Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Về cuốn sách "Vì sao Marx đúng" của Terry Eagleton (1)

Trước hết, xin có vài dòng giải thích tại sao tôi lại đọc cuốn sách này, khi tôi chưa bao giờ - và có lẽ sẽ không bao giờ - quan tâm đến chủ nghĩa Marx. Mặc dù, cũng giống như bất kỳ ai có học đại học tại Việt Nam, tôi đã được học không ít về chủ nghĩa Mác-Lênin, và tất nhiên là đã thi đạt tất cả các học kỳ triết học Mác-Lê (chứ nếu không thì làm sao mà tốt nghiệp được!).

Vâng, tôi không tự nhiên mà tìm đọc cuốn sách này đâu ạ, nếu tôi không tình cờ đọc được tên cuốn sách và tác giả trong một bài viết của một người rất nổi tiếng hiện nay. Người này là một đồng môn cùng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn nước ngoài thuộc trường ĐH Tổng hợp TP HCM (nay là Khoa Ngữ văn Anh thuộc trường ĐH KHXH-NV) dù trước tôi đến 2, 3 khóa, hiện là đại biểu quốc hội với những phát biểu nổi tiếng liên quan đến luật biểu tình và sự ô danh gì gì đó cách đây ít lâu. Vâng, đúng ạ, chính là anh Hoàng Hữu Phước mà báo chí mạng lề trái dám gọi một cách lếu láo, tếu táo là "hotboy" đấy ạ.

Lần này, anh Phước đồng môn của tôi (dù có lẽ anh không biết tôi là ai, thì bây giờ người ta nổi tiếng như vậy rồi còn gì) lại đang có loạt bài nổi đình đám trên blog cá nhân về một cuốn sách còn nổi tiếng hơn là cuốn Bên Thắng Cuộc. Và trong phần mở đầu của bài viết mở đầu trong loạt bài ấy, anh Phước - người có bằng Thạc sĩ về QTKD của một trường đại học của Úc (chương trình liên kết tại VN) gì đấy - đã nhắc đến cuốn sách của Terry Eagleton, với những lời lẽ đao to búa lớn như đập thẳng vào mặt người đọc vậy.

Xin trích lại nguyên văn như sau (xin nói trước, đoạn trích rất dài nhưng chi là một câu thôi, đọc lên khá rối rắm khó hiểu nhưng đó là phong cách cá nhân của anh Phước nên chúng ta cần tôn trọng ạ):

 Trong khi tất cả những nhà trí thức hàn lâm trên toàn thế giới biết rất rõ là chính Karl Marx “đẻ” ra … “chủ nghĩa tư bản” với nội hàm một hệ thống, một phương thức sản xuất, một…”chủ nghĩa”, tức là trước Marx chưa hề có cái gọi là “chủ nghĩa tư bản”, và dương nhiên là chưa hề có bất kỳ thứ gì liên quan đến triết thuyết về “chủ nghĩa tư bản”, nên khi xuất hiện “chủ nghĩa cộng sản” như một hệ thống triết học thì các nhà trí thức hàn lâm mới ra sức nghiên cứu, và tất nhiên dẫn đến việc hoàn toàn tự nhiên là rất nhiều người cho rằng mình đã nhận ra các yếu điểm hoặc các vô lý của triết thuyết “chủ nghĩa cộng sản” nên viết các công trình hàn lâm vĩ đại để bài bác triết thuyết ấy, và cũng là việc hoàn toàn tự nhiên khi rất nhiều người cho rằng mình đã nhận ra các ưu điểm hoặc các hữu lý của triết thuyết “chủ nghĩa cộng sản” nên viết các công trình hàn lâm vĩ đại để ủng hộ triết thuyết ấy, mà gần đây nhất là công trình nghiên cứu mang tên “Tại Sao Marx Đúng?” của Giáo sư Đại học Lancaster Anh Quốc Terry Eagleton do Đại học Yale lừng danh của Hoa Kỳ xuất bản năm 2011 vẫn đang gây cơn sốt chấn động thế giới trí thức hàn lâm chốn trời Âu Mỹ; thì những người Việt chống cộng lại rất cô đơn vì họ không thuộc giới học giả hàn lâm từng có nghiên cứu về (và hiểu) chủ nghĩa cộng sản, không có viết các tác phẩm vĩ đại về kết quả nghiên cứu trừ những bài viết bằng tiếng Việt “hù” người Việt về chủ nghĩa cộng sản chứ chưa hề có “công trình” nào bằng tiếng Anh được giới học thuật Âu Mỹ cho phép đứng vào vị trí “công trình nghiên cứu” có “giá trị”, nên do đó chỉ là thiểu số vô học (về triết thuyết “chủ nghĩa cộng sản”), bất hàn lâm (về triết thuyết “chủ nghĩa cộng sản”), phản học thuật (về triết thuyết “chủ nghĩa cộng sản”), không có khả năng chống lại một triết lý mà chỉ hành động như đám lưu manh chưởi bới đe dọa và chống lại những người tin vào chủ nghĩa cộng sản, mà như thế là vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, chà đạp tự do của người khác một cách thô bạo, hủy hoại ngôn ngữ (gọi người cộng sản là “khát máu”) một cách bỉ ổi, phơi trần tấm thân tệ hại với chiếc mồm quỷ biện xảo biện ngụy biện về cái gọi là “Việt Nam điêu linh” một cách đáng thương hại, đứng trên và ngập ngụa trong đống phân mà hùng hổ chỉ tay chưởi bới cái hôi thối nào đó của Cộng sản Việt Nam mà trong những kẻ đứng trong phân ấy có cả những “nhà tu hành” Mỹ gốc Việt, tức đám người ngợm không phải là công dân Việt.

