Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Chủ nhật, đọc bài bình "Lương Châu Từ"

Sáng chủ nhật vào mạng, tự dưng tôi tìm thấy bài viết này. Đọc thấy rất hay (vì 2 câu thơ cuối của bài từ này tôi đã nghe qua từ hồi nhỏ, nghe lóm của bà chị học ban C). Chép lại đây để lưu, và chia sẻ với mọi người. Và cuối cùng, cám ơn tác giả bài viết, dù tôi không hân hạnh biết được đó là ai. (Không hiểu việc chép lại và chia sẻ bài viết như thế này có vi phạm NĐ 72 gì không nhỉ; ai biết bảo cho tôi với nhé!)
-------------------
http://www.svqy.org/frame/luongchautu.htm 
LƯƠNG CHÂU TỪ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi






Ngày xưa học luyện thi tú tài 2 Ban C (Văn Chương) có lần tôi bị ông thầy bắt làm luận văn về bài thơ tứ tuyệt Đường Thi "Lương Châu Từ," tôi giải thích câu hai "Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi" một cách cắc cớ như sau:



- Dục ám chỉ tình dục (sex)

- Ẩm là uống (rượu)

- Tỳ bà là đàn hát

- Mã thượng là lên ngựa, nghĩa bóng là "làm tình"



Như vậy cả câu nói lên tâm trạng người lính khi về phép là tìm chỗ vui chơi hoan lạc cho bõ những ngày cực khổ ngoài chiến trường vì "chiến binh mấy người trở lại." Nó cũng giống như câu ví von về gói thuốc PALL MALL: "Phiền Anh Lên Lầu, Mong Anh Làm Lẹ."



Ông thầy tuy không bằng lòng nhưng cũng phải công nhận tôi không sai lắm vì thông thường, những tác phẩm nổi tiếng trong văn học cũng như trong hội họa thường được người sau tìm ra thêm những nét đặc sắc mà chính tác giả cũng chưa chắc đã có ý đó.



"Lương Châu Từ" có nghĩa là Khúc Hát Châu Lương, một địa danh thuộc vùng biên giới Tây Bắc nước Tàu tiếp giáp với Mông Cổ phía bắc, đông bắc và Kazakhstan, Kyrgyzstan (Liên Sô cũ) phía tây bắc.




 

Lương Châu tức Longyou


 

Nhiều tài liệu khác thì cho là Lương Châu thuộc tỉnh Cam Túc (Gansu) ngày nay của Trung Hoa. Điều nay không sai nhưng có lẽ có phần thiếu sót vùng Tân Cương.




 


 

Lương Châu Từ do Vương Hàn (687-726) làm ra năm 713 khi ông bị triều đình nhà Đường đày ra Lương Châu do tính bộc trực của mình. Lương Châu là vùng biên giới gồm phần lớn là đất sa mạc Tân Cương (Gobi desert) và là nơi rợ Hồ từ mạn Bắc và Tây Bắc xua quân xuống quấy nhiễu liên tục. Lương Châu Từ đồng thời cũng lấy tên từ một điệu hát cổ Trung Hoa nói về trận mạc, biên giới.



Thông cảm với sự gian khổ của lính tráng thuộc cấp của mình, Vương Hàn viết ra bài thơ tứ tuyệt này, không ngờ đã để lại cho hậu thế một áng văn chương truyệt vời, nhất là đối với người Việt. Giá trị của bài thơ này vượt thời gian và rất phù hợp với người chiến binh VNCH trong trận chiến huynh đệ tương tàn. Nhà thơ Hữu Loan viết trong "Đồi Tím Hoa Sim":



Lấy chồng chiến binh, mấy người đi trở lại

 

Nhạc sĩ Lê Thương diễn tả trong "Hòn Vọng Phu":



Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Vui ca vang rồi đi tiến binh ngoài ngàn

..........................

Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về

Ai quên ghi vào gan đã bao nguyện thề

 

Những từ ngữ như "bỏ mạng nơi sa trường," "chén rượu ly bôi" v.v... phảng phất ảnh hưởng của bài thơ tứ tuyệt này.



Trong văn chương Việt Nam, chữ sa trường đã trở thành đồng nghĩa với chiến trường, tự điển Tuttle Compact Vietnamese Dictionary dịch chữ sa trường là battlefield (nguồn).



