Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Nhân đọc “Đôi lời với PGS TS Nguyễn Ngọc Điện”

Như các bạn đọc của bloganhvu đều biết, trên blog này tôi ít khi đăng lại bài từ nơi khác. Theo tôi, đó là một việc làm hơi thừa, vì không làm tăng lượng thông tin sẵn có trong không gian thông tin công cộng.

Nhưng thỉnh thoảng cũng có những ngoại lệ, khi những bài mà tôi đăng lên tình cờ gần như trùng khớp với những ý nghĩ của tôi. Trong trường hợp ấy, sự đăng lại trước hết có ý nghĩa là một sự đồng cảm với tác giả bài viết mà tôi đăng lại. Hơn nữa, nó cũng là một cơ hội để tôi có cơ hội xem xét luận điểm của chính mình và củng cố hoặc bổ sung, điều chỉnh nó.

Ví dụ như bài mà tôi sẽ đăng lại dưới đây, sau mấy lời tâm sự thêm của tôi. Sự trùng khớp về ý tưởng giữa tôi và bài viết ấy bắt đầu ngay từ cái tựa, vì tôi cũng muốn có “Đôi lời với PGS TS Nguyễn Ngọc Điện”. Xin nói thêm, tôi và PGS TS Nguyễn Ngọc Điện có biết nhau vì là đồng nghiệp của nhau, trước đây đã có lúc cùng ở chung một đại học lớn. Phải nói thêm, tất nhiên tôi với anh là khác ngành, và tất nhiên là anh nổi tiếng hơn tôi rất nhiều.

Cũng như một số người khác đã viết khi đọc bài viết của anh Điện, tôi cũng khá mến mộ anh, như một trí thức học nhiều, hiểu rộng, và có trách nhiệm đối với những vấn đề của xã hội, đặc biệt là qua những bài viết trên Tuổi Trẻ.

Nhưng bài viết mới đây của anh thì tôi có những điểm không đồng tình. Cũng là một người thích viết lách, tôi hiểu đôi khi người cầm bút có thể rơi vào những rủi ro, diễn đạt không thành công những điều mình muốn nói, đặc biệt là khi đề cập đến những điều đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, như những ví dụ trong bài viết “Không để cái xấu, cái ác lộng hành” vừa đăng trên Tuổi Trẻ của anh.

Tôi muốn nhắc đến hai ví dụ mà anh Điện đã nêu trong phần mở đầu bài viết về “cái ác, cái xấu” của mình. Theo tôi, hai ví dụ ấy không thể nào để chung vào cùng một loại được. Vụ gài mìn tại nhà vị giám đốc công an tỉnh rõ ràng là một vụ ám hại, lén lút và bí mật. Còn vụ nổ súng chống lại cưỡng chế thu hồi đất thì theo tôi nó rất giống sự chống trả vì tự vệ. Tất nhiên, sự chống trả ấy rõ ràng là sai, nếu xét theo luật. Nhưng sâu xa hơn, ở đây còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi đã ra quyết định thu hồi đất với những điểm dường như còn khuất tất khiến những người nông dân chăm chỉ giỏi giang, bám đất, bám biển như anh Vươn phải chống trả bằng bạo lực.

Cũng xin tâm sự với anh: tôi đã rất mong đợi một trí thức được đào tạo bài bản về luật học như anh Điện sẽ lên tiếng về sự khuất tất này, để mọi người có thể có phán đoán chính xác về trách nhiệm của cả hai bên về sự việc đã xảy ra. Nhưng không, anh đã viết:

“Luật pháp được xã hội đặt ra để kiềm chế, ngăn chặn sự bùng phát, hoành hành của thứ bản năng tiêu cực ấy và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của bộ máy nhà nước.”

Và:

“[…] muốn trật tự, sự bình ổn trong xã hội được duy trì vững vàng, một trong những điều tối cần thiết là các cơ quan thực thi pháp luật phải thực hiện chức năng được giao phó có hiệu quả. Đặc biệt, các vị trí chuyên môn phải tích cực, tận tụy với công việc; chủ động và nhạy bén trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật; không lơi lỏng, xuề xòa; luôn tỉnh táo và đứng vững trước mọi thách thức, đe dọa, cám dỗ; chấp nhận đương đầu và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác.”

