Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Xúc phạm dân tộc?

Cách đây ít ngày, tôi có viết vài bài trên blog và trên báo về vụ đạo văn, mà tôi cho rằng có thể có nguồn gốc từ văn hóa. Nói cách khác, VN có "văn hoá đạo văn".

Sau đó, tôi được bạn bè báo cho biết rằng tôi đang bị ném đá ở trong một trang Tạp chí mạng tự phong cho mình có một chức năng cao cả là làm trong sạch nền khoa học nước nhà. Họ cho rằng tôi đã xúc phạm dân tộc khi nói rằng VN có "văn hóa đạo văn". Không những thế, mọi người còn cho rằng tôi rất dốt nát khi không biết phân biệt Nhật, Hàn là những nước khoa học phát triển với TQ và VN là những nơi vô cùng kém cỏi. Ngoài ra, tôi là một tiến sĩ không biết nghiên cứu khoa học nghiêm túc mà dám phát biểu này nọ thì chỉ là chém gió!!!!!

Tôi cũng đã cố giải thích, rằng "văn hóa" ở đây được dùng với nghĩa là "thói quen, niềm tin, lề thói của một cộng đồng", chứ không phải với nghĩa "phần tinh túy, truyền thống của một dân tộc". Từ văn hóa dùng theo nghĩa này là rất thường, ví dụ văn hóa trà, văn hóa tổ chức (mỗi tổ chức là một cộng đồng với một lề thói và niềm tin riêng biệt). Và cũng chẳng riêng gì VN có văn hóa này, nhưng văn hóa này dường như phổ biến hơn ở châu Á. Nhưng hình gì tôi có giải thích mấy thì cũng chẳng ích gì, vì nói theo kiểu tòa án thì tôi đã bị "kết án trước khi xử" rồi.

Thôi thì miệng đời thị phi, ai muốn nói gì thì nói, biết làm sao giờ? Tôi chỉ thắc mắc ở trong trang Tạp chí mạng có mục tiêu cao cả ấy có lẽ cũng có nhiều người tài giỏi, hẳn là phải có nhiều tiến sĩ, giáo sư thứ thiệt, hàng xịn, và chắc chắn là mọi người ở đấy giỏi giang hơn tôi là một tiến sĩ không biết nghiên cứu khoa học nghiêm túc là gì, mà sao lại lấy việc dè bỉu người khác làm (một trong những?) mục đích cho sự tồn tại nhỉ?

Nếu cho rằng tôi xúc phạm dân tộc Việt khi tôi nói VN có "văn hóa đạo văn", thì mọi người hình như quên rằng tôi cũng là một người Việt và cũng cảm thấy xúc phạm không kém khi thấy người khác nói về mình như thế. Nhưng phải bình tĩnh tìm hiểu tại sao họ lại nói mình như thế, và khi đọc định nghĩa họ đưa ra và suy nghĩ kỹ thì thấy có lẽ họ không sai. Theo tôi, điều quan trọng khi người khác chê mình là phải tự xem xét lại mình xem mình có gì cần sửa chữa không. Tôi chỉ đang cố làm điều đó. Nhưng khi thấy mọi người xúm vào phê phán tôi như vậy, tôi bỗng nhớ đến câu phát biểu của TGM Ngô Quang Kiệt. Một câu nói được cắt đứt ra khỏi ngữ cảnh để rồi từ đó kết luận về động cơ.

Tôi nhớ đã có vài lần viết trên trang này của tôi là Việt Nam không có văn hóa tranh luận, và thiếu kỹ năng thương lượng. Thì lần này lại có thêm cơ hội để củng cố thêm suy nghĩ đó. Và để tạo ra một văn hóa mới thì phải xuất phát từ giáo dục. Vâng, đúng rồi, culture còn có nghĩa là nuôi trồng, vun đắp, gần giống với từ nurture là chăm sóc, bồi dưỡng. Tôi tự nghĩ, có lẽ thấy những cái xấu của dân tộc mà cứ bênh chầm chập mới thực sự là xúc phạm. Vì nó cho thấy không những là mình xấu, mà còn vô vọng vì không nhìn ra cái xấu của mình.

Rồi chợt nhớ đến THP với mấy entry gần đây của bạn ấy. Rất hiểu và thông cảm.

Nhưng thực ra đó cũng chỉ là việc không đâu, và không nên để cho ảnh hưởng đến cuộc sống và cảm xúc của mình, phải không? Những gì tôi viết ở đây chỉ là vài giòng lẩn thẩn mà thôi.

Đến bao giờ thì trí thức VN mới có được một tinh thần và thái độ cởi mở với những người có quan điểm khác mình, nhỉ?

4 nhận xét:

  1. Dear chị Phuơng Anh,

    Tôi thấy "Xúc Phạm đến dân tộc" là không đúng vì bất cứ một nguời bình thuờng cũnh hiểu rằng "Văn Hóa Đạo Văn" là một cách nói mỉa mai nhựng nguời có tính không tốt hay dùng nhầm văn của nguời khác. Cũng chính vì lạm dụng từ "Văn Hóa" của chính quyền sau này nên từ "Văn Hóa" bị xúc phạm và đuợc dùng thườ xuyên để mỉa mai. Thì dụ "văn hóa tham ô", "Văn hóa lừa gạt" v.v.

    Bây giờ anh nào ra ngọai quốc mà làm cái gì kh6ng đúng theo phong tục tập quán ở nuớc sở tại là bị nguời ta dùng câu "Văn hóa sau giải phóng nó thế đấy" là để mỉa mai cái gì sau 75 mới có chứ không phải mỉa mai dân tộc.

    Ai cố ý nhầm lẫn thì do ý định của nguời đó chứ "rỗi hơi" làm gì. "Văn Hóa vủa họ là thế dấy.

    Choi

    Trả lờiXóa
  2. Dear Bác Chơi,

    Cám ơn bác! Mấy ví dụ của bác rất hay và đều đúng cả, nhưng có một cái hơi bị ... nhạy cảm bác ạ! Hình như bây giờ mình cũng có cả văn hóa nhạy cảm nữa thì phải?

    Nhưng lời khuyên của bác về việc "không rỗi hơi" thì rất chí lý.

    Và, rất ... cảm động vì bác vẫn đọc blog của em. Chúc bác vui.

    Trả lờiXóa
  3. Ta còn có Khu Phố Văn Hóa, Hẻm Văn Hóa và Gia Đình Văn Hóa nữa kìa.

    Trả lờiXóa
  4. Hê, hê,

    Thuật ngữ mới: "Văn hóa HẺM".

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.