Thành thử có câu: "Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường (hoặc sa trường) bớt đổ máu."

 

Tôi rất đồng ý với nhận xét của ông thầy cũ vì quả thật chữ Hoa tượng hình, tượng nghĩa, nhất là thể thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt luôn diễn tả những ý nghĩa cô đọng có tính cách phổ quát, rộng lớn, không bó buộc vào sự việc cá nhân, nhỏ nhặt nên càng phân tích, càng thấy ra nhiều điều mới lạ và dễ đi vào tranh cãi vì mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau.



Theo thiển ý, thưởng thức một bài thơ tứ tuyệt tương tự như ngắm một bức tranh nổi tiếng, chẳng hạn như bức "La Joconde" của Leonard de Vinci. Chỉ có thể cảm nhận mà khó phân tích được.



Bài "Lương Châu Từ" đã cho tôi cái cảm xúc của bức tranh "Le dernier carré de la Vieille Garde," bi thảm và hùng tráng.






 

Le Dernier Carré

Litho d'après le tableau de R.Hillingford "The Last Stand of The Imperial Guard."

(Trích nguồn)

 

Đây đồng thời cũng là cảm xúc của tôi trong ngày 30 tháng tư đen, và của tất cả những người lính VNCH, đặc biệt là các chiến binh Sư Đoàn 18 BB, của các chiến sĩ không quân sáng ngày cuối còn bắn hạ được mấy chiến T.54 tại ngã tư Bẩy Hiền, hay của toán Lực Lượng Đặc Biệt lặng lẽ bỏ khi giới trước cổng trại Tổng Tham Mưu sau khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Tôi được hân hạnh cùng tù cải tạo với một anh không quân và vài anh sĩ quan SĐ 18 BB trong nhóm đó.



Một tay quản giáo mặc đỏ lừ đã hỏi chúng tôi trong một buổi "lên lớp":

- Anh nào thuộc SĐ 18 đúng lên!

Khoảng 5 người đứng dậy. Tay quản giáo này đã từng bị chận đánh tại Long Khánh nói mỉa:

- SĐ 18 các anh anh dũng lắm đấy nhé.

5 người này sau đó được "biên chế" vào nhóm thanh lọc "ác ôn" và được chuyển trại hai tháng sau.



Ngoài ra, trong một buổi đi làm lao công quét dọn cầu tiêu của bọn cán bộ, tôi nghe hai "đồng chí" cãi nhau, một tay mắng tay kia:

"Cả bẩy thằng trong một cái hầm, có mỗi một thằng ngụy dù đi qua, đ. có thằng nào dám bắn, để nó phát hiện dôi một trái đạn vào chết hết năm mà mày làm tàng cái gì..."



Trở lại chủ đề chính, bài dịch "Lương Châu Từ: được chấp nhận nhiều nhất là do Trần Trọng San dịch thành:

 

Rượu bồ - đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu

 

Bùi Khánh Đản có bài dịch khá hay:

Bồ đào, rượu rót chén lưu ly
Muốn uống, tỳ bà giục ngựa đi
Bãi cát say nằm, chê cũng mặc
Xưa nay chinh chiến mấy ai về .

 

Bài thơ này có hai chỗ gây tranh cãi nhiều nhất là về:



1/ Cây đàn tỳ bà. Nhiều người cho rằng đàn tỳ bà làm sao thúc quân nổi? Cách lý giải của Lai Quang Nam khá hay là thời thế kỷ thứ 8, Hồ cầm (đàn của người Hồ) được dùng ngoài chiến trận sa mạc để làm hiệu lệnh nhờ gọn và âm sắc cao hơn tiếng gió vùng sa mạc. Hồ cầm du nhập vào Trung Hoa thành cây đàn tỳ bà, cũng như thành cây Balalaika vùng biên giới Liên Sô cũ. Người Hồ (Mông Cổ) nổi tiếng về tài cưỡi ngựa và chiến đấu bằng ngựa nên sử dụng hồ cầm vừa nhẹ vừa tiện để dùng trong trận mạc là phải. Quân đội Trung Hoa đóng ngoài biên cương Lương Châu cũng sử dụng hồ cầm để tập họp quân lính là điều dễ hiểu.



