Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

"Qua vách ngăn giữa hai đảng": Bài bình luận trên tờ Economist ngày 26/10/2013 về tình hình Việt Nam

QUA VÁCH NGĂN GIỮA HAI ĐẢNG
(Across party wall)

(Phương Anh dịch)
Nguồn: http://www.economist.com/news/asia/21588359-vietnams-communist-party-bit-mess-chinas-may-have-little-teach-it-across 
---------------
Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang khá lúng túng, nhưng Trung Quốc sẽ không thể giúp được gì.

Nếu những chủ đề nóng bỏng sau đây khiến bạn nghĩ đến Trung Quốc, thì cũng xin nhớ đến Việt Nam nữa: cuộc tranh luận về Hiến pháp, những nỗ lực kiềm chế đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước; sự phẫn nộ về tham nhũng; cưỡng chiếm đất đai của người dân bằng việc bồi thường rẻ mạt, những quy định mới nhằm hạn chế sự đối kháng trên mạng; sự công nhận rằng cần phải cải cách kinh tế hơn nữa, và, về mặt chính trị, những bằng chứng cho cuộc đấu tranh giữa các phe phái khốc liệt giữa các nhà lãnh đạo cấp cao.

Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số ít ỏi các Đảng Cộng sản vẫn còn nắm quyền, vì vậy hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi họ phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự. Tuy nhiên, điều có lẽ làm cho họ lo ngại nhất là họ không thấy được các giải pháp rõ ràng. Cả hai đảng đều đã lên kế hoạch tiến hành ​​cuộc họp của trung ương đảng trong mùa thu này. Cả hai đều xem phiên họp này là rất quan trọng để đưa ra những đường hướng mới trong việc cải cách. Hội nghị trung ương của ĐCS Trung Quốc sẽ họp vào tháng tới.  Hội nghị trung ương của ĐCS Việt Nam vừa chấm dứt, và hầu như không có dấu hiệu rõ ràng nào của tư duy mới. Có vẻ như Đảng Cộng sản Việt Nam đang vô cùng lúng úng.

Một vấn đề quan trọng trong nghị trình của những người cộng sản Việt Nam là đề xuất thay đổi Hiến pháp của đất nước. Phiên bản hiện nay của HP được thông qua vào năm 1992 và sửa đổi lần cuối cùng vào năm 2001 không còn phản ánh tình hình kinh tế và xã hội VN hiện nay. Dự thảo sửa đổi HP đã được đưa ra góp ý công khai vào đầu năm nay. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: có hơn 26 triệu lượt ý kiến ​​đã được gửi đến. Rất nhiều ý kiến trong số đó không phải là những điều mà người ta muốn nghe.

Có ba điều khoản trong Hiến pháp đặc biệt thu hút sự chú ý. Những người cấp tiến bày tỏ hy vọng rằng hiến pháp mới sẽ đảm bảo một ngành tư pháp độc lập. Hiến pháp hiện nay hứa hẹn rằng nhà nước "không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa". Một số người cũng đã hy vọng có sự thay đổi quy định tại Điều 4, trong đó nêu vai trò của Đảng Cộng sản là "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" trong một hệ thống độc đảng. Ngoài ra, nhiều người cho rằng Điều 19 trong HP hiện hành, trong đó tuyên bố rằng "khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia", là vừa lỗi thời vừa có hại. Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng nợ mà phần lớn là do sự lãng phí của các doanh nghiệp nhà nước gây ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, vào khoảng 5% một năm, là quá chậm để có thể cung cấp việc làm cho một dân số trẻ, và rất khó để hy vọng nền kinh tế sẽ cải thiện trong những năm tiếp theo.

Cải cách khu vực kinh tế nhà nước, có thể là bằng cách tư nhân hóa các lãnh vực hoạt động có lợi nhuận (sản xuất bia, chẳng hạn) và cắt giảm những lãnh vực hoạt động thua lỗ (tức là hầu hết các hoạt động còn lại), là một điều kiện tiên quyết để trở lại tăng trưởng nhanh hơn. Điều này có lẽ cũng cần thiết nếu như Việt Nam thành công trong việc tham gia một thỏa thuận thương mại tự do do Mỹ đứng đầu - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.  Nhưng đối với nhiều người, việc tháo bỏ "khu vực kinh tế nhà nước" là điều đáng lo ngại. Và không chỉ đáng lo ngại đối với các đối tượng hưởng lợi từ việc tham nhũng của các quan hệ kinh doanh, mà hệ thống kinh tế này còn giúp biện minh cho nguyên tắc độc đảng nữa.

Sau khi hội nghị trung ương, Ủy ban sửa đổi HP sẽ tiếp tục mày mò với các từ ngữ của bản dự thảo sửa đổi, nhưng rõ ràng là có nhiều điều sẽ được người ta tránh né. Dân Việt Nam vẫn sẽ gánh chịu một bản HP hầu như không chấp nhận sự biến đổi sâu sắc mà đất nước đã trải qua với việc đổi mới vào năm 1986, chưa nói đến những thay đổi nhanh chóng từ đó đến nay.


Bài học của Trung Quốc hầu như không thể giúp ích gì cho VN ở đây, mặc dù quốc gia này cũng đang tranh luận về hiến pháp. Sự khác biệt quan trọng giữa hai nước này ở chỗ các nhà phê bình của ĐCS TQ chỉ đơn giản mong muốn hiến pháp hiện nay được tôn trọng. Những điều khoản hứa hẹn quyền bình đẳng, quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, quyền tự do tôn giáo và tư pháp độc lập, tất cả đều được ĐCS TQ bỏ qua. Ngay cả vai trò lãnh đạo của đảng cũng chỉ được nhắc đến trong Lời mở đầu chứ không phải là trong các điều khoản cụ thể. Vì vậy, trong thời gian gần đây có thể thấy truyền thông chính thống của TQ đang ra sức chống lại "chủ nghĩa hợp hiến"- tức là, quan niệm "đáng phẫn nộ" (!) rằng hiến pháp cần phải được tôn trọng - chính là cách thức mới nhất mà phương Tây đang sử dụng để tìm cách làm suy yếu đất nước bằng cách lén lút đưa vào các khái niệm tự do hòng lật đổ chính quyền.

Điều 4 trong HP của Việt Nam sẽ không phải là một vấn đề nếu như hiện nay ĐCS VN không bị người dân thiếu tôn trọng đến như vậy. Điều này một phần là hậu quả của sự quản lý yếu kém về kinh tế của những năm gần đây. Phần khác, điều này phản ánh sự chán ghét của người dân đối với nạn tham nhũng công khai và được xem là phổ biến, đặc biệt là ở cấp trung ương của chính phủ. Đây là một lý do tại sao, trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào mùa xuân năm nay, trong đó người ta thấy các đại biểu quốc hội của VN tỏ ra dũng cảm và tự tin hơn nhiều so với các thành phần tương đương của Trung Quốc, trong đó gần một phần ba các thành viên bày tỏ sự tín nhiệm thấp đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sự phẫn nộ đối với một chính quyền tham nhũng cũng giải thích lý do tại sao Đoàn Văn Vươn, một nông dân ở một tỉnh phía Bắc đã bị kết án tù 5 năm vào tháng Tư vừa qua, đã trở thành một anh hùng trong dân gian. Cái tội của ông ta là đã dám, để bảo vệ mảnh đất của mình, sử dụng khẩu súng tự chế và vật liệu nổ để chống lại các quan chức địa phương khi thu hồi đất của ông. Chiếm đoạt đất đai cũng là nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình tại Trung Quốc, và việc cải cách hệ thống luật về sở hữu đất đai hiện nay vốn đang dung dưỡng cho những vi phạm có lẽ sẽ là (hoặc, đúng hơn, phải là) một trong những quyết định lớn công bố tại hội nghị trung ương của ĐCS TQ.

Hãy cho chúng tôi biết người lãnh đạo là ai

Ở Trung Quốc cũng vậy, những nhân vật chống đối thường được dân chúng tung hô như những vị anh hùng qua các mạng tiện truyền thông xã hội. Ở Việt Nam, hệt như ở Trung Quốc, đã có một cuộc đàn áp diễn ra trong năm nay với những người bày tỏ sự bất đồng quan điểm trên mạng​, với hàng chục người bị bỏ tù cùng với việc ban hành những quy đinh mới giới hạn quyền tự do bày tỏ quan điểm trên mạng. Tại Việt Nam người dân chỉ được phép chia sẻ "thông tin cá nhân", chứ không được quyền trao đổi tin tức qua mạng. Điều này dường như là một nỗ lực tất yếu về phía nhà cầm quyền nhằm lấy lại sự độc quyền trên các nguồn thông tin đại chúng vốn tồn tại trước khi có Internet. Nhưng ngay cả khi cuộc đàn áp đã được thi hành thì điều này vẫn sẽ là quá muộn để làm giảm sự mất lòng tin vào Đảng và Chính phủ đang âm ỉ ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc.  


Sự mất lòng tin này được thúc đẩy bởi nhận thức rằng lãnh đạo đảng không quan tâm đến lợi ích quốc gia cho bằng việc bảo vệ quyền lực của mình khỏi mọi cuộc tấn công của các đối thủ cạnh tranh. Tại Trung Quốc, sự sụp đổ của Bạc Hy Lai, một nhà lãnh đạo tham vọng ở cấp tỉnh , đã thu hút sự chú ý hiếm hoi của công chúng vào một trận đấu quyền lực đầy khốc liệt trong giới chính trị chóp bu. Tại Việt Nam, Thủ tướng NTD dường như đang là mục tiêu của một chiến dịch do các lãnh đạo đảng bảo thủ hơn như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chẳng hạn. Sự khác biệt là ở Trung Quốc, cuộc đấu tranh giữa các phe phái đã tạo ra một chiến thắng rõ ràng cho Tập Cận Bình, người lãnh đạo đảng. Một phần vấn đề của Việt Nam hiện nay là dường như không có ai chắc chắn là người đang thực sự chịu trách nhiệm.

 ----------
Ghi chú
1. be in a pickle = to be in disagreeable position; to be in a condition of embarrassment, difficulty, or disorder. http://www.thefreedictionary.com/To+be+in+a+pickle
2. dodge = avoid (someone or something) by a sudden quick movement. https://www.google.com/search?q=dodge+definition&ie=utf-8&oe=utf-8&aq=t&rls=org.mozilla:vi:official&client=firefox-a&channel=fflb 
3. rail against = to complain vehemently about someone or something. http://idioms.thefreedictionary.com/rail+against 
4. subversive = intended or serving to subvert, especially intended to overthrow or undermine an established government. http://www.thefreedictionary.com/subversive
 5. gumption = courage and confidence. http://www.merriam-webster.com/dictionary/gumption
6. lionise, lionize = to treat (someone) as a very important and famous person. http://www.merriam-webster.com/dictionary/lionize
7. bareknuckle = having a fierce unrelenting character <bare–knucklepolitics>. http://www.merriam-webster.com/dictionary/bareknuckle

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Vài suy nghĩ nhân đọc bài tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Tonneson (2/2)

(Tiếp theo phần 1, ở đây:  http://blogphuonganh.blogspot.com/2013/10/vai-suy-nghi-nhan-oc-bai-tuong-niem-ai_22.html)
-------
Quay trở lại cuộc gặp gỡ lịch sử, "không tiền khoáng hậu" giữa tướng Giáp và McNamara mà Tonneson đã nhắc đến để từ đó chuyên chở thông điệp của mình qua bài viết tưởng niệm tướng Giáp. Như tôi đã nêu trong phần 1, cuộc gặp này cũng đã từng được đưa trên truyền thông trong nước, được thuật lại qua lời của nhà sử học Dương Trung Quốc trong bài viết có tựa là "Cuộc gặp ấn tượng của tướng Giáp và McNamara". Đọc được bài viết của ông DTQ sau khi đọc đọc bài tưởng niệm tướng Giáp của Tonneson thì cảm giác bứt rứt, băn khoăn của tôi về thông điệp của Tonneson dành cho VN lại càng được củng cố, và tôi nghĩ chúng ta nên bỏ một ít thời gian để so sánh lời tường thuật của hai phía về cuộc gặp gỡ này. Và cũng thật thú vị khi so sánh tác giả của hai bản tường thuật kia: cả hai đều là những nhà sử học, chỉ khác nhau về chỗ đứng: một bên đại diện cho phía VN, "người trong cuộc", và bên kia là một nhà quan sát khách quan, một nhà sử học thuộc một quốc gia trong khối Bắc Âu vốn yêu hòa bình và luôn chọn thái độ trung lập về chính trị.

