Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Tôi có phải là nhân dân không nhỉ?

Lâu nay tôi cứ ngỡ tôi hiểu rõ nghĩa của từ nhân dân. Thì từ này ai mà chả hiểu, nhân là người mà dân tức không phải là quan.

Nay đọc được bài viết của TS Nguyễn Văn Quang trên báo QĐND mới giật mình vỡ lẽ ra rằng từ nhân dân tưởng là đơn giản mà hóa ra phức tạp ra phết. Ai không tin thì hỏi ông xã tôi xem (học tập bác Ba Phi ấy mà!).

Còn nếu không muốn hỏi ông xã tôi, thì cứ tìm đọc kỹ bài của TS Quang trên báo QĐND cũng được. Nhưng tôi phải báo trước là bài ấy sâu sắc lắm, khó đọc lắm đấy nhé.

Là một người làm nghề đi dạy học, lại luôn tự hào là công dân tốt, nên tôi đã bỏ công ra đọc đi đọc lại bài viết này xem chính mình có nhầm lẫn gì không. Hóa ra là có, các bạn ạ.

Nhầm lẫn lớn nhất của tôi là ở chỗ này: Vì lâu nay hiểu nghĩa của từ nhân dân một cách đơn giản nên tôi cứ đinh ninh mình là nhân dân, nói nôm na là người dân. Tức không phải là quan. Nói cách khác, tôi là người được (Đảng) lãnh đạo, không phải là giai cấp đi lãnh đạo người khác.

Nhưng sau khi nghiền ngẫm bài viết rất sâu sắc của TS Quang – một vị đại tá quân đội – thì tôi mới biết là vấn đề không đơn giản thế, mà phức tạp hơn rất nhiều. Nên mới có cái câu hỏi mà tôi đưa lên làm tựa của entry này, là như thế.

Phức tạp như thế nào? Này nhé, trước hết là câu này, trích từ bài viết (đoạn số 2):

Nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực Nhà nước và là người thực hiện cuối cùng các quyết sách chính trị do chính mình định ra.

Chiếu theo nghĩa của câu này thì rõ ràng tôi không phải là nhân dân. Vì tôi không phải là chủ thể của mọi quyền lực Nhà nước, cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã từng định ra bất kỳ quyết sách chính trị nào cả, mặc dù có lẽ cũng đang (phải) thực hiện nhiều quyết sách chính trị do người khác định ra.

Nhưng nếu không là dân, thì tôi là ai? Chẳng lẽ là … quan? Gì chứ quan hay là giới lãnh đạo thì tôi biết chắc chắn không phải là tôi. Thử đọc thêm một chút nữa để hiểu rõ hơn.

Đoạn 3 của bài viết là đoạn nêu rõ nhất định nghĩa nhân dân của tác giả bài viết. Có 3 câu viết liên tiếp cạnh nhau, khẳng định rất rõ ràng bản chất sâu sắc nhất của từ nhân dân. Xin xét từng câu.

Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần là khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước trong một thời gian lịch sử nhất định.

Theo câu này, thì hình như theo nghĩa rộng, nghĩa phổ thông, có thể xem tôi là nhân dân vì tôi là một trong khối người đông đảo làm nền tảng cho nước VN trong giai đoạn lịch sử hiện nay. May quá, vậy là lâu nay tôi cũng hiểu đúng. Nhưng tất nhiên đây chỉ mới là một cách hiểu, cách thô thiển, tầm thường, phổ thông, đơn giản nhất.

Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định.

Câu trên đây cho thấy một nghĩa khác, nghĩa không phổ thông, nghĩa đặc thù, sâu sắc của từ nhân dân (chắc cái nghĩa nhân dân này chỉ có ở mấy nước XHCN ưu việt mới có). Theo nghĩa này thì nhân dân chỉ là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho cả quốc gia VN, dân tộc VN trong Nhà nước VN hiện nay.

Nếu hiểu theo nghĩa này, thì hẳn tôi không thể là nhân dân, vì (chắc là) tôi không có tư cách gì để có thể đại diện cho cả quốc gia, cả dân tộc VN trong Nhà nước XHCN hiện nay.

Thực ra thì tác giả cũng không nói rõ tầng lớp nào, giai cấp nào mới là đại diện trong số các giai cấp hiện có ở VN như giai cấp công - nông , giai cấp tiểu tư sản, giai cấp vô sản, giai cấp lãnh đạo, nên biết đâu cái giai cấp mà tôi đang ở trong (hình như là giai cấp tiểu tư sản) cũng có thể là nhân dân thì sao nhỉ? Nhưng chỉ chọn một giai cấp, một tầng lớp để đại diện cho cả quốc gia, dân tộc VN hiện nay trong NN xã hội chủ nghĩa, thì tôi e rằng tiểu tư sản chắc là không xứng đáng. Chắc là giai cấp khác, không có giai cấp của tôi.

Nhân dân là chủ thể quyền lực của một chế độ xã hội nhất định. Nhân dân luôn mang tính cộng đồng dân tộc, song cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc.

Câu này nhắc lại ý “chủ thể quyền lực” mà tôi đã nêu hồi nãy, và nhấn mạnh nó thuộc về “một chế độ xã hội nhất định”. Trong xã hội VN XHCN hiện nay thì tôi – và rất nhiều người khác quanh tôi – không phải là chủ thể quyền lực. Thì đó, ngay cả việc biểu lộ tình cảm yêu nước cũng phải chờ định hướng của NN, chứ không có định hướng thì lớ ngớ là rơi vào bẫy của bọn thế lực thù địch ngay.

Không chỉ là chủ thế quyền lực. Theo câu này thì nhân dân vừa có tính cộng đồng dân tộc (cái này thì tôi có), nhưng lại cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc (cái này thì còn tùy cái giai cấp đó là giai cấp nào đã, xin xem lại phần trên).

Tóm lại, câu này có 3 ý (chủ thể quyền lực, tính dân tộc, tính giai cấp), có một ý tôi đạt (tính dân tộc), một ý không đạt (chủ thể quyền lực), còn ý thứ ba thì có lẽ không đạt. Như vậy là 50-50. Vẫn chưa ngã ngũ, phải đọc thêm nữa.

Ở đoạn 4, mọi việc dường như có rõ ràng, cụ thể hơn, ít lý luận trừu tượng như 3 câu ở đoạn 3 mới nêu. Chúng ta thử đọc ở dưới đây. Cũng có mấy ý, xin phân tích từng ý.

Rõ ràng, nhân dân là những người lao động, nông dân, công nhân, trí thức, binh sĩ, nhân sĩ, tiểu thương yêu nước đã bị thực dân, phong kiến bóc lột, áp bức tù đày, tước đoạt đi mọi quyền sống cơ bản của con người, quyền tự do phát triển của một dân tộc.

Cái phần rõ ràng này thực ra chẳng rõ ràng gì hết. Tôi tự xét thấy mình thuộc vế đầu tiên của câu này, tức những người lao động, …, trí thức (ừ thì cũng có đi học, có bằng cấp, làm giảng viên, nên tôi tạm nhận mình là trí thức) yêu nước. Nhưng tôi lại không may, chẳng bị thực dân, phong kiến bóc lột áp bức tù đày gì cả. Vậy tôi có thể được xem là nhân dân không nhỉ? Gay quá.