Nguồn: http://www.emotino.com/bai-viet/hoanghuuphuoc/ca-nhan.

Chính vì những lời lẽ như "sấm động Nam bang" (!) của HHP mà tôi mới biết rằng có cuốn sách này (vì, như đã nói ở trên, tôi không hề quan tâm đến CN Marx), và trong thời đại cách mạng thông tin và Internet như thế này, tôi đã lên mạng và tìm được, không chỉ là những bài giới thiệu về cuốn sách này, mà còn cả bản .pdf của toàn bộ cuốn sách, tha hồ nghiên cứu. (Nhân tiện, bạn nào quan tâm thì có thể vào đây lấy đem về đọc nhé, đã được lưu và share trong Google Drive của tôi:  https://docs.google.com/file/d/0B23GcuCxvQVBaFRrcHdHTFluYjA/edit).

Tôi cũng đã đọc, well, đọc sơ sơ thôi chứ không đọc kỹ vì cuốn sách không dễ đọc, và còn vì tôi không có nhiều hiểu biết nền tảng về chủ nghĩa Marx (mặc dù đã được học không ít hồi đại học, và còn được điểm rất cao nữa cơ; về chuyện này tôi cũng đã có viết mấy bài trên blog này rồi, các bạn nào hay đọc blog của tôi chắc hẳn vẫn còn nhớ). Và tuy không được giỏi giang, uyên bác như ông nghị đồng môn của tôi là Lăng Tần Hoàng Hữu Phước, tôi nghĩ mình cũng đủ trình độ để nhận ra rằng những gì ông Phước nói ở trên có lẽ không hoàn toàn chính xác.

Thậm chí, tôi nghi ngờ rằng ông Phước có lẽ chưa thực sự đọc cuốn sách của Eagleton nữa cơ, còn nếu đã đọc rồi thì chẳng lẽ ông Phước đọc mà không hiểu (!) hay sao nhỉ?

Tôi đang bận quá, mà cuốn sách lại khá dài và khó đọc, nên tạm thời xin kết thúc entry đầu tiên về cuốn sách này bằng một vài câu hỏi dành cho ông Phước, như sau:

1. Ông Phước dịch tựa tiếng Anh của cuốn sách sang tiếng Việt thành: Tại sao Marx đúng. Không rõ ông có chú ý rằng tựa tiếng Anh của cuốn sách là thì quá khứ (Why Marx was right) không ạ?

