---------------
Thưa ông/bà Trọng Đức,
Xin được trao đổi với ông/bà những ý cuối cùng liên quan đến bài viết của ông/bà trên tờ QĐND ngày Chủ nhật 18/8 vừa qua (ở đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx).
Trong bài trước (bài 3, ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac_5448.html) tôi có đưa ra nhận định rằng bài viết của ông/bà thiếu thuyết phục vì hai lý do, đại ý: (1) các lời khẳng định trong bài viết đa số không có chứng cứ, thậm chí sai hoàn toàn; (2) lý lẽ trong bài viết rất yếu, vì lòng vòng, mơ hồ, hoặc sai logic. Tôi đã nêu ra 4 ví dụ về những lời khẳng định sai hoặc vô căn cứ của ông/bà, mong được ông/bà phản hồi lại.
Dưới đây tôi xin tiếp tục với ý thứ hai, và đưa ra những dẫn chứng cho nhận định rằng bài viết của ông/bà rất yếu về lý lẽ nên không thể thuyết phục được người đọc.
2. Những lập luận mơ hồ, lòng vòng và/hoặc thiếu logic.
- Bàn về mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, ông/bà đã viết: "cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng gắn bó với nhau theo hình chóp xuôi. Không phải cơ sở hạ tầng có cái gì thì kiến trúc thượng tầng cũng phải có cái ấy." Điều ấy có thể đúng, nhưng quá tổng quát, và không thể là cơ sở để kết luận: "vì vậy, chỉ một mình Đảng Cộng sản là có thể tồn tại". Giả dụ nếu tôi kết luận rằng: "vì vậy, chỉ có đảng nào không phải là Đảng Cộng sản mới có thể tồn tại", thì có được không? Nếu không, thì tại sao?
Không những yếu về lý lẽ, ông/bà còn bộc lộ rằng mình không nắm vững quan điểm của Marx về các đảng phái chính trị. Marx không hề tuyên bố là chỉ có một mình đảng cộng sản được phép tồn tại, mà ngược lại, trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx đã viết rõ ràng rằng "Những người cộng sản không tạo ra đảng phái chính trị riêng, đối lập với các đảng phái của giai cấp công nhân khác" (Chương 2, Những người vô sản và những người cộng sản, trích theo trang web marxist.org,đọc ở đây, ngay từ những dòng đầu tiên: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1848/communist-manifesto/ch02.htm).
Trích dẫn ở trên có nhiều điểm đáng chú ý và cần diễn giải kỹ lưỡng hơn, nhưng ít ra nó cho thấy Marx không hề chống đa đảng. Tại sao hiện nay đa đảng lại trở thành một điều dường như cấm kỵ tại Việt Nam, mong ông/bà giải thích rõ hơn.
- Quay trở lại những gì ông/bà đã viết về vấn đề dân chủ, xin được bàn về phát biểu sau của ông/bà: "dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào."
Quả thật tôi không hiểu được logic của phát biểu trên. Theo định nghĩa của Đại từ điển tiếng Việt (NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 1998) thì "dân chủ" là "một chế độ chính trị trong đó nhà nước thuộc về nhân dân". Tôi hiểu nhân dân ở đây đồng nghĩa với toàn dân, chứ không riêng một giai cấp nào. Nhưng theo phát biểu của ông thì dân chủ lại đồng nghĩa với việc chế độ cầm quyền có phục vụ đúng giai cấp nào đó (chưa rõ là giai cấp nào) hay không.
Vậy xin được hỏi ông/bà: một chế độ phục vụ giai cấp nào thì mới được xem là chế độ dân chủ? Mà nếu như thế, liệu nó có giống chế độ phong kiến không, vì chế độ này cũng chỉ phục vụ giai cấp quý tộc phong kiến mà thôi? Ngoài ra, xin ông/bà cho biết chế độ ta (dân chủ gấp vạn lần tư bản) hiện đang phục vụ giai cấp nào vậy? Công nhân? Nông dân? Tiểu tư sản? Tư sản (đỏ)? Tư sản nước ngoài? Tôi băn khoăn lắm, thưa ông/bà Trọng Đức!
- Bàn về Quốc hội, ông/bà đã viết:
Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vừa có quyền lập hiến, lập pháp, vừa có quyền giám sát tối cao, vừa có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước.
