Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Đôi điều với tác giả của "Đôi điều với tác giả ..." (3)

Thưa ông/bà Trọng Đức,

Tôi đã viết 2 bài khác nhau để trao đổi với ông/bà về bài viết phản biện ông Lê Hiếu Đằng của ông/bà, được đăng trên báo QĐND vào Chủ nhật 18/8, tại đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx.

Lẽ ra, tôi muốn trao đổi kỹ với ông/bà từng điểm một, nhưng do bận rộn, và cũng không muốn làm mất nhiều thời gian của ông/bà, nên tôi xin chốt lại bằng cách nêu những nhận xét góp ý của tôi cho bài viết của ông/bà. Mong được ông/bà xem xét và trao đổi.

Xin nêu luôn ở đây những ý kiến của tôi về bài phản biện của ông/bà. Tôi cho rằng bài viết ấy rất thiếu sức thuyết phục và vì thế không có tác dụng "làm thất bại chiến lược 'diễn biến hòa bình'" như ông/bà mong muốn, mà trái lại sẽ gây ra tác dụng ngược, có thể làm cho người đọc càng mất niềm tin vào chế độ.

Có hai lý do tôi khiến tôi có những nhận định như trên:

1. Bài viết của ông/bà đưa ra nhiều lời khẳng định mạnh mẽ nhưng hoàn toàn không có chứng cứ, thậm chí là những lời khẳng định sai.
2. Nhiều lập luận trong bài viết không thuyết phục do mơ hồ, lòng vòng và/hoặc thiếu logic.

Dưới đây tôi xin chứng minh hai nhận định nói trên của tôi.

1. Những khẳng định không có chứng cứ, hoặc hoàn toàn sai:

- Liên quan đến việc học hành của tù nhân, ông/bà Trọng Đức đã viết: "trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học." 

Trong bài viết đầu tiên của tôi (ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac.html), tôi đã đưa ra nhiều dẫn chứng ngược lại với điều ông/bà Trọng Đức đã viết. Ngoài ra, ông/bà cũng nên đọc thêm bài viết này của anh Nguyễn Văn Tuấn, một Việt kiều ở Úc, tại đây: http://tuanvannguyen.blogspot.com/2013/08/tu-nhan-va-tu-do-hoc-hanh_19.html.

- Liên quan đến sự tồn tại của các đảng phái trong một nền kinh tế đa thành phần, ông/bà Trọng Đức đã viết: "chẳng có nước nào cho phép [...] tồn tại “Đảng của những người làm trong khu vực kinh tế nước ngoài” để bảo vệ quyền lợi cho thành phần kinh tế ấy." Đây là một ví dụ khác của lời khẳng định không có căn cứ trong bài viết.

Theo tôi, để thuyết phục được người đọc, ông/bà cần đưa ra những dẫn chứng cụ thể, ví dụ các quy định cấm thành lập Đảng của những người làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài, hoặc ít ra cũng phải là những bảng liệt kê các đảng phái chính trị của các nước (chỉ cần một số nước tiêu biểu, những nước thuộc nhóm mà ông/bà cho rằng tự xem mình là khuôn vàng thước ngọc của dân chủ) trong đó cho thấy không hề có đảng phái nào của những người đang làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài. Nếu ông/bà chưa làm điều đó thì lời khẳng định của ông/bà chỉ là lời khẳng định vu vơ, không có giá trị.

Ngược lại, trong bài viết thứ hai của tôi (ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac_20.html), tôi đã đưa ra dẫn chứng về sự đa dạng của các đảng phái chính trị ở Mỹ, trong đó có rất nhiều đảng phái thuộc nhiều quan điểm chính trị và thành phần xã hội khác nhau. Tôi chưa có thời gian để tìm ra được một đảng của những người hoạt động trong khu vực kinh tế nước ngoài, nhưng giả dụ nếu quả thật là không có thì điều đó cũng chỉ cho thấy hiện nay người ta không có nhu cầu, chứ không có nghĩa là không được phép thành lập một đảng như vậy. Chi tiết xin ông/bà xem ở bài viết mà tôi đã dẫn link ở trên.

