Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Dân chủ và công luận (để đây, khi rảnh sẽ viết)

Trong khi chờ đợi, các bạn nên đọc bài dưới đây: The role of public opinion in a society

https://tribune.com.pk/story/861573/the-role-of-public-opinion-in-a-democracy/
--------------

In modern society, the voice of the people forms the crux of any legislation or policy in the land. While this facet of societal feedback is prevalent in all societies regardless of the degree of authoritarianism, it is especially true for democratic societies of the world.]
But it is important to first realise and understand what public opinion really is. The term ‘public opinion’ was coined by philosopher John Locke in the 17th century. However, the concept itself predates Locke. Vox populi or ‘voice of the people’ is a similar Latin concept. Today, public opinion is defined in the following way: collective evaluations expressed by people on political issues, policies, institutions and individuals.
It is important to differentiate between public opinion and pressure groups. Public opinion changes policy through passive observations that accumulate amongst citizens. Pressure groups work to change policy actively through direct interaction with policymakers.
Public opinion is important in a democracy because the people are the ultimate source of political power. In theory, a government official has to take public opinion into account whilst deciding on a future course of action. This is not to say that politicians always do what people want. Clearly, there is more statistical incidence of political malcontent today than there were, say, 500 years ago. But even the most unapproachable politician needs to avoid making the majority of a country too displeased. Political parties must maintain a certain level of positive public opinion which is subject to a certain measure of manipulation through mass media and other sources and used to maintain the status quo. That is, however, not to say that public opinion, itself, should be considered a ‘positive social function’. Grantland Rice, a renowned American journalist once said, “A wise man makes his own decisions, an ignorant man follows the public opinion.”
It is important to understand the factors that shape public opinion as a whole. These include social class, education, region, age, gender and ethnic group. Society is not a homogeneous whole. It is made up of components. Each component faces different challenges in its functioning, therefore, members of each component view the world differently. To quote a real life example, on the question of building the Kalabagh Dam, Khyber-Pakhtunkhwa, Balochistan and Sindh are in extreme opposition to this while Punjab stands alone in its support. These differing points of view lead to vying social opinions which look for expanding ‘political’ space. The greater the space that the holders of a worldview can secure for their argument, the greater the chance that this worldview would be incorporated within the general structure of regional or national policy.
A state is built upon the consent of the members of society. A constitution is drafted by the collective will of the people. Just as the state and the constitution are vital organic constructs, so is the primary method of informing them: public opinion.
Published in The Express Tribune, March 31st, 2015.

Vì sao tôi quan tâm đến chuyện của Mai Khôi?

Bài đã đăng trên Nhịp cầu thế giới. Link đây: http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/VI-SAO-TOI-QUAN-TAM-DEN-CHUYEN-CUA-MAI-KHOI-5781.html
--------

VÌ SAO TÔI QUAN TÂM ĐẾN CHUYỆN CỦA MAI KHÔI?

Thứ ba - 14/11/2017 21:18

(NCTG) “Một khi “công luận” không còn dễ dàng điều khiển, không còn nằm trong tay của riêng một nhóm thiểu số nào - dù đó là thiểu số ưu tú nhất của xã hội - thì lúc ấy chúng ta đã có được mầm mống của một xã hội dân chủ đích thực”.

Nhiều báo chí quốc tế đã đưa tin về hành động mang tính “nổi loạn” của ca sĩ Mai Khôi - Ảnh: bản tin trên tờ “The Guardian”
Nhiều báo chí quốc tế đã đưa tin về hành động mang tính “nổi loạn” của ca sĩ Mai Khôi - Ảnh: bản tin trên tờ “The Guardian”
Có một sự kiện đang làm nóng không gian công cộng trên facebook của người Việt, bắt đầu từ một ca sĩ có tên là Mai Khôi mà từ đây tôi sẽ gọi một cách “vô nhân xưng” (impersonal) là “cô ấy”. Đối với tôi Mai Khôi chỉ là một cái tên bất kỳ, tôi không quan tâm đến Mai Khôi như một nghệ sĩ có tính cách và tên tuổi cụ thể, mà hoàn toàn có thể thay thế cái tên này bằng một tên khác thì những điều tôi viết ở đây vẫn hoàn toàn giữ nguyên ý nghĩa.

Vâng, cô ca sĩ ấy, mà qua những tranh luận gần đây thì tôi hiểu đó là một người có bề dày về các hành động và phát ngôn mang tính “nổi loạn”, vừa làm một hành động hiếm thấy ở Việt Nam. Cô ấy đã đón chào tổng thống Mỹ đến Việt Nam dự hội nghị APEC bằng một biểu ngữ tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt có nghĩa đại khái là “Đái vào mặt ông, Trump ạ”.

Một hành động không có gì là “quá quắt”, thậm chí có thể nói là đã khá nhàm, khi so sánh với những gì mà người phản đối Trump đã làm trong thời gian qua ở Mỹ và các nước Phương Tây. Nhưng chắc chắn đó là một hình ảnh rất xa lạ ở một nước Á Đông với ảnh hưởng Khổng giáo hàng nghìn năm và nổi tiếng với những truyền thống như “hiếu khách” đến độ thậm chí người nghèo còn phải “nhịn miệng đãi khách” như Việt Nam.

Vì vậy, sẽ không lạ gì nếu có dư luận lên tiếng. Là một người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, cô ấy hẳn không xa lạ gì với sự “soi mói” của dư luận về mọi lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc và thậm chí đời tư của mình, và cũng chẳng bất ngờ trước các loại phản ứng ở cả hai chiều thuận nghịch của dư luận về bản thân hoặc hoạt động nghề nghiệp của mình. Thậm chí, tôi tin rằng mọi hành vi công cộng của cô ấy - như việc giương biểu ngữ chống Trump mới đây - đều có tính toán để làm sao gây ra tác động đối với dư luận càng nhiều càng tốt. 

