Cái tựa của loạt bài này, “Ông Mỹ tới!”, thực ra là lấy trong bài viết của ông Mỹ bạn tôi. Khi ngồi với tôi trong buổi làm việc tại một viện nghiên cứu nọ, ông cứ kể say sưa, dường như không cần biết người nghe có quan tâm không, câu chuyện về một ngôi trường mà ông đã giúp xây dựng ở một vùng quê hẻo lánh tại Cam Ranh cách đây hơn 40 năm. Lúc ấy, ông mới có 22 tuổi, fresh from university, đến VN vì bị “động viên” (drafted), với vai trò là “cố vấn Mỹ” trong quân đội Mỹ.
Là cố vấn Mỹ là làm gì, thực ra tôi không biết, mà cũng chưa bao giờ quan tâm. Nhưng hôm nay khi viết về ông thì tôi bỗng thắc mắc, chắc là hôm nào gặp lại ông phải hỏi mới được.
Rất kỳ lạ là sau hơn 40 năm, chỉ với một vài tấm hình và một tờ “giấy chứng nhận” (mà tôi đã có dịp nhìn thấy vì ông đã cho tôi xem để “khoe”) mà ông vẫn giữ từ năm 69 đến nay, ông đã tìm lại được ngôi trường và một số cựu học sinh của ngôi trường ấy. Một cuộc hội ngộ vô cùng xúc động, đặc biệt là đối với một người trầm tư, hướng nội và sống vì quá khứ như ông, một nhà sử học.
Trong mẩu tùy bút mà ông viết để ghi lại cuộc gặp gỡ này, ông viết (tất nhiên là bằng tiếng Anh; bản tiếng Việt là do tôi cung cấp, hy vọng vẫn giữ được phong cách thâm trầm lặng lẽ của ông):
Tôi có một tờ chứng nhận, ký ngày 27/5/1969, được viết bằng thứ tiếng Anh đầy lỗi:
Kính gửi: Trung úy
Bằng cách hết mình ủng hộ chúng tôi, ngôi trường mang tên “Trường Từ thiện” được hoàn tất hôm nay, chúng tôi không làm gì cho lòng ưu ái của ông (ý nói: “không có gì để đền đáp lại sự giúp đỡ của ông”). Vì vậy, chúng tôi chỉ một điều là chúc ông may mắn và sức khỏe để phụng sự nghĩa vụ công dân. Chúng tôi, tất cả tu sĩ Phật giáo Việt Nam, gửi đến ông lời cám ơn sâu sắc nhất,
Với tất cả lòng tôn kính,
(Ni sư) Từ - Liên
(Cái vụ thêm 2 từ “Ni sư” vào trong ngoặc này là do tôi, vì tôi thấy để tên Từ Liên không thôi thì hơi kỳ, không đúng các quy ước viết thư của tiếng Việt. Nhưng có thể tôi sai, vì tôi không theo đạo Phật nên không hiểu gì về các tước vị của các vị tu hành bên Phật giáo. Ai biết xin chỉ giáo giúp.)
Đấy là vào năm 1969. Ngôi trường này do các vị tăng ni thuộc một ngôi chùa nhỏ ở một ngôi làng ven biển ở vùng Cẩm Thuận (?), Cam Ranh xây dựng để dạy học cho trẻ em con nhà nghèo cũng như các em mồ côi ở cô nhi viện gần đấy. Ông tham gia vào việc xây dựng ngôi trường này là rất tình cờ, khi nhìn thấy túp lều lụp xụp mà các ni cô dựng tạm lên để dạy học giữa một nơi hoang vu trong cái nắng và cát chói chang. Ông viết:
Tôi vẫn nhớ hình ảnh cả một hàng dài các vị sư nữ trong chiếc áo màu vàng cam lóa mắt, họ gặp tôi trong trại MACV ở Cẩm Linh (?) và rồi thì tôi cùng theo họ đến thăm ngôi chùa của họ ở Cẩm Thuận. Tôi vẫn nhớ cảm giác bàng hoàng và kinh ngạc khi nhìn thấy túp lều xộc xệch được dùng làm nơi dạy học của ngôi trường Từ thiện, và tôi tự nhủ sẽ không còn có em bé nào phải ngồi học trong “ngôi trường” như thế này nữa. Tôi cũng nhớ đã đi xin xỏ, nhặt nhạnh nào gỗ, nào ván, nào tôn lợp mái từ những căn cứ của quan đội Mỹ đang trú đóng dọc theo vùng bờ biển Cam Ranh, những người chỉ vì lòng tốt đã sẵn sàng cho tôi tất cả những gì tôi xin để có thể xây dựng một ngôi trường cho các vị sư nữ và những em bé Việt Nam mà họ không hề biết mặt.