Nhân dân ở đây còn là “toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”… nhưng dứt khoát không thể là những kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân hay quan lại phong kiến, phản động Việt gian và tước đi các quyền cơ bản đó của đồng bào, dân tộc.

Đến câu này thì hình như có chút ánh sáng le lói. Tôi chắc chắn phải là một phần của toàn dân, không phân biệt … tôn giáo (gia đình tôi gốc đạo Công giáo), và, ơn trên phù hộ, tôi không phải là kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân quan lại phong kiến hay phản động Việt gian gì hết. Vậy có lẽ tôi cũng là nhân dân? Đỡ quá, có thế chứ, lâu nay tôi vẫn tin mình là nhân dân mà.

Nhưng bài viết chưa hết, mà vẫn còn một đoạn nữa, hơi khó hiểu, và … hơi có giọng đe dọa, làm tôi cũng hơi run run, chẳng biết nếu mình tự nhận là nhân dân thì có đúng không, hay là tôi đang nhầm lẫn, hoặc thậm chí lợi dụng từ “nhân dân”. Đây này:

[N]hân dân Việt Nam […] có quyền đòi hỏi không một nước nào, một thế lực nào, một cá nhân nào được can thiệp vào quyền tự quyết lập hiến của nhân dân Việt Nam; càng không được cả gan nhận mình là “nhân dân” để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Chao ơi, tôi đau đầu quá. Chẳng hiểu có phải tôi đang cả gan nhận mình là nhân dân để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân VN không? Chả là vì lâu lâu tôi cũng hay có chút thắc mắc về tình hình biển đảo của VN ấy mà, mặc dù ngoan lắm, cứ toàn phải đợi Đảng và nhà nước định hướng rồi mới dám biểu lộ.

Có ai bảo giúp cho tôi biết xem tôi có phải là nhân dân không nhé? Cái này có lẽ phải nhờ đến TS Quang thôi.

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Thương anh Gaddafi

Không, xin thề có trời đất, tôi thực lòng khi viết cái tựa của entry này, chứ không hề nói mỉa mai, châm biếm một chút nào hết. (Mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng hay … nói móc, thành tính mất rồi, hic!)

Nhưng nếu thực lòng, thì tại sao tôi lại thương Gaddafi, một kẻ độc tài mà (hầu hết, trừ một vài nước nào đó, hình như nghe đâu có cả … VN thì phải?) cả thế giới lên án, và nhân dân Lybia thì vui mừng khi chế độ mà anh ta đứng đầu bị lật đổ? Chẳng phải là việc anh ta đi đến kết cục thê thảm của ngày hôm nay gần như đã được báo trước rồi hay chăng? Vì lịch sử đã từng cho thấy mọi chế độ độc tài rồi cũng có ngày sụp đổ mà – dù kẻ độc tài đó là Tần Thủy Hoàng của Trung Hoa thời xưa, hay Hitler hoặc Sadam Hussein thời nay.

(Thực ra trong đầu tôi cũng còn một vài cái tên của những kẻ bị thế giới lên án là độc tài khác nữa. Nhưng vì tôi không phải là nhà sử học cách mạng, cũng chẳng phải là nhà chính trị học cách mạng, càng không phải là đảng viên để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng - Đảng viết hoa, tức là ĐCSVN ấy các bạn ạ, nên tôi không dám nêu ra ở đây, vì mất quan điểm! Bởi vì thế giới lúc này hỗn loạn quá, đổi thay nhanh qua, nên thoắt một cái thù thành bạn, bạn thành thù, chẳng biết đường nào mà lần, thôi thì để Đảng và Nhà nước định hướng dư luận cái đã rồi hãy nói cho nó đúng đường lối).

Quay trở lại vụ Gaddafi. Tôi, cũng như tất cả mọi người, vẫn biết là độc tài thì trước sau gì cũng sụp đổ thôi. Mặc dù trước khi sụp đổ, tất cả mọi kẻ độc tài đều rất mạnh, đến nỗi ai cũng cảm thấy dường như họ sẽ mãi mãi đứng trên tuyệt đỉnh của vinh quang và của quyền lực tuyệt đối. Và xung quanh thì dường như chỉ có những người yêu kính, quý trọng, thán phục, ngưỡng mộ họ, với một ước nguyện duy nhất là suốt đời được họ cai trị để được hạnh phúc, ấm no.

Và họ cứ thế mà mê man, chìm đắm trong những lời ca tụng triền miên, say sưa với sự cao cả, tuyệt mỹ, tuyệt hảo của chính mình và của chế độ mà mình tạo ra. Như những con đà điểu rúc đầu trong cát, chẳng nhìn thấy hoặc cảm nhận được gì đang xảy xung quanh mình. Đến nỗi không thể thấy được cái chết được báo trước của chính mình, để đến khi nó đến thì không còn cách nào vãn hồi được tình thế nữa.

Biết thế, nên mới thấy thương Gaddafi. Thương, vì trước hết là anh ấy chết thảm quá. Ai chưa thấy hình ảnh về cái chết thê thảm của Gaddafi thì chỉ cần google là ra hết. Kinh khủng lắm các bạn ạ. Nào là sợ hãi chui vào ống cống (sao mà giống Thoát Hoan quá nhỉ, hồi nhỏ tôi học Sử thì có đoạn “Thoát Hoan chui vào ống cống chạy về Tàu”, thích lắm, đến giờ vẫn còn thuộc). Nào là van xin tha chết, nhưng tất nhiên là vô ích, vì người dân đã quá căm ghét anh rổi. Tôi đã thấy đoạn video clip lúc người dân Lybia gào thét và bắt anh, lôi anh (đã bị thương nặng) trên đường phố để rồi sau đó bị ai đó bắn chết. Rất man rợ, và với tư cách một con người nhìn thấy cái chết thê thảm của một người đồng loại, tôi không thể không có cảm xúc gì.

Rồi hình ảnh cuối cùng về anh mà cả thế giới được nhìn thấy là khuôn mặt bê bết máu của anh lúc chết. Nó cho thấy anh đã bị giết rất dã man. Hẳn là những người lính nào đó khi bắt được anh phải hận thù anh ghê lắm. Mà suốt 42 năm qua, họ là dân của anh. Những người lính bắn anh, có lẽ họ trẻ hơn tuổi 42. Tức là họ được sinh ra, lớn lên hoàn toàn trong chế độ của anh. Được chế độ của anh giáo dục, trước hết là giáo dục nhân cách. Sao họ ác thế, và man rợ thế nhỉ?

Nhưng sự man rợ không dừng lại ở việc bắn chết anh. Theo những mẩu tin của tôi đọc được, thì dân chúng của anh họ thù anh đến nỗi còn lôi xác chết của anh và con trai anh ra trưng bày trên đường phố cho mọi người ngắm, cho thỏa chí. Rồi họ chụp hình xác chết của anh và con anh để làm kỷ niệm chiến thắng. Kinh khủng quá, và thương cho anh quá, Gaddafi ơi.