Tất nhiên, tôi đoán rằng với cái biểu ngữ “độc đáo” ấy - dù, xin nhắc lại, chỉ là bản sao chép của một trong những cách phản đối của những người anti-Trump, vị tổng thống Mỹ vốn nhiều tai tiếng ngay từ khi mới xuất hiện - cô ấy đã mong nhận được nhiều lời tán thưởng. Và có thể cô đã khá bất ngờ và thất vọng khi thấy bên cạnh không ít lời ca ngợi về sự can đảm (vì dám thực hiện quyền biểu tình tại Việt Nam, wow!), sự thông minh (vì đã khôn ngoan lựa chọn một đối tượng “tấn công” khá “an toàn” là một tổng thống Mỹ - đối tượng luôn hứng chịu sự chỉ trích hợp lý hoặc vô lý của bất kỳ kẻ nào trên thế giới đến mức cảm thấy đó là việc bình thường, chứ không phải là, ví dụ thế, tổng thống Nga Putin hoặc thủ tướng Canada là những người có lượng fan đáng kể ở Việt Nam, hoặc chủ tịch Trung Quốc, như lời thách đố của nhiều người đang phản đối cô ấy một cách khá cực đoan), thì cô còn nhận nhiều lời phản đối rất gay gắt với lời lẽ đôi chỗ rất thô tục và khó chấp nhận, ít ra là theo quan điểm khá bảo thủ và hơi khắt khe của tôi, một người suốt đời làm trong ngành giáo dục. 

Phải nói ngay là những phản ứng ở cả hai chiều khác nhau của dư luận đều không hoàn hảo, điều mà có lẽ chẳng ai ngạc nhiên vì đó là những phản ứng bộc phát tức thời nên chắc chắn là thừa cảm tính mà thiếu logic, đầy phiến diện và chủ quan. Nhưng không giống những scandal ầm ỹ khác cũng liên quan đến giới nghệ sĩ ở Việt Nam, vốn rất mau chóng lụi tàn giữa ngổn ngang các thông tin đáng khác trong tình hình đất nước hiện nay, cuộc tranh cãi giữa phe ủng hộ và phe phản đối cô ca sĩ ấy kéo dài dai dẳng và căng thẳng một cách bất ngờ, đến nỗi một người vốn dĩ không có chút quan tâm gì đến giới showbiznhư tôi cũng phải quan tâm và lên tiếng.

Có lẽ đang có nhiều đang thắc mắc: một bà giáo già về hưu như tôi còn ham hố gì mà lại bỏ thì giờ quý báu của mình ra để dính vào các chuyện thị phi của giới showbiz nhỉ? Vâng, bài viết viết này chính là để giải đáp thắc mắc ấy. 

Dưới đây là câu trả lời đã được tôi cố gắng tối đa để làm cho vắn tắt và dễ đọc nhất.

1. Mặc dù tôi thuộc nhóm không ủng hộ hành vi của cô ấy vì tôi theo tôi nó rất không phù hợp với văn hóa công cộng của người Việt Nam, nhưng đó không phải là lý do khiến tôi phát biểu.

Tôi lên tiếng, trước hết là vì tôi thấy có quá nhiều người lên tiếng “lên lớp” những người đã lên tiếng phản đối hành động của cô ca sĩ kia. Họ cho rằng những kẻ phản đối cô ca sĩ là đang xâm phạm vào quyền tự do biểu đạt của cô ấy, trong khi lẽ ra hành động ấy đáng phải được tôn vinh. Như một người ngoài cuộc, tôi thấy rất rõ - và khá ngạc nhiên vì những người lên tiếng bênh vực cô ấy lại không nhận ra - rằng lời bênh vực kia phản ánh một cách hành xử theo “tiêu chuẩn kép” rất thường thấy ở Việt Nam. Bởi, “quyền tự do biểu đạt” lẽ đâu lại chỉ dành riêng cho cô ca sĩ ấy?
 
Cũng là một cách thể hiện quan điểm, nhưng khó tránh được kẻ ưa người ghét - Ảnh: Internet
Cũng là một cách thể hiện quan điểm, nhưng khó tránh được kẻ ưa người ghét - Ảnh: Internet

Thật vậy, nếu cô ấy có quyền phản đối và chê bai, thậm chí có thể sỉ nhục hoặc xúc phạm (tất nhiên như thế nào là xúc phạm thì tùy thuộc vào cảm nhận của từng người) một người của công chúng (public figure) là tổng thống Mỹ mà không cần có lý do chính đáng (vả lại, ai có quyền đưa ra phán xét thế nào là chính đáng nhỉ?), thì tại sao những người khác lại không có quyền phản đối cô ấy, vốn cũng là một public figure (một celebrity - người nổi tiếng - trong tiếng Anh), và tất nhiên cũng không cần có lý do chính đáng?

2. Đáng sợ hơn, là những người lên tiếng “phản đối người phản đối” lại gồm không ít người tên tuổi - ở một mức độ nào đó - trong làng facebook cả trong và ngoài nước, trong đó có nhiều trí thức, nhà báo, luật sư, giảng viên đại học, với những khái niệm cao cả như quyền tự do dân chủ, những hình ảnh trích dẫn từ báo chí nước ngoài, những trích dẫn hàn lâm, những phân tích về tiếng Anh, về cách chơi chữ, và trên hết là lập luận cao siêu dễ làm người ít học cảm thấy “choáng” vì không đủ trình độ để tranh cãi, và hẳn là đã/đang/sẽ có những người phải lặng lẽ rút lui khỏi cuộc tranh luận không cân sức này.

Có một điều gì đó rất giống tình trạng “học phiệt” ở Việt Nam, nơi các diễn đàn công cộng được chiếm lĩnh bởi một số người có vai vế, có kỹ năng phát ngôn và thừa các khái niệm cao siêu, các ngôn từ hoa mỹ, dù chưa hẳn đã thực sự chứa đựng chân lý. Còn tuyệt đại đa số quần chúng thì thuộc về đám đông thầm lặng, không tiếng nói, không hình hài, và phải chấp nhận cam chịu vì biết là mình thấp kém. 

Bên cạnh vai trò của chính quyền và thể chế chính trị mà trong bài viết này tôi sẽ không đề cập đến vì nhiều lý do, tôi cho rằng chính thái độ cao đạo, trịch thượng của những người có địa vị, có học thức như vậy trên không gian công cộng đã góp phần hạn chế sự đa dạng, đa chiều của công luận, khiến cho tình trạng dân trí của Việt Nam vẫn cứ mãi lẹt đẹt như hiện nay - một điều mà lại cũng chính những con người này luôn miệng lên tiếng sỉ vả, chê bai, rồi lắc đầu ngao ngán buông lửng một câu: “Dân trí thế này thì chả trách...”.

