Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

“Có thể viết thành sách”

Lẽ ra thì tôi chưa khai bút, vì còn … làm biếng, do Tết Nhâm Thìn vừa qua gia đình tôi đi du lịch miền Bắc khá dài ngày đến đêm mùng 6 mới về, nghỉ được có một ngày rồi phải đi làm, nên còn muốn thư thả thêm một chút rồi mới viết.

Nhưng hôm nay đọc báo về vụ anh Đoàn Văn Vươn (lại Đoàn Văn Vươn!), phát hiện ra một phát biểu rất đáng chú ý của những vị “có máu mặt” ở Hải Phòng, nên không thể không viết, kẻo quên mất. Một phần của phát biểu ấy đã được đưa lên làm tựa của entry này: [Tôi nghĩ là rất hay,] “có thể viết thành sách”.

Vâng, đó là phát biểu của vị Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Đại tá Đỗ Hữu Ca, về vụ cưỡng chế nhà anh Vươn đấy ạ. Ai chưa đọc, xin đọc ở đây này, trên trang mạng Tin Mới. Xin chép lại một phần ở đây để mọi người cùng đọc:
Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả.

Tôi không rõ mọi người nghĩ gì khi đọc bài phỏng vấn nói trên, còn tôi thì đọc đi đọc lại vẫn thấy … ngỡ ngàng không sao tin được đây là một vị chức sắc của ngành Công an nhân dân nói về chính người dân của mình, những người mà theo ông thì vốn “rất thuần”. Mà nhìn những tấm hình của anh Vươn trên báo chí, đặc biệt là thời trước đây khi anh còn là “kỳ tài Tiên Lãng” thì thấy rõ anh đúng là một nông dân chân chỉ, chỉ biết “côi cút làm ăn, chăm lo nghèo khó” mà thôi.

Bỏ cả một cuộc đời để vun đắp vào miếng đất khai hoang lấn biển của mình, nên nay bị thu hồi một cách bất hợp lý như vậy thì gia đình anh Vươn có phản ứng bạo lực như vậy cũng là hiểu được, mặc dù tất nhiên cách làm như thế là sai. Nếu ngành an ninh và quân đội của ta mà thực sự yêu dân, quý trọng người dân (như trong bài hát “Vì nhân dân quên mình” đấy), thì ông đại tá trước hết phải cảm thấy đau xót khi chính quyền và người dân đã bị đẩy thành 2 chiến tuyến như đã xảy ra mới đúng chứ.

Nhưng không, ông đại tá của chúng ta kể về cuộc đi cưỡng chế (với một lực lượng hàng trăm người trang bị vũ khí, dụng cụ, chia làm mấy toán có phối hợp với nhau chặt chẽ như trong trích đoạn nói trên) xem chừng có vẻ hào hứng, thích thú lắm. Cứ y như thời còn chiến tranh vậy, trong đó “ta” là những ngưởi đi cưỡng chế (hàng trăm người, như đã nói ở trên), và “địch” là … mấy anh nông dân chân đất, với mìn tự tạo và cây súng bắn đạn hoa cải mà hình như đi mua cũng không khó khăn gì là mấy.

Và đã là “ta” với “địch”, thì tất nhiên công thức sẽ phải là “ta nhất định thắng, địch nhất định thua” rồi. Nên chi, mặc dù không bắt được ai, nhưng ông đại tá vẫn rất hài lòng về cuộc “diễn tập” mà theo ông là rất đẹp, rất hay, “có thể viết thành sách”.

Hừ hừ hừ, thế này thì nhà nước công nông của ta nay đã biến người nông dân trở thành lực lượng đối lập với mình rồi hay sao ấy nhỉ? Điều đó có nghĩa là gì, phải chăng đó là sự báo hiệu của thời “dân nổi can qua” rồi đó chăng?

Tôi bức xúc quá. Nói thật, toàn bộ bài phát biểu của ông đại tá tôi thấy không có chỗ nào nghe được. Tệ quá, tệ lắm lắm, thực vậy.

