NHƯ BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT...
Tôi vốn thích văn của nhà văn PTH, một cây bút độc đáo với giọng văn rất riêng: Sắc sảo, thông minh, nhiều khi gai góc, đôi khi mỉa mai đến độ cay độc. Đặc biệt, chị luôn có những góc nhìn khác lạ, và đánh rất trúng không nhân nhượng vào những vấn đề cần phê phán.
Nhưng bài viết về bánh chưng mới đây của PTH - mà hiện đang làm dậy sóng dư luận, người khen cũng có nhưng dường như gạch đá còn nhiều hơn gấp bội - thì quả tình chính tôi, người hâm mộ tài văn chương của PTH, cũng không thích.
Tất nhiên tôi hiểu ý tứ của tác giả, vốn không nhắm đến việc đả phá bánh chưng (có lẽ đó chỉ là một cái cớ) cho bằng lên án một số tật xấu của người Việt. Dân ta có tật "sống và làm theo" những lời dạy bảo của các thế hệ trước, hoặc bắt chước đám đông "ai sao mình vậy", hoàn toàn thiếu tư duy phản biện (và tự phản biện).
Ngoài ra, tôi cũng đồng tình phần nào về những cái "dở" của bánh chưng mà chị PTH đã chỉ ra. Quả tình, đó đúng là món ăn của một dân tộc có một thời gian dài triền miên thiếu đói: "mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết/ để được ăn cơm no có thịt..." (thơ Nhân văn - Giai phẩm).
Nhưng xét theo một thước đo nào đó, rõ ràng nó là một món ăn khá hoàn hảo: cung cấp đủ năng lượng như một bữa ăn nhanh cho một gia đình đông đúc, 3 thế hệ chung sống với nhau. Hơn nữa, nó còn giữ được lâu trong điều kiện không có tủ lạnh - rất tiện khi có khách đến bất chợt không phải lúng túng vì không có gì để mời khách.
Có thể chỉ cần chừng một thế hệ nữa, khi cuộc sống sung túc hơn, người Việt sẽ không còn thích bánh chưng. Có thể ngay lúc này đây cũng đã có nhiều người trẻ VN không còn thích (và không ăn) bánh chưng. Bởi một món ăn được xem là ngon hay không thì không phải cứ có truyền thống hoặc được mọi người ca ngợi, hay xem là "thiêng liêng" là sẽ được thực khách thấy ngon và thích ăn.
(Điều này, ai đã từng có thời gian sinh sống ở nước ngoài sẽ thấy rõ. Nhiều món ăn mà Tây khen ngon hoặc xem là truyền thống, người Việt có thích thú gì đâu.)
Bánh chưng rồi cũng sẽ chỉ là một trong nhiều lựa chọn của ngày Tết. Thực ra đối với gia đình tôi, nó đã là, từ nhiều năm nay - đơn giản chỉ vì bây giờ gia đình còn ít người quá, mà bánh chưng thì, theo truyền thống, lại to quá. Bóc một cái ra thì không thể nào ăn hết.
Nhưng bánh chưng tự nó không có tội gì cả, cho dù nó có thể là sản phẩm của một thời nghèo đói. Vì nghèo đói - và cả dốt nát nữa, vốn là hệ quả của nghèo đói - thì không phải là một cái tội. Khi hoàn cảnh thay đổi, người ta sẽ tự khắc thay đổi thôi. Vấn đề là làm sao để người ta có được hoàn cảnh sống tốt hơn.
Nếu bài viết về bánh chưng của nhà văn PTH là nhắm đến mục đích phê phán những gì cản trở việc cải thiện hoàn cảnh sống của người Việt, thì tôi không có ý kiến gì, thậm chí còn ủng hộ nữa.
Nhưng nếu bánh chưng là đối tượng mà PTH đang phê phán - dù, xin nhắc lại, không phải là không có phần đúng - thì tôi thấy bài viết này của tác giả nghe có vẻ ... ác ác (?). Nó làm tôi nghĩ đến cảm giác của một đứa bé con nhà nghèo học chung với bạn bè khá giả, hàng ngày mang lon cơm đạm bạc theo để ăn trưa và bị bạn bè nhìn chòng chọc vào rồi chê bai, dè bỉu vì "nó ăn cái gì lạ quá, chẳng giống ai."
Nhiều người phản ứng khi đọc bài viết, có lẽ là điều dễ hiểu.
(Well, có lẽ chính tôi đang cảm tính chăng? Biết đâu trong thâm tâm tôi cũng đã từng yêu mến Lang Liêu qua câu truyện truyền thuyết mà tôi đã nghe từ nhỏ - một cái tuổi rất dễ bị ấn tượng (impressionable)? Hay biết đâu trong thâm tâm tôi cũng xem bánh chưng là một cái gì "thiêng liêng" nên giờ đây ấm ức vì bị "giải thiêng" - dù chính tôi cũng không ý thức điều này? Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết, khác với nhiều bài viết khác của PTH - một nhà văn tôi yêu thích - tôi đọc bài về bánh chưng mà chẳng thích chút nào.)
Nhân tiện, bánh chưng ở nhà tôi đã hết từ ngày hôm qua rồi. Nhà có 4 người lớn mà tôi chỉ mua có đúng 2 cái, một cái bóc vào sáng mùng 1 mà phải cất vào tủ lạnh, ăn 2 ngày mới hết. Cái còn lại bóc vào sáng mùng 3 nhưng không ai đụng đến. "Dửng dừng dưng như bánh chưng ngày Tết" mà lại.
Cái bánh đã bóc được cất nguyên vào tủ lạnh, đến sáng mùng 4 lại lấy ra và được chiên lên để ăn. Ăn một miếng thấy cũng ngon ngon, dù quả là nặng bụng. Thế là đã giải quyết xong, không bị thiu mốc rồi bỏ đi, như đã từng..... May quá!
Nhưng tôi tin chắc chắn đến Tết năm sau, trong nhà tôi lại có tối thiểu là một cặp bánh chưng nữa. Thì, tôi là người Việt Nam mà...
------
Bài của Phạm Thị Hoài ở đây: https://www.facebook.com/procontra.asia/posts/10227150054434013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.