẩu Mộc Bài vào khoảng 8 giờ, tòa nhà đầu tiên tôi nhìn thấy là ... một Casino "to đùng vật vã". Anh hướng dẫn viên địa phương đón chúng tôi ngay cửa khẩu có tên Việt là Văn Đen, người cao to dễ mến, da đen ... thui! Anh cho biết, khu vực này trước đây rất nghèo, nhưng từ ngày có casino thì kinh tế khấm khá lên, do đóng góp tích cực của người Việt Nam. Thì các casino ở Campuchia chủ yếu chỉ dành cho người VN thôi mà lại, anh hướng dẫn cho biết như thế. Một cô bé đi cùng đoàn với tôi cũng khẳng định điều này, và cho biết công ty của cô (một công ty tư nhân) tuy có sếp nữ nhưng rất chịu chơi, thường xuyên tổ chức cho cả công ty sang Campuchia đánh bài ngay tại cửa khẩu Mộc Bài này.
Casino gần cửa khẩu Nội Bài, cách VN chỉ vài trăm thước

Tự nhiên lại nhớ đến thảm kịch của nhà báo Hoàng Hùng. Từ lúc nào, người Việt Nam chúng ta lại mê cờ bạc như thế này nhỉ, cả phụ nữ cũng chơi casino mê mệt đến thế? Hay máu mê cờ bạc vốn đã có sẵn trong máu người Việt Nam? Hồi tôi ở Melbourne, năm tôi sắp về nước (1996 thì phải) người ta cũng khánh thành Crown Casino rất lớn, và số lượng người vào chơi ở trong đó chủ yếu là người gốc Hoa. Hay người Việt cũng thế, vì có một ngàn năm Bắc thuộc chăng?
Cửa khẩu Mộc Bài phía Việt Nam


Cửa khẩu phía Campuchia, hình như có tên là Bavet?

Ai muốn đi chơi, đánh bài ở cửa khẩu (!) thì đọc thêm bài này nhé. Nhưng nhớ đừng quên câu "cờ bạc là bác thằng bần" (mà chắc phải đổi thành "cờ bạc là thím con bần" quá, suy ra từ vụ nhà báo Hoàng Hùng ấy mà).

Link: http://www.dulichbui.org/2010/11/huong-dan-du-lich-bui-moc-bai-bavet.html#

More: http://www.baomoi.com/Nhuc-nhoi-canh-nguoi-Viet-sang-Campuchia-danh-bac/104/5757710.epihttp://kienthuc.net.vn/channel/5421/201206/Mot-ngay-sang-Campuchia-xem-danh-bac-1840797/

Đây nữa chứ, thực ... kinh hoàng: http://www.sgu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1892:dan-min-tay-t-sang-campuchia-anh-bc-va-nhng-bi-kch&catid=407:thi-s-chinh-tr-xa-hi&Itemid=532

Khổ cho dân miền Tây, phụ nữ lớp nào lên phía bắc lấy chồng Tàu, Đài Loan, Hàn Quốc, lớp lại qua phía tây để đánh bạc, thua tiền, vỡ nợ, rồi tan nhà nát cửa. Vai trò của nhà nước, và các đoàn thể như hội thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân vv để đâu ấy nhỉ?

Lại lên xe, tiếp tục chạy, hình như chúng tôi đang ở địa phận tỉnh Svay Rieng (?). Cảnh vật 2 bên đường giống hệt VN, nếu không có những cây thốt nốt. Những cây cao, thẳng, dáng đẹp, mà người Campuchia tự hào xem là national plant của mình (không biết dịch là gì nhỉ, mình có từ quốc hoa là nhưng đây là cây, chẳng lẽ gọi là quốc mộc?)




Phong cảnh 2 bên đường


Đưa bản đồ này lên đây để dễ hình dung đoạn đường đã đi qua
Có khác gì phong cảnh VN nhỉ?
Nhà sàn, đặc trưng Campuchia, nhưng cũng có thể thấy ở An Giang (Châu Đốc)
Như một ốc đảo bình yên - Hình như ở tỉnh Prey Veng?
(còn tiếp)

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Lần đầu thăm quê hương Chùa Tháp (2)

4 ngày, 3 đêm là tất cả thời gian tôi và gia đình trải qua trên quê hương chùa Tháp, lần đầu tiên. Chi phí thật phải chăng, mỗi người khoảng trên dưới 3 triệu (tôi không nhớ rõ), gồm toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, tham quan vv trong suốt cuộc hành trình.