2/ Say rượu nằm lăn ngoài chiến trường thì còn gì sức chiến đấu? Theo tôi, phải hiểu chiến trường không có nghĩa là lúc nào cũng đối đầu với quân thù mà là nói chung ngoài mặt trận, có đồn lính, có canh gác, tuần tiễu và thỉnh thoảng mới có đụng độ. Những lúc rảnh rang, uống rượu say mèm trong đồn thì là lẽ thường tình. Thời xưa hay nay gì cũng vậy.



Tôi có thêm một nhận xét nhỏ về chữ "quân" trong câu ba. Chữ này dùng ở ngôi thứ ba ám chỉ "người ta." Tuy nhiên tác giả dùng chữ "quân" thay vì "nhân" chắc có ý nói chung chung "vua, thượng cấp, thuộc cấp, các chiến hữu..." xin đừng cười trách vì: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.



Để chấm dứt, tôi xin được giới thiệu bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp của:



Pierre Stephen Robert Payne (1911-1983), một nhà văn, nhà sử học, nhà thơ và viết tiểu sử người Anh:

 

The Song of Diangchow

The beautiful grape wine, the night-glittering cups
Drinking or not drinking, the horns summon you to mount.
Do not laugh if I am drunk on the sandy battlefield
From ancient times, how many warriors ever returned !

 

và Paul Demieville (1894-1979), người Thụy Sĩ được công nhận là một trong những nhà nghiên cứu về Trung Hoa sâu sắc nhất.



Chanson de Leangtcheou

Le beau vin de raisin dans la coupe phosphorescente
J’allais boire, mais le cistre des cavaliers me presse
Si je tombe, ivre, sur le sable, ne me riez pas
Combien, depuis les temps anciens, sont revenus de la guerre !



QYHD/NK Lý Văn Quý

Orange County, California ngày 19/07/2010

 

----------------

Tham khảo:





Bạch Mai Bút Chí. Lương Châu Từ-khúc bi ca thời chiến. Truy cập ngày 19/07/2010 từ:

http://bachmaibutchi.wordpress.com/2007/10/27/l%C6%B0%C6%A1ng-chau-t%E1%BB%AB-khuc-bi-ca-th%E1%BB%9Di-chi%E1%BA%BFn/



Diễn đàn Trung Học Lê Văn Duyệt. Lương Châu Từ. Truy cập ngày 19/07/2010 từ:

http://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl?num=1233954326



Dòng Thơ Đường Biên Tái. Laiquangnam. Vương Hà Lương Châu Tử. Truy cập ngày 19/07/2010 từ:

http://newvietart.com/index1.1993.html



Jestor. Trusted archives for scholarship. Obituaries. Truy cập n ày 19/07/2010 từ:

http://www.jstor.org/pss/602523



Larousse.fr. Waterloo: Le Dernier Carré. Truy cập ngày 19/07/2010 từ:

http://www.google.com/imgres?imgurl=http://www.larousse.fr/ressources/contrib/data/media/11022129.jpg&imgrefurl=http://www.larousse.fr/encyclopedie/article/Waterloo__le_Dernier_Carr%25C3%25A9/11022138&usg=__1GUTvBGLil4_d_OLsICZXYEIyPE=&h=384&w=338&sz=62&hl=en&start=11&um=1&itbs=1&tbnid=gKiFOQ1htje_xM:&tbnh=123&tbnw=108&prev=/images%3Fq%3Dle%2Bdernier%2Bcarr%25C3%25A9%2Bde%2Bla%2Bvieille%2Bgarde%2B%25C3%25A0%2Bwaterloo%26um%3D1%26hl%3Den%26sa%3DG%26rlz%3D1R2ADFA_enUS387%26tbs%3Disch:1



Tuttle Compact Vietnamese Dictionary by Phan Văn Giưỡng. Sa Trường. Truy cập ngày 19/07/2010 từ:

http://books.google.com/books?id=D62xGaZpmygC&pg=PA299&lpg=PA299&dq=%22sa+tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%22&source=bl&ots=9ZKM8diDra&sig=TAIFvacXoNY4KJpFmHZ2FjZX5gA&hl=en&ei=C-9ETPr3A8L38Aa7zIWTBw&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=6&ved=0CC4Q6AEwBTge#v=onepage&q=%22sa%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%22&f=false



