Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Thư ngỏ gửi Chủ tịch Quốc hội về vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung

Kính thưa bà Chủ tịch Quốc hội
Vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh duyên hải miền Trung đã kéo dài gần một tháng, nhưng hình như việc giải quyết vẫn vô cùng chậm chạp và có phần lúng túng. Đây là một việc tối quan trọng liên quan đến sinh mạng và sinh kế của nhiều người dân mà chưa thấy bà lên tiếng, nên tôi nghĩ rất có thể bà còn đang bận rộn với việc chuẩn bị bầu cử và chưa có thì giờ để quan tâm đến việc này - mà tôi cho là một thiếu sót nghiêm trọng của Quốc hội. Vì vậy tôi mạn phép thực hiện trách nhiệm của một công dân Việt để góp vài ý kiến, xin gửi đến bà để mong bà xem xét và hành động kịp thời cho dân được nhờ.
Thưa bà,
Cho đến nay, mọi nỗ lực dường như chỉ nằm tìm nguyên nhân cá chết và xác định có phải Formosa là thủ phạm. Dù đó là những việc quan trọng, nhưng tôi nghĩ chúng vẫn chưa phải là việc quan trọng nhất. Thậm chí, xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý trong nước rồi xử lý kỷ luật, cách chức vv để yên dân cũng chưa phải là việc cần thiết nhất. Ngược lại, có quá nhiều việc quan trọng mà chẳng thấy ai nhắc đến.
Tôi cho rằng việc quan trọng hơn rất nhiều vào lúc này, đó là giải quyết khủng hoảng và ngăn ngừa những tình huống xấu tương tự trong tương lai. Và ở đây, vai trò của QH rất quan trọng. Cụ thể, tôi cho rằng ngay lập tức cần phải: 
- Quản lý việc thu gom cá chết để không gây ô nhiễm thêm môi trường sống của người dân, và không để cho nó biến thành thực phẩm bẩn rồi đưa vào hệ thống phân phối cho toàn dân.
- Xử lý nước ở vùng biển bị ô nhiễm để không hủy hoại toàn bộ vùng sinh thái biển ở duyên hải Việt Nam. Vì một khi bị hủy hoại thì chúng ta sẽ mất nó vĩnh viễn.
- Hỗ trợ người dân nghèo ở quanh khu vực Vũng Áng vì vừa mất kế sinh nhai, để họ không ăn bẩn, làm liều, nổi loạn ...
- Rà soát lại và củng cố quy trình kiểm soát và quản lý chất thải từ các khu công nghiệp, các nhà máy xí nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao như luyện kim, sắt thép, hóa chất ...
- Và trên hết, là rà soát lại các quy định, luật lệ vv liên quan đến quản lý và bảo vệ môi trường ở VN, các chế tài và trách nhiệm bồi thường khi vi phạm. Vâng, điều quan trọng là kẻ gây ô nhiễm phải có trách nhiệm giải quyết, khắc phục cho bằng được những gì mình đã gây ra. Chứ không phải nộp một số tiền tượng trưng nào đấy, dù nhiều dù ít, cho nhà nước rồi sau đó tiếp tục gây hại cho môi trường (là điều mà tôi e rằng sẽ xảy ra, nếu không có ai chỉ đạo khác đi, như trước giờ vẫn thế). 
Tôi muốn nhấn mạnh, vấn đề là giải quyết để trả lại môi trường trong lành cho toàn dân, chứ không phải chỉ là trừng phạt kẻ này hay người khác cho bõ tức, rồi thôi - là tư duy thường thấy của nhiều người Việt, kể cả quan chức chứ không chỉ dân đen. 
Vâng, chính ở điểm này mà tôi quyết định gửi thư đến bà, vì việc đưa ra các quy định luật lệ ở tầm vĩ mô và phóng tới tương lai sao cho phục vụ lợi ich của toàn dân chính là việc của Quốc hội mà bà là người đứng đầu, chứ không thể là ai khác.
Những gì tôi viết ở trên chỉ là ý kiến của một cá nhân không có chuyên môn về quản lý môi trường, mà chỉ dựa trên những hiểu biết phổ thông của tôi thông qua những gì tôi đọc được trong sách báo và thực tế một số năm sống ở nước ngoài. Tôi rất mong bà xem xét và hành động kịp thời để chứng tỏ bà là một người vì dân vì nước (chứ không chỉ vì Đảng), như bà đã long trọng tuyên thệ hôm nhậm chức.
Kính thư,
Một giảng viên về hưu

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Biển chết ở đâu, mẹ ơi?