Ông Berman, người bạn Mỹ của tôi ơi! Tôi tin chắc chắn rằng sẽ có nhiều người không sao hiểu được vì sao lúc ấy ông lại làm như vậy. Nhưng câu chuyện của ông làm tôi nhớ lại những năm ấy của cuộc chiến mà ông gọi là chiến tranh Việt Nam, còn tôi thì được dạy để gọi là chiến tranh chống Mỹ. Năm 69 tôi mới được 9 tuổi, gia đình đang ở Nam Thái, một xứ đạo nghèo của người di cư năm 54. Đa số dân cư ở đấy, đàn ông thì làm thợ mộc, thợ nề, chạy xe lam, nếu không phải là đã vào quân đội (mà ngày này “cách mạng” người ta gọi là “lính Cộng hòa”), đàn bà thì đi bán xôi, bán rau, hoặc làm thuê làm mướn.
Gia đình tôi lúc ấy vẫn chưa có nhà, phải ở nhà thuê; tôi nhớ gia đình tôi thuê tạm ở nhà cậu Ngoạn, chạy xe lam, con bà Trác (?), hai mẹ con có căn nhà nhỏ có một căn gác, cậu Ngoạn chưa có gia đình. Gia đình tôi thì lúc ấy bố làm công chức nhỏ, mẹ tôi có gánh quần áo bán rong ở chợ Ông Tạ (ngồi nhờ trước cửa nhà may Phúc Tiến), anh chị em tôi đã có 5 người. Cả gia đình 7 người – bố mẹ, và 5 đứa con lít nhít – chen chúc trong căn gác nhà cậu Ngoạn, nhà gạch mái tôn, gác ván. Buổi trưa, nóng hầm hập như đổ lửa.
Cũng trong cái nóng nhiệt đới ấy, chàng thanh niên “ngốc nghếch” David Berman, vừa tốt nghiệp khoa lịch sử từ một trường ĐH Mỹ (hình như ĐH Penn State), từ một nơi mà nhiệt độ tháng 3 là chừng 8 độ C, đang phải lăn lộn dải đất miền Trung gió, cát và nắng. Và mặc dù đang làm việc cho quân đội, điều ông quan tâm lại là những ngôi trường cho các em bé Việt Nam có chỗ học hành.
Sau hơn 40 năm, ký ức về ngôi trường ấy vẫn thật rõ trong ông. Ông viết:
Tôi vẫn nhớ đám trẻ con, mỗi lần tôi đến thăm trường, đều chạy ùa ra reo hò la hét những điều gì đấy, mà tôi chẳng rõ chúng muốn nói gì. Tôi vẫn nhớ các vị sư nữ sai các em chạy biến đi rất xa để đem về cho tôi một lon Coca Cola ướp lạnh chẳng rõ ở đâu ra mà có được. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác vừa uống lon Coca lạnh giữa cái nóng như thiêu như đốt của dải đất ven biển miền Trung, vừa trò chuyện với các vị sư nữ bằng thứ tiếng Anh bồi, xung quanh có đám trẻ vây quanh, ồn ào nói chuyện với một giọng nói líu lo như chim hót.
