Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Vài suy nghĩ nhân đọc bài tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Tonneson (2/2)

(Tiếp theo phần 1, ở đây:  http://blogphuonganh.blogspot.com/2013/10/vai-suy-nghi-nhan-oc-bai-tuong-niem-ai_22.html)
-------
Quay trở lại cuộc gặp gỡ lịch sử, "không tiền khoáng hậu" giữa tướng Giáp và McNamara mà Tonneson đã nhắc đến để từ đó chuyên chở thông điệp của mình qua bài viết tưởng niệm tướng Giáp. Như tôi đã nêu trong phần 1, cuộc gặp này cũng đã từng được đưa trên truyền thông trong nước, được thuật lại qua lời của nhà sử học Dương Trung Quốc trong bài viết có tựa là "Cuộc gặp ấn tượng của tướng Giáp và McNamara". Đọc được bài viết của ông DTQ sau khi đọc đọc bài tưởng niệm tướng Giáp của Tonneson thì cảm giác bứt rứt, băn khoăn của tôi về thông điệp của Tonneson dành cho VN lại càng được củng cố, và tôi nghĩ chúng ta nên bỏ một ít thời gian để so sánh lời tường thuật của hai phía về cuộc gặp gỡ này. Và cũng thật thú vị khi so sánh tác giả của hai bản tường thuật kia: cả hai đều là những nhà sử học, chỉ khác nhau về chỗ đứng: một bên đại diện cho phía VN, "người trong cuộc", và bên kia là một nhà quan sát khách quan, một nhà sử học thuộc một quốc gia trong khối Bắc Âu vốn yêu hòa bình và luôn chọn thái độ trung lập về chính trị.

Cuộc gặp gỡ ấy xảy ra vào năm 1997, và là cuộc gặp lần thứ hai giữa McNamara và tướng Giáp sau lần gặp đầu tiên vào năm 1995. Thật ra, cả hai cuộc gặp đều được cả hai nhà sử học tường thuật lại, nhưng bài viết của Tonneson chỉ đề cập lướt qua cuộc gặp này như bối cảnh để nói về cuộc gặp sau, trong khi ông DTQ chú trọng cuộc gặp thứ nhất nhiều hơn; có vẻ như DTQ cho rằng đó là cuộc gặp chính, còn cuộc gặp sau thì không còn gì mới để trao đổi. Trong khi đó, bài viết của Tonneson thuật lại cuộc gặp thứ hai - cũng là cuộc gặp cuối cùng giữa hai người - rất tỉ mỉ, chi tiết, vì dường như tác giả có hàm ý rằng cuộc gặp thứ hai này mới bộc lộ đầy đủ tất cả những cái hay, cái dở của tướng Giáp như một người đại diện cho quan điểm của VN - ít ra là vào thời điểm ấy, và về cuộc chiến đã qua.

Theo lời kể của ông DTQ, diện kiến đầu tiên năm 1995 diễn ra một cách thuận lợi và có vẻ đã tạo cho tướng Giáp một cảm giác rất thoải mái, tự tin. Điều này có thể hiểu được, vì trong lần gặp này McNamara đã bày tỏ sự hối tiếc về cuộc chiến đã xảy ra, đồng thời cho biết ông đã cố gắng giúp đỡ VN bằng cách cho giúp VN vay tiền của Ngân hàng thế giới cho các dự án thủy lợi khi ông còn là giám đốc của tổ chức này (McNamara giữ cương vị này 13 năm, ngay sau khi rời vị trí bộ trưởng quốc phòng Mỹ năm 1968 và kết thúc năm 1981 khi ông về hưu). Cũng trong cuộc gặp này McNamara đã nhận được từ tướng Giáp câu trả lời cho câu hỏi mà có lẽ ông đã ôm trong lòng từ thời ông còn là bộ trưởng quốc phòng Mỹ, đó là, điều gì đã xảy ra vào ngày 4/8/1964 khiến cuộc chiến tranh giữa Mỹ và miền Bắc VN bùng nổ, tức cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" ấy, thật ra là gì?Vâng, câu hỏi của một người cựu bộ trưởng quốc phòng của "bên thua cuộc", muốn mổ xẻ lại quá khứ để rút ra cho mình và cho các thế hệ tương lai những bài học kinh nghiệm từ thất bại đã qua.