Nhưng dù sao thì tôi cũng đồng ý với ông đại tá một câu, vâng, đúng là câu ấy đấy ạ: Vụ cưỡng chế đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn đúng là “có thể viết thành sách”. Mà không chỉ là “có thể”, chắn chắn nó đã đang được viết lại rồi. Thì đấy, ngay cả báo chí nước ngoài họ cũng đưa tin về vụ này rồi còn gì.

Chỉ mong là sách nếu có viết ra, thì bài học Tiên Lãng sẽ được các vị lãnh đạo thành phố Hải Phòng nói riêng và giới lãnh đạo của VN nói chung tiếp thu cẩn thận. Không phải là tiếp thu công tác cưỡng chế, phối hợp lực lượng ăn ý, đẹp mắt đâu, mà là làm sao cho những vụ như Tiên Lãng không còn xảy ra nữa. Để lấy lại niềm tin của dân, hình như đã rất lung lay từ lâu rồi.

Rất mong được như vậy.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Sài Gòn 28 Tết Nhâm Thìn


Treo cao lên, những lời ước nguyện của mùa Xuân

Hai tám tết, nhưng thực ra là 29 rồi. Vì năm nay không có ngày 30. Cận tết lắm rồi.

Có dịp ra khu trung tâm Sài Gòn sáng nay nên tôi chụp đại vài tấm hình để ghi lại hình ảnh SG cận tết. Hình chụp vào buổi trưa , khoảng 11, 12 giờ, nên SG đầy nắng chan hòa, rực rỡ. Đường phố được trang hoàng với cây xanh, hoa vàng, cờ đỏ. Người qua lại khá đông nhưng có một vẻ thong thả, ung dung vì là ngày tết, chứ không tất tả ngược xuôi, căng thẳng như những ngày trong năm khi kẹt xe.



Nhà thờ Đức Bà, một trong những biểu tượng của Sài Gòn. May mắn thay, biểu tượng này vẫn tồn tại và sẽ mãi mãi tồn tại, hy vọng thế.


Đường sách SG 2012

Chợt thấy thành phố này vẫn có nét đẹp riêng, dù không có khung cảnh thiên nhiên hữu tình như Hà Nội với Hồ Gươm thướt tha liễu rủ, hay Đà Lạt với Hồ Xuân Hương sương khói mơ màng. Cái đẹp của SG là cái đẹp của trí tuệ và sự sáng tạo của con người, với đường hoa vốn chỉ là những chậu hoa đem sắp đặt lại để phục vụ dịp tết, với đường sách cũng là nét sáng tạo riêng rất đặc trưng của SG, không hổ thẹn là nơi đi đầu trong cả nước về tính năng động, nhanh nhạy thông tin, và khả năng kinh doanh cực giỏi.

Café vỉa hè, một nét văn hóa Sài Gòn

Nhớ một câu truyện tiếu lâm tôi nghe trong chuyến đi Thái Nguyên, như sau:

- Có một đoàn phi thuyền 3 chiếc chở các sinh vật từ bên ngoài trái đất bay đến VN thì hết nhiên liệu nên phải đáp xuống mặt đất, 3 chiếc đáp xuống 3 nơi là Cần Thơ (là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước), Sài Gòn (trung tâm thương mại của cả nước), và Hà Nội, thủ đô yêu dấu. Cùng đáp xuống VN, nhưng khi các sinh vật chui ra khỏi phi thuyền thì số phận của chúng hoàn toàn khác nhau.





Rồng, SG style 2012, đủ kiểu

- Ở Cần Thơ, các sinh vật này bị các anh dân quân bắt, và ngay sau đó là … bị làm thịt để chế ra các món nhậu đặc sản. Ở SG, chúng cũng bị bắt, rồi sau đó đưa vào Sở Thú trưng bày, và bán vé thu tiền với giá rất cao để mọi người đến xem, chụp ảnh. Còn ở Hà Nội, thì chúng cũng bị bắt, bị tạm giữ, và 10 ngày sau thì … chết đói. Hỏi tại sao, câu trả lời là như thế này: “Chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến cấp trên xem nên duyệt cho chúng ăn uống theo tiêu chuẩn nào, cán bộ hay thường dân, và nếu cán bộ thì bậc mấy?”