Lương Châu Từ. Nguyễn Hoài Vân. Truy cập ngày 19/07/2010 từ:

http://pagesperso-orange.fr/nguyen.hoai.van/LuongChauTu.htm



Wikipedia. File: China, 742.svg. Truy cập ngày 19/07/2010 từ:

http://en.wikipedia.org/wiki/File:China,_742.svg



Wikipedia. Pierre Stephen Robert Payne. Truy cập ngày 19/07/2010 từ:

http://en.wikipedia.org/wiki/Pierre_Stephen_Robert_Payne
------------

Bản chữ Hán ở dưới đây:

凉州

王翰

葡萄美酒夜光杯饮琵琶马上催
醉卧沙场君莫笑古来征战几人回 

17 nhận xét:

  1. Đọc được bài mới, nhưng...một số bài cũ thì không thấy. Tôi đoán có "chuyện" chi đó, phải không thưa hị P.Anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, có lẽ anh hiểu đúng ạ. Cũng nhẹ nhàng thôi nhưng tôi cũng tự hiểu và "tự kiểm duyệt".

      Xóa
    2. Hoài Quảng: Hôm trước có comment như thế này mà không thấy chị PA trả lời.

      Nặc danh10:09 Ngày 07 tháng 9 năm 2013

      Hoài Quảng : Alo chị Phương Anh. Nếu chị vẫn bình an vô sự thì trả lời cho mọi người biết tin nhé ! CHị xóa mất cái entry bàn về chủ đề cái giá của nền độc lập, làm tôi có cảm giác bất an cho chị ! Mến chào và chúc chị khỏe mạnh !

      Xóa
    3. Hoài Quảng:

      Vâng, tôi có đọc rồi ạ, nhưng lu bu nhiều việc nên quên chưa trả lời. Nay xuất hiện lại rồi, thì chắc mọi người cũng đã biết là bình an vô sự. Cám ơn sự quan tâm của mọi người nhé.

      Xóa
    4. Mừng cho chị được bình an (dẫu không hẳn là) vô sự.
      Thành thực chúc chị chân cứng đá mềm.

      Trân trọng.

      Xóa
    5. Đọc những dòng chữ của chị PA.về bài báo trước mà thấy
      buồn vì tôi cho là cũng chẳng có gì 'phạm húy' qúa mức
      trong bài viết đó cả nhưng tôi cũng hiểu là nhiều người
      viết trong nước phải tự kiểm duyệt vì dễ bị nhà nước ta
      "chụp mũ" phản động lắm !
      Thế nhưng,diều đó là đi ngược với ý nguyện của ông HCM.
      khi viết rằng "Nếu nước độc lập mà nhân dân không được
      hưởng hạnh phúc,tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa
      lý gì !" như thực tế phơi bày.
      Như vậy thì cái giá của độc lập qúa cao và không đáng để
      hy sinh với cả núi xương sông máu của dân tộc !

      Xóa
  2. Chị PA thân mến, có cách hiểu khác về câu hai như sau:

    欲饮琵琶马上催
    câu này hơi khó hiểu chút, nếu nói là tiếng trống kèn (tỳ bà ) giục lên ngựa thì câu thơ phải là

    欲饮琵琶催上马
    Nhưng ở đây tôi thấy có vẻ không phải tiếng tỳ bà thúc giục lên ngựa mà :
    Nếu hiểu theo nghĩa cổ văn :
    Đang định uống (dục- sắp, định, muốn làm gì đó ) , nhưng tiếng tỳ bà ở trên lưng ngựa như đang thúc giục ta (uống rượu, chuẩn bị ra trận) ( mã thượng = trên lưng ngựa)

    Thêm nữa: Lương Châu là vùng đất của người Hồ bạn xem dòng dưới đây:
    Lương Châu nay thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc. Chữ "mã thượng" trong bài "Lương Châu từ" của Vương Hàn. Câu thứ hai "Dục ấm, tì bà mã thượng thôi", phần lớn các bản dịch từ trước đến nay đều hiểu sai và dịch chữ "mã thượng" chưa chính xác:

