Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (Alice Munro, PA dịch): Kỳ 3



-----------

Rất hiếm khi mẹ tôi ra chỗ chuồng cáo. Bà rất ít khi ra khỏi nhà trừ khi cần phải làm như vậy – để phơi quần áo hoặc đào khoai tây. Ở ngoài trời trông bà có vẻ lạc lõng xa lạ với đôi cẳng chân mập mạp để trần, làn da không hề sạm nắng mặt trời, trước bụng vẫn còn mang cái tạp dề ẩm ướt do dính nước khi chuẩn bị bữa ăn tối.  Mái tóc của bà được vấn gọn trong một chiếc khăn, với một vài lọn rớt ra ngoài. Bà thường vấn vội tóc lên như vậy vào buổi sáng, vừa vấn vừa kêu bà chẳng có thời gian để vấn tóc kỹ hơn, và suốt cả ngày bà vẫn để nguyên kiểu tóc vấn như thế. Quả đúng là bà không có thời gian thật. Những ngày này phía sau nhà của chúng tôi đã được chất đống với những giỏ đào và nho , lê, những thứ được mua từ trong thị trấn, rồi hành, cà chua và dưa chuột được trồng ở nhà, tất cả đang chờ đợi để được làm thành các loại thạch và mứt, muối thành dưa chua và xay thành tương đặc. Trong nhà bếp có một lò đun đỏ lửa suốt ngày, trên lò nồi nước đang sôi sùng sục các keo mứt trong nồi  chạm nhau kêu lanh canh,  đôi khi còn thấy một chiếc túi vải được treo trên một thanh gỗ giữa hai chiếc ghế dùng để ép trái nho để làm thành thạch. Mẹ tôi cũng có những việc cần tôi giúp, và tôi ngồi vào bàn lột vỏ những trái đào đã được ngâm trong nước nóng , hoặc cắt hành tây khiến mắt tôi cay xè và nước mắt chảy ràn rụa.  Ngay sau khi làm xong mấy việc được giao tôi vội chạy ra khỏi nhà , cố gắng đi khá xa trước khi mẹ tôi kịp nghĩ ra việc gì khác để giao cho tôi làm . Tôi ghét cái bếp nóng nực và tối tăm trong những ngày hè, ghét những tấm màn sáo và tấm vải dính bắt ruồi màu xanh lá cây , ghét mấy thứ cũ kỹ trong bếp như tấm khăn trải bàn bằng vải dầu, tấm gương lượn sóng và lớp vải sơn đã phồng rộp.  Mẹ tôi đã quá mệt mỏi và bận rộn nên chẳng nói chuyện với tôi, bà chẳng còn tâm trí nào để nói về buổi khiêu vũ tốt nghiệp ở trường sư phạm, mồ hôi chảy thành giọt trên mặt trong khi bà hổn hển đếm các lọ mứt, chỉ tay vào các chai lọ và đong từng chén đường để đổ vào. Đối với tôi công việc nội trợ dường như vô tận, ảm đạm và vô cùng tẻ nhạt, trong  khi công việc của cha tôi được thực hiện ở ngoài trời, và có một vẻ đặc biệt quan trọng gần như là nghi lễ.



Tôi  đẩy chiếc xe chở nước đến chỗ nhà kho, đây là nơi chứa các dụng cụ , và tôi nghe mẹ tôi nói , "Anh ráng chờ đến khi thằng Laird  lớn thêm chút nữa, lúc ấy anh sẽ có người giúp thực sự."


Tôi không nghe được câu trả lời của cha tôi. Nhưng tôi cảm thấy hài lòng khi thấy cách ông đứng nói chuyện với mẹ tôi, lịch sự tử tế như khi ông đang trả lời một nhân viên bán hàng hoặc một người khách lạ, nhưng với một vẻ hơi sốt ruột và  muốn được quay lại với công việc mà mình đang làm.  Tôi cảm thấy mẹ tôi chẳng có phận sự gì ở chỗ này, và muốn cha tôi cũng cảm thấy như vậy. Mà mẹ tôi nhắc đến Laird như vậy là có nghĩa gì ấy nhỉ?  Nó làm sao mà giúp đỡ gì cho ai được.  Mà không biết bây giờ nó đang ở đâu đây? Hẳn lại đang ngồi đu tít trên xích đu cho đến khi phát bệnh, hoặc đang chạy vòng vòng, hay lại đi bắt mấy con sâu bướm. Chưa bao giờ nó ở lại chờ tôi cho đến khi tôi xong việc.