Cuộc gặp gỡ ấy xảy ra vào năm 1997, và là cuộc gặp lần thứ hai giữa McNamara và tướng Giáp sau lần gặp đầu tiên vào năm 1995. Thật ra, cả hai cuộc gặp đều được cả hai nhà sử học tường thuật lại, nhưng bài viết của Tonneson chỉ đề cập lướt qua cuộc gặp này như bối cảnh để nói về cuộc gặp sau, trong khi ông DTQ chú trọng cuộc gặp thứ nhất nhiều hơn; có vẻ như DTQ cho rằng đó là cuộc gặp chính, còn cuộc gặp sau thì không còn gì mới để trao đổi. Trong khi đó, bài viết của Tonneson thuật lại cuộc gặp thứ hai - cũng là cuộc gặp cuối cùng giữa hai người - rất tỉ mỉ, chi tiết, vì dường như tác giả có hàm ý rằng cuộc gặp thứ hai này mới bộc lộ đầy đủ tất cả những cái hay, cái dở của tướng Giáp như một người đại diện cho quan điểm của VN - ít ra là vào thời điểm ấy, và về cuộc chiến đã qua.

Theo lời kể của ông DTQ, diện kiến đầu tiên năm 1995 diễn ra một cách thuận lợi và có vẻ đã tạo cho tướng Giáp một cảm giác rất thoải mái, tự tin. Điều này có thể hiểu được, vì trong lần gặp này McNamara đã bày tỏ sự hối tiếc về cuộc chiến đã xảy ra, đồng thời cho biết ông đã cố gắng giúp đỡ VN bằng cách cho giúp VN vay tiền của Ngân hàng thế giới cho các dự án thủy lợi khi ông còn là giám đốc của tổ chức này (McNamara giữ cương vị này 13 năm, ngay sau khi rời vị trí bộ trưởng quốc phòng Mỹ năm 1968 và kết thúc năm 1981 khi ông về hưu). Cũng trong cuộc gặp này McNamara đã nhận được từ tướng Giáp câu trả lời cho câu hỏi mà có lẽ ông đã ôm trong lòng từ thời ông còn là bộ trưởng quốc phòng Mỹ, đó là, điều gì đã xảy ra vào ngày 4/8/1964 khiến cuộc chiến tranh giữa Mỹ và miền Bắc VN bùng nổ, tức cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" ấy, thật ra là gì?Vâng, câu hỏi của một người cựu bộ trưởng quốc phòng của "bên thua cuộc", muốn mổ xẻ lại quá khứ để rút ra cho mình và cho các thế hệ tương lai những bài học kinh nghiệm từ thất bại đã qua.

Câu trả lời của tướng Giáp tất nhiên là giống như những gì mọi học sinh VN đã được dạy trong môn Sử, đó là: không hề có việc gì xảy ra vào ngày ấy, mà chỉ có một sự kiện nho nhỏ xảy ra vào ngày 2/8/64 khi hải quân Mỹ xâm phạm vùng biển VN và bị đuổi. Nói vắn tắt, tướng Giáp cho rằng sự kiện 4/8/1964 là do phía Mỹ dựng lên để có cớ xâm phạm (xâm lược?) VN theo những kế hoạch mà họ đã định từ trước. Nguyên văn trong bài viết của DTQ như sau:

30 năm sau sự kiện đó, McNamara mới trực tiếp nhận được một câu trả lời chính xác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Ngày 2/8/1964, tàu Mỹ xâm phạm hải phận Việt Nam ở khu vự đảo Hòn Mê. Một đơn vị hải quân địa phương của chúng tôi đã đánh đuổi. Còn ngày 4/8/1964, không có một hoạt động quân sự nào từ phía Việt Nam được tiến hành trên khu vực này". Các vị khách Mỹ nghe rất chăm chú.

Đại tướng nói tiếp: "Nói điều này có thể là công việc nội bộ của Mỹ, nhưng theo tôi biết thì trước những ngày này, ở Mỹ người ta đã soạn thảo những văn bản để chuẩn bị cho việc mở rộng chiến tranh ở Việt Nam rồi".

Như vậy, qua lời kể của DTQ, có thể thấy cuộc gặp ấy đã kết thúc rất tốt đẹp, và đặc biệt "thắng lợi" cho phía VN: tướng Giáp đã có cơ hội phân tích (thậm chí có thể nói là giảng giải)  cho kẻ cựu thù những sai lầm của nước Mỹ trong cuộc chiến ấy, và khẳng định được bằng lời với kẻ thù về  tinh thần kiên quyết bảo vệ độc lập của VN, mặc dù tất nhiên VN vẫn mong muốn có quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Và có vẻ như McNamara cũng hoàn toàn bị thuyết phục bởi những gì tướng Giáp đã nói, với một thái độ của một người cựu thù nhưng nay chỉ muốn là bạn, và sẵn sàng làm mọi thứ để sửa sai những gì còn có thể sửa được.

Một chi tiết không có trong bài của DTQ nhưng đã được Tonneson nêu vắn tắt trong bài viết của mình, đó là sau khi nghe câu trả lời của tướng Giáp về cái gọi là sự kiện vịnh Bắc bộ, McNamara đã fax ngay về Mỹ cho nhà xuất bản nơi đang in cuốn hồi ký của ông để sửa lại chi tiết này trong cuốn sách cho chính xác. Điều này cung cấp cho ta thêm chi tiết để khẳng định sự chân thành và lòng mong muốn muốn hòa giải của McNamara khi quay lại "chiến trường xưa".

Đoạn dưới đây trong bài viết của DTQ khẳng định cuộc gặp nói trên đã kết thúc rất tốt đẹp:

Ngày hôm sau 10/11 cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara đã phát biểu trước các nhà báo: "Tôi thực sự xúc động khi quay trở lại Việt Nam, điều mà tôi từng mong ước 21 năm qua. Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều đó làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nan đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh những quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi". Nói về cuộc gặp với tướng Giáp, ông McNamara cho rằng đó là một cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng.

Với ấn tượng tốt đẹp như vậy về tướng Giáp sau lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 1995, hai năm sau trong một dịp đến Việt Nam dự Hội thảo Việt-Mỹ lần đầu tiên, McNamara lại bằng mọi giá cố gắng đến thăm tướng Giáp khi ông chỉ còn có vài tiếng đồng hồ là phải ra sân bay để trở về nước Mỹ. Tiếc thay, cuộc gặp này lại hoàn toàn không hề như mong muốn của McNamara, và có lẽ cũng làm cho tướng Giáp không vui. Sự căng thẳng, không vui này có thể đọc được dễ dàng trong bài viết của DTQ, mặc dù có lẽ chính DTQ cũng không hiểu tại sao cuộc gặp lần này lại không thảnh công như thế. Đọc lời tường thuật của DTQ, ta có cảm giác hình như có 2 ông McNamara khác nhau, một ông dễ thương, mềm mỏng, chân thành của năm 1995, và một ông nóng nảy, thô lỗ, cộc cằn và thậm chí có gì đó hơi mỉa mai, trịch thượng của năm 1997. Vậy thì, chuyện gì đã xảy ra trong cuộc gặp lần thứ hai, và McNamara thực ra muốn gì khi cố gắng gặp lại tướng Giáp bằng mọi giá dù chỉ trước giờ bay có mấy tiếng đồng hồ? Hẳn là chính ông DTQ, người thuật lại 2 cuộc gặp nói trên cũng không hài lòng với lời tường thuật của mình và muốn hiểu rõ hơn.

Rất may cho chúng ta là cuộc gặp gỡ ấy vẫn còn một người khác chứng kiến và thuật lại. Tonneson đã viết về cuộc gặp này vô cùng chi tiết, dường như tác giả có ấn tượng rất sâu đậm về nó. Xin trích dịch một vài đoạn (hơi dài) đáng lưu ý ở đây:

Hôm ấy là ngày 23 tháng sáu năm 1997 và Hà Nội đang rất nóng và ẩm. Robert McNamara vừa điều hành xong một cuộc hội thảo 4 ngày trong một khách sạn sang trọng là KS Metropole để trao đổi về những sự hiểu lầm và các cơ hội bị bỏ lỡ giữa Washington và Hà Nội trong giai đoạn 1961-1969. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là là chuyến bay của McNamara phải rời sân bay Nội bài. Nhưng ông vẫn muốn phải được gặp tướng Giáp. [...]

Hai năm đã trôi qua kể từ khi McNamara xuất bản cuốn hồi ký đầu tiên của mình, và sau những tranh luận gay gắt tại Mỹ về sự chân thành cũng như những hạn chế trong những lời tự phê bình của vị cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, McNamara đã chuẩn bị cho một cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở với vị đại tướng châu Á nhỏ nhắn nhưng rất thông minh này. Tiếc thay, cuộc gặp gỡ của họ hóa ra chỉ như một màn kịch, khiến cho cả hai bên đều cảm thấy càng khó gần nhau hơn nữa. Hai người đàn ông đã trải qua hầu hết một trận chiến với số người chết là hơn 3 triệu người từ  hai phía. Hai đầu óc tính toán lỗi lạc với nhiều hối tiếc cũng như những nỗi tự hào. Họ có rất nhiều điểm giống nhau, nhưng đầu óc của họ không hề có được cơ hội gặp nhau.

[...] Mong ước của McNamara là sẽ có được một cuộc trao đổi thoải mái, không chuẩn bị trước và không bị quấy rầy bởi những tay nhà báo đầy ác cảm. Hy vọng lớn nhất của McNamara là tướng Giáp sẽ đáp lại sự chân thành của mình bằng cách kể lại một vài hối tiếc của ông, ví dụ như về những sai lầm mà ông đã mắc phải, hoặc đã không thương lượng chấm dứt chiến tranh sớm hơn để giảm bớt tổn thất về sinh mạng. Nếu tướng Giáp cũng có những hối tiếc về cuộc chiến, thì điều đó có nghĩa là cả hai người sẽ có thể cùng nhau đi tìm sự cứu rỗi. Thượng đế sẽ tha thứ cho tướng Giáp cũng như Ngài đã tha thứ cho McNamara. Tất nhiên cách suy nghĩ này không ổn, vì cuộc chiến mà tướng Giáp tiến hành là một cuộc chiến chống ngoại xâm ngay trên quê hương mình, trong khi McNamara đã điều quân đến để hy sinh tại một quốc gia xa lạ ở bên kia bờ Thái Bình Dương rộng lớn. Rõ ràng là tướng Giáp chẳng có gì để hối tiếc về một cuộc chiến mà ông đã chiến thắng.