Cho đến nay, anh đã chết hai ngày rồi, nhưng việc chôn cất của anh vẫn còn chưa biết chừng nào mới được thực hiện. Hiện xác của anh đang được cất giữ ở trong … kho lạnh của một cửa hàng bán thịt (!) để chờ được chôn cất, báo chí nước ngoài đưa tin thế. (Tin ở đây này: http://www.ndtv.com/article/world/new-videos-help-piece-together-gaddafi-s-last-minutes-143368). Mỉa mai thay, và cũng xót xa thay, một kiếp người.

Sao mà đến nỗi như thế này, anh Gaddfi ơi? Anh không chỉ là một người bình thường như tôi, mà là lãnh tụ tối cao, lãnh tụ vĩ đại, người hùng (một thời?) của dân tộc Lybia nữa chứ? Suốt 42 năm qua, anh đã làm gì, để đến nỗi dân chúng của anh căm ghét anh đến như thế này. Mà con dân của anh, những người lẽ ra phải chịu ơn anh không biết để đâu cho hết, sao họ lại tệ hại như thế này, căm thù và man rợ, tàn ác và nhẫn tâm, để không run tay nã súng vào đầu anh, tiễn anh về thế giới bên kia trong sự cuồng loạn và kích động như vậy. Tại sao, hả anh Gaddafi?

Thương anh, tôi lên mạng tìm hiểu về thân thế sự nghiệp anh, và càng thương anh hơn nữa. Tôi thấy hình ảnh của anh khi mới 27 tuổi, đẹp trai ngời ngời, thật xứng đáng là một vị anh hùng của dân tộc. Khi ấy, anh mới lật đổ chính quyền của vua Ìdris vào năm 1969, đưa đất nước của thoát khỏi chế độ phong kiến với cách cai trị cha truyền con nối đời đời kiếp kiếp để xây dựng một quốc gia hiện đại. Mà đáng nói là cuộc lật đổ của anh hoàn toàn không đổ máu; lúc ấy phe của anh chắc là đâu có đối xử với người thua cuộc (vua Idris) như người dân của anh đối xử với anh vào lúc này, Gaddafi nhỉ?

Anh đã chọn con đường XHCN (mang màu sắc Hồi giáo) để xây dựng đất nước của mình. Khi anh chọn con đường XHCN vào năm 1969 thì phe xã hội chủ nghĩa của chúng ta (vâng, “chúng ta” là vì tôi là người VN, một trong những đất nước XHCN hiếm hoi còn lại trên trái đất này) đang rất mạnh, anh nhỉ. Hẳn anh đã tin rằng chủ nghĩa cộng sản trước sau gì rồi cũng thắng thế trên toàn thế giới, dù lúc ấy vẫn chưa phải là đa số. Dù là thiểu số, nhưng là xu thế của thời đại, nên với tư cách là một con người khôn ngoan có tầm nhìn xa, anh chọn con đường tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội để phát triển, để nhân dân anh không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để cho bọn tư bản nó bóc lột làm gì cho khổ.

Thật là không may cho anh, vì nếu anh chậm chậm đi một chút, ví dụ 20 năm sau, vào năm 1989, khi khối Đông Âu sụp đổ, thì có thể anh đã chọn một mô hình phát triển khác?

Hoặc nếu anh không phải là công dân Lybia, mà là … một người Mỹ (gốc Lybia), chẳng hạn, thì với tài trí như thế, và tố chất như thế, biết đâu anh chẳng làm đến tổng thống Mỹ, chưa biết chừng. Chứ gì nữa, các thử nhìn hình Gaddafi năm 27 tuổi, thậm chí 37 tuổi hoặc 47 tuổi mà xem. Anh ấy đẹp trai thế, hào hoa phong nhã thế; rồi cả những năm cuối đời của anh nữa, dù có lập dị như báo chí tư bản phản động nó nói, thì anh cũng rất sáng tạo, thực thế.

Ví dụ như chỉ riêng cái vụ sử dụng vệ sĩ nữ của anh thì cũng đủ biết là anh thông minh đến chừng nào rồi. Toàn những con người xinh đẹp, tài năng. Hình ảnh các nàng có thể xem ở đây này: http://www.funzug.com/index.php/miscellaneous/stylish-libyan-dictator-gaddafi.html. Người ta cứ nói anh kỳ dị, chứ thực là anh khôn lắm. Ai chẳng biết câu “nhi nữ tình trường, anh hùng chí đoản”, một khi các cô vệ sĩ mà đã thán phục và yêu kính anh rồi thì họ đương nhiên là thuộc về anh cả hồn lẫn xác. Khỏi cần ai nhắc nhở, họ cứ tự nguyện lăn xả ra mà bảo vệ anh thôi, như đã được chứng minh rồi đấy (một cô vệ sĩ của anh đã hy sinh khi lấy thân mình để che cho anh khi anh bị ám sát vào năm 1998).

Tất nhiên nếu làm tổng thống Mỹ thì có cái hạn chế là anh chỉ làm được tối đa có 2 nhiệm kỳ thôi. Và cũng không phải là nhiều quyền lắm, vì còn cái quốc hội ngồi chồm hổm ở trên nữa, quyết định điều gì cũng phải qua quốc hội, lằng nhằng lôi thôi quá. Rồi con cháu anh nữa, có muốn nhường quyền lại cũng không được, phải bầu bán lôi thôi, lại có thể không trúng cử. Phiền phức quá.

Nhưng nó cũng có mặt được, anh Gaddafi ạ. Anh có làm dở như ông Bush con kia kìa, làm cho nước Mỹ suýt sập tiệm đấy, thì rồi anh hết nhiệm kỳ, đẩy cục nợ sang cho Obama thì dân chúng sẽ quên anh đi, và … chửi Obama về những khó khăn mà Bush để lại cho ông ấy. Cũng … đỡ đấy chứ, anh nhỉ?

Mà quan trọng nhất là anh sẽ không có đủ thời gian để làm dân chúng oán ghét, căm giận như ngày nay. Để đến nỗi chúng giết anh, lạnh lùng, man rợ, tàn nhẫn, kích động, không một chút xót thương nào. Dân chúng gì mà tệ thế anh nhỉ. Tệ chẳng kém gì dân Do Thái bán đứng và đóng đinh vị tiên tri của mình là Jesus Christ ấy.

Càng nghĩ, càng thương anh quá, Gaddafi ạ. Thôi dù gì thì anh cũng đã chết mất rồi, mong cái chết của anh cũng là một tấm gương cho đời sau noi theo mà học hỏi.

Học cả những bài học thành công, cũng như những bài học thất bại của anh, anh Gaddafi nhỉ.

Rest in peace, anh Gaddafi ơi.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Không hiểu TQ nghĩ mình là gì của VN?

Mấy ngày nay tôi bận quá, vì đầu năm học, chuẩn bị cho sv mới vào trường, bao nhiêu là việc. Nên không viết gì mới, dù có nhiều điều muốn nói, đặc biệt từ hôm TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc về đến nay.