Tiếu lâm, nhưng thật đáng suy nghĩ. Mà đó là truyện tiếu lâm do miền Bắc đặt ra đấy, chứ tôi không thiên vị SG đâu ạ.

Sài Gòn đẹp lắm, SG ơi!



“Người Sài Gòn”, dù có hộ khẩu ở đây, hay chỉ là … du khách. Thành phố mở, luôn mở rộng vòng tay chào đón mọi người.

Nhìn những cảnh SG tưng bừng, lại chạnh lòng nhớ cái đói, cái rét lạnh căm căm ở miền biên giới phía Bắc, với những em bé ở Giền Thàng đến trường phong phanh trong giá rét. Và nhớ Tiên Lãng với gia đình anh Vươn năm nay không nơi nương tựa, không điều kiện sinh sống. Và lòng chùng xuống một chút.

Tự nhiên nhớ đến câu cuối trong một bài hát cũ, “Đêm nguyện cầu”: “Nhà VN yêu dấu ơi, bao giờ thanh bình?”

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

“Dân bất bình”, nguy quá!

“Dân bất bình”, nguy quá!

“Dân bất bình” là một phần của câu nói giờ đây đã nổi tiếng trên khắp cả nước (tôi còn đang ngờ rằng sự nổi tiếng của nó đã vượt ra khỏi biên giới VN rồi, nhưng chưa tìm thấy chứng cứ nên tạm cứ cho là nó chỉ nổi tiếng ở VN) của ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ví dụ như ở đây.

Về câu nói nổi tiếng này, đã có rất nhiều ý kiến phản bác lại rồi, nên lẽ ra tôi không cần có ý kiến gì thêm nữa. Mọi người phản đối nhiều nhất là ở chỗ ông PCT một thành phố lớn như Hải Phòng, thành phố “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” như trong bài hát rất hay có tựa là “Thành phố hoa phượng đỏ”, lại có thể phát ra một câu “trung thoại” mà hình như chẳng có gì có thể gọi là “trung” hay là “hiếu” cả (“trung với nước, hiếu với dân” í mà), vì như ai đó đã nói (hơi nặng lời), ông đã dám “hắt tội cho dân”.

Phản đối thực ra cũng đúng thôi, vì khi ông Trung Thoại nói dân phá nhà ông Vươn, thì đấy là ông nói ai nhỉ? Dân, có nghĩa là bất cứ ai trong số gần 90 triệu công dân VN hiện nay đấy ông Trung Thoại ạ (có thể sẽ phải trừ ra những người đang là “quan” như ông Trung Thoại chẳng hạn). Có người bức xúc quá thậm chí còn vặn lại, vậy nếu sau này gia đình anh Vươn thắng kiện, luật pháp được thực thi, công an điều tra sẽ đi tìm những kẻ đập phá nhà ông Vươn để kết tội, thì sẽ có quyền tìm bất cứ ai là dân để tạm giam và điều tra ư? Cứ thế này thì dân bất bình là phải, ông PCT ạ, nhưng là bất bình ông quan to mà “nói linh tinh” ấy, chứ không phải là bất bình anh nông dân Đoàn Văn Vươn đâu!

Nhưng thôi, cũng phải thông cảm cho ông Trung Thoại, các bạn ạ. Câu nói ấy của ông PCT tỉnh thì cũng chỉ là lỡ lời do bối rối vì bị các nhà báo thúc ép quá phải trả lời thôi. Mà chắc khi ông PCT tỉnh nói thế thì ông cũng nghĩ chẳng có tội gì, vì nói dân tức là chẳng nói ai cụ thể cả, phiếm chỉ ấy mà, có chết ai đâu. Một cách nói trớ thôi, y như lúc trẻ con cãi nhau ấy mà, đứa nào đuối lý thì bèn nói trớ ra cái gì đó để … đỡ bị quê, khỏi mất mặt thôi. Chứ có phải “hắt tội cho dân” như ai đó đã nói đâu, nói thế thì oan cho ông Trung Thoại quá.

