Sài Gòn nhớ nắng
Tựa của bài viết này thế nào cũng làm cho ai đó thắc mắc.
Sài Gòn sao lại phải nhớ nắng? Chỉ có thể là viết nhầm, còn nếu không thì do
người viết điệu đà,ý nói “Nhớ nắng Sài Gòn” nhưng lại đảo ngược trật tự câu để
tạo sự độc đáo đó thôi.
Chứ nếu không phải như vậy thì biết giải thích thế nào đây?
Ai mà chẳng biết rằng nắng là là món quà mà thiên nhiên đã ban tặng hào phóng đến
độ thừa mứa cho Sài Gòn, thành phố phương Nam ấm áp ấy. Nắng rõ ràng là một
trong những đặc điểm nhận dạng của Sài Gòn, nên khi năm hết Tết đến, thời điểm
mà trời Tây bước vào giai đoạn lạnh lẽo nhất trong năm, khi bầu trời xám xịt và
tuyết trắng thê lương phủ dày khắp nơi, thì cũng là lúc mà những người Việt xa
xứ nhớ Sài Gòn quay quắt.
Phải mở ngoặc ở đây để giải thích ý nghĩa của cụm từ người
Việt xa xứ. Vì những “đặc thù” lịch sử của thân phận người Việt, xét một cách
nào đó thì cũng chẳng khác số phận lưu đày của dân tộc Do Thái trước đây, nên
người Việt đã nhiều lần bị buộc phải bỏ xứ ra đi, “mang theo quê hương trong tim” như một văn nhân nào đó đã từng viết.
Nhưng trong lịch sử hiện đại của Việt Nam thì đợt bỏ xứ ra đi ồ ạt nhất, thê thảm
nhất và kéo dài nhất là từ biến cố 1975, với tổng cộng cả triệu ra đi trong khoảng
gần hai thập niên từ nửa cuối 1970 đến nửa đầu 1990. Nên cụm từ “người Việt xa
xứ”ở đây là để chỉ những người mà nhà cầm quyền Việt Nam gọi là “Việt kiều”,
khúc ruột ngàn dặm, cách gọi mà “đối tượng” bị gọi thì ghét cay ghét đắng vì
nhiều lý do mà tôi cũng chưa bao giờ có thời gian tìm hiểu kỹ là tại sao.
Những người Việt xa xứ ấy, lúc này đang nhớ nắng Sài Gòn. Nhớ ơi là nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận …
cái thành phố đẹp xinh, nơi lúc nào trời cũng xanh, mây cũng trắng còn nắng thì
vàng ươm như mật. Trời ơi, tìm ở đâu ra dưới gầm trời này cho được một nơi đẹp
tuyệt vời như thế? Thậm chí chỉ cần đẹp bằng một nửa thôi, có khi cũng chẳng có
ấy chứ. (!)
Thậm xưng chăng? Có lẽ. Ký ức mà, bao giờ cũng chọn lọc chỉ những nét đẹp nhất, rồi phóng đại lên nhiều lần, để thỏa nỗi nhớ nhung. Mà cũng phải thôi, biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ Việt Nam trong và ngoài nước đã bỏ tâm trí, tài năng và công sức để vẽ lên những bức tranh tuyệt vời về cái nắng của Sài Gòn. Có người Việt Nam nào mà chẳng biết câu Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát …, câu thơ đẹp như lụa của nhà thơ Sài Gòn gốc Hà Nội Nguyên Sa Trần Bích Lan?
Thậm xưng chăng? Có lẽ. Ký ức mà, bao giờ cũng chọn lọc chỉ những nét đẹp nhất, rồi phóng đại lên nhiều lần, để thỏa nỗi nhớ nhung. Mà cũng phải thôi, biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ Việt Nam trong và ngoài nước đã bỏ tâm trí, tài năng và công sức để vẽ lên những bức tranh tuyệt vời về cái nắng của Sài Gòn. Có người Việt Nam nào mà chẳng biết câu Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát …, câu thơ đẹp như lụa của nhà thơ Sài Gòn gốc Hà Nội Nguyên Sa Trần Bích Lan?
Và có chàng trai nào lần đầu biết yêu mà không cảm thấy biết
ơn nhạc sĩ Sài Gòn gốc Huế đã nói hộ lòng mình qua bài hát Nắng thủy tinh, với
những ca từ đẹp như một bức họa - Màu nắng
hay là màu mắt em … để rồi mỗi khi chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
…lại thấy chợt lòng buồn dâng mênh mang….
Vì nhớ.
Nhớ mắt em ngây tròn,
lung linh nắng thủy tinh vàng, của những buổi hẹn hò dưới bầu trời Sài Gòn
ngập nắng.