Nếu có ai đó nói rằng cái tựa sách này có nghĩa là Marx chỉ đúng trong quá khứ, chứ hiện nay giá trị tư tưởng của Marx cũng đã lỗi thời rồi (nói cách khác, tựa cuốn sách phải dịch là Tại sao hồi đó Marx đúng -  ý nói bây giờ không còn đúng nữa) thì ông sẽ trả lời ra sao? (Nói thêm, việc chỉ ra thì quá khứ trong cái tựa này là do công của anh PHN Giang Nam Lãng Tử, xin cám ơn anh!)

2. Ông nghĩ gì về nhận định sau đây của tác giả bài điểm sách của tác giả Tristam Hunt đăng trên tờ Guardian (UK) vào tháng 5/2011 nói về cuốn "Why Marx was right"?  Bài điểm sách ấy ở đây: http://www.guardian.co.uk/books/2011/may/29/why-marx-was-right-eagleton-review.

"Marx is more diminished than enhanced by Terry Eagleton's defence of him" (Giá trị của Marx càng giảm đi thay vì tăng lên với sự bênh vực của tác giả Terry Eagleton).

Tạm thời mới là 2 câu hỏi như thế đã, ông Phước nhé. Tôi còn nhiều câu hỏi khác về cuốn sách này dành cho ông, nhưng thôi để dành đến khi có thêm chút thời gian. Chỉ một nhận xét ngắn: Cuốn sách này có làm chấn động dư luận gì như ông nói đâu ạ? Các bài điểm sách đều chỉ ra những sơ hở, sai sót, mơ hồ trong lập luận của cuốn sách quá dễ dàng và thuyết phục cơ mà. Có đúng là ông Phước đã đọc cuốn sách này không nhỉ?
 

6 nhận xét:

  1. Cảm ơn nữ sĩ Phương Anh đã cất công giới thiêu sơ lược cuốn sách tham khảo về Marx...Nhân đó có dịp đọc thứ văn nghị luận kinh người của ông nghị Phước, dùng từ sai, từ chợ búa, viết câu lộn xộn và miên man như mộng du...

    Trả lờiXóa
  2. Đọc xong cái "câu" của ngài Nghị Lăng Tần xong quả thật mình muốn tắt cái đường thở luôn. Học trò mình mà viết essay kiểu này là mình làm một cái gạch chéo luôn, khỏi chấm. Vốn cũng biết sơ về ông này qua cái scandal đợt trước nhưng vẫn cứ ngạc nhiên rất thành thật và tự hỏi: "Không biết cha này có bệnh gì không nhỉ"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào anh Hoàng Guitar,
      Lâu quá mới thấy anh ghé nhà. Vâng, tôi cũng có câu hỏi giống anh về Nghị Phước đấy ạ.

      Xóa
  3. Khi có chút hiểu nhau rồi,câu chuyện sẽ dễ dàng hơn.Mình nghĩ một người trí thức như chú Hữu Phước mà thành nghị sĩ thì thật là nỗi bi ai cho quốc hội chúng ta,nhưng thôi,với nghị Phước mình cũng đã nói đôi lần rồi,luôn tiện kết nối một bài trong trang web của mình bạn đọc cho vui
    http://thaianco.net/xuanloc/nhandam/benhtamthan.htm
    bạn vào đọc nhé.đừng bàn về ông nghị này nữa mất thời gian.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài viết thú vị lắm anh Xuân Lộc ạ. Còn ông nghị Phước thì tôi chẳng bàn nữa làm gì, nhưng cuốn sách thì có lẽ tôi vẫn sẽ đọc và viết về nó. Vì cũng là một dịp để hiểu cái chủ nghĩa lạ lùng này, mà ở VN nó vẫn được đưa vào hiến pháp.

      Xóa
  4. Ngồi rảnh lần mò vào cái kho cũ của chị PA, chớp được bài này, đọc xong là muốn bật ngửa vì ông Nghị Lăng Tần Phước này.

    Bản thân tôi thì...ngay cả mấy đứa con mình cũng không dám gọi là trí thức, nhưng mà làm trí thức kiểu ông LT Phước thì chắc xin thôi, em chả dám. Lại còn làm dân biểu nữa, oai bằng trời.

    Cám ơn mấy bài cũ của chị P.Anh.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.