Nhưng hôm nay thì không “nhịn” được nữa, vì sáng ra đọc báo mạng thì thấy Trung Quốc đang phản ứng khá nóng nảy (nói theo ngôn ngữ bình dân của tôi là “lồng lộn”) với việc Việt Nam và Ấn Độ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Lồng lộn như thế nào? Theo trang anhbasam.wordpress.com, một tờ báo mạng (lề trái) được nhiều người đọc ở VN, thì trên tờ Hoàn cầu thời báo (Global Times) của Trung Quốc vừa đăng một bài viết có tựa là “Phải làm cho hợp tác Việt - Ấn phá sản!” Ai muốn đọc bài đó thì vào đọc ở đây này.

Các bạn đọc chưa? Nếu chưa thì nên đọc ngay các bạn ạ, lời lẽ của bài viết quá quắt lắm, không thể chấp nhận được. Chỉ cần đưa một vài ví dụ thôi, chắc chắn các bạn cũng sẽ bức xúc như tôi cho mà xem. Đây này:


Động cơ chính trị của sự hợp tác Ấn – Việt rất mạnh, sự chống trả bằng miệng của Trung Quốc sẽ không có tác dụng. Trung Quốc phải áp dụng hành động thực tế, để sự hợp tác Ấn – Việt này bị phá sản, hoặc phải gây ra thật nhiều sự rắc rối cho hai nước.

Nhưng … TQ là một nước xã hội chủ nghĩa anh em (hừm, nếu đã là anh em thì chắc chắn là TQ là anh, VN là em rồi?), một nước có quan hệ “núi liền núi, sông liền sông”, “môi hở răng lạnh”, “16 chữ vàng”, “4 tốt” cơ mà. Cớ sao lại có những lời lẽ lạ kỳ thế? Mà lại là ngay sau khi VN và TQ mới ký một văn bản gì đấy nhân dịp TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm TQ về cơ mà?

Văn bản ấy thậm chí đã được đăng nguyên văn trên các báo. Vì không phải là đảng viên phải nắm mọi văn bản, chỉ thị của đảng nên tôi không đọc một chữ nào cả, nhưng nghe mọi người bàn bạc, báo chí truyền hình nhắc đến liên tục mấy ngày qua, thì cũng biết một trong những nội dung chính của văn bản ấy là VN – TQ sẽ luôn luôn gìn giữ tình hữu nghị keo sơn gắn bó ấy và truyền lại cho đời đời con cháu mai sau, hình như thế (lời lẽ nguyên văn có thể không đúng).

Thế mà văn bản ký còn chưa ráo mực thì trên báo chí chính thống của TQ lại viết bài với lời lẽ như thế, là sao? Mà lại còn thế này nữa chứ:

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước Việt Nam đi thăm Trung Quốc và Ấn Độ gần như cùng lúc, ở Bắc Kinh thì vun đắp lại mối quan hệ với Trung Quốc, còn ở New Dehli thì lại ký bản hiệp định rõ ràng là chống lại Trung Quốc, hiện vẫn chưa thể xác định được xem, rốt cuộc thì đây là cách làm của “hai phe phái” của Việt Nam, hay là có sự bất đồng ý kiến về vấn đề cụ thể Nam Hải trong lãnh đạo cấp cao Việt Nam hay không.

Quả thực là lạ. Việt Nam là một nước độc lập (- tự do - hạnh phúc), có chủ quyền (không thể tranh cãi), thì tất nhiên là phải có quan hệ với nhiều nước khác. Mà VN thì muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới (tôi nhớ hình như đó là khẩu hiệu ngoại giao của VN thời mới mở cửa, có lẽ bây giờ vẫn còn đúng?), thì tất nhiên danh sách các nước trên thế giới đó ắt phải có Ấn Độ, Mỹ, Philippines, và nhiều nước khác nữa, chứ lẽ đâu chỉ có một mình TQ?

Nếu TQ là bạn tốt của VN (như các khẩu hiệu thường nói), thì điều đầu tiên TQ phải làm là tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của VN mới là đúng chứ nhỉ? Hay là TQ … nói dối về cái tình hữu nghị này? Dám lắm chứ? Thế thì … thực là nguy hiểm quá.

Nhưng tôi nghĩ lại rồi: chắc chắn là không phải như thế, vì chẳng lẽ Đảng và nhà nước ta cũng nói dối? Chắc chắn là không, đúng không nào?

Vậy tại sao hợp tác Việt – Ấn, rồi lại làm cho TQ giận dữ lồng lộn lên và viết những lời lẽ hằn học như thế nhỉ? Hay là trang anhbasam.wordpress.com đưa tin không đúng? Ừ, báo lề trái mà, biết đâu có tụi phản động ở trong đấy, phá hoại tình đoàn kết của 2 dân tộc, 2 nước XHCN anh em (hừ hừ, VN là em, TQ là anh, tôi chả khoái dzụ này chút nào cả!)

Để cho chắc chắn, tôi lên mạng tìm cái bài báo đó, nhưng không có cách nào vào được Global Times cả, vì bị “vạn lý tường lửa” (great firewall ấy mà). Nhưng cũng kiếm được một bài trên trang của Reuters, ở đây, nói về việc báo chí TQ phản đối quan hệ Việt - Ấn.

Không những thế, tuy không vào được sâu trong trang của Global Times, nhưng tôi cũng có thể đọc được một lô những tựa báo của TQ khi tìm trên google, và đọc được bản lưu trên google, ví dụ bài viết có cái tựa là “China MUST Crush Vietnam’s thuggish territorial provocation and wily ploys”, tạm dịch là “TQ phải đập tan/nghiền nát những hành động côn đồ khiêu khích lãnh thổ và những mưu đồ láu cá của VN”, được đăng trên tờ Global Times ngày 16/10, cách đây chỉ mới 4 ngày thôi.

Đọc vào bên trong, lời lẽ của nó còn làm cho tôi nóng máu hơn nhiều, các bạn ạ, thôi thì không đưa lên đây nữa kẻo phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung mà nhà nước ta đang cố gắng gìn giữ để truyền lại cho đời đời con cháu mai sau, trong đó có cả con cháu của tôi nữa. Cho nó đúng chủ trương, chính sách của nhà nước, mình là công dân tốt mà.

Chỉ có điều, dù là công dân tốt, và chấp hành chủ trương của nhà nước nên sẽ không nói gì thêm nữa, nhưng tôi không thể không tự hỏi mình: Với thái độ như vậy, không rõ Trung Quốc nghĩ mình là gì của Việt Nam ấy nhỉ? Là đồng chí, láng giềng, bạn, đối tác (đều tốt cả, như khẩu hiệu đã nêu), hay là anh (thì anh em XHCN với nhau), là thầy (thì về mặt chính trị, hiện nay VN cái gì chẳng giống TQ), hay thậm chí là cha mẹ – là mẫu quốc đối với thuộc quốc, giống như thời Bắc thuộc?

Hừm, không nghĩ nữa, kẻo lại bị các thế lực phản động chúng nó lợi dụng bây giờ!