Nhưng những hình ảnh đẹp lung linh ấy chỉ có trong thi ca và
trong ký ức của những người yêu Sài Gòn. Sự thật thì thành phố vốn từng là Hòn
ngọc Viễn Đông ấy giờ đã đổi thay nhiều lắm. Từ những tên đường, những hàng cổ
thụ, những kiến trúc cổ xưa, đến cái văn hóa công sở của một nền hành chính
chuyên nghiệp, cách ăn mặc, nói năng, ứng xử và sự trật tự, ngăn nắp cùng gu thẩm
mỹ của không gian công cộng - tất cả đã
đột ngột hoặc dần dà bị xóa bỏ, bị mất dấu, để thay vào đó là sự nhốn nháo, phô
trương lòe loẹt, quê kệch như những dàn đèn màu trang trí xanh đỏ tím vàng sặc
sỡ mừng Xuân trên đường phố Sài Gòn năm nay.
Sài Gòn mà ngày nay người ta gọi nó bằng cái tên xa lạ, xấu
xí là thành phố Hồ Chí Minh, giờ đây ngày càng có những nét giống như bất kỳ một
thành phố nào trên đất nước này. Tết đến cũng tưng bừng cờ đỏ, cũng đầy các biểu
ngữ “mừng Đảng. mừng Xuân”, cũng chen lấn, chửi nhau, xả rác ngang nhiên ngoài
đường phố. Cũng phải thôi, đã gần nửa thế kỷ thống nhất rồi, những đứa trẻ được
sinh ra sau năm 1975 giờ cũng đã ngoại tứ tuần, làm sao mà tránh khỏi việc lây
nhiễm nền văn hóa mới từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, “thiên đường của các con tôi” mà Tố Hữu đã từng viết trong Bài thơ
xuân sáu mốt vô cùng nổi tiếng – notorious – ấy. Nổi tiếng vì sự ca ngợi chế độ
quá mức đến lố bịch của bài thơ nói trên.
Xin mở ngoặc để nói thêm rằng tôi vẫn nghĩ Tố Hữu đã viết những
lời nói trên một cách thật lòng. Là một ông quan văn hóa to của cộng sản, được
ăn lộc của chế độ, ai nghèo đói thiếu ăn chứ gia đình của ông ta thì làm sao mà
thiếu thốn được?
Nhưng thôi, hãy để cho Tố Hữu và những bản tụng ca gớm ghiếc
của ông ta ngủ yên trong dĩ vãng. Hãy quay về với chủ đề của bài viết này là nắng
Sài Gòn. Thật may mắn, dù Việt Nam đã hơn 40 năm miệt mài xây dựng cho bằng được
thiên đường cộng sản cho những ông quan cộng sản như Tố Hữu, vẫn có một thứ
không ai có thể ép theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho giống với khuôn phép
của Hà Nội. Dù cũng vẫn một kiểu cờ đỏ rừng rực, cũng trang hoàng lòe loẹt lòe
lố lăng ta không ra ta xẩm không ra xẩm, thì trời Xuân ở Sài Gòn nói riêng, và
miền Nam nói chung vẫn khác rõ rệt. Mặc kệ Hà Nội và khu vực miền Bắc co ro
trong mưa phùn gió bấc, trong cái “rét đậm, rét hại” nơi khoảng cách giàu nghèo
được thể hiện rõ ngay từ cách ăn mặc - người giàu thì áo dạ, giày da, khăn lụa,
túi xách hàng hiệu nhập từ nước ngoài với những nhãn hiệu đắt tiền nhất thế giới,
ấm áp bảnh bao; người nghèo thì lôi thôi lếch thếch áo trong dài hơn áo ngoài,
áo quá rộng quần quá chật, khăn nón vớ giày chắp vá đủ kiểu miễn sao cho bớt lạnh.
Trong cái nắng ấm chan hòa của mùa Xuân Sài Gòn, mọi người đều
bình đẳng. Giàu đến đâu cũng chỉ có thể mặc một áo sơ mi, ngắn tay lại càng
mát, một cái quần, một đôi giày hoặc dép da có hoặc không có quai hậu mà dân
Sài Gòn vẫn gọi là xăng-đan. Giàu thì mặc hàng hiệu sang trọng, nghèo thì mặc đồ
chợ, rẻ tiền nhưng trông vẫn tươm tất như ai. Có phải chính cái khí hậu ấm áp
này đã ít nhiều giúp duy trì sự hào hiệp, tinh thần bình đẳng và dân chủ của miền
Nam, trong đó Sài Gòn là đại diện ưu tú nhất - nói theo cái phong cách đầy mỹ từ
và uyển ngữ của nền báo chí “cách mạng” - đó hay không?
Tôi vẫn luôn tin như thế.
