Nguồn: http://petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/khi-khong-tu-khoac-ao-dai-can.html
Khi Khổng Tử khoác áo đại cán
(PetroTimes) - Nhân danh Khổng Tử, Bắc Kinh - khi
thành lập Viện Khổng Tử (VKT) khắp thế giới - không chỉ quảng bá “quyền
lực mềm” bằng công cụ văn hóa mà còn áp đặt chính sách tuyên truyền nhằm
“định nghĩa” lại nhiều vấn đề theo lăng kính riêng. Có thể hình dung,
ngày nào đó, những vấn đề chủ quyền đang tranh chấp tại Biển Đông sẽ
được “khẳng định” từ chính những VKT trá hình này.
Năng lượng Mới số 382
Nhân danh Khổng Tử…
Ngày 4/12/2014, một tiểu ban Quốc hội Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần về
ảnh hưởng các VKT tại Mỹ. Tại phiên điều trần, dân biểu Christopher
Smith kêu gọi thực hiện khảo sát cấp chính phủ việc xem xét lại tất cả
cam kết học thuật mà những trường đại học Mỹ ký với Trung Quốc khi thành
lập VKT. Giáo sư danh dự Đại học Chicago, Marshall Sahlins nói rằng,
VKT trong đại học Mỹ thật ra là “một nhánh đối ngoại của cấu trúc sức
mạnh chính trị kéo dài đến Trung Quốc và đến những cơ quan cao nhất của
chính phủ (Bắc Kinh)”.
Tháng 6 năm nay, Hiệp hội Giáo sư đại học Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối
sự hiện diện của VKT bởi chúng “có chức năng như một cánh tay của Nhà
nước Trung Quốc và được phép phớt lờ tự do học thuật”. Tính đến nay, sau
khi Đại học Maryland trở thành trường đại học Mỹ đầu tiên lập VKT vào
tháng 11/2004, có 357 lớp Khổng Tử tại các trường phổ thông và 97 VKT
tại các trường đại học ở Mỹ, trong đó có những đại học danh tiếng như
Stanford và Colombia (USA Today 4/12/2014).
Kể từ khi VKT đầu tiên được thành lập tại Seoul năm 2004, Trung Quốc
hiện có 475 VKT tại 126 quốc gia và khu vực, cùng 851 lớp Khổng Tử tại
các trường phổ thông khắp thế giới (Global Times 8/12/2014). Thông qua
cơ quan Hán Biện (“Hanban”), Bắc Kinh chi rất mạnh cho việc thành lập
VKT, với 278 triệu USD năm 2013, hơn gấp 6 lần so với 2006. Các VKT tại
nhiều đại học phương Tây được tài trợ khoảng 100.000-200.000USD/năm hoặc
thậm chí nhiều hơn (Đại học Oregon nhận được gần 188.000USD trong năm
tài khóa gần đây nhất) - The Economist (13/9/2014) cho biết.
Lễ khánh thành Viện Khổng Tử tại Đại học Chicago ngày 1/6/2010
Chức năng của VKT là gì? Họ không đơn thuần dạy tiếng Hoa và văn hóa
Trung Hoa cũng như truyền bá triết lý Khổng Tử theo tinh thần học thuật.
Một trong những “sứ mạng” trọng yếu của VKT là đóng vai trò làm cơ quan
kiểm duyệt văn hóa chính trị cho Bắc Kinh. Len vào giới học thuật kinh
viện phương Tây, VKT tổ chức “đánh phá” và gây nhiễu thông tin từ bên
trong, tạo sức ép buộc các giảng đường không đề cập đến những vấn đề
trái với quan điểm Bắc Kinh, trong đó có Tây Tạng, Tân Cương, Thiên An
Môn, Đài Loan…
Năm 2009, Đại học công North Carolina phải rút lại lời mời Dalai Lama
đến diễn thuyết sau khi bị VKT của trường phản đối. Năm 2012, giảng viên
Sonia Zhao cho biết, cô bị Đại học McMaster (Canada) gây sức ép yêu cầu
không công bố mình là thành viên Pháp Luân Công. Trước đó hai năm,
2010, Giám đốc Tình báo Canada Richard Fadden (hiện là Thứ trưởng Quốc
phòng) nói rằng, các VKT “được quản lý bởi những người thuộc tòa đại sứ
và lãnh sự quán Trung Quốc” và rằng nhiều giáo viên VKT thật ra là gián
điệp.