[...]
Lúc đầu khi nghe tướng Giáp phát  biểu, McNamara cắm cúi ghi chép, nhưng khi thấy phát biểu của tướng Giáp không hề ngắn gọn như ông đã tuyên bố, McNamara bèn thôi không ghi chép nữa mà đan hai bàn tay lại ngồi chờ để sẵn sàng ngắt lời khi tướng Giáp buộc phải dừng lại để lại lấy hơi. Nhưng vô ích. Dường như tướng Giáp lấy hơi ngay trong khi nói và thậm chí không hề nhìn đến vị khách người Mỹ đang hết sức nóng ruột kia. Ông nhìn thẳng qua phòng họp đến tất cả chúng tôi và nói nhỏ nhẹ nhưng nhấn mạnh về việc Mỹ leo thang chiến tranh từ Kennedy đến Johnson và về quyết tâm kháng chiến của Việt Nam. McNamara kiên nhẫn chờ đợi một hồi lâu nhưng cuối cùng không thể che dấu sự sốt ruột của mình được nữa. Đầu tiên ông cởi chiếc đồng hồ đeo tay một cách đầy ngụ ý và đặt nó xuống bàn. Không tạo được tác động gì nơi tướng Giáp nên ông quyết định dùng tay và dùng lời. Tướng Giáp vừa nói "Tôi là lính, xin cho tôi nói thẳng" là McNamara xen vào ngay và nói: "Vâng, xin ông cứ thẳng thắn. Rồi sau đó tôi xin phép được ngắt lời ông và chuyển sang chủ đề khác."

Tướng Giáp không hề xúc động. Ông tiếp tục bài phát biểu của mình bằng một giọng đều đều, giống như một ông giáo đang giảng bài và phớt lờ cậu học sinh to xác có thói quen quậy phá trong lớp học. Ông không hề nhìn McNamara dù chỉ một lần, mà cứ nói vào không gian, chờ phiên dịch, rồi lại tiếp tục nói, chờ phiên dịch, nói  tiếp ... bằng  một giọng điệu đều đều dường như kéo dài vô tận ... [...]

Có một lúc McNamara đã xen vào thêm được một câu hỏi khác. McNamara muốn biết xem trong số những quyết định của Mỹ thì quyết định nào đã làm người Việt lơ lắng nhất. Tướng Giáp trả lời rằng trong vốn từ của VN không có từ "lo lắng". Và cứ mỗi lần bị ngắt lời như vậy, ông Giáp lại nhanh chóng quay trở về bài độc thoại của mình: "Không có gì quý hơn độc lập tự do. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam không chỉ là một chiến thắng vật chất, mà đây còn là lần đầu tiên một nước nhỏ đã đạp đổ cái ảo tưởng về sự thống trị của một siêu cường. Tuy nhiên, ngày nay, trong những điều kiện văn hóa và địa chính trị đã thay đổi, sẽ không có gì cản trở việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ nữa. Bình thường hóa quan hệ là điều mà cả hai nước đều quan tâm, đặc biệt là xét đến tầm quan trọng của vị trí địa lý và văn hóa của Việt Nam."

Và cứ thế, cuộc đối thoại - hay đúng hơn là cuộc độc thoại cứ tiếp diễn. Quả thật, khi đọc những ký ức này của Tonneson, tôi không biết phải nghĩ như thế nào. Thái độ của tướng Giáp chỉ có thể nói là rất bất lịch sự và trịch thượng một cách buồn cười - dù có lẽ sự trịch thượng đó của ông là không có ý thức, chỉ là thói quen mà thôi. Trong khi đó, tại cuộc gặp gỡ hôm đó không chỉ có tướng Giáp và Tonneson, mà còn có vài chục người khác, tất cả đều là những nhân vật tai to mặt lớn. Cho đến tận cuối của cuộc gặp gỡ, tướng Giáp mới ngưng lại để cho phép những người có mặt trong buổi hôm ấy đặt vài câu hỏi, mỗi câu lại kích thích cho tướng Giáp tuôn ra một tràng dài trả lời.

Phần kết thúc của "cuộc gặp gỡ lịch sử" được Tonneson mô tả như sau:

Đến lúc này, các thành viên của đoàn Mỹ đã hoàn toàn chịu thua. Dường như họ có chút gì kính sợ đối với vị đại tướng nhỏ bé này, người mà ngày hôm nay lại vừa chiến thắng một trận nữa: "Thưa ông đại tướng, hôm nay quả là ông đã dành phần thắng trong cuộc chiến ngôn từ", McNamara kêu lên như vậy. "Bây giờ thì tôi hiểu tại sao ngài lại có thể trở thành một huyền thoại sống như vậy. Huyền thoại của ngài sẽ mãi bền vững," Đại tướng Dale Vesser, một người trong đoàn của McNamara, nhận xét.

Không, tôi không phải là huyền thoại", vị tướng huyền thoại ấy nói. "Tôi chỉ là một đại tướng của nhân dân thôi. Khi tôi đứng bên cạnh một người lính, tôi cảm thấy mình cũng là một người lính. Làm tổng tư lệnh tất nhiên là một công việc khó khăn, nhưng chính những người lính mới là những người trực tiếp tham gia. Vì vậy, bao giờ tôi cũng kính trọng những người lính."

Trước khi cuộc gặp gỡ kết thúc, tướng Giáp nói ông còn có một điều quan trọng cần nói, và McNamara đồng ý ngay: "Vâng, ông nói đi". Và khi tướng Giáp nói, McNamara ngồi thõng vai xuống và với nụ cười dễ mến. Thái độ hăng hái muốn trao đổi lúc đầu giờ đây đổi thành một vẻ chịu đựng hơi hài hước. Chính lúc này, có lẽ thế, là lúc hai người đàn ông có thể bắt đầu nhìn nhận nhau một cách đầy đủ, thậm chí có thể thực sự đối thoại, về chiến tranh nhân dân và về những tổn thất về sinh mạng, về những thành công và thất bại trong cuộc chiến, về bi kịch của những con người đã hy sinh trong cuộc chiến ấy. Nhưng không, chuyện ấy đã chẳng bao giờ xảy ra. Cuộc gặp gỡ kết thúc. Họ bắt tay nhau. Cánh cửa đã mở để tiễn khách. [...] Trong vòng hơn một tiếng đồng hồ họ đã ngồi với nhau trong cùng một phòng, nhưng thực sự họ vẫn chưa hề gặp gỡ nhau.

Đấy, cuộc gặp gỡ lịch sử, trong cảm nhận của phía bên kia, và qua sự chứng kiến và tường thuật của một quan sát viên hoàn toàn khách quan, là như thế. Theo phong cách chuyên nghiệp của một học giả phương Tây, tác giả Tenneson không diễn giải nhiều theo ý riêng của mình, mà chỉ đưa những chi tiết có tính mô tả về những gì đã diễn ra, và để cho người đọc tự rút ra kết luận. Nhưng những gì tôi đọc được qua phần mô tả ở trên, được soi sáng thêm rất nhiều qua lời tường thuật của tác giả DTQ (xem lại bài 1) đã làm tôi vô cùng bứt rứt. Phải chăng thông qua lời tường thuật của mình, Tenneson muốn nói rằng, nỗ lực tìm hiểu và xích lại gần kẻ cựu thù do McNamara chủ động thông qua cuộc gặp lịch sử này đã không đạt được gì hết? Rằng mọi nỗ lực để thay đổi cách nhìn của tướng Giáp về cuộc chiến ấy - cũng là đại diện cho một quan điểm phổ biến tại VN -  sẽ là vô ích?  Vâng, tôi đọc được những thông điệp ấy từ bài viết của Tenneson khi ông mô tả về sự thất vọng não nề của McNamara trong sự tương phản với thái độ vô cùng an nhiên tự tại của tướng Giáp.

Chẳng phải thái độ đó cũng đồng nghĩa với việc những người như tướng Giáp và thế hệ của ông vẫn tin rằng chân lý ở về phía mình và dường như chẳng bao giờ có ý định nhìn lại quá khứ, nhìn lại cuộc chiến với những mất mát hy sinh lớn lao đó dưới một cái nhìn nhân bản hơn, hay sao? Dường như họ không có chỗ nào trong trái tim để dành cho sự tiếc xót đối với những thiệt hại khủng khiếp của hàng triệu người đã mất và nhiều triệu người khác còn sống với những nỗi đau âm thầm hàng ngày, mà chỉ có chỗ dành cho niềm tự hào của chiến thắng, với một niềm tin sắt đá vào chính nghĩa của mình trong cuộc chiến. Sự tự hào và niềm tin có lẽ vẫn được giữ nguyên vẹn, một tình cảm "trung trinh", kể từ thuở vị đại tướng huyền thoại ấy - mà ông muốn được gọi là đại tướng của nhân dân - mới bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình.

Khi Tenneson và những tác giả phương Tây gọi ông là một huyền thoại sống, họ nói điều ấy theo nghĩa: nhân vật huyền thoại ấy sẽ không bao giờ đổi khác - vì không thể đổi khác? Đúng, tướng Giáp là một nhân vật huyền thoại với một tấm lòng sắt son không bao giờ lay chuyển về chính nghĩa của mình - của những người VN  cộng sản - trong cuộc chiến ấy, một sự kiên định đáng kính nể và làm cho mọi "kẻ thù" của ông phải chào thua! Ông (và niềm tin mà ông đại diện) vẫn hoàn toàn thắng trong cuộc chiến ấy, và cả trong cuộc chiến ngôn từ khi nói về cuộc chiến ấy nữa, ngay cả trong cuộc gặp gỡ lịch sử này. Dường như không có một cơ hội nào từ VN cho sự nhìn nhận lại quá khứ cả!

Bây giờ thì cả hai nhân vật lịch sử vĩ đại ấy đều đã đi vào quá khứ. Cuộc gặp lịch sử năm 1997 giữa hai người là lần gặp gỡ cuối cùng của họ. Hơn một thập niên sau đó, McNamara đã mất vào năm 2009, cũng là khoảng thời gian đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu thời kỳ trên dưới 1500 ngày nằm viện. Trong thời gian ấy rất nhiều thứ đã thay đổi. Trong những đoạn cuối cùng của bài tưởng niệm tướng Giáp, Tenneson nhắc đến những dấu hiệu của sự thay đổi trong suy nghĩ và của chính tướng Giáp trong những năm cuối đời của ông như thế này:

Ông [tức đại tướng VNG] đã tìm được thời gian trong những thập niên cuối đời để phát triển một quan điểm có tính phản biện đối với những thay đổi trong đảng của mình [tức ĐCSVN], và đôi khi ông cũng biểu lộ sự phê phán của mình trong những bức thư gửi lãnh đạo của đảng. Sự độc lập về tư tưởng này hẳn đã làm cho công chúng càng yêu quý ông hơn. Ông trở thành một biểu tượng quốc gia, và đám tang của ông biến một cuộc để tang của toàn dân. Và, cũng hơi giống với McNamara, trong tuổi già của mình tướng Giáp cũng nhắc nhiều hơn đến hòa bình nữa.

 Những dòng cuối cùng trong bài viết tưởng niệm tướng Giáp của Tennyson không còn chỉ viết cho tướng Giáp, mà là cho cả Việt Nam:

Cầu mong Đại tướng VNG an nghỉ giấc ngàn thu. Cầu cho ước mong của đại tướng trở thành sự thật, rằng toàn thế giới sẽ được sống trong hòa bình. Thế kỷ 21 này không thể có chỗ cho chiến tranh nhân dân [của tướng Giáp] hay chiến tranh máy tính [của McNamara] nữa; cuộc chiến từ trên trời rơi xuống, từ pháo đài bay B52, từ hàng không mẫu hạm hoặc các chiến đấu cơ khác.  

Điều chúng ta cần ngày nay là Hòa bình (của) Nhân dân!