Theo tôi, phần này của ông/bà có nhiều điều mơ hồ, khó hiểu, hoặc trái với những logic thông thường. Trước hết, theo tôi hiểu thì ở các nước mà theo lời của ông/bà là "tự cho mình là khuôn vàng thước ngọc của dân chủ", tỷ lệ các thành phần dân số trong quốc hội phải đảm bảo tương đối tỷ lệ các thành phần dân số trên toàn dân. Tôi nghĩ điều này là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thì thì nguyên tắc này đã không được áp dụng. Tỷ lệ đảng viên hiện đang chiếm tuyệt đại đa số trong Quốc hội, mặc dù chỉ đại diện cho có vài phần trăm dân số. Trong khi đó, lá phiếu của mỗi đại biểu khi biểu quyết các vấn đề lớn đều có giá trị như nhau. Như vậy, nếu có sự khác biệt trong quan điểm giữa những người không phải là đảng viên và những người là đảng viên thì khi biểu quyết phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về đa số, tức là các đảng viên. Vậy, điều gì đã và đang được thực hiện để đảm bảo quyền đại diện bình đẳng trong Quốc hội khi biểu quyết? Nếu không làm gì, thì dựa vào đâu mà ông/bà vẫn khẳng định là các tầng lớp nhân dân đều có đại diện của của mọi tầng lớp nhân dân trong Quốc hội, mong ông/bà cho biết.
Ngoài ra, theo Hiến pháp 1992 thì ĐCSVN giữ vai trò lãnh đạo toàn thể xã hội Việt Nam, nhưng bài viết của ông/bà lại khẳng định (xem đoạn trích ở trên) rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Xin ông/bà giải thích cho sự khác biệt này, và xin xác định rõ quan hệ giữa Đảng và Quốc hội là như thế nào - nói nôm na là ai cao hơn ai?
Tôi còn khá nhiều điều cần bàn về lý lẽ, lập luận trong bài viết của ông/bà Trọng Đức, nhưng viết tiếp e rằng làm mất quá nhiều thời gian của ông/bà và mọi người và của chính tôi nữa. Vì vậy, sau đây tôi xin chỉ phân tích một ý cuối cùng nữa thôi, cũng là ý cuối cùng của ông/bà.
- Bàn về tự do, ông/bà đã viết (xin phép được trích dài cho đủ ý):
Ông Đằng cũng nói, “con người khác con vật ở chỗ là có tự do”. Thiết nghĩ, nếu nói cho đúng hơn phải là "con người khác con vật ở chỗ biết xác lập quyền tự do trong khuôn khổ có sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc và của nhân loại". Con người không thể đòi quyền tự do cắn xé đồng loại như con vật, nói rộng ra, không thể “thích làm gì thì làm” như con vật.
Thực sự tôi rất thất vọng về cách lập luận chụp mũ của ông/bà. Theo tôi hiểu thì ông LHĐ đang nói về tự do thành lập đảng, một điều mà theo ông LHĐ thì Hiến pháp đã cho phép và pháp luật không cấm. Không ở chỗ nào trong bài của ông LHĐ cho phép tôi hoặc ông/bà gắn vào đó ý "tự do cắn xé đồng loại" cả. Với cách hiểu như trên (tự do = tự do thành lập đảng) thì tôi đồng ý hoàn toàn với ông LHĐ; vả lại, chính Đảng và NN ta (mà ông/bà đang cố gắng bảo vệ) cũng đã thừa nhận quyền tự do này.
Nếu điều này là không đúng, xin ông/bà hãy đưa ra lập luận và/hay chứng cứ để phản bác điều ấy, chứ không nên bẻ quẹo sang một vấn đề mà người ông/bà phản biện không hề nói, theo kiểu chụp mũ như vậy. Vì làm như thế, dù vô tình hay cố ý, cũng là tạo điều kiện để thế lực thù địch nói xấu chế độ ta đấy ông/bà Trọng Đức ạ
.
Phần trao đổi đã rất dài, tôi xin ngưng ở đây, mong ông/bà Trọng Đức dành thời gian đọc và phản hồi đến các bạn đọc. Ngoài ra, tôi xin đề nghị ông/bà chỉnh sửa lại bài báo trước khi có thêm nhiều người phản ứng, hoặc nếu ông/bà thấy không thể chỉnh sửa lại được nữa thì đề nghị hãy rút hẳn bài báo, và xin ông/bà lần sau khi viết thì nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn để tránh tác dụng ngược như bài viết lần này.
Rất mong nhận được phản hồi từ ông/bà, và xin chân thành cám ơn ông/bà Trọng Đức vì đã khơi ra một vấn đề lý thú để trao đổi. Sự trao đổi thường xuyên giữa các quan điểm khác nhau chắc chắn sẽ góp phần vào tiến trình dân chủ hóa VN mà tôi tin là cả tôi lẫn ông/bà đều mong muốn.
Cám ơn tất cả các bạn đã quan tâm đọc và phản hồi. Vì tôn trọng các bạn nên tôi đã đăng lên tất cả các trao đổi và chỉ rất thỉnh thoảng mới loại một vài comment có những phát biểu sai lệch rõ ràng, hoặc có lời lẽ không tôn trọng người khác. Tuy nhiên cho đến giờ thì tôi thấy cuộc trao đổi của các bạn đã đi quá sâu vào vấn đề cá nhân của tôi, nên xin các bạn ngưng tranh luận ở đây. Đó là điều tôi không hề mong muốn và không phải là mục đích của blog này. Vì vậy bất kỳ comment nào liên quan đến tôi và lý lịch của tôi sau đây sẽ được xóa đi. Mong các bạn thông cảm.