Câu trả lời của tướng Giáp tất nhiên là giống như những gì mọi học sinh VN đã được dạy trong môn Sử, đó là: không hề có việc gì xảy ra vào ngày ấy, mà chỉ có một sự kiện nho nhỏ xảy ra vào ngày 2/8/64 khi hải quân Mỹ xâm phạm vùng biển VN và bị đuổi. Nói vắn tắt, tướng Giáp cho rằng sự kiện 4/8/1964 là do phía Mỹ dựng lên để có cớ xâm phạm (xâm lược?) VN theo những kế hoạch mà họ đã định từ trước. Nguyên văn trong bài viết của DTQ như sau:

30 năm sau sự kiện đó, McNamara mới trực tiếp nhận được một câu trả lời chính xác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Ngày 2/8/1964, tàu Mỹ xâm phạm hải phận Việt Nam ở khu vự đảo Hòn Mê. Một đơn vị hải quân địa phương của chúng tôi đã đánh đuổi. Còn ngày 4/8/1964, không có một hoạt động quân sự nào từ phía Việt Nam được tiến hành trên khu vực này". Các vị khách Mỹ nghe rất chăm chú.

Đại tướng nói tiếp: "Nói điều này có thể là công việc nội bộ của Mỹ, nhưng theo tôi biết thì trước những ngày này, ở Mỹ người ta đã soạn thảo những văn bản để chuẩn bị cho việc mở rộng chiến tranh ở Việt Nam rồi".

Như vậy, qua lời kể của DTQ, có thể thấy cuộc gặp ấy đã kết thúc rất tốt đẹp, và đặc biệt "thắng lợi" cho phía VN: tướng Giáp đã có cơ hội phân tích (thậm chí có thể nói là giảng giải)  cho kẻ cựu thù những sai lầm của nước Mỹ trong cuộc chiến ấy, và khẳng định được bằng lời với kẻ thù về  tinh thần kiên quyết bảo vệ độc lập của VN, mặc dù tất nhiên VN vẫn mong muốn có quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Và có vẻ như McNamara cũng hoàn toàn bị thuyết phục bởi những gì tướng Giáp đã nói, với một thái độ của một người cựu thù nhưng nay chỉ muốn là bạn, và sẵn sàng làm mọi thứ để sửa sai những gì còn có thể sửa được.

Một chi tiết không có trong bài của DTQ nhưng đã được Tonneson nêu vắn tắt trong bài viết của mình, đó là sau khi nghe câu trả lời của tướng Giáp về cái gọi là sự kiện vịnh Bắc bộ, McNamara đã fax ngay về Mỹ cho nhà xuất bản nơi đang in cuốn hồi ký của ông để sửa lại chi tiết này trong cuốn sách cho chính xác. Điều này cung cấp cho ta thêm chi tiết để khẳng định sự chân thành và lòng mong muốn muốn hòa giải của McNamara khi quay lại "chiến trường xưa".

Đoạn dưới đây trong bài viết của DTQ khẳng định cuộc gặp nói trên đã kết thúc rất tốt đẹp:

Ngày hôm sau 10/11 cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara đã phát biểu trước các nhà báo: "Tôi thực sự xúc động khi quay trở lại Việt Nam, điều mà tôi từng mong ước 21 năm qua. Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều đó làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nan đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh những quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi". Nói về cuộc gặp với tướng Giáp, ông McNamara cho rằng đó là một cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng.