    "Mã thượng" trong câu này không có nghĩa là giục lên ngựa. Đây là một bài thơ tả cảnh sinh hoạt - một buổi " liên hoan", một tiệc rượu trong quân đội ngày xưa ở Trung Quốc có rượu nho hảo hạng lại được rót vào một loại chén đặc biệt ("Bồ đào mĩ tửu dạ quang bôi"). Rượu đã rót sẵn, mọi người đã ngồi vào chiếu tiệc, sắp nâng cốc thì tiếng đàn tì bà trên lưng ngựa tấu lên giúp cho không khí buổi " liên hoan thêm sôi nổi và phấn hứng tựa hồ như đoàn quân đang rầm rập ra trận. Ngày xưa ở Tây Vực người ta ngồi trên lưng ngựa để đánh đàn tì bà, do đó câu này không có nghĩa là đánh đàn để giục quân sĩ lên ngựa hành quân khi chưa kịp uống, mà ngược lại tiếng đàn trên lưng ngựa chỉ giúp cho bữa tiệc thêm vui, thêm phấn chấn và khuyến khích mọi người cứ uống nữa đi, uống cho say tuý luý... vì "xưa nay chinh chiến mấy ai về". Nếu chưa uống mà đã phải lên ngựa hành quân thì làm sao có thể "say nằm trên bãi cát" (!)...
    http://www.viethoc.org/phorum/read.php?15,31755,31755,quote=1

    Trả lờiXóa
  3. Cố thi sĩ Nguyễn Hải Phương có đoạn thơ sau vịnh đàn tỳ bà:

    Dáng liễu ôm đàn xinh dáng liễu,
    Tay mềm lượn sóng, bóng trăng rung.
    Bốn dây tơ mảnh mà chiêng trống,
    Mà vó câu dồn thuở kiếm cung

    http://trannhuong.com/tin-tuc-16050/hoa-va-dan-net-dac-sac-trong-tho-nguyen-hai-phuong.vhtm

    nên chắc là đàn tỳ bà phải có mối liên quan đến chiến trường, đến trận mạc_do đặc tính thanh âm của đàn (Bốn dây tơ mảnh mà chiêng trống. Mà vó câu dồn thuở kiếm cung)hay do một tập quán nào đó... Bạn VO có thể cho biết vì sao phải ngồi trên lưng ngựa để đánh đàn tỳ bà cho quân sĩ nghe và tại sao không dùng loại đàn khác để giúp cho bữa tiệc thêm vui mà lại dùng đàn tỳ bà không? Cảm ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  4. Trao đổi với tác giả: chữ "quân" trong câu 3 là đại từ nhân xưng ngôi 2 (君 yun)tức là người đang trực tiếp đối diện với nhà thơ có lẽ giả định vậy thôi.Tuy nhiên người ấy hẳn có một quan hệ tình cảm giao lưu với nhà thơ (bằng hữu, thi hữu...) chứ không phải bất kỳ ai.

    Trả lờiXóa
  5. Theo basam.info thì bác Hồ có làm bài thơ giống y sì 2 câu
    giữa (câu 2 & 3) chỉ khác câu 1 và câu 4 mà còn được đăng ở
    trang web chính phủ với chú thích là bài thơ này bác Hồ làm
    để tặng tướng Trần Canh của Tàu cộng...trời ạ !

