Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Tiễn anh lần cuối - Viết cho anh Lê Hiếu Đằng (11/3/2014)


Nhận được tin nhắn từ một người bạn chỉ trước một ngày, không sắp xếp thời gian trước nhưng tôi cũng kiên quyết gạt công việc sang một bên để đến viếng anh lần cuối nhân dịp gia đình làm lễ thất tuần cho anh. Vâng, tôi gọi muốn gọi anh Lê Hiếu Đằng như gọi một người anh, mặc dù tôi với anh chẳng hề quen biết. Tôi đã nghe tên anh từ rất lâu khi anh còn là quan chức của nhà nước, nhưng lúc ấy tôi chẳng có bất kỳ một ấn tượng gì về anh. Tôi chỉ thực sự quan tâm đến một nhân vật có tên LHĐ từ khi anh cùng một nhóm nhân sĩ, trí thức cùng tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của VN vào năm 2011, và nhiều lần sau đó nữa.

Nói cho đúng, những cuộc biểu tình ấy cũng không gây cho tôi nhiều ấn tượng về anh, vì biểu tình thì không chỉ có anh mà còn nhiều người khác. Nhưng tôi thực sự bị anh thu hút từ lúc anh có những phát biểu và hành động kiên quyết mà ai cũng biết. Có người đồng tình, có người không, nhưng chắc chắn anh đã trở thành tâm điểm của sự chú ý từ mọi phía, trong đó có tôi, một người với tôn chỉ độc lập và không muốn thuộc về một phe nào. Mọi việc lên đến đỉnh điểm khi anh công bố bức thư tuyên bố ra khỏi Đảng bằng những lời lẽ mạnh mẽ đến độ anh bị đưa lên báo lề phải để đấu; khi ấy tôi đã theo dõi và bỏ công ra viết đến 4 bài tranh luận với tác giả của bài viết ấy và đăng lên blog cá nhân, dù cho đến lúc ấy vẫn chưa nói chuyện trực tiếp với anh bao giờ. Sau này, khi được anh Kha Lương Ngãi, một người bạn cùng thời đấu tranh của anh Đằng, cho biết là anh Đằng cũng đã đọc những bài viết ấy của tôi và có ý muốn gặp mặt tôi khi anh còn tại thế, tôi thật tiếc vì mọi sự đã quá muộn. Vì khi nghe tin anh nằm bệnh, tôi cũng rất muốn đến thăm nhưng tôi không có cách nào đến được, vì không có ai rủ, và vì tôi không hề quen biết anh, nên nếu có muốn đi cũng chẳng biết ở chỗ nào.


Thế rồi mọi việc trôi qua rất nhanh. Anh mất. Thông báo về tang lễ của anh được đưa trên facebook nên tôi đọc được. Những ngày anh còn được quàn ở Chùa Xá Lợi, thời gian ấy cận tết và tôi rất bận nhưng cũng đã cố để đến viếng, thấy và nghe được về những cảnh cướp băng tang của các vòng hoa của những người đến viếng anh. Và tự hỏi, tại sao người ta làm thế? Chẳng lẽ anh đã mất rồi, mà họ vẫn sợ và ghét anh đến thế sao, những người mà trước đó đã từng xem anh là đồng chí? Hôm lễ động quan tôi không dự được, nhưng cũng theo dõi và đọc được bài viết cùng xem hình ảnh của những bạn bè, thân hữu đã đến tiễn anh. Rất cảm động khi đọc những dòng viết về tro cốt của anh được rải xuống sông Sài Gòn, vùng đất bao nhiêu năm anh gắn bó. “Đứa con xưa đã tìm về nhà”, như trong một bài hát của Trịnh Công Sơn để tiễn đưa một người bạn thân thiết của mình về bên kia thế giới.

