Cái tựa của entry này là một phần của câu 2 câu thơ rất nổi tiếng của Tản Đà, hình như rút trong tập thơ “Khối tình con” thì phải. Hai câu ấy như sau:
Dân hai nhăm triệu, ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con
Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần có dịp đọc hoặc nghe ai nhắc đến hai câu thơ trên, tôi lại cảm thấy buồn kinh khủng; một nỗi buồn không đau nhói đột ngột mà ngấm ngầm, âm ỉ và dai dẳng không nguôi. Buồn, vì những câu thơ đã được viết bởi một nhà thơ cách đây cả một thế kỷ mà sao đến giờ vẫn cứ như là đang nói về những vấn đề hiện nay, đầy tính thời sự đến như vậy?
Vì tôi yêu thơ, nên đã nhắc đến Tản Đà thì tôi xin được nói thêm một chút về Tản Đà và các nhà thơ của thời điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam (“buổi giao thời” như vẫn thường được nhắc đến trong sách giáo khoa thời trước 1975). Trong số các nhà thơ lớn của giai đoạn này là Nguyễn Khuyến, Tú Xương, và Tản Đà, tôi thấy Tản Đà là nhà thơ có nhiều chất thơ nhất.
Thơ Nguyễn Khuyến tất nhiên rất hay, nhưng có một chút trang trọng, một chút sang cả, chút lạnh lẽo và có chút gì sắc lẻm, có lẽ do thơ ông chứa nhiều chất xám quá. Cũng vậy với thơ Tú Xương, dù thơ Tú Xương sử dụng phong cách bình dân chứ không có vẻ trang trọng, sang cả của Nguyễn Khuyến, nhưng vẫn có một cái gì đó quá sắc sảo, và một chút gì cay đắng.
Còn thơ Tản Đà mặc dù cũng có buồn, thỉnh thoảng cũng có chút chua chát (như trong hai câu thơ nói trên), nhưng nói chung giọng thơ của Tản Đà dù phê phán, trào phúng thì vẫn cứ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Những cái buồn trong thơ Tản Đà cứ nhẹ bỗng như không, nhưng cũng chính vì nhẹ, cho nên mới buồn lâu.
Tôi đặc biệt thích những câu thơ hơi buồn buồn, hơi trào phúng, hơi mỉa mai, nhưng bao giờ cũng rất nhẹ nhàng của Tản Đà, như những câu này:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/Trần thế em nay chán nữa rồi …
Hay
Trời sinh ra bác Tản Đà/Quê hương thì có cửa nhà thì không!
Hoặc, cả một bài thơ có nội dung khá châm biếm sâu cay, “Bức dư đồ rách”, mà dưới ngòi bút của Tản Đà vẫn cứ nhẹ nhõm, như thế này:
Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.
Đau lắm chứ, phải không, khi “Biết bao lúc mới công vờn vẽ/Sao đến bây giờ rách tả tơi”, nhưng mà, “Thôi thôi có trách chi đàn trẻ/Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi”, nhẹ nhàng thế, chứ không như Tú Xương đầy vẻ cay độc:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt/Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng !
Nhưng tôi dông dài quá, làm quên mất ý chính của entry này. Có lẽ không phải lúc nào cũng nên nói về thời kỳ tối tăm, khi đất nước còn rên xiết lầm than dưới ách thực dân phong kiến nhỉ. Dù vẫn biết thời ấy thì vô cùng đau khổ, nên thỉnh thoảng cũng cần phải nhắc lại chút để con cháu hiểu rõ công lao to lớn của Đảng ta (well, tôi quen miệng ấy mà) đối với dân tộc vì đã tiến hành cuộc cách mạng long trời lở đất để đánh đổ thực dân phong kiến và đem lại độc lập, hạnh phúc, ấm no cho toàn dân như hiện nay.
Nhưng lúc nào cũng kể về thời kỳ đen tối ấy thì còn thời gian đâu mà viết về thời đại ngày nay nữa, thời đại oai hùng, khi “đất nước của Hùng Vương có Đảng/mỗi người dân đều được thấy bác Hồ” (thắc mắc: không rõ chữ “bác” ở đây có viết hoa không nhỉ, chắc là không vì đã nêu rõ bác Hồ, vậy bác là danh từ chung nên không phải viết hoa; tuy nhiên viết về bác Hồ mà không viết hoa chữ “bác” tôi vẫn thấy … ngại ngại và lạ lạ thế nào ấy, khó hiểu thế cơ chứ!).