    Trả lờiXóa
  6. 1/ Bài hồi ức rất thú vị của một người lính VNCH yêu Đường thi, chỉ xin hỏi thêm câu này có nghĩa gì:" Điều nay không sai nhưng có lẽ có phần thiếu sót vùng Tân Cương" (phần chú thích về địa danh Lương châu từ.
    2/ Nếu quả ông HỒ có làm bài thơ giống hai câu 2&3 tặng tướng Tàu thì chỉ là "lẩy/nhái thơ Vương Hàn cho vui trong cuộc giao đãi", ngoại giao thơ mà thôi, không có gì to chuyện đến mức bạn Nặc danh phải kêu "trời ạ". Đây là một thú vui tao nhã của ông Hồ, ông ấy từng làm nhiều bài "nhái Đương thi" như thế (bài Thanh minh chẳng hạn, trong Di chuc cũng nhắc lại ý thơ Đỗ Phủ), vô hại, làm cho vui.
    3/ Cách hiểu lầm "mã thượng" là "lưng ngựa" khiến cho bài thơ "đi lạc lối". Nhất trí với ý kiến bạn VO, nghiêm túc phản bác rất dễ: bày cuộc nhậu thì bận gì phải ngồi lưng ngựa? Chả lẽ lính chơi tỳ bà thì ngồi lưng ngựa, lính uống rượu thì ngồi dưới đất? -Khiên cưỡng quá.
    Thứ 2, câu thơ liền mạch theo logic: lính sắp uống, tỳ bà thôi (giục, cũng hiểu đệm đàn cho uống), cớ sao liên quan đến việc "đi"/ hành quân ? Vô lý rồi.
    Thứ 3: tên bài thơ là "Lương châu từ", TỪ là thể loại ca hát cổ truyền (tác gỉa vô danh và có danh), nhà thơ Vương Hàn viết bài thơ vịnh cuộc ca hát uống rượu mà trong tiệc ấy có người hát bài "Lương châu từ", ắt có người đệm đàn tỳ bà. Gây hiểu lầm ở chỗ "chưa uống" mà "tỳ bà thội/giục/đệm", có thể hiểu: lẽ thường uống một vài ly rượu nho (bồ đào)cho cảm hứng phấn khích rồi hát, anh lính tỳ bà kia vôi vàng gảy đàn tưng bừng lên, hơi sớm...
    "Mã thượng" đúng là loại hư từ có nghiã "ngay đó" (at once) rất phù hợp ngữ pháp và logic của câu 2.

    Cảm ơn nũ sĩ Anh vũ đã đăng một bài viết hấp dẫn của một cựu chiến binh ( có lẽ tên Lý Văn Quý), tạo sân chơi thơ cổ cho tụi tui...giao lưu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác là người lạc quan nhưng tôi lại bi quan
      nên cho là không phải trò đùa,bác ạ !
      Chỉ làm cho vui và vô hại mà thôi sao bác ?
      Hoá ra,ông Hồ dựa theo bản tuyên ngôn của Mỹ
      cũng là chuyện đùa chăng ? Hay "10 năm trồng
      cây,100 năm trồng người" cũng là chơi v.v.và
      nhiều nữa ! Nếu đùa thì làm gì có dấu ấn tác
      giả HCM.trên nhiều giấy tờ chính thức !
      Trân trọng.
      dưới những

      Xóa
  7. Lãng tử tiếp tục bàn thêm hai cái nữa:
    Cái 1. Giả sử sắp uống rượu mà tiếng tỳ bà giục "đi" hành quân, và theo logic thì lính nghe theo lệnh đàn tỳ bà rất nghiêm túc. Nếu thế thì câu 3 chả cần phải nói "anh đừng cười tụi tôi say sưa nha".
    Cái 2. Thực ra ẩn số của bài thơ là ở chỗ: "Bài hát Lương châu" là bài ca thế nào? Ngày nay ở TQ cũng có ít người biết bài ca cổ ấy,mà biết bài Thơ của Vương Hàn hơn, nói chi người nước ngoài. Bài thơ Vương Hàn vịnh bài Từ ấy, ắt là có chút liên hệ giữa bài Từ và bài Thơ...(Lãng tử suy luận). Xin so sánh trường hợp hơi tương tự chứ không có ý sùng bái hay đả kích cá nhân nha: cố nhạc sĩ Trần Hoàn viết bài ca tụng cụ HỒ và tụng khéo lắm "Giữa Mạc tư khoa nghe câu hò ví giặm...", bài ca tả ông HỒ đang ở MTKhoa nghe ai đó hát ví giặm mà nhớ quê Nghệ An của ông. Bài ca của Trần Hoàn đương nhiên mô phỏng những giai điệu ví giặm Nghệ Tĩnh. trong bài ca của mình...Tương tự, bài thơ "Lương châu từ" của Vương Hàn chắc chắn có mô tả hoặc tái hiện ít nhiều cái bài hát cổ truyền cùng tên. Đó là qui tắc sáng tạo nghệ thuật.