Lễ thất tuần hay lễ chung thất của anh được tổ chức ở chùa Diệu Pháp, một ngôi chùa nằm ở một nơi hẻo lánh ở Quận Bình Thạnh. Số người đến dự có lẽ chừng 50-60 người, đa số là những người tôi không quen trực tiếp nhưng đã biết tên hoặc biết mặt qua facebook. Không kể gia đình, đến viếng anh có nhóm bạn cùng thời đấu tranh trước năm 1975 (các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu), nhiều trí thức đang làm việc hoặc đã về hưu từ các Viện, các trường đại học, một số người là cựu chức sắc trong các cơ quan nhà nước mà tôi biết mặt hoặc biết tên như chị Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP HCM, và đặc biệt hơn là một số gương mặt đến từ phương xa: anh Hà Sỹ Phu từ Đà Lạt, người mà tôi đã đọc rất nhiều nhưng chưa bao giờ gặp mặt, nghệ sĩ Trí Hải từ Hà Nội, người mà tôi rất quen dù chỉ nhìn qua hình, vì với cây đàn violin của mình thì không thể lẫn ông với bất kỳ ai  được.







Buổi lễ chính thức bắt đầu vào khoảng 10:30. Dù đứng ở vòng ngoài - vì là người ngoại đạo - nhưng tôi vẫn thấy buổi thật trang nghiêm, giọng đọc kinh với tiếng gõ chuông nghe trầm mặc, và do ngôi chùa ở một nơi rộng rãi, thoáng đãng, số người đến viếng cũng không quá đông và mọi người đốt nhang cũng rất vừa phải nên tôi không thấy mịt mù nhang khói như ở một số nơi. Tất cả tạo ra một không khí nhẹ nhàng, thanh thản, thanh thản như bức di ảnh của anh và như khuôn mặt đẹp nhẹ nhõm của chị Hồng vợ anh. Sau các lễ nghi tôn giáo là đến phần mặc niệm và phát biểu cảm tưởng của một số vị khách tiêu biểu; những người phát biểu gồm có anh Huỳnh Tấn Mẫm, anh Huỳnh Kim Báu, GS Tương Lai, LM Huỳnh Công Minh, và anh Hà Sĩ Phu từ Đà Lạt. Ở vòng ngoài nên tôi không nghe kỹ lắm, vả lại đầu óc tôi lúc ấy cũng lơ mơ vì tôi còn đắm chìm trong những suy nghĩ của riêng tôi về cuộc đời thăng trầm của anh. Chỉ biết, tiếng đàn violin của nghệ sĩ Trí Hải  chơi bài Hồn Tử Sĩ làm tôi nổi gai vì xúc động, phần vì giai điệu âm u và không khí nghiêm trang, phần vì nghệ sĩ Trí Hải đã chơi nhạc với đầy cảm xúc như thể hiện trên khuôn mặt ông.

Ở phần phát biểu, tôi đặc biệt chú ý nghe phát biểu của Linh mục Huỳnh Công Minh, trước hết vì tò mò về sự khác biệt tôn giáo của LM và người quá cố. LM HCM nói rất nhỏ, như thủ thỉ nói chuyện với anh Đằng, với những lời tâm sự khá dài. Tôi loáng thoáng nghe được lời tự than trách đã không thể đến viếng anh khi anh vừa mất, vì lúc ấy LM còn đang ở nước ngoài, và những lời cuối cùng rất cảm động. Tôi nhớ đại khái những ý sau: “Tôi với anh tuy khác tôn giáo, nhưng không có sự cách xa, vì cùng chia sẻ lòng yêu nước, cùng vì một nước VN độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền …”. Phần cuối phát biểu của anh Huỳnh Kim Báu cũng làm tôi xúc động, khi anh nhắc đến sự ra đi thanh thản của một người suốt đời dám hành động cho niềm tin của mình và trả giá cho nó, và cái gánh mà anh LHĐ đã để lại cho người sau khi anh đi xa là rất nặng, vì mọi người phải tiếp tục những tâm nguyện của anh lúc sinh thời. Thật kỳ lạ, đó cũng là những gì tôi đã ghi trong sổ tang khi đến viếng anh LHĐ ở chùa Xá Lợi.

