Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Sài Gòn có mùa Đông không nhỉ?

Câu hỏi này chợt xuất hiện trong đầu tôi sáng nay khi chạy xe đến trường cho một buổi seminar ngày chủ nhật.

Buổi sáng ngày cuối tuần, đường vắng. Bầu trời Sài Gòn vốn thường ngày xanh ngắt và nắng vàng chói lọi đến nhức cả mắt, hôm nay lại có màu trắng xám u buồn. Và lạ hơn, trời có những hạt mưa, hạt thưa nhưng nặng và quất mạnh xuống thịt da những người đi đường, lạnh buốt. Và gió, thỉnh thoảng lại thổi đến, nhẹ thôi, nhưng không phải là làn gió mát hào sảng của phong cách Sài Gòn mà ta vẫn quen, mà là làn gió buốt, làm ta co người lại vì lạnh, và nghĩ đến cái rét mướt của mùa Đông miền Bắc.

Mùa Đông mà tôi đã biết đến từ rất lâu qua văn của Thạch Lam với Nhà mẹ Lê - một mùa Đông buốt giá, âm u, và rất nghiệt ngã với những phận nghèo. Và mùa Đông mà chính tôi đã trải qua, lần đầu tiên là vào năm 1991 khi tôi ở Hà Nội khoảng 1 tuần trước khi đi sang học ở Úc một năm, VN lúc ấy chỉ vừa mới mở cửa và Hà Nội trong vẫn còn vẻ nghèo nàn, tiều tụy của một thủ đô mới trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc và một nền kinh tế bao cấp. Tôi vẫn nhớ, lúc ấy là lần đầu tiên tôi thấy cả tuần lễ bầu trời cứ xam xám buồn bã như vậy, thỉnh thoảng lại mưa phùn rả rích, và không hề thấy ánh mặt trời. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy nhớ và thực sự biết ơn về bầu trời xanh và ánh nắng vàng chói chang hào phóng của Sài Gòn, và mới thực sự hiểu được hết cái cảnh khổ của những người nông dân đói rét trong văn của Thạch Lam, Nam Cao và Ngô Tất Tố.

Sài Gòn có mùa Đông không nhỉ? Thực ra câu hỏi này đã được trả lời từ rất lâu rồi, với bài hát nổi tiếng mà một người bạn của tôi thời học Gia Long và sau đó cùng tiếp tục học với nhau thêm 4 năm đại học đã rất thích và hát rất hay: Anh ở trong này chưa thấy mùa Đông/Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ .... Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng tác giả của bài thơ rất hay và được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc ấy vốn là một anh bộ đội, năm đầu tiên 1976 ở trong Nam và hưởng mùa Đông đầu tiên ở Sài Gòn, đã thốt lên những lời ca ngợi rất thật lòng ấy: "Thật diệu kỳ là mùa Đông phương Nam"



Nhưng thật ra theo tôi nhớ thì chính mùa Đông năm 1976 ấy Sài Gòn rất lạnh - well, lạnh theo tiêu chuẩn của Sài Gòn.. Đến nỗi mọi người bảo, mấy anh bộ đội miền Bắc vào đây dường như đã đem theo cả cái lạnh vào. Hình như là nhiệt độ ở SG năm ấy xuống chỉ còn 16, 17 độ, một điều rất hiếm thấy- nên mọi người đều bất ngờ, chẳng ai có đủ quần áo lạnh để mặc và các cửa hàng bán đồ len bỗng đắt hàng khủng khiếp. Nhưng nếu so với cái lạnh của miền Bắc thì vẫn chưa thấm tháp vào đâu cả, vì chỉ mới bằng nhiệt độ thấp nhất của máy lạnh mà thôi. Và chắc chắn là những người nghèo của Sài Gòn khó lòng mà hiểu được đúng ý nghĩa đói rét của miền Bắc; nếu có thì người nghèo ở đây chỉ hiểu từ  đói khát mà thôi (thì trời nắng mà).