Vậy thời nay có cái gì? À, có nhiều lắm chứ. Việt Nam ngày nay là một đất nước đang lên (rising country, giống như là ngôi sao đang lên vậy mà), và được thế giới chú ý lắm nhé. Chẳng thế mà thỉnh thoảng đọc báo chí nước ngoài lại thấy đưa tin về VN. Chỉ có điều là bọn tư bản thì thâm độc lắm, nó đưa tin về mình thì chỉ thích đưa những cái xấu để chửi mình thôi, mà chúng lại có hình ảnh chứng cứ đàng hoàng chứ không phán khơi khơi, nên có muốn cãi cũng khó.
Thì đó, mới gần đây thôi bọn báo chí Đức đã dám đưa tin cực xấu về mình, về cái vụ tàn sát khỉ (hình như là con vọc mà hôm trước tôi đã đưa tin thì phải) để nhậu một cách cực kỳ dã man ở đây này: http://www.spiegel.de/wissenschaft/natur/vietnam-affen-werden-in-restaurants-geschlachtet-a-837365.html.
Các bạn có xem thì nhớ đọc thêm cả mấy comment ở bên dưới nữa nhé, tôi thì không biết tiếng Đức đâu nhưng thấy họ viết cái gì mà chấm than, chấm than lia lịa thì hẳn là họ đang chửi mình rồi chứ còn gì nữa. Ví dụ, có một comment tôi cho lên google dịch, thấy họ đang chửi mình là “dã man” đấy. Thật đúng là bọn thế lực thù địch mà, chỉ chăm chăm lôi cái xấu của mình ra mà nói thôi.
Nhưng may quá, không chỉ có tin xấu. Thỉnh thoảng cũng có những tin rất tốt nhé. Ví dụ như hôm qua trên các tờ báo lớn của mình đồng loạt đăng tin “Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ nhì thế giới”. Đấy là kết quả bình chọn năm 2012 mới công bố của tổ chức NEF, là kết quả của vòng bình chọn thứ ba (lần đầu 2006, lần thứ hai 2009). Hay hơn nữa là lần trước VN cũng trong top 5, nhưng mà là vị trí thứ 5, còn lần này thì lên đến tận hạng 2 nhé.
Ai muốn biết thì cứ đọc ở đây này, trên trang vietnamnet: http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/06/nguoi-viet-hanh-phuc-thu-nhi-the-gioi/ (kết quả 2012) và đây nữa: http://vnexpress.net/gl/the-gioi/cuoc-song-do-day/2009/07/3ba10ea2/ (kết quả 2009).
Thấy chưa, bọn thế lực thù địch đừng có mà sung sướng khi moi ra được mấy cái tin xấu về VN nữa nhé. Thực sự, đọc tin này thì ngay cả tôi đây, một kẻ “bi quan” thâm căn cố đế (nên mới hay … khóc, như mọi người đã nhận ra trong mấy bài viết của tôi) cũng cảm thấy phấn chấn kỳ lạ. Phấn chấn đến độ quên luôn cả mấy con vọc mà báo chí Đức (phản động) đã lôi ra nhiếc móc mình, quên luôn cả mấy con giòi lúc nhúc dễ sợ trong pate (chết cha, sáng nay tôi mới ăn bánh mì có pate, không biết … có con gì ở trong đó không nhỉ?), quên luôn mấy cô gái sông Hương, sông Hồng chân dài chân ngắn, cả nhà báo cách mạng Ngọc Năm hay Kim Sáu gì đó bị đánh khi đi lấy tin để bênh vực chính sách cưỡng chế, cũng quên khuấy luôn cả vụ gian lận thi cử chấn động ở Đồi Ngô hay Núi Sắn gì đó mới đây ….
