Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

A, câu trả lời đây rồi! (Hình như vậy?)

Nhưng mà trả lời cái gì mới được chứ?

À, thì trả lời cho câu hỏi của tôi ấy mà. Chẳng là cách đây ít lâu, chính xác là vào ngày 29 tháng 8, tôi có viết loạt bài có tựa đề “Yêu nước như thế nào mới là đúng cách?”, trong đó tôi có câu kết đại khái rằng câu hỏi của tôi cho đến lúc ấy vẫn chưa có câu trả lời. Ít ra là đối với tôi.

Viết như vậy, là bởi vì quả thật hôm ấy tôi thực sự chưa tìm được câu trả lời cho phù hợp với hoàn cảnh và cá tính của mình – một bà già (hic!) đã “ngoại ngũ tuần” (tức là quá năm mươi tuổi ấy mà, phải dùng từ Hán-Việt thế để cho nó … phù hợp với thời đại 16 chữ vàng hiện nay), không có khả năng nhảy nhót trên sân khấu để thể hiện lòng yêu nước có tổ chức theo đúng kiểu ngày 21/8 người ta đã tổ chức tại Hà Nội cho các nam thanh nữ tú (lại tiếng Hán-Việt nữa này, để mà chào mừng sự kiện “đồng chí” Đới Bỉnh Quốc sang thăm VN chứ, mặc dù tôi không phải là đảng viên Đảng CSVN hay Đảng CSTQ gì ráo. Thì tôi thấy báo nhà nước dùng từ như thế mà lại).

Nhưng hôm nay thì tôi đọc được một bài viết đã đăng trên báo An Ninh Thủ Đô từ trước khi tôi viết loạt bài “yêu nước như thế nào …” của tôi. Mặc dù bài ấy viết trước bài của tôi, nhưng vì bây giờ tôi mới đọc (hic!) nên tôi cứ cảm thấy hình như tác giả của bài viết đã viết chỉ để trả lời cho câu hỏi của tôi thôi, thực thế.

Thì cái tựa như thế này đây, đúng là một sự “đáp trả” cho câu hỏi của tôi còn gì nữa? “Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách!” Các bạn xem ở đây này.

Tôi cũng vừa mới đọc, thậm chí đọc kỹ là khác. Và, mặc dù khả năng tiếp thu có thể còn hạn chế, nhưng tôi cũng cứ mạnh dạn chia sẻ ở đây những gì tôi hiểu được qua bài viết đó. Chắc chắn là sẽ có chỗ tôi hiểu sai, và cũng có chỗ chưa hiểu nổi thâm ý (tức là ý tứ sâu xa – lại tiếng Hán-Việt nữa đấy) của tác giả, và rất mong nhận được góp ý của các bạn để tôi có thể hiểu đúng hơn.

1. Lòng yêu nước không phải chỉ có thể thể hiện ra bên ngoài bằng cách biểu tình. Điều này được khẳng định ở cuối đoạn thứ hai (2) của bài viết, và tôi hoàn toàn đồng ý, không thắc mắc gì cả. Chẳng phải các cụ ta đã nói: “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” đó sao? Tất nhiên câu ấy có lẽ không nhằm vào việc biểu lộ lòng yêu nước, nhưng mà, tôi cũng có thể “suy rộng ra ...” chứ nhỉ?

2. Yêu nước là một việc của cả Đảng, Nhà nước, lẫn toàn dân chứ không phải của riêng ai. Ý này nằm ở phần đầu đoạn thứ bốn (4) của bài viết. Cũng vậy, tôi đồng ý hoàn toàn. (Ơ mà hình như đây cũng là ý được nêu trong một biểu ngữ của những người tụ tập tự phát để biểu tình chống TQ hay sao ấy nhỉ? Hóa ra là không hẹn mà hai bên gặp nhau ư? Nếu thế thì tốt lắm, vì “ý Đảng, lòng dân” đã nên một rồi, hay quá!)

3. Biểu hiện lòng yêu nước một cách tự phát có thể có tác dụng lúc này và phản tác dụng lúc khác. Tôi cũng đồng ý luôn, và hơn thế, còn hoàn toàn tin tưởng rằng nhà nước chắc chắn luôn biết rõ lúc nào có tác dụng lúc nào không.

Vậy, liệu tôi có thể suy đoán như thế này không nhỉ: Ban đầu nhà nước lờ đi cho người dân phản đối TQ để ... gây sức ép lên TQ chẳng hạn. Nên lúc đầu mới không cấm biểu tình. Nhưng sau đó, khi hai bên đã đạt được một số thỏa thuận nào đó mà nhà nước thấy rằng có lợi, với điều kiện là dân VN không được biểu tình nữa, thì nhà nước bèn cấm việc biểu tình. Cũng được thôi, chính trị mà.

Nhưng tôi có một câu hỏi nhỏ ở đây: những thỏa thuận có lợi ấy là gì, và có lợi cho ai? Tôi tin là phải có lợi cho đất nước VN, cho dân VN. Chỉ có điều, tại sao nhà nước không cho công bố những thỏa thuận này để dân an lòng một chút, khỏi phải biểu tình nữa, để đến nỗi nhà nước phải cho công an đàn áp, tạo thành scandal cho báo chí nước ngoài và các thế lực thù địch nó lợi dụng nhỉ?