Tin tức dồn dập về vùng biển đang dần chết làm tôi không thể nào tập trung viết lách gì được, dù hạn nộp báo cáo nghiệm thu đề tài đã quá sát mà vẫn còn rất nhiều việc để làm.

Nghẹn, không làm gì được, nghĩ đến con gái (may mắn) đi học ở nơi xa, và nghĩ đến những đứa cháu mà tôi sẽ có trong tương lai không còn xa nữa, tôi bật ra bài thơ. Thơ thẩn đúng kiểu con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó ... nhưng nó ghi lại đúng tâm trạng của tôi lúc này.

Xin chia sẻ với các bạn nỗi đau Việt Nam hôm nay.
--------------------
BIỂN CHẾT Ở ĐÂU, MẸ ƠI?
- Ăn nhanh lên đi con
Nghĩ ngợi gì, chén cơm sao đầy mãi?

- Biển chết ở đâu, mẹ ơi?
- Biển Chết ở xa, xa lắm
- Xa là đâu. mẹ ơi?
- Nằm giữa vùng Bờ Tây, Jordan, và Do Thái
- Biển chết như thế nào, mẹ ơi?
- Qua nhiều ngàn năm, muối tích dần, biển mặn
Cá tôm không còn, dù nước vẫn xanh...

- Biển Chết, người có chết không, mẹ ơi?
- Ồ không đâu, người không chết
Không cá tôm, nhưng biển vẫn trong xanh
Muối mặn kinh nhưng làm vết thương lành
Gọi Biển Chết nhưng thật nhiều du khách ...

- Mẹ nói dối con, mẹ ơi!
Biển chết không xa, biển của nước Việt mình
Người đã chết vì lặn trong biển chết
Cá chết đầy bờ, nổi trắng xóa ngoài khơi
Dân nghèo ăn, ngộ độc mấy trăm người
Cá thối kia, người ta làm nước mắm
Hạt muối kia, chất độc rồi sẽ ngấm
Sẽ theo con vào tận mỗi bữa ăn 

Con sợ rồi, mùi muối mặn cá tanh,
Con chẳng muốn chết theo vùng biển chết
....

- Nhưng ơ kìa, mẹ ơi sao mẹ khóc?

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Viết cho tháng tư (2): Là nước Việt buồn!

Tôi chẳng muốn viết gì vào tháng tư này. Vì chẳng thể nào viết điều gì vui hoặc hay ho trong những ngày đẫm đìa ký ức ấy.

Nhưng tôi biết, tôi vẫn sẽ còn viết những bài viết cho tháng tư. Sẽ viết, khi nỗi đau còn đó mà chưa có được phương thuốc nào chữa trị.

Hôm nay là ngày 19/4. Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến cái ngày định mệnh ấy rồi. Sáng mở facebook ra, đọc được một phóng sự ảnh trên báo Thanh Niên online về ngày 30/4 năm ấy.

Ký ức ùa về. Buồn, buồn lắm cuộc chiến tranh tương tàn, nồi da xáo thịt kéo dài đến 20 năm.

Chiến tranh thì chấm dứt rồi nhưng trên 40 năm mà lòng người vẫn còn ly tán. Kẻ thắng thì vẫn ăn mừng trên những nấm mồ dù là bia mộ được xây nguy nga hay chỉ là những nấm mồ hoang vô chủ của đồng loại hai bên chiến tuyến. Người thua thì vẫn căm giận vì những đối xử đầy hận thù của bên thắng đối với mình và gia đình, vợ con, thậm chí giòng giống của của mình. Vâng, cứ tưởng tru di tam tộc chỉ có ở thời phong kiến, nhưng không, khi tôi đi thi đại học thì vẫn cứ phải khai lý lịch 3 đời.

Và ít ngày nữa sẽ lại thấy người ta múa hát léo nhéo với cờ hoa đỏ đỏ xanh xanh với đèn đuốc sáng choang đêm ngày để ăn mừng chiến thắng, một chiến thắng với cái giá quá đắt cho cả dân tộc, và cho cả chính bên  thắng cuộc nữa.  Tôi không khỏi nhớ đến tựa một bài hát của TCS: Hát trên những xác người. Và chợt nghĩ, giò phải đổi tựa bài hát ấy là Hát/Múa trên những nấm mồ, thì mới đúng.