Thực sự, tôi không dám chắc là tôi đã hiểu đúng ý anh. Nhưng có vẻ như anh đang kêu gọi nhà nước hãy trấn áp thật mạnh mẽ những hành động “bản năng ứng xử hoang sơ” (lời của anh) theo kiểu anh Vươn – mà anh cho rằng cũng chẳng khác gì hành động của những kẻ khủng bố, “giang hồ” như một tờ báo nào đó đã (lỡ lời) đặt cho anh Vươn – như thể đó là giải pháp duy nhất để xã hội bình ổn hơn. Nếu quả đúng như vậy, tôi xin được phản biện lại anh: theo tôi hiểu, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy nơi nào/ lúc nào mà nhà nước cần sử dụng nhiều nhất sự cưỡng chế bằng bạo lực nhằm đem lại “trật tự, bình ổn trong xã hội", thì nơi đó/ lúc đó sự bất ổn tiềm ẩn cũng là cao nhất.

Vì vậy, những chính sách và quyết định của một nhà nước thực sự giỏi luôn luôn là những chính sách, quyết định hợp lòng dân, khiến người dân tự nguyện thực hiện mà hoàn toàn không cần đến sự cưỡng chế. Điều này tôi nghĩ không hề khó đối với nhà nước ta, vốn là một nhà nước đặc biệt có kinh nghiệm vận động nhân dân qua hai cuộc kháng chiến với tất cả những hy sinh, gian khổ.

Vài lời với anh như vậy, anh Điện ạ. Hy vọng nó sẽ được anh để mắt đến, và mong được nghe đôi lời đáp lại của anh. Còn dưới đây là bài viết mà tôi xin đăng lại vì rất chia sẻ với tác giả.

-----------------
Đôi lời với PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện
http://caulongbachai.multiply.com/journal/item/19446/19446

Trong bài: Không để cái xấu, cái ác lộng hành đăng trên báo Tuổi trẻ 9/1/2012, tôi rất đồng tình với ông về cái tựa. Nhưng cách đặt vấn đề của ông hình như có chút khiên cưỡng.

Thứ nhất: ông đã đánh đồng việc nổ mìn tại nhà giám đốc công an tỉnh với vụ việc của gia đình anh Vươn. Sự so sánh này sẽ hướng bạn đọc nghĩ gia đình anh Vươn là một băng nhóm xã hội đen, đồng nghĩa với một ổ nhóm trộm cướp!

Nguyên văn:
TT - Vụ nổ mìn tại nhà một giám đốc công an tỉnh làm chấn động dư luận những ngày qua. Cách đó ít hôm, vụ mâu thuẫn trong cưỡng chế thu hồi đất dẫn đến làm trọng thương một số nhân viên công lực cũng tạo ra tác động xã hội tương tự.

Thứ hai: ông nói: Con người vốn là một loài động vật và luôn có xu hướng tự nhiên hành động theo bản năng. Để giải thích nguồn gốc của cái xấu, cái ác. Tôi cũng không đồng tình với việc viện dẫn này, vì tôi cho rằng con người sinh ra là lương thiện và cái xấu cái ác không hề tiềm ẩn bên trong bản năng, mà nhiễm phải từ xã hội bên ngoài. Trong trường hợp này, không phải tất cả con người đều hành xử theo bản năng.

Thứ ba: không hiểu ông GS muốn dạy dổ công dân như trên giảng đường hay sao mà dùng toàn những lý luận và học thuật cao siêu rườm rà rắc rối. Tôi là người ít học nên suy nghĩ đơn giản hơn:

Trong một xã hội, chính pháp luật là cái xương sống giử cho xã hội đó phát triển lành mạnh. Vậy thì tại sao bạo lực tràn lan như bây giờ không chỉ: “chuyện cãi cọ trong những trường hợp mâu thuẫn xoay quanh việc tìm kiếm lợi ích.” Mà còn do luật pháp không nghiêm minh, không được thực thi đúng nghĩa với phương châm: Sống và làm việc theo pháp luật. Một ví dụ cụ thể là vụ gia đình anh Vươn, nếu hành xử đúng pháp luật chính quyền phải giao đất 20 năm, tức theo lời TS. Đặng Hùng Võ thì phải đến năm 2017 mới đến hạn trả lại cho nhà nước. Nếu chính quyền làm đúng thì việc manh động có xảy ra không? Tôi chắc là không.

Giờ hãy thử làm con tính, theo như người em của anh Vươn khai: gia đình còn mắc nợ cả chục tỷ đồng tiền đầu tư vào khu đất ấy. Ta khoanh lại món nợ chỉ 5 tỷ thôi. Thử tính; vay ngân hàng với lãi suất 21%/năm. Cứ mỗi tháng gia đình anh phải trả lãi 105 triệu đồng. Thí dụ như gia đình chấp nhận hành xử theo đúng trình tự pháp luật, tức tạm tuân theo lệnh trả lại đất rồi mới đi khiếu nại theo đúng trình tự pháp luật thì trong bao lâu sẽ được giải quyết? Và trong thời gian đó, đồng hồ của ngân hàng vẫn cứ chạy chứ đâu có dừng lại mà chờ phân xử. Ai sẽ chịu thanh toán khoản lãi chứ chưa nói đến trả nợ cho gia đình anh?