Nhưng cuối cùng, thì việc lên tiếng (rất mất thời giờ) của tôi, và cuộc tranh luận dằng dai quanh vụ scandal của cô ca sĩ ấy có mang lại lợi ích gì cho ai không? Tôi nghĩ là có. Rất rõ ràng, sự tồn tại của mạng xã hội tại Việt Nam đã tạo cho tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, dù có địa vị hay không có địa vị, học vấn cao hay thất học, cái quyền tiếp cận những diễn đàn công khai về mọi vấn đề mà họ quan tâm. Những ý kiến đa dạng, đủ phong cách và màu sắc, ít nhiều hợp lý hoặc hoàn toàn vô lý ấy, tất cả họp lại để tạo thành cái mà Phương Tây gọi là “công luận” (public opinion), vốn tự nó có một sức mạnh đáng kiêng dè, đủ để được các nhà nghiên cứu của Phương Tây xem là “cái thắng đối với quyền lực của giới cầm quyền”, và có thể “make or break” cả một “triều đại”. Đó là lý do tại sao tất cả nhà chính trị trên thế giới - độc tài hoặc không độc tài - đều cố gắng khống chế, điều khiển, hoặc ít ra là tạo ra những tác động đến công luận theo cách có lợi cho mình. 

Và một khi “công luận” không còn dễ dàng điều khiển, không còn nằm trong tay của riêng một nhóm thiểu số nào - dù đó là thiểu số ưu tú nhất của xã hội - thì lúc ấy chúng ta đã có được mầm mống của một xã hội dân chủ đích thực. Chứ không phải là sự quan tâm hoặc không quan tâm của các chính khách và truyền thông quốc tế đến tình hình dân chủ và xã hội dân sự của một đất nước nghèo nàn, lạc hậu và đang khao khát vươn lên để theo kịp với đà tiến triển của thế giới.

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Nghĩ vụn trên chuyến đi Sài Gòn - Hà Nội - Sài Gòn

Chép lại đoản văn này từ trên facebook về đây để lưu. Để lâu lâu đọc lại, kẻo ... uổng!
----------
Lần nào cũng vậy, tôi lặng lẽ ra Hà Nội rồi lặng lẽ về. Và lúc nào cũng đi vào chiều tối, hoặc chạng vạng hoặc thậm chí lúc tối khuya, cả lượt đi lẫn lượt về.
Đi như thế, trước hết là do tính cách của tôi: a die-hard introvert who does not need other people around her. Emotionally I am fully self-sufficient. Và như thế cũng được nhiều cái lợi, mà trước hết là tiết kiệm thời gian, để không phải nghỉ việc nhiều quá.
Nhưng thích nhất là mỗi lần đi vào lúc chiều tối như vậy, tôi có thời gian tĩnh lại để suy nghĩ. Để nhớ vu vơ đến những ngày tháng cũ, những hình ảnh cũ, những con người cũ. Những gì gần như không còn nữa, và vì thế, nó trở nên đẹp lung linh và quý báu vô cùng.
Lần nào từ Nội Bài vào Hà Nội, đi qua những vùng ngoại ô chìm thấp thoáng trong những ánh đèn xa xa, tôi đều cảm nhận vừa rõ ràng nhưng cũng rất mơ hồ sự u tịnh trầm mặc của vùng đất cổ này. Đâu đó trong không gian như có như có tiếng lá trúc xào xạc, như có mùi của đất, của khói, của rơm rạ ... hệt như trong những bài văn tả cảnh của Thạch Lam hay Tô Hoài thời tiền chiến. Và hiểu được vì sao những người phải rời miền Bắc vào miền Nam năm 1954 - như cha mẹ tôi lúc sinh thời - lại nhớ quê quay quắt đến vậy. Rất dễ hiểu: vùng đất ấy quá đẹp, mà cũng quá buồn!
Lần này đến Hà Nội, trời đang vào thu - thời tiết đẹp nhất của năm. Nhưng tôi chẳng có thời gian để thưởng ngoạn tiết thu của Hà Nội, vì đến nơi, chui vào khách sạn, ngủ một đêm, rồi sáng ra trả phòng ngay để khi làm việc xong là có thể chạy luôn từ phòng họp ra sân bay.
Phí tiền vé máy bay và tiền khách sạn quá, tôi biết. Nhưng trời ơi, a die-hard introvert như tôi thì có cần gì bên ngoài cơ chứ. Chỉ một cái nhìn thoáng qua, một hơi gió, một buổi nói chuyện vu vơ trên đoạn đường dài với cậu lái xe là tôi đã có quá đủ chất liệu để tha hồ nghĩ ngợi mông lung và viết, nếu có hứng. Nên dù Hà Nội có đẹp thế nào, thì tôi cũng chỉ muốn về thôi, về với cái xóm nghèo Cây Quéo ấy - dù bây giờ cũng đã chộn rộn hơn xưa nhiều lắm lắm rồi.
Vâng, tôi lại về rồi đây, Sài Gòn của tôi, Gia Định của tôi, Bình Thạnh của tôi. Chuyến bay về của tôi đáp xuống đúng vào lúc Sài Gòn mới lên đèn.Từ trên không nhìn xuống, những ánh đèn trên những con đường ngoằn nghèo lộn xộn với tôi sao thân thuộc và đẹp lạ lùng đến vậy. Ở đó, mọi người đang hối hả, hối hả làm lụng, hối hả ăn chơi, hối hả buôn bán, hối hả học hành ... Nói ngắn gọn, Sài Gòn hối hả sống.
Và hối hả cả trong cả cái cách SG đóng góp phần lớn những gì mình làm ra vào ngân sách còm cõi của quốc gia, như những đứa con đi làm ăn xa vất vả dành dụm để gửi tiền về cho bà mẹ quê và đám em nheo nhóc. Những người còn ở lại trên quê hương miền Bắc với vẻ đẹp ảo não đến nao lòng, đẹp mà buồn thê thảm vì nghèo quá.