- Cũng liên quan đến sự tồn tại của các đảng phái chính trị tại Việt Nam, ông/bà đã viết: "Những đảng đã giải tán tại Việt Nam trước đây đều do "tự giải tán" sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có hành động gì gọi là “bức tử” những đảng đó." Tuy nhiên, cũng như hai ví dụ nêu trên, ở đây ông/bà lại một lần nữa chỉ khẳng định khơi khơi mà không có chút chứng cứ nào để thuyết phục dư luận.

Trong khi đó, tôi biết rất nhiều người dân Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, vẫn đang rất thắc mắc về trường hợp ông Hoàng Minh Chính (đã quá cố) vốn trước đây là Tổng thư ký Đảng Dân chủ. Theo các thông tin rất phổ biến trên mạng thì ông HMC đã từng muốn phục hồi đảng Dân chủ nhưng không được Nhà nước VN cho phép. Nếu như Đảng CSVN không "bức tử" Đảng Dân chủ, và khi họ xin giải tán là do họ tự nguyện, thì nay khi họ tự nguyện muốn phục hồi lại thì họ cũng phải được quyền làm điều này chứ?

Xin ông/bà giải thích rõ hơn, và vui lòng cung cấp các chứng cứ. Về phần tôi, tôi xin dẫn lại ở đây một bài viết đã đăng trên Vietnamnet vào năm 2008 liên quan đến đám tang của ông Hoàng Minh Chính để cho thấy quanh vụ HMC rõ ràng vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng mà nhiều người dân muốn được hiểu rõ hơn. http://vnexpress.net/tin-tuc/ban-doc-viet/doi-dieu-can-trao-doi-qua-dam-tang-anh-hoang-minh-chinh-2107729.html

- Tiếp tục bàn về đa đảng và mối liên hệ của nó với vấn đề dân chủ, ông/bà Trọng Đức đã viết "Về vấn đề "đa đảng và dân chủ", báo chí gần đây đã phân tích khá kỹ cả về lý luận và thực tiễn. Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào." 

Theo tôi, lời khẳng định này của ông/bà phạm cả hai lỗi mà tôi đã nêu, tức vừa thiếu chứng cứ vừa sai logic. Về logic tôi sẽ bàn sau. Riêng xét về chứng cứ, tôi muốn ông/bà minh họa cho lời khẳng định của mình bằng thực tế của các quốc gia cụ thể, như ông/bà đã khẳng định: "trên thực tế". Chẳng hạn, xin ông/bà cho biết những quốc gia nào độc đảng mà dân chủ, những quốc gia nào đa đảng mà độc tài, và những tiêu chí khách quan nào để đánh giá tính dân chủ trong một quốc gia. Có như thế thì những lời khẳng định của ông/bà mới có giá trị chứ không phải là những lời khẳng định khơi khơi, vô căn cứ.

- Về vai trò của quốc hội, ông/bà Trọng Đức đã hai lần khẳng định rằng đó là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Cụ thể, ông viết: "Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Việc duy trì Điều 4 Hiến pháp năm 1992 theo quyết định của Quốc hội, do vậy, cũng thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân." Và "Quốc hội Việt Nam là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân." 

Cũng vậy, như cách viết quen thuộc của ông/bà, đây chỉ là những khẳng định không có căn cứ và cũng không có lý luận. Về lý luận tôi sẽ trao đổi sau, nhưng riêng về chứng cứ, để thuyết phục xin ông/bà đưa ra những số liệu cụ thể và để chứng minh rằng tuyệt đại đa số nhân dân đã được hỏi và đồng ý với việc duy trì Điều 4 Hiến pháp. Và, theo tinh thần khoa học, được áp dụng trên toàn thế giới trong mọi lãnh vực, để số liệu được khách quan cần có một bên thứ ba đứng ra thu thập số liệu để ngăn ngừa tình trạng "conflict of interest" - tức là bên có quyền lợi liên quan can thiệp để có được những số liệu có lợi cho mình.