Như vậy nguyên nhân dẫn tới việc manh động do không còn niềm tin vào chính pháp luật, cái mà lẽ ra nó phải đứng về phía công lý. Và họ bế tắc.

Như người ta thường nói: Luật của kẻ mạnh! Ngày nào luật còn chưa được hành xử và tôn trọng đúng mực thì ngày đó những hành vi manh động vẫn sẽ còn tiếp diễn. Ở đây tôi cũng không thấy ông GS đề xuất giải pháp nào cho hợp lý, ông chỉ nói chung chung mà ai cũng nói được chứ không cần phải là PGS. TS như ông.

Trích:
(Rõ hơn, muốn trật tự, sự bình ổn trong xã hội được duy trì vững vàng, một trong những điều tối cần thiết là các cơ quan thực thi pháp luật phải thực hiện chức năng được giao phó có hiệu quả. Đặc biệt, các vị trí chuyên môn phải tích cực, tận tụy với công việc; chủ động và nhạy bén trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật; không lơi lỏng, xuề xòa; luôn tỉnh táo và đứng vững trước mọi thách thức, đe dọa, cám dỗ; chấp nhận đương đầu và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác.)

Xin lỗi ông GS, tôi lúc này hơi bị dị ứng với mấy cái chử to đứng trước tên của 1 ngài nào đó. Nếu có gì đụng chạm xin ông thứ lỗi.

12 nhận xét:

  1. GS Điện là mọt sách được đào tạo trong tủ kính XHCN . Lý luận sáo rỗng một chiều ,phải chăng ông đã thần thánh hóa chế độ cộng sản hiện nay.

    Trả lờiXóa
  2. Xin được trích lại một đoạn phỏng vấn do Phạm Thị Hoài thực hiện với GS Hoàng Hưng để hiểu tại sao một con người hơn chục năm trời chăm chỉ lao động, đổ biết bao công sức, tiền bạc thậm chí mất cả con gái yêu lại có hành động phản kháng vượt ngoài tầm kiểm soát như vậy:
    "Tôi muốn nói đến cái lõi của cái lõi: Di sản này được xây đắp trên nền tảng con người cá nhân bị phủ định và thay thế bằng con người công cụ cho những thế lực tích hợp thần quyền với thế quyền. Có nguồn gốc từ hàng ngàn năm chuyên chế của các “Con trời”, di sản ấy được chế độ toàn trị mang danh “Lý tưởng” phát huy một cách hữu hiệu, hoàn thiện một cách triệt để chưa từng có. Phải thừa nhận rằng nền tảng kia đã bị phá tan hoang trong thập kỷ vừa qua, Cái Tôi xổng xích hối hả đòi lại mình bằng mọi giá. Nhưng Thượng đế-Lý tưởng chết toi rồi mà như loài ốc mượn hồn còn để lại cái xác cho Cái Tôi tinh quái núp bên trong thò càng đánh quả. Sự biến dạng quái đản đưa tới hậu quả là Con Người Việt Nam hôm nay đứng trước nguy cơ sa xuống tầng thấp nhất của nhân cách: từ an phận, ích kỷ, giả dối, hèn nhát, vô cảm đến đểu giả, trơ trẽn, gian ác. Cho nên tôi tin rằng di sản của chế độ cũ chỉ có thể vượt qua một cách rốt ráo khi nào đa số người dân tự giác được hai mặt đối lập biện chứng: Quyền Tự Do của cá nhân đối với cộng đồng (mà Nhà nước chỉ là một trong các định chế đại diện), đồng thời Trách Nhiệm của nó đối với cộng đồng (mà pháp luật chỉ là một hình thái mang tính cưỡng chế của khế ước xã hội). Tôi coi tính tự giác hai mặt ấy là bản chất cốt lõi của “Con người mới”. Ta có thể thấy loại người này đang hình thành ngày càng đông đảo, không đến nỗi quá hiếm như nhiều người bi quan. Nhưng để nó trở thành nền tảng vững chắc cho xã hội mới, phải mất ít ra nửa thế kỷ giải độc và dưỡng sinh cho cơ thể dân tộc, mà việc hình thành một chế độ chính trị dân chủ pháp quyền là điều kiện tiên quyết."
    Đã không biết bao lần đắp bờ bị nước làm vỡ anh Vươn tự mình hiểu hơn ai hết thế nào là:"Tức nước-vỡ bờ"

    Trả lờiXóa
  3. Tôi thì cho rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân chỉ có một câu: "Thượng bất chính thì hạ tắc loạn".