Nhưng nắng Sài Gòn không phải là ai cũng yêu, mà ngược lại,
không ít người Sài Gòn ghét và sợ nắng. Cũng phải thôi, nắng sẽ đẹp khi được lọc
qua hàng cây xanh thắm, khi rọi qua bầu khí trong trẻo không bị vẩn đục bởi
khói bụi công nghiệp mịt mù. Nhưng ở Sài Gòn của ngày nay - à quên, thành phố Hồ
Chí Minh chứ nhỉ? - thì những mảng xanh không còn nữa. Ai đó nhớ thương Sài Gòn
thì cứ thử lái xe gắn máy chạy vòng vòng Sài Gòn vào khoảng 3 giờ chiều mà xem.
Nắng gay gắt như đổ lửa, nắng rọi thẳng xuống đường nhựa rồi hắt cái nóng hầm hập
lên mặt người đi đường. Nắng chang chang quanh năm nên những cô gái Sài Gòn
luôn có nước da ngăm ngăm bánh mật; ai thích thì gọi là đen dòn duyên dáng mà
ai không thích thì chê là đen nhẻm và xấu như ma lem. Trong một năm, Sài Gòn chỉ
được ít ngày râm mát, không nắng cũng chẳng mưa, và mọi người đều cảm thấy vô
cùng sảng khoái và thích thú, vì chạy xe ngoài đường mà không cần phải diện “thời
trang Ninja” như mọi bữa.
Lâu lâu mới được dịp hiếm hoi khoe má hồng môi đỏ mắt xanh,
eo nhỏ chân dài, có cô gái nào mà không thích?
Nhưng năm nay thì lại khác. Dịp Tết Đinh Dậu 2017 này, khi cả
thế giới đang rối loạn vì những quyết định bất ngờ về chính sách đối nội đối
ngoại của “Trump tổng thống”, thì ở Sài Gòn chẳng hiểu sao trời không có nắng.
Cả gần hai tuần lễ từ lúc giáp Tết đến tận hôm nay là mùng 3 Tết, bầu trời vốn
xanh ngăn ngắt của Sài Gòn cứ xam xám mịt mù như bầu trời Hà Nội lúc lập đông.
À không, là tôi đang sử dụng ngoa ngữ, chứ thật ra là không giống lắm. Nếu có
hơi giống thì cũng chỉ ở chỗ thiếu nắng thôi, chứ không hề có cái rét mướt của
mùa Đông, mà chỉ mát theo tiêu chuẩn Sài Gòn, tức là đâu đó khoảng gần 30 độ.
Nhưng giữa trưa ở Sài Gòn mà không vượt quá 30 độ thì đã là mát mẻ lắm rồi.
Không có nắng, các bà, các cô bán hàng ngoài chợ trong ngày
Tết cũng đỡ khổ, nên có vẻ dịu dàng hơn, đỡ cau có gắt gỏng khi có khách mua
hàng đòi xem hết món này đến món kia, hỏi giá đủ thứ mà không trả giá một tiếng
nào, nhất là lúc sáng sớm khi chưa có người mở hàng. Những người từ nơi khác đến
hưởng không khí Tết tại Sài Gòn lần đầu thì cảm thấy dễ chịu lắm. Tôi có một
người bạn từ Hà Nội, lần đầu tiên vào Sài Gòn ăn Tết với cô con gái vừa lập gia
đình, thích Sài Gòn ra mặt, khen tấm tắc rằng thời tiết Tết ở Sài Gòn đẹp quá,
trời dịu mát, nắng nhẹ, đường phố thoáng đãng, không khí trong lành, chắc là từ
năm sau năm nào cũng sẽ vào Sài Gòn ăn Tết.
Chị ấy có biết đâu rằng chỉ có năm nay đặc biệt thế thôi, chứ
mọi năm, ba ngày Tết cũng là những ngày nóng bức nhất, đến độ món thịt đông mà
những người di cư năm 1954 đã đem vào Sài Gòn từ miền Bắc, lúc đem từ tủ lạnh
ra thì đông cứng nhìn ngon lành như thế, mà chỉ cần đến nửa bữa ăn đã bị nóng
chảy ra thành những miếng thịt rời rạc nhao nhão, chỉ nhìn thôi đã no không ăn
được nữa. Bởi vậy cho nên người Sài Gòn đâu có quan tâm gì đến món thịt đông,
trong khi nhiều món ăn đặc thù hương vị Bắc khác đã di cư vào Sài Gòn cùng với
những người Bắc 54 giờ đây đã trở thành một phần của văn hóa ẩm thực địa
phương. Có thể kể ra những bánh cuốn, canh bún, bún riêu, và, tất nhiên rồi, một
món ăn Bắc nhưng giờ đây đã có mặt khắp nơi ở đất Sài thành này, đó là món phở.