Vâng, dân tộc VN của chúng ta, một dân tộc thiện chiến thuộc hàng nhất thế giới, đồng thời cũng là một dân tộc với một lịch sử chia rẽ nội bộ, chém giết lẫn nhau,"nồi da xáo thịt" cũng thuộc loại có hạng, liệu chúng ta có thể mơ ước điều này hay không?
 ---------------------------
(Xin đọc bài viết của DTQ về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhân vật lừng danh này ở đây: http://news.zing.vn/Cuoc-gap-an-tuong-cua-tuong-Giap-va-McNamara-post346517.html)

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Vài suy nghĩ nhân đọc bài tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Tonneson (1/2)

Qua danh sách thư điện tử của nhóm nghiên cứu quốc tế về Việt Nam học, tôi nhận được báo cáo dài 18 trang (tiếng Anh) của Stein Tonneson, một học giả Na Uy có nhiều nghiên cứu về VN và khá quen thuộc với giới hàn lâm ở nước ta. Các bạn có thể google theo tên riêng của tác giả (Stein Tonneson) để biết thêm về ông, còn theo thông tin tự giới thiệu thì ông hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu  hòa bình Oslo và Chương trình nghiên cứu hòa bình Đông Á của ĐH Uppsalla. Cũng theo thông tin do chính tác giả cung cấp (ghi trên bài viết), báo cáo này được gửi đến Học viện ngoại giao cho một hoạt động nào đó vào ngày 18/10 vừa qua, có lẽ là một tọa đàm hoặc hội thảo gì đó về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đã đọc về Đại tướng VNG khá nhiều trong mấy tuần qua từ khi ông qua đời, tôi không thực sự quan tâm lắm đến báo cáo này, và cũng không nghĩ là mình sẽ tìm được thêm thông tin gì mới từ bài viết. Không những thế, cái tựa của báo cáo còn gây cho tôi ít nhiều phản cảm, vì nó có nhắc đến từ "hòa bình", trong khi chủ đề của bài viết là một vị tướng gắn liền với những chiến tích lừng lẫy với sự thiệt hại không hề nhỏ về nhân mạng. Nguyên văn cái tựa như sau: Vo Nguyen Giap in memoriam: People's war and peace - Tưởng niệm Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh và hòa bình (của) nhân dân.

Trước khi đọc bài báo, tôi đã nghĩ rằng có lẽ bài báo muốn bênh vực tướng Giáp về những hy sinh, mất mát trong chiến tranh, theo cái kiểu mà ở VN ta hay nghe, đó là: "muốn có hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh", như thể chiến tranh lúc nào cũng là giải pháp duy nhất đúng để giải quyết những xung đột và khác biệt. Theo tôi, VN rất cần thay đổi quan điểm này để chuyển sang một quan điểm trọng hòa bình và trọng xương máu của nhân dân hơn, giống nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới. Bởi rõ ràng là đạt được điều mình muốn bằng một cái giá thấp nhất thì bao giờ cũng tốt hơn là "đạt được bằng mọi giá", vì nó cho thấy sự thông minh và mức độ trưởng thành của cả một dân tộc. Tất nhiên, để có được điều này thì không một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân nào có thể tự giải quyết (dù những này có trí tuệ siêu việt cỡ nào đi chăng nữa) mà cần sự tham gia của tất cả mọi thành phần xã hội. Còn làm thế nào để có thể huy động trí tuệ của mọi người thì đấy lại là một vấn đề khác mà tôi không/chưa (thể) đề cập đến trong bài này.

Trở lại báo cáo của Tonneson, tuy không có ấn tượng gì đặc biệt khi đọc tựa bài viết, nhưng theo thói quen tôi vẫn đọc sơ qua một lần trước khi xóa thư, để chắc chắn rằng mình đã không bỏ sót thông tin gì quan trọng (một thói quen của người suốt đời sống trong trường đại học và ngập mặt trong đống sách). Liếc qua qua đến phân nửa bài viết tôi vẫn không tìm được thông tin gì mới, vì chỉ là những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của tướng Giáp và ai cũng biết rồi, trong đó tất nhiên quan trọng nhất vẫn là chiến dịch Điện Biên Phủ, vốn là chiến tích lớn nhất của ông. Tuy nhiên, đến gần đoạn cuối trang 10 thì tôi bắt đầu chú ý và dừng lại đọc, vì nó nhắc đến tên một nhân vật ngoại quốc nhưng rất quan trọng trong lịch sử VN, ông McNamara, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Johnson. Cái tên này khiến tôi bắt đầu đọc kỹ vào bài viết, và càng đọc thì càng có một cảm giác băn khoăn, bứt rứt. Bởi, tôi không rõ tôi có hiểu đúng tác giả hay không, nhưng dường như tất cả thông điệp của bài viết chỉ là như thế này thôi: Việt Nam, mà đại diện là tướng Giáp, dường như vẫn chẳng rút ra được điều gì từ cuộc chiến đau thương ấy.

Vâng, trong bài viết của mình để tưởng niệm tướng Giáp, ngoài phân nửa bài đầu tiên nhắc đến thân thế và sự nghiệp của vị đại tướng lừng danh này, thì tác giả đã dành hết phần còn lại của bài viết để viết về một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai con người từng là thù địch của nhau trên chiến trường VN trước đó ba mươi năm. Trước khi cho hai nhân vật này gặp nhau trong cuộc gặp "không tiền khoáng hậu" này, Tonneson có bỏ một ít thời gian để giới thiệu vắn tắt về thân thế sự nghiệp của McNamara, đặc biệt là sau khi ông này rời bỏ chức vụ Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Đây là những sử liệu quan trọng mà phía VN hầu như không bao giờ nhắc đến, nên tôi xin trích lại ở đây một đoạn (khá dài), đồng thời đánh dấu những chỗ cần chú ý bằng cách in đậm.

During an essential part of of the period when the heroic Giap was Minister of  Defence in Hanoi, his counterpart in Washington was Robert S. McNamara, one of the twentieth century’s most tragic personalities. McNamara was not, of course, a military man. American secretaries of defence are always civilians. Yet McNamarawas someone used to command. The best period of his professional life was when he directed and reformed the Ford Motor Company using modern, scientific management techniques. His tragedy began when he was persuaded by John F. Kennedy to become one of his “best and brightest” and revolutionize the Pentagon with scientific management techniques. McNamara’s war was not a People’s War but a Computer’s War, built on rational choice theory. Victory in war should be won the same way you make a winning product for the market. make a winning product for the market. The basic idea was that any adversary will have a breaking point as far as number of casualties is concerned, no matter what kind of cause the enemy is fighting for. If a sufficient number of Vietnamese soldiers were killed, then North Vietnam and the National Liberation Front of South Vietnam would come to a breaking point where they would be willing to negotiate on American or South Vietnamese terms. This never happened, of course. When it did not, when the casualty figures just continued to increase beyond any reasonable breaking point and the enemy still continued to fight and even escalated the fighting, McNamara started to have doubts. He was a deeply moral Presbyterian, someone with a deep longing to do good, and he suffered terribly from his Vietnam failure. In the end he resigned as Secretary of Defence but dit not tell the American public why. He was too loyal to President Lyndon B. Johnson to go public with his doubts. Instead he tried to compensate for his personal failure by taking up an obvious do-good job as President of the World Bank. As such he insisted on a huge increase in loans to developing countries. He wanted to get massive amounts of people out of poverty by kickstarting economic growth. Thus he inadvertently contributed to the long debt crisis in Africa and Latin America, which stifled development for a couple of decades and was only really overcome in the 2000s, when Chinese demand led to higher prices for African raw materials.

In his old age, McNamara became an anti-war activist, and spent much of his collossal energy on digging into his own past mistakes. In his quest for redemption he made two pilgrimages to Vietnam and published two books about how badly he and America had been mistaken. During his first trip to Vietnam in 1995 he had a brief meeting with Giap, who confirmed that there had been only one attempt to shoot at US ships with torpedoes in the “Tonkin Gulf incident” in early August 1964. The alleged second attack, which prompted President Lyndon B. Johnson to seek the Tonkin Gulf Resolution (the closest that the USA came to a declaration of war), never actually took place. When McNamara learned this news from Giap, he faxed his publisher back in the United States with instructions to make a last-minute change to his first self-flagellating book In Retrospect. When Giap came back to Vietnam in 1997 with a whole team of political scientists and historians to work on his second book, he was extremely eager to once more meet his old nemesis Vo Nguyen Giap. He wanted it at first to be a private meeting but this did not work out. Perhaps Giap preferred it otherwise. Perhaps the Vietnamese Communist Party did not want Giap and McNamara to meet under four eyes. For myself and quite a few others, it was wonderful that the two former enemies were unable to meet privately since this allowed us to be present.

Nói vắn tắt, dưới mắt của tác giả thì tướng Giáp và McNamara là 2 con người hoàn toàn trái ngược nhau về niềm tin, về tính cách, và về phương pháp tiến hành cuộc chiến. Cuộc chiến của VN là một cuộc "chiến tranh nhân dân" - theo nghĩa là toàn bộ dân chúng đều được lôi vào cuộc chiến, không chỉ bộ đội chính quy, mà còn dân quân du kích, rồi người già, phụ nữ, trẻ em, và cả các tu sĩ của các tôn giáo nữa, những người mà niềm tin của họ không cho phép tham gia chính trường chứ đừng nói dến chiến tranh. Một cuộc chiến như vậy thì rõ ràng McNamara không thể nào tưởng tượng ra nổi. Với McNamara, một người đã có thành tựu lớn trong quản lý theo phương pháp khoa học, thì chiến tranh cũng là một cái gì đó hoàn toàn lý trí và cũng cần phải được quản lý theo phương pháp khoa học. Thay vì tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, thì McNamara đã tiến hành một cuộc chiến trên máy tính, theo đó khi những tổn thất của phía VN (cộng sản) đã đạt đến một mức nào đó (breaking point, điểm gẫy) thì chắc chắn họ sẽ phải ngồi xuống bàn đàm phán và chấp nhận những điều kiện của phía Mỹ/VNCH đề ra.

Tất nhiên, như mọi người đã biết, điều đó đã không xảy ra, khi ý chí của phía VN (cộng sản) là "chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hay hơn nữa; Hà Nội, Hải Phòng, và một số thành phố có thể bị phá hủy, nhưng ta nhất định không sợ. Đến ngày chiến thắng, chúng ta sẽ ...". Breaking point vẫn đến, nhưng hóa ra nó không đến với "kẻ thù" của McNamara, mà đến với chính ông! Khi tổn thất về nhân mạng đã lên đến điểm gẫy trong tính toán của McNamara mà kẻ thù của ông vẫn nhất định không sợ, thì vị Bộ trưởng quốc phòng của đất nước to lớn này bỗng ... sợ, và ông ... từ chức. Rồi sau đó, ông hối hận, và đã cố làm rất nhiều điều để bù đắp lại những sai lầm của mình thời làm Bộ trưởng quốc phòng, và cuối cùng, khi hai nước Việt - Mỹ đã bình thường hóa quan hệ, thì ông nhất định phải gặp tướng Giáp để trao đổi trực tiếp, như hai kẻ cựu thù nhưng nay đã hòa giải, và trở thành những người bạn thân thiết, hiểu nhau.

Vâng, đó là bối cảnh của cuộc gặp gỡ lịch sử giữa McNamara và tướng Giáp vào năm 1997 mà Tonneson đã kể lại như điểm nhấn quan trọng nhằm chuyển tải thông điệp của mình liên quan đến sự ra đi của tướng Giáp.

Xin mở ngoặc một chút ở đây: Khi đang viết những dòng này thì tôi tò mò tự hỏi, không biết phía VN có viết gì về cuộc gặp gỡ lịch sử này không nhỉ. Lên google để tìm, tôi thấy ngay bài viết này, rất đáng đọc, với những chi tiết hoàn toàn trùng khớp với những gì được nêu trong bài viết của Tonneson. Điều thú vị ở đây là tuy cùng những sự kiện khách quan, nhưng sự diễn giải của hai bên là hoàn toàn khác nhau, và khi đọc bài báo tiếng Việt viết về cuộc gặp ấy, một lần nữa tôi lại cảm nhận sâu sắc hơn thông điệp mà Tonneson đã đưa ra trong bài viết của mình: Hinh như VN không học được bài học nào cả từ cuộc chiến đau thương, mất mát ấy!