Có một sự cố nho nhỏ trước khi kết thúc buổi lễ: Anh Tô Lê Sơn trong Ban tổ chức đã bắt giọng để mọi người cùng hát bài Tự nguyện, bài ca của những thanh niên tranh đấu trước năm 75 ở miền Nam. Nhưng chắc vì quá xúc động, hay vì quên lời bài hát, nên khi cất lên thì giọng hơi bị lạc, khiến mọi người không hát theo được và bài hát suýt “bể”. Nhưng anh Huỳnh Tấn Mẫm đã kịp đón lấy micro từ tay anh Sơn, lấy lại giọng cho đúng vừa hát lớn rất khí thế vừa giữ vững giọng, và dần dà bài hát lại được đưa vào quỹ đạo đúng của nó. Hát xong, mọi người đều khen anh HTM hát hay, và anh bảo: Bài hát ấy đã ngấm trong máu của mình rồi.



Buổi lễ đã chấm dứt. 49 ngày cuối cùng còn vướng bận ở trần gian của anh đã hết, đó là ý nghĩa của buổi lễ chung thất, theo niềm tin của những người theo đạo Phật như anh. Linh hồn anh giờ đã hoàn toàn siêu thoát, và đó là điều mà mọi tín đồ Phật giáo đều cầu mong cho người thân đã đi xa của mình. Riêng tôi, một người ngoại đạo, tiễn anh lần cuối rồi nhưng tôi vẫn tin linh hồn anh LHĐ ở đây bên chúng ta, vẫn rất thiết tha với cuộc đấu tranh cho tự do, nhân quyền và dân chủ trên đất nước mà anh đã rất nặng lòng khi anh còn tại thế. Phải không, anh Đằng ơi?

12 nhận xét:

  1. Cố Quận : Ôi !!!!! ? Anh ( xin được gọi là Anh ) Lê Hiếu Đằng mất rồi ?

    Từ lâu không đọc báo nên không biết gì về tình hình của ngoài kia ! Chỉ lên mạng đọc đúng 2 blog : 1/ Anhvu ; 2/ nguoibuongio.
    Chỉ toàn đọc tin quốc tế để có cái mà tám với đồng nghiệp hoặc khách hàng.

    Xin hỏi chị PA , muốn đi thắp một nén nhang cho Anh Lê Hiếu Đằng thì làm sao ? Đến đâu ?

    Cám ơn chị Phương Anh nhiều !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. EM LA PHAN MINH HUNG - PHAN AI QUOC XIN MAN PHEP HUONG DAN CHO ANH ,CHI :
      -TAI CHUA DIEU PHAP ,188 NO TRANG LONG ,BINH THANH,SAI GON .
      -VAO HOI AM DUONG CUA CAC LIET SY HS -SV THOI CHONG AMERICAN AGRESSOR ///

      Xóa

  2. Trái ngược với ý kiến của TS Nguyễn Minh Giang, phản ứng trước ý kiến cho rằng việc đập tượng Lênin ở Ukraine là một hành động manh động và thiếu văn hóa, TS. Giáo dục Vũ Thị Phương Anh cho rằng, nên hiểu việc đó là việc đập bỏ các tượng đài mang tính chất chính trị, tượng Lênin là biểu tượng cho một chế độ chính trị, chứ nó không phải là biểu tượng cho tư tưởng Cộng sản như tượng của Karl Marx, cái mà hầu như người dân không có nhu cầu đập bỏ. Đồng thời, đó là hành động mang tính chính trị phát sinh từ khát vọng tự do, chống chế độ độc tài và chỉ là hành bộc phát của người dân. Do đó theo bà, không nên xét tới góc độ văn hóa trong trường hợp này. Bà nói:

    “Cách nhìn này là phiến diện, theo tôi không nên nhìn nó nặng về góc độ văn hóa, mà nó phải xét dưới góc độ chính trị. Nó là một biểu tượng chính trị và đại diện cho một chế độ mà người dân thấy mình là nạn nhân cho nên muốn đập bỏ nó đi. Đây là hành động mang tính biểu tượng, thể hiện mong muốn cho mình một chế độ dân chủ hơn”