Xứ chùa Tháp, ba từ này có lẽ không người VN nào là không biết. Người Khmer đối với chúng ta cũng chẳng lạ lùng gì, vì ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những nơi như Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá vv vẫn có những làng người Khmer sinh sống chung với người Việt của chúng ta. Tết Miên là vào tháng 4, còn gọi là Tết té nước, là một sinh hoạt mà ở ĐBSCL ai cũng biết. Những ngôi chùa Miên cổ kính cũng không hề xa lạ với người VN. Hôm đi Trà Vinh cách đây hơn một năm (?) khi còn ở cơ quan cũ, tôi còn được đưa đi thăm một ngôi chùa Miên đã gần ngàn năm tuổi. Ngôi chùa thật đẹp, cổ kính rêu phong, giữa những cây cổ thụ uy nghiêm và bầu không khí yên lành cô tịch. Những dấu vết của một nền văn minh rực rỡ từ ngàn năm trước.

Nhưng đó là những dấu vết của văn hóa Khmer ở VN. Còn về đất nước láng giềng gần gũi Campuchia thì tôi lại chẳng biết gì, ngoài chế độ Khmer đỏ với người cầm đầu là Pol Pot và nạn diệt chủng, rồi chiến tranh biên giới phía Nam với Khmer đỏ năm 1978 (năm tôi vào đại học) với sự ủng hộ và giúp sức của anh bạn láng giềng 16 vàng 4 tốt khiến VN phải gửi quân tình nguyện sang giúp đỡ Campuchia giải phóng ra khỏi chế độ diệt chủng tàn ác đó. Rồi sau đó là Hun Sen lên làm thủ tướng cho tới giờ, và rồi anh ấy lại chơi VN một cú dưới sự ủng hộ của người đồng chí tốt là Trung Quốc.

Không những thế, gần đây, Campuchia còn nổi tiếng là một địa chỉ ... đánh bài của người Việt, với các sòng bài được mở ra khắp nơi để đón chào những người Việt hoặc quá thừa tiền (những đồng tiền bất chính, của thiên trả địa?) hoặc quá ham hố, muốn không làm nhưng vẫn có ăn, kéo đến sát phạt đỏ đen suốt đêm ngày. Để đến khi thua bạc, thì tan cửa nát nhà, thật đúng câu ca dao răn đe mà chúng ta đã được nghe từ ngày đi học tiểu học: "Cờ bạc là bác thằng bần/Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm". Thì đó, chúng ta có hẳn một cái gương tày liếp, bà Thúy Liễu vợ nhà báo Hoàng Hùng. Đúng chính xác gần như đến từng lời, "cửa nhà (muốn) bán hết, tra chân vào cùm", với mức án chung thân. Bố chết, mẹ đi tù, con cái của bà Liễu quả là bất hạnh. Tất cả, ,chỉ vì mấy sòng bài trên đất nước láng giềng mà ta quen gọi là quê hương chùa Tháp.

Tóm lại, một cái nhìn không có gì là quá thiện cảm về đất nước Campuchia láng giềng gần gũi của chúng ta.

Đó là lý do tại sao mãi đến bây giờ tôi mới đi Campuchia để du lịch, dù chi phí cho việc đi Campuchia là rất mềm. Chỉ mãi đến dịp Tết vừa qua, một người bạn đi du lịch Campuchia về đã khen rối rít không tiếc lời và khuyên tôi phải đi Campuchia một lần cho biết, tôi mới có ý định đi thử cho biết. Và thế là tôi đã tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ 2/9 vừa qua để đến xứ chùa Tháp một lần.

Một chuyến đi 4 ngày, 3 đêm đầy ắp, một điều không ngờ về một đất nước mà trước đó tôi không hề có ý định ghé thăm. Vậy mà trước khi rời Phnong Penh để về VN tôi lại cảm thấy mình còn quá nhiều điều muốn biết về đất nước láng giềng hiền hòa, nơi đã từng là một đế chế hùng mạnh với một nền văn minh rực rỡ mà giờ đây cả thế giới vẫn phải ngưỡng mộ. Đến nỗi trong số hành lý tôi mang về từ Campuchia, ngoài cá lóc khô, chuối sấy và đường thốt nốt, những sản vật quen thuộc của đất nước Campuchia, còn có cả 1 tấm bản đồ du lịch và 2 cuốn sách bằng tiếng Anh viết về lịch sử Campuchia và các đền chùa, cung điện nguy nga một thời của đế chế Angkor hùng mạnh. Để tiếp tục đọc và tự trả lời những câu hỏi đã hình thành trong đầu tôi qua chuyến đi thú vị này.

Một chuyến đi thực sự thú vị, bổ ích mà tôi sẽ phải mất nhiều ngày mới có thể viết hết ra để lưu lại cho mình và chia sẻ với các bạn. Các bạn cứ thư thả, nhẩn nha mà đọc dần nhé.

(còn tiếp)

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Có thế chứ, hoan hô An Ninh Thủ Đô!

