Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Viết cho tháng tư (1): Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn ...

Có lẽ trong cuộc đời, ai cũng có những phút giây như đông cứng lại trong ký ức. Ví dụ mà người ta hay nhắc tới trong văn học là nụ hôn đầu tiên hoặc lời tỏ tình (đầu tiên hoặc duy nhất, tùy người), hoặc cái chết của người thân. Hoặc giây phút được xướng tên trên bảng vàng trong một cuộc thi đầy cạnh tranh nào đó ...

Những giây phút đó, tôi cũng có, nhưng chỉ thoáng qua, chứ không quá đậm đặc. Đậm đặc hơn với tôi, không phải là một giây phút, mà là hẳn một năm học. Năm tôi học lớp 9 trường Gia Long, khi tôi 15 tuổi.

Năm ấy, là năm 1975 - nói đúng hơn là năm học 1974-1975. Cuộc chiến đã đến hồi kết thúc, nhưng đó là với những người lớn, như cha tôi, các chú các bác của tôi, hoặc lớp bạn bè của người chị lớn của tôi, năm ấy đang học năm đầu đại học. Còn với tôi, khoảng đầu của năm học ấy sao mà đẹp! Đơn giản là vì tôi ý thức được mình đã lớn, hoặc đúng hơn là được xem như người lớn. Lớn rồi, có trách nhiệm rồi, vui lắm chứ!

Trường Gia Long (giờ là Nguyễn Thị Minh Khai) hồi ấy chia làm lớp sáng và lớp chiều, buổi sáng dành cho các chị từ lớp 9 đến lớp 12, còn buổi chiều dành cho các em từ lớp 6 đến lớp 8. Năm 1974-1975, tôi bắt đầu vào lớp 9, chuyển từ lớp các em sang lớp các chị, đi học vào buổi sáng, thấy sinh hoạt của buổi sáng khác hẳn buổi chiều. Lúc trước, khi còn là các em thì được chăn dắt kỹ lưỡng, mọi việc do thầy cô, nhà trường, giám thị giám học chỉ dẫn, điều khiển, mình chỉ việc làm theo. Bây giờ, lên buổi sáng thấy các chị chủ động làm nhiều thứ, nào là tổ chức làm báo xuân, in báo bán báo và nhiều hoạt dộng xã hội khác, rồi tổ chức văn nghệ văn gừng bán vé gây quỹ Mùa Xuân chiến sĩ ....Tôi thấy mình trưởng thành và quan trọng lắm. Sắp sửa vào trung học đệ nhị cấp (giờ là trung học phổ thông, trước đây gọi là cấp 3), sắp phải chọn phân ban, rồi thi tú tài, rồi chọn nghề nghiệp tương lai ... Quan trọng lắm chứ, và háo hức biết bao.

Hồi ấy, tôi yêu văn chương, và định bụng sẽ theo nghiệp văn chương, viết lách. Tôi thích thơ, và thuộc không biết bao nhiêu là thơ của các tác giả tiền chiến. Hay một điều là tôi không bao giờ cần học các bài thơ này, chỉ đọc qua một lần, thấy thích thì chép (chép tay) xuống vở, rồi cứ thế mà thuộc, từng đoạn hoặc cả bài. Thời ấy không phải như bây giờ, cứ cần gì thì lên "gúc" xuống, mà phải mượn sách báo trong thư viện rồi chuyền tay nhau mà chép ra. Hồi ấy vì chỉ mới 14, 15 tuổi nên tôi chưa có ý thức như hiện nay, đọc gì thấy thích là chép xuống mà không thèm nhớ nó thuộc bài thơ nào, tác giả là ai, viết lúc nào, đăng ở đâu. Nên tới giờ, tôi vẫn còn nhớ một số câu thơ rất hay mà không biết tác giả, có lẽ vì đó cũng chỉ là các tác giả trẻ mới nổi, rất có thể là các anh lính, các chị sinh viên, viết nghiệp dư, tài tử chơi chơi, nhưng quả thật là có những câu thơ để đời ...