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Mưa, và cà phê đắng ...

Mấy ngày nay Sài Gòn cứ mưa liên miên …

Ngày nhỏ, đối với tôi có hai loại mưa: mưa vui và mưa buồn. Mưa vui là mưa vào giữa mùa hè nóng bức, chợt đâu một vài đám mây đen kéo qua, trời tối xầm rồi nước ở đâu không rõ cứ tuôn như trút xuống. Mưa rơi lộp độp trên mái tôn, mới đầu thưa thớt vài hạt rồi nặng dần, rầm rập đổ xuống như cả một bầy ngựa đang phi nước kiệu. Nước từ những mái nhà chảy xuống thành hàng như một bức mành tạo bởi nước mưa trước hiên nhà, nước trong máng xối tóe ra xối xả như những vòi nước công cộng ai vặn ra rồi quên không khóa.

Rồi thì hẹn nhau hồi nào chẳng biết, bầy con trai trong xóm ở đâu bỗng túa ra, lưng trần, quần xà lỏn, giành nhau chúi đầu vào những máng xối nước mưa mát lạnh, cười giỡn vang trời, rồi thỉnh thoảng lại đuổi nhau, vật nhau, trượt chân ngã dúi dụi, rồi cãi nhau, chửi nhau, cả văng tục nữa, ỏm củ tỏi …

Đám con gái thì hiền lành hơn, chờ mưa to một lúc cho nước dâng lên đến thềm nhà thì bắt đầu thả thuyền giấy ra đầy sân. Những chiếc thuyền làm bằng giấy tập học trò xé ra từ vở cũ, gặp mưa một lúc thì mực tím, mực xanh nhoẹt nhòe, đôi khi những giọt nước mưa chảy xuống thấm mực tạo thành những hình thù kỳ lạ. Thuyền to, thuyền nhỏ, thuyền trung, dập dềnh sóng nước, trôi xa dần, xa dần … dường như chúng trôi đến bến bờ nào xa xôi lắm.

Mà dường như lần nào cũng như lần nấy, khi ngắm những chiếc thuyền giấy trôi một hồi là tôi lại bắt đầu mơ mơ màng màng, nghĩ tới những chân trời xa lạ, những đất nước xa xôi trong các chuyện cổ tích mà tôi đã đọc, những rừng thông xanh và những đồi tuyết trắng… Tôi mơ màng thấy mình là một kẻ lữ hành, một mình lang thang qua những thành phố xa lạ, qua những lâu đài cổ (giống như trong những hình vẽ của những cuốn truyện mà tôi đã đọc), rồi vì tò mò, rất muốn liều lĩnh mở đại cổng một ngôi nhà vắng chủ, lén bước vào để ngắm những bông tulip vàng và đỏ trong sân …

Bao giờ cũng vậy, câu chuyện dừng lại ở đó (vì trí tưởng tượng của tôi chỉ đi được đến đó), sau một hồi, thì mưa bỗng dứt, và tôi cũng tỉnh, cái nóng nực, bụi bặm đã bị cuốn sạch đi, trời quang mây tạnh, và những chiếc thuyền giấy đã đưa tôi đi xa trong giấc mộng của mình giờ đây mắc kẹt lại cả đám bên miệng cống. Rồi thế nào các bà già trong xóm lại cũng phải quét đi, vừa quét vừa chửi bọn trẻ con nghịch ngợm, không khéo lại nghẹt cống thì khổ …

Những trận mưa như vậy thường chỉ ngăn ngắn thôi, đâu chừng nửa tiếng rồi ngưng, sao mà vui thế. Còn mưa buồn? À, đó là những cơn mưa rất to với nhiều sấm sét, kéo dài đến cả vài tiếng đồng hồ. Mưa đều đều, nước cứ trút, trời thì tôi, trời chuyển từ nóng sang lạnh và ẩm ướt. Nước ngập đầy sân, cống nước tiêu không kịp, ngập cả vào nhà. Vào những ngày mưa như vậy, trời không có nắng, quần áo phơi chẳng kịp khô, có khi còn làm điện bị cúp (chẳng hiểu tại sao). Con hẻm nhà tôi ở có khi nước ngập đến vài ngày do cống nghẹt (có khi là do mấy cái thuyền giấy mà chúng tôi đã thả ra chơi), và mọi thứ bắt đầu trở nên nhem nhuốc, nhếch nhác.

Và, hình như thế, cứ mỗi lần mưa buồn ở SG vài trận như vậy, thì sau đó là tin về bão lụt miền Trung. Rồi đi học, thấy nhà trường kêu gọi quyên góp cho đồng bào miền Trung trong cảnh màn trời chiếu đất. Bọn trẻ con lại được có dịp bảo nhau về nhà xin quần áo cũ, tập vở … để nộp cho cô, cho trường “cứu trợ đồng bào miền Trung”. Hình như chẳng năm nào không có bão lụt như thế, báo chí, radio (chưa có TV, và tất nhiên là chưa có Internet!) đưa tin nghe thương lắm. Mình chỉ bị lội bì bõm nước mưa (hình như trộn cả nước công) mấy ngày, quần áo không khô được, đã khổ rồi. Huống chi miền Trung còn lũ lụt, đói kém, chết người. Còn trời thì cứ mưa, mưa mãi. Mưa buồn.

Đấy là chuyện mưa của cách đây mấy chục năm. Những gì tôi tả ở trên là trước năm 1975, tức lúc tôi còn học cấp hai. Tất cả đã xảy ra cách đây đến 40 năm rồi. Lâu quá rồi, chẳng hiểu tôi có còn nhớ đúng không nhỉ, hay là trí nhớ mình tự thêu dệt ra không biết chừng?

Bây giờ thì trời vẫn mưa, nhưng không còn giống như xưa nữa. Chẳng bao giờ còn thấy mưa vui. Mưa vui, hình như nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của tôi, hay một đứa con hoang của ký ức của tôi hay sao ấy. Vì nó đã hoàn toàn biến mất trên thực tế rồi. Rất nhiều năm nay tôi không sao tìm được những trận mưa vui như vậy ở SG nữa.

Chỉ có mưa buồn mà thôi. Mưa, và nghĩ ngay đến miền Trung. Năm ngoái, thủy điện xả lũ, chết người quá chừng chừng.. Ngay vào dịp “đại lễ” của Hà Nội – chẳng hiểu sao cũng trùng ngày quốc khánh TQ? Rồi còn có người chết vì điện giựt trong mưa nữa. Còn năm nay thì lũ ở ĐBSL, đã mấy chục người chết vì lũ lụt rồi. Ở cái vùng mà ngày xưa tôi vẫn nhớ cô giáo tôi hay bảo là “miền Nam mưa thuận gió hòa”. Miền Nam thì thế, còn miền Trung, với khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, rồi còn thủy điện khắp nơi nữa, chao ơi là lo …

Tự nhiên nhớ lung tung lộn xộn vài câu thơ về mưa của một nhà thơ tiền chiến nào đấy, quên rồi:

Mưa gì mưa hoài, lòng biết nhớ thương ai
… phí hoang thời trẻ dại
Mưa gì mưa mãi nào biết trách ai
… cảnh tượng buồn nơi quan tái.