Cách làm gần đây của VN - do chính quyền tổ chức, thông qua hệ thống tổ dân phố - là chưa đảm bảo được tính khách quan này. Tuy nhiên, trong trường hợp không có thông tin khác, xin ông cũng cứ cho biết kết quả của đợt lấy ý kiến vừa qua, với những thông tin rõ ràng như phát ra bao nhiêu phiếu, thu lại bao nhiêu, kết quả của từng địa phương, từng thành phần dân số, giới tính, độ tuổi vv. Những thông tin này sẽ giúp cho mọi người tin vào lời khẳng định ở trên của ông/bà, đồng thời cũng giúp Đảng và Nhà nước hiểu rõ nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ dễ dàng hơn trong việc "làm thất bại chiến lược 'diễn biến hòa bình'" của các thế lực thù địch như lập luận mà mọi người đã rất quen thuộc.


Xin tạm dừng ở đây, và hẹn ông/bà ở kỳ chót.

11 nhận xét:

  1. Tác giả Trọng Đức viết: "Những đảng đã giải tán tại Việt Nam trước đây đều do "tự giải tán" sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có hành động gì gọi là “bức tử” những đảng đó."
    Những đảng mà tác giả đề cập đến là Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội, hai đảng do Đảng CS lập ra để thu hút những thành phần ngoài Đảng CS ( tư sản, trí thức ). Hai đảng này được thành lập không có mục tiêu cầm quyền ( như các chính đảng ở các nước khác ), mà để ủng hộ, chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng CS. Và khi Đảng CS không cần “hình thức trang trí” này nữa, hai đảng được Đảng CS cho tuyên bố “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” và “tự giải tán” như tác giả viết.
    Tác giả đã quên (?) việc các đảng quốc gia ( gọi chung các chính đảng không theo cs) bị Đảng và Nhà nước CS “bức tử”. Xin nêu hai sự việc có ghi trong các tài liệu chính thức và sách giáo khoa: (1) năm 1946 công an Việt Minh tấn công trụ sở của VN quốc dân đảng và Đảng Đại Việt ( sách báo nhà nước gọi là “vụ án Ôn Như hầu”. (2) trước 1975, miền Nam có nhiều đảng chính trị hoạt động; đến tháng 4/75, sau khi chiếm được miền Nam, nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền “ cách mạng” là “Xóa bỏ các cấp chính quyền ngụy, giải tán đảng phái phản động”.
    Tú Đoàn.

    Trả lờiXóa
  2. Về chuyện "Quốc hội Việt Nam là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân."

    Thực chất là "Đảng cử, dân bầu" với những nhược điểm như trong bài viết của Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt trên website của Quốc Hội theo link http://bit.ly/14xupp5 như sau:

    "Trước hết, trong chế độ "Đảng cử, dân bầu", thì "Đảng cử" mới là yếu tố có ý nghĩa quyết định, mà như vậy động lực phải tận tụy với Đảng bao giờ cũng áp đảo. Hậu quả tiếp theo là chế độ trách nhiệm trước dân rất khó được xác lập. Ngoài ra, lợi ích như một yếu tố tạo ra động lực cũng không xác lập được. Chúng ta đã cố gắng nâng lương cho các vị đại biểu chuyên trách, nhưng cách làm này về cơ bản vẫn không giải quyết được vấn đề. Lý do là vì trong hệ thống của chúng ta, lương và thu nhập là hai chuyện khác nhau. Phải nhìn thẳng vào sự thật là các chức vụ điều hành thường có thu nhập cao hơn lương rất nhiều lần, thế nhưng các chức vụ dân cử khó lòng có được một thu nhập như vậy. Theo quy luật tự nhiên, những việc có thu nhập cao hơn thì thu hút được nhiều người giỏi hơn. Mà như vậy thì thu hút được nhiều người giỏi về Quốc hội là điều không dễ.