Như đoạn thơ mà tôi hay nhắc: Em còn yêu vô cùng/ những bóng cây bên đường/ Mỗi bóng cây như mỗi đời chúng ta/ có bao giờ giống nhau/ Từ những cây thẳng đứng vươn cao/ đến những cây cằn cỗi / Những hoa lá rì rào / những cây đong sầu muôn nỗi .... Thích lắm, lúc nào cũng nhắc, mà tôi không thể tìm được tác giả là ai hoặc tên bài thơ ấy là gì, khổ!

Trong vô số những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ tôi thuộc hồi ấy, có bài thơ về học trò, đại khái cái gì mà "thời thơ bé tuổi mười lăm" và kết thúc với đoạn thơ này:

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ 
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ 

Chỉ thuộc đúng 4 câu vậy thôi, tôi cũng chẳng rõ là của ai. Well, ở cái thời đại "cái gì không biết thì tra gúc gồ" này, tôi cũng vừa gúc đoạn thơ ấy, và biết nó là bài thơ có tựa là "Học sinh" của Huy Cận, một bài thơ khá dài và khá dễ thương, có thể đọc ở đây: http://isach.info/poem.php?poem=hoc_sinh__huy_can, với 4 câu đầu tiên như thế này:

Gió thổi sân trường chiều chủ nhật
- Ôi! Thời thơ bé tuổi mười lăm
Nắng hoe rải nhặt hoa trên đất
Đời dịu vừa như nguyệt trước rằm.

Vâng tôi thích bài ấy là đúng rồi, vì năm ấy tôi vừa 15 tuổi, và vừa cảm thấy mình bắt đầu lớn, vì đã lên lớp đàn chị trong trường Gia Long rồi.  Tôi cũng thấy mình mới đó mà vụt lớn ....

Ấy là cái Noel cuối cùng, và cái tết cuối cùng của thời VNCH. Chiến sự ngoài kia vẫn khốc liệt - phải nói là ngày càng khốc liệt - nhưng trong học đường thì vẫn vô cùng êm ả. Dường như cuộc chiến ngoài kia không liên quan đến chúng tôi; thầy cô vẫn nhắc đến nó, chúng tôi được nghe cụm từ "chiến tranh ý thức hệ", vẫn nghe tin chiến sự hàng ngày, vẫn thấy những cáo phó, vẫn nghe những bài hát thật thảm thương "Em hỏi anh bao giờ trở lại/ xin trả lời mai mốt anh về/... Anh trở về có thể bằng chiến Pleime/ hay Đức Cơ Đồng Xoài Bình Giã/ ... Anh trở về hòm gỗ cài hoa/ Anh trở về trên chiếc băng-ca/ Trên trực thăng hoen màu tang trắng ..." Vậy mà đời học sinh của tôi, của bọn  tôi, sao vẫn êm ả đến thế, êm ả đến đáng trách, thật vậy!

Không, thực ra, trong cái êm ả, cái mơ mộng của tuổi 15, của thời học sinh đẹp như hoa ấy, vẫn lảng vảng bóng dáng chiến tranh và bóng đen của thần chết. Tôi nhớ năm ấy, ở tuổi 15 của mình, tôi có làm 2 bài thơ, một bài lục bát có tựa là Sinh nhật, tôi viết một người bạn có sinh nhật vào tháng 4, và bài kia viết cho em trai út, tựa là Cho em, chỉ có 4 câu thơ 6 chữ. Như thế này:

Sinh nhật
Mười lăm ngọn nến lung linh
Là mười lăm tuổi đời mình vừa sang
Chiêm bao chợt đến nhẹ nhàng
Mới hay vừa lớn buồn mang vào lòng
Có còn in dấu mắt trong
Của ngày thân ái, màu hồng thơ ngây?
Ưu tư nay đã đong đầy

Ôi thời thơ ấu giờ đây qua rồi ....