Mà chỉ nhớ đến mấy cái hay, cái đẹp của VN như Hạ Long, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới mới do một tổ chức tư nhân nào đó mới công nhận (dù có khá nhiều điều tiếng xung quanh, nhưng mà kệ … bà nó), hay xa xa hơn nữa là … Ngô Bảo Châu với giải Fields, một giải “Nobel toán học” rất đáng tự hào mà một người VN (hay là người Pháp nhỉ?) mới vừa nhận được cách đây vài năm …. Đẹp lắm (chứ), anh hùng lắm (chứ)/thời đại chúng ta thật là vẻ vang ….
Ôi, tự hào quá, được làm công dân của một đất nước 4000 năm văn hiến, chứ đâu có phải như mấy nước thiếu bề dày lịch sử như Mỹ, như Úc kia, chẳng văn hóa văn hiến gì cả, lịch sử ngắn cụt chỉ có hơn 200 năm, còn thua cả Sài Gòn, vùng đất mới này thôi mà cũng đã trên 300 năm rồi. Chưa cần nhắc đến Hà Nội, thủ đô yêu dấu, thành phố ngàn năm kia …. Tự nhiên tôi nhớ câu thơ cách mạng: Cảm ơn người, Hồ Chí Minh vĩ đại/Bốn nghìn năm ta lại là ta …
Đang ngon trớn, viết đến đây tôi bỗng cảnh giác: Cái gì, "bốn nghìn năm ta lại là ta" à? Ơ, cái câu này, cái câu này … thực ra nó có nghĩa là gì ấy nhỉ?
Không phải tự nhiên mà tôi cảnh giác đâu ạ. Tôi hiểu, câu thơ ấy tất nhiên là dùng để ca ngợi Hồ chủ tịch, người đã có công giành lại độc lập cho dân tộc, phá ách thống trị của thực dân, để đưa dân tộc trở về tận thời hào hùng xa xưa khi chúng ta có các Vua Hùng dựng nước, làm chủ một đất nước độc lập (thì bác Hồ đã chẳng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước …” đó sao?).
Nhưng mà cái bọn thế lực thù địch phản động ở trong và ngoài nước (ở đâu ra mà lắm thế không biết) lại có những đứa xuyên tạc câu thơ ấy, rằng thì là mà, VN thì cứ mãi là VN thôi, “4000 năm ta lại là ta/từ trong hang đá chui ra/vươn vai một cái rồi ta lại vào”, chẳng thế nào khá lên được, đi loanh quanh một hồi lại trở về chỗ cũ, 4000 năm rồi thì ta vẫn cứ là ta, tức là vẫn thế, lạc hậu, ấu trĩ, trẻ con, chẳng thể nào thành người lớn được.
Và thế là tôi nhớ ra hai câu thơ nổi tiếng ấy của Tản Đà. Hừ hừ, không lẽ nhà thơ Tản Đà đã sống cách đây cả trăm năm mà lại sớm có tư tưởng phản động vậy sao? Mỉa mai nhà nước, mất niềm tin vào sự ưu việt của chế độ à? Hỏng, hỏng, hỏng!
Ồ, nhưng mà Tản Đà chỉ nói rằng có 25 triệu dân Việt chưa có ai là người lớn thôi. Còn bây giờ dân ta đã non trăm triệu rồi, cho nên nếu có 25 triệu dân Việt chưa là người lớn thì chắc là đúng rồi đấy. Non trăm triệu dân, thì chắc chắn phải có khoảng 25 triệu người dưới tuổi trưởng thành chứ, số còn lại sẽ là thanh niên, rồi trung niên, và lão niên, đúng quá rồi chứ còn gì nữa. Hú vía!
Chỉ còn lại mỗi câu “nước 4000 năm vẫn trẻ con” là cần phải giải thích thôi. À tôi biết rồi, trẻ con thì thường hồn nhiên, vui vẻ hơn người lớn, vì chúng vô lo mà. Hèn gì chúng ta đứng hạng nhì về hạnh phúc trên toàn thế giới, là đúng quá rồi! Mặc kệ Vinashin, mặc kệ Văn Giang, mặc kệ Tiên Lãng, mặc kệ Đồi Ngô, mặc kệ dưỡng liêm ở Đà Nẵng, mặc kệ, mặc kệ hết. Chỉ cần biết chúng ta đứng hạng nhì thế giới về hạnh phúc, là đủ thấy sướng rồi.
Cụ Tản Đà nhỉ?
