Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (Alice Munro, PA dịch): Kỳ 7 (tiếp theo và hết)

Đọc các kỳ 1, 2, 3, 4, 5, 6 trong các entry trước trên blog này.

------------


Khi tôi trở về nhà, mẹ tôi hỏi, "Nãy giờ ồn ào gì thế?" Tôi trả lời rằng con Flora đã hất cái hàng rào và chạy đi mất rồi. “Tội nghiệp cha mày,” mẹ tôi nói, “giờ thì ông ấy lại phải chạy khắp vùng để đuổi bắt con ngựa ấy”. Thế là không hy vọng được ăn trưa trước 1 giờ rồi. Mẹ tôi đặt chiếc bàn ủi lên bàn. Tôi muốn kể sự thật cho mẹ tôi nghe, nhưng nghĩ sao lại thôi, và tôi đi lên lầu ngồi trên giường ngủ của mình.



Gần đây tôi đã cố gắng sửa sang bài trí cái góc riêng của tôi trong phòng để làm cho nó đẹp đẽ ưa nhìn hơn.Tôi sửa tấm màn cửa bằng ren cũ thành khăn trải giường, tự sửa cho mình một cái bàn trang điểm và còn tận dụng miếng vải cretone bọc nệm còn thừa để may cho mình một chiếc váy. Tôi còn dự định sẽ tạo ra một đường phân cách giữa giường của tôi và của Laird, để giữ cho phần của tôi được tách biệt. Trong ánh nắng, những tấm màn treo cửa bằng ren trông chỉ như những miếng giẻ rách bụi bặm. Chúng tôi không còn hát vào ban đêm như trước đây nữa. Lần đó tôi cất tiếng hát khi nằm trên giường trước khi ngủ như lúc chúng tôi  còn bé thì thằng Laird bỗng nhận xét, "Chị hát nghe ngớ ngẩn lắm,” và mặc dù hôm ấy tôi vẫn hát tiếp như không có gì xảy ra, nhưng những đêm sau tôi đã thôi không hát nữa. Mà thực ra cũng không còn cần thiết: chúng tôi đã không còn sợ bóng tối. Chúng tôi biết ở phía bên kia chỉ là những bàn ghế cũ, những đống giẻ và những thứ lộn xộn khác. Tôi vẫn giữ thói quen thức  và tự kể chuyện cho mình sau khi thằng Laird đã ngủ say, nhưng ngay cả trong những câu chuyện đó mọi thứ bây giờ cũng đã khác, có những điều kỳ lạ, bí ẩn đã diễn ra khác với thời xưa. Những câu  chuyện ấy có thể bắt đầu giống như trước đây, cũng có những điều hiểm nguy kỳ thú,  những đám cháy hoặc động vật hoang dã; nhưng rồi sau đó mọi vật bỗng thay đổi, và thay vì tôi là một vị anh hùng cứu người như ngày xưa thì tôi lại trở thành người được giải cứu. Người cứu vớt tôi có thể là một thằng bé học cùng lớp với tôi ở trường,  hoặc thậm chí là ông Campbell , thầy giáo của chúng tôi , người có thói quen cù léc các cô học trò của mình ở dưới cánh tay. Và đến lúc ấy thì tự nhiên câu chuyện lại có liên quan đến diện mạo của tôi – tóc tai thế nào, quần áo ra sao, và đến lúc tôi đã hình dung ra mọi chi  tiết về diện mạo của mình thì câu chuyện cũng mất hết sự hồi hộp hấp dẫn.

    

 Quá một giờ trưa chiếc xe tải của cha tôi mới trở về. Phía sau xe che tấm bạt – như thế có nghĩa là chiếc xe có chở thịt. Mẹ tôi hâm nóng lại thức ăn. Chú Henry và cha tôi đã cởi bỏ bộ đồ bảo hộ lao động bê bết máu và mặc vào bộ quần áo thường mặc khi làm việc trong nhà kho; họ rửa ráy chân tay mặt mũi và hất nước lên đầu và chải tóc. Thằng Laird cánh giơ tay lên vẫn còn dính máu lên. “Mọi người đã bắn con Flora và xẻ thịt nó ra thành 50 mảnh đấy”, Laird khoe. 

"Thôi đừng nhắc tới chuyện đó nữa”, mẹ tôi bảo. “Rửa chân tay cho sạch đi rồi mới ngồi vào ăn chứ!”


Cha tôi bắt Laird đi ra ngoài rửa cho hết dính máu rồi mới được vào bàn.