Buồn của nhà thơ xưa đó, có buồn bằng bài thơ mưa hôm nay không nhỉ, của một nhà thơ nào đấy tôi tìm được trên mạng, trên một blog cá nhân ở đây: http://phamkong.blogspot.com/2011/10/nhuc-cho-nuoc-viet.html

Cà Phê Đắng…
Mưa bay từ Ải Nam Quan
Mưa qua Đông Hải, mưa sang chốn này
Mưa ơi, xin ở lại đây
Mong mưa trôi hết đắng cay nỗi đời.
Đâu đây xương máu vọng lời
Núi sông trả lại, biển khơi trả về
Tình trong hơi ấm cà phê
Dâng hồn chiến sĩ lời thề trả xong

Ngàn năm máu đổ thành sông
Xương xây thành núi tấm lòng hy sinh
Một lòng Tổ quốc quyết sinh
Bao gương trung liệt tử sinh quên mình.

Buồn trong hiu hắt một mình
Cà phê sao đắng chỉ mình ta thôi ?! …
----
Quê hương những ngày mưa bão

Minh Sơn Lê
.

Buồn quá, thôi thì viết vài giòng vơ vẩn để chia cái buồn với nhà thơ Minh Sơn Lê mà tôi không quen biết. Có hề gì, chỉ cần biết chúng ta cùng chia một nỗi buồn chung…

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Tranströmer và “điều bí ẩn diệu kỳ”

Bài đã đăng trên trang mạng của Tạp chí Tia Sáng, link: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=4475
-----
Chọn một người Thụy Điển để đề cử giải thưởng Nobel là một điều mà đất nước này thường cố tránh không làm, vì thận trọng. Nhưng giải thưởng Nobel Văn chương 2011 dành cho nhà thơ 80 tuổi người Thụy Điển Tomas Tranströmer hẳn đã thuyết phục cả những người khó tính nhất trong Hội đồng.

Và cho đến giờ cũng chưa hề có ai tỏ ra mảy may nghi ngờ về khả năng có sự thiên vị của Hội đồng dành cho nhà thơ người Thụy Điển tài năng này.

Đúng ra, ta còn có thể nghi ngờ rằng chính sự thận trọng của Hội đồng về những ứng viên quốc tịch Thụy Điển đã khiến Tomas Tranströmer phải chờ đợi mãi đến bây giờ. Robin Fulton, nhà thơ người Scotland đã dịch thơ của Tranströmer sang tiếng Anh, đã phát biểu: “Việc Tranströmer đoạt giải có thể ít nhiều đoán trước được – đây là sự đánh giá đối với công việc của cả đời người. Tranströmer đã quá nổi tiếng rồi, đến mức không còn một nhà thơ nào có thể nổi tiếng hơn thế. Có những tác giả trở nên nổi tiếng sau khi họ đoạt giải Nobel, nhưng Tranströmer thì đã nổi tiếng từ trước”, tờ Guardian (1) của Anh đã cho biết như vậy vào ngày 6/10/2011.

Nhận xét về thơ của Tranströmer, rõ ràng là không ai có thẩm quyền hơn Fulton, người vừa là một đồng nghiệp (Fulton cũng là một thi sĩ), vừa là dịch giả và tất nhiên cũng đồng thời là độc giả. Ngôn ngữ trong thơ của Tranströmer được Fulton nhận định là đơn giản, không cầu kỳ, khó dịch như một số nhà thơ khác. Nhưng hình ảnh trong thơ của ông lại luôn mưới mẻ, lạ lẫm, khiến người đọc hết sức bất ngờ và thậm chí còn làm cho họ choáng váng. Và theo Fulton, đó mới chính là điều mà độc giả đòi hỏi ở những nhà thơ.

Xin giới thiệu hai bài thơ dưới đây, được rút từ tập thơ đầu tay của Tranströmer có tựa 17 Dikter (tức “17 bài thơ”), xuất bản từ năm 1954. Bản tiếng Anh do Fulton dịch, được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu vào năm 1987 trong tuyển tập thơ có tên là The Great Enigma (Điều bí ẩn diệu kỳ).
---
The stones
The stones we threw I hear
Fall, glass-clear through the years. In the valley
The confused actions of the moment
Fly screeching from
Treetop to treetop, become silent
In thinner air than the present’s, glide
Like swallows from hilltop
To hilltop until they’ve
Reached the furthest plateaus
Along the frontier of being. There all
Our deeds fall
Glass-clear
With nowhere to fall to
But ourselves.

Những hòn đá
Những hòn đá chúng ta đã ném đi
Tháng năm qua vẫn còn đọng lại
Vụn vỡ tiếng thủy tinh rơi. Trên thung lũng này
Hành động sai lầm của thời điểm ấy
Vụt kêu the thé bay đi
Chao qua những ngọn cây, rồi ngưng bặt
Trong bầu khí mong manh như khói, chúng lướt qua
Như bầy én lượn qua những ngọn đồi
Đến những cao nguyên xa thẳm
Nằm dọc theo chân trời hiện hữu. Ở đó
Những hành động của chúng ta
Như thủy tinh
Vụn vỡ
Chẳng biết rớt vào đâu
Lại về cùng bản ngã.

(Phương Anh dịch từ bản tiếng Anh)

Cũng xin giới thiệu thêm bài dịch của Diễm Châu cho bài thơ The Stones mà tôi đã dịch là Những hòn đá ở trên. Bài thơ dịch này tôi tìm được trên trang của Nguyễn Trọng Tạo.

ĐÁ
Những tảng đá chúng ta đã ném tôi nghe rơi rơi,
trong như pha lê qua năm tháng. Dưới lòng thung
bay đi những việc làm hỗn độn của khoảnh khắc
kêu ré từ
đỉnh cây tới đỉnh cây. Trở thành câm nín
trong bầu khí loãng hơn của hiện tại, chúng lướt nhanh
như chim én qua hết ngọn núi này
tới ngọn núi khác, cho đến khi
tới mãi những vùng cao nguyên xa xôi nhất
ở mép lề cuộc sống. Rơi rơi
mọi hành động của chúng ta
trong như pha lê
không vào một đáy sâu nào hết
ngoại trừ ở bên trong chính chúng ta.

(Diễm Châu dịch từ bản tiếng Anh)
--

Context
Look at the grey tree. The sky has run
Through its fibres down in the earth –
Only a shrunk cloud is left when
The earth has drunk. Stolen space
Is twisted in pleats, twined
To greenery. – The brief moments
Of freedom rise in us, whirl
Through the Parcae and further.

Bối cảnh
Hãy nhìn cái cây màu xám. Bầu trời chạy xuyên
Qua các thớ gỗ xuống tận đất sâu –
Chỉ còn một đám mây tóp teo
Khi mặt đất đã uống đầy thuê thỏa.
Khoảng không bị đánh cắp
Vặn lại thành những đường gấp nếp
Rồi bung thành cành lá tốt tươi.
Những giây phút tự do ngắn ngủi
Vươn lên trong lòng ta, rồi tỏa ra
Cuồng xoay mãi đến Thiên cung vô tận.