Cho em
Ru em ngủ giấc yên lành
Như màu lá mới còn xanh
Một mai rồi em khôn lớn
Xin đừng cho thấy chiến tranh ....

Giọng thơ buồn buồn, có phải không? Và hiền lành quá, đời thường quá, "tiểu tư sản" quá!!!! Bởi, chỉ vài tháng nữa thôi là tôi sẽ tiếp cận với một nền văn hóa khác, những bài thơ, bài hát khác, hoàn toàn khác.

Vâng, sau cái Tết năm ấy (tôi nhớ là năm Mão, không rõ là cái gì Mão, chỉ nhớ người ta đoán non đoán già về số phận Tổng thống Thiệu, cho rằng ông sẽ thất bại vì ông tuổi Tý, đại khái thế) thì mọi việc đến rất nhanh. Số phận như ập đến, VNCH thất thủ, bố mẹ tôi lạc mất hai người con đầu tiên, và tôi trở thành đứa con đầu (trong tử vi bảo là "đoạt trưởng"), cùng mẹ tôi đương đầu với cuộc sống mới, vô cùng lạ lẫm, vô cùng khó khăn .... Nhưng đó là một câu chuyện dài khác.

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn. Vâng, sau 30/4, tôi thấy tôi vụt lớn. Và cả những bạn bè của tôi thời ấy nữa. Những đứa trẻ mới hôm trước còn cột vạt áo dài lại để chạy chơi u trong sân trường, giờ bỗng đăm chiêu nghiêm nghị, hoặc lo lắng nhớn nhác (như mất sổ gạo - là sau này tôi mới biết cái thành ngữ ấy, chứ năm 75 thì bọn tôi chưa biết). Tôi nhớ, lần đầu tiên sau những ngày binh lửa vào đến tận SG (ngắn thôi, chỉ vài ngày, may mà trận chiến không kéo dài hơn nữa), chúng tôi gặp nhau ở sân trường vào một đêm đầu tháng 5, do trường triệu tập bọn tôi vào để làm mít-tinh (lần đầu nghe từ này) chào mừng ngày chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5 (cũng là lần đầu tiên tôi nghe về ngày này).

Tôi vẫn nhớ, hôm ấy có rất ít học sinh đến dự; tôi chỉ gặp được một người bạn cùng lớp là Bích Phương,  là người không cùng nhóm bạn nhỏ của tôi (hồi ấy chúng tôi hay chơi nhóm bạn 2, 3 hoặc 4 đứa; những đứa bạn thuộc nhóm tôi chẳng ai đến, sau này mới biết chúng đi di tản cả rồi). Gặp nhau, hỏi thăm có biết đứa này đứa kia ra sao không, còn ở nhà hay di tản rồi, còn sống không vv... Rồi tự nhiên cô bạn BP (một cô bé rất nhỏ con, cắt tóc tém, ngày thường tinh nghịch lí lắc như con trai) bỗng nói một câu làm tôi sững sờ vì nó quá "người lớn" (nói theo ngôn ngữ hiện nay là "già chát"):

- Tao nghĩ bọn mình cũng phải thức thời thôi, không có cách nào khác!

Tôi im lặng không nói gì vì thật ra không biết nói gì. Nhưng tôi tin chắc câu nói ấy chỉ là lời lặp lại những gì người lớn đã nói. Trong óc tôi vụt hiện ra những buổi nói chuyện thì thầm nghiêm trọng giữa bố mẹ tôi trong những ngày ấy - những ngày hoang tàn của một cuộc chiến vừa kết thúc, với một tương lai vô định phía trước, một đám con thơ, những người họ hàng vừa đoàn tụ, và những đứa con bị lạc mất.