Buồn và nghèo như trong bài hát của Phạm Duy:
Làng tôi, không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre còm tả tơi...
Nhưng ơ kìa, đây là Sài Gòn cơ mà? Sài Gòn tất bật đã kéo tôi ra khỏi cơn mơ, hay là cơn mê nhỉ, mà mỗi lần ra Hà Nội - ra miền Bắc nói chung - là tôi lại rơi vào, as in a trance. Hết rồi, vẻ trầm mặc u buồn chậm rãi mà mê hoặc của vùng đất ngàn năm ấy. Sài Gòn, một thành phố không ngủ, Sài Gòn, quê hương thứ hai mà có lẽ cũng là quê hương duy nhất của tôi.
Hà Nội ơi, đất Bắc ơi, quê cha đất tổ thân thương nhưng lại cũng rất xa xôi. Sài Gòn ơi, đất khách xa lạ mà gần gũi. Tôi là người Bắc sinh ở miền Nam, hay tôi là người Nam có gốc gác miền Bắc nhỉ?
Vả lại, điều ấy có quan trọng gì không?

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Nói thật với quyền lực (speaking truth to power)

Đây là bản dịch thoát của tôi cho bản gốc tiếng Anh có tựa là Speaking truth to power đã đăng trên tờ Huffington Post năm 2015, ở đây: http://www.huffingtonpost.com/jade-greear/speaking-truth-to-power_2_b_8824094.html

Sở dĩ tôi dịch nó là vì có một người bạn trên fb đặt vấn đề về vai trò của trí thức, đại khái là phải dẫn dắt xã hội để phát triển đến chỗ tốt đẹp hơn. Nếu từ chối nhiệm vụ đó thì không còn xứng đáng là trí thức. Trao đổi đó khiến tôi nhớ đến cụm từ "speaking truth to power" mà tôi vừa dịch là "nói thật với quyền lực" ở trên.

Nhưng thế nào là nói thật với quyền lực? Các bạn đọc bên dưới nhé.
---------------
[...]

I reached out to a few people from across the country to ask what speaking truth to power means to them. Their responses are both insightful and inspirational.
gg 
“Speaking truth to power means comforting the afflicted, and afflicting the comfortable. None of us has a monopoly on the truth. There is the truth, and there is the way to the truth. We must be humble enough to accept that we only know the truth that we know, at any given point on our life’s journey. But the truth that we do know, we must speak it. We must have the courage to say what we see.”

Nói thật với quyền lực có nghĩa là an ủi kẻ khốn khó, và gây khó chịu cho kẻ an nhàn. Không ai trong chúng ta độc quyền về chân lý. Tồn tại một chân lý, và tồn tại con đường dẫn đến chân lý. Chúng ta cần khiêm tốn để chấp nhận rằng chúng ta chỉ biết những điều mình biết trong từng thời điểm của cuộc hành trình của chúng ta. Nhưng cái chân lý mà chúng ta biết được thì chúng ta cần phải nói ra. Chúng cần có sự can đảm để nói lên những gì chúng ta thấy được.

Tavis Smiley, host and managing editor of Tavis Smiley on PBS, and author of My Journey With Maya.
@tavissmiley

“Speaking truth to power means believing deeply in what you say and fighting every day to have that heard. It may not be popular; it means taking a risk, it means standing for something.”
Nói thật với quyền lực nghĩa là tin tưởng sâu sắc vào điều mình nói và chiến đấu để điều ấy được mọi người biết đến. Điều đó có thể không được nhiều người ủng hộ;  có nghĩa là chúng ta đang liều lĩnh, đang đứng lên đấu tranh cho một sự nghiệp.

[...]

“The ability to lead without fear. Many think of the issues that matter. Very few actually have the courage to speak the truth.”
[Nói thật với quyền lực] là khả năng lãnh đạo không sợ hãi. Rất nhiều người nghĩ đến các vấn đề cần giải quyết. Rất ít người có đủ can đảm nói lên sự thật.

Paul Porter, Founder, Rap Rehab and COO, New World Porter
@IndustryEars

[...]

“It means the courage to stand up for your beliefs, when your instincts tell you have to ... even though sometimes there is a price to pay.”
Dwain Doty, Community & Public Affairs Producer, WJSU-FM88.95, Jackson, MS
@DwainTDoty
Nói thật với quyền lực là can đảm đứng lên đấu tranh cho niềm tin của mình, khi bản năng của chúng ta mách bảo đó là điều cần làm ... dù đôi khi sẽ phải trả giá.

“The #power of life and death is in the tongue. To speak truth is to speak life in a way that informs and encourages all who seek to preserve it. The inverse is too costly.”
Dometi Pongo, News Anchor, WVON1690, Chicago, IL
@Dometi_

“The trick about speaking truth to power is to do it from your inner conviction of moral truth and not for a desire for approbation —- and not to be deterred by condemnation either - and to let your sense of the rightness of things overcome the fear of not speaking. While not all of us have the great causes of More and Dr. King we all have the obligation to speak truth to power in our lives to forces great and small - to defend the powerless, to stand for justice and to recognize the situations in which we are required to do so.” 
Judith Sherwin, Attorney at Law, Adjunct Professor, Loyola School of Law, Chicago

“I’ll do one better...this is what ‘speaking truth to power’ looks like #ConcernStudent1950 #MUFootballTeam.”
Lisa Fager, Social Entrepreneur
@LisaFager

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Sài Gòn nhớ nắng (Hồng Vân)

Sài Gòn nhớ nắng

Tựa của bài viết này thế nào cũng làm cho ai đó thắc mắc. Sài Gòn sao lại phải nhớ nắng? Chỉ có thể là viết nhầm, còn nếu không thì do người viết điệu đà,ý nói “Nhớ nắng Sài Gòn” nhưng lại đảo ngược trật tự câu để tạo sự độc đáo đó thôi.

Chứ nếu không phải như vậy thì biết giải thích thế nào đây? Ai mà chẳng biết rằng nắng là là món quà mà thiên nhiên đã ban tặng hào phóng đến độ thừa mứa cho Sài Gòn, thành phố phương Nam ấm áp ấy. Nắng rõ ràng là một trong những đặc điểm nhận dạng của Sài Gòn, nên khi năm hết Tết đến, thời điểm mà trời Tây bước vào giai đoạn lạnh lẽo nhất trong năm, khi bầu trời xám xịt và tuyết trắng thê lương phủ dày khắp nơi, thì cũng là lúc mà những người Việt xa xứ nhớ Sài Gòn quay quắt.