    Tôi không hiểu vị tiến sỹ này nói gì nửa, có lẽ đây là một nhận định mang tính tha hóa về tư tưởng, trống rỗng về lịch sử.
    Mõ Làng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ vì « đụng » đến cái « ông Lê nin ở nước Nga » mà một số người « thấy rất là VN » nên mới có người thấy xót xa, cho việc đập tượng « người thầy vĩ đại » là hành động thiếu văn hóa. Trong lịch sử thế giới, những việc như vậy vẫn thường xảy ra ; như việc người dân Paris chiếm ngục Bastille (La prise de la Bastille) ngày 14-7-1789, sau thành ngày quốc khánh Pháp , không ai, kể cả các sử gia mác xít, coi là việc làm thiếu văn hóa.
      Tú Đoàn/

      Xóa
    2. Trao đổi với Mõ Làng và chủ blog Anh Vũ:

      Ucraina đập phá tượng Lê nin đúng là hành vi chính trị (nhưng xét cho cùng cũng thuộc phạm trù văn hóa thôi). Do đó TS Nguyễn Minh Giang nói khái niệm "văn hóa" mà chưa hiểu hết nội hàm “văn hóa”, sao ông lại loại trừ chính trị ra khỏi văn hóa?

      Mình muốn nói thêm cho chính xác hơn: đập tượng Lê nin là đập cái biểu tượng nước Nga (của Putin) tức là, không muốn hợp tác với NƯỚC NGA.

      Lê nin sinh quán ở tỉnh Simbirsk (Симбирск) là một thành phố nằm trên sông Volga ở nước Nga, cách Moskva 893 km về phía đông...Sau CM tháng Mười Nga, tỉnh này được/bị đổi tên là Ulianovsk (họ Le nin), chả biết nay có đổi lại như cũ không (?).

      Do đó mình nghĩ “đập tượng LN” là ý muốn phá quan hệ Ucraina với Nga thôi, nó cũng là "vấn đề chính trị" nhưng không phải "chế độ chính trị". Vì cả hai nước Nga và Ucraina đều thoát Lenin, thoát Marx, theo CỘNG HOÀ rồi mà. Chả lẽ lại đi đập cái biểu tượng vu vơ, vốn đã là quá khứ của cả hai nước ?

      Xóa
  3. Thôi, cứ để tượng Lê-nin lại. Tượng Tần Cối (bên Tàu) vẫn còn tồn tại mãi với thời gian đấy thôi!. Cho nó vui vẻ...

    Trả lờiXóa
  4. Hi all,
    Hôm trước tôi có trả lời phỏng vấn trên đài RFA về việc phá lăng, đập tượng, với 2 ý chính là:

    - Hành vi phá lăng đập tượng là đáng lên án, và nhìn chung là một hành vi phá hoại
    - Nhưng trong trường hợp Ukraina, hoặc trong các cuộc cách mạng khác, khi người ta đập đổ tượng các lãnh tụ (còn sống hoặc đã chết) thì đó là hành vi chính trị, không thể nhìn theo góc độ phá hoại các di tích văn hóa. Hành vi ấy có tính biểu tượng, và nó nói lên nguyện vọng của người dân muốn xóa bỏ một chế độ mà họ "tin rằng mình là nạn nhân". (Xin chú ý những từ "tin rằng" - tôi cố tình nói thế để tránh đưa ra phán đoán ai đúng, ai sai, khi tôi chưa có đủ thông tin.