Với ấn tượng tốt đẹp như vậy về tướng Giáp sau lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 1995, hai năm sau trong một dịp đến Việt Nam dự Hội thảo Việt-Mỹ lần đầu tiên, McNamara lại bằng mọi giá cố gắng đến thăm tướng Giáp khi ông chỉ còn có vài tiếng đồng hồ là phải ra sân bay để trở về nước Mỹ. Tiếc thay, cuộc gặp này lại hoàn toàn không hề như mong muốn của McNamara, và có lẽ cũng làm cho tướng Giáp không vui. Sự căng thẳng, không vui này có thể đọc được dễ dàng trong bài viết của DTQ, mặc dù có lẽ chính DTQ cũng không hiểu tại sao cuộc gặp lần này lại không thảnh công như thế. Đọc lời tường thuật của DTQ, ta có cảm giác hình như có 2 ông McNamara khác nhau, một ông dễ thương, mềm mỏng, chân thành của năm 1995, và một ông nóng nảy, thô lỗ, cộc cằn và thậm chí có gì đó hơi mỉa mai, trịch thượng của năm 1997. Vậy thì, chuyện gì đã xảy ra trong cuộc gặp lần thứ hai, và McNamara thực ra muốn gì khi cố gắng gặp lại tướng Giáp bằng mọi giá dù chỉ trước giờ bay có mấy tiếng đồng hồ? Hẳn là chính ông DTQ, người thuật lại 2 cuộc gặp nói trên cũng không hài lòng với lời tường thuật của mình và muốn hiểu rõ hơn.

Rất may cho chúng ta là cuộc gặp gỡ ấy vẫn còn một người khác chứng kiến và thuật lại. Tonneson đã viết về cuộc gặp này vô cùng chi tiết, dường như tác giả có ấn tượng rất sâu đậm về nó. Xin trích dịch một vài đoạn (hơi dài) đáng lưu ý ở đây:

Hôm ấy là ngày 23 tháng sáu năm 1997 và Hà Nội đang rất nóng và ẩm. Robert McNamara vừa điều hành xong một cuộc hội thảo 4 ngày trong một khách sạn sang trọng là KS Metropole để trao đổi về những sự hiểu lầm và các cơ hội bị bỏ lỡ giữa Washington và Hà Nội trong giai đoạn 1961-1969. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là là chuyến bay của McNamara phải rời sân bay Nội bài. Nhưng ông vẫn muốn phải được gặp tướng Giáp. [...]

Hai năm đã trôi qua kể từ khi McNamara xuất bản cuốn hồi ký đầu tiên của mình, và sau những tranh luận gay gắt tại Mỹ về sự chân thành cũng như những hạn chế trong những lời tự phê bình của vị cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, McNamara đã chuẩn bị cho một cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở với vị đại tướng châu Á nhỏ nhắn nhưng rất thông minh này. Tiếc thay, cuộc gặp gỡ của họ hóa ra chỉ như một màn kịch, khiến cho cả hai bên đều cảm thấy càng khó gần nhau hơn nữa. Hai người đàn ông đã trải qua hầu hết một trận chiến với số người chết là hơn 3 triệu người từ  hai phía. Hai đầu óc tính toán lỗi lạc với nhiều hối tiếc cũng như những nỗi tự hào. Họ có rất nhiều điểm giống nhau, nhưng đầu óc của họ không hề có được cơ hội gặp nhau.

[...] Mong ước của McNamara là sẽ có được một cuộc trao đổi thoải mái, không chuẩn bị trước và không bị quấy rầy bởi những tay nhà báo đầy ác cảm. Hy vọng lớn nhất của McNamara là tướng Giáp sẽ đáp lại sự chân thành của mình bằng cách kể lại một vài hối tiếc của ông, ví dụ như về những sai lầm mà ông đã mắc phải, hoặc đã không thương lượng chấm dứt chiến tranh sớm hơn để giảm bớt tổn thất về sinh mạng. Nếu tướng Giáp cũng có những hối tiếc về cuộc chiến, thì điều đó có nghĩa là cả hai người sẽ có thể cùng nhau đi tìm sự cứu rỗi. Thượng đế sẽ tha thứ cho tướng Giáp cũng như Ngài đã tha thứ cho McNamara. Tất nhiên cách suy nghĩ này không ổn, vì cuộc chiến mà tướng Giáp tiến hành là một cuộc chiến chống ngoại xâm ngay trên quê hương mình, trong khi McNamara đã điều quân đến để hy sinh tại một quốc gia xa lạ ở bên kia bờ Thái Bình Dương rộng lớn. Rõ ràng là tướng Giáp chẳng có gì để hối tiếc về một cuộc chiến mà ông đã chiến thắng.