Chúng tôi ngồi vào bàn ăn, cha tôi đọc kinh cầu nguyện, còn chú Henry thì nghịch ngợm dán miếng bã kẹo cao su vào cái nĩa như chú vẫn thường làm thế, để khi chú kéo miếng cao su ra thì nó sẽ tạo thành những đường sọc làm chúng tôi thích thú. Chúng tôi bắt đầu chuyển cho nhau những bát rau luộc nhừ còn đang bốc khói. Laird nhìn thẳng vào mặt tôi đang ngồi phía đối diện  và kiêu hãnh nói rõ từng chữ:  “Dù sao,  con Flora chạy đi như thế cũng là do lỗi của chị ấy.”



Cái gì?” Cha tôi hỏi lại.

Lẽ ra chị ấy đã kịp đóng cổng nhưng lại không chịu đóng. Chị ấy còn mở cổng cho con Flora chạy ra.


Thật à?” Cha tôi nói.


Mọi  người nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi gật đầu, nuốt nghẹn thức ăn trong miệng. Tôi cảm thấy hổ thẹn và nước mắt bỗng tuôn ra.



Cha tôi kêu lên một tiếng trong họng với vẻ rất khinh bỉ. “Mày làm như vậy để làm gì, hả con?”



Tôi không trả lời. Tôi ngừng ăn, bỏ cái nĩa xuống và chờ được cho phép rời bàn, mặt vẫn không ngẩng lên.


Nhưng không ai bảo tôi rời bàn ăn cả. Mọi người không ai nói gì một lúc lâu. Rồi Laird bỗng nói một cách bình thản: “Chị ấy khóc kìa.”


Thôi không sao,” bố tôi bảo. Với một vẻ  dứt khoát  và thậm chí còn hơi vui vẻ, ông thốt lên những lời đối với tôi vừa là lời giải thoát và cũng là lời xua đuổi vĩnh viễn.  Nó là con gái ấy mà,” ông bảo.


Tôi đã không hề phản đối những lời ấy của cha tôi, ngay cả trong thâm tâm cũng không. Có lẽ cha tôi đã nói đúng.
[1968]

7 nhận xét:

  1. Phản hồi của Cú Vọ:
    ---------
    Tiếc rằng cái phản hồi kỳ 6 (thực ra chỉ là biên tập kỹ thuật râu ria) đã bị "delete" trong một phút bốc hỏa nho nhỏ, hệ quả của tranh luận ngoại cảm. Vậy nên lần này Cú Vọ ghi phản hồi kỳ 7 vào đây. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, đúng ra Cú không nên ghi ngay ở phản hồi tr6en trang Blog AV, thú thực cũng chỉ vì làm biếng, tiện tay ghi ngay ở dưới, nghĩ kỹ như thế chẳng đúng lắm.

    (tuy nhiên khi hoàn thành bản thảo, AV cần soát lại kỳ 6)

    Thằng Laird cánh giơ tay lên vẫn còn dính máu lên.

    Trả lờiXóa
  2. Quý Chương : Xin chúc mừng dịch giả đã hoàn thành TRƯỜNG THIÊN TRUYỆN NGẮN. Câu chót xin được bình chọn là câu dịch hay nhất. Xin cám ơn anh ( hay ông - nếu trên 40 ) Cú Vọ, nhờ sự đeo bám dai dẳng của anh mà dịch giả ( dù có hơi hơi bực một tí ) có thêm động lực để kết thúc một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Alice Munro. Xin cảm tạ những giọt suy tư đêm khuya của dịch giả PA.

    Trả lờiXóa
  3. Được biết, chủ nhân-dịch giả Anh Vũ bận trăm công ngàn việc hàng ngày, tác nghiệp như một công chức quản lý chuyên môn ở một trường Đại học lớn ở Saì Gòn đương đại, tham gia các dự án nghiên cứu khoa học trong ngoài nước, viết bài theo nhu cầu của báo chí, tham gia tranh luận các vấn đề thời sự nóng hổi, lại còn đáp ứng nhu cầu dạy học, đào tạo ngoài giờ…(cường độ làm việc của một thục nữ liễu yếu đào tơ kiêm bà quản gia tối cao của một gia đình nữa, như vậy thật kinh hoàng đối với Cú Vọ). Dịch thuật văn chương có lẽ chỉ là thú bình sinh tao nhã của nữ sĩ AV, (như sân chơi Đường thi bày ra trên bog này năm ngoái), năm nay là chọn dịch truyện ngắn Alice Munro giải Nobel văn chương 2013. Hẳn là vì bận rộn, nữ sĩ dịch thô từng kỳ rồi đẩy luôn lên blog, chẳng có thì giờ đọc lại, vô tình tạo ra sân chơi tương tác với bạn đọc đang háo hức thưởng thức Munro (trong đó có Cú Vọ). Đọc xong mỗi kỳ, Cú Vọ ngồi chờ nên đọc đi đọc lại, thấy vài chỗ lăn tăn, bèn phản hồi kêu lên, chỉ là đánh dấu và nhắc chủ nhân khi rà soát toàn bộ thì chỉnh lại một tý là xong (cảm ơn Quý Chương đã khéo cổ vũ đám bạn đọc với nhau).