Bạn sinh Nam nhưng gien Bắc kỳ nên viết văn có giọng của Nguyễn Khuyến, Tú Xương đấy!
Trả lờiXóaCám ơn bạn, tôi tin đây là một lời khen nên ... rất phấn khởi. Có lẽ bạn cũng là Bắc kỳ phải không? :-)
XóaTheo tiêu chí đánh giá để xếp hạng hạnh phúc cho dân ta lên hàng thứ nhì thế giới( người dân thấy hài lòng cuộc sông của mình, tuổi thọ cao và sử dụng nguyên liệu ít ảnh hưởng môi trường )
Trả lờiXóa1 - Dân Nam ta hài lòng với mình: kệ các nước xung quanh họ tiến bộ về KHKT, tiến bộ về văn hóa và ngày càng được tự do dân chủ.
thế cho nên về KHKT đã có anh Hai lúa nghĩ ra máy cắt lúa từ máy cắt cỏ ( còn các viện này nọ thì bằng lòng với nền KH nước nhà nên chẳng quan tâm) Về giáo dục: thày cô giáo làm phao cho học sinh vào phòng thi chép thoải mái như trường THPT đồi ngô vừa qua.
Nên các cháu học sinh và phụ huynh đều bằng lòng, vì kết quả thi tốt nghiệp đều đạt 99,99% cơ mà.
Người nông dân nước ta dần sẽ thoát khỏi " chân lấm, tay bùn " vì tới đây không còn đất nữa thì không phải lội ruộng nữa ( dân Văn giang, vụ bản, Dương nội ...)Lúc đó có thể sẽ " tay gậy, tay bị khắp nơi tung hoành với niềm tự do, hạnh phúc vô biên.
Còn cán bộ thì khỏi nói: họ ung dung tiêu tiền chùa, tiêu mỏi tay, chán thì họ đốt tiền cơ, như vụ vina gì đó.
Bên Tây họ ăn bơ sữa, thịt nhiều nên hay bị bệnh tiểu đường, nhồi máu cơ tim, nên đương nhiên tuổi thọ sao bằng dân ta ăn cơm rau muống chấm tương được.
Vậy dân an nam ta quá xứng đáng là hạng nhì thế giới về hạnh phúc!
Nguoi Vietnam vo cam...let it be...khong muon tranh gianh voi ai...ma co muon cung co duoc dau...tu 5 tu 7 Nguoi la bi de y roi...quan Tham thi tha ho tieu tien thoAi Mai...cac nuoc tien Len ta lui ve thoi Nguyen thuy...coi truong doi dat...hanh phuc hang Nhat moi dung chu...chac nghien cuu bi sai....hihihi
Trả lờiXóaHạnh Phúc= Hằng Số/[Cái mình biết - Cái mình có]
Trả lờiXóa[Cái mình biết - Cái mình có] mà lớn => kém Hạnh Phúc,
[Cái mình biết - Cái mình có] mà nhỏ => rất Hạnh Phúc,
Ai cũng biết hiện tại thì Cái mình có bé tí tẹo (vì tỉ lệ với GDP, quyền con người, các dịch vụ an sinh,...) nhưng lại được cho là rất Hạnh phúc. Điều này chỉ có thể lý giải là do Cái mình biết cũng có tí tẹo thôi, nghĩa là mình...đếch biết cái gì hết!Bọn NEF chửi khéo ghê. Đểu thật!!!
P/S: Hứng chí viết bậy cho vui, các bác đừng ném gạch nhé vì tại hạ chưa có nhu cầu xây nhà mới. Hihi...
Theo tôi thấy thì đa số bài báo có trích dẫn câu thơ của Tản Đà
Trả lờiXóađều đúng như trong blog này :
Dân hai nhăm triệu ai người lớn
nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con
Thế nhưng,tôi thiển nghĩ câu trên không thể là "ai" được mà phải
là "không người lớn" thì mới đúng theo phép đối trong thơ Đường
với câu dưới "vẫn trẻ con".
Trong phép đối thì danh từ đối với danh từ,động từ đối với động từ,trạng từ đối với trạng từ v.v.cho nên trạng,giới từ "không" ở câu trên mới đối được với trạng,giới từ "vẫn" ở câu dưới.Còn "ai"
là đại danh từ bất định.