[...]
Lúc đầu khi nghe tướng Giáp phát  biểu, McNamara cắm cúi ghi chép, nhưng khi thấy phát biểu của tướng Giáp không hề ngắn gọn như ông đã tuyên bố, McNamara bèn thôi không ghi chép nữa mà đan hai bàn tay lại ngồi chờ để sẵn sàng ngắt lời khi tướng Giáp buộc phải dừng lại để lại lấy hơi. Nhưng vô ích. Dường như tướng Giáp lấy hơi ngay trong khi nói và thậm chí không hề nhìn đến vị khách người Mỹ đang hết sức nóng ruột kia. Ông nhìn thẳng qua phòng họp đến tất cả chúng tôi và nói nhỏ nhẹ nhưng nhấn mạnh về việc Mỹ leo thang chiến tranh từ Kennedy đến Johnson và về quyết tâm kháng chiến của Việt Nam. McNamara kiên nhẫn chờ đợi một hồi lâu nhưng cuối cùng không thể che dấu sự sốt ruột của mình được nữa. Đầu tiên ông cởi chiếc đồng hồ đeo tay một cách đầy ngụ ý và đặt nó xuống bàn. Không tạo được tác động gì nơi tướng Giáp nên ông quyết định dùng tay và dùng lời. Tướng Giáp vừa nói "Tôi là lính, xin cho tôi nói thẳng" là McNamara xen vào ngay và nói: "Vâng, xin ông cứ thẳng thắn. Rồi sau đó tôi xin phép được ngắt lời ông và chuyển sang chủ đề khác."

Tướng Giáp không hề xúc động. Ông tiếp tục bài phát biểu của mình bằng một giọng đều đều, giống như một ông giáo đang giảng bài và phớt lờ cậu học sinh to xác có thói quen quậy phá trong lớp học. Ông không hề nhìn McNamara dù chỉ một lần, mà cứ nói vào không gian, chờ phiên dịch, rồi lại tiếp tục nói, chờ phiên dịch, nói  tiếp ... bằng  một giọng điệu đều đều dường như kéo dài vô tận ... [...]

Có một lúc McNamara đã xen vào thêm được một câu hỏi khác. McNamara muốn biết xem trong số những quyết định của Mỹ thì quyết định nào đã làm người Việt lơ lắng nhất. Tướng Giáp trả lời rằng trong vốn từ của VN không có từ "lo lắng". Và cứ mỗi lần bị ngắt lời như vậy, ông Giáp lại nhanh chóng quay trở về bài độc thoại của mình: "Không có gì quý hơn độc lập tự do. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam không chỉ là một chiến thắng vật chất, mà đây còn là lần đầu tiên một nước nhỏ đã đạp đổ cái ảo tưởng về sự thống trị của một siêu cường. Tuy nhiên, ngày nay, trong những điều kiện văn hóa và địa chính trị đã thay đổi, sẽ không có gì cản trở việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ nữa. Bình thường hóa quan hệ là điều mà cả hai nước đều quan tâm, đặc biệt là xét đến tầm quan trọng của vị trí địa lý và văn hóa của Việt Nam."

Và cứ thế, cuộc đối thoại - hay đúng hơn là cuộc độc thoại cứ tiếp diễn. Quả thật, khi đọc những ký ức này của Tonneson, tôi không biết phải nghĩ như thế nào. Thái độ của tướng Giáp chỉ có thể nói là rất bất lịch sự và trịch thượng một cách buồn cười - dù có lẽ sự trịch thượng đó của ông là không có ý thức, chỉ là thói quen mà thôi. Trong khi đó, tại cuộc gặp gỡ hôm đó không chỉ có tướng Giáp và Tonneson, mà còn có vài chục người khác, tất cả đều là những nhân vật tai to mặt lớn. Cho đến tận cuối của cuộc gặp gỡ, tướng Giáp mới ngưng lại để cho phép những người có mặt trong buổi hôm ấy đặt vài câu hỏi, mỗi câu lại kích thích cho tướng Giáp tuôn ra một tràng dài trả lời.

