Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

"Ớn lạnh trong một ngày nóng 40 độ" (Jonathan London)

Xin giới thiệu với các bạn bản dịch của tôi cho bài viết mới trên blog của Jonathan London, tại đây http://blog.jonathanlondon.net/?p=132 . 
---------------
Cách đây một tuần, tác giả bài viết này đã nhận xét về những thay đổi không thể chối cãi gần đây trong văn hóa chính trị của Việt Nam, và đưa ra lời kết luận (dù không kèm theo suy đoán gì về tương lai) rằng nền chính trị của Việt Nam đã thực sự bước vào một giai đoạn mới. Hôm nay tôi tiếp tục khẳng định rằng Việt Nam đã thực sự ở trong một tình hình mới và người Việt Nam đang kiếm tìm tiếng nói chính trị của chính mình.

Than ôi, đang có những dấu hiệu cho thấy dường như đã có thể đưa ra kết luận cuối cùng, vì trong vòng một vài tuần sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương lần thứ thứ 7 chúng ta đã chứng kiến một chuỗi những phát triển cho thấy một nỗ lực "trấn áp" dư luận đang được tiến hành một cách hăng hái.


Theo những tin tức mới được đưa ra vào cuối tuần qua thì mọi tin tức từ các hãng tin nước ngoài giờ đây đều phải qua kiểm soát cho đến khi các đài BBC, CNN và các hãng truyền thông ngoại quốc khác tuân thủ các yêu cầu về việc cấp phép theo quy định của Nghị định 20. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông của nhà nước đã khóa dịch vụ cung cấp tin của các hãng này.

Điều này diễn ra chỉ vài ngày sau khi hai người trẻ tuổi bị tuyên một án tù dài ngày vì đã rải truyền đơn có in hình cờ 'chế độ cũ' với nội dung chống lại hành động của Bắc Kinh trên 'Biển Đông Nam Á' tức Biển Đông), và chỉ một ngày sau khi ngày sinh của Hồ Chí Minh, là dịp mà các thanh niên Việt Nam đã diễu hành với khẩu hiệu lớn tuyên xưng tình yêu và sự ngưỡng mộ mà họ đã được dạy dỗ kỹ lưỡng từ bé đối với đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh.


Tuy nhiên, hành động của đảng cầm quyền tại Việt Nam lại mâu thuẫn với chính các nguyên tắc nêu trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh trong đó ông đã mượn trong tác phẩm Quyền làm người (The Rights of Man - tác phẩm của Thomas Paine năm 1791 - chú thích của người dịch) ​​và tuyên bố rằng "tất cả (mọi người) phải luôn luôn được tự do và có quyền bình đẳng."

Đã có những suy đoán rằng việc chấm dứt các kênh tin tức của nước ngoài là một nỗ lực của cơ quan quản lý có liên quan để làm tăng khả năng tiếp cận của chính các kênh tin tức của nhà nước cũng như tạo điều kiện kiếm tiền nhanh chóng cho các dịch giả có quan hệ tốt bằng cách cung cấp phụ đề cho một tỷ lệ nhất định các chương trình truyền hình quốc tế. Một khả năng khác, đã được ám chỉ ở phần trên, là điều này thực sự là sự khởi đầu của những nỗ lực để đáp ứng chủ trương phải kiểm soát gắt gao hơn, như đã thấy trong hội nghị trung ương đảng gần đây. 

Khả năng thứ ba và cũng là một khả năng thú vị hơn, tất nhiên vẫn chỉ là suy đoán, là việc cấm báo chí nước ngoài chẳng qua là những nỗ lực muộn màng của nhà nước, hay của một nhân vật cụ thể, nhằm làm giảm sự bối rối của lãnh đạo đảng trước những người dân của mình cũng như trước thế giới sau việc tuyên án tù đày khắc nghiệt đối với hai người trẻ mới đây. Người ta có thể hình dung ra một quan chức cấp cao đã phun ra trà ngụm trà đang nuốt dở của mình khi đang xem các tin tức quốc tế bình luận về bản án nói trên, nhắc điện thoại lên và buông ra một mệnh lệnh ngắn gọn bằng một giọng khàn khàn vào lúc đêm khuya: 'Cấm tất! "

Không nghi ngờ gì nữa, các bản án nói trên được ủng hộ bởi các phần tử già nua và bảo thủ có trách nhiệm trong vụ trấn áp nói trên, và phải thừa nhận rằng cũng có một bộ phận đáng kể trong dân chúng nhìn nhận về lá cờ của chế độ cũ như đại diện cho bạo lực chiến tranh và xung đột dân sự. Nhưng dù gì thì các bản án đó cũng rất khắc nghiệt và chẳng giúp ích gì cho việc tạo hình ảnh của nhà nước Việt Nam bên trong cũng như ngoài nước.

Đây là thời điểm rất thú vị cho Việt Nam. Văn hóa chính trị đã phát triển và có những bất đồng quan trọng trong Đảng về cách ứng phó với tình hình hiện nay. Các phe phái chính trị trong đảng tất nhiên không phải là một điều gì mới. Và những quan điểm khác biệt trong nội bộ đảng, nếu nó phát triển hơn nữa, có thể thực sự tạo điều kiện để phát triển dân chủ, cho dù hình thức chính xác của nó sẽ như thế nào. Chắc chắn phần lớn người dân Việt Nam đang hy vọng cho một kết quả như vậy.

Hôm nay Hà Nội nóng đến 40 độ C. Nhưng một cơn gió lạnh buốt vừa thổi qua. Điều này cho thấy những dấu hiệu đáng ngại của một tương lai sắp đến, hay chỉ là những làn gió lạnh còn sót lại từ quá khứ, câu trả lời cho điều này chúng ta vẫn phải tiếp tục chờ.

(Phương Anh dịch)

4 nhận xét:

  1. I like the dreams of the future better than the history of the past.
    (Thomas Jefferson)
    ____
    Tôi thích những giấc mơ về tương lai hơn là lịch sử của quá khứ
    (Thomas Jefferson)
    _____________________

    Tiểu thuyết Bỉ Vỏ của cố văn sĩ Nguyên Hồng kể về những tay giang hồ khét tiếng ở bến Sáu Kho khi về già nghiện ngập, bệnh họan nhưng vẫn muốn níu kéo thuở vàng son, thỉnh thỏang lại lôi cây mã tấu được lau chùi sáng lóang dưới gầm giường, vung tay đi vài đường nhưng chỉ còn sức lực chém gió mà thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Việc cấm đóan một số chương trình truyền hình ngoại quốc là một quyết định không mấy khôn ngoan.
    Việc tiếp cận thông tin ngày nay quá dễ dàng, ít người xem TV mà thay vào đó người ta vào mạng và có thể xem những bài bình luận chính trị của các cây viết sắc sảo, uy tín trên truyền thông quốc tế.
    TV bây giờ khiến nhiều người không hài lòng vì nhiều chương trình nhảm nhí.

    Trả lờiXóa
  3. Nếu đủ tự tin thì tiêu diệt con quái vật internet!

    Trả lờiXóa
  4. Phàm điều gì bị cấm, bị giới hạn, bị ngăn chận càng làm người ta hăm hở tìm hiểu. Thanh thiếu niên bị cấm thì tò mò muốn biết, người lớn thì thắc mắc nguyên nhân cấm. Chuyện cấm cản, ngăn chận đôi khi là con dao hai lưỡi mà ai sử dụng nó phải coi chừng...đứt nguyên bàn tay

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.