Những bức ảnh trong phóng sự ấy buồn lắm. Người Việt hai miền đều gày gò, đáng thương. Kẻ bại trận thì lưng trần, chân đất, cúi đầu, khuôn mặt hoang mang lo lắng nghĩ tới những ngày mai chưa biết ra sao, đã đành. Mà những người thắng cuộc cũng đâu khá gì hơn, cũng chỉ là những khuôn mặt hốc hác, thất thần, cũng những thân hình gày gò, da xanh mướt, mắt lõm sâu. Những khuôn mặt VN, tuổi trẻ VN, thanh niên VN của cả hai miền, tàn tạ vì một cuộc chiến tranh ý thức hệ tương tàn và vô nghĩa.

Có ai đó đã dẫn bài phóng sự ảnh ấy lên trên fb để nó hiện trên tường nhà tôi, với lời bình rất hay: Hãy nhìn đi, người Việt cả hai miền. Đau thương lắm. Hãy yêu nhau đi, đừng hận thù nữa.
Rất cảm động. Tôi đã thoáng nghĩ, có lẽ phương thuốc chữa lành đã có đây rồi. Với việc đưa lên những hình ảnh khách quan của cả hai miền, để cả hai phía thấy điều mà người viết lời bình ở trên đã thấy: Đau thương lắm, đừng hận thù nhau nữa.

Mở những dòng bình luận bên dưới bài viết, có một ai đó thốt lên đúng một từ: Buồn.

Tôi cũng thấy buồn. Những hình ảnh trong những tấm hình đó có xa lạ gì với tôi đâu. Mấy chục năm rồi mà những hình ảnh ấy vẫn còn nguyên trong ký ức của tôi, lúc ấy chỉ mới 15 tuổi. Những hàng binh VNCH buông khí giới, chạy về nhà với vợ con mà nước mắt ràn rụa trên mặt. Những xe chở các quân nhân, du kích bên thắng cuộc vào thành phố với những lá cờ xa lạ và những hàng người chẳng biết từ đâu túa ra reo hò, tung hô chào đón. Và những người dân hốt hoảng rút vào nhà, đóng chặt cửa nhưng vẫn thập thò sau cánh cửa nhìn ra, với những ánh nhìn lo sợ. Những lá cờ VNCH bị người dân vứt ra đường vì sợ hãi. Những đám cháy nho nhỏ trong những căn nhà, nơi người ta đốt các sách vở, giấy tờ có liên quan đến chế độ vừa sụp đổ, vì e rằng để nó lại trong nhà sẽ làm liên lụy đến gia chủ, vì nó làm cho một chính quyền mới đầy đa nghi không hài lòng....

Vâng. Buồn. Buồn lắm. 

Nhưng trời ơi, buồn hơn là những dòng trao đổi bên dưới lời bình luận chỉ có đúng một từ "buồn" nói trên. Có rất nhiều người xúm vào mắng chửi tác giả của lời bình luận ấy. Họ bảo, Anh là ai mà dám "buồn" vào cái ngày chiến thắng ấy? Anh có bị điên không? Anh có phải là người Việt không?


Dù rất muốn vào viết mấy dòng để chia sẻ nỗi buồn với người đã thốt lên từ "buồn" kia, nhưng sau khi đọc những lời mắng mỏ thậm tệ của những người tự cho rằng chỉ có mình mới xứng đáng là người Việt, thì ôi chỉ biết thở dài, và rút lui, không muốn bình luận gì nữa.

Tôi chợt nhớ đến bài hát "Việt Nam, Việt Nam" của Phạm Duy, với lời giải thích của chính tác giả: Tôi viết VN, VN lặp lại hai lần, vì sao? Vì có đến 2 nước VN, có hai lá cờ, hai chính thể.

Tôi muốn thêm: Và để xóa bỏ cái nghịch lý "có hai nước VN ấy", nên nước VN này đã bức tử nước VN kia, và không bao giờ muốn cho những người "phía bên kia" có một cơ hội để tồn tại một cách chính đáng.

Giờ thì tôi hiểu tại sao mà hơn 40 năm rồi, vết thương kia vẫn không khép lại được.

Và thấm thía những lời trong bài hát Gia tài của mẹ của TCS từ cách đây mấy mươi năm. Một bài hát mang tính tiên tri, về một nước Việt ngày nay, cũng như lúc ấy.