    Trả lờiXóa
  4. Một chút, để tham khảo thêm...về bản dịch:

    - "Truyện ngắn sau đây, “Boys And Girls”, được in lần đầu trên báo The Montrealer, năm 1968, sau đó in lại cùng năm trong Dance Of The Happy Shades, tuyển tập đầu tay của Alice Munro, được giải thưởng Governor General. Truyện viết về một nông trại ở Canada trong những năm trước và sau đệ nhị Thế chiến và một đứa bé gái lớn lên trong xã hội hãy còn nhiều phân biệt nam nữ. Qua giọng kể của nhân vật ngôi thứ nhất, chúng ta thấy hình ảnh của đời sống thôn quê, vai trò khác nhau của phụ nữ và đàn ông thời ấy, người đàn bà suốt ngày lo việc trong nhà, trong khi đàn ông làm lụng bên ngoài. Đây là một trong những truyện ngắn đặc tả các vấn đề phụ nữ mà Alice Munro quan tâm, tuy nhiên khuynh hướng này không ràng buộc ngòi bút của bà thám hiểm sâu hơn những khía cạnh thú vị của đời sống: nông trại, súc vật, mùa màng, sự khó khăn chật vật của người nông dân, cuộc đấu tranh của họ, thiên nhiên khắc nghiệt và nên thơ, tính nhân từ, chất hài hước và quyền tự do."

    BẦY CÁO BẠC
    Dịch giả: Nguyễn Đức Tùng

    Cha tôi làm chủ một trại nuôi cáo. Những con cáo bạc được nuôi trong chuồng rào kín; vào mùa thu và chớm đông, khi lông chúng đẹp nhất, cha tôi giết cáo và lột da và đem bán cho công ty Hudson’s Bay hoặc Montreal Fur Traders. Các công ty này tặng lại chúng tôi những tấm lịch truyền kỳ hiệp sĩ, treo lên cánh cửa bếp, cả hai phía. Trên nền của bầu trời xanh lạnh lẽo, rừng thông đen và những dòng sông phía Bắc hung hiểm, các nhà thám hiểm đội mũ lông chim cắm cờ Anh hay cờ Pháp lên vùng đất mới; những thổ dân hoang dã cúi gập người trên lối đi mang vác thuyền bè.
    Vài tuần trước lễ Giáng Sinh, cha tôi làm việc buổi tối dưới tầng hầm. Hầm được quét dọn sơn trắng, chiếu sáng bằng ngọn đèn trăm watts đặt trên bàn làm việc. Thằng Laird em trai tôi và tôi ngồi trên bậc thang cao nhất nhìn xuống. Cha tôi lột bộ da cáo, lộn từ trong ra ngoài, bày da thịt trần truồng, trông bầy cáo thật bé nhỏ, hèn mọn, giống như chuột, khi không còn bộ lông kiêu kỳ sang trọng nữa. Những cơ thể trần trụi, trơn láng được nhét vào một cái túi, đem chôn ở gò cao. Có lần Henry Bailey, người làm công, ném mạnh cái túi ấy vào người tôi, đùa: “Quà Giáng Sinh đây!” Nhưng mẹ tôi không thích trò đùa ấy. Thật ra bà không hề thích toàn bộ công việc làm da thú — tức là giết cáo, lột da, chuẩn bị bộ lông. Bà ước gì việc ấy không xảy ra trong ngôi nhà này. Mùi chồn cáo khắp nơi. Sau khi bộ da căng ra đã được lật từ trong ra ngoài trên tấm phản, cha tôi cạo nó thật khéo léo, gỡ những chùm huyết quản lấm tấm các hạt máu đông li ti, những miếng mỡ lùng nhùng, mùi máu, mùi động vật, thứ mùi nguyên thủy mãnh liệt của loài cáo, tất cả những thứ ấy bay ngập không gian, thấm từng phần ngôi nhà. Tuy vậy tôi tự an ủi rằng chúng chỉ theo mùa, cũng giống như mùi cam, mùi lá thông.

    (...)