    Trả lờiXóa
  4. Tôi không biết cụ thể ông PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện tài cán đến đâu, nhưng đọc những bài viết của ông ta thì thấy rằng ông ta là loại cán bộ sinh ra để bảo vệ chế độ, bảo vệ một nhóm người, chứ không vì quyền lợi của mấy chục triệu thường dân.

    Trả lờiXóa
  5. PGSTS nguyen ngoc dien theo toi nghi ong nay chANG RA GI THU HOI ONG TA NEU NHU GAP TRONG TRUONG HOP CUA ANH VUON BI MAT CON CAI ROI DO TIEN CUA CONG SUC BAO NAM BAY GIO BIDENLAY KO HOI ONG TA XU SU LAM SAO CHAC TOI NGHI THEO ONG TA LA DAP DAU VAO DONG PHAN THOI

    Trả lờiXóa
  6. Tôi thấy Nguyễn Ngọc Điện đã tự mình làm mờ đi 5 chữ cái đứng phía trước tên của ông. Tại sao ông lại vội vàng viết mà không tìm hiểu hoàn cảnh đưa đẩy gia đình anh Vươn vào bước đường cùng như vậy. KHi đọc tiêu đề KHÔNG ĐỂ CÁI XẤU CÁI ÁC LỘNG HÀNH tôi cứ nghỉ ông sẽ lên tiếng phê phán những kẻ cậy quyền, cậy thế, cấu kết xã hội đen, bảo vệ lợi ích nhóm...Phê phán anh em họ Lê ở Vinh Quang đã lợi dụng lòng tin và sự chất phát của những người nông dân, tạo nên cái ác, cái xấu để đưa đẩy một con người hiền lành, tốt bụng, chăm chỉ, cần cù...thành người vi phạm pháp luật nhằm cướp đất của họ. Tôi nghĩ ông già nên lẫn thẫn rồi ông Điên nặng ơi.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi nghĩ các vị suy luận kiểu không phải 0 là 1 (không bênh vực anh vươn, suy ra: bênh vực BBT, bọn cường quyền...). thực ra bài viết rõ ràng đứng ở góc độ trung lập. làm ơn đi mấy ông bà ơi, viết cho báo trong nước, không phải quốc tế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. tôi xin lỗi nhưng quan điểm mập mờ, ko trắng ko đen thì chỉ có 1 loại là hèn thôi bác ạ

      Xóa
  8. Ngày xưa,anh Điện được thầy Trần Thượng Tuấn ký tiếp nhận làm cán bộ giảng dạy ở ĐHCT từ phòng công chứng số 1 TP Cần Thơ (Hình như quyết định được ký vào ngày chủ nhật!)sau khi anh tốt nghiệp tiến sĩ đệ tam ở Pháp.
    Là cán bộ của khoa Luật mới mở, thầy Điện đi dạy lớp luật tại chức ở Trà Vinh.
    Tại Trung Tâm Giáo Dục thường xuyên tỉnh Trà Vinh có anh giáo lớn tuổi hơn tên Nguyễn Thế V hỏi: "Mày dạy luật gì vậy Điện?".
    Thầy Điện bảo: "Dạ e m dạy luật hôn nhân gia đình, luật Công đoàn, luật ..."
    Anh giáo già nói: "sao mày không gom lại hết thành môn ...."luật rừng" cho sinh viên học đỡ mệt?!?!"

    Trả lờiXóa
  9. "Vụ nổ mìn tại nhà một giám đốc công an tỉnh làm chấn động dư luận những ngày qua. Cách đó ít hôm, vụ một người chiếm dụng đất trái phép huy động cả gia đình với sự trợ lực của vũ khí nóng cố thủ trong nhà chống lại lực lượng cưỡng chế thu hồi đất, làm trọng thương một số nhân viên công lực cũng tạo ra tác động xã hội tương tự."
    Đây là bản gốc của đoạn mở đầu bài báo. Sau khi đăng lên chắc do bị phản đối dữ quá nên Tòa soạn mới sửa lại như trên cho nhẹ nhàng hơn.

    Trả lờiXóa
  10. Nế không có tài cán, không có hình dáng ra hồn, nói túm lại là bạn không có gì ngoài chuyện...đang sống, hãy đăng ký làm cán bộ công chức nhà nước. yêu cầu đơn giản, nói gì nghe đó, kêu gì làm đó, biết bợ đít...là đạt tiêu chuẩn.
    Mỗi một việc là mật độ đường không theo kịp phát triển đô thị, gây kẹt xe mà cũng không thằng nào dám nhận, nói lung tung rồi ...thu tiền. toàn 1 bọn đầu đất....

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.