Các bạn có thể đọc bài viết tiếng Anh ở đây :  https://drive.google.com/?tab=mo&authuser=0#folders/0B23GcuCxvQVBNWxYaDZTNzFxa28

Bản gốc ở đây: http://indomemoires.hypotheses.org/12087

và so sánh nó với bài tiếng Việt ở đây: http://news.zing.vn/Cuoc-gap-an-tuong-cua-tuong-Giap-va-McNamara-post346517.html.

(còn tiếp)

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Tư liệu: Nguồn gốc chữ quốc ngữ (Tác giả: Huỳnh Ái Tông): (5)

Phần 4 ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/10/tu-lieu-nguon-goc-chu-quoc-ngu-tac-gia_20.html 
-------------
c.- Sự đóng góp của Linh mục Antonio Barbosa
Antonio sanh năm 1594 tại ville de Arrifana de Sonza, Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên vào ngày 13-3-1624. Năm 1629, ông được cử đến truyền giáo ở Đàng Trong và đến tháng 4 năm 1636, ông có đến Đàng Ngoài truyền giáo. Cho đến tháng 5 năm 1642, vì lý do sức khỏe, ông phải trở về Áo Môn tịnh dưỡng. Cũng do tình trạng sức khỏe không tốt nên sau một thời gian tịnh dưỡng, ông rời Áo Môn đi Goa và ông đã từ trần trên đường đến Goa năm 1647.

Mặc dù ngày nay Antonio không có để lại tài liệu Quốc ngữ nào, nhưng Đắc Lộ đã cho biết : ” Tôi lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc Dòng Tên, nhất là của Gasparo d’Amiral và Antonio Barbosa. Cả hai ông nầy, mỗi ông đều làm một cuốn tự điển. Ông Gasparo d’Amiral làm cuốn Annamiticum – Lusitanium; ông Antonia Barbosa làm cuốn Lusitanum – Annamiticum. Nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công việc của cả hai ông viết ra cuốn tự điển mới, có chua thêm tiếng La tinh, mục đích để giúp người bản xứ học tiếng La tinh theo lệnh của các đức hồng y.” ( 4 )

d.- Sự đóng góp của người Việt
Dù sao, khởi thủy chữ Quốc ngữ hình thành cũng nằm trong mục đích chánh là phương tiện truyền giáo cho các giáo sĩ thuộc Dòng Tên ở Việt Nam. Bên cạnh các giáo sĩ, giáo dân Việt Nam thời đó không nhiều thì ít cũng có đóng góp trong lúc hai linh mục Gasparo và Antonio soạn hai quyển tự  điển của họ, điều đó tuy không có chứng cứ, nhưng theo suy luận hợp lý, cho phép chúng ta tin như vậy.

Ngoài ra trong thời kỳ nầy còn có tài liệu của 14 giáo dân Việt Nam ghi bằng chữ Quốc ngữ, về việc họ xác nhận tán đồng ý nghĩa mô thức rửa tội, do 31 linh mục Dòng Tên thảo luận ở Viện Thần Học tại Áo Môn năm 1645. Tài liệu nầy là một bản La văn do các linh mục Dòng Tên soạn, để trả lời cho Linh mục Sebastião de Jonaya, nhan đề: ” Cirra formam Baptismi Annamico Idiomate prolatam’ ( Chung quanh mô thức rửa tội bằng thổ ngữ An Nam). Phần chữ Quốc ngữ của 14 giáo dân Việt Nam ghi như sau:

” Nhin danh Cha uà con uà Su-phi-ri-to-sang-to í nài An-nam các bỏn đạo thì tin ràng ra ba danh ví bàng muốn í làm một thì phải nói nhin nhít danh cha etc.- tôy là Giu ão câi trâm cũ nghi bậi – tôy là An re Sen cũ nghi bậi – tôy là Ben tò vẫn triền cũ nghi bậi – tôy là Phe ro uẫn nhit cũ nghi bậi – tôy là An jo uẫn tãu cũ nghi bậi – tôy là Gi-ro-ni-mo cũ nghi bậi – tôy là I-na sô cũ nghi bậi – tôy là tho-me cũ nghi bậi – tôy là Gi-le cũ nghi bậi – tôy là lu-i-si cũ nghi bậi – tôy là Phi-lip cũ nghi bậi – tôy là Do-minh cũ nghi bậi – tôy là An-ton cũ nghi bậi – tôy là Giu ão cũ nghi bậi ” ( nhân danh Cha và con và Su-phi-ri-to Sang-to Spirito Santo ý nầy An nam các bổn đạo thì tin rằng ra ba danh. Ví rằng muốn ý làm mộy thì phải nói : nhân danh Cha vân vân. Tôi là Giu an Cai (?) Trâm cũng nghĩ vậy – Tôi là An rê Sen cũng nghĩ vậy – Tôi là Ben tô Văn Triều cũng nghĩ vậy – Tôi là Phê rô Văn Nhất cũng nghĩ vậy – Tôi là An gio Văn Tang cũng nghĩ vậy – Tôi là Gi-rô-i-mô cũng nghĩ vậy – Tôi là Gi le cũng nghĩ vậy – Tôi là lu-i-si cũng nghĩ vậy – Tôi là Phi líp cũng nghĩ vậy – Tôi là Đô Minh cũng nghĩ vậy – Tôi là An ton cũng nghĩ vậy – Tôi là Giu an cũng nghĩ vậy).

Như thế, chúng ta thấy rõ đây là một bản văn Quốc ngữ của 14 người Việt Nam xác nhận mô thức rửa tội năm 1645 của các linh mục Dòng Tên và đây là tài liệu cho chúng ta thấy sự đóng góp của người Việt Nam trong tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ.

Qua so sánh, chúng ta có thể thấy rằng chữ Quốc ngữ năm 1645 chỉ giống chữ viết ngày nay khoảng 45%, và thời kỳ sáng tạo chữ Quốc ngữ khởi đầu từ năm 1621 đến đây đã chấm dứt, để chuyển sang thời kỳ kế tiếp.

Tưởng cũng nên nhắc lại, từ khi khởi đầu phiên âm cho đến khi hình thành chữ Quốc ngữ, không phải là sự ngẫu nhiên, bởi vì giáo đoàn truyền giáo Dòng Tên trước đó đã hoàn tất việc việc La tinh hóa chữ Nhật, để truyền giáo tại Nhật Bản. Nhật Bản cũng như Việt Nam ta, thuở đó mỗi nước đều có chữ Quốc ngữ biến chế từ chữ Hán, nước ta gọi là chữ NÔM, muốn biết chữ Nôm, đòi hỏi người ta phải am tường chữ Hán, chữ Hán vốn đã khó học rồi thì chữ Nôm lại càng khó hơn, chính vì thế mà các linh mục đã La tinh hóa chữ viết của Nhật cũng như Việt Nam, để cho công việc truyền giáo của họ được dễ dàng hơn.


(còn tiếp)

Tư liệu: Nguồn gốc chữ quốc ngữ (Tác giả: Huỳnh Ái Tông): (4)

Phần 3 tại đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/10/tu-lieu-nguon-goc-chu-quoc-ngu-tac-gia_1152.html
-----------
 b.- Sự đóng góp của Linh mục Đắc Lộ (tiếp theo)

Các chữ phiên âm trong quyển một.
Tung : Đông
kin : kinh
Annam : An Nam
Ai nam : Hải Nam
Chúacanh : Chúa Canh
Che ce : kẻ Chợ (Thăng Long)
Chúa bàng : Chúa Bàng (đúng ra là Bình; Bình An Vương Trịnh Tùng)
Chúa õu : Chúa ông
Chúa thanh đô : Chúa Thanh Đô ( Thanh Đô Vương Trịnh Tráng)
uuan : vương
min : minh
bát min : bất minh
thuam : thuận
uan : văn
uu : vũ
gna ti : nhà ti
gna hien : nhà hiến
Cai phu : cai phủ
Cai huyen : cai huyện
Bua ; vua
den : đền
sin do : sinh đồ
huan cong : hương cống
tin si : tiến sĩ
tam iau : tam giáo
dạu nhu : đạo nhu (nho)
dạu thíc ; đạo thích
Thicca, Thic ca, Thiccả : Thích ca
Sai : Sãi
sai ca : Sãi cả
lautu : Lão tử
Giô : giỗ
Cu hồn : Cô hồn
ba hon : ba hồn
Chin via : Chín vía
dum : Đồng (tên)
Các chữ phiên âm trong quyển hai
Cửa bang : Cửa Bạng (Thanh Hóa)
Phạt : Phật
bụt : Bụt
dang : Đàng
ciiia oũ : chúa ông
ciiia ban uuan : chúa Bằng vương
ciii sai : chúa Sãi
ciii canh : chúa canh
thinh hoa : Thanh Hóa
thai : thầy
sai vai : Sãi Vãi
Che vich : kẻ vích (cửa Vích, cửa sông ở phía Bắc Thanh Hóa)
Che no : Kẻ Nộ
Gne an : Nghệ An
bochin : bố chính
Rum : Rum
kiemthuong : Kiêm Thượng
Phuchen : Phục chân
cà : Cà
cã : cả
cá : cá
tlẽ : trẻ
tle : tre

Tài liệu năm 1644, Đắc Lộ viết bằng Bồ văn tại Thanh Chiêm, nhan đề: ” Relacão do glorioso Martirio de Andre Cathequista Protomartir de Cochinchiana alanceado, e degolado em Cachão no 26 de Julho de 1644 Tendo de Idade dezanove annos ” ( Tường thuật cuộc tử đạo vinh hiển của Thầy giảng An-Rê, vị tử đạo tiên khởi ở Đàng Trong, đã bị đâm chém tại kẻ Chàm ngày 26-7-1644, tử đạo lúc 19 tuổi), tài liệu nầy có những chữ phiên âm và câu phiên âm :
 

Ounghebo, Oũnghebo : Ông Nghè Bộ
Giũ nghĩa cũ d chúa Jesu cho den het hoy, cho den blon doy : Giữ nghĩ cùng đức chúa Jesu cho đến
hết hơi, cho đến trọn đời.

Tài liệu năm 1647, Đắc Lộ viết bằng La văn tại Macassar ngày 4-6-1647 có nhan đề : ” Alexandre
Rhodes è Societate jesu terra marique decẽ annorũ Itinerarium ” (Cuộc hành trình mười năm trên bộ, dưới biển của Đắc Lộ thuộc Dòng Tên), tài liệu nầy có các phiên âm như sau:

Ciam : Chàm
Ranran : Ran ran
Ké han : Kẻ Hàn
On ghe bo : Ông nghè Bộ
ke cham : kẻ Chàm
halam : Hà Lan
Cai tlam, Caitlam : Cát Lâm
ben da : Bến đá
Qui nhin : Qui Nhơn
Nam binh : Nam Bình
Bao bom : Bầu vom
Quan Ghia : Quảng Nghĩa
Nuoc man : Nước Mặn
bau beo : Bầu Bèo (?)
liem cum ; Liêm công
Quanghia : Quảng Nghĩa
Baubom : Bầu Vom
bochinh : Bố chính
Oũ ghe bo : Ông nghè Bộ

Sau khi đối chiếu tiểu sử của Gasparo d’Amiral và Đắc Lộ cùng các tài liệu phiên âm như trên, chúng
ta có nhận định sau :

1) Linh mục Gasparo d’Amiral phiên âm có tự dạng gần với chữ Việt chúng ta viết ngày nay, hơn là các
phiên âm của Đắc Lộ, thử so sánh :
Tài liệu Gasparo d’Amiral 1632 : Tài liệu Đắc Lộ 1636
—————– Thanh đô vương ——– thanh đô
—————– Nhà ti ——————— gna ti
—————– Nhà hién —————– gna hien
—————– Nghệ ăn, nghệ an —— Gne an
—————– Bố chính —————– bochin

2) Gasparo d’Amiral phân biệt được một số dấu giọng như đã vạch ra ở phần trước, trong khi Đắc Lộ lại ít dùng dấu giọng.

