Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Viết trước thềm năm mới

Chỉ còn vài phút nữa là bước sang năm 2012 rồi. Lại một năm nữa đến, và tôi thì già đi thêm một chút nữa. Quỹ thời gian còn lại của đời người đối với tôi lại ít đi thêm một chút. Mà nhiều mong đợi của cả cuộc đời, về một đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” dường như vẫn chưa thành.

Nhìn lại năm 2011, một năm thật đầy biến động, đối với thế giới, với đất nước tôi, và cả với cá nhân tôi. Một năm không mấy dễ dàng, nhưng cũng đã qua rồi. Và chúng ta không bao giờ được quyền nguôi hy vọng.

Vài phút cuối cùng của năm, lại đọc được bài viết của Hà Đình Nguyên “Về một vị đắng”, ở đây: http://dttl-nguoilotgach.blogspot.com/2011/12/ve-mot-vi-ang.html. Thấy lòng cũng đăng đắng (trong đêm vắng).

Chỉ mong rằng năm mới 2012 mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, cho tôi, cho những người thân, bạn bè, và cho đất nước.

Happy New Year 2012 to all, my beloved fellow country people.

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Văn học cách mạng, cô gái sông Hương, và bà tiến sĩ

Cô gái sông Hương là cô gái trong bài thơ “Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu, bài thơ mà chúng tôi đã được học trong chương trình của lớp 12. Lúc ấy là vào năm 77-78 của thế kỷ trước, tức là cách đây đã 34 năm rồi.

Hồi ấy, tôi là một con bé lãng mạn yêu thơ, từ trước năm 75 đã “học đòi” các chị lớn thời ấy chép thơ bằng tay trong những cuốn số nho nhỏ, đẹp đẽ. Thơ chép thì toàn là Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, hoặc Quang Dũng thời tiền chiến, còn nếu không thì chép thơ mới của những tác giả thời ấy. Toàn là những bài lãng mạn, lời lẽ mượt mà, và hầu hết đều nói về tình yêu. Tới giờ tôi vẫn còn khá nhiều câu, chẳng rõ tác giả là ai, mà hồi ấy tôi hay chép hết tập thơ này đến tập thơ khác. Ví dụ như

Em về, em về rồi
Thương nhớ nặng hồn tôi
Xa xăm tình băng giá
Hò hẹn thế, rồi thôi…


Hoặc

Trời mùa đông chim én lạnh lùng bay
Tôi đứng đó nghe ngày vui chợt tắt
Trời thị trấn chưa vàng lên màu mắt
Sao người quên, cho nhung nhớ thêm dài?


Đấy, cái “gu” thơ của tôi thời trước năm 1975 và tồn tại mãi cho đến bây giờ là những bài nhẹ nhàng, nói về tình yêu, về thân phận con người, về thiên nhiên (“… cảnh thiên nhiên đẹp/mây gió trăng hoa tuyết núi sông” như trong bài thơ của Hồ chủ tịch ấy). Cho nên sau năm 75, học thơ “cách mạng” thì tôi thấy rất lạ, đôi lúc rất khó nuốt.

Lúc ấy tôi chọn ban A-B, tức là ban Văn - Sử - Địa (A) hoặc Văn - Sử - Ngoại ngữ (B), nên môn Văn là môn vô cùng quan trọng trong các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. May làm sao, bọn tôi lại được học với một thầy dạy Văn rất giỏi, tên là Trần Thế Xương (không phải là Trần Tế Xương đâu nhé). Lúc ấy tôi học ở trường Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long cũ), và thầy Xương là thầy dạy Văn có tiếng từ trước năm 75 rồi. Tôi cũng không hiểu là trước đây thầy dạy Văn hồi trước năm 75 với những tác phẩm, tác giả khác, quan điểm khác, và dạy rất hay, thì không hiểu tại sao sau năm 75 thầy vẫn có thể dạy rất hay, giảng rất hùng hồn, hào hứng, ý tứ tuôn trào như suối, khi giảng văn thơ cách mạng, toàn là đạn bom, súng khói, chạy loạn, giết Tây, đuổi Mỹ, giải phóng dân tộc … mà vẫn cứ hào hứng tuôn trào như vậy? Chứ tôi, thì tôi … chịu!

Năm ấy, tôi nhớ hai nhà thơ quan trọng nhất trong chương trình lớp 12 là Tố Hữu và Hồ chủ tịch. Hồ chủ tịch thì bọn tôi học tập thơ “Nhật ký trong tù” (tiếng Hán Việt là Ngục trung nhật ký), với những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt (7 chữ 4 câu) ngăn ngắn mà tôi cũng còn nhớ loáng thoáng vài bài, vài câu như

Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non


Hoặc

Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời, người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.


Nhưng tác giả mà bọn tôi phải học nhiều tác phẩm nhất là Tố Hữu. Nói cho đúng, toàn bộ sự nghiệp thơ cách mạng đối với tôi – theo những gì tôi đã còn nhớ sau thời học phổ thông – hình như chỉ có mỗi mình Tố Hữu thôi thì phải! Bọn tôi “ăn Tố Hữu, học Tố Hữu, chơi Tố Hữu, ngủ Tố Hữu”, vì lúc nào cũng Tố Hữu, Tố Hữu. Thơ Tố Hữu dường như ám ảnh chúng tôi.

Tôi vẫn còn nhớ 4 tập thơ của Tố Hữu mà bọn tôi được thầy giới thiệu là “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng”, “Ra trận”, với những câu thơ tiêu biểu như “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim”, hoặc “Bà Bủ nằm ổ chuối khô/Bà Bủ không ngủ bà lo bời bời”, “Ăn đi vài con cá/ Năm bảy cái chột nưa/ Có ai biết ai ngờ/ Mà vẫn tròn danh dự…”, “Chú bé loắt choắt/ Cái sắc xinh xinh/ Cái chân thoăn thoắt/ Cái đầu nghênh nghênh ...”. Hoặc những bài thơ sau này như “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng/ Ta đứng nơi đây mắt nhìn bốn hướng…”, “Em là ai, cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi, hay không có tuổi?”

Nói chung, tôi không thích thơ Tố Hữu. Nó khác “gu” của tôi quá, thể hiện rất rõ quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” (nói đúng hơn là nghệ thuật vị … cách mạng vô sản, chiến tranh giành độc lập, “giải phóng” miền Nam), trong khi tôi có lẽ thuộc quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” thì phải. Thực ra thì tôi cũng chẳng quan tâm là mình “vị” cái gì, chỉ thấy hay thì thích, thế thôi. Nhưng thời ấy thì chúng tôi đang được chuẩn bị trở thành những nhà “lý luận”, phê bình văn học “nhí” mà lại, cho nên cũng “nổ lốp bốp”, ca ngợi Đảng và Cách mạng lên tới tận mây xanh, còn cái gì đi ngược lại – hoặc chỉ đơn giản là khác – thì đều bị dìm xuống đáy bùn đen. Những bài nghị luận văn học của bọn tôi thời ấy là như thế, viết theo công thức: cái gì có lợi cho cách mạng là hay, cái gì không có lợi cho cách mạng là dở. Đơn giản vậy thôi, và không cần có cảm xúc gì ráo.

Tóm lại, bọn tôi học thơ văn cách mạng là để thi đậu, nên chỉ chăm chăm làm đúng những gì đã được mớm cho. Tôi nghĩ, khéo bọn tôi cũng chẳng khác gì thời lều chõng của phong kiến, đi thi sợ nhất là phạm húy. Phân tích bài văn của nhà thơ, nhà văn cách mạng nào cũng áp vào đó công thức “có tính đảng, tính nhân dân”. Phê phán văn thơ cũ thì chỉ có hai công thức, hoặc “ủy mị, tiểu tư sản”, hoặc “phản động, chống lại dân tộc”, thì thế nào cũng … trúng tủ!

(Viết đến đây tôi chợt nhớ cô con gái của tôi đang học lớp 9, mới đây khi nhờ mẹ xem bài Văn cô cho về nhà làm có tốt chưa, đã hồn nhiên nói: Bài này con “bùm” nhiều quá, nên sợ nó kỳ, mẹ xem lại dùm con. Tôi ngạc nhiên, hỏi “bùm” là gì, thì cô bé hồn nhiên nói, bùm là nổ đó mẹ. Tại vì bài này con nói xạo, viết theo mẫu, chứ đâu có tự nghĩ gì đâu. Thế mới biết, vì sao mà các môn xã hội – nhân văn ngày nay học sinh không thích học nữa.)

Nhưng nói gì thì nói, trong dòng văn học cách mạng mà tôi đã học nhuyễn nhừ như cháo thời năm lớp 12 cũng có những bài thơ hay. Một trong những bài ấy là bài thơ “Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu, bài thơ mà tôi nghe thầy giảng một lần xong thì xúc động khôn cùng, và … tự dưng yêu cách mạng hơn một chút. Mặc dù vào năm 1978 thì hoàn cảnh đất nước đang khó khăn ghê gớm, vì chiến tranh chỉ mới vừa chấm dứt, dân Sài Gòn (những người có liên quan đến chế độ cũ, và cái này thì bao trùm gần hết mọi người dân SG lúc ấy, vì người Hà Nội và các địa phương khác đến định cư ở SG chưa nhiều) lúc ấy còn đang rất hoang mang, lo lắng, và những cuộc chiến tranh mới ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc lại sắp bắt đầu.

Quay lại bài Tiếng hát sông Hương. Tôi vẫn nhớ, bài thơ bắt đầu như thế này:

Trên giòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo, nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên giòng Hương Giang …


Hình ảnh thơ mộng quá, giọng thơ êm quá, phải không? Viết như thế này thì hợp gu tôi quá rồi đó.

Rồi nữa, thân phận cô gái sông Hương – thân phận con người, vốn là gu của tôi – của thời trước cách mạng năm 45 đau đớn thế này đây:

Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn
Đời em như chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô
Trời ơi em biết khi mô
Thân em hết nhục dày vò năm canh
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát có lành được không
?

Quả là những vần thơ day dứt, đau đến rỏ máu ở trong tim (tình cảm ủy mị, tiểu tư sản?). Tôi nhớ, hôm ấy thầy tôi giảng về bài thơ này rất xuất thần, nói về “tệ nạn” gái bán hoa trên dòng Hương, một tệ nạn xuất phát từ thời phong kiến nhà Nguyễn, hình như thế. Tôi còn nhớ có đọc ở đâu đó một câu lục bát như thế này (quên mất câu đầu, chỉ còn nhớ câu sau thôi): “dưới sông là đĩ trên bờ là quan”. Đấy, con người, nhất là người phụ nữ, dưới chế độ cũ, có thân phận tủi nhục như thế đấy.

Bài thơ của Tố Hữu kết thúc bằng một loạt câu bắt đầu bằng hai từ “ngày mai”...

Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài
Thơm hơn hương nhụy hoa nhài
Đẹp như nước suối ban mai giữa rừng
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
...

Nói cho đúng, phần sau này của bài thơ tôi không thích lắm, vì nó ... sáo. Nhưng thầy tôi vẫn giảng rất hay. Ông bảo, đây mới đúng là “lãng mạn cách mạng”. Nó tưởng tượng, bay bổng, nhưng đầy chất lạc quan, nhân bản, yêu con người. Những thân phận bọt bèo như cô gái sông Hương như thế, nhưng nhà thơ cách mạng của chúng ta – lúc làm bài thơ này mới chỉ là một chàng trai trẻ theo cách mạng, chưa phải là một ông Tố Hữu ủy viên trung ương Đảng hét ra lửa mà tất cả mọi người, nhất là văn nghệ sĩ, khi trông thầy đều phải khép nép kiêng dè – vẫn viết về họ với những vần thơ trìu mến và nhân hậu như vậy.

Và rồi thì tất nhiên phần còn lại của bài giảng sẽ là ca ngọi chế độ của chúng ta, lấy con người làm trọng, nhất là những người cùng khổ. Dù đất nước có khó khăn, nhưng lý tưởng là tuyệt đối đúng đắn, chúng ta phải vượt qua khó khăn – mà khó khăn này có là bao so với thời kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ gian khổ – và blah blah blah blah ...

Đấy là chuyện cũ. Ba mươi mấy năm rồi, cuộc sống đã diễn ra như thế nào thì chắc tôi không cần phải nói nữa. Tôi chỉ nhớ, lúc mẹ tôi còn sống, có lần bà đã nói: Lạ, ngày xưa thì người Việt mình kỳ thị những người lấy Tây, chửi người ta là me Tây; cách mạng thì lại càng ghét họ, vì theo Tây mà. Thế nhưng bây giờ thì ai có con gái lấy Tây, lấy Mỹ, hoặc lấy Việt kiều (vốn trước đây được xem là phản bội quê hương, bỏ nước ra đi) thì lại hãnh diện, vác mặt lên, gì thì gì ta cũng là có con rể là Tây, là Mỹ, là Kiều ....

Thế đấy. Một sự đổi đời? Thì bao lâu nay ta đã chẳng ca ngợi thành tích của công cuộc đổi mới của đất nước đó sao?

Tất nhiên, đổi mới là cần thiết, và công cuộc đổi mới đó đúng là mang lại nhiều thành tựu, nhất là về kinh tế, không thể chối cãi. Nhưng cũng có nhiều điều không thay đổi, và không thể, cũng không nên thay đổi, tôi nghĩ thế. Mà chắc là ai cũng nghĩ thế, chỉ khác nhau mỗi một điều, đó là nên thay đổi cái gì và giữ lại cái gì mà thôi.

Nhưng thay đổi đến như thế này thì tôi không thể ngờ. Chả là cách đây vài hôm, bà tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa của Hội Phụ nữ, cái Hội mà trên nguyên tắc là tổ chức đại diện cho tôi đấy, đã có bài phát biểu mạt sát những cô gái mại dâm đến mức thậm tệ. Bà tiến sĩ đại diện cho giới của tôi đã phán rằng, “Mại dâm là nguyên nhân trực tiếp làm suy thoái đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm xấu đi hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam, khiến họ lười lao động, thích ăn diện và không cảm thấy xẩu hổ khi cần tiền”.

Không chỉ có thế, bà tiến sĩ của tôi còn phán vài câu xanh rờn như thế này nữa: “mại dâm là hiện tượng xã hội có từ lâu đời, tuy nhiên, dù tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, mại dâm vẫn là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây bất ổn về trật tự chính trị - xã hội”, và “ở bất cứ xã hội nào, phụ nữ làm nghề mại dâm đều bị coi là loại người xấu xa, mạt hạng…bị xã hội, gia đình, người thân coi khinh, dư luận xã hội lên án. Vì vậy, họ luôn mặc cảm, sợ hãi, mất hết niềm tin vào cuộc đời, không có tương lai…” Đúng là mạt sát đến mức thậm tệ, khó lòng có ai mạt sát họ hơn nữa.

Ấy là báo chí đăng như thế nào thì tôi chép lại như thế, chứ chẳng biết có đúng không. Biết đâu báo chí lại ghi sai lời bà ấy nói, hay là, lỗi tại thằng đánh máy í mà. Tôi chép lại ở đây này: http://www.tinmoi.vn/nu-ban-dam-se-khong-biet-xau-ho-khi-can-tien-12698553.html

Chứ không lẽ những gì mà nhà thơ ủy viên trung ương Đảng Tố Hữu đã viết trong bài thơ “Tiếng hát sông Hương”, bài thơ hẳn đã làm nức lòng hàng triệu con người để đi theo cách mạng, mong đợi ngày mai tươi sáng, để được đổi đời, chỉ là những gì nói để mà nói? Hay nói ... lấy được? Để lôi kéo mọi người tham gia cách mạng, để rồi cách mạng thành công, đánh đổ hai thằng đế quốc sừng sỏ, rồi 36 năm cả nước thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội không còn người bóc lột người, để các cô gái sông Hương của Tố Hữu lại có nhiều hậu duệ hơn gấp bội, và bị khinh rẻ, mạt sát như thế này?

Ấy thế mà trên trang web của Hội Phụ nữ tôi vẫn tìm thấy bài viết nói về những thân phận phụ nữ trong thơ Tố Hữu, và bài thơ đầu tiên được nhắc tới chính là bài Tiếng hát sông Hương, với những lời lẽ dịu dàng đầy tính nhân văn, thông cảm sâu sắc với những thân phận lỡ làng thời ấy, như thế này đây:

Từ những nỗi đau riêng hoà trong niềm đau chung của đất nước
Khi đất nước còn chìm trong nô lệ, mỗi mảnh đời cũng chịu chung số phận lầm than. Nhưng có lẽ, chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng nhất vẫn là những người phụ nữ. Họ chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột. Tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ trẻ Tố Hữu đã cảm nhận sâu sắc những nỗi cơ cực đó và cất lên tiếng nói cảm thông. Gặp cô gái giang hồ trên sông Hương, nhà thơ chạnh lòng thương cho thân phận chìm nổi của cô ...


Nguồn ở đây này: http://hoilhpn.org.vn/NewsDetail.asp?Catid=98&NewsId=12465&lang=VN

Hay là, hay là, tôi chợt nghĩ, có thể bọn xấu đã leo cao luồn sâu vào trong những vị trí chủ chốt, và đang làm sai lệch đi những chủ trương đúng đắn, đầy tính nhân bản của cách mạng. Chứ không lẽ cách mạng mà lại cũng giống dân chợ trời ở SG, nói dzậy mà không phải dzậy?

Nhưng bọn xấu ở đâu mà nhiều thế, mà chui vào bộ máy của ta lắm thế, và chẳng có ai phát hiện được ư? Vì Phó trưởng ban tuyên giáo của một cái hội to nhất nước như thế hẳn phải là một vị trí được săm soi, cân nhắc lắm chứ, có phải ai muốn ngồi vào đấy cũng được đâu? Khó hiểu thật.

Tôi càng nghĩ, càng hoang mang quá. Có ai giải thích giúp tôi được hay không?

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Không hiểu nổi!

Mấy ngày qua, khi viết các entry liên quan đến vụ cờ TQ 6 sao, thỉnh thoảng tôi lại nhận được những comment là lạ, như những người theo dõi blog của tôi thường xuyên có thể nhận thấy.

Thực ra thì cũng không lạ lắm, vì nó cũng giống như một số ý kiến trái ngược với suy nghĩ của tôi (và của đa số người VN hiện nay, tôi tin như thế). Đó là: việc nhầm lẫn 5 sao thành 6 sao chỉ là một lỗi kỹ thuật nhỏ thôi, chẳng có gì phải quan tâm. Ai suy diễn nọ kia mới thực là những người có vấn đề: hoặc dở hơi, thừa thời gian mà ít việc nên bới lông tìm vết và suy diễn lung tung, hoặc tồi bại, đáng khinh vì cứ thích moi móc sự nhầm lẫn, sai lỗi của nhà nước ra mà nói, chỉ chọc phá chứ không chịu hiến kế xây dựng đất nước, quê hương. Hoặc, với một góc nhìn khác, có người cho rằng những người phản đối vụ cờ TQ 6 sao là những con người đầy mặc cảm nhược tiểu, vì tự ý suy diễn ra rằng ngôi sao nhỏ dư ra đó là Việt Nam; sao không nghĩ rằng VN chính là ngôi sao lớn?

Chẳng biết mọi người khác nghĩ sao nhưng tôi thấy việc mỗi người một ý như thế này là bình thường; có tranh luận thì sau đó mới “bật” ra chân lý. Nhưng việc nhầm cờ rõ ràng là không bình thường vì nó không phải là lần đầu, mà lần này thì nhầm lẫn hàng loạt mới là đáng nói chứ. Và với tư cách là công dân, thì rõ ràng bất kỳ người VN nào cũng có quyền quan tâm và lên tiếng. Ai chống lại sự lên tiếng này, cho rằng sự kiện trên không đáng quan tâm, thì tư cách công dân Việt Nam của người đó cần phải được xem xét lại.

Bởi vì sự kiện “nhầm lẫn” vừa qua rõ ràng không chỉ người VN quan tâm. Thế giới cũng rất quan tâm – sự việc hy hữu quá – và chắc chắn là họ cũng phải có những suy đoán nào đó. Có thể họ sẽ không nói ra chính thức, vì chưa có chứng cứ cụ thể, nhưng không ai dám bảo đảm là họ không nghĩ gì. Bởi vì những điều họ nghĩ, tuy không nói ra chính thức, nhưng cũng đã được bàn tán sôi nổi trên cộng đồng mạng quốc tế rồi.

Ví dụ như, hôm nay tôi tình cờ tìm được trang này, của Pakistan, địa chỉ: http://www.defence.pk/forums/china-defence/148358-chinese-vice-president-meets-vietnamese-president-relations-2.html#post2419775. Họ bàn tán trên đó rất dữ về vụ cờ 6 sao TQ do VN tạo ra, trong đó có nhận xét như thế này, xin chép nguyên văn:

Deep in vietnam heart they want to be part of china , this is their subtle way of telling chinese leader please make us part of china. Yes vietnam can be the sixth star of china. (Tận sâu trong tim Việt Nam muốn mình là một phần của TQ. Đây là cách khéo léo để họ nói rằng làm ơn cho chúng tôi được trở thành một phần của TQ. Vâng VN có thể là ngôi sao thứ sáu.)
Cũng là một nhận xét lạ. Và không phải là nếu họ cứ suy diễn như thế thì VN bỗng trở thành như thế. Nhưng là người dân VN, rõ ràng đây là một điều không phải là không quan trọng và có thể nhẹ nhàng bỏ qua. Chẳng hiểu những người vốn là tác giả của những nhận xét lạ trên blog của tôi, và tác giả của những ý kiến lạ như vậy trên mạng, họ nghĩ gì khi đọc nhận xét trên của cư dân mạng Pakistan nhỉ?

Không thể nào hiểu nổi, thực vậy.

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Giáng Sinh ở xóm nghèo

Xóm nghèo mà tôi nhắc đến ở đây chính là nơi tôi đang ở. Nó là khu chợ Cây Quéo của quận Bình Thạnh mà trước đây tôi đã có bài “nhật ký bằng hình” trên blog này, nhân dịp Tết. Còn lần này sẽ là một “nhật ký bằng hình” khác về dịp Giáng Sinh.
“Cửa hàng” thú bông trên vỉa hè gần chợ Cây Quéo
Nói thêm về khu chợ Cây Quéo này một chút. Như nhiều nơi khác mà gia đình tôi (cả bên nội lẫn bên ngoại, bên vợ lẫn bên chồng) đã đến sinh sống, nơi đây có một bộ phận dân cư là người theo đạo Công giáo. Và dấu hiệu của sự hiện diện của họ là những ngôi nhà thờ, nơi, ngoài vai trò là nơi thờ phượng, cử hành các nghi lễ tôn giáo, còn có vai trò là trung tâm sinh hoạt tinh thần, và là nơi gặp gỡ, giao tiếp, thăm hỏi của cộng đồng giáo dân nữa.
Những ngôi sao đã dẫn đường cho ba vị đạo sĩ ở Phương Đông đến với Hài nhi Jesus cách đây hơn 2000 năm
Rất gần nhà tôi ở, chỉ vài phút đi bộ trên cùng một con đường ở khu chợ Cây Quéo này là một ngôi nhà thờ, có tên là Nhà thờ Bác Ái. Và nếu chịu khó đi bộ thêm khoảng 5, 7 phút nữa về phía chợ Cây Quéo thì còn có một ngôi nhà thờ khác, Nhà thờ Thánh Tịnh. Người dân Công giáo sống ở khu này khá nhiều. Và vì thế, cứ mỗi lần Giáng Sinh thì không khí rộn rịp, tưng bừng cũng lan được vào đến tận đây. Dù đây chỉ là một khu nghèo và khá hẻo lánh – hẻo lánh đến nỗi mỗi lần cần tôi đi taxi từ nơi khác về nhà là lại lo không biết tài xế có biết đường để đến hay không.
Đèn hoa tưng bừng vui đón Giáng Sinh. Tại Nhà thờ Bác Ái, nơi gần nhà tôi.
Xin đưa lên đây những hình chụp vào tối hôm nay, Chủ nhật 25/12/2011. Những hình ảnh chụp muộn vào cuối đợt lễ Giáng Sinh này, vì ngày mai đã là Thứ Hai, mọi người lại đi làm và mọi việc sẽ trở lại bình thường rồi. Ông già Noel, vốn xuất thân từ nơi thế tục (không phải là một vị thánh của đạo Thiên chúa), nay đã vào tận khuôn viên nhà thờ
Dẫu sao thì những ngày lễ Noel cũng làm cho không khí ở quanh đây tưng bừng, nhộn nhịp lên được một chút. Và cùng với sự tưng bừng trên đường phố là một sự an nhiên, vui sướng trong tâm hồn. Để lại tiếp tục với những khốn khó của cuộc sống hàng ngày, giá cả tăng như bão táp, mà Tết lại sắp đến rồi.
Emmanuel, Thiên chúa ở cùng chúng ta
Vâng, xin Thiên chúa chúc phúc cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những ai bị bách hại vì công lý.

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Cờ 6 sao, mèo, và mơ ước đêm Noel

Hôm trước tôi có viết bài “Cờ và sao”, trong đó nêu ước mơ đêm Giáng Sinh của tôi là nhận được câu trả lời chính thức từ phía nhà nước về việc có đúng là VN đã dùng cờ TQ 6 sao để đón ông Tập Cận Bình hay không.

Hôm nay còn một ngày nữa mới đến đêm Giáng Sinh, nhưng ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực – tức là, tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi ấy. Chỉ có điều, câu trả lời ấy không đến từ nhà nước, mà từ những nguồn khác.

Nhưng có sao, miễn là đạt được mục tiêu (có câu trả lời), còn mèo trắng hay mèo đen thì có chết ai đâu (đấy thấy chưa, chính tôi cũng đã thấm nhuần tư tưởng của bác Đặng rồi đấy, tình hữu nghị Việt-Trung muôn năm!!!!!!!!!!!!!!!!)

(Mở ngoặc chút: có ai thắc mắc về từ “mèo”trong cái tựa bài viết này, và quan tâm đến số dấu chấm than ở trên của tôi không nhỉ? Mèo, thì tức là thuyết mèo trắng mèo đen vừa nhắc ở trên đấy. Còn số dấu chấm ư, nó là 16 số, biểu tượng cho mười sáu chữ vàng đấy, cái gì mà láng giềng khốn, ấy chết, tôi nhầm, do đọc báo lề trái nhiều quá đâm lậm, láng giềng hữu nghị, … vân vân và vân vân, đấy nhé!)

Quay trở lại câu hỏi và câu trả lời. Câu hỏi (của tôi): liệu có hay không có việc dùng cờ 6 sao? Câu trả lời: chắc là có. Tại sao tôi tin là có ư, xin trả lời nhé.

1. Một bạn đọc blog của tôi mới đưa link dẫn đến một trang blog yume của Nguyễn Hữu Tiến, một trang có vẻ rất hiền lành, không dính dáng chính chị chính em gì cả, mà chỉ viết về du lịch, giải trí, vv. Trên blog ấy, có một bài viết cũng rất hiền lành, viết từ ngày 1/8/2010 về một lễ hội ẩm thực tại Vũng Tàu, hoàn toàn chỉ nói về việc tổ chức ngày hội đó – hàng hóa ra sao, đắt rẻ thế nào, vv. Nhiều thông tin thú vị và hữu ích.

Điều đáng nói là trong bài viết rất khách quan ấy, vốn có khá nhiều ảnh để cho ta thấy quang cảnh của ngày hội chứ không có quan tâm gì đến cờ quạt với sao trăng gì cả, thì lại có (trời ơi!) sờ sờ ra đó, một lá cờ Trung Quốc … 6 sao, treo ngay tại gian hàng ẩm thực của Trung Quốc. Rất đường hoàng, giữa thanh thiên bạch nhật, ngang nhiên như chốn không người.

Hình ấy vẫn còn đó khi tôi viết những giòng này, tại địa chỉ http://yume.vn/huutienvl/article/le-hoi-am-thuc-the-gioi-2010-tai-vung-tau-y-tuong-cap-quoc-te-trinh-do-to-chuc-thi-cap-phuong-xa.35CF4F2C.html, nhưng để chắc ăn tôi đã chụp lại cả màn hình và đưa lên đây vì e rằng sau này nó có thể bị thay đổi.

Như vậy, việc treo cờ TQ 6 sao là một việc mà chính phía TQ đã làm, vì chính họ treo cờ nước họ trên gian hàng của họ mà. Và cả 2 phía VN lẫn TQ chẳng có ai thắc mắc gì về việc này hết (nhất trí cao giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước?)


2. Đáng nói hơn, trên tờ StraitsTimes, một tờ báo của Singapore ra đúng ngày hôm nay 23/12, có một bài viết với tựa “Vietnam displays Chinese flags with 6 stars instead of 5” (Việt Nam trưng cờ TQ 6 sao thay vì 5 sao), trong đó có câu
Vietnam made an embarrassing gaffe this week when receiving China's Vice-president Xi Jinping, considered the future number one in Beijing, by displaying Chinese flags bearing one star too many. (VN đã mắc phải một sai lầm đáng xấu hổ khi tiếp đón Phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, người được xem là sẽ nắm giữ vị trí số 1 tại Bắc Kinh, khi sử dụng những lá cờ TQ nhưng lại thừa ra một ngôi sao.)

Địa chỉ của bài viết ở đây: http://www.straitstimes.com/BreakingNews/SEAsia/Story/STIStory_748131.html, mọi người có thể vào kiểm tra lại. Báo chí tư bản, chắc là nó không thay đổi nội dung đã đưa lên theo kiểu xã hội chủ nghĩa của ta, nên tôi cũng (ỷ y) không chụp màn hình làm gì. Như thế này thì vụ 5 sao, 6 sao của ta đã nổi tiếng quốc tế rồi đấy nhé. Gì chứ đón tiếp một nhân vật quan trọng ở tầm cỡ quốc gia như thế mà lại in sai cờ của người ta hàng loạt như thế này thì chắc chỉ có VN mới có, vậy là ta cũng có cái để đứng đầu thế giới rồi đấy nhỉ.

Với hai chi tiết này, tôi thấy mình đã có đủ cơ sở để kết luận mình đã có câu trả lời rồi. Đặc biệt là chi tiết thứ hai, vốn là “phát hiện” của tôi, chắc thế, vì chưa thấy có ai đề cập đến cả.

Hăng hái vì “phát hiện” của mình, tôi viết bài và khoe với ông xã. Nhưng ông ấy bảo, em phải kiểm tra lại cẩn thận, dù gì cũng là việc quan trọng, ngộ nhỡ bọn StraitsTimes chúng nó … nghe hơi nồi chõ, lấy thông tin từ … lề trái rồi viết lên thì sao? Bọn xấu xúi giục, Việt Tân Việt Cựu gì đấy, thiếu gì (chả biết chúng ở đâu, nhưng hình như chúng nhiều lắm thì phải, nhà nước bảo thế).

Ừ, nghe cũng có lý nhỉ? Thế là tôi kiểm tra thêm trên mạng, và thấy, trời ơi, VN mình nổi tiếng thật rồi với vụ tặng sao cho cờ TQ. Báo chí nước ngoài đưa tin nóng tới tấp kia kìa. Đây nhé:

1. Too many stars: Vietnam in flag gaffe with China – Tạm dịch: Hơi nhiều sao quá: Việt Nam trong vụ nhầm cờ của Trung Quốc. Trên tờ Miami Herald của Mỹ, ở đây: http://www.miamiherald.com/2011/12/23/2558961/too-many-stars-vietnam-in-flag.html
2. Cũng tựa như trên, nhưng đăng trên tờ báo của Đài Loan, Taiwan News, ở đây: http://www.taiwannews.com.tw/etn/news_content.php?id=1795894
3. Vietnam in Chinese flag faux pas – Tạm dịch: Việt Nam trong vụ bé cái nhầm với cờ Trung Quốc. Đăng trên tờ Bangkok Post của Thái, ở đây: http://www.bangkokpost.com/print/272218/ . Mà cái “thằng” báo Thái này chơi xấu nhé, “nó” dám bảo, báo chí nhà nước thì im nhưng báo chí Việt kiều (lề trái) thì có nhiều ý kiến, nhận xét vv, nói chung là chống phá nhà nước ta nên tôi không nhắc lại ở đây làm gì, cho nó lành í mà, các bạn nhỉ.
4. Vietnam embarrassing flag gaffe with China – Tạm dịch: Vụ nhầm cờ đáng xấu hổ của Việt Nam với Trung Quốc. Trên tờ Telegraph của Anh hẳn hoi nhé, một trong những tờ báo có lượng phát hành lớn nhất của Anh, ở đây: http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/vietnam/8974616/Vietnam-in-embarrassing-flag-gaffe-with-China.html
5. Lại cùng tựa bài như mục số 1, nhưng trên trang web của CBS News (Mỹ), cũng là một hãng tin lớn nhé, ở đây: http://www.cbsnews.com/8301-501712_162-57347581/too-many-stars-vietnam-in-flag-gaffe-with-china/. Chú ý chi tiết này: Chinese Foreign Ministry spokesman Liu Weimin told reporters Friday that Vietnam had told the Chinese Embassy in Hanoi that it was "a technical error." (Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Liu Weimin cho biết Việt Nam đã giải thích với Đại sứ quán TQ tại Hà Nội rằng đó là một “lỗi kỹ thuật”.)

Thực ra thì còn nhiều, nhiều nữa, đại diện cho đủ các vùng, Á, Âu, Mỹ đủ cả rồi, có lẽ chỉ còn thiếu châu Phi nữa thôi, nhưng cái xứ … lạc hậu, chậm chạp ấy, kể làm gì nhỉ?

Đấy, tóm lại là: tôi đúng là may mắn, cầu được ước thấy. Mơ ước được trả lời vào đêm Giáng Sinh, thì chưa Giáng Sinh đã có câu trả lời rồi (mặc dù là từ mèo đen, chứ không phải là mèo trắng). Như vậy, có nghĩa là tôi vẫn còn có thể mơ ước một điều khác vào đêm Giáng Sinh chứ nhỉ? Vậy thì tôi sẽ mơ, mơ lắm, về một điều …

Nhưng mà không viết điều ấy ra ở đây được đâu. Các bạn tự đoán vậy nhé.

Chỉ hơi thắc mắc: chẳng hiểu sao, tôi bỗng nhớ một câu phát biểu nổi tiếng của Nguyễn Tuân: “Tôi tồn tại được vì tôi biết sợ!”

Dù sao, cũng chúc mọi người niềm vui trong đêm Giáng Sinh!
---

PS: Khuyến mãi thêm hình chụp màn hình từ báo Việt, có hình cờ 6 sao đón Tập Cận Bình. Hình mới chụp, nóng hổi!


--
Cập nhật sáng ngày 24/12
Dưới đây là lời giải thích của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mà tôi vừa đọc được tại địa chỉ sau: http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns111223205104/view

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 23/12/2011

Câu hỏi: Đề nghị cho biết thông tin về việc trong lễ đón Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/12, các cháu thiếu nhi Việt Nam đã vẫy cờ Trung Quốc có in hình 6 sao trong khi cờ Trung Quốc chỉ có 5 sao?

Trả lời: Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã được thông báo đây là sai sót mang tính kỹ thuật. Cục Lễ tân Nhà nước đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kỷ luật các cán bộ có liên quan./.

Hình chụp màn hình:


Hoan hô sự thẳng thắn của Bộ Ngoại giao. Đấy mà, tôi đã bảo, tôi luôn tin vào bản chất tốt đẹp của chế độ. Mặc dù đã có một bạn đọc chất vấn tôi, bảo rằng hiện tượng xấu xảy ra một cách có hệ thống như thế thì không phải là bản chất thì còn là gì nữa?

Ừ, mà suy cho cùng thì người ta biết được bản chất chủ yếu là do suy từ hiện tượng mà ra. Vậy nếu hiện tượng xấu nhiều quá, thì ai còn tin vào bản chất tốt đẹp được nữa, vì suy ở đâu ra được? Vậy cho nên, gì thì gì, lâu lâu nhà nước mình cũng cần cho dân vài tín hiệu về bản chất tốt đẹp của chế độ nhé. Để củng cố niềm tin của dân, thì càng làm cho chế độ vững mạnh ấy mà.

Phải vậy không, những người bạn đảng viên (nhưng mà tốt) của tôi?

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Cờ và sao

Cờ, tiếng Anh là flag, theo định nghĩa của tự điển OALD của Hornby (2000) là “một miếng vải có màu được thiết kế đặc biệt làm biểu tượng cho một quốc gia, một tổ chức, hoặc có một ý nghĩa riêng biệt”. Ngoài danh từ, tiếng Anh cũng có động từ flag được định nghĩa là “đặt một dấu hiệu đặc biệt bên cạnh thông tin được cho là quan trọng”, tức tương đương với từ “đánh dấu” trong tiếng Việt.

Với ý nghĩa như vậy, thì rõ ràng là mỗi chi tiết trong lá cờ đều phải được quy định nghiêm nhặt, và việc thay đổi thiết kế của lá cờ của đất nước chắc chắn phải là chuyện đại sự quốc gia, phải đưa ra bàn trước quốc hội.

Bây giờ nói về sao. Sao, tiếng Anh là star, thì cũng theo định nghĩa của cùng một cuốn từ điển đã nêu, là “một vật, một hình trang trí, một dấu hiệu, thường có 5 hoặc 6 cánh, với hình dạng biểu tượng cho một ngôi sao”, và thường được dùng với nghĩa biểu tượng, đại diện cho một cái gì đó tốt đẹp, xuất sắc, như trong việc đánh giá khách sạn (khách sạn 5 sao), hoặc nói về các diễn viên, ca sĩ, vv. Đặc biệt, hình ngôi sao rất hay được dùng trong các lá cờ của nhiều quốc gia, trong đó, tất nhiên là có Việt Nam, nhưng cũng có nhiều nước khác nữa, như “láng giềng gần” Trung Quốc, hoặc “cựu thù” Hoa Kỳ.

Nhân tiện, vì Giáng Sinh đang gần kề, nên tôi cũng nói thêm là ngôi sao cũng có ý nghĩa rất lớn trong ngày lễ tôn giáo lớn nhất trong năm của người theo đạo Thiên chúa. Nó biểu trung cho ngôi sao chỉ đường để dẫn lối cho 3 người đạo sĩ ở phương Đông đến tôn thờ đấng cứu thế giáng trần nơi hang Bethlehem hơn 2000 năm trước.

Quay lại chuyện cờ và sao. Lá cờ của VN thì chỉ có một ngôi sao thôi, nhưng trong hai lá cờ của TQ và HK với nhiều ngôi sao thì mỗi ngôi sao ấy đại diện cho một vùng lãnh thổ. Chẳng hạn như cờ Mỹ thì mỗi tiểu bang là một ngôi sao, còn cờ TQ – có sao lớn và sao nhỏ, đúng điệu “thiên tử” và “chư hầu” – thì theo tôi hiểu, ngôi sao lớn là đại diện cho “đại hán” còn các ngôi sao nhỏ là đại diện cho các vùng tự trị.

Và đã là người VN thì có thể có người không biết số sao trên lá cờ của Mỹ là bao nhiêu (nó nhiều quá), nhưng không thể nhầm lẫn gì về số sao trên lá cờ của TQ: 1 sao lớn, 4 sao nhỏ bao quanh, theo thế quần tụ quy về một mối. Không thể nào có chuyện nhầm lẫn được.

Lá cờ có ý nghĩa biểu trưng, và vì ý nghĩa biểu trưng của nó nên đã trở thành một vật thiêng liêng, không phải là muốn làm gì với nó là làm, mà lôi thôi có thể … bị công an bắt, nếu bị xem là làm xấu đi hoặc xuyên tạc ý nghĩa của lá cờ. Ở VN, trong “cao trào” của vụ “tụ tập phản đối TQ gây hấn”, thậm chí chỉ cần mặc áo có in hình cờ nước và đi dạo ở bờ Hồ Gươm thôi, cũng có thể bị công an theo dõi, thậm chí câu lưu, vì bị nghi ngờ là có dụng ý chính trị, chống dối chế độ, kể cả không có chứng cứ.

Dẫn giải dài dòng như trên, tôi chỉ muốn đưa ra một câu hỏi, trước hết là cho mình, và sau là cho những ai quan tâm, rồi cuối cùng là những người có trách nhiệm – những đại biểu quốc hội mà trong đó tôi có được may mắn biết trực tiếp một người trong cơ quan cũ, đại biểu hội đông nhân dân thành phố mà tôi biết trực tiếp đến … hai người, và còn lại là rất nhiều đảng viên. Những con người ưu tú, những người có đầy đủ quyền lợi về chính trị, có quyền tham gia vào những vấn đề quan trọng của đất nước chứ không phải là công dân hạng hai như tôi và tuyệt đại đa số những người dân trơn, không phải là đảng viên khác.

Một câu hỏi mà đối với tôi là rất quan trọng. Quan trọng đến nỗi ngay khi biết được điều này vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy, thì tôi đã phải gác mọi việc lại và viết ngay entry này, dù đang rất bận, công việc đang chờ đợi ngập đầu.

Câu hỏi ấy là: Có đúng là trẻ em Việt Nam đã cầm lá cờ Trung Quốc với 6 ngôi sao – 1 sao lớn và 5 sao nhỏ – trong buổi đón tiếp Ông Tập Cận Bình từ Trung Quốc đến thăm Việt Nam hay không? Nếu không đúng, sao hình ảnh trẻ em Việt cầm cờ TQ 6 sao lại nằm sờ sờ trên trang tin của BBC, và cả trên trang của AFP nữa?



Mà đây không phải là lần đầu. Ít ra, nó cũng lập lại một việc đã xảy ra cách đây không lâu, trên VTV, và cũng đã gây phẫn nộ trong dư luận. Mà không chỉ dư luận VN quan tâm đến điều này; cả báo chí chính thống và không chính thống của nước ngoài cũng đề cập đến việc này, rất ầm ĩ, ví dụ như ở đây.

Là một người dân, yêu nước và tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của chế độ như đã được học trong sách vở, đọc trong báo chí, nghe trong rất nhiều lần học tập chính trị trong suốt một cuộc đời đi làm ở khu vực công, tôi nghĩ tôi có quyền thắc mắc, và được trả lời.

Nếu như không có ai trả lời, như rất nhiều việc khác ở VN, thì tôi sẽ tin đấy chỉ là hiện tượng – hiện tượng rời xa dân, không lắng nghe những bức xúc của dân, dù tổ chức đảng, bộ phận ưu tú nhất của xã hội Việt hiện nay, đều có mặt ở khắp mọi nơi, kể cả khu vực tư nhân như ở trường tư nơi tôi làm việc hiện nay – chứ không bao giờ là bản chất cả.

Cũng giống như việc dù ai có in cờ Trung Quốc một cách nhầm lẫn – dù vô tình hay cố ý – thành 6 sao, thì đó cũng chỉ là hiện tượng. Còn bản chất của người dân Việt thì luôn tự hào về sự độc lập và kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt là trước mối đe dọa trực tiếp hoặc ngấm ngầm của ngoại bang từ phương Bắc.

Tôi cũng thắc mắc thay cho người láng giềng lớn của Việt Nam, đó là, liệu có thể chấp nhận việc lá cờ của nước mình ai muốn thêm thắt gì vào cũng được, hay chăng? Đặc biệt là trong một nghi thức ngoại giao chính thức như vậy?

Lẽ nào đoàn của TQ không quan tâm, không để ý là mọi người đã cầm lá cờ như thế nào để đón tiếp mình? Ví dụ, nếu không phải là lá cờ 6 sao, mà là lá cờ Trung Hoa hải tặc, như những người “biểu tình” dũng cảm ở Hà Nội trước đây đã làm, khi phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc?

Tôi cần được giải thích, và cần một câu trả lời chính thức từ nhà nước. Điều đó sẽ là giấc mơ mùa Giáng Sinh năm nay của tôi.

So runs my dream, but what am I?
An infant crying in the night
An infant crying for the light
And with no language, but a cry!

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Oh Christmas tree, oh Christmas tree …


Chỉ còn một tuần nữa thôi là đúng ngày Noel, 25/12. Không khí Giáng Sinh đã rộn rã khắp đường phố Sài Gòn cả nửa tháng nay rồi.

Nhớ ngày xưa còn trẻ, tôi đi dạy Anh văn vào buổi tối. Cứ mỗi mùa Giáng Sinh lại (phải) dạy các em những bài hát về Noel. Và mặc dù ở VN thì Giáng Sinh không được xem là một ngày nghỉ, nhưng không bao giờ các học viên lại chịu học vào tối ngày 24/12. Nên ai dạy trúng tối ngày ấy thì chắc chắn đều bị các học viên bắt hát. Tất nhiên, tôi cũng không phải là ngoại lệ.

Có nhiều bài rất hay, nhưng một trong những bài tôi thích nhất và hay hát nhất – một phần là vì nó dễ hát, và cũng dễ thuộc lời – là bài “Christmas tree”. Lời bài hát ấy, giờ đây tôi chỉ còn nhớ được có mỗi một câu như thế này:

Oh Christmas tree, oh Christmas tree …

Không nhớ lời, nhưng điệu nhạc thì tôi vẫn nhớ. Reo vui, rộn rã lắm. Và lòng người, tôi hy vọng thế, cũng nhờ đó mà thanh thoát và vui sướng hơn.

Còn đây, cây thông Giáng Sinh của gia đình tôi. Nó đã cũ lắm rồi, vì được sử dụng đã mười mấy năm nay. Nhưng năm nào đến Giáng Sinh thì cả nhà lại chộn rộn lôi nó ra để trang trí. Một “truyền thống” nho nhỏ, hòng còn chút gì để nhớ, cho các con tôi sau này chăng?


Giáng sinh đến rồi, hãy vui lên đi, mọi người ơi!

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Đọc bài thơ của Lưu Quang Vũ

Bài thơ lạ lùng, ám ảnh, chẳng biết viết từ lúc nào và có tựa đề là gì, đã được đăng ở đâu. Tôi tìm được nó trong bài tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, ở đây.

Đọc qua một lần, và không thể quên. Những hình tượng kỳ quái, những ý tưởng dị kỳ, tưởng chừng như vô nghĩa. Nhưng lại cũng rất có ý nghĩa, một ý nghĩa gì đó vừa rõ ràng lại vừa mơ hồ. Một sự ám ảnh, một cảm giác lo sợ, đớn đau.

Chép lên đây để lưu lại, để đọc, và để chia sẻ với mọi người. Và cám ơn nhà thơ NVC đã viết bài tham luận ấy, và đăng lên blog của mình. Một bài tham luận về thơ, một thứ có lẽ gần tuyệt chủng, giống như chim sâm cầm vậy. Như chính NVC đã viết trong một bài thơ của mình.
-------------

Bây giờ

Hai đạo quân đã giết hết nhau

Tiếng trống cuối cùng đã bặt

Người ngựa đều ngã gục

Chỉ còn con quạ xám đậu trên bờ


Bây giờ

Thành Cổ Loa đã mất

Trước mặt là biển rộng

An Dương Vương tóc bạc phơ

Lưỡi gươm đưa

Lòng ngọc trai máu thắm


Bây giờ

Người sao Hoả mắt đèn pha

Lưỡi dài bạch tuộc

Đã tràn xuống đen ngòm mặt đất

Cánh tay ai

Mọc trên tường đá rắn

Ai giấu dao găm trong áo choàng

Đi giữa những hình ma-nơ-canh

Những xe hơi điên cuồng

Tay chắp lại như đòi như cầu khẩn

Điệu dân ca mềm mà đáu đớn


Bây giờ

Rừng đen mặt nạ sắt

Vắng hoang trong mưa rào

Nằm sóng xoài cô gái nước da nâu

Hoa cúc xuyên qua miệng


Bây giờ

Em trụi trần dưới vòm cây tối đen

Ngực đồi trăng ướt đẫm

Tay chập chờn lửa sáng

Nhưng đã muộn lắm rồi ôi muộn lắm

Vực sâu đã mở ra

Chôn cả lời trăng trối của mùa thu

Một chiếc lá khổng lồ đỏ thắm

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Vịnh Hạ Long, bằng dỏm, và luật biểu tình

Câu chuyện về Vịnh Hạ Long đã được tôi viết đến 2 kỳ rồi, mà kỳ cuối đã được đặt tên là “tập hạ, hồi cuối” nữa chứ. Tưởng là không còn phải nhắc đến nó nữa, ai ngờ vẫn chưa hết chuyện.

Nào là việc tăng giá vé tham quan Hạ Long, vì nếu thu phí thấp quá thì không xứng tầm với một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Lập luận đúng quá chứ gì nữa, nhưng tội một cái là chính những người dân yêu mến Hạ Long đã bỏ tiền và công sức ra nhắn tin bầu chọn cho nó, nay lại bị đóng tiền cao khi vào tham quan nó vì đã làm cho nó lọt được vào cái danh sách cao sang ấy, thật là đau quá.

Nhưng … (ôi, cái chữ nhưng) nếu quả Hạ Long đã lọt vào một danh sách thực sự cao sang thì không nói làm gì. Đằng này … những thông tin mới được đưa lên báo chí sáng nay bỗng làm cho tôi thấy cái danh “kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới” mà Vịnh Hạ Long đang “khoe” (và bắt người tham quan đóng tiền mua vé cao hơn trước đây cho nó xứng tầm) cũng chỉ như mấy cái bằng tiến sĩ dỏm mà quan chức nhà ta trước đây cạy cục bỏ tiền ra mua thôi.

Cái thông tin mới ấy ở đây này, các bạn vào ấy tha hồ mà xem. Nói vắn tắt, người ta đang nghi ngờ rằng cái công ty tổ chức bình chọn ấy là một công ty ma, vì địa chỉ của nó mơ mơ, hồ hồ thế nào ấy. Bất minh.

Quay lại vụ mua bằng dỏm. Mấy vị quan chức ấy, mua được bằng rồi, sướng lắm, bèn đem khoe ầm lên, in vào name card, nộp cho cơ quan để cho nó … oai, không dè lại có người biết được "thành tích" (dỏm), phanh phui ra, thế là vừa mất tiền, vừa công cốc, không những không được thừa nhận là có bằng to, mà còn bị mang tiếng lừa dối, mua bằng bán cấp, nhục nhã ê chề không biết chui vào đâu cho đỡ nhục.

Thật đúng là … thừa tiền lại bỏ ra mua lấy sự ô danh.

Mua sự ô danh, nghe quen quen nhỉ? À, thôi đúng rồi, đấy chính là lời của anh Hoàng Hữu Phước, đồng môn của tôi cách đây vài chục năm, hiện đang oai phong lẫm liệt ngồi trong quốc hội. Anh ấy đã từng phát biểu rằng VN hiện nay còn nghèo, chưa có tiền để trang trải cho sự ô danh (không kể dân trí đến giờ vẫn chưa “cao hơn” – hơn cái gì thì không ai rõ anh Phước ạ), nên chưa thể có luật biểu tình.

Nhưng hóa ra là anh Phước nói sai rồi đấy. Tiền để mua sự ô danh ư, ta có thừa. Thì đấy, biết bao quan chức (chưa kể các doanh nhân, “trí thức”, và cả thường dân, chắc thế) đã bỏ tiền ra mua bằng dỏm. Trước nữa thì cũng có dạo rộ lên việc mua danh “viện sĩ”, “danh nhân” dỏm để được mấy thằng tư bản giãy chết hết tiền và bất lương in cho mấy cái giấy chứng nhận hào nhoáng đem chưng trong nhà. Nay lại có cả tiền mua danh “kỳ quan” dỏm nữa. Ai bảo với anh Phước là VN ta chưa có đủ tiền để trang trải cho sự ô danh.

Thế nên, xin đề đạt với anh Phước trong kỳ họp quốc hội lần sau, xin anh thay mặt một người dân là em để phát biểu trước quốc hội rằng VN đã hội đủ điều kiện để thông qua luật biểu tình rồi, anh nhé.

Vì chúng ta đã chứng minh được rằng VN mình thừa tiền để trang trải cho, không phải chỉ là một, mà là nhiều, sự ô danh.

Anh Phước nhỉ?