    Chế độ "Đảng cử, dân bầu" còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đại diện cho dân của Quốc hội bởi một hệ quả khác. Đó là tình trạng "Đảng cử" những thành viên của mình vào Quốc hội quá nhiều. Hiện nay, tỷ lệ đảng viên ở trong Quốc hội chiếm đến trên dưới 90% (447/498). Trong lúc đó, các đảng viên chỉ chiếm khoảng 5-6% trong tổng số cử tri trong cả nước. Trong những nhiệm kỳ vừa qua chúng ta đã cố gắng nâng cao tỷ lệ các vị đại biểu ngoài đảng ở trong Quốc hội. Rất tiếc, cố gắng này không mấy thành công. Cụ thể là tỷ lệ các vị đại biểu ngoài đảng vẫn có xu thế ngày càng giảm. Một hiện tượng khác đáng được lưu tâm là một số đại biểu ngoài đảng tự ứng cử và được bầu vào Quốc hội, nhưng sau một vài năm lại được kết nạp vào Đảng. Hiện tượng này càng làm cho tỷ lệ các đại biểu ngoài đảng nói trên giảm xuống."
    ---
    Đoàn Vũ

    Trả lờiXóa
  3. Cô Phương Anh kính - tôi xin phép gọi cô là cô vì tôi có vài người em cũng học trường Gia Long vào thời của cô - đọc qua 3 bài viết cô trả lời cho ông/bà Trọng Đức nào đó, tôi thấy rằng cô đã phí thời gian quí báu của cô một cách vô ích.
    1/Đối với bọn bồi bút ta không nên tốn sức để giáo dục chúng, vì chúng viết theo đơn đặt hàng mà.
    2/Với con ếch ngồi đáy giếng cũng như con ngựa bị bịt 2 mắt, thì chúng chỉ thấy cái trước mắt, vạch con đường sáng cho chúng cũng chỉ phí sức mà thôi.
    3/Kiến thức của chúng cũng chỉ tóm gọn trong vài chữ: Chuyên chính, phản động, đấu tranh, cách mạng...mà thật ra chúng cũng không hiểu hết nghĩa của nó.
    4/Áp đặt là phương châm gối đầu giường của bọn chúng, thì phản biện làm gì cho tốn công.
    Cô thấy đấy, sau mấy bài viết của cô, ông/bà Trọng Đức ( hay Trọng tiền tài, trọng quyền lực gì đó..) có lên tiếng trả lời đâu, vì có biết gì ngoài " Dân chủ gấp vạn lần ", " bọn biểu tình ở Mỹ để kiếm thêm thu nhập "..., để phản biện với cô.
    Vì vậy tôi khuyên cô nên dành thì giờ để làm việc khác còn hơn, cũng như bạn Phamdangquynh đã nói ở trên " đàn gảy tai trâu ".
    Chào cô.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo tôi hiểu, Cô Phương Anh không hy vọng thuyết phục tác giả bài báo, vì quyền lợi của họ gắn chặt với đảng cộng sản, với chính quyền độc đảng nên họ phải bảo vệ nó cho dù có tổn hại cho dân tộc hay nhân dân; mà để giúp nhiều người trong xã hội hiểu rõ tính sai trái trong lập luận và sai trái trong công tác "định hướng dư luận", công tác tuyên truyền của các cán bộ cộng sản; để làm mọi người hiểu rõ sự cần thiết của dân chủ thật sự.

      Xóa
  4. giả cầy là từ có thể nói về cái gọi là "dân chủ" ở VN

    Trả lờiXóa
  5. Nhung to bao Nhan dan ,Quan doi nhan dan,Dai doan ket...khong ton tai trong bo nho cua toi tu lau roi, nhung bai chinh luan tren do van cu ky nhu may chuc nam ton tai cua dang,chang co gi dang nhoc long them nua,cung chang nen trach tac gia,ho chi lam nhung nguoi linh di dau,trung kien,nhung chac han ho cung dang long lam khi phai viet nhung gi ma chua han luong tam khong can rut.vi biet doc gia se xem thuong.Khong ong trong duc nay thi cung phai co ong trong duc khac viet thoi chi PA a.Dau sao cung phai cam on chi da rat co trach nhiem cong dan va bo cong noi thay cho rat nhieu nguoi.3 bai viet rat khoa hoc va kip thoi.Toi khong hy vong ho giam tranh luan mot cach khoa hoc voi chi dau.Cam on chi ve 3 bai viet.
    Trong kho tang chuyen cuoi Gabrovo (Bulgaria ) co cau chuyen nhu the nay :" Nguoi Gabrovo deo kinh mat mau xanh cho con lừa de khi cho no an rom kho no tuong la co tuoi."
    (PC cua toi bi virus pha hoai,khong viet dau duoc,chi thong cam,chuc chi khoe.)