Giá mà thời tiết trong dịp Tết của Sài Gòn lúc nào cũng như
năm nay thì có lẽ món thịt đông sẽ được đánh giá đúng và được chấp nhận để đưa
vào trong danh sách những món ngon của ẩm thực Sài Gòn, vùng đất cởi mở nhất
trên cả nước, một melting pot của Việt Nam rồi.
Trời Sài Gòn không có nắng kéo dài được đến mấy tuần như vậy,
có ai tưởng tượng được không? Thật lạ lùng đẹp đẽ, và dễ chịu như vậy đó. Giá
mà thời tiết cứ thế này nhỉ: Chẳng nắng đừng
mưa/ Cứ râm râm mát cho vừa lòng ai ….
Nhưng ơ kìa, thời tiết tuyệt vời như vậy mà sao năm nay tôi
lại thấy Sài Gòn có chút gì buồn buồn, rầu rầu như trong câu thơ Có gì vừa mất ở đâu đây … trong bài thơ
Hồn người trinh nữ của Nguyễn Bính vậy?
Không phải tôi tưởng tượng đâu ạ; tôi có chứng cứ hẳn hoi.
Cái tâm trạng buồn rầu ấy được bộc lộ rất rõ qua đám “hoa cỏ mùa xuân” trước mỗi
sân nhà. Thời tiết của Sài Gòn năm nay thực sự thất thường, gần Tết lại còn có
mấy trận mưa trái mùa, nên hoa mai năm nay hầu như hỏng hết, nhiều cây không ra
hoa do thiếu nắng nên không thể bung nụ, cây nào may mắn có nụ - dù không rộ
như mọi năm - thì nở tòe loe ngay từ trước tết, đến đúng mùng một Tết thì cây
đã tanh bành rụng cánh hết cả. Xuân ở Sài Gòn mà không có những cành mai vàng rực
đến nhức mắt thì sao có thể gọi là xuân? Mà không chỉ có mai, các loài hoa phổ
biến khác như bông giấy, vạn thọ, mào gà, rồi cả hoa hồng tường vi, hoa cúc
bách nhật vốn là những loài trồng quanh năm nhưng xuân về cũng chen đua sắc thắm
- tất cả, năm nay đều như hụt hơi, thiếu sức, cũng gọi là hé nở đón xuân nhưng
sao kém rực rỡ, cứ như những nụ cười gượng. Buồn buồn thế nào ấy!
Hay thật ra, đó là nỗi buồn trong lòng mỗi người? Buồn vì
nhà máy thép Formosa, buồn vì sắp có thêm nhà máy thép Cà Ná, buồn vì biển nhiễm
độc, vì đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn, buồn vì kinh tế khó khăn, buôn bán ế
ẩm, tiền thưởng Tết eo hẹp, buồn vì tin đồn đổi tiền, và buồn cả vì Trump vừa
lên làm Tổng thống Mỹ với những chính sách thất thường chắc chắn sẽ có ảnh hưởng
đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam? Và riêng tôi thì còn buồn vì con trai
lấy vợ, con gái đi học ở Mỹ (và đang lo lắng về chính sách visa của Mỹ đối với
sinh viên quốc tế), tổ ấm nho nhỏ của tôi giờ trở nên quá rộng và lạnh lẽo vì
đã trở thành tổ rỗng, chỉ còn hai ông bà già về hưu lẩm cẩm, suốt ngày mất thời
gian đi tìm đồ đạc vì không biết đã cất ở đâu.
Buồn tình, tôi chụp vài tấm hình quanh hoa lá quanh nhà. Định
chụp xong sẽ đưa lên facebook nếu đẹp, nhưng nhìn thấy hoa lá rầu rầu, nước
hình không sáng mà mờ mờ, đùng đục, tôi thốt lên: Năm nay em làm sao mà lạ quá, hình vẫn chụp buổi sáng như mọi năm mà
sao nhìn thấy buồn buồn, chẳng rực rỡ gì cả?
Và ông xã tôi trả lời: Bà
bị làm sao thế? Chụp hình lúc không có nắng thì phải mở flash lên, hình thiếu
sáng chứ buồn cái gì? Buồn ở trong lòng bà vì nhớ con gái thì có!
Thiếu nắng, ờ ha! Vậy thì tôi biết lý do tại sao Tết năm nay cảnh vật rầu rầu như vậy rồi. Chẳng qua là vì nhớ thôi. Tôi thì nhớ con, rõ rồi.
Còn Sài Gòn thì đang nhớ nắng! Nắng ấy, bây giờ có lẽ đang ở
Cali, không biết chừng!
Xin phép chị cho tui copy bài viết này để đăng trên một chỗ khác.
Trả lờiXóaPhạm Trọng Tội
Welcome anh Pham Trong Toi oi.
Xóa