Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Lần đầu thăm quê hương Chùa Tháp (4)

Ngày thứ nhất  (tiếp theo)

Chúng tôi ngừng lại để ăn trưa khoảng vào khoảng gần 11 giờ - ăn cơm sớm, vì sau đó đường xấu, không có chỗ dừng chân, người hướng dẫn cho biết như vậy. Đi với đoàn chúng tôi có đến 2 hướng dẫn, một là người Việt, theo chúng tôi từ VN, và một là người Campuchia, đón chúng tôi sau khi qua cửa khẩu Mộc Bài.

Theo anh Tường, HDV Việt, luật ở Campuchia rất chặt chẽ, người nước ngoài (trong trường hợp này là VN) không được phép làm hướng dẫn tại Campuchia mà bắt buộc phải có HDV địa phương. Vì vậy, HDV Việt đi theo đoàn nhưng không được phép thuyết minh, hướng dẫn, chỉ có thể nói trên xe chứ xuống đất là không được nói vì có thể có cảnh sát du lịch theo dõi và phạt. Luật này hẳn là để bảo vệ công ăn việc làm cho người Campuchia, một việc làm chính đáng xét theo lợi ích quốc gia của người Campuchia, đặc biệt là trong quan hệ với người láng giềng VN dù thân thiết (hẳn là thế) nhưng cũng luôn là một mối đe dọa ngầm cho người Campuchia vì sự khôn lanh, số đông và sức mạnh về kinh tế, quân sự của nó (tất nhiên là VN chỉ mạnh hơn Campuchia là một nước vừa mới thoát khỏi nạn diệt chủng đây thôi, đừng có lên mặt nhé người Việt!)

Lẩn thẩn, tôi nghĩ mối quan hệ Campuchia - VN cũng thật giống mối quan hệ VN - TQ. VN cũng đất hẹp người đông, dân đông như kiến (so với Campuchia, tất nhiên) như TQ đối với VN vậy. Dân số VN cũng gấp đến gần 10 dân số Campuchia, gần tương tự như dân số TQ đối với dân số VN. Nhưng sao chính phủ Campuchia đối với VN vẫn tỏ ra có đầy đủ tư thế, sự hiên ngang và độc lập đến thế. Sao họ không sợ môi hở răng lạnh nhỉ? Chẳng bù cho chính phủ VN, lúc nào cũng sợ làm TQ mích lòng. Cứ như là một nước phiên thuộc vậy, thật là ... chẳng biết dùng tính từ nào để nói nữa.

Quán ăn khá tươm tất so với một quán ăn dọc đường ở miền quê. Món ăn nấu nướng cũng tạm, đặc biệt là nêm nếm khá hợp khẩu vị VN: không nhiều dầu mỡ, không có các món xào với nước sốt có bột sền sệt, không có tô canh toàn quốc mà ông xã tôi gọi là tô nước rửa chén mà gia đình tôi đã quen trong mấy tiệm ăn của người Hoa qua mấy lần du lịch ở Mã Lai và Singapore.
Bên ngoài quán ăn, phía bên kia đường có một hồ nước rộng mênh mông, cây cổ thụ xanh um, rợp mát, như một ốc đảo trên một vùng đất cháy nắng. Bọn trẻ con đứng tụ tập, da đen nhẻm, tò mò nhìn những du khách Việt. Chúng chơi giỡn, nhưng không gây ồn ào mà khá trật tự. Tự hỏi, chẳng hiểu chúng nhìn mình có giống như mình hay nhìn các đoàn du khách ở VN không nhỉ? Không biết mọi người nghĩ sao, chứ sao tôi không thể nào có thiện cảm được với những đoàn khách TQ đi du lịch ở VN: họ quá ồn ào, rối rít, phát mệt!
Nhưng sang Campuchia rồi, tôi mới thấy  rõ ràng là so với người Campuchia thì người Việt cũng ồn ào như thế. Anh Đen, HDV người Campuchia cũng nói: "Chỗ nào có người Việt thì người Campuchia dọn đi nơi khác. Không ở với nhau được, không hợp. Người Việt ồn ào quá, đi đâu thì đi hàng đàn, không sợ ai hết. Xe hơi ở VN bấm còi inh ỏi, ở đây không có cảnh đó."

Như vậy, VN hơn Campuchia cái gì thì không biết, nhưng riêng cái khoản giữ gìn sự im lặng ở nơi công cộng, một dấu hiệu của văn minh, thì rõ ràng mình cần học từ họ rồi, nhỉ?


Đây là tháp thờ người quá cố, bên trong đặt hũ cốt, được thấy khắp nơi ở Campuchia (và cả ở miền quê tại một số nơi trên đất Thái Lan nữa)

(còn tiếp)

1 nhận xét:

  1. BÀi viết của chị hay lắm, vừa có chi tiết mắt thấy tai nghe, vừa có nghiên cứu, trộn thêm một số nhận xét cá nhân... đọc rất thú vị chị ạ. Không biết chị có đi thăm vùng đền Angkor không? Có đi thăm Nam Vang?
    Khoảng 5 năm về trước tôi có đi thăm Cam Bốt. Tooi cũng có cảm nghĩ giống chị: đó là chính phủ CB họ dám và có những hành động cụ thể bảo vệ quyền lợi của dân họ. Thí dụ, đi thăm bảo tàng viện quốc gia tai Nam vang, du khách nước ngoài phải mua vé giá 10 usd (giá lúc 2007) trong khi CB giá rất rẻ, tôi không nhớ là bao nhiêu (chỉ khoảng năm hay mười xu Mỹ thôi). Lúc đó tôi cũng nhận thấy học sinh CB mà tôi có dịp tiếp xúc ngay lứa tuổi 9, 10 tuổi mà nó nói tiếng Anh rất khá và rất chuẩn, trong khi lúc đó tại VN, đại đa số học sinh chưa có phong trào học tiếng Anh như bây giờ. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ ngay là chings phủ CB có chiến lược giáo dục rất chuẩn, chứng tỏ là họ có "vision", nhìn thấy xa và trông rộng. Ông thủ tướng Hunsen là người biết tiếng Việt rất giỏi, đã bảo vệ luận án tốt nghiệp (Tiến Sĩ?) tại Việt Nam là người thông minh và khôn ngoan, và điều quan trọng hơn cả là ông đã làm nhiều điều có lợi cho Cam Bốt, quê hương của ông. Hể bất luận ai giỏi thì mình nên học hỏi người đó. Người Việt Nam mình nên để ý và học hỏi ông Hun Sen.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.