Phải mở ngoặc ở đây để giải thích ý nghĩa của cụm từ người Việt xa xứ. Vì những “đặc thù” lịch sử của thân phận người Việt, xét một cách nào đó thì cũng chẳng khác số phận lưu đày của dân tộc Do Thái trước đây, nên người Việt đã nhiều lần bị buộc phải bỏ xứ ra đi, “mang theo quê hương trong tim” như một văn nhân nào đó đã từng viết. Nhưng trong lịch sử hiện đại của Việt Nam thì đợt bỏ xứ ra đi ồ ạt nhất, thê thảm nhất và kéo dài nhất là từ biến cố 1975, với tổng cộng cả triệu ra đi trong khoảng gần hai thập niên từ nửa cuối 1970 đến nửa đầu 1990. Nên cụm từ “người Việt xa xứ”ở đây là để chỉ những người mà nhà cầm quyền Việt Nam gọi là “Việt kiều”, khúc ruột ngàn dặm, cách gọi mà “đối tượng” bị gọi thì ghét cay ghét đắng vì nhiều lý do mà tôi cũng chưa bao giờ có thời gian tìm hiểu kỹ là tại sao.

Những người Việt xa xứ ấy, lúc này đang nhớ nắng Sài Gòn. Nhớ ơi là nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận … cái thành phố đẹp xinh, nơi lúc nào trời cũng xanh, mây cũng trắng còn nắng thì vàng ươm như mật. Trời ơi, tìm ở đâu ra dưới gầm trời này cho được một nơi đẹp tuyệt vời như thế? Thậm chí chỉ cần đẹp bằng một nửa thôi, có khi cũng chẳng có ấy chứ. (!)

Thậm xưng chăng? Có lẽ. Ký ức mà, bao giờ cũng chọn lọc chỉ những nét đẹp nhất, rồi phóng đại lên nhiều lần, để thỏa nỗi nhớ nhung. Mà cũng phải thôi, biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ Việt Nam trong và ngoài nước đã bỏ tâm trí, tài năng và công sức để vẽ lên những bức tranh tuyệt vời về cái nắng của Sài Gòn. Có người Việt Nam nào mà chẳng biết câu Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát …, câu thơ đẹp như lụa của nhà thơ Sài Gòn gốc Hà Nội Nguyên Sa Trần Bích Lan?

Và có chàng trai nào lần đầu biết yêu mà không cảm thấy biết ơn nhạc sĩ Sài Gòn gốc Huế đã nói hộ lòng mình qua bài hát Nắng thủy tinh, với những ca từ đẹp như một bức họa - Màu nắng hay là màu mắt em …  để rồi mỗi khi chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm …lại thấy chợt lòng buồn dâng mênh mang….  

Vì nhớ.

Nhớ mắt em ngây tròn, lung linh nắng thủy tinh vàng, của những buổi hẹn hò dưới bầu trời Sài Gòn ngập nắng.

Nhưng những hình ảnh đẹp lung linh ấy chỉ có trong thi ca và trong ký ức của những người yêu Sài Gòn. Sự thật thì thành phố vốn từng là Hòn ngọc Viễn Đông ấy giờ đã đổi thay nhiều lắm. Từ những tên đường, những hàng cổ thụ, những kiến trúc cổ xưa, đến cái văn hóa công sở của một nền hành chính chuyên nghiệp, cách ăn mặc, nói năng, ứng xử và sự trật tự, ngăn nắp cùng gu thẩm mỹ của không gian công cộng  - tất cả đã đột ngột hoặc dần dà bị xóa bỏ, bị mất dấu, để thay vào đó là sự nhốn nháo, phô trương lòe loẹt, quê kệch như những dàn đèn màu trang trí xanh đỏ tím vàng sặc sỡ mừng Xuân trên đường phố Sài Gòn năm nay.

Sài Gòn mà ngày nay người ta gọi nó bằng cái tên xa lạ, xấu xí là thành phố Hồ Chí Minh, giờ đây ngày càng có những nét giống như bất kỳ một thành phố nào trên đất nước này. Tết đến cũng tưng bừng cờ đỏ, cũng đầy các biểu ngữ “mừng Đảng. mừng Xuân”, cũng chen lấn, chửi nhau, xả rác ngang nhiên ngoài đường phố. Cũng phải thôi, đã gần nửa thế kỷ thống nhất rồi, những đứa trẻ được sinh ra sau năm 1975 giờ cũng đã ngoại tứ tuần, làm sao mà tránh khỏi việc lây nhiễm nền văn hóa mới từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, “thiên đường của các con tôi” mà Tố Hữu đã từng viết trong Bài thơ xuân sáu mốt vô cùng nổi tiếng – notorious – ấy. Nổi tiếng vì sự ca ngợi chế độ quá mức đến lố bịch của bài thơ nói trên.

Xin mở ngoặc để nói thêm rằng tôi vẫn nghĩ Tố Hữu đã viết những lời nói trên một cách thật lòng. Là một ông quan văn hóa to của cộng sản, được ăn lộc của chế độ, ai nghèo đói thiếu ăn chứ gia đình của ông ta thì làm sao mà thiếu thốn được?

Nhưng thôi, hãy để cho Tố Hữu và những bản tụng ca gớm ghiếc của ông ta ngủ yên trong dĩ vãng. Hãy quay về với chủ đề của bài viết này là nắng Sài Gòn. Thật may mắn, dù Việt Nam đã hơn 40 năm miệt mài xây dựng cho bằng được thiên đường cộng sản cho những ông quan cộng sản như Tố Hữu, vẫn có một thứ không ai có thể ép theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho giống với khuôn phép của Hà Nội. Dù cũng vẫn một kiểu cờ đỏ rừng rực, cũng trang hoàng lòe loẹt lòe lố lăng ta không ra ta xẩm không ra xẩm, thì trời Xuân ở Sài Gòn nói riêng, và miền Nam nói chung vẫn khác rõ rệt. Mặc kệ Hà Nội và khu vực miền Bắc co ro trong mưa phùn gió bấc, trong cái “rét đậm, rét hại” nơi khoảng cách giàu nghèo được thể hiện rõ ngay từ cách ăn mặc - người giàu thì áo dạ, giày da, khăn lụa, túi xách hàng hiệu nhập từ nước ngoài với những nhãn hiệu đắt tiền nhất thế giới, ấm áp bảnh bao; người nghèo thì lôi thôi lếch thếch áo trong dài hơn áo ngoài, áo quá rộng quần quá chật, khăn nón vớ giày chắp vá đủ kiểu miễn sao cho bớt lạnh.

