Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Câu hỏi ngớ ngẩn nhân ngày nhà báo VN

Hôm nay là ngày 21/6. Là ngày nhà báo Việt Nam, cái này thì không nói ra chưa chắc đã có ai biết (trừ những người đang làm hoặc có thân nhân đang làm trong ngành báo chí).

Như tôi đã viết trên blog của tôi nhiều lần, ngày trẻ tôi đã từng mong được làm nhà báo. Kể cả bây giờ nữa, gần đây nhất nhân vụ nhà báo Ngọc Năm bị đánh ấy, tôi vẫn còn muốn làm nhà báo cơ mà, các bạn có còn nhớ đã đọc bài ấy trên blog này không?

Nhưng do số trời run rủi, tôi đã không đi vào cái nghề - đúng hơn là cái nghiệp - nhà báo, không được chọn cái "số phận vinh quang và cay đắng" này. Nên bây giờ, có viết về nghề nhà báo thì cũng chỉ có thể viết với tư cách người ngoài cuộc, đứng bên rìa nghề báo mà ... chõ mõm vào và phán lung tung, nói linh tinh thế thôi, chẳng có ý nghĩa gì đâu. Chẳng qua cũng là để mua vui cho bạn bè dăm ba phút thôi mà.

Nhưng tại sao nghề báo tại VN lại là "số phận vinh quang và cay đắng"? À, trước hết, đó là do ngày xưa còn đi học tôi đã đọc dược một cuốn sách nói về một nhà khoa học nữ nào đó, hình như là Kovalevskaya của nước Nga thì phải. Cái tựa ấy rất ấn tượng nên tôi nhớ ngay, và bây giờ chỗ nào có vẻ có liên quan là cứ tương ra nguyên cụm mà dùng

Vì vậy, nói "số phận vinh quang và cay đắng" thì thực ra đó là một câu nói do quen miệng, giống như rất nhiều thứ linh tinh tôi viết trên blog này thôi. Nhưng viết xong giòng chữ "vinh quang và cay đắng" để chỉ về nhà báo VN đúng ngày nhà báo, rồi nghĩ đến mấy việc vừa xảy ra ở VN trong thời gian gần đây, tôi bỗng thấy hình như cụm từ này dùng cho nhà báo VN dường như cũng không phải là vô nghĩa lắm thì phải?

Vậy là sao? Này nhé, làm nhà báo ở VN thì vinh quang, cái này chắc ai cũng biết. Ở thời đại này, ai cũng biết thông tin là sức mạnh, nhưng ở VN thì thông tin, cũng giống như rất nhiều thứ khác, là ... thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Nên chỉ có những người nào được nhà nước cho phép, được Đảng tin dùng, thì mới có quyền tiếp cận với thông tin, và quan trọng hơn, là được phổ biến thông tin đó đến người khác. Tất nhiên là phổ biến đến đâu thì còn tùy thuộc vào định hướng thông tin và sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, vì Đảng là vầng dương sáng mà, rọi đến đâu thì ta mới thấy được mọi vật đến dó, chứ Đảng mà không rọi vào thì đêm tối mù mịt, biết đường nào mà mò?

Tóm lại, cái vinh quang đó thì ai cũng thấy rồi, tôi không phải nói thêm nhiều nữa. Bây giờ nói đến cái cay đắng đây. Nghề báo ở VN có cay đắng không nhỉ?

Chà chà chà, câu hỏi này khó trả lời quá!!!! Để tôi nghĩ một chút đã nhé.

Haizzzz .... Chẳng biết phải tìm câu trả lời ở đâu. À, hay là ... "gúc" thử xem sao?

Hurrah, thấy chưa, tôi đã có câu trả lời rồi đó! Và câu trả lời đây này: Nghề báo của VN không chỉ vinh quang, mà - mặc dù đã có sự lãnh đạo của Đảng CSVN quang vinh, để phục vụ nhân dân VN anh hùng - cũng có thể rất cay đắng nữa.

Hượm đã, tại sao lại thế được? Làm nghề báo ở VN mà cay đắng ư? Nói cái gì phản động thế hử?

À không, ý tôi muốn nói là, sự cay đắng ấy tất nhiên không phải do Đảng, nhà nước và nhân dân ta gây ra, mà là do, tất nhiên rồi, bọn thế lực thù địch ở nước ngoài đấy.

Hừm, chúng lại "chọc ngoáy" gì nữa đây, bọn phản động ấy?

Ừ, thì chúng đặt ra mấy cái trò chấm điểm, xếp hạng ấy, rồi thì phang cho chúng ta những hạng thấp lè tè, gần đội sổ, để lăng mạ chúng ta đấy ạ. Tôi muốn nói đến cái chỉ số PFI, tức là Press Freedom Index (chỉ số tự do báo chí) ấy. Chỉ số này do cái tổ chức phản động có tên là Phóng viên không biên giới (Reporter Without Borders) đây mà, nghe tên tổ chức là đã thấy phản động rồi, cái gì mà không biên giới, bộ muốn xúi người ta vượt biên hay sao, đồ phản động, phản động!