Vâng. Là nước Việt buồn! 
-------------
Chùm phóng sự ảnh ấy ở đây, nếu có ai muốn xem:


Còn đây là bình luận "buồn" và những lời mắng mỏ:




Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Viết cho tháng tư (1): Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn ...

Có lẽ trong cuộc đời, ai cũng có những phút giây như đông cứng lại trong ký ức. Ví dụ mà người ta hay nhắc tới trong văn học là nụ hôn đầu tiên hoặc lời tỏ tình (đầu tiên hoặc duy nhất, tùy người), hoặc cái chết của người thân. Hoặc giây phút được xướng tên trên bảng vàng trong một cuộc thi đầy cạnh tranh nào đó ...

Những giây phút đó, tôi cũng có, nhưng chỉ thoáng qua, chứ không quá đậm đặc. Đậm đặc hơn với tôi, không phải là một giây phút, mà là hẳn một năm học. Năm tôi học lớp 9 trường Gia Long, khi tôi 15 tuổi.

Năm ấy, là năm 1975 - nói đúng hơn là năm học 1974-1975. Cuộc chiến đã đến hồi kết thúc, nhưng đó là với những người lớn, như cha tôi, các chú các bác của tôi, hoặc lớp bạn bè của người chị lớn của tôi, năm ấy đang học năm đầu đại học. Còn với tôi, khoảng đầu của năm học ấy sao mà đẹp! Đơn giản là vì tôi ý thức được mình đã lớn, hoặc đúng hơn là được xem như người lớn. Lớn rồi, có trách nhiệm rồi, vui lắm chứ!

Trường Gia Long (giờ là Nguyễn Thị Minh Khai) hồi ấy chia làm lớp sáng và lớp chiều, buổi sáng dành cho các chị từ lớp 9 đến lớp 12, còn buổi chiều dành cho các em từ lớp 6 đến lớp 8. Năm 1974-1975, tôi bắt đầu vào lớp 9, chuyển từ lớp các em sang lớp các chị, đi học vào buổi sáng, thấy sinh hoạt của buổi sáng khác hẳn buổi chiều. Lúc trước, khi còn là các em thì được chăn dắt kỹ lưỡng, mọi việc do thầy cô, nhà trường, giám thị giám học chỉ dẫn, điều khiển, mình chỉ việc làm theo. Bây giờ, lên buổi sáng thấy các chị chủ động làm nhiều thứ, nào là tổ chức làm báo xuân, in báo bán báo và nhiều hoạt dộng xã hội khác, rồi tổ chức văn nghệ văn gừng bán vé gây quỹ Mùa Xuân chiến sĩ ....Tôi thấy mình trưởng thành và quan trọng lắm. Sắp sửa vào trung học đệ nhị cấp (giờ là trung học phổ thông, trước đây gọi là cấp 3), sắp phải chọn phân ban, rồi thi tú tài, rồi chọn nghề nghiệp tương lai ... Quan trọng lắm chứ, và háo hức biết bao.

Hồi ấy, tôi yêu văn chương, và định bụng sẽ theo nghiệp văn chương, viết lách. Tôi thích thơ, và thuộc không biết bao nhiêu là thơ của các tác giả tiền chiến. Hay một điều là tôi không bao giờ cần học các bài thơ này, chỉ đọc qua một lần, thấy thích thì chép (chép tay) xuống vở, rồi cứ thế mà thuộc, từng đoạn hoặc cả bài. Thời ấy không phải như bây giờ, cứ cần gì thì lên "gúc" xuống, mà phải mượn sách báo trong thư viện rồi chuyền tay nhau mà chép ra. Hồi ấy vì chỉ mới 14, 15 tuổi nên tôi chưa có ý thức như hiện nay, đọc gì thấy thích là chép xuống mà không thèm nhớ nó thuộc bài thơ nào, tác giả là ai, viết lúc nào, đăng ở đâu. Nên tới giờ, tôi vẫn còn nhớ một số câu thơ rất hay mà không biết tác giả, có lẽ vì đó cũng chỉ là các tác giả trẻ mới nổi, rất có thể là các anh lính, các chị sinh viên, viết nghiệp dư, tài tử chơi chơi, nhưng quả thật là có những câu thơ để đời ...

Như đoạn thơ mà tôi hay nhắc: Em còn yêu vô cùng/ những bóng cây bên đường/ Mỗi bóng cây như mỗi đời chúng ta/ có bao giờ giống nhau/ Từ những cây thẳng đứng vươn cao/ đến những cây cằn cỗi / Những hoa lá rì rào / những cây đong sầu muôn nỗi .... Thích lắm, lúc nào cũng nhắc, mà tôi không thể tìm được tác giả là ai hoặc tên bài thơ ấy là gì, khổ!