3) Ngay trong cách phiên âm của Đắc Lộ, tài liệu sau phiên âm kém hơn tài liệu trước. Trái lại, Gasparo d’Amiral phiên âm tài liệu năm 1637 khá hơn tài liệu năm 1632.

Năm 1632, bảng tường trình của Gasparo d’Amiral gửi cho Linh mục André Palmeiro, giám sát các tỉnh Nhật, trung Hoa lúc đó Đắc Lộ cũng ở tại Áo Môn (1630-1640), là người tha thiết với các giáo đoàn truyền giáo tại Việt Nam, chắc chắn Đắc Lộ có xem qua bảng tường trình nầy.

Từ năm 1638-1645 Gasparo d’Amiral ở tại Áo Môn, như vậy họ đã có thời gian ở bên nhau 2 năm 1638-1640, rồi tháng 7 năm 1645 đến 20-12-1645 Đắc Lộ từ Việt Nam trở lại Viện Thần Học Áo Môn, phụ trách dạy tiếng Việt, còn Gasparo d’Amiral đã soạn quyển Tự vựng Việt La, như vậy cả hai có thêm thời gian ở bên cạnh nhau, lại cùng hoạt động chung bộ môn tiếng Việt, điều đó cho ta thấy chắc chắn Đắc Lộ có chịu ảnh hưởng của Gasparo d’Amiral về lãnh vực tiếng Việt.

Tài liệu Đắc Lộ viết năm 1647 tại Macassar, chứng tỏ rằng sau khi ông rời Việt Nam ngày 20-12-1645, ông vẫn chưa có được một hệ thống phiên âm vững chắc và gần gủi với chữ Quốc ngữ ngày nay.


(còn tiếp)

Tư liệu: Nguồn gốc chữ quốc ngữ (Tác giả: Huỳnh Ái Tông): (3)

Phần 2 ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/10/tu-lieu-nguon-goc-chu-quoc-ngu-tac-gia_19.html
-----------
b.- Sự đóng góp của Linh mục Đắc Lộ.
Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), người được Pháp đề cao đã sáng chế ra chữ Quốc Ngữ, mang lại sự khai hóa cho dân tộc Việt Nam, với chiêu bài nầy để che đậy hành động thực dân, xâm chiếm lãnh thổ và cai trị hà khắc dân tộc chúng ta. Để hiểu rõ vấn đề nầy, chúng ta cần lướt qua tiểu sử và hành trình truyền giáo của Đắc Lộ. 


Đắc Lộ sinh ngày 15-3-1591 tại Comtat Venaissin, tỉnh Avignon, miền Nam nước Pháp, tổ tiên ông gốc Do Thái. Tổ phụ của ông đã di cư từ Tây Ban Nha sang Avignon vào giữa thế kỷ XVI, thân sinh ông là Benadin II de Rhodes, được liệt vào hàng thân hào, nhân sĩ trong vùng.


Đắc Lộ gia nhập Dòng Tên ở La Mã ngày 14-4-1612, học tập chuyên về thần học và toán học tại học viện Saint André du Quirinal, thụ phong linh mục tại La Mã năm 1618. Cũng trong năm nầy, ông được phép sang Đông Nam Á truyền giáo, ông đến Lisbonne thủ đô Bồ Đào Nha, rồi từ đây đáp tàu đi Áo Môn ngày 04-4-1619, vì có ghé qua Goa (Ấn Độ) nên ông đến Áo Môn ngày 29-5-1623, ông đặt chân lên Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1624 tại Đà Nẳng, cùng với các linh mục Gabriel de Mattos và một giáo sĩ Nhật.

Đắc Lộ đến cơ sở truyền giáo Thanh Chiêm thuộc Quảng Nam Dinh, nơi đây có Linh mục Francisco de Pina (sinh năm 1585 tại Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong năm 1617 và chết đuối ở Quảng Nam năm 1625) và Antonio de Fontes (đến Đàng Trong tháng 12 năm 1624), tại đây Đắc Lộ học tiếng Việt với Francisco de Pina, tháng 7 năm 1626 ông rời Đàng Trong về Áo Môn, ngày 19-3-1627, ông cùng với Linh mục Pierre Marquez đến của Bang ( Thanh Hóa), ở đây, hai ông có yết kiến Trịnh Tráng, rồi sau đó theo chúa Trịnh ra Thăng Long, thời gian nầy hai Linh mục lập giáo đoàn Đàng Ngoài, tháng 5 năm 1630, chúa Trịnh cấm đạo, trục xuất các giáo sĩ, Đắc Lộ trở về Áo Môn.

Từ năm 1630 đến năm 1640, Đắc Lộ dạy thần học ở học viện thần học Áo Môn. năm 1640, ông được cử đến Đàng Trong làm Bề Trên, thay thế Linh mục Buzomi vừa từ trần tại Quảng Nam Dinh, ông ở đây cho đến ngày 3-7-1645, bị bắt buộc phải rời cơ sở truyền giáo Thanh Chiêm, theo lệnh của quan Cai bộ áp dụng luật trục xuất các giáo sĩ của chúa Nguyễn. Kể từ đó, ông rời hẳn nước Việt Nam, trở lại Áo Môn ông dạy tiếng Việt ở Học viện Thần Học, ngày 20-12 năm 1645 ông đáp tàu từ Áo Môn đi  Âu Chuâ, nhằm mục đích vận động thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam.


Ngày 16-11-1654, Tòa thánh La Mã cử Đắc Lộ làm Bề trên của phái đoàn truyền giáo ở Ba Tư. Đầu tháng 11-1655, ông đáp tàu từ Marseille đi Isapham thủ đô Ba Tư, và tại đây ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5 tháng 11 năm 1660.

Giai đoạn trước, giáo sĩ Đắc Lộ có để lại 3 tài liệu về chữ Quốc Ngữ vào năm 1625 và 1631 đã dẫn ở trên và giai đoạn sau này, ông cũng để lại 3 tài liệu khác viết vào các năm 1636, 1644, 1647.

Tài liệu năm 1634, viết tay có nhan đề "Tuchineois Historiae libri duo quorum altero status temporalis hujus Regni, altero mirabiles evangelicae praedications progresus refurnutur. Coeptae per Patres Societatis Jessu, ab Anno 1627 ad Annum 1636" (Lịch sử Đàng Ngoài và những bước tiến triển lớn lao mà phúc âm rao giảng đã làm ở nước này để hóa cải lương dân, từ năm 1627 đến năm 1636). Bản này ghi bằng La văn gôm 2 quyển, lưu trữ tại Văn khố Dòng tên ở La Mã.

(còn tiếp)

Tư liệu: Nguồn gốc chữ quốc ngữ (Tác giả: Huỳnh Ái Tông): (2)

Phần 1 ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/10/tu-lieu-nguon-goc-chu-quoc-ngu-tac-gia.html
----------
2. Giai Đoạn Cấu Tạo Câu
a.- Sự đóng góp của Gasparo d’Amiral
Giai đoạn kế tiếp được coi như khởi sự từ năm 1632 với những phiên âm của Gasparo d’Amiral, trong giai đoạn nầy, chúng ta thấy vai trò đóng góp cho sự hình thành chữ Quốc ngữ của Gasparo d’Amiral rất quan trọng, ông phiên âm có phương pháp. Tài liệu dẫn sau đây cho chúng ta thấy rõ Đắc Lộ đã theo phương pháp của ông để phiên âm trước khi dựa vào quyển tự điển Bồ Đào Nha – Annam cũng của ông, để Đắc Lộ soạn quyển tự vị “An Nam – Bồ Đào Nha – La Tinh “.

Để hiểu rõ điều chúng tôi vừa đề cập tới, không gì hơn là chúng ta nhìn lại cuộc đời và vết đi của họ,
chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của Gasparo d’Amiral đối với Đắc Lộ.

Gasparo d’Amiral sinh năm 1592 tại Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên ngày 1-7-1608, ông đã làm giáo sư dạy La văn, Triết học, Thần Học tại các học viện và đại học Evora, Braga, Coinbra ở Bồ Đào Nha. Năm 1623, Gasparo d’Amiral đến Áo Môn, vào tháng 10 năm 1926, ông cùng với Thầy Paulus Saito (1577-1633 người Nhật) đến Đàng Ngoài cho đến tháng 5 năm 1630 cả hai cùng với Linh mục Đắc Lộ và Pedro Marques về Áo Môn. Ngày 18-2-1631 Gasparo cùng 3 Linh mục khác là André Palmeiro, Antonio de Fontes và Antonio F. Cardim từ Áo Môn đáp tàu Bồ Đào Nha đến cửa Bạng (Thanh Hóa) và đến ngày 15-3-1631, các Linh mục nầy mới đến Kẻ Chợ (Thăng Long).

Sau đó Linh mục Palmeiro và Fontes trở về Áo Môn còn Amiral và Cardim ở lại tiếp tục công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài. Năm 1638, Linh mục Amiral được gọi về giữ chức Viện Trưởng Viện  thần học tại Áo Môn, như vậy ông đã ở Đàng Ngoài được 7 năm.

Đến năm 1641, ông được cử làm Phó Giám Tỉnh Dòng Tên hai tỉnh Nhật và Trung Hoa (gồm các nước Nhật, Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan và Trung Hoa – Áo Môn, Quảng Đông, Quảng Tây). Năm 1645, ông đáp tàu từ Áo Môn đi Đàng Ngoài, khi tàu đến gần đảo Hải Nam bị đắm, do đó ông bị chết đuối vào ngày 23-12-1645.

Trong 7 năm ở Đàng Ngoài, Gasparo d’Amiral còn để lại 2 tài liệu liên quan đến chữ Quốc Ngữ. Tài liệu 1, ông viết bằng Bồ văn tại Kẻ Chợ vào ngày 31-12-1632 nhan đề: ” Annua do reino de Annam  do anno de 1632, pera o Pe André Palmeiro de Compa de Jesu, Visitator das Provincias de Japan, e China ” ( Bảng tường trình hàng năm về nước An nam năm 1632, gửi cha André Palmeiro, Dòng Tên, giám sát các tỉnh Nhật và Trung Hoa). Tài liệu nầy hiện lưu trử tại văn khố Dòng Tên La Mã, trong đó có một số phiên âm như sau:

Tun kim : Đông Kinh, chỉ cho xứ An Nam
Đàng tlão : Đàng Trong
Đàng ngoày : Đàng Ngoài
Đàng tlên : Đàng trên
Oũ nghe : Ông nghè
nhà thượng dày: nhà thượng đài
nhà ti, nhà hién : nhà ti, nhà hiến
nhà phũ : nhà phủ
nhà huyẹn : nhà huyện
oũ khơũ : Ông Khổng ( Khổng Phu Tử)
Đức laõ : Đức Long; niên hiệu Đức Long (1629-1634)
Vĩnh Tộ : Vĩnh Tộ; niên hiệu Vĩnh Tộ (1620-1628)
Bua : Vua
Tế Kì đạo : Tế kỳ đạo
Đức vương : Đức Vương
Chúa oũ : Chúa Ông ( tức Trịnh Tráng)
Chúa tũ, chúa dũ, chúa quành : Chúa Tung (Trịnh Vân; Tung Quận Công)
Chúa Dũng (Trịnh Khải; Dũng Quận Công)
Chúa Quỳnh ( Trịnh Lệ; Quỳnh quận công)
Chúa cả : Chúa cả (Trịnh Tạc, vào thời nầy Đàng Ngoài có 5 chúa là : Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh
Vân, Trịnh
Khải, Trịnh Lệ mà chỉ 2 chúa có quyền hành mà thôi)
Thanh đô vương : Thanh Đô Vương
Chúa triết : Chúa Triết (Trịnh Tùng)
Kẻ chợ : Kẻ Chợ (Thăng Long)
yêu nhău : yêu nhau
oũ phô mả liêu : Ông Phò Mã Liêu (con rễ Trịnh Tráng)
Đàng Ngoằy : Đàng Ngoài
Quãng : Quảng
Tàm đàng : Tàm Đàng
Bên đoũ đa : Bên Đống Đa
tày : Tầy
lằng bôũ bàu : làng Bông Bầu