Bài này tôi bắt đầu viết từ lâu rồi, nhưng không hoàn tất do bận việc khác. Lưu vào nháp, định bụng sẽ viết xong sớm, nhưng rồi quên luôn. Nên bài viết có lẽ đã mất tính thời sự.

Định xóa đi, nhưng xem lại, thấy tiếc rẻ vì không mấy khi tôi có thể viết được một bài hoan hô báo lề phải một cách tự nhiên và tự tin đến thế. Đành cố hoàn tất cho xong, cho khỏi uổng công, và bỏ phí một cơ hội hiếm có! Các bạn đọc nếu thấy vấn đề đã cũ rồi thì ... thông cảm nhé!

À mà phải nói thêm tí, cái gì chứ nói về sự xấu bụng của TQ thì hiện nay lúc nào cũng là thời sự đấy. Không tin các bạn cứ đọc đi sẽ rõ! :-)
-----------------
(Phần viết từ trước)

Tôi không hay đọc An Ninh Thủ Đô, vì hai lẽ. Thứ nhất, tôi không hay đọc các báo có chữ "Thủ Đô" (An Ninh Thủ Đô) hoặc "Hà Nội" (Hà Nội Mới). Vì nó xa xôi quá, nếu bay thì cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ, còn đi tàu hỏa thì mất đến mấy ngày. Không được hân hạnh làm dân thủ đô, tôi hoàn toàn mãn nguyện với việc đọc các loại báo của TP HCM và/hoặc có chữ "TP HCM" (ví dụ: Phụ Nữ TP HCM, Pháp Luật TP HCM) và thấy thế là quá đủ rồi.

Thứ hai, tôi cũng không hay đọc các loại báo có chữ An Ninh hay Cảnh Sát hay Quân đội gì gì đấy. Thì những ngành ấy có liên quan gì đến tôi đâu cơ chứ. Vả lại, có lẽ cũng như nhiều người VN khác, tôi hơi hơi có chút dị ứng với mấy từ này. Chả hiểu sao lại thế, không biết có phải là vì những kinh nghiệm không mấy hay mà tôi đã từng có trong đời trong tiếp xúc với mấy chú, mấy anh "công an (khu vực)", "cảnh sát (giao thông)" hay không. Mà cũng có thể là cái dị ứng đó nó mới có đây, sau mấy vụ cưỡng chế đất đai của dân như vụ Văn Giang, Tiên Lãng, trong đó các lực lượng vũ trang hàng hàng lớp lớp, hiên ngang anh dũng tiến lên cưỡng chế ... những người dân vô tội, trông cứ như là đang đánh trận với kè thù ấy.

Không chỉ ... dị ứng với ngành an ninh (xin lỗi các anh, các chị công an đúng nghĩa, tức là những người bảo vệ an ninh công cộng, an ninh quốc gia, những người lẽ ra phải có được sự biết ơn và kính trọng của mọi người dân chứ không phải là dị ứng như thế này), tôi còn ... dị ứng với mấy tờ báo mà tôi nêu ở trên, vì những kinh nghiệm không hay của tôi về một số bài viết trên các tờ báo này. Nào là một bài viết về nhân dân, ai đọc xong đố ai hiểu được mình có phải là nhân dân hay không nữa. Rồi lại mấy bài viết về vụ Tiên Lãng, trong đó nhà của anh Đoàn Văn Vươn (mà đến nay vẫn chưa ai biết số phận sẽ ra sao?) lúc thì là boong-ke lúc lại là chòi cá, thật bí hiểm. Rồi còn những bài viết dường như có ý xúc phạm, bôi nhọ những người biểu tình yêu nước nữa chứ, thật không sao hiểu được tại sao những người VN biểu tình chống TQ xâm lược mà lại bị báo chí lề phải của nhà nước mình dè bỉu đến thế?

Tất nhiên, đấy chỉ là những cảm nhận và thắc mắc của tôi, một người ngu ngơ về chính trị, chẳng có hiểu biết sâu xa gì cả. Hẳn là những bài viết khó hiểu đó phải có một mục đích gì đó rất cao cả, rất vĩ đại mà tôi chưa hiểu đó thôi, tôi luôn cố tin như thế. Nhưng dù có cố tin, thì tôi vẫn thấy, tốt nhất là mình đừng có đọc mấy tờ báo ấy làm gì cho nó mệt đầu, rồi lại thắc mắc linh tinh, rách việc. Đúng thế, phải không các bạn?

