Mọi người xôn xao nhiều quá về Trịnh Công sơn và Khánh Ly.
Tôi nghĩ trường hợp này cũng giống như một số nhân vật nổi tiếng khác của Việt Nam, có liên quan tới cuộc nội chiến khốc kiệt kéo dài chỉ hơn 20 năm và đã trôi qua gần 50 năm rồi.
Là một nhân chứng đã sinh ra và lớn lên trong lòng cuộc nội chiến hơn 20 năm ấy, tôi cho rằng mình cũng tạm đủ hiểu và đủ trải nghiệm về nó để có thể góp vài lời. Dù lúc ấy tôi cũng chỉ là một đứa trẻ con, không quá nhỏ đến nỗi ngu ngơ không biết gì, nhưng cũng không thể gọi là đã thực sự trưởng thành. Vì khi cuộc chiến ấy tàn thì tôi chỉ mới 15 tuổi.
Và ý kiến của tôi dưới đây:
1. Những ca khúc về tình yêu của Trịnh Công Sơn dù khá nhiều và cũng khá hay: ý tứ dễ thương, ca từ mới mẻ, nhạc điệu khá đơn giản dễ nhớ dễ hát, nhưng thực sự tôi không hề quan tâm và không cho rằng nó đã làm nên tên tuổi của TCS. Vì bên cạnh nó còn có nhiều tên tuổi khác, mỗi người đều có nét đặc sắc riêng: Ngô Thụy Miên - Cung Tiến - Vũ Thành An - Lê Uyên Phương... và còn nhiều, nhiều nữa.
2. Chính những bài hát về thân phận của người Việt Nam trong cuộc nội chiến khốc liệt mới làm nên tên tuổi của cặp nhạc sĩ, ca sĩ ấy. Những bài hát trong tập Ca khúc da vàng thực sự chạm đến trái tim của người Việt hai miền - không chỉ là người trẻ ở tuổi đôi mươi, mà ngay cả bố mẹ tôi, lúc ấy ở tuổi 30-40 cũng rất mê. Bởi chúng chạm vào nỗi niềm và lột tả thân phận của con dân nước Việt - một đất nước nhược tiểu đang oằn mình trong một cuộc nội chiến điêu tàn.
Những câu hát, những hình ảnh như thế này, ai mà cầm lòng được:
Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người
Tôi đã thấy trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn...
Tôi đã thấy trong khu vườn một người mẹ ôm xác đứa con
Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh, chị vỗ tay hoan hô hòa bình...
Một ngày mùa đông hai bên là rừng
Một chuyến xe tang trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần thịt da nát tan...
Ghế đá công viên dời ra thành phố
Người già co ro nằm im tiếng thở
Từng bàn chân quen chạy ra phố chợ
Em bé lõa lồ suốt đời lang thang...
Ôi quê hương đã lầm than
Sao còn chiến tranh
Mẹ già hết chờ mong, đã ngủ yên
Buông lời ru cho hư không
Buông bàn tay con đi hoang
Con đi hoang một đời
Con đi hoang phận người...
Ai có nghe tiếng nói người Việt Nam?
Chỉ mong hòa bình
Sau đêm tăm tối chỉ mong một ngày
Tay ấm trong tay...
3. Tài năng của Trịnh Công Sơn chính là ở chỗ này. Và sự nổi tiếng của Khánh Ly, với chất giọng trời cho rất phù hợp với các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, cũng có yếu tố may mắn vì nó tìm được tình thế "thiên thời, địa lợi" của thời cuộc lúc ấy.
4. Tài năng được thể hiện qua các tác phẩm của TCS cũng như phần biểu diễn của KL cần được đánh giá độc lập với các chế độ mà họ sinh sống, hoặc những cách ứng xử của họ dưới mỗi thời. Mỗi chế độ và mỗi thời đại sẽ cho phép hoặc đòi hỏi một cách hành xử khác nhau. Chế độ nào tốt, xấu ra sao - và cần được đánh giá theo những tiêu chuẩn - nào thì đã quá rõ. Và ai đứng về phe nào thì không hẳn đã hoàn toàn do họ chọn mà còn do sự đẩy đưa của hoàn cảnh. Cần gì phải cố tình tìm cho bằng được những chi tiết nọ kia trong cuộc đời của họ để phê phán, mà mục đích cuối cùng hình như vẫn là "ai thắng ai" hoặc "ai đúng, ai sai"?
5. Trịnh Công Sơn giờ cũng đã mất trên 20 năm rồi - bằng thời gian của cuộc nội chiến. Khánh Ly giờ cũng đã gần 80 tuổi, và đã sống xa Việt Nam với một thời gian gấp đôi thời gian của cuộc nội chiến đó rồi. Chúng ta không thể tôn trọng họ với tất cả lựa chọn và sự khác biệt trong quan điểm sống, trong hành động và trong lời nói được ư?
Vậy thì xin kết bài này bằng những lời gửi gắm cùng những câu hỏi da diết của chính Trịnh Công Sơn, mà qua nửa thế kỷ vẫn còn nguyên ý nghĩa:
------
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...
Để gió cuốn đi.
Hôm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui?
Nơi đây tôi chờ, nơi kìa anh chờ
Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù
Chờ tim người không còn nuôi những hờn căm...
Chờ lúa thơm lên dưới những bàn tay dân mình...
Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà...
Chờ nhìn quê hương sáng chói...
Lại gần gần lại với nhau
Ngồi gần nhau hơn ngồi kề bên nhau
Đừng bỏ tôi đi bao nhiêu năm rồi
Còn gì cho anh, còn gì cho em
Còn gì cho nhau?
Không còn gì, còn lại trái tim.
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây?
Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời
Hay mình đã lạc loài?
------
Và cuối cùng, câu hát có lẽ sẽ còn đúng trong nhiều năm nữa:
Gia tài của mẹ để lại cho con... Là nước Việt buồn.
Các bạn nhỉ?