Phần kết thúc của "cuộc gặp gỡ lịch sử" được Tonneson mô tả như sau:

Đến lúc này, các thành viên của đoàn Mỹ đã hoàn toàn chịu thua. Dường như họ có chút gì kính sợ đối với vị đại tướng nhỏ bé này, người mà ngày hôm nay lại vừa chiến thắng một trận nữa: "Thưa ông đại tướng, hôm nay quả là ông đã dành phần thắng trong cuộc chiến ngôn từ", McNamara kêu lên như vậy. "Bây giờ thì tôi hiểu tại sao ngài lại có thể trở thành một huyền thoại sống như vậy. Huyền thoại của ngài sẽ mãi bền vững," Đại tướng Dale Vesser, một người trong đoàn của McNamara, nhận xét.

Không, tôi không phải là huyền thoại", vị tướng huyền thoại ấy nói. "Tôi chỉ là một đại tướng của nhân dân thôi. Khi tôi đứng bên cạnh một người lính, tôi cảm thấy mình cũng là một người lính. Làm tổng tư lệnh tất nhiên là một công việc khó khăn, nhưng chính những người lính mới là những người trực tiếp tham gia. Vì vậy, bao giờ tôi cũng kính trọng những người lính."

Trước khi cuộc gặp gỡ kết thúc, tướng Giáp nói ông còn có một điều quan trọng cần nói, và McNamara đồng ý ngay: "Vâng, ông nói đi". Và khi tướng Giáp nói, McNamara ngồi thõng vai xuống và với nụ cười dễ mến. Thái độ hăng hái muốn trao đổi lúc đầu giờ đây đổi thành một vẻ chịu đựng hơi hài hước. Chính lúc này, có lẽ thế, là lúc hai người đàn ông có thể bắt đầu nhìn nhận nhau một cách đầy đủ, thậm chí có thể thực sự đối thoại, về chiến tranh nhân dân và về những tổn thất về sinh mạng, về những thành công và thất bại trong cuộc chiến, về bi kịch của những con người đã hy sinh trong cuộc chiến ấy. Nhưng không, chuyện ấy đã chẳng bao giờ xảy ra. Cuộc gặp gỡ kết thúc. Họ bắt tay nhau. Cánh cửa đã mở để tiễn khách. [...] Trong vòng hơn một tiếng đồng hồ họ đã ngồi với nhau trong cùng một phòng, nhưng thực sự họ vẫn chưa hề gặp gỡ nhau.

Đấy, cuộc gặp gỡ lịch sử, trong cảm nhận của phía bên kia, và qua sự chứng kiến và tường thuật của một quan sát viên hoàn toàn khách quan, là như thế. Theo phong cách chuyên nghiệp của một học giả phương Tây, tác giả Tenneson không diễn giải nhiều theo ý riêng của mình, mà chỉ đưa những chi tiết có tính mô tả về những gì đã diễn ra, và để cho người đọc tự rút ra kết luận. Nhưng những gì tôi đọc được qua phần mô tả ở trên, được soi sáng thêm rất nhiều qua lời tường thuật của tác giả DTQ (xem lại bài 1) đã làm tôi vô cùng bứt rứt. Phải chăng thông qua lời tường thuật của mình, Tenneson muốn nói rằng, nỗ lực tìm hiểu và xích lại gần kẻ cựu thù do McNamara chủ động thông qua cuộc gặp lịch sử này đã không đạt được gì hết? Rằng mọi nỗ lực để thay đổi cách nhìn của tướng Giáp về cuộc chiến ấy - cũng là đại diện cho một quan điểm phổ biến tại VN -  sẽ là vô ích?  Vâng, tôi đọc được những thông điệp ấy từ bài viết của Tenneson khi ông mô tả về sự thất vọng não nề của McNamara trong sự tương phản với thái độ vô cùng an nhiên tự tại của tướng Giáp.