Điều đáng lo, theo tôi nó nằm ở chỗ khác cơ. Này nhé, khi ông Trung Thoại nói như vậy, thì hàm ý rất rõ của ông là, ở VN, hoặc ít ra là ở “Hải Phòng thành phố quê … ông” (không phải “Hải Phòng thành phố quê ta” như trong bài hát, vì tôi không phải là dân Hải Phòng), nếu dân có bất bình điều gì thì họ có thể và có quyền dùng bạo lực để trấn áp, và chính quyền cấp thành phố hoặc xem đấy là việc bình thường, hoặc tuy không đồng tình nhưng không thể làm gì được. Đây mới thực sự là điều đáng sợ, thật đấy.

Tất nhiên, khi tôi nói “dân Hải Phòng” ở đây là có ý muốn nói đến một tập hợp nhỏ trong cái tập hợp lớn của những người sinh sống ở Hải Phòng có cái tên chung là dân, chứ những người mệnh danh là "dân” trong câu phát biểu nổi tiếng của ông Trung Thoại phải còn có một số đặc điểm riêng khác nữa thì mới có thể thực hiện được điều ông nói (cụ thể là đập phá nhà của người khác). Những điều kiện ấy tôi hình dung là có vũ khí, có các phương tiện như xe ủi, có các công cụ dùng điện để “cưỡng chế” cá tôm trong đầm, và có lẽ là có cả các mối quan hệ cần thiết nữa để có thể vào được khu đầm hiện còn đang bị phong tỏa và được “nhà nước” cấp huyện hoặc cấp xã quản lý cơ mà.

Chỉ thắc mắc, không rõ những người “dân” mà có được các điều kiện như vậy thì có còn được gọi là dân nữa không, hay là “quan” nhỉ? À nhưng dù có đang là quan thì xuất thân của họ vẫn là dân, và khi hết quan thì lại trở về làm dân, như trong trò chơi “ô ăn quan” mà tôi hay chơi thời còn nhỏ ấy, khi nào mà “ăn” hết quan thì sẽ đến tình trạng “hết quan toàn dân đi về".

Mà cứ nhìn kỹ tình hình đang xảy ra ở Tiên Lãng thì mới thấy hóa ra là ông Trung Thoại đã nói lên sự thật, không uổng công cha mẹ ông đã đặt tên ông là Trung Thoại. Hình như có một loại “dân” nào đó khi bất bình (ví dụ, bất bình vì nhà anh Vươn sao lại được sử dụng đất đai rộng lớn phì nhiêu thế, còn nợ nần với công sức đã đổ ra của gia đình anh thì không xét đến làm gì cho nó … phức tạp) là tha hồ muốn cưỡng chế đất đai là cưỡng chế, muốn bắt vợ con là bắt, muốn phá nhà là phá, rồi sau đó muốn “cưỡng chế cá tôm” bằng cách dí điện thì cũng cứ thế mà cưỡng chế, chẳng ai làm gì được sất. Thì mọi việc đã diễn ra đúng như thế còn gì, mặc cho GS Đặng Hùng Võ có nói gì đi chăng nữa, mặc cho ai đó (dân, nhưng không phải là “dân”, mà chỉ là dân?) có bất bình đi cũng mặc, bất chấp luôn.

Cho nên tôi mới đặt cái tựa của entry này, “dân bất bình, nguy quá”. Nguy thật ấy chứ, vì bây giờ chỉ mới là Hải Phòng thôi, sau này nó lan ra các địa phương khác, thì nguy to, nguy to!

Tự nhiên tôi nhớ một câu trong “Animal Farm” (Trại súc vật) của nhà văn người Anh George Orwell, đại khái là “mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số loài vật thì bình đẳng hơn những con vật khác”. Xin cải biên cho Tiên Lãng để tặng ông Đỗ Trung Thoại: “Mọi người dân đều là dân, nhưng có một số “dân” có đặc tính dân cao hơn những người dân khác”. (Xin nói thêm: hình như đặc tính “dân” ở đây bao gồm quyền sở hữu đất đai, vì ở VN đất đai là thuộc sở hữu của toàn dân mà lại!)

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

“Đông đảo” là đông làm sao?