Trong vô số những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ tôi thuộc hồi ấy, có bài thơ về học trò, đại khái cái gì mà "thời thơ bé tuổi mười lăm" và kết thúc với đoạn thơ này:

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ 
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ 

Chỉ thuộc đúng 4 câu vậy thôi, tôi cũng chẳng rõ là của ai. Well, ở cái thời đại "cái gì không biết thì tra gúc gồ" này, tôi cũng vừa gúc đoạn thơ ấy, và biết nó là bài thơ có tựa là "Học sinh" của Huy Cận, một bài thơ khá dài và khá dễ thương, có thể đọc ở đây: http://isach.info/poem.php?poem=hoc_sinh__huy_can, với 4 câu đầu tiên như thế này:

Gió thổi sân trường chiều chủ nhật
- Ôi! Thời thơ bé tuổi mười lăm
Nắng hoe rải nhặt hoa trên đất
Đời dịu vừa như nguyệt trước rằm.

Vâng tôi thích bài ấy là đúng rồi, vì năm ấy tôi vừa 15 tuổi, và vừa cảm thấy mình bắt đầu lớn, vì đã lên lớp đàn chị trong trường Gia Long rồi.  Tôi cũng thấy mình mới đó mà vụt lớn ....

Ấy là cái Noel cuối cùng, và cái tết cuối cùng của thời VNCH. Chiến sự ngoài kia vẫn khốc liệt - phải nói là ngày càng khốc liệt - nhưng trong học đường thì vẫn vô cùng êm ả. Dường như cuộc chiến ngoài kia không liên quan đến chúng tôi; thầy cô vẫn nhắc đến nó, chúng tôi được nghe cụm từ "chiến tranh ý thức hệ", vẫn nghe tin chiến sự hàng ngày, vẫn thấy những cáo phó, vẫn nghe những bài hát thật thảm thương "Em hỏi anh bao giờ trở lại/ xin trả lời mai mốt anh về/... Anh trở về có thể bằng chiến Pleime/ hay Đức Cơ Đồng Xoài Bình Giã/ ... Anh trở về hòm gỗ cài hoa/ Anh trở về trên chiếc băng-ca/ Trên trực thăng hoen màu tang trắng ..." Vậy mà đời học sinh của tôi, của bọn  tôi, sao vẫn êm ả đến thế, êm ả đến đáng trách, thật vậy!

Không, thực ra, trong cái êm ả, cái mơ mộng của tuổi 15, của thời học sinh đẹp như hoa ấy, vẫn lảng vảng bóng dáng chiến tranh và bóng đen của thần chết. Tôi nhớ năm ấy, ở tuổi 15 của mình, tôi có làm 2 bài thơ, một bài lục bát có tựa là Sinh nhật, tôi viết một người bạn có sinh nhật vào tháng 4, và bài kia viết cho em trai út, tựa là Cho em, chỉ có 4 câu thơ 6 chữ. Như thế này:

Sinh nhật
Mười lăm ngọn nến lung linh
Là mười lăm tuổi đời mình vừa sang
Chiêm bao chợt đến nhẹ nhàng
Mới hay vừa lớn buồn mang vào lòng
Có còn in dấu mắt trong
Của ngày thân ái, màu hồng thơ ngây?
Ưu tư nay đã đong đầy

Ôi thời thơ ấu giờ đây qua rồi ....

Cho em
Ru em ngủ giấc yên lành
Như màu lá mới còn xanh
Một mai rồi em khôn lớn
Xin đừng cho thấy chiến tranh ....

Giọng thơ buồn buồn, có phải không? Và hiền lành quá, đời thường quá, "tiểu tư sản" quá!!!! Bởi, chỉ vài tháng nữa thôi là tôi sẽ tiếp cận với một nền văn hóa khác, những bài thơ, bài hát khác, hoàn toàn khác.

Vâng, sau cái Tết năm ấy (tôi nhớ là năm Mão, không rõ là cái gì Mão, chỉ nhớ người ta đoán non đoán già về số phận Tổng thống Thiệu, cho rằng ông sẽ thất bại vì ông tuổi Tý, đại khái thế) thì mọi việc đến rất nhanh. Số phận như ập đến, VNCH thất thủ, bố mẹ tôi lạc mất hai người con đầu tiên, và tôi trở thành đứa con đầu (trong tử vi bảo là "đoạt trưởng"), cùng mẹ tôi đương đầu với cuộc sống mới, vô cùng lạ lẫm, vô cùng khó khăn .... Nhưng đó là một câu chuyện dài khác.