Chẳng phải thái độ đó cũng đồng nghĩa với việc những người như tướng Giáp và thế hệ của ông vẫn tin rằng chân lý ở về phía mình và dường như chẳng bao giờ có ý định nhìn lại quá khứ, nhìn lại cuộc chiến với những mất mát hy sinh lớn lao đó dưới một cái nhìn nhân bản hơn, hay sao? Dường như họ không có chỗ nào trong trái tim để dành cho sự tiếc xót đối với những thiệt hại khủng khiếp của hàng triệu người đã mất và nhiều triệu người khác còn sống với những nỗi đau âm thầm hàng ngày, mà chỉ có chỗ dành cho niềm tự hào của chiến thắng, với một niềm tin sắt đá vào chính nghĩa của mình trong cuộc chiến. Sự tự hào và niềm tin có lẽ vẫn được giữ nguyên vẹn, một tình cảm "trung trinh", kể từ thuở vị đại tướng huyền thoại ấy - mà ông muốn được gọi là đại tướng của nhân dân - mới bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình.

Khi Tenneson và những tác giả phương Tây gọi ông là một huyền thoại sống, họ nói điều ấy theo nghĩa: nhân vật huyền thoại ấy sẽ không bao giờ đổi khác - vì không thể đổi khác? Đúng, tướng Giáp là một nhân vật huyền thoại với một tấm lòng sắt son không bao giờ lay chuyển về chính nghĩa của mình - của những người VN  cộng sản - trong cuộc chiến ấy, một sự kiên định đáng kính nể và làm cho mọi "kẻ thù" của ông phải chào thua! Ông (và niềm tin mà ông đại diện) vẫn hoàn toàn thắng trong cuộc chiến ấy, và cả trong cuộc chiến ngôn từ khi nói về cuộc chiến ấy nữa, ngay cả trong cuộc gặp gỡ lịch sử này. Dường như không có một cơ hội nào từ VN cho sự nhìn nhận lại quá khứ cả!

Bây giờ thì cả hai nhân vật lịch sử vĩ đại ấy đều đã đi vào quá khứ. Cuộc gặp lịch sử năm 1997 giữa hai người là lần gặp gỡ cuối cùng của họ. Hơn một thập niên sau đó, McNamara đã mất vào năm 2009, cũng là khoảng thời gian đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu thời kỳ trên dưới 1500 ngày nằm viện. Trong thời gian ấy rất nhiều thứ đã thay đổi. Trong những đoạn cuối cùng của bài tưởng niệm tướng Giáp, Tenneson nhắc đến những dấu hiệu của sự thay đổi trong suy nghĩ và của chính tướng Giáp trong những năm cuối đời của ông như thế này:

Ông [tức đại tướng VNG] đã tìm được thời gian trong những thập niên cuối đời để phát triển một quan điểm có tính phản biện đối với những thay đổi trong đảng của mình [tức ĐCSVN], và đôi khi ông cũng biểu lộ sự phê phán của mình trong những bức thư gửi lãnh đạo của đảng. Sự độc lập về tư tưởng này hẳn đã làm cho công chúng càng yêu quý ông hơn. Ông trở thành một biểu tượng quốc gia, và đám tang của ông biến một cuộc để tang của toàn dân. Và, cũng hơi giống với McNamara, trong tuổi già của mình tướng Giáp cũng nhắc nhiều hơn đến hòa bình nữa.

 Những dòng cuối cùng trong bài viết tưởng niệm tướng Giáp của Tennyson không còn chỉ viết cho tướng Giáp, mà là cho cả Việt Nam:

Cầu mong Đại tướng VNG an nghỉ giấc ngàn thu. Cầu cho ước mong của đại tướng trở thành sự thật, rằng toàn thế giới sẽ được sống trong hòa bình. Thế kỷ 21 này không thể có chỗ cho chiến tranh nhân dân [của tướng Giáp] hay chiến tranh máy tính [của McNamara] nữa; cuộc chiến từ trên trời rơi xuống, từ pháo đài bay B52, từ hàng không mẫu hạm hoặc các chiến đấu cơ khác.  

Điều chúng ta cần ngày nay là Hòa bình (của) Nhân dân!