Entry này tôi viết sau khi đọc (trúng) cái bài viết … hơi kỳ kỳ trên tờ An Ninh Hải Phòng về vụ Tiên Lãng. Kỳ ngay từ cái tựa, vì tôi có cảm giác rằng người phóng viên viết bài ấy … không rành tiếng Việt.

Cái tựa bài viết ấy như thế nào mà không đúng tiếng Việt? Thì đây, bài ấy viết: “Đông đảo người dân bất bình với hành vi vi phạm của Đoàn Văn Vươn”. Chú ý: không những “đông”, mà còn là “đông đảo” nữa cơ đấy. Tôi đọc mà giật thót cả mình.

Vì sao lại giật mình? Này nhé, “đông” tức là “có nhiều ở một nơi”, Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (NXB Văn hóa – Thông tin 1998) bảo thế. Các ví dụ được cung cấp trong từ điển là: nhà đông con, chợ đông người, lớp học rất đông. Chỉ nghe thôi là đã thấy … đông rồi. Xem ở dưới đây này.

Ai ở vào tuổi thế hệ của tôi trở lên đều biết nhà đông con là nhà có đến cả chục đứa con, đứa nào đứa nấy nheo nhóc vì không được sự quan tâm chăm sóc đầy đủ của cha mẹ, vốn còn phải đi bươn chải kiếm ăn. Cái cảnh này hồi xưa mẹ tôi hay nói là tình trạng “con chị cắp con em/ như con mèo con tha con chuột lớn” ấy. Cũng phải thôi, vì số con như thế là gấp đến 5, 6 lần số con 2 đứa mà nhà nước đang kêu gọi người dân Việt Nam nên theo rồi còn gì.

Còn chợ đông người là chợ vào lúc cao điểm giữa phiên chợ, khi lượng người đi chợ là cao nhất, nên phải chen chúc nhau, mồ hôi mồ kê nhễ nhại giữa trời nắng, đến là khổ sở. Lớp đông học sinh thì cũng thế, phải đến 60, 70 chục đứa trong một lớp, cô giáo quản không xuể nên bọn con trai cứ thế mà quậy phá tưng trời, bọn con gái thì nói chuyện rồi cãi nhau ầm ĩ, đến là mệt.

Nói cách khác, “đông” là một từ có hàm ý quá tải. Đường đông xe. Chợ đông người. Lớp học quá đông. Cửa hàng đông khách (cái này thì tốt cho chủ cửa hàng, nhưng chưa chắc đã tốt cho khách, vì phải chờ đợi lâu, phục vụ có thể không được chu đáo hết mình, chưa kể là nơi đông người lại dễ xảy ra mất cắp, móc túi nữa chứ). “Đông”, tóm lại, chẳng có gì là tốt cả. Hèn gì mà nhà nước ta cấm tụ tập đông người nơi công cộng, chứ gì nữa, cứ tụ tập đông người như thế thì dễ xảy ra sự cố lắm, hiểu chửa các vị hay than phiền về việc nhà nước cấm tụ tập?

Nhưng bài báo không chỉ dùng từ “đông”, mà dùng từ “đông đảo”. Gì chứ từ này thì ai cũng rất quen, chẳng cần tra từ điển làm gì cho mệt. Tôi cho lên google để tìm với cú pháp “đông đảo” trong ngoặc kép, thì nhận được những 17.500.000 kết quả, với những câu như “đông đảo cán bộ công chức tham gia bầu chọn …” (bầu chọn cho cái gì thì chắc là ai cũng biết rồi, khỏi cần nêu ra làm gì), “đông đảo nghệ sĩ đến tiễn đưa Hồng Sơn”, “đông đảo người dân vẫn tắm biển buổi sáng bình thường”, “hội tụ đông đảo game thủ” (chẳng rõ đầu có mưng mủ gì không), “nơi tập trung đông đảo giáo viên, sinh viên dạy kèm kết quả cao”, “đua xe đông đảo tại Hồ Gươm”, đại khái thế.