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn. Vâng, sau 30/4, tôi thấy tôi vụt lớn. Và cả những bạn bè của tôi thời ấy nữa. Những đứa trẻ mới hôm trước còn cột vạt áo dài lại để chạy chơi u trong sân trường, giờ bỗng đăm chiêu nghiêm nghị, hoặc lo lắng nhớn nhác (như mất sổ gạo - là sau này tôi mới biết cái thành ngữ ấy, chứ năm 75 thì bọn tôi chưa biết). Tôi nhớ, lần đầu tiên sau những ngày binh lửa vào đến tận SG (ngắn thôi, chỉ vài ngày, may mà trận chiến không kéo dài hơn nữa), chúng tôi gặp nhau ở sân trường vào một đêm đầu tháng 5, do trường triệu tập bọn tôi vào để làm mít-tinh (lần đầu nghe từ này) chào mừng ngày chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5 (cũng là lần đầu tiên tôi nghe về ngày này).

Tôi vẫn nhớ, hôm ấy có rất ít học sinh đến dự; tôi chỉ gặp được một người bạn cùng lớp là Bích Phương,  là người không cùng nhóm bạn nhỏ của tôi (hồi ấy chúng tôi hay chơi nhóm bạn 2, 3 hoặc 4 đứa; những đứa bạn thuộc nhóm tôi chẳng ai đến, sau này mới biết chúng đi di tản cả rồi). Gặp nhau, hỏi thăm có biết đứa này đứa kia ra sao không, còn ở nhà hay di tản rồi, còn sống không vv... Rồi tự nhiên cô bạn BP (một cô bé rất nhỏ con, cắt tóc tém, ngày thường tinh nghịch lí lắc như con trai) bỗng nói một câu làm tôi sững sờ vì nó quá "người lớn" (nói theo ngôn ngữ hiện nay là "già chát"):

- Tao nghĩ bọn mình cũng phải thức thời thôi, không có cách nào khác!

Tôi im lặng không nói gì vì thật ra không biết nói gì. Nhưng tôi tin chắc câu nói ấy chỉ là lời lặp lại những gì người lớn đã nói. Trong óc tôi vụt hiện ra những buổi nói chuyện thì thầm nghiêm trọng giữa bố mẹ tôi trong những ngày ấy - những ngày hoang tàn của một cuộc chiến vừa kết thúc, với một tương lai vô định phía trước, một đám con thơ, những người họ hàng vừa đoàn tụ, và những đứa con bị lạc mất.

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn .... Câu thơ rất dịu hiền mơ mộng ấy ám vào tôi, vào lứa tuổi của bọn tôi, vì chúng tôi bị ép phải vụt lớn. Nhưng không phải theo cách mơ mộng êm ả của bài thơ của Huy Cận, một bài thơ mà có lẽ tác giả của nó cũng không còn nhớ hoặc không dám nhớ. Chúng tôi lớn, như những trái non bị chín ép. Thế hệ của chúng tôi, những đứa bé 14, 15 tuổi chưa kịp xong tuổi thơ (tôi còn chưa đủ 15 tuổi vì sinh nhật của đến cuối tháng 8) bỗng thấy mình đối diện với đổi tiền, với những bài học chính trị về sự đối đầu giữa 2 khối tư bản và xã hội chủ nghĩa, với cuộc đấu tranh gay gắt "ai thắng ai" mà sự tất thắng đương nhiên là ở phe xã hội chủ nghĩa,  thấy "đánh tư sản", thấy "vào hợp tác xã nông nghiệp", thấy "xếp hàng cả ngày" mua thịt, mua đường, mua gạo, thấy loa phường mỗi sáng phát đi những bài hát "tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù ...". Tất cả vừa lạ lẫm, vừa đáng sợ, lại vừa có gì đó khôi hài và ngây ngô, vớ vẩn.
 
Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn
Ngày 30 đến có ai ngờ ....

Vâng, có ai ngờ cơ chứ! Ngày 30, ngày 30 ...

Tháng Tư, trời nắng gay nắng gắt như đổ lửa. Mùa hè đỏ lửa, mùa hè, tháng Tư.