Trong cái nắng ấm chan hòa của mùa Xuân Sài Gòn, mọi người đều bình đẳng. Giàu đến đâu cũng chỉ có thể mặc một áo sơ mi, ngắn tay lại càng mát, một cái quần, một đôi giày hoặc dép da có hoặc không có quai hậu mà dân Sài Gòn vẫn gọi là xăng-đan. Giàu thì mặc hàng hiệu sang trọng, nghèo thì mặc đồ chợ, rẻ tiền nhưng trông vẫn tươm tất như ai. Có phải chính cái khí hậu ấm áp này đã ít nhiều giúp duy trì sự hào hiệp, tinh thần bình đẳng và dân chủ của miền Nam, trong đó Sài Gòn là đại diện ưu tú nhất - nói theo cái phong cách đầy mỹ từ và uyển ngữ của nền báo chí “cách mạng” - đó hay không?

Tôi vẫn luôn tin như thế.

Nhưng nắng Sài Gòn không phải là ai cũng yêu, mà ngược lại, không ít người Sài Gòn ghét và sợ nắng. Cũng phải thôi, nắng sẽ đẹp khi được lọc qua hàng cây xanh thắm, khi rọi qua bầu khí trong trẻo không bị vẩn đục bởi khói bụi công nghiệp mịt mù. Nhưng ở Sài Gòn của ngày nay - à quên, thành phố Hồ Chí Minh chứ nhỉ? - thì những mảng xanh không còn nữa. Ai đó nhớ thương Sài Gòn thì cứ thử lái xe gắn máy chạy vòng vòng Sài Gòn vào khoảng 3 giờ chiều mà xem. Nắng gay gắt như đổ lửa, nắng rọi thẳng xuống đường nhựa rồi hắt cái nóng hầm hập lên mặt người đi đường. Nắng chang chang quanh năm nên những cô gái Sài Gòn luôn có nước da ngăm ngăm bánh mật; ai thích thì gọi là đen dòn duyên dáng mà ai không thích thì chê là đen nhẻm và xấu như ma lem. Trong một năm, Sài Gòn chỉ được ít ngày râm mát, không nắng cũng chẳng mưa, và mọi người đều cảm thấy vô cùng sảng khoái và thích thú, vì chạy xe ngoài đường mà không cần phải diện “thời trang Ninja” như mọi bữa.

Lâu lâu mới được dịp hiếm hoi khoe má hồng môi đỏ mắt xanh, eo nhỏ chân dài, có cô gái nào mà không thích? 

Nhưng năm nay thì lại khác. Dịp Tết Đinh Dậu 2017 này, khi cả thế giới đang rối loạn vì những quyết định bất ngờ về chính sách đối nội đối ngoại của “Trump tổng thống”, thì ở Sài Gòn chẳng hiểu sao trời không có nắng. Cả gần hai tuần lễ từ lúc giáp Tết đến tận hôm nay là mùng 3 Tết, bầu trời vốn xanh ngăn ngắt của Sài Gòn cứ xam xám mịt mù như bầu trời Hà Nội lúc lập đông. À không, là tôi đang sử dụng ngoa ngữ, chứ thật ra là không giống lắm. Nếu có hơi giống thì cũng chỉ ở chỗ thiếu nắng thôi, chứ không hề có cái rét mướt của mùa Đông, mà chỉ mát theo tiêu chuẩn Sài Gòn, tức là đâu đó khoảng gần 30 độ. Nhưng giữa trưa ở Sài Gòn mà không vượt quá 30 độ thì đã là mát mẻ lắm rồi.

Không có nắng, các bà, các cô bán hàng ngoài chợ trong ngày Tết cũng đỡ khổ, nên có vẻ dịu dàng hơn, đỡ cau có gắt gỏng khi có khách mua hàng đòi xem hết món này đến món kia, hỏi giá đủ thứ mà không trả giá một tiếng nào, nhất là lúc sáng sớm khi chưa có người mở hàng. Những người từ nơi khác đến hưởng không khí Tết tại Sài Gòn lần đầu thì cảm thấy dễ chịu lắm. Tôi có một người bạn từ Hà Nội, lần đầu tiên vào Sài Gòn ăn Tết với cô con gái vừa lập gia đình, thích Sài Gòn ra mặt, khen tấm tắc rằng thời tiết Tết ở Sài Gòn đẹp quá, trời dịu mát, nắng nhẹ, đường phố thoáng đãng, không khí trong lành, chắc là từ năm sau năm nào cũng sẽ vào Sài Gòn ăn Tết.

Chị ấy có biết đâu rằng chỉ có năm nay đặc biệt thế thôi, chứ mọi năm, ba ngày Tết cũng là những ngày nóng bức nhất, đến độ món thịt đông mà những người di cư năm 1954 đã đem vào Sài Gòn từ miền Bắc, lúc đem từ tủ lạnh ra thì đông cứng nhìn ngon lành như thế, mà chỉ cần đến nửa bữa ăn đã bị nóng chảy ra thành những miếng thịt rời rạc nhao nhão, chỉ nhìn thôi đã no không ăn được nữa. Bởi vậy cho nên người Sài Gòn đâu có quan tâm gì đến món thịt đông, trong khi nhiều món ăn đặc thù hương vị Bắc khác đã di cư vào Sài Gòn cùng với những người Bắc 54 giờ đây đã trở thành một phần của văn hóa ẩm thực địa phương. Có thể kể ra những bánh cuốn, canh bún, bún riêu, và, tất nhiên rồi, một món ăn Bắc nhưng giờ đây đã có mặt khắp nơi ở đất Sài thành này, đó là món phở.

Giá mà thời tiết trong dịp Tết của Sài Gòn lúc nào cũng như năm nay thì có lẽ món thịt đông sẽ được đánh giá đúng và được chấp nhận để đưa vào trong danh sách những món ngon của ẩm thực Sài Gòn, vùng đất cởi mở nhất trên cả nước, một melting pot của Việt Nam rồi.