Năm 2013, Hiệp hội Giáo sư đại học Canada kêu gọi tất cả trường trong
nước ngưng quan hệ với VKT. Đại học Manitoba và British Columbia đã từ
chối đề nghị mở cửa rước Khổng Tử trá hình vào trường (Wall Street
Journal 26/5/2014). Tại Mỹ, sau khi Đại học Chicago ngưng ký tiếp hợp
đồng 5 năm vào tháng 10/2014, Đại học công Penn cũng tuyên bố cắt đứt
quan hệ với VKT.
Đằng sau Hán Biện là gì?
Làm thế nào “Khổng Tử mặc áo đại cán” có thể đến phương Tây? Khi mang
thư pháp và văn hóa Trung Hoa vào các đại học nước ngoài, “Khổng Tử” đã
đóng góp hàng triệu đôla cho các chương trình nghiên cứu. Song song đó,
“Khổng Tử” giúp các đại học nước ngoài thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Sự bùng nổ du học sinh Trung Quốc tại Mỹ cũng tạo điều kiện cho việc mở
rộng VKT.
Việc thành lập VKT được đặt trên cơ sở “tự nguyện” và “vô điều kiện” -
phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh gần đây đã nhắc lại lời của đại diện Hán
Biện vốn được nêu đi nêu lại nhiều năm qua. Tên chính thức là Cơ quan
Hán Ngữ Quốc tế (“Trung Quốc quốc gia Hán Ngữ quốc tế thôi nghiễm lãnh
đạo tiểu tổ ban công thất”), Hán Biện, trực thuộc Bộ Giáo dục, gồm thành
viên 12 bộ và ủy ban trung ương (Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương
mại, Ủy ban Cải cách và Phát triển, Bộ Văn hóa, Cơ quan Quản lý báo chí
Nhà nước…).
Đứng đầu Hán Biện là Phó thủ tướng Lưu Diên Đông, theo bài viết của
Giáo sư Marshall Sahlins trên tuần báo The Nation (18/11/2013). Sứ mạng
Hán Biện là giảng dạy ngôn ngữ - đại diện của họ nói. Khi thành lập VKT,
Hán Biện cung cấp toàn bộ sách giáo khoa, giáo viên, chương trình học…
Viện Khổng Tử cũng được mở tại châu Phi (ngày 20/6/2014)
Tuy nhiên, Hán Biện không ngây thơ như dáng vẻ mô phạm của nó. VKT,
dưới chỉ đạo của Hán Biện, thật ra đang “điều chỉnh lại những giá trị
học thuật Mỹ” - nhận xét của Giáo sư lịch sử Trung Hoa Michael Nylan
thuộc Đại học California - Berkeley (Bloomberg 2/11/2011). Để đạt mục
đích, Hán Biện chi rất mạnh, đặc biệt tại các đại học lớn. Theo thỏa
thuận tháng 12/2009, Hán Biện đã tài trợ Đại học Stanford đến 4 triệu
USD (1 triệu USD cho các hội thảo và một số chương trình, 1 triệu USD
cho hai chương trình nghiên cứu sinh và 2 triệu USD cho chương trình đào
tạo giáo sư Trung Quốc học).
Hán Biện cũng sẵn sàng chi mạnh để đưa giới quản lý đại học Mỹ dự các
hội thảo hằng năm tại Trung Quốc. Hơn 300 Chủ tịch Viện Đại học Mỹ,
2.000 giám đốc và giáo sư thuộc các VKT tại Mỹ đã dự World Expo Thượng
Hải năm 2010 bằng ngân sách Hán Biện. Tại VKT thuộc Đại học Michigan,
Hán Biện đã cấp đều đặn 250.000USD/năm từ 2009-2014, chưa kể nhiều nhạc
cụ và tác phẩm nghệ thuật truyền thống.
Chuyện Hán Biện không dừng lại ở các khoản tài trợ. Trong báo cáo đề
ngày 1/8/2014, Hiệp hội châu Âu về Trung Quốc học (EACS) cho biết, các
viên chức VKT đã đánh cắp và xé bỏ một số trang tài liệu học thuật tại
hội thảo do Hiệp hội tổ chức vào tháng 7/2014 ở Bồ Đào Nha (Wall Street
Journal 7/8/2014). Theo báo cáo, sự cố xảy ra khi Hứa Lâm (hàm Thứ
trưởng, Giám đốc điều hành hệ thống VKT thế giới, Tổng giám đốc Hán
Biện) đến Hội thảo ngày 22/7.