    Chẳng rõ điều đó có phạm húy gì không mà hôm nay tôi thấy trang Mõ Làng viết hẳn một bài để phê phán tôi. Dường như đó cũng là cùng một Mõ Làng có comment ở trên Thực sự, tôi cũng không đọc lại bài viết trên RFA, nên không rõ họ có nói đúng ý mình không. Nhưng khi đọc bài của Mõ Làng thì tôi thấy cũng không cần tranh luận hay đính chính gì. Tôi đã để lại trên trang của Mõ Làng nhận xét như sau:

    Tôi là Vũ Thị Phương Anh đây.
    Mỗi người có một quan điểm nên tôi thấy cũng không cần phải tranh luận ở đây làm gì. Chỉ muốn nhắc: Nếu đã viết bài phê phán người khác thì trước hết các thông tin trong bài nên chính xác đã. Hãy kiểm tra lại chức vụ hiện nay của tôi. Và, cũng xin nhắc: (Karl) Marx, ông tổ của chủ nghĩa xã hội, thì khác với ông Mark (Zukerberg), ông tổ của facebook nhé. Những chi tiết đơn giản về nhân thân người khác mà bạn còn nhầm lẫn như vậy thì liệu những gì bạn phán đoán về văn hóa, về lịch sử vv liệu có chính xác không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài của Mõ Làng ở đây: http://molang0205.blogspot.com/2014/03/tieng-noi-lac-long-cua-tien-sy-vu-thi.html?showComment=1395065378248#c6095559290154539488

      Xóa
  5. Ông Nê-ninh ở nước Nga,
    Mỏ nàng cứ tưởng ổng nà Tiên sơ,
    Khi xưa Tố hủ nàm thơ,
    Khóc cha khóc một, ất ơ khóc mười!
    Ông Bà chín suối ngậm cười,
    Đẻ chi một lũ đười ươi quên nòi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ông bà chín suối sặc cười
      đẻ chi 1 nũ đười ươi quên lòi....

      Xóa
    2. Ông Lê nin ở nước Nga,
      Cớ sao lại đến nước ta ”tung hoành”?
      Đúng ra là cái tên Lê nin, chứ không phải chính ông Lê nin, vì ông đã theo ông Mác từ năm 1924 rồi. Các bạn đoc trẻ tuổi có thể không hình dung được cái tên Lê nin đã “ hoành hành” như thế nào mấy chục năm trước; xin kể lại vài sự việc vào những năm đầu của thập niên 1980:
      1.Lúc ấy trong các hiệu sách quốc doanh, gần như chỉ có sách chính trị, trong đó có sách về / của Lê nin ( sách dịch). Hiệu sách quốc doanh lớn như Fahasa thì có tủ / kệ chưng bộ Lê nin toàn tập. Vào hiệu sách là thấy ngay tên Lê nin.
      2. Học sinh mới đi học, chưa biết viết tên mình, nhưng đã được biết cái tên Lê nin: sách học đánh vần, bài đầu học chữ “a” có câu này:
      Ông Lê nin ở nước Nga,
      Mà em lại thấy rất là Việt Nam.
      3. Có lần Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký mua bộ Lê nin toàn tập cho hội viên. Nhiều bạn bè, người quen đăng ký mua, nhưng tôi thì không vì nghĩ mình chẳng có tâm trí để đọc trong hoàn cảnh kinh tế rất khớ khăn lúc bấy giờ, và cũng chẳng biết nếu mua thì làm sao đem sách về nhà ( bộ sách gồm 55 tập, mỗi tập khoảng 700 trang, mà lúc ấy phần lớn mọi người đi xe đạp). Một người nói với tôi: “rồi anh sẽ thấy giá trị của bộ sách”. Tôi chờ đến ngày nhận sách xem những người đăng ký mua sẽ xoay sở ra sao. Và tôi đã thấy: trước khi nhận sách họ đã hẹn các chị mua bán “ve chai” chờ trước cổng. Nhờ vậy các trang sách của Lê nin được “quảng bá” rộng rãi.
      Tú Đoàn.

      Xóa
  6. Thích nhất bác Lê-nin 2 câu:
    1. Trí thức là cục phân
    2. Làm bất kể điều gì miễn sao có lợi cho cách mạng vô sản.

    Nhờ 2 câu này mà một thế kỷ nữa chưa chắc đã tiến lên CNXH (bác Trọng)

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.