  
"Lúc ấy em có thể nhờ con bé nhiều hơn để phụ việc nhà với em," Tôi nghe mẹ tôi nói. Cái cách bà nhắc đến tôi với một vẻ buồn buồn và trách móc luôn khiến tôi cảm thấy khó chịu. "Em vừa mới quay lưng là con bé bỏ đi đâu mất tiêu. Cứ như là em chẳng có đứa con gái nào cả."



Tôi bỏ đi và ngồi trên một túi thức ăn trong góc nhà kho, không muốn xuất hiện khi cuộc trò chuyện ấy đang xảy ra. Tôi cảm thấy không tin tưởng mẹ tôi. Bà hiền hậu hơn cha tôi và tôi và dễ tin người hơn, nhưng đồng thời bà cũng rất hay thay đổi, và bạn không thể biết được lý do thực sự nằm dưới những lời nói hoặc hành động của bà. 


Tôi biết bà yêu tôi, sẵn sàng ngồi thức cả đêm để may cho tôi một chiếc váy cầu kỳ mà tôi thích để tôi mặc vào buổi khai trường, nhưng mặt khác bà cũng chính là kẻ thù của tôi. Lúc nào bà cũng có mưu kế gì đó. Hẳn khi nói chuyện với cha tôi là trong đầu bà đã có sẵn một kế hoạch bắt tôi ở trong nhà phụ việc cho bà nhiều hơn, mặc dù bà biết tôi ghét điều đó (hay chính vì bà biết điều đó nhỉ) và không cho tôi phụ việc cho cha tôi nữa. Dường như bà làm vậy chẳng qua là vì thích thế, để thử sức mạnh của mình. Tôi chẳng bao giờ nghĩ ra rằng có thể bà cũng cô đơn chăng, hoặc ghen tỵ với cha tôi. Làm gì người lớn nào lại cô đơn hay có gì để ghen tỵ nữa; họ đã quá may mắn rồi còn gì. Tôi ngồi đó lấy gót chân đá đá vào một bao thức ăn gia súc khiến bụi bay mù mịt, và cứ ở mãi trong nhà kho cho đến khi mẹ tôi đã đi hẳn.

 

Dù sao đi nữa, tôi  cũng  không nghĩ rằng cha tôi sẽ chú ý đến những lời của mẹ tôi. Ai mà tưởng tượng nổi thằng Laird lại làm công việc của tôi – thằng  Laird ấy mà mong nó khóa cổng, hoặc rửa sạch các đĩa đựng nước cho cáo bằng cách dùng một cái que đầu có buộc một túm lá để cọ cho cẩn thận như tôi vẫn làm, hoặc thậm chí đẩy được cái xe chở nước mà không làm cho xe đổ nhào ư? Rõ ràng là mẹ tôi chẳng hiểu gì về những công việc ở trại nuôi cáo này.

3 nhận xét:

  1. cú vo lăn tăn chút it, săn được ba con mồi:
    1. Chưa bao giờ nó ở lại chờ tôi tôi cho đến khi tôi xong việc.
    2. Ngay lúc này bà đã lên kế hoạch để tôi bắt tôi ở trong nhà nhiều hơn,
    3. thằng Laird ấy mà mong nó khóa cổng hoặc rửa sạch các đĩa đựng nước cho cáo bằng các buộc mộ túm lá vào đầu một cái que,

    Trả lờiXóa
  2. chồn biến thành cáo nhanh thế? Chắc là chồn yêu tinh (trong Liêu trai chí dị)

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.