    Trả lờiXóa
  6. "Thợ viết" của QDND quá vụng về, hay quá non kém và ấu trĩ về lý luận nên khi bài của Anh Vũ nêu lên thấy quê kệch quá.

    Cái lối "nói, viết lấy được" của Trọng Đức chỉ làm cho người ta thấy "sẹo ghẻ" sau lưng áo bị vén lên...

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn Chị Phương Anh. Bài viết của Chị rất chặt chẽ và logic. Những người viết theo "đặt hàng" của đảng sao mà phản biện được những bài viết như của Chị.
    Họ sẽ đáp lại chị bằng sự im lặng.

    Trả lờiXóa
  8. Chào chị Phương Anh, tôi đã đọc đi đọc lại các bài viết của chị. Thấy sướng ! Sướng không phải vì chị dập "tắt đài" của một ai đó. ( Tui muốn những cái đài này phải luôn luôn lên tiếng - không được im mồm "ngậm bồ hồn" - bảo vệ những quan điểm cho rằng CNXH là "ưu việt", là "đỉnh cao chí tệ", nghe để mà cười còn sung hơn xem cười Hoài Linh ) Mà sướng vì đúng lý, đúng tình ...và quan trọng là đúng với tâm tư, suy nghĩ của tôi. Nên tôi đã gọi trực tiếp đến báo QĐND để nhắc ông/bà Trọng Đức nên vào blog AnhVu để đọc bài của chị. Kẻo mang tiếng là hèn nhát hoặc không có đủ trình để phản biện lại cái chị Phương Anh này. Hãy lên tiếng kẻo "bọn phản động" ngồi cười vào mũi của "phe đỉnh cao chí tệ"
    Vì tôi đồ rằng những lập luận, những phản biện của chị sẽ không có người (ở phía đối nghịch lại, phía bên kia của chủ đề này) đọc và suy nghĩ. Tôi lo ngại họ sẽ chỉ "quăng bom" vậy thôi rồi ....bỏ chạy. Nên tôi đã gọi điện trực tiếp đến tòa soạn báo QĐND, hỏi gặp phóng viên Trọng Đức, và đúng y chang tôi suy đoán, cô bé trực tổng đài tòa soạn (khoản) sau 1, 2 giây ngạc nhiên bảo rằng ở đây không có ai là phóng viên Trọng đức cả (?!). Sau khi nghe tôi nói ngày giờ đăng bài viết tiêu đề là gì ? thời gian đăng bài, ở mục chính luận....cô bé trực tổng đài mới bảo là ở đây không cho phóng viên gặp bạn đọc (!?). Cô bé bảo tôi để lại tên tuổi địa chỉ....ka ka ka Trọng Đức ơi....Trọng Đức là ai ? Vô danh tiểu tốt hay là cái máy viết của 1 ai đó ?

    Trả lờiXóa
  9. Đôi điều với tác giả....Phương Anh ! Sao lâu quá chưa thấy post bài nào khác ? 10 ngày rồi còn gì ? Lâu ơi là lâu .....hay là có vấn đề gi nên không viết được ? Sức khỏe , an ninh, chưa có đề tài, bận bịu ?

    Chúc chị Phương Anh và các bạn của chị sức khỏe, viết entry đều đều.

    P/S : Tôi không rành lắm về internet. Muốn viết bút danh la Chân Trời Cố Quận ...mà không được. Nên đành để ẩn danh. Và Nặc danh11:26 Ngày 27 tháng 8 năm 2013 ...là của tôi. Tôi vừa tình cờ biết blogAnhVu thời gian gần đây. Nhưng đọc hầu như gần hết ...cả những entry mấy tháng trước ! :D

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.