    Trả lờiXóa
  5. - My father was a fox farmer. That is, he raised silver foxes, in pens; and in the fall and early winter, when their fur was prime, he killed them and skinned them and sold their pelts to the Hudson's Bay Company or the Montreal Fur Traders. These companies supplied us with heroic calendars to hang, one on each side of the kitchen door. Against a background of cold blue sky and black pine forests and treacherous northern rivers, plumed adventures planted the flags of England and or of France; magnificent savages bent their backs to the portage.
    For several weeks before Christmas, my father worked after supper in the cellar of our house. the cellar was whitewashed , and lit by a hundred-watt bulb over the worktable. My brother Laird and I sat on the top step and watched. My father removed the pelt inside-out from the body of the fox, which looked surprisingly small, mean, and rat-like, deprived of its arrogant weight of fur. The naked, slippery bodies were collected in a sack and buried in the dump. One time the hired man, Henry Bailey, had taken a swipe at me with this sack, saying, "Christmas present!" My mother thought that was not funny. In fact she disliked the whole pelting operation--that was what the killing, skinning, and preparation of the furs was called – and wished it did not have to take place in the house. There was the smell. After the pelt had been stretched inside-out on a long board my father scraped away delicately, removing the little clotted webs of blood vessels, the bubbles of fat; the smell of blood and animal fat, which the strong primitive odor of the fox itself, penetrated all parts of the house. I found it reassuringly seasonal, like the smell of oranges and pine needles.
    (...)

    Trả lờiXóa
  6. Lỗ Trí Thâm : Cám ơn anh GNLT/ Cú Vọ đã có lời. Và giới thiệu một phần bản dịch nhan đề Bầy Cáo Bạc của dịch giả Nguyễn Đức Tùng trên báo Văn Nghệ Quảng Trị. Nhưng dịch giả này dịch khô quá và sai cũng nhiều, có khi nghiêm trọng. Thua xa bản dịch của Anh Vũ. Anh Cú Vọ có biết bản dịch nào khác nữa không? Giới thiệu với. Tôi tìm hoài không ra.

    Trả lờiXóa
  7. Kính gửi chủ nhân Anh Vũ
    Theo yêu cầu của bạn đọc Lỗ Trí Thâm, nhân tiện mới tìm được bản dịch của bạn đọc Nguyễn Đại Hoàng, Giang Nam lãng tử Cú Vọ xin gửi đến nữ chủ nhân AV tham khảo đáp ứng yêu cầu bạn đọc.
    Con trai con gái
    “Boys and Girls”by Alice Munro
    Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ
    Dẫn : (trích- vì khuôn khổ hạn chế của mục phản hồi)
    1. Boys and Girls là một truyện ngắn xuất bản cách đây gần 50 năm (1968 ), của nhà văn nữ người Canada, Alice Munro - người vừa đoạt giải Nobel Văn Chương hồi tháng 10 vừa qua. Và cũng như phần lớn truyện ngắn khác của bà, Alice Munro đã xây dựng Boys and Girls với rất ít nhân vật và tình tiết. Tuy nhiên điều đó không hề làm giảm đi sức cuốn hút của câu chuyện. Mà có thể là ngược lại.
    Boys and Girls được viết dưới dạng một câu chuyện kể. Người kể chuyện là một cô gái không được tác giả đặt tên, và cô cũng là nhân vật chính của câu chuyện. Đó là câu chuyện kể về sự phản kháng của một cô gái trẻ trong một xã hội phân biệt giới tính, cộng thêm những khuôn mẫu truyền thống khắc nghiệt mà nữ giới phải theo.
    Câu chuyện lấy bối cảnh năm 1940, trong một trại nuôi cáo, ngoại vi thị trấn Jubilee, Ontario, Canada. Đó là thời kỳ mà phụ nữ chỉ được xem như một công dân hạng hai, nhưng người dẫn chuyện không chấp nhận vị trí này, và mầm móng đấu tranh của cô đã manh nha ngay từ hồi còn ở trang trại nuôi cáo của gia đình.
    Sự sáng tạo lớn nhất - chưa nói đếu yếu tố bút pháp, văn phong - của Munro là việc mô tả một cách tinh tế và cực kỳ sinh động về sự kém cạnh yếu thế bị mặc định bởi xã hội và gia đình của nhân vật chính so với em trai của cô, người có tên là Laird, một từ đồng nghĩa với từ " God " - tức Chúa Tể. Cái tên này được Munro đưa ra một cách có chủ đích, với ngầm ý rằng từ ngay lúc sinh ra, đứa bé trai đã tự nhiên được coi như vượt trội cô chị của mình rồi. (còn tiếp)

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.