Thế nhưng hôm nay thì rất khác nhé. Báo An ninh thủ đô nhà ta có hẳn một bài viết có quan điểm rõ ràng, dễ hiểu, và thật đúng với ý của tôi và nhiều người dân Việt khác. Bài ấy là bài này đây: 
http://www.baomoi.com/Home/ThiTruong/www.anninhthudo.vn/Thuc-pham-hang-hoa-doc-hai-cua-Trung-Quoc-Phai-cam-cua-khong-cho-vao-Viet-Nam/9189074.epi
-----------------
(Phần viết tiếp ngày 4/9/2012)

Bài viết của tôi bị bỏ dở từ ngày 26/8 đến nay, tức gần chục ngày rồi. Lẽ ra thì tôi bỏ luôn không viết tiếp nữa, vì không còn tính thời sự. Nhưng do mới đi Campuchia về, có một vài chi tiết có liên quan đến nội dung bài báo nói trên, nên viết tiếp vài dòng.

Như mọi người đều biết, cách đây ít lâu dư luận VN rất bức xúc về việc Thủ tướng Hun Sen của Campuchia vừa "chơi" VN một cú, tức là đứng về phe TQ để cản trở việc ra thông cáo chung về biển Đông của ASEAN. Đúng là việc đáng giận thật, nhất là Hun Sen chính là người mà VN đã ủng hộ để có thể lên nắm quyền tại Campuchia hiện nay (và hiện đang là nhân vật số một của đất nước này, với những quyền lực và tài sản có thể nói là vô biên). Nhưng điều làm tôi ấm lòng là lòng dân Campuchia rõ ràng là ngả về phía VN chứ không hề nghiêng về TQ. Ấn tượng về sự tàn ác của Khmer đỏ với sự ủng hộ hết mình của TQ vẫn còn quá rõ trong người dân Campuchia. Và những ví dụ về sự tồi tệ của người TQ cũng quá rõ đối với người Campuchia.

Một vài ví dụ: Khi xe chạy trên đường, anh hướng dẫn người Campuchia đã chỉ cho chúng tôi biết đoạn đường nào là do Việt Nam xây dựng, đoạn nào là do Nhật, và đoạn nào là do TQ. Đoạn đường do TQ xây cho chỉ mới vài năm thôi là đã hư hỏng, ổ gà lồi lõm khắp nơi (anh ấy bảo: do nhà thầu người TQ ăn cắp vật liệu). Đoạn do Nhật xây thì rõ ràng là khác, hơn chục năm rồi mà chạy cứ êm ru, đường trơn nhẵn không hề hấn gì cả. Còn đoạn của VN, xây cũng lâu hơn của TQ, bây giờ cũng còn tạm được, chưa đến nỗi nào.

Đến khi ra chợ, mua hàng thì người bán hàng Campuchia (nói được tiếng Việt thoải mái) ngay lập tức phải giải thích: hàng này không phải của TQ; hàng TQ thì không bán được đâu vì không tốt. Rồi nữa, anh hướng dẫn viên địa phương còn cho biết, mặc dù Campuchia nghèo hơn VN nhưng xe máy và xe hơi chạy trên đường của Campuchia không hề có xe của TQ, chỉ dùng xe Nhật hoặc xe Hàn Quốc thôi. Người Trung Quốc không tốt, hàng TQ không tốt, đó là câu nói mà tôi nghe thấy nhiều lần ở Campuchia.

Và cũng là điều mà nhiều người VN đã nói từ bao lâu nay (bao đời nay) rồi. Thế nhưng do chủ trương về ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta, cái gì mà 16 vàng 4 tốt (mà ông Tây có quốc tịch Việt đã thẳng thừng bác bỏ - không một chữ vàng, không một điều tốt), khiến báo chí lề phải của ta lâu nay cứ phải im miệng mãi, chẳng dám nói ra cái điều mà nhân dân ai cũng nghĩ.

Đó là lý do tại sao khi An ninh thủ đô viết bài viết nói trên thì tôi cảm thấy mừng gần như bắt được vàng rồi ấy. Đấy, làm cho dân tin yêu chế độ, có gì khó lắm đâu các bác nhà báo nhỉ? Chỉ cần dám nói những điều mà ai cũng biết và cũng nghĩ thôi, dễ quá mà. Mà có phải chống đối gì ai đâu nhỉ, chẳng phải là ta vẫn hay nói "lòng dân, ý Đảng" đó sao? Lòng dân đã phẫn nộ về sự xâm lược và tâm địa tồi tệ của TQ đối với VN rồi, ý Đảng chỉ cần nói lên đúng những gì có trong lòng dân, thì có gì mà sợ các "thế lực thù địch, phản động" nó lợi dụng và chống phá nhỉ?

Hay là tôi vẫn cứ ngu ngơ, ngờ nghệch, chưa hiểu rõ về chính trị, nên mới hay thắc mắc thế?

Dù sao, vẫn kết lại bài này bằng câu "Hoan hô An ninh thủ đô!" Và mong được có nhiều dịp hoan hô các tờ báo lề phải của mình hơn nữa!