Trời Sài Gòn không có nắng kéo dài được đến mấy tuần như vậy, có ai tưởng tượng được không? Thật lạ lùng đẹp đẽ, và dễ chịu như vậy đó. Giá mà thời tiết cứ thế này nhỉ: Chẳng nắng đừng mưa/ Cứ râm râm mát cho vừa lòng ai ….

Nhưng ơ kìa, thời tiết tuyệt vời như vậy mà sao năm nay tôi lại thấy Sài Gòn có chút gì buồn buồn, rầu rầu như trong câu thơ Có gì vừa mất ở đâu đây … trong bài thơ Hồn người trinh nữ của Nguyễn Bính vậy?

Không phải tôi tưởng tượng đâu ạ; tôi có chứng cứ hẳn hoi. Cái tâm trạng buồn rầu ấy được bộc lộ rất rõ qua đám “hoa cỏ mùa xuân” trước mỗi sân nhà. Thời tiết của Sài Gòn năm nay thực sự thất thường, gần Tết lại còn có mấy trận mưa trái mùa, nên hoa mai năm nay hầu như hỏng hết, nhiều cây không ra hoa do thiếu nắng nên không thể bung nụ, cây nào may mắn có nụ - dù không rộ như mọi năm - thì nở tòe loe ngay từ trước tết, đến đúng mùng một Tết thì cây đã tanh bành rụng cánh hết cả. Xuân ở Sài Gòn mà không có những cành mai vàng rực đến nhức mắt thì sao có thể gọi là xuân? Mà không chỉ có mai, các loài hoa phổ biến khác như bông giấy, vạn thọ, mào gà, rồi cả hoa hồng tường vi, hoa cúc bách nhật vốn là những loài trồng quanh năm nhưng xuân về cũng chen đua sắc thắm - tất cả, năm nay đều như hụt hơi, thiếu sức, cũng gọi là hé nở đón xuân nhưng sao kém rực rỡ, cứ như những nụ cười gượng. Buồn buồn thế nào ấy!

Hay thật ra, đó là nỗi buồn trong lòng mỗi người? Buồn vì nhà máy thép Formosa, buồn vì sắp có thêm nhà máy thép Cà Ná, buồn vì biển nhiễm độc, vì đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn, buồn vì kinh tế khó khăn, buôn bán ế ẩm, tiền thưởng Tết eo hẹp, buồn vì tin đồn đổi tiền, và buồn cả vì Trump vừa lên làm Tổng thống Mỹ với những chính sách thất thường chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam? Và riêng tôi thì còn buồn vì con trai lấy vợ, con gái đi học ở Mỹ (và đang lo lắng về chính sách visa của Mỹ đối với sinh viên quốc tế), tổ ấm nho nhỏ của tôi giờ trở nên quá rộng và lạnh lẽo vì đã trở thành tổ rỗng, chỉ còn hai ông bà già về hưu lẩm cẩm, suốt ngày mất thời gian đi tìm đồ đạc vì không biết đã cất ở đâu.

Buồn tình, tôi chụp vài tấm hình quanh hoa lá quanh nhà. Định chụp xong sẽ đưa lên facebook nếu đẹp, nhưng nhìn thấy hoa lá rầu rầu, nước hình không sáng mà mờ mờ, đùng đục, tôi thốt lên: Năm nay em làm sao mà lạ quá, hình vẫn chụp buổi sáng như mọi năm mà sao nhìn thấy buồn buồn, chẳng rực rỡ gì cả?

Và ông xã tôi trả lời: Bà bị làm sao thế? Chụp hình lúc không có nắng thì phải mở flash lên, hình thiếu sáng chứ buồn cái gì? Buồn ở trong lòng bà vì nhớ con gái thì có!

Thiếu nắng, ờ ha! Vậy thì tôi biết lý do tại sao Tết năm nay cảnh vật rầu rầu như vậy rồi. Chẳng qua là vì nhớ thôi. Tôi thì nhớ con, rõ rồi.


Còn Sài Gòn thì đang nhớ nắng! Nắng ấy, bây giờ có lẽ đang ở Cali, không biết chừng!

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Tâm tình mùa Vọng (Hồng Vân)

Bài đã đăng trên Tập san Giáo huấn xã hội Công giáo số 23, lưu hành nội bộ.
---------
TÂM TÌNH MÙA VỌNG
Hồng Vân

Trời cao nghe chăng trần gian khấn van mưa nguồn ơn cứu chuộc…

Bản thánh ca mùa vọng với tựa đề là “Trông đợi” ấy không xa lạ gì với tôi, và có lẽ với tất cả mọi người Công giáo Việt Nam. Nhưng không hiểu sao hôm nay, bài hát ấy đối với tôi bỗng trở nên đặc biệt có ý nghĩa. Vâng, giai điệu tha thiết và những lời chân thành đầy tâm tình khát khao trông chờ một đấng cứu thế tôi đã nghe và yêu thích từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ cảm thấy xúc động như  lúc này. Bởi tác giả của bài hát dường như đang nói thay cho mọi người về hiện tình của đất nước.

Tương tự như tình cảnh của đất nước Do Thái tại thời điểm sắp bước vào kỷ nguyên Ki tô giáo, Việt Nam lúc này thật tang thương. Nhưng có một khác biệt lớn giữa Do Thái thời ấy và Việt Nam thời nay. Nếu đất nước Do Thái cách đây hơn hai ngàn năm đang phải rên xiết dưới dưới gót giày của ngoại bang, thì người dân Việt hôm nay đang quằn quại như người bị thòng lọng xiết cổ, mà chiếc dây thòng lọng ấy lại do chính tay mình thắt lấy.