Chỉ chưa đầy một năm ở VN (hình như thế, tôi phải hỏi lại) rồi rút, nhưng những mẩu vụn kỷ niệm, hình ảnh, giấy tờ vv ông vẫn giữ, và cất riêng trong một ngăn kéo mà không mấy khi ông giở ra. Rồi một ngày đẹp trời cách đây 2 năm, vì một sự rất tình cờ, ông trở lại VN với một vai trò hoàn toàn khác – người điều phối chương trình Plus 3, học kỳ ở nước ngoài cho sinh viên của ĐH Pittsburgh – ông lẩn thẩn mở lại ngăn kéo cũ, và quyết định một mình (cùng cô con gái 23 tuổi) ra Nha Trang để tìm lại ngôi chùa nơi có ngôi trường ấy.
Thật không ai ngờ, ông đã tìm được, dù đó là một câu chuyện khá dài. Hình như ông đã xem việc tìm thấy ngôi trường cũ và những con người cũ là một kỳ tích, một achievement quan trọng của cuộc đời nhà giáo, nhà sử học của ông.
Cuộc tìm kiếm rất dài dòng mệt mỏi, nhưng tôi sẽ không làm mất thời gian của các bạn nữa. Điều đáng mừng là “phía bên kia”, những người mà ông đi tìm, cũng nhớ về ông rõ như ông nhớ về họ, sau suốt hơn 40 năm trường đầy biến động. Thậm chí còn có cả 6 người học trò cũ của ngôi trường ấy đến gặp ông. Họ nhìn tấm hình mà ông đã giữ hơn 40 năm, và xác định ngay họ là ai trong tấm hình ấy.
Xin kết thúc entry này bằng đoạn kết luận rất cảm động của ông về cuộc hạnh ngộ này:
Sau 41 năm, tôi kể cho họ (những người mà ông đã gặp khi tìm lại ngôi trường) rằng tôi vẫn nhớ đám trẻ con luôn chạy ra đón tôi khi tôi đến, luôn mồm reo hò và la hét một cái gì đó, mà tôi chẳng hiểu là chúng đang nói cái gì. Giờ đây tôi biết rằng họ cũng rất nhớ tôi, nhớ những chuyến viếng thăm với bụi đỏ mịt mù của mùa khô phủ dày lên bộ quần áo lính phong sương của tôi. Tôi biết rằng mỗi lần tôi đến nơi là các vị sư nữ lại bảo đám trẻ con chạy ra để đón mừng tôi. Họ bảo, họ đã chạy ùa ra, la hét ầm ĩ như tôi vẫn nhớ, và reo lên: “Ông Mỹ tới!” “Ông Mỹ tới!”
“Ong My toi!” chúng reo lên như thế khi thấy tôi, “Ong My toi!” “Mr. American is coming! Mr. American is coming!” Sau suốt 41 năm dài, giờ đây tôi đã biết tôi là “ông Mỹ”.
Vâng, ông Mỹ đã đến, và đã trở lại. Còn tôi, thì tôi nhớ về một câu hỏi rất chân thành của một người đồng nghiệp ở ĐH Thái Nguyên – cùng thế hệ của tôi, hơn tôi vài ba tuổi – trong dịp tôi đến Thái Nguyên hồi cuối năm rồi: “Tại sao hai miền Bắc Nam lúc ấy lại đánh nhau để làm gì nhỉ?”
Tôi nhớ, tôi đã nhún vai, và trả lời, hơi cay đắng một chút: “Tôi không có câu trả lời anh ạ! Có lẽ câu trả lời phải để các anh tự tìm lấy."
Nhưng thực ra, có lẽ đã từ rất lâu rồi, tôi không bao giờ không nghĩ đến câu hỏi ấy. Để hôm nay, viết về ông, tôi lại thêm một lần tự hỏi, không biết đến bao giờ mới có ai đó đưa ra môt câu trả lời chính thức mà các bên đều thấy là thỏa đáng đây?