Cô bệt : Cô Bệt
Tri yếu : Tri yếu
kẻ hằii : kẻ hầu
ăn dương huyẹn : An Dương huyện
coũ thằn : công thành
Thíc ca : Thích Ca ( Phật)
Phổ lô xã : Phổ lô xã
Sãy uãy : Sải vải
Hộy ăn xả : Hội An xã
huyẹn uịnh lạy : huyện Vĩnh Lại
Thầi uăn Chật : Thầy Văn Chật
làng Kẻ tranh xuyên : Làng Kẻ Tranh Xuyên
Kẻ trãng : Kẻ Trang
Sấm phúc xả : Sấm Phúc xã
Nghỹa ăn xả : Nghĩa An xã
huyẹn bạyc hặc : Huyện Bạch Hạc
thầi phù thủi : Thầy phù thủy
Oũ jà nhạc : Ông già Nhạc
Oũ phu mã kiêm : Ông Phò mã Kiêm
bà : bà (?)
chúa bàng : chúa Bằng
thăn khê : Thanh Khê
hàng bè : hàng Bè
hàng bút : hàng Bút
cữa nam : cửa Nam
kẻ ăn lẵng : kẻ An lãng
hàng nấm : hàng nắm
đinh hàng : Đinh hàng
càii iền : Cầu Yên
hàng thuõc : hàng thuốc
oũ đô đốc hạ : Ông Đô Đốc Hạ
Oũ phũ mã nhăm : Ông Phò mã Nhâm
Oũ chưỡng hương : Ông chưởng Hương
Thầi : Thầy
đức oũ hồe : Đức ông Huề
thuyèn thũỉ : thuyền thủy
Quãng liẹt xã : Quãng liệt xã
giỗ : giỗ
chặp : chạp
mă : ma
kẽ uạc : kẻ Vạc
cỗ : cỗ
oũ chưỡng quế : ông chưởng Quế
tình : tình

nhũộn : nhuận
tháng : tháng
cốt bõý : cốt bói
Kẽ lăm huyẹn toũ sơn : kẻ Lâm, huyện Tống Sơn
Nghệ an : Nghệ An
Bố chính : Bố chính
thuặn hốe : Thuận Hóa
huyẹn nghi xuon : huyện Nghi Xuân
huyẹn Thinh Chương : huyện Thanh Chương
làng cầii : làng Cầu
nhà nga : nhà nga
đậii xá : đậu xá
vàng may : Vàng May
đức bà sang phú : đức bà sang phú
oũ bà phủ : ông bà phủ
kẽ mộc : kẻ Mộc
kẽ bàng : kẻ Bàng
an nam : An Nam

Tài liệu thứ hai cũng soạn bằng Bồ văn tại kẻ Chợ ngày 25-3-1637, có nhan đề: ” Relacam dos Catequista da Christamdade de Tumk e seu modo de proceder pera o Pe Manoel Dias, Vissitador de Jappão e China ” (Tường thuật về các Thầy giảng của giáo đoàn Đàng Ngoài và về cách thức tiến hành của họ, gửi cha Manoel Dias, giám sát Nhật Bản và Trung Hoa), tài liệu nầy hiện lưu trử tại Văn Khố Hàn Lâm Viện Sử Học Hoàng Gia Madrid Bồ Đào Nha. Gồm có một số phiên âm sau đây :

Sãy : Sãi
đức : đức
Chúa thanh đô : Chúa Thanh Đô
thầy : thầy
định : định
nhin : Nhơn (tên)
Nghệ an : Nghệ an
lạy : lạy
tri : Tri (tên)
bùi : Bùi (tên)
Quang : Quảng (tên)
tháng : Thắng (tên)
Coũ thàn : Công Thành
Sướng : Sướng (tên)
đàng ngoài : Đàng Ngoài
già : Già (tên)
Vó : Vó (tên)
nân : Nân (tên)
lồ : Lồ (tên)
đôủ thành : Đông thành (tên)
Kẻ chợ : Kẻ Chợ (tên)

Trong hai tài liệu nầy, tài liệu thứ nhất có gần 400 chữ phiên âm, chưa được thống nhất cách dùng mẫu tự ghi âm. Ví dụ :
Âm a ghi ă (Hội ăn xã) hay ghi a (Nghệ an)
Âm ò ghi ô (oũ phô mả liêu) hay ũ (oũ phũ mả kiêm)
Có một số âm, phụ âm, dấu giọng không như ngày nay :
Các âm â ghi ă (hàng nấm)
———– ê – e (huyẹn, hién)
———– y – i (thầi)
———– o – õ (bõy)
——— âu – ăii (hầu)

Các phụ âm : ng ghi ũ (oũ)
—————– ch – yc (bạyc)

Các dấu giọng : ? ghi ~ (cữa nam, phũ)
——————- ~ – ? (Sấm phú xả, Nghỹa ăn xả)
Tuy nhiên Gasparo d’Amiral cũng ghi được các âm như ngày nay :
a (nghệ an ) ă (hàng nắm) â (thầi)
ê ( nghệ) ô (giỗ) ơ (chợ)
i (nghi xuôn) u (yêu nhău) ư (thương, vương)

Có đủ dấu giọng:
không dấu (nam, đô)
􀳦 (Thíc ca)
(thầi phù thũi)
? (chúa cả)
~ (giỗ)
. (vĩnh tộ)


Tài liệu thứ hai viết sau 5 năm, một số chữ viết ngày nay giống y như vậy: đức, chúa thanh đô, thầy, Nghệ an, lạy, định … Do đó chúng ta thấy Gasparo d’Amiral ghi âm tiến bộ hơn các giáo sĩ khác, đó cũng là điều dĩ nhiên bởi vì từ tài liệu của Jão Roiz hay Gaspar Luis viết từ năm 1621, đến tài liệu thứ nhất của Gasparo d’Amiral có khoảng cách biệt trên 10 năm.


(còn tiếp)

Tư liệu: Nguồn gốc chữ quốc ngữ (Tác giả: Huỳnh Ái Tông): (1)


Là một người Việt chọn ngôn ngữ (tiếng Anh) làm một nghề để theo đuổi, từ lâu tôi đã rất quan tâm về việc tại sao trong số các nước chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hóa là Nhật, Hàn và Việt Nam, chỉ có mỗi mình Việt Nam là có sử dụng mẫu tự La tinh để ghi âm tiếng nói của mình. Vấn đề này lại càng hấp dẫn hơn đối với tôi vì gia đình tôi theo đạo Công giáo, và tôi từ nhỏ tôi đã được học rằng chữ quốc ngữ (chữ viết chúng ta đang dùng hiện nay) là do các cố đạo tạo ra - tất nhiên ban đầu để phục vụ mục đích của họ. Điều đáng nói là Việt Nam đã có lúc cấm đạo rất dữ dưới thời các vua nhà Nguyễn, nên chữ quốc ngữ - vốn do các cố đạo phương tây tạo ra trước hết là với mục đích truyền đạo - hẳn phải bị kỳ thị lắm, nhưng không hiểu sao từ một công cụ được xem là của bọn "ngoại bang" dùng để truyền "tả đạo" vào VN, nó lại trở thành ngôn ngữ quốc gia?

Câu hỏi này không chỉ làm tôi tò mò, mà còn là một đề tài nghiên cứu tiến sĩ của một anh NCS người Đài Loan mà tôi đã có dịp gặp vào đầu thập niên 1990 khi VN mới bắt đầu mở cửa. Khi ấy tôi còn ở Khoa Anh của Trường ĐH Tổng hợp cũ, và hay được nhờ để phiên dịch khi có những đoàn nước ngoài vào VN. Anh chàng NCS còn trẻ lắm, chưa đến 30, và mới bắt đầu thực hiện nghiên cứu thôi. Luận điểm của anh ta là VN cũng như Đài Loan đều đã có khởi điểm giống nhau, tức các giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo và tạo ra chữ viết theo mẫu tự La tinh để phục vụ việc truyền giáo, nhưng cuối cùng hai nơi có kết quả khác nhau là vì người Việt Nam có tinh thần ái quốc và độc lập dân tộc cao hơn (!) nên đã nhận ra vai trò của chữ quốc ngữ như một công cụ để phục vụ phong trào yêu nước dành độc lập và truyền bá tư tưởng về tự do dân chủ vv. Nghe ra rất thú vị, và tất nhiên đó chỉ là giả thuyết; kết cục anh ta đã nghiên cứu ra sao thì tôi không còn liên lạc để biết. Nhưng dẫu sao cũng là một giả thuyết mà theo tôi là khá có giá trị mà chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu.

Hôm nay có một ít thời gian, tôi tìm và đưa về đây một số tư liệu về chữ quốc ngữ để lưu cho mình và chia sẻ với mọi người. Enjoy các bạn nhé!
--------------
Nguồn: http://namkyluctinh.org/a-ngonngu/huynhaitong-quocngu.pdf

A. Đại Cương
Danh từ chữ Quốc ngữ hay chữ Việt, người Việt chúng ta đã dùng từ lâu, mặc dù nó không được chính danh. Bởi vì danh từ chữ Quốc ngữ là danh từ chung, chỉ cho các thứ chữ của một nước, chẳng hạn chữ Nôm ( 1 ) cũng là chữ Quốc ngữ của nước ta, nhưng do chúng ta dùng lâu đã quen, nên danh từ chữ Quốc ngữ để chỉ cho chữ viết chúng ta dùng ngày nay. Chữ nầy thoạt đầu do những vị giáo sĩ Tây phương truyền đạo tại Việt Nam, họ mượn mẫu tự La tinh, ghép lại để ghi âm địa danh và nhân vật địa phương, từ đó nó đã trải qua các thời kỳ hình thành chữ Quốc ngữ, qua quá trình hình thành, nó đã được sự đóng góp của người Việt cũng như người ngoại quốc, phần chính vẫn là người Việt chúng ta.


Sự hình thành chữ Quốc ngữ có thể chia ra làm ba thời kỳ :
* Thời kỳ sáng tạo từ năm 1621.
* Thời kỳ xây dựng năm 1651.
* Thời kỳ phát triển từ năm 1867.


Chúng ta biết rằng, khoảng giữa thế kỷ XVI, lúc ấy nước ta chia thành Nam, Bắc triều. Năm 1533, có giáo sĩ Irigo (I-Nê-Khu), người Âu, theo đường biển vào nước ta ở Đàng Ngoài, tại Nam Định để giảng đạo. Năm 1596, giáo sĩ Diago Advarte đến Đàng Trong ở một thời gian rồi bỏ đi, cho đến năm 1615, giáo sĩ Francesco Buzomi đến lập Giáo Đoàn Đàng Trong (Mission de la Cochinchine), đến năm 1627, giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) mới lập Giáo Đoàn Đàng Ngoài (Mission de Tonkin).

Cả hai giáo đoàn nầy đều thuộc Dòng Tên, có một trung tâm truyền giáo ở Áo Môn (Macao – Trung Quốc), vì trước kia người Bồ Đào Nha sang Trung Hoa buôn bán, họ ở bán đảo Schangch’nan thuộc Quảng Châu, vào khoảng năm 1557, có bọn cướp biển trú ẩn ở Áo Môn, thường hay khuấy nhiễu Quảng Châu, nên người Trung Hoa nhờ các thương gia Bồ Đào Nha dẹp bọn cướp biển ấy, sau khi dẹp xong bọp cướp, người Bồ Đào Nha xin phép nhà cầm quyền Trung Hoa cho họ trú ngụ ở bán đảo Schangch’nan và Áo Môn, mỗi năm họ đóng thuế cho chánh quyền Trung Hoa, cho đến thế kỷ XX Áo Môn vẫn còn thuộc Bồ Đào Nha.

