Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Vì sao tôi quan tâm đến chuyện của Mai Khôi?

Bài đã đăng trên Nhịp cầu thế giới. Link đây: http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/VI-SAO-TOI-QUAN-TAM-DEN-CHUYEN-CUA-MAI-KHOI-5781.html
--------

VÌ SAO TÔI QUAN TÂM ĐẾN CHUYỆN CỦA MAI KHÔI?

Thứ ba - 14/11/2017 21:18

(NCTG) “Một khi “công luận” không còn dễ dàng điều khiển, không còn nằm trong tay của riêng một nhóm thiểu số nào - dù đó là thiểu số ưu tú nhất của xã hội - thì lúc ấy chúng ta đã có được mầm mống của một xã hội dân chủ đích thực”.

Nhiều báo chí quốc tế đã đưa tin về hành động mang tính “nổi loạn” của ca sĩ Mai Khôi - Ảnh: bản tin trên tờ “The Guardian”
Nhiều báo chí quốc tế đã đưa tin về hành động mang tính “nổi loạn” của ca sĩ Mai Khôi - Ảnh: bản tin trên tờ “The Guardian”
Có một sự kiện đang làm nóng không gian công cộng trên facebook của người Việt, bắt đầu từ một ca sĩ có tên là Mai Khôi mà từ đây tôi sẽ gọi một cách “vô nhân xưng” (impersonal) là “cô ấy”. Đối với tôi Mai Khôi chỉ là một cái tên bất kỳ, tôi không quan tâm đến Mai Khôi như một nghệ sĩ có tính cách và tên tuổi cụ thể, mà hoàn toàn có thể thay thế cái tên này bằng một tên khác thì những điều tôi viết ở đây vẫn hoàn toàn giữ nguyên ý nghĩa.

Vâng, cô ca sĩ ấy, mà qua những tranh luận gần đây thì tôi hiểu đó là một người có bề dày về các hành động và phát ngôn mang tính “nổi loạn”, vừa làm một hành động hiếm thấy ở Việt Nam. Cô ấy đã đón chào tổng thống Mỹ đến Việt Nam dự hội nghị APEC bằng một biểu ngữ tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt có nghĩa đại khái là “Đái vào mặt ông, Trump ạ”.

Một hành động không có gì là “quá quắt”, thậm chí có thể nói là đã khá nhàm, khi so sánh với những gì mà người phản đối Trump đã làm trong thời gian qua ở Mỹ và các nước Phương Tây. Nhưng chắc chắn đó là một hình ảnh rất xa lạ ở một nước Á Đông với ảnh hưởng Khổng giáo hàng nghìn năm và nổi tiếng với những truyền thống như “hiếu khách” đến độ thậm chí người nghèo còn phải “nhịn miệng đãi khách” như Việt Nam.

Vì vậy, sẽ không lạ gì nếu có dư luận lên tiếng. Là một người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, cô ấy hẳn không xa lạ gì với sự “soi mói” của dư luận về mọi lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc và thậm chí đời tư của mình, và cũng chẳng bất ngờ trước các loại phản ứng ở cả hai chiều thuận nghịch của dư luận về bản thân hoặc hoạt động nghề nghiệp của mình. Thậm chí, tôi tin rằng mọi hành vi công cộng của cô ấy - như việc giương biểu ngữ chống Trump mới đây - đều có tính toán để làm sao gây ra tác động đối với dư luận càng nhiều càng tốt. 