Vâng, dân tộc VN của chúng ta, một dân tộc thiện chiến thuộc hàng nhất thế giới, đồng thời cũng là một dân tộc với một lịch sử chia rẽ nội bộ, chém giết lẫn nhau,"nồi da xáo thịt" cũng thuộc loại có hạng, liệu chúng ta có thể mơ ước điều này hay không?
 ---------------------------
(Xin đọc bài viết của DTQ về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhân vật lừng danh này ở đây: http://news.zing.vn/Cuoc-gap-an-tuong-cua-tuong-Giap-va-McNamara-post346517.html)

7 nhận xét:

  1. Trong "In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam", McNamara đã rút ra một số bài học từ cuộc chiến VN. Ông muốn thảo luận vói tướng VNG, tìm hiểu quan điểm của “cựu thù” xem có thể có thêm bài học nào nhằm tránh những “thảm họa” ( như cuộc chiến VN) trong tương lai. Nhưng ông đã lầm: vì chưa có kinh nghiệm sống trong “thiên đường xhcn” như người Việt chúng ta nên ông không hiểu là tướng VNG hoặc bất cứ nhà lãnh đạo cs nào khác cũng sẽ nói những điều như trong sách giáo khoa mà học sinh phải học. Trong cuộc gặp năm 95, tướng VNG đã “thẳng thắn” gọi Mỹ là “tân đế quốc/ thực dân kiểu mới” ( neoimperalist ) và khẳng định Mỹ đã bỏ lỡ những cơ hội ( missed opportunities- chữ của McNamara) và cần rút ra những bài học, chứ VN thì không. (Mấy năm sau trong cuộc gặp tổng thống sắp mãn nhiệm Clinton, tổng bí thư LK Phiêu cũng lập lại ý này).
    Rốt cục McNamara nhận thêm một “thất bại” trong cuộc chiến ngôn từ, và chẳng rút ra được thêm bài học nào cho nhân loại như ông mong muốn. Nhưng có lẽ ông cũng có một bài học cho chính mình: bài học mà “đồng minh” NV Thiệu của ông đã tóm tắt trong môt câu nói ngắn gọn được nhiều người đồng tình và trích dẫn.
    Tú Đoàn.

    Trả lờiXóa
  2. Bỗng nhớ tới câu thơ bất hủ của Lý Bạch (“Chiến bãi, sa trường nguyệt sắc hàn”: Trận chiến ngừng, ánh trăng lạnh lẽo phủ lên chiến trường). Tuy nhiên với tướng Giáp, chiến tranh chưa chấm hết, ngồi đối diện với tướng Mc Namara ở Hà Nội mà ngôn từ của ông vẫn bừng bừng lửa đốt, như đối mặt giữa chiến tranh.

    Trả lờiXóa
  3. Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp [có lẽ] đã quyết định chết với tư cách một người Cộng sản, trên con đường Cộng sản, cái lý tưởng mà ông đã chọn (hoặc nó đã chọn ông) thời trai trẻ.

    Có lẽ, ông đã bất kể thực tế ông đã nhìn thấy con đường ấy chỉ duy nhất dẫn đến ngõ cụt, không lối thoát, không tương lai, để chết như một người Cộng sản.

    Có lẽ, bất cứ hành động hay phát ngôn nào, nếu ông cảm thấy có chút xiu nào đó ảnh hưởng đến sự bền vững của đảng CS, của chính quyền CS, ông sẽ không làm, hoặc không nói, dù, có trăn trở hay không, trăn trở nhiều hay ít.

    Có lẽ, cái thứ mà cố Đại tướng cho là tối thượng, không phải là lợi ích của nhân dân Việt Nam, của tổ quốc Việt Nam như nhiều người nhận định. Tôi cho rằng cái tối thượng trong đời ông chính là cái lý tưởng của ông đã chọn. Chết hay sống, ông vẫn thuộc về nó, ông là của nó như nó là của ông. Không thể thay đổi điều đó.