    Trả lờiXóa
  8. Tán đồng với ý kiến của giangnamlangtu về nghĩa của từ "mã thượng"là
    "ngay đó" (tức thì , lập tức),nếu là "lên ngựa" phải nói là: "thướng
    mã" ;"trên ngựa" phải nói là"mã chi thượng". Tất nhiên toàn câu này
    phải dịch là:" Định uống (thêm nữa) thì tiếng tì bà ngay lúc đó đã giục giã ...(ra chiến đấu)

    Trả lờiXóa
  9. Lãng tử đồng ý với bạn ND "lên ngựa" thì "thướng mã", xuống ngựa thì "hạ mã"... Nhưng mình vẫn khẳng định, trong bài Lương châu từ không có chuyện giục giã đi chiến đấu...Câu 3 nói "đừng cười tụi tôi say nhè" (tức là chúng tôi vẫn cứ say xỉn).Điều này phù hợp cảm hứng phản chiến của thi nhân, xin nhớ câu cuối là "xưa nay chinh chiến mấy ai sống sót trở về" chứng tỏ người lính rất bi quan, bất cần đời, uống say khi rảnh rỗi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @GNLT: Nếu ''không có chuyện giục giã đi chiến đấu '' thì bác giải thích nghĩa từ "THÔI" ở đây là giục uống rượu sao?. Tôi nghĩ là : tuy giục ra đi...
      nhưng người lính vẫn cứ mặc kệ cho "Tì bà thôi" , ta còn phải uống... cho dù
      "say nằm chết ở chốn sa trường " này (không đau đớn), chẳng hơn chết vì
      đao kiếm hay sao ? Cũng là cái chết uổng cả thôi ! Anh đừng cười (mỉa mai) làm gì ? Tôi suy luận ý nghĩa câu thơ là thế , nếu ta diễn ý ra văn xuôi.
      Như vậy thấy hợp lý hơn ? .

      Xóa
  10. Lương châu từ
    Quan niệm của GNLT về thơ cổ rút ra qua kinh nghiệm cá nhân rằng: Bài thơ cổ nói chung, Đường thi nói riêng, đạt sự nhất quán cao.Thơ cổ diễn tả một khoảnh khắc ngắn (chọn lọc cái đỉnh điểm cảm xúc), một nét trích ngang câu chuyện. Bài thơ trước sau hô ứng với nhau hoàn chỉnh. Nội dung thơ hầu như không chứa mâu thuẫn xung đột, không phát triển như một câu chuyện (truyện). Bởi thế có người bảo thơ Đường hiền hòa, nhẹ nhàng và sâu lắng.
    1. Nếu hiểu “thôi” là “giục giã ra trận” thì nảy sinh mâu thuẫn. Lính có dám bất chấp lệnh hành quân mà ngả mình vào cuộc rượu sắp uống hay phải tuân theo“quân lệnh như sơn” (lệnh quân sự như trái núi, ai dám cãi?). Lính cố uống rượu bất tuân lệnh chỉ huy thì rắc rối to, đâu chỉ là chuyện “cười chê” (quân mạc tiếu). Theo hướng này thì câu chuyện ắt có rắc rối, thậm chí xung đột nội bộ.
    2. Mình chọn cách hiểu “thôi” là “giục giã, cổ vũ uống rượu”. Uống rượu rất cần sự náo nhiệt, khó mà ngồi im lặng uống rượu với nhiuề bạn hữu, không có âm nhạc thì hò la, tự ca hát, nếu lại có đàn tỳ bà thì càng hay hơn nữa. Hai câu đầu tả thực vẽ ra bối cảnh xuyên suốt bài thơ là cuộc rượu tưng bừng đầy hào hứng (không có gì cản trở hay làm gián đoạn cuộc rượu). Hai câu sau biểu lộ cảm xúc của thi nhân Vương Hàn “nói” với người bạn ngoài cuộc, đang ở nơi xa, ý rằng “ đọc thơ tôi gửi, anh thấy lính tráng tụi tôi say sưa nơi sa trường, anh đừng cười chê nha, tụi tôi sống được ngày nào biết ngày ấy, lính trận xưa nay mấy người sống sót mà về”... Như vậy, trọng tâm bài thơ đặt vào hai câu sau với vai trò LUẬN và KẾT (hai câu đầu ĐỀ và THỰC chỉ có chức năng giới thiệu bối cảnh, tạo cơ sở cho nửa sau nêu bật xúc cảm và quan niệm nhân sinh của thi nhân.
    GN Lãng tử chọn cách hiểu thứ 2 phù hợp với quan niệm về thơ Đường mà mình nêu ra ngay từ đầu (mục 1).
    Nếu quí bạn khác có ý kiến khác thì mình cũng không thể cãi.
    GNLT

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.