Tất nhiên, tôi đoán rằng với cái biểu ngữ “độc đáo” ấy - dù, xin nhắc lại, chỉ là bản sao chép của một trong những cách phản đối của những người anti-Trump, vị tổng thống Mỹ vốn nhiều tai tiếng ngay từ khi mới xuất hiện - cô ấy đã mong nhận được nhiều lời tán thưởng. Và có thể cô đã khá bất ngờ và thất vọng khi thấy bên cạnh không ít lời ca ngợi về sự can đảm (vì dám thực hiện quyền biểu tình tại Việt Nam, wow!), sự thông minh (vì đã khôn ngoan lựa chọn một đối tượng “tấn công” khá “an toàn” là một tổng thống Mỹ - đối tượng luôn hứng chịu sự chỉ trích hợp lý hoặc vô lý của bất kỳ kẻ nào trên thế giới đến mức cảm thấy đó là việc bình thường, chứ không phải là, ví dụ thế, tổng thống Nga Putin hoặc thủ tướng Canada là những người có lượng fan đáng kể ở Việt Nam, hoặc chủ tịch Trung Quốc, như lời thách đố của nhiều người đang phản đối cô ấy một cách khá cực đoan), thì cô còn nhận nhiều lời phản đối rất gay gắt với lời lẽ đôi chỗ rất thô tục và khó chấp nhận, ít ra là theo quan điểm khá bảo thủ và hơi khắt khe của tôi, một người suốt đời làm trong ngành giáo dục. 

Phải nói ngay là những phản ứng ở cả hai chiều khác nhau của dư luận đều không hoàn hảo, điều mà có lẽ chẳng ai ngạc nhiên vì đó là những phản ứng bộc phát tức thời nên chắc chắn là thừa cảm tính mà thiếu logic, đầy phiến diện và chủ quan. Nhưng không giống những scandal ầm ỹ khác cũng liên quan đến giới nghệ sĩ ở Việt Nam, vốn rất mau chóng lụi tàn giữa ngổn ngang các thông tin đáng khác trong tình hình đất nước hiện nay, cuộc tranh cãi giữa phe ủng hộ và phe phản đối cô ca sĩ ấy kéo dài dai dẳng và căng thẳng một cách bất ngờ, đến nỗi một người vốn dĩ không có chút quan tâm gì đến giới showbiznhư tôi cũng phải quan tâm và lên tiếng.

Có lẽ đang có nhiều đang thắc mắc: một bà giáo già về hưu như tôi còn ham hố gì mà lại bỏ thì giờ quý báu của mình ra để dính vào các chuyện thị phi của giới showbiz nhỉ? Vâng, bài viết viết này chính là để giải đáp thắc mắc ấy. 

Dưới đây là câu trả lời đã được tôi cố gắng tối đa để làm cho vắn tắt và dễ đọc nhất.

1. Mặc dù tôi thuộc nhóm không ủng hộ hành vi của cô ấy vì tôi theo tôi nó rất không phù hợp với văn hóa công cộng của người Việt Nam, nhưng đó không phải là lý do khiến tôi phát biểu.

Tôi lên tiếng, trước hết là vì tôi thấy có quá nhiều người lên tiếng “lên lớp” những người đã lên tiếng phản đối hành động của cô ca sĩ kia. Họ cho rằng những kẻ phản đối cô ca sĩ là đang xâm phạm vào quyền tự do biểu đạt của cô ấy, trong khi lẽ ra hành động ấy đáng phải được tôn vinh. Như một người ngoài cuộc, tôi thấy rất rõ - và khá ngạc nhiên vì những người lên tiếng bênh vực cô ấy lại không nhận ra - rằng lời bênh vực kia phản ánh một cách hành xử theo “tiêu chuẩn kép” rất thường thấy ở Việt Nam. Bởi, “quyền tự do biểu đạt” lẽ đâu lại chỉ dành riêng cho cô ca sĩ ấy?
 
Cũng là một cách thể hiện quan điểm, nhưng khó tránh được kẻ ưa người ghét - Ảnh: Internet
Cũng là một cách thể hiện quan điểm, nhưng khó tránh được kẻ ưa người ghét - Ảnh: Internet

Thật vậy, nếu cô ấy có quyền phản đối và chê bai, thậm chí có thể sỉ nhục hoặc xúc phạm (tất nhiên như thế nào là xúc phạm thì tùy thuộc vào cảm nhận của từng người) một người của công chúng (public figure) là tổng thống Mỹ mà không cần có lý do chính đáng (vả lại, ai có quyền đưa ra phán xét thế nào là chính đáng nhỉ?), thì tại sao những người khác lại không có quyền phản đối cô ấy, vốn cũng là một public figure (một celebrity - người nổi tiếng - trong tiếng Anh), và tất nhiên cũng không cần có lý do chính đáng?