Phát hiện nhiều tài liệu mang nội dung trái với quan điểm Bắc Kinh, bà
Hứa Lâm (Xu Lin) ra lệnh nhân viên đánh cắp và xé bỏ 4 trang dính dáng
Đài Loan, cụ thể có nhắc đến “Tổ chức trao đổi học giả quốc tế Tưởng
Kinh Quốc” - đơn vị tài trợ chính của hội thảo trong 20 năm! EACS đã
phản ứng dữ dội và gấp rút in lại tài liệu để phát cho thành viên tham
dự. Trong lá thư phản đối, EACS nói rằng đây là “lần đầu tiên trong lịch
sử EACS mà tài liệu hội thảo bị kiểm duyệt”; và “sự can thiệp như thế
trong một tổ chức nội bộ của hội thảo quốc tế thuộc cơ quan học thuật
dân chủ và độc lập phi lợi nhuận là hoàn toàn không thể chấp nhận”.
Năm 2008, VKT tại Đại học Waterloo (Canada), với giám đốc là cựu phóng
viên Tân Hoa Xã, đã kêu gọi sinh viên thực hiện chiến dịch tuyên truyền
“cùng nhau chống lại truyền thông Canada” (liên quan loạt bạo động tại
Tây Tạng). Một lịch sử và bản đồ Tây Tạng theo quan điểm Trung Quốc đã
được vẽ lại trong các lớp Khổng Tử ở Waterloo.
Chiến dịch thành công đến mức giới truyền thông Canada phải ngưng tường
thuật Tây Tạng theo lịch sử chính thống! Một cách chính xác, VKT là
bình phong có nhiệm vụ quảng bá chính sách đối ngoại theo chủ trương Bắc
Kinh, giúp Trung Quốc tuyên truyền và định hướng dư luận thế giới, đưa
ra những cái nhìn khác với quan điểm phương Tây, đặc biệt diễn dịch lại
các vấn đề nhân quyền và chủ quyền lãnh thổ. VKT, nói cách khác, là
“trung tâm tẩy não” thế giới của Trung Quốc.
Những ai quen thuộc lịch sử Trung Quốc thời hậu Thế chiến thứ II đều
biết, Khổng Tử đã bị Chính phủ Mao Trạch Đông xếp vào loại hủ nho phong
kiến và triết lý Khổng Tử bị đánh giá là rào cản cho công cuộc xây dựng
XHCN Trung Quốc. Bây giờ, học theo cách xây dựng “quyền lực mềm” phương
Tây, Bắc Kinh lại lôi Khổng Tử ra, biến ông thành bung xung và làm công
cụ cho những ý đồ chính trị hơn là quảng bá giá trị văn hóa.
Tuy nhiên, “Khổng Tử” giả hiệu đã ít nhiều được lật mặt. Bắc Kinh vẫn
đang khó khăn trong việc xây dựng quyền lực mềm. Một thăm dò gần đây của
BBC World Service cho thấy, hình ảnh Trung Quốc dưới mắt thế giới vẫn
bị đánh giá thấp: Tại Hàn Quốc, chỉ có 32% ý kiến tích cực về Trung Quốc
trong khi tại Nhật là 3%; tại Đức là 10%... (The Diplomat 12/6/2014).
Stephen I. Levine, Giáo sư Lịch sử chính trị học Trung Quốc, thuật lại:
“Năm 2007, khi chưa suy nghĩ vấn đề thấu đáo, chính tôi, lúc đó là
Trợ lý giám đốc Trung tâm Mansfield tại Đại học Montana, đã gánh một
phần trách nhiệm việc cho phép Hán Biện, tổ chức thuộc Bộ Giáo dục Trung
Quốc giám sát VKT, thành lập một VKT tại trường tôi, một đại học công
vốn thiếu ngân sách tài trợ cho chương trình nghiên cứu châu Á…
Điều mà tôi không đánh giá đúng đắn lúc đó, mà đáng lẽ tôi nên làm
tốt hơn, là cái được gọi là hiệu ứng phụ của thứ thuốc VKT trông có vẻ
vô hại mà Bắc Kinh đã kê toa cho căn bệnh thâm hụt tài chính mà trường
tôi đang mắc phải…”.
|
M. Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.