Vậy chứ “đông đảo” khác với “đông” như thế nào? Ừ, đông đảo thì trước hết phải là đông, tức là có nhiều người hơn bình thường. Nhưng khác với đông, nó còn có nghĩa là những người ấy thuộc nhiều thành phần khác nhau nữa. Thì Đại từ điển tiếng Việt cũng xác nhận thế mà lại: “đông đảo = đông người và thuộc nhiều tầng lớp khác nhau”, ví dụ như đông đảo quần chúng tham gia, hoặc lực lượng đông đảo.

Tóm lại, nếu từ đông có hàm ý quá tải vì nhiều hơn mức bình thường, thì đông đảo có hàm ý đại diện cho các thành phần, cho thấy có vai trò tổ chức của ai đó đứng ở đằng sau. Thì đấy: bầu chọn cho Vịnh Hạ Long rõ ràng là có chủ trương, có tổ chức ở trên; đám tang của nghệ sĩ Hồng Sơn chắc chắn là phải có ai đó đứng ra làm ban tang lễ; đông đảo giáo viên, sinh viên dạy kèm ở một trung tâm luyện thi nào đó thì phải có người tổ chức, thu hút người học và ký hợp đồng với người dạy; còn đua xe ư, chắc chắn là phải có mấy tay đầu trò đứng ra tổ chức, nhà nước mà muốn dẹp thì chỉ cần xác định và bắt được mấy tay này thì hội đua xe của chúng tan tác ngay thôi.

Quay trở lại bài viết trên tờ An Ninh Hải Phòng. Bài ấy bảo là đông đảo người dân bất bình về vụ anh Vươn. Chú ý nhé, nó là đông đảo, tức nhiều người đại diện cho nhiều thành phần, mà những người này phải tập trung lại một nơi nào đó cùng một lúc thì mới có thể gọi là đông đảo chứ. Nhưng khi đọc vào bài viết thì thấy có nêu 4 người dân, có tên tuổi đàng hoàng, trong đó có một vị là Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Tiên Lãng và 3 người thường dân khác tuổi từ 49 đến 58 (riêng vị PCT Hội nông dân thì không thấy nêu mấy tuổi), toàn là đàn ông cả, và hình như mỗi người đều ngồi ở nhà mình để chờ phóng viên của báo đến phỏng vấn chứ không phải là họ tụ tập ở … đồn công an chẳng hạn, để bày tỏ quan điểm về vụ anh Vươn.

Lạ quá, đúng không các bạn? Không phải là dân Tiên Lãng, nhưng tôi nghĩ đã nói là “đông đảo”, thì ít ra cũng phải xấp xỉ phân nửa số dân Tiên Lãng có cùng ý kiến với 4 vị được phóng viên nêu ra trong bài. Mà còn phải có nhiều thành phần mới đáng là “đông đảo” chứ, sao lại chỉ có đàn ông tuổi từ 49 đến 58? Hừ hừ, ít ra cũng phải hỏi, thế còn phụ nữ ở đâu chứ? Hay là “thập nữ viết vô”, không cần nhắc đến làm gì? Nhưng nếu thế thì khi bắt anh Vươn anh Quý (em anh Vươn), họ không tha cho vợ con các anh ấy mà lại bắt đi, nghe nói đánh đập tàn bạo lắm và lấy lời khai, ép phải nhận nọ nhận kia gì đấy rồi mới được thả cơ mà?

Nên cứ thắc mắc mãi: chẳng lẽ phóng viên báo ANHP không rành tiếng Việt? Nhưng có không rõ tiếng Việt thì cũng phải biết dùng từ điển chứ nhỉ. Mà từ điển thì đầy ra đấy, đến như con gái tôi mới học cấp 2 thôi cũng còn biết sử dụng, thì lẽ nào một phóng viên trên tờ báo an ninh của một thành phố lớn như Hải Phòng lại không biết dùng, là sao?

Hay là tại vì tiếng Việt đã thay đổi mà tôi chưa kịp cập nhật? Ừ, cuốn từ điển của tôi là từ năm 1998, mấy chục năm rồi còn gì?

Link của bài viết trên báo ANHP đây này: http://www.anhp.vn/VN/TrangChu/TinTuc/VanDeDuLuanQuanTam/2012/1/16/21754/. Các bạn đọc xem rồi cