Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường?

Lại là một câu trong bài thơ tuyệt tác của Bà Huyện Thanh Quan mà cách đây mấy ngày tôi đã mạn phép sử dụng một câu để đặt tựa cho một entry trong blog này của tôi, "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo".

Trước hết, hãy đọc lại bài thơ này, và hoàn cảnh sáng tác của nó. Bài thơ ấy tôi học từ hồi lớp 9, trước năm 1975, lúc ấy còn đang chiến tranh hai miền Nam Bắc, và cô giáo dạy Văn của tôi, như nhiều người miền Nam lúc ấy, đang đầy ắp những tâm trạng về tình cảnh nước nhà. Tôi vẫn nhớ cô giáo tôi đã nói nhiều điều rất cảm động, ví dụ như vụ trả thù nhà Tây Sơn của vua Gia Long sau khi lên ngôi hoàng đế. Và cô bảo, lịch sử VN cho thấy người VN mình thiếu khoan dung.

Bài thơ "Thăng Long hoài cổ" cũng là một trong những bài cô giảng rất hay. Ngậm ngùi. Đó là một trong những bài thơ mà tôi nghe vài lần là nhớ, không cần học thuộc lòng. Nó như thế này đây, viết lên đây để mọi người cùng đọc lại để thưởng thức cái hay của nó nhé.

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.


Bài thơ này sáng tác vào lúc nào và để làm gì nhỉ? Đây, hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, chép từ wikipedia, ở đây.
Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này, sau năm 1802, khi mà Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị đầu não của đất nước về chính trị và văn hóa.

Chủ đề: Bài thơ tả cảnh ngụ tình. Cảnh thì tang thương. Tình thì hoài cổ. GS. Phạm Thế Ngũ viết: Bài này nói lên nỗi đoạn trường của tác giả trước cảnh hoang tàn của cố đô đất Bắc.

Nhưng đấy là tâm trạng của nhà thơ trong cái thời mà kinh đô của nước Việt đã dời đi khỏi Thăng Long. Còn hôm nay, thì Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội (Hà Nội mến yêu, như một câu trong một bài hát rất nổi tiếng về Hà Nội) đang náo nức, rộn ràng tổ chức đại lễ mừng Thăng Long một ngàn năm tuổi kia mà. Sao tôi lại nhớ đến bài thơ này nhỉ, hình như hơi ... lạc điệu?

Tôi cũng không rõ. Tôi chẳng có gì để nói về đại lễ này, và thật ra thì giới truyền thông chuyên nghiệp và nghiệp dư (tức các blogger) đã nói về nó rất nhiều, và tôi hoàn toàn không có thông tin gì mới hơn để góp vào đây. Tôi chỉ muốn im lặng thôi. Vì ... biết nói gì?

Nhưng sáng nay đọc tin về "Tổng diễn tập diễu binh đại lễ" thì tôi không im lặng được nữa. Vì quả thật, tất cả đều rất đậm đà bản sắc dân tộc ... Trung Hoa, thật thế. Tại sao tôi nói thế, thì tôi không dám đưa ra đây phân tích và chứng minh, vì không có nghề. Tôi không phải là nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu lịch sử, hoặc người chuyên nghiên cứu và so sánh các đặc trưng về y phục của các thời đại, nên không dám hó hé gì, chỉ biết, cảm nhận của tôi là mọi thứ không giống Việt Nam.

Và dù không biết gì nhiều, nhưng có một điều tôi biết chắc, là không có ai ở Việt Nam khi nghĩ đến lực lượng dân quân tự vệ lại mường tượng ra hình ảnh như thế này (xem hình bên dưới).

Thực ra, khi nhìn vào hình này (và nhiều hình khác, nhưng đặc biệt là hình này), tôi lại nhớ như in một cuộc "đại lễ" mà tôi đã "hân hạnh" được tham dự cách đây nhiều năm, hình như là vào năm 2003, tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Lúc ấy, tôi làm ở Phòng HTQT của một trường đại học ở TP HCM này, và được cử trong đoàn đi dự lễ kỷ niệm 50 năm hay 100 gì đó tôi không nhớ rõ, ngày thành lập Học viện dân tộc Quảng Tây, ở Nam Ninh.

Quảng Tây là một nơi có rất nhiều dân tộc thiểu số của Trung Quốc sinh sống, trong đó có khu tự trị dân tộc Choang, là một dân tộc mà theo tôi hiểu (qua lời giới thiệu của phía "bạn") thì có khá nhiều đặc điểm tương đồng với dân tộc Kinh, tức là người Việt chúng ta.

Và motif diễu binh như trong hình này, trong đó đến gần cuối sẽ có xuất hiện những người mặc trang phục dân tộc như hình các cô dân quân tự vệ mà tôi đưa ở trên, là một motif rất ... Quảng Tây, và rất Trung Quốc.

Motif đó như sau: lãnh đạo vĩ đại, quân đội hùng mạnh, và các dân tộc thiểu số sống đề huề, hòa bình và hạnh phúc, được tạo điều kiện phát triển tối đa dưới sự "chăn dắt" nghiêm minh và công bằng của đảng lãnh đạo và nhà nước trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo sáng suốt của đảng.

Ấn tượng năm 2003 ở Trung Quốc, mà vào thời đó tôi thấy "hay hay", "lạ lạ", khá thú vị và hơi buồn cười một tí vì nó rất ước lệ, nay chẳng phải đi đâu xa, đã được nhập cảng (= nhập khẩu, nói cho đúng điệu ... Trung Quốc) sang tận Thăng Long thành để chúng ta tha hồ chiêm ngưỡng cho thỏa thích rồi đó. Mọi người có thấy thích thú không?

Còn tôi, thì tôi nhớ đến bài thơ Thăng Long thành hoài cổ, và tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan. Đặc biệt là câu đầu tiên mà tôi đã trích làm tựa của entry này, và câu cuối:

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường!
---
Cập nhật tối cùng ngày

Không hiểu sao cái link tôi đưa buổi sáng từ nguồn của vietnamnet bây giờ không tồn tại nữa, thành ra có vẻ giống như là tôi đưa tin xạo? Đành phải đưa link khác vào đây. Đây này, trên Dân Trí.

9 nhận xét:

  1. Tôi xin có ý kiến: Là hông ý kiến gì.

    Trả lờiXóa
  2. Con cũng hông biết nên ý kiến gì nữa...=.= Mà mẹ ơi, sao mấy cô này mặc đồ giống y hệt mấy con búp bê mẹ mua cho con lúc trước ở Trung Quốc thế mẹ!? Lạ nha ;))

    Trả lờiXóa
  3. 1000 năm nô lệ...
    gia tài của mẹ...


    Xin hết ạ!

    Trả lờiXóa
  4. Thôi buồn làm chi ,nhìn vậy là biết rồi...
    Hảy là:"Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
    Dừng chân đứng lại trời non nước
    Một mảnh tình riêng ta với ta..."

    Hảy ôm nổi buồn vào lòng...

    Trả lờiXóa
  5. Nói vậy thôi chứ, lúc này hơn lúc nào cần lắm chứ. Khi thiên hạ ăn hiếp thì cũng phải cố gắng thể hiện hào khí để doạ lại một chút để mình đỡ ngán chứ.
    Mất và được, tui nghĩ được > mất.
    Vui vẻ.

    Trả lờiXóa
  6. Chào 2 bác Củ chuối và Cà Tửng,

    Cám ơn đã đọc và chia sẻ. Thôi thì "thời thế thế thời phải thế" các bác ạ. Tôi vẫn tin rằng mọi sự thay đổi phải bắt đầu từ chính mỗi người, và vì thế nó sẽ lâu.

    Vả lại, mọi thứ trên đời này xảy ra đều có nguyên nhân tất yếu của nó. Không bức xúc làm gì, nhưng vẫn buồn. Và vẫn phải nói ra, cho nó nhẹ lòng các bác ạ.

    Trả lờiXóa
  7. Chao chi Phuong Anh.

    Rat dong y voi chi, moi su thay doi phai bat dau tu chinh moi nguoi, va vi the no se lau. Toi xin them mot chut : va no se chac. Thay doi nhanh qua hau het chi la tai hoa thoi chi a.

    NTB

    Trả lờiXóa
  8. Nói túm lại: biết ít một chút, hay giả ngu một chút tự nhiên thấy mình hạnh phúc thêm một chút.

    Trả lờiXóa
  9. Gia? ngu mot chut', dam chan tai cho, thay minh hanh phuc them mot chut, mot ngay nao do' minh se~ bi. do^ng` hoa' thanh` ba tau`.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.