Vâng, Sài Gòn, thành phố phương Nam ấm áp đến diệu kỳ ấy, chắc là không thể có mùa Đông đúng nghĩa. Nhưng, thỉnh thoảng vẫn có một thoáng mùa Đông đến với Sài Gòn, như hôm nay. Để mọi người hiểu được tại sao một anh bộ đội miền Bắc chỉ hưởng một mùa Đông đầu tiên tại Sài Gòn là đã làm được một bài thơ xuất sắc như bài thơ đã được phổ nhạc ấy - bài Gửi nắng cho em. Và cũng để cho mọi người nhận ra cái hào phóng của khí hậu miền Nam, lúc nào cũng thừa nắng vàng và thừa những làn gió mát.



"Cây bàng mồ côi mùa Đông"?






Cây khế trĩu quả của nhà hàng xóm

Chùm hoa Sử quân tử trồng làm giàn cổng vẫn nở những chùm hoa hồng hồng xinh xắn

Và cây bông Trang trắng nhà tôi vẫn cứ um tùm, tỏa hương thơm ngát

Buổi trưa, trở về nhà giữa 12 giờ mà trời vẫn không hề có nắng. Tôi đi lang thang ở khu vực gần nhà, quanh khu Trần Bình Trọng, Lê Quang Định, chợ Bà Chiểu để chụp lại hình ảnh "mùa Đông Sài Gòn". Vì tôi nghĩ dường như khung cảnh cũng hơi giống mùa Đông đấy, trời giữa trưa mà âm u, đường vắng. Những cái cây trong sân nhà tôi đã rụng bớt lá, trông khá xác xơ.

Nhưng về nhà mở hình ra mới thấy dù lá đã rụng bớt, nhưng cây vẫn rất xanh tươi. Đặc biệt là cây bàng, bàng mùa Đông mà lá vẫn dày, xanh mướt. Và ôi kìa, lại còn có cả một cây Phượng với những chùm hoa nở muộn màng - muộn, hay là quá sớm nhỉ. Thế này thì làm sao mà bảo là mùa Đông được cơ chứ?

Đăng lên đây chia sẻ với các bạn. Và để biết rằng, Sài Gòn thực sự không thể có mùa Đông! Không có ở bên ngoài, mà chắc là cũng không có ở trong lòng nữa, phải không?

Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!
---------
Đưa lên đây thêm hai tấm hình chụp vào ngày 23 Tết Nhâm Thìn 2012, cũng vào lúc giữa trưa, để thấy SG nắng vàng chói chang hào phóng như thế nào. Thật diệu kỳ là mùa Đông phương Nam, phải không các bạn?



8 nhận xét:

  1. Chị còn nhớ mùa đông 76 Sài Gòn lạnh hơn mọi năm. Bà con bảo: mở cửa vĩ tuyến 17 rồi nên cái lạnh miền Bắc tràn vào :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay quá, mở cửa vĩ tuyến 17 để cái lạnh miền Bắc theo vào, hưởng nắng ấm phương Nam!

      Xóa
  2. PAnh, đọc khoái chí tử.. nhớ SG quá.. làm xao u gửi cho BX vài chục trái khế NGOT ăn cho khóc ướt làng xá.. chu choa ơi, nhìn hình cây khế, biết là SG âm u. 30/04/75 tròi SG lạnh 23, 24°C, lần đầu tiên maman cho con cái mặc áo ấm đan tay. tiếc là tình hình náo động, mặc áo ấm mà lòng dạ lo sợ, đầu óc bối rối không biết tương lai sẽ ra sao...wish to meet u miss

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi BX,

      Ừ, năm ấy SG lạnh teo ... (tự điền vào). Ngoài trời thì lạnh giá, trong lòng thì rối bời. Thời gian trôi nhanh quá BX nhỉ. Khế ngọt thì chỉ có cách về VN mà ăn thôi. Rất mong gặp lại!

      Xóa
  3. Sài Gòn quả thật truớc đây chưa bao giờ có mùa Đông.

    Nhưng 37 năm qua thì quanh năm cái "rét" tạo mùa Đông trong lòng mọi nguời.

    Và càng ngày càng "rét" đậm hơn.

    Trả lờiXóa
  4. Không biết SG có lạnh không, chứ ngoài mình lạnh lắm, nhiệt độ 12 - 13 độ C đó. Phương Anh gửi cho mình chút nắng SG nhé

    Trả lờiXóa
  5. PAnh, same to me không gửi được khế ngọt thì gửi nắng vàng rực rỡ, khí hậu ấm cúng
    cảm ơn trước khi nhận nha
    love

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.