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn .... Câu thơ rất dịu hiền mơ mộng ấy ám vào tôi, vào lứa tuổi của bọn tôi, vì chúng tôi bị ép phải vụt lớn. Nhưng không phải theo cách mơ mộng êm ả của bài thơ của Huy Cận, một bài thơ mà có lẽ tác giả của nó cũng không còn nhớ hoặc không dám nhớ. Chúng tôi lớn, như những trái non bị chín ép. Thế hệ của chúng tôi, những đứa bé 14, 15 tuổi chưa kịp xong tuổi thơ (tôi còn chưa đủ 15 tuổi vì sinh nhật của đến cuối tháng 8) bỗng thấy mình đối diện với đổi tiền, với những bài học chính trị về sự đối đầu giữa 2 khối tư bản và xã hội chủ nghĩa, với cuộc đấu tranh gay gắt "ai thắng ai" mà sự tất thắng đương nhiên là ở phe xã hội chủ nghĩa,  thấy "đánh tư sản", thấy "vào hợp tác xã nông nghiệp", thấy "xếp hàng cả ngày" mua thịt, mua đường, mua gạo, thấy loa phường mỗi sáng phát đi những bài hát "tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù ...". Tất cả vừa lạ lẫm, vừa đáng sợ, lại vừa có gì đó khôi hài và ngây ngô, vớ vẩn.
 
Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn
Ngày 30 đến có ai ngờ ....

Vâng, có ai ngờ cơ chứ! Ngày 30, ngày 30 ...

Tháng Tư, trời nắng gay nắng gắt như đổ lửa. Mùa hè đỏ lửa, mùa hè, tháng Tư.


6 nhận xét:

  1. Cảm ơn tri âm PA đã chia sẻ...Nếu mình có thiên hướng làm tiểu thuyết gia thì hồi ức Phương Anh sẽ là những trang tư liệu qúy để viết một "VIỆT NAM TRĂM NĂM CÔ ĐƠN"...Vâng, năm 1975 ấy cảm xúc của mình khác lắm: lạy trời thế là hai người anh cùng gốc rễ còn sống để trở về từ chiến trường B, để mình quẳng cái gánh nặng gia đình cho hai gã lính khát máu ấy. Rồi mình khoác ba lô cùng một đoàn GV chi viện lên tàu ở Ga Hàng Cỏ đi vô Sài Gòn "sào huyệt cuối cùng Mỹ ngụy", nghỉ ít ngày ở quận 1 hít thở, làm quen ko khí Nam bộ, rồi đến đài HTV nhắn tin tìm hai anh (ở Tây Ninh và Thủ dầu một).v.v... bị shocked thời tiết nên buồn ngủ suốt ngày, ăn không được, nhớ nhà phát điên,rồi ô tô Cần Thơ lên đón, xuống tới đó, bị quẳng vào một trường trung học làm "hiệu trưởng" năm 24 tuổi cả tin như học trò,Thế đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Ngọc. PA viết trước hết là cho mình, anh Ngọc ạ. Và cũng để chia sẻ với mọi người về câu chuyện của đất nước mình, quả là thời VN trăm năm cô đơn. Bao giờ mới hết cái kiếp nạn này đây?

      Xóa
  2. Tháng Tư tự đặt chỉ tiêu 2 bài, đầy là Một: http://www.ijavn.org/2016/04/vntb-khoi-su-mot-cuoc-chien-thi-de-ket.html

    Trả lờiXóa
  3. Mong phản hồi của Nushi PA về tiểu luận my chính trị-văn học "Khởi sự..."

    Trả lờiXóa
  4. Lỗi “đánh máy” Sắp sửa vào trung học đệ nhất cấp (giờ là trung học phổ thông, trước đây gọi là cấp 3): đệ nhị cấp

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ha ha, cám ơn anh Tú Đoàn, sẽ sửa lại cho đúng. Cái này cho thấy người viết cũng chỉ rất lơ mơ về giáo dục VNCH thôi vì hồi ấy còn rất nhỏ. Tóm lại là được giáo dục dưới chế độ XHCN là chủ yếu mà, con người mới XHCN đây.

      Xóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.