Thuở đó, các nhà truyền giáo Tây phương muốn sang Viễn đông, họ đều theo các thương thuyền Bồ Đào Nha, cho nên họ chọn Áo Môn làm trung tâm truyền giáo để hoạt động ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, nơi ấy có cả một Viện thần học ” Madre de Dieux ” (Mẹ Đức Chúa Trời).

Do đó các giáo sĩ người Âu thường từ Áo Môn sang Đàng Ngoài hay Đàng Trong và ngược lại, họ thường dùng ngôn ngữ Bồ Đào Nha để giao dịch với nhau, những phúc trình truyền giáo hay thư từ gửi về La Mã có khi họ viết chữ Bồ, có khi họ viết chữ La Tinh.


B. Sự Hình Thành Chữ Quốc Ngữ

I.- Thời Kỳ Sáng Tạo Chữ Quốc Ngữ
Không phải chữ Quốc ngữ hình thành do sự ngẫu nhiên từ những chữ phiên âm tiếng Việt, thực ra chữ Quốc ngữ hình thành theo hướng chung của các giáo sĩ Tây Phương, họ muốn La Tinh hóa các chữ Á Đông nằm trong địa bàn truyền giáo của họ.

Thật vậy, tại Trung Hoa, Hoa ngữ được các nhà truyền giáo dùng mẫu tự La Tinh phiên âm trước nhất, công việc nầy do hai giáo sĩ Dòng Tên là Micac Ruggieri và Matteo Ricci đã soạn quyển Ngữ vựng hay Tự vựng Bồ-Hoa, quyển nầy mỗi trang chia làm 3 cột : chữ Bồ, chữ Hán, phiên âm Hoa ngữ, tài liệu nầy soạn khoảng năm 1584-1588, bảng viết tay còn lưu trử tại văn khố Dòng Tên ở La Mã (Rome).

Năm 1598, giáo sĩ Ricca và Cateneo đã dùng ký hiệu để ghi các thanh Hoa ngữ.

Tại Nhật Bản, các tác phẩm chữ Nhật đã được La tinh hóa, từ năm 1592 đến năm 1596 có đến 10 tác phẩm loại nầy được in ra, hai tác phẩm quan trọng sau đây đáng được nhắc đến:
 

1) Cuốn Giáo lý ghi bằng tiếng Nhật theo mẫu tự La Tinh có tên là : Dotrina Jesus no Compania no Collegio Amacusa ni voite superiores no vou xi no comuni core no fan to nasu mono nari, Nengi, 1592.

2) Cuốn tự điển La – Bồ – Nhật: Dictionarium latino lusitanicum ac Japonium (In Amacusa in Collegia Japonico Societa Jesus, Anno 1595). Ngoài ra còn có sách ngữ pháp Nhật được in theo mẫu tự a, b, c vào năm 1603-1604.

Tại Việt Nam, thời kỳ sáng tạo chữ Quốc ngữ có thể chia ra làm 2 giai đoạn :
* Giai đoạn phiên âm.
* Giai đoạn cấu tạo câu.

1. Giai đoạn phiên âm
Về nguồn gốc, có lẽ câu sau đây là một dòng chữ xuất hiện đầu tiên, trong tiến trình hình thành chữ
Quốc ngữ.

” Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chian “.
Câu nầy, theo giáo sĩ Christofora Borri ( 2 ), là câu mà các giáo sĩ đàng trong đã dùng trước khi ông có mặt tại đây, nó có nghĩa là : Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng ?

Danh từ Hoa Lang, không rõ do đâu mà có, nhưng đó là danh từ do người Việt Nam thời bấy giờ dùng để chỉ cho người Bồ Đào Nha, và sau đó được dùng để gọi chung các nhà truyền giáo Tây Phương.

Như vậy câu trên là câu các nhà truyền giáo Tây phương muốn hỏi một người Việt rằng : ” Muốn vào đạo Thiên chúa chăng ? “ Vì lẽ câu nói không diễn tả được rõ ý nên Linh mục Buzomi đã sữa lại như sau : ” Muon bau dau Christiam chiam ? “ ( Muốn vào đạo Christiang chăng ?).

Đây là câu trích trong quyển sách của Christoforo Borris xuất bản năm 1631 tại La Mã, viết bằng chữ Ý ( 3 ). Tuy vậy, chúng ta có thể coi những chữ phiên âm trong sách nầy đã được ông dùng trong thời gian từ 1618 đến 1621, là thời gian ông sống ở Đàng Trong.

Phiên âm : Nghĩa
Anam : An Nam
Tunchim : Đông Kinh
Ainam : Hải Nam
Kemoi : Kẻ mọi
Cacciam : Cả chàm (Kẻ Chàm)
Sinunua : Xứ Hóa ( Thuận Hóa)
Quamguya : Quảng Nghĩa
Quignin : Qui Nhơn
Dàdèn, lùt : Đã đến lúc
Scin mocaij : Xin một cái
Chià : Trà
Cò : Có…..


Onsaij : Ông sãi
Quanghia : Quảng Nghĩa
Nuoecman : Nước mặn
Da, an, nua : Đã ăn nữa,
Da, an, het : Đã ăn hết
Omgne : Ông nghè
Tuijciam,biet: Tui chẳng biết
Onsaij di lay : Ông Sãi đi lại
Bàncò : Bàn Cổ
Maa : Ma
Maqui, Macò : Ma quỉ, ma quái
Bũa : Vua Chiuna : Chúa
Bản phúc trình của Linh mục João Roig viết bằng chữ Bồ Đào Nha tại Áo Môn ngày 20-11-1621, để gửi về La Mã, trong ấy có phiên âm vài danh từ như sau :
An nam : An Nam
Sinoa : Xứ Hóa
Usai : Ông Sãi
Ungne : Ông nghè
On trũ : Ông trùm
Ca cham : Ca chàm ( kẻ chàm, tức Thanh Chiêm, thủ phủ Quảng Nam Dinh, thời ấy dân chúng gọi là Cả Chàm hay Dinh Chàm)
Nuocman : Nước Mặn
Bafu : Bà phủ
Sai Tubin : Sãi Từ Bình ( ? )
Banco : Bàn Cổ
Oundelinh : Ông Đề Lĩnh

Cùng năm ấy, Linh mục Gaspa Luis cũng viết một bảng tường trình bằng La văn tại Áo Môn ngày 12-12-1621 gửi cho Linh mục Mutio Vitelleschi ở La Mã, để báo cáo về giáo đoàn Đàng Trong, trong ấy có dùng vài phiên âm :
Cacham : Kẻ chàm
Nuocman : Nước Mặn
Ongne, Ungué : Ông nghè
Bancô : Bàn Cổ

Đến ngày 16-6-1625, giáo sĩ Đắc Lộ có viết một lá thư bằng Bồ văn gửi cho Linh mục Nuno Mascarenhas, trong ấy có vài phiên âm :
Ainão : Hải Nam
Tunquim, Tunquin : Đông Kinh

Thêm một tài liệu khác Gaspar Luis viết bằng La văn ngày 1-1-1626 tại Nước Mặn để gửi cho Linh mục Mutio Vitelleschi ở La Mã, trong ấy có phiên âm một số địa danh và danh từ:
Fayfó : Hải phố (Fayfo : Hội An)
Cacham : Kẻ chàm

Nuocman : Nước Mặn
Pullocambi : ?
Dinh cham : Dinh chàm
Quanghia : Quảng Nghĩa
Quinhin : Qui nhơn
Ranran : Ran ran ( tức là sông Đà Rằng ở Phú Yên)
Bendâ : Bến đá
Bôdê : Bồ đề
Ondelimbay : Ông Đề Lĩnh Bảy
Ondedoc : Ông Đề đốc
Unghe chieu : Ông nghè Chiêu
Nhit la khaun, khaun la nhit : Nhứt là không, không là nhứt


Và Linh mục Antonio de Fontes người Bồ Đào Nha, đã có đến ở Đàng Trong năm 1624 và Dinh Chàm với Linh mục Pina và Đắc Lộ, cũng ngày 1-1-1626, Linh mục Fontes viết tại Hội An một bản tường trình bằng Bồ văn gửi cho Linh mục Mutio Vitelleschi là Bề Trên Cả Dòng Tên ở La Mã, bảng tường trình nầy gồm có 3 phần, trong ấy cũng cho chúng ta biết thuở ấy giáo đoàn Đàng Trong có 3 cơ sở: Hội An, Kẻ Chàm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Qui Nhơn). Trong bảng tường trình nầy, có các phiên âm :
Digcham : Dinh Chàm
Nuocman : Nước Mặn
Quinhin : Qui Nhơn
Sinua, Sinuâ : Xứ Hóa
Orancaya : ?
Quan : Quảng (Quảng Nam)
Xabin : Xá Bình ?
Bếndá : Bến đá
Bude : Bồ đề
Ondelimbay: Ông Đề Lĩnh Bảy
Ondedóc : Ông đề đốc
Onghe Chieu : Ông nghè Chiêu
Nhít la khấu, khấu la nhít : Nhứt là không, không là nhứt
Dinh Cham : Dinh Chàm
Sinóa : Xứ Hóa

Ngày 13-7-1626, Linh mục Francesco Buzomi viết một lá thư chữ Ý gửi cho Linh mục Mutio Vitelleschi, cách phiên âm có tiến triển phần nào, vì các danh từ ghi theo đơn âm như ngày nay, các chữ phiên âm trong bức thư nầy gồm có:
Xán tí : Xán tí (Thượng đế)
Thiên chu : Thiên chủ (Thiên chúa)
Thiên chũ xán tí : Thiên chủ thượng đế
Ngaoc huan : Ngọc hoàng

Cho đến năm 1631, có thêm hai tài liệu của Đắc Lộ: một vào ngày 16-1-1631, ông có viết một bức thư gửi cho Linh mục Nuno Mascarenhas ở La Mã , trong ấy chỉ tìm thấy có một chữ phiên âm Thinhũa : Thanh Hóa, và một bản văn khác thuật lại việc ông cùng Linh mục Pedro Marques tới cửa Bạng (Thanh Hóa) vào ngày 19-3-1627 cho đến lúc Linh mục Antonio F. Cardin đến Thăng Long ngày 15-3-1631 (trong chuyến đi ấy, có các Linh mục Gasparo d’Amiral, André Palmeiro, Antonio de Fontes), tài liệu nầy gồm 2 trang rưỡi chữ, viết trên giấy khổ 16 x 23 cm, trong ấy chỉ phiên âm có mấy chữ :
Sinoa : Xứ Hóa (thuận Hóa)
Anná : An nam
Sai : Sãi
Mía : Mía ( nhà tạm trú)

Những tài liệu phiên âm trên, cho chúng ta thấy phần nào sự manh nha hình thành chữ Quốc Ngữ
trong các năm từ 1621 đến năm 1631. Trong mười năm đó, chúng ta thấy sự phiên âm không mấy tiến triển, chưa có sự thống nhất nào cả, chẳng hạn như danh từ xứ Hóa, họ đã phiên âm :
Sinoa (Jão Roig 20-11-1621)
Sinua, Sinuâ, Sinoá (Antonio de Fontes 1-1-1626)
Sinoa (Đắc Lộ 1631)
Danh từ Ông Nghè :
Omgne (Christoforo Borri 1618-1621)
Ungne (Jão Roig 20-11-1621)
Ongne, Ungué ( Gaspar Luis 12-12-1621)
Unghe (Gaspar Luis 1-1-1626)
Onghe (Antonio de Fontes 1-1-1626)



(còn tiếp)