(Phương Anh dịch từ bản tiếng Anh)

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

“Cái cây và bầu trời” (thơ Transtroemer): Một bản dịch khác

Trong entry trước, tôi có giới thiệu một bài thơ của Transtroemer đã được dịch sang tiếng Anh, và bản dịch tiếng Việt của tôi. Bài thơ ấy có tên là “Cái cây và bầu trời”.

Hôm nay, tình cờ đọc được một bản dịch khác của bài thơ này trên trang Nguyễn Trọng Tạo, dịch giả là Diễm Châu. Nhưng bản dịch ấy đã được dịch từ lâu, trước khi Transtroemer được giải Nobel. Có điều là tôi chưa đọc nó bao giờ cả.

Việc một bài thơ được chuyển dịch nhiều lần khác nhau sang một ngôn ngữ khác cũng là bình thường, và thậm chí thú vị. Vì ta có thể đọc và so sánh cách chuyển dịch bài thơ sang tiếng Việt, cách xử lý những chỗ khó dịch, và phong cách riêng của từng dịch giả.

Nên xin giới thiệu bản dịch khác ấy ở đây, cùng chép luôn cả bản dịch của tôi và bản tiếng Anh nữa, cho mọi người đọc, so sánh và … bình phẩm.

(Thực ra tôi còn dịch 2 bài khác nữa, và 1 trong hai bài dịch đó cũng có trên trang của NTT. Nhưng không đăng lên đây được vì đã gửi cho báo rồi, phải chờ họ sử dụng xong rồi mình mới được đăng lên. Nên các bạn đành chịu khó chờ vậy nhé).

Enjoy!
--
The Tree and the Sky

There’s a tree walking around in the rain,
it rushes past us in the pouring grey.
It has an errand. It gathers life
out of the rain like a blackbird in an orchard.
When the rain stops so does the tree.
There it is, quiet on clear nights
waiting as we do for the moment
when the snowflakes blossom in space.

Tomas Tranströmer, translated by Robin Fulton

Cái cây và bầu trời

Cái cây bước quanh trong cơn mưa
đi qua chúng ta trong màu xám ướt át.
Nó có một việc phải làm. Nó nhặt sự sống ra khỏi cơn mưa
như một con sáo trong vườn anh đào.

Khi mưa vừa dứt, cái cây cũng ngừng.
Nó chỉ đứng đó, không động đậy trong những đêm quang đãng,
chờ y như chúng ta chờ tới cái thời điểm đó
khi những bông tuyết tự quăng mình ra không gian.
(Diễm Châu dịch)

Cái cây và bầu trời

Một cái cây đi trong cơn mưa
Vội vã băng qua ta dưới bầu trời xám
Nó đang bận. Nó nhặt sự sống ra
Khỏi cơn mưa, như chú quạ đen trong vườn trái.

Cơn mưa tạnh, cái cây cùng đứng lại
Kia nó kìa, im ắng dưới trời đêm
Lặng lẽ chờ, như ta vẫn hằng mong
Bông tuyết trắng nở bung vào đêm tối.
(Phương Anh dịch)

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

"Điều bí ẩn diệu kỳ" của Tranströmer


“Điều bí ẩn diệu kỳ” là lời dịch của tôi cho cái tựa tiếng Anh của tập thơ nổi tiếng của nhà thơ 80 tuổi người Thụy Điển còn nổi tiếng hơn, vì vừa đoạt giải Nobel văn học 2011, Tomas Tranströmer. Cái tựa ấy là: The Great Enigma.

Nhưng điều bí ẩn trong cái tựa tập thơ ấy là gì nhỉ? Tôi không rõ, vì quả thật là trước khi có tin Tranströmer đoạt giải Nobel 2011, tôi chưa bao giờ nghe thấy tên nhà thơ ấy bao giờ. Nhưng vì bây giờ nghe tin đây là nhà thơ đoạt giải Nobel, với những lời khen rất kích thích trí tò mò, nên mặc dù tôi đang bận quá, nhưng cũng phải mò vào mạng tìm tòi một lúc, cho … biết với người ta.

Tranströmer được khen ra sao? Có một phát biểu về ông mà hầu như mọi tờ báo – cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt – đều nhắc đến, đó là “thông qua các hình ảnh cô đọng, trong vắt, ông đã cho chúng ta cách tiếp cận mới mẻ với hiện thực”. Đây là lời phát biểu của Peter Englund, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhận xét về nhà thơ được đoạt giải năm nay.

Nhận xét ấy đã được đăng trên tờ Huffinton Post, có thể tìm thấy ở đây.

Cũng trong bài viết trên tờ Huffington Post, theo Englund, những chủ đề mà ông thường đề cập đến là “cái chết, lịch sử, ký ức, và thiên nhiên. Nhất là về thiên nhiên”.

Thiên nhiên ư, thế thì hợp với tôi rồi. Không hiểu người khác thì thế nào, chứ với tôi, một mình với thiên nhiên – dù là sông, là biển, là núi, là thác, hay chỉ là cây cỏ, lá hoa – bất cứ cái hình ảnh nào của thiên nhiên cũng đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Cảm giác cô đơn và kính sợ khi đứng trước một vách núi cao. Cảm giác buồn buồn khi đứng trước một dòng sông lặng vào lúc chiều buông. Cảm giác tự do, khoảng khoát khi đứng trước bãi biển lúc bình minh, cùng mặt trời đang lên. Và luôn luôn là cảm giác bình yên, thân thuộc, an ủi khi nhìn vào những tán lá xanh um tươi tốt của những cánh rừng nhiệt đới.

Vậy thì phải đi tìm thơ của Tranströmer để đọc chứ, xem ông viết như thế nào. May mắn quá, tôi tìm được ba bài, hai bài đã dịch (vì cao hứng) và gửi đi, không đăng lên đây được (phải chờ cho báo đăng xong đã), nhưng vẫn còn một bài thứ ba, xin chia sẻ ở đây. Bản dịch tiếng Việt là của tôi.

Đọc đi các bạn ạ, để thấy lời nhận xét của Englund về thơ của ông hoàn toàn chính xác: Lời thơ cô đọng và trong vắt, hình ảnh thì mới mẻ và lạ lùng, giúp ta có những cảm nhận mới mẻ về thực tại.

Thơ, đó là sự cứu rỗi linh hồn của chúng ta, có ai đó đã nói như vậy thì phải. Rất đúng, phải không các bạn?

À, vậy thì "điều bí ẩn diệu kỳ" của chúng ta chính là thơ đấy. Nó cũng là “nơi trú ẩn của tôi” (“nơi trú ẩn của tôi/là thơ đấy” – mấy câu thơ con cóc của tôi ấy mà).

http://johnbakersblog.co.uk/two-poems-from-tomas-transtromer/
The Tree and the Sky

There’s a tree walking around in the rain,
it rushes past us in the pouring grey.
It has an errand. It gathers life
out of the rain like a blackbird in an orchard.
When the rain stops so does the tree.
There it is, quiet on clear nights
waiting as we do for the moment
when the snowflakes blossom in space.