Tôi đang nói quá chăng? Không đâu. Hãy thử điểm qua những gì đã xảy ra trong năm 2016 mà giờ đây chúng ta đang trải qua những ngày cuối cùng. Như đã trở thành một “điều đương nhiên” từ vài năm nay, ngư dân miền Trung tiếp tục bị “tàu lạ” tấn công, đâm chìm tàu ở ngoài khơi ngay tại ngư trường truyền thống, nơi nhà cầm quyền Việt Nam lâu nay vẫn không ngớt lời khẳng định là thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam”. Cá chết, môi trường biển bị hủy hoại, các nguồn nước bị ô nhiễm, rồi xả lũ ồ ạt ở miền Trung, người chết và tài sản bị cuốn sạch theo dòng nước lũ. Còn ở đồng bằng sông Cửu Long, mảnh đất màu mỡ mà thiên nhiên ban tặng, vốn là kho thóc của cả nước với những sông ngòi chằng chịt nặng phù sa và cá tôm, giờ bởi chính tay con người đã trở thành vùng đất bị nhiễm mặn và khô hạn…

Đồng nương không sương nay đã héo hắt mong bước chân người lành …

Tại các thành phố lớn, nơi tập trung mọi nguồn lực kinh tế, chính trị, khoa học giáo dục của đất nước, thì cuộc sống của người Việt Nam cũng chẳng an toàn hơn. Kẹt xe và tai nạn giao thông gây tử vong xảy ra hàng ngày như cơm bữa. Bảo mẫu đánh trẻ em, trò đánh thầy, nữ sinh tạo nhóm đánh nhau với nhưng pha ngoạn mục như trong phim hành động. Và kinh hoàng hơn nữa là những thực phẩm độc hại mà người ta thản nhiên bán cho đồng bào của mình ăn, chỉ cốt để kiếm chút lời. Ung thư đang trở thành một loại bệnh dịch giết hại người Việt hàng loạt, để nước Việt giờ đây được thế giới ưu ái ban tặng cho danh hiệu “cường quốc ung thư”.

Và còn nhiều, nhiều nữa, mà nếu tôi tiếp tục kể ra thì bài viết này sẽ vô cùng u ám đến độ có lẽ chính tôi cũng chẳng còn muốn sống nữa.

Lạy Cha khoan nhân trần gian khóc than trong bàn tay ác thần …

Lời bài hát cứ vang bên tai tôi, những lời xé nát ruột gan. Lạy Cha, đất nước chúng con đang nằm gọn trong bàn tay của thần ác, còn chúng con thì dường như hoàn toàn bất lực trước những bất công và phải đành lòng quay lưng trước cuộc sống quá cơ cực của nhiều anh em chúng con.

Lầm than cô đơn ai thấu những nỗi cay đắng thân tù đày….

Cùng với nỗi khao khát mong chờ, một nỗi buồn mênh mông tràn ngập hồn tôi. Tôi bỗng nhớ đến một mẩu đối thoại trong cuốn tiểu thuyết lừng danh của nhà văn Pháp Saint Expupery mà tôi đã được đọc từ thời tiểu học.

– Khi người ta buồn quá, người ta thích cảnh mặt trời lặn...

– Thế cái ngày bốn mươi ba lần mặt trời lặn ấy, có phải em buồn quá không?

Tôi không phải là Hoàng tử bé trên hành tinh bé xíu chỉ cần xoay ghế là có thể ngắm cảnh mặt trời lặn vào bất cứ lúc nào, nên tôi không thể ngắm cảnh hoàng hôn đến bốn mươi ba lần như cậu. Nhưng tôi cũng đang nghe bài hát Trông đợi, nếu không phải là 43 lần thì cũng phải hàng chục lần rồi, mà vẫn không muốn tắt nhạc đi.

Khấn xin Chúa ủi an thoa dịu ngàn đau thương khốn khó …

Ngày đêm trông mong xin Đấng Cứu Thế mau xuống nơi phàm trần …

Như những người Do Thái tuyệt vọng của thời Cựu ước, tôi thấy mình kêu lên: “Chúa ơi, xin mau đến cứu đất nước chúng con.” 

Và một lời đáp thì thầm vọng lên bên tai tôi: “Nhưng Chúa đã đến rồi.”

Ồ, quả thật thế. Cả nhân loại đều biết rằng lễ Giáng Sinh chính là dịp kỷ niệm một sự kiện cực thánh đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm. Jesus, con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, được sinh ra khó nghèo trong máng cỏ ở hang Bethlehem.  Giờ đây, Người đang ở giữa chúng ta, trong những thân phận khó nghèo nhất. Chỉ là chính chúng ta không chịu mở tai ra để nghe lời dạy của Người, và mở tâm hồn ra để đón nhận Người qua những anh em nghèo khó của chúng ta mà thôi.

Chúa là tình yêu. Đó là một lời răn mà bất kỳ một Ki tô hữu nào cũng biết rõ. Chỉ cần chúng ta sống lời răn đó, chứ đừng biến nó thành một khẩu hiệu vô hồn như rất nhiều khẩu hiệu khác mà chúng ta vẫn được nghe, được đọc trên đất nước tang thương này. Một đất nước quá quá dư thừa hận thù, hung ác và quá thiếu tình thương.

Nếu những người có trách nhiệm có được chút tình yêu đối với đất nước, với thiên nhiên, với đồng bào của họ, hẳn họ đã chẳng thản nhiên xây dựng những công trình hủy hoại thiên nhiên, chẳng xả lũ làm chết người miễn là đúng quy trình. Nếu những nông dân, những người buôn bán nhỏ có chút tình yêu đồng loại thì chắc họ đã không bỏ mọi loại hóa chất độc hại vào rau cỏ, trái cây, thực phẩm để bán kiếm chút lời, bất chấp những nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người khác. Nếu các cô bảo mẫu, các em nữ sinh được vun đắp một tâm hồn đầy lòng yêu thương, thì chắc chắn những cử chỉ hung ác -  những lời quát mắng, những cái bạt tai, những trò nắm tóc, lột quần áo để chụp hình quay clip kia sẽ được thay thế bằng những lời nói ngọt ngào, những nụ cười thân thiện, những cái ôm chặt và những nụ hôn nồng ấm –  dấu hiệu của con người biết yêu thương.

Và trên hết, nếu tất cả chúng con, những người tự nhận là con cái của Chúa, biết sống trong tình yêu của Chúa và làm lan tỏa tình yêu ấy đến mọi người, thì chúng con vẫn có quyền hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.

Mùa hân hoan khắp nơi, công bình chân lý soi tỏa đầy …

Vâng lạy Chúa, xin đến với chúng con.

Yêu thương, lòng con chờ mong xin Chúa xuống …


https://www.youtube.com/watch?v=JXoe7__hafw