Gì chứ trong những lúc như thế này, nhà nước cần phải tranh thủ sự ủng hộ của toàn dân chứ, nếu không thì chắc chắn kẻ thù sẽ lợi dụng cho mà xem (ngu gì mà không lợi dụng, phải không, ấy là bọn phản động nó nghĩ thế, chứ không phải tôi!)

4. Tụ tập đông người mà không xin phép là trái luật. Điều này được khẳng định trong các đoạn còn lại của bài viết, trừ đoạn cuối là phần kết luận.

Luật thì đúng là đã có, và tôi chẳng bao giờ có ý định làm trái luật cả. Nhưng riêng đoạn này thì tôi chưa đồng ý, dù rằng vẫn giữ nguyên vẹn niềm tin đối với nhà nước. Vì tụ tập đông người là thế nào nhỉ? Ví dụ như hôm tôi đi Đà Lạt chơi nhân dịp lễ vừa qua, buổi tối thấy ở khu phố đi bộ có biểu diễn văn nghệ (sân khấu ngoài trời), số người qua đường tự phát dừng lại xem cũng vài chục người, đâu cũng bằng số người tôi thấy hôm 17/7. Gia đình tôi đi ngang đấy cũng đứng lại một lúc, mà gia đình tôi đã 4 người rồi, lại thêm một người bạn là 5. Như vậy, 5 người chúng tôi đứng lại “tự phát” xem văn nghệ, liệu có phải là tụ tập trái phép không, vì chưa xin phép?

5. Đoạn kết luận, theo tôi là đoạn hay nhất, và cũng rõ ràng, dễ hiểu nhất trong bài: Dân Việt ai cũng yêu nước, và những lúc như thế này (nhưng như thế này là như thế nào?) thì cần phải đoàn kết, chứ đừng để bất cứ ai lợi dụng gây chia rẽ, mất đoàn kết, vì như thế sẽ làm cho ta suy yếu đi.

Và tất nhiên đoạn này thì tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng vẫn có một thắc mắc: tôi thấy hình như đài truyền hình Hà Nội và một số báo, kể cả tờ ANTĐ, dường như cũng vô tình gây ra sự mất đoàn kết trong dân chúng đấy. Chứ gì nữa, bây giờ đâm ra những người yêu nước theo kiểu “biểu tình” (mà có lúc cũng đã phát huy tác dụng, xem ý thứ ba ở trên) thì giờ đây đã bị báo lề phải làm cho mọi người nhìn bằng con mắt ngờ vực như những người phản động.

Nhưng phản động mà lại dám xúi giục người khác và cả mình nữa, chường mặt ra một cách công khai để cho nhà nước dễ dàng cho công an hốt đi, chỉ với mục đích phản đối việc TQ xâm lược VN sao? Còn tôi, thì tôi đã từng nghe có những người nói như thế này cơ, xin thề có chúa: “Cầu cho TQ đánh VN đi, cho chết! Hai nước XHCN anh em cơ đấy!”

Những người như vậy, họ không hề đi biểu tình, cũng không hề căm phẫn về việc TQ có xung đột với VN. Chính những người này tôi mới thấy là phản động. Nhưng hình như không thấy ai đụng chạm gì đến họ cả?

Và cuối cùng, sau khi đọc xong bài viết thì tôi vẫn chưa có câu trả lời về việc có thể biểu hiện lòng yêu nước như thế nào, ngoài việc không được biểu tình.

Ô, thế ra biểu hiện lòng yêu nước bây giờ khó đến vậy hay sao?

7 nhận xét:

  1. YEU NUOC SAO MA KHO KHAN PHUC TAP QUA VAY NHI. NHUNG TUONG RANG YEU NUOC LA THU TINH YEU DON GIAN VA DE DANG NHAT TRONG CAC LOAI TINH YEU. THE MA BAY GIO BAO CHI VA NHA NUOC PHAN TICH THE NAO MA LAI ROI LEN THAY CON KHO KHAN DANG VAC HON LA YEU KE NGOAI TINH....xIN LOI DANG O CHO MAY KHONG CO FONT CHU VIET

    Trả lờiXóa
  2. Yêu nước nhất định là khó khăn, gian khổ chứ còn gì nữa. Chẳng hạn Anh Chênh rất muốn viết còm bằng tiếng Việt có dấu, để thể hiện lòng quý trọng tiếng Việt, thế mà có được đâu!

    Trả lờiXóa
  3. Yêu Xã Hội Chủ Nghĩa và Yêu Đảng tức là Yêu Nuớc đấy.

    Dễ chán đi thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Nếu nhà nước không cho dân mình hô khẩu hiệu phản đối Trung Quốc thì đành hô khẩu hiệu ủng hộ vậy.

    -Ủng hộ các đồng chí hải tặc Trung Quốc giết ngư dân Việt Nam hoặc bắt cóc họ đòi tiền chuộc.
    -Ủng hộ Đảng ta và nhà nước ta nhắm mắt làm ngơ cho các đồng chí nước lạ xâm chiếm vùng biển nước ta.
    - Ủng hộ nhà nước ta đàn áp dân ta chỉ vì sợ Đảng nước lạ giận.
    Tổ quốc Việt Nam muôn năm!!!

    Chao ôi, bây giờ còn hô được 2 tiếng Việt Nam thì phải tranh thủ hô đi, chứ sau này lỡ như biến thành một phần của nước lạ ai mà hô như vậy chắc bị cắt lưỡi mất thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Cái câu này thuộc thể loại muôn thuở rồi

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.