Tomas Tranströmer, translated by Robin Fulton

Cái cây và bầu trời

Cái cây băng ngang tôi trong  cơn mưa
Vội vã đi dưới bầu trời đen xám
Nó bận bịu đi chắt chiu sự sống
Giữa trời mưa, như chú quạ trong vườn.

Cơn mưa tạnh, cái cây dừng đứng lại
Kia nó kìa, im ắng dưới trời đêm
Lặng lẽ chờ, như ta vẫn hằng mong
Bông tuyết trắng nở bung vào đêm tối.

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Đảng hay là nước?

Entry này xuất phát từ một tranh cãi nho nhỏ của bạn bè (người biết mặt, người không, người thân, người sơ) trên facebook. Đại khái, có một người nói rằng Hồ Chủ tịch đã dạy quân đội ta rằng phải “trung với Đảng, hiếu với dân”. Thế rồi có những người khác cãi, nói rằng cụ Hồ không có dạy như vậy, mà dạy là “trung với nước, hiếu với dân”.

Chỉ có thế thôi, thế là thành một cuộc tranh cãi. Mọi người ra sức chứng minh rằng mình đúng, và đi tìm nguồn dẫn chứng để cho “phe kia” thấy rằng mình đúng.

Tôi cũng tò mò muốn biết, vì tôi có nghe cả 2 phiên bản trung với Đảng và trung với nước. Mà này, các bạn chú ý, Đảng thì phải viết hoa nhé, vì người ta bảo, đấy là viết tắt của một tên riêng, tên "Đảng Cộng Sản VN”. Còn nước thì không thấy ai viết hoa bao giờ cả, mặc dù suy cho cùng thì nó cũng là một tên riêng, vì khi nói tôi yêu nước tức là thực ra đang nói một nước xác định, nước Việt Nam ấy. Và cả dân cũng thế chứ nhỉ, dân Việt Nam, chứ không phải, ví dụ, nước Tàu, dân Tàu đâu nhé.

Và kết cục là như thế này:

1. Bên ủng hộ “trung với Đảng” thì đưa ra dẫn chứng bằng bài viết trên trang web của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, link ở đây: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30234&cn_id=172539.

Trong phần đầu của bài đó, viết năm 2004, có viết rõ mồn một như sau (xin lỗi trích hơi dài tí, nhưng cần thiết, với lại lâu quá rồi tôi không học chính trị, nay cũng cần ôn lại tí):

Nâng cao phẩm chất, truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân”

15:04 | 17/12/2004

Được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện theo nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày đầu thành lập đến nay luôn mang trong mình bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, thể hiện sâu sắc tính nhân dân và tính dân tộc. Sáu mươi năm qua, quân đội luôn vững vàng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, hy sinh phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với vai trò công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trên mỗi chặng đường cách mạng, quân đội đã viết nên những trang sử vàng chói lọi, xây đắp nên những phẩm chất, truyền thống cách mạng vẻ vang, xứng đáng với lời ngợi khen của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Rõ rồi nhé, vì đây là bài viết đăng trên báo Đảng đàng hoàng, mà theo tiêu chuẩn VN thì cái gì Đảng nói ra là cũng phải đúng hết, thì “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng” mà lại. Chẳng gì thời đi học tôi cũng được 9 điểm môn Kinh tế chính trị, là người duy nhất đạt điểm này trong khi cả lớp thi lại đến 50% (ai không tin, cứ hỏi ở ĐH Tổng hợp năm học 80-81 ắt sẽ rõ, lúc ấy tôi học môn KTCT năm thứ ba đấy).

Thế nhưng phe kia cũng chẳng vừa. Họ cũng trưng ra bằng chứng, có hình chụp cụ Hồ nữa nhé, mặc dù link của họ thì không nặng ký bằng, vì không phải của Đảng hay Nhà nước gì ráo, mà hình như là của dân,
ở đây
: http://bee.net.vn/channel/1984/201105/Nhung-chuyen-it-biet-ve-Truong-Vo-bi-Tran-Quoc-Tuan-1800013/

Và phần mở đầu của bài viết (năm 2011) cũng rất oách, viết như vầy:
Những chuyện ít biết về Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn

23/05/2011 14:37:11

Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn - tiền thân của trường Sĩ quan Lục quân 1 (Đại học Trần Quốc Tuấn) – là đơn vị đầu tiên vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước hiếu với dân”. Nhân kỷ niệm 65 năm lễ khai giảng khóa 1 của ngôi trường đào tạo cán bộ chính quy đầu tiên của nước Việt Nam mới (26-5-1946 – 26-5-2011), xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về những chuyện ít biết của đơn vị này.

Không chỉ có thế, phe “bênh nước” (khác với phe “bênh Đảng”) còn đưa một link khác, trong đó có hình chụp lá cờ truyền thống với 6 (không phải 16) chữ vàng rõ mồn một chẳng lẫn vào đâu được, ấy là “trung với nước, hiếu với dân”, trên trang của nhà văn Trần Nhương ở đây này: http://trannhuong.com/news_detail/9347/TRUNG-V%C6%A0%CC%81I-N%C6%AF%C6%A0%CC%81C-HI%C3%8A%CC%81U-V%C6%A0%CC%81I-D%C3%82N.


Đến đây thì tôi thua. Đầu tôi giống hệt như cái máy tính bị nhận nhiều lệnh quá cùng một lúc, treo luôn.

Vì tôi không sao trả lời được những thắc mắc này: Nếu phe bênh Đảng mà đúng, thì hóa ra có người dám bịa ra chuyện Hồ Chủ tịch với lá cờ kia á? Có mà tù mọt gông đấy, dám bịa đặt thông tin liên quan vị lãnh tụ cao nhất, đáng tôn kính nhất, cha già của dân tộc cơ mà? Chắc là không có ai dám làm thế đâu.

Nhưng nếu phe ấy đúng, thì không lẽ phe kia sai? Cũng thế, ai dám sửa lời dạy của HCT, vị cha già kính yêu của dân tộc, người đã khai sinh ra quân đội nhân dân Việt Nam? Không lẽ lại còn có ai to hơn vị lãnh tụ vĩ đại mà cả nước đang cố gắng học tập theo gương à? Hay là … báo Đảng … sai - ấy quên, đánh máy nhầm? Lỗi tại anh đánh máy?

Không sao trả lời được, thực vậy. Nên đầu của tôi lúc này mới như máy tính bị treo, là như thế.

Có ai trả lời giúp tôi với, được không?

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Chụp ở Ấn Độ, tháng 3/2011

Ngồi dọn máy, tự nhiên tìm thấy một tấm hình chụp tôi đang phát biểu trong một hội nghị về chất lượng giáo dục tại Ấn Độ vào tháng 3/2011. Một chuyến đi … bão táp với rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, với một người đồng nghiệp nhỏ ở nơi mà giờ đây tôi đã rời xa. Đưa lên đây để lưu cho mình, hình ảnh của một thời.

Một thời để yêu và một thời để nhớ? (Cải lương quá nhỉ?)