Cái tổ chức ấy, vừa qua nó đã đưa ra danh sách xếp hạng 179 quốc gia về tự do báo chí 2011-2012, và, trời ơi, nó xếp chúng ta ở vị trí top ten nhé, nhưng mà top đếm từ dưới lên, cụ thể là hạng 172/179. Không những thế, chúng còn nhục mạ chúng ta thêm bằng cách bỏ hết mấy nước anh em xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa gì đấy vào ở vị trí gần gần chúng ta - chắc là cho nó khỏi lạc đàn í mà, trong đó Bắc Triều Tiên xếp tận hạng nhì (từ dưới lên, tức 178/179), Trung Quốc thì trên ta 2 bậc (cũng tính từ dưới lên, ở hạng 174/179).

Xếp hạng như vậy, tức là chúng nói rằng nhà báo của VN chỉ là không được tự do suy nghĩ, tự do thu thập và diễn giải thông tin như những con người tự do và có tư duy độc lập, mà chỉ là những con vẹt thôi, xúc phạm chưa? Danh sách đó ở đây này: http://en.rsf.org/spip.php?page=classement&id_rubrique=1043, các bạn nhà báo vào đấy mà xem và cùng nhau viết thư phản đối nhé!!!!

Thôi, nhưng mà bọn tư bản xấu xa, phản động thù địch ấy mà, chúng nói bậy để bôi nhọ chúng ta đấy, nghe làm gì cho mệt?

Nhưng viết đến đây tôi bỗng nhớ, ơ kìa, chỉ mới trong tháng 6 này, cũng chính bọn tư bản xấu xa thù địch ấy lại xếp cho chúng ta có vị trí thứ nhì thế giới về hạnh phúc cơ mà? Chẳng lẽ chúng nói mỉa ư, hay đó là sự thực? Theo tôi hiểu, thì Đảng và nhà nước (và cả nhân dân VN anh hùng nữa) cho rằng đấy là sự thực, nên mới cho đăng báo lề phải đồng loạt suốt mấy ngày qua chứ?

OK, vậy đó là sự thực. Mà nếu báo chí tư bản nói đúng về cái chỉ số hạnh phúc (HPI) ấy, thì chúng cũng đúng về cái PFI này ư? Chà, khó nghĩ, và khó hiểu thật. Vì điều này nó mâu thuẫn quá: liệu có ai không có tự do mà lại có thể hạnh phúc được chăng? Chính Hồ chủ tịch đã dạy: " Trên đời nghìn vạn điều cay đắng/Cay đắng chi bằng mất tự do"  cơ mà?

Nghĩ đến đây rồi thì tôi đâm ra ... bí lù, bí tịt, bí hoàn toàn, không biết trả lời sao cho vừa có lý mà vẫn kiên định lập trường mà Đảng và nhà nước đã định sẵn được nữa. Mặc dù tôi vẫn được bạn bè khen là biết cách vận dụng lý luận cách mạng vào trong mọi tình huống lắt léo mà bọn tư bản hay đặt ra cho mình. (Chẳng thế mà thời là sinh viên, tôi không những không bao giờ bị thi lại mà còn toàn là đạt điểm cao mấy môn Triết học Mác-Lê và Kinh tế chính trị đấy).

Đành phải viết entry với cái tựa rất vớ vẩn, là "Câu hỏi ngớ ngẩn nhân ngày nhà báo VN" này. Câu hỏi ấy, xin viết lại cho rõ, là "làm cách nào để có thể vừa thiếu tự do (ở đây là tự do báo chí), lại vừa rất hạnh phúc?" Vì rõ ràng là các nhà báo VN cũng rất hạnh phúc mà, cứ xem cách họ ăn mừng ngày 21/6 tại VN thì sẽ rõ: đèn hoa rực rỡ, mặt người hớn hở cả đấy thôi!

Thôi thì, dù có thiếu tự do, chúng ta cũng cố mà hạnh phúc vậy, chứ sao giờ. Và nhân ngày nhà báo, xin hãy xem entry này như một lời chúc mừng, hay một món quà quê mùa mà tôi tặng các anh chị, các bạn nhà báo của Việt Nam, trong đó có rất nhiều người là bạn của tôi.

Happy Vietnam's Journalism Day (in spite of everything)!

3 nhận xét:

  1. "làm cách nào để có thể vừa thiếu tự do (ở đây là tự do báo chí), lại vừa rất hạnh phúc?" Vì rõ ràng là các nhà báo VN cũng rất hạnh phúc mà, cứ xem cách họ ăn mừng ngày 21/6 tại VN thì sẽ rõ: đèn hoa rực rỡ, mặt người hớn hở cả đấy thôi!'

    Quá hay và cũng quá khó trả lời, các nhà "báo chí cách mạng nhà nước" Việt nam nhỉ.

    Trả lờiXóa
  2. Ở trong 1 xã hội cơ chế Đảng trị độc tài như ở VN hiện nay, người dân trung thực không thể sống tốt được dân chủ nhân quyền là 1 thứ sa sỉ thì nhà báo chân chính của dân sẽ không hề có chỗ đứng cũng như ở VN hiện nay văn hóa thông tin, pháp luật cũng như hàng hóa chợ trời. Thật giả, không biết đâu là chân lý nếu khua múa tô hồng cho nhóm người đặc quyền đặc lợi anh được nhiều phong bì còn nếu anh trung thực thì bị ở tù còn không thì bị trả thù nữa!!!!

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.