    Tôi không tin, không thể tin được, trong những tháng năm cuối cùng, với tư cách một "anh Cả đỏ" của rất nhiều cán bộ lãnh đạo vẫn trung thành với ông, một trí thức với vốn ngoại ngữ không tồi, ông Võ Nguyên Giáp không thể tiếp cận được với những thông tin chỉ rõ một điều, chủ nghĩa CS là thứ không thể tiếp cận được, không thể xây dựng được. Và, kể cả những thực tế đẫm máu và nhơ bẩn đã diễn ra trong suốt thời gian ông tham gia chính quyền, có khi ông lại nắm được chắc hơn, nhìn được rõ hơn khi đã rút chân ra khỏi nó.

    Nhà nho Nguyễn Trãi chết vì tư tưởng trung quân không có lối thoát, đảng viên Võ Nguyên Giáp không chết vì lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Cộng sản.

    Xin lỗi tất cả những người vẫn dành cho cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp một sự tôn sùng, nhưng, chắc chắn rằng, lịch sử sẽ phải làm việc của nó mà không cấn cáy chút tình cảm cá nhân nào.

    Chỉ có thể có một điểm cộng cho tướng Giáp trong vấn đề này, đó là, nếu ông vẫn nhất nhất tin rằng chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít sẽ thành công trong tương lai.

    Tôi không tin điều đó.

    Trả lờiXóa
  4. CÔ viết bài rất hay, cảm ơn cô.

    Trả lờiXóa
  5. Mục đích và hoàn cảnh McNamara gặp tướng Giáp năm 1997 khác 1995. Câu chuyện về chuyến đi năm 1997 cua McNamara trên NYT: http://www.nytimes.com/1997/08/10/magazine/robert-mcnamara-and-the-ghosts-of-vietnam.html?pagewanted=all&src=pm

    Trả lờiXóa
  6. Bạn chaubochinh đã đọc bài viết trên NYT mà bạn gửi link cho tôi chưa? Xin trích lại đoạn này:

    At the end, the Americans were taken to a frustrating meeting with General Giap, the short, gray-haired master military strategist, who gave a propaganda lecture lasting more than an hour, ignoring McNamara's pleas for answers to substantive historical questions submitted beforehand. ''You're certainly winning the war of words,'' McNamara said through a brave smile. The same thing happened three days earlier with Foreign Minister Nguyen Manh Cam, who had stonewalled questions in favor of a polemic about American misdeeds. This so annoyed Cooper that he scribbled a note: ''This gives me deja vu: 1954, 1961, 1970. Enough already!'' But on balance, Cooper said later, ''I'm awfully glad I came. It closes the loop for me. I admire their guts.''

    By the end of the conference, McNamara pronounced the meetings a successful first step in examining the war. It was hard not to admire his relentless spirit of inquiry. But his attractive trait of self-criticism and his faith in the power of knowledge weigh against the memory of what he did, the criticism he screened out at the time, the facts he refused to consider in his policy making. Now he was willing to accept blame, but he also sought to spread the guilt around, to extend the circle of error to the North Vietnamese. They were not ready to play that game. ''Of course,'' Co countered at the closing news conference, ''the opportunities were missed by the U.S. side, not by the Vietnamese side.'' McNamara came back: ''I don't think they were all missed by the U.S.''

    On that discordant note, and immediately after the unsatisfying session with General Giap, McNamara rushed to catch a plane. He was flying to New York for a meeting to discuss anticorruption efforts in Africa. ''I'm tilting at windmills all over the world,'' he chuckled. Then he planned to go mountain climbing in Colorado.

    ''I think McNamara is a delicate personality, despite his mountain climbing,'' Cooper said. ''He's running fast so the ghosts don't catch him,'' said another American, paraphrasing an observation made by others who have watched him.

    In the streets of Hanoi, McNamara's lean frame, slightly bent, looked sinewy or fragile. One could not be certain. He is 81, and he is hurrying through the twilight.

    Trả lờiXóa
  7. "đặc biệt là xét đến tầm quan trọng của vị trí địa lý.."- Tự đánh giá quá cao về mình & sự cao ngạo thái quá của người cs có lẽ chính là nguyên nhân đưa họ tới nhiều sai lầm chết người chăng?

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.