2. Đáng sợ hơn, là những người lên tiếng “phản đối người phản đối” lại gồm không ít người tên tuổi - ở một mức độ nào đó - trong làng facebook cả trong và ngoài nước, trong đó có nhiều trí thức, nhà báo, luật sư, giảng viên đại học, với những khái niệm cao cả như quyền tự do dân chủ, những hình ảnh trích dẫn từ báo chí nước ngoài, những trích dẫn hàn lâm, những phân tích về tiếng Anh, về cách chơi chữ, và trên hết là lập luận cao siêu dễ làm người ít học cảm thấy “choáng” vì không đủ trình độ để tranh cãi, và hẳn là đã/đang/sẽ có những người phải lặng lẽ rút lui khỏi cuộc tranh luận không cân sức này.

Có một điều gì đó rất giống tình trạng “học phiệt” ở Việt Nam, nơi các diễn đàn công cộng được chiếm lĩnh bởi một số người có vai vế, có kỹ năng phát ngôn và thừa các khái niệm cao siêu, các ngôn từ hoa mỹ, dù chưa hẳn đã thực sự chứa đựng chân lý. Còn tuyệt đại đa số quần chúng thì thuộc về đám đông thầm lặng, không tiếng nói, không hình hài, và phải chấp nhận cam chịu vì biết là mình thấp kém. 

Bên cạnh vai trò của chính quyền và thể chế chính trị mà trong bài viết này tôi sẽ không đề cập đến vì nhiều lý do, tôi cho rằng chính thái độ cao đạo, trịch thượng của những người có địa vị, có học thức như vậy trên không gian công cộng đã góp phần hạn chế sự đa dạng, đa chiều của công luận, khiến cho tình trạng dân trí của Việt Nam vẫn cứ mãi lẹt đẹt như hiện nay - một điều mà lại cũng chính những con người này luôn miệng lên tiếng sỉ vả, chê bai, rồi lắc đầu ngao ngán buông lửng một câu: “Dân trí thế này thì chả trách...”.

Nhưng cuối cùng, thì việc lên tiếng (rất mất thời giờ) của tôi, và cuộc tranh luận dằng dai quanh vụ scandal của cô ca sĩ ấy có mang lại lợi ích gì cho ai không? Tôi nghĩ là có. Rất rõ ràng, sự tồn tại của mạng xã hội tại Việt Nam đã tạo cho tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, dù có địa vị hay không có địa vị, học vấn cao hay thất học, cái quyền tiếp cận những diễn đàn công khai về mọi vấn đề mà họ quan tâm. Những ý kiến đa dạng, đủ phong cách và màu sắc, ít nhiều hợp lý hoặc hoàn toàn vô lý ấy, tất cả họp lại để tạo thành cái mà Phương Tây gọi là “công luận” (public opinion), vốn tự nó có một sức mạnh đáng kiêng dè, đủ để được các nhà nghiên cứu của Phương Tây xem là “cái thắng đối với quyền lực của giới cầm quyền”, và có thể “make or break” cả một “triều đại”. Đó là lý do tại sao tất cả nhà chính trị trên thế giới - độc tài hoặc không độc tài - đều cố gắng khống chế, điều khiển, hoặc ít ra là tạo ra những tác động đến công luận theo cách có lợi cho mình. 

Và một khi “công luận” không còn dễ dàng điều khiển, không còn nằm trong tay của riêng một nhóm thiểu số nào - dù đó là thiểu số ưu tú nhất của xã hội - thì lúc ấy chúng ta đã có được mầm mống của một xã hội dân chủ đích thực. Chứ không phải là sự quan tâm hoặc không quan tâm của các chính khách và truyền thông quốc tế đến tình hình dân chủ và xã hội dân sự của một đất nước nghèo nàn, lạc hậu và đang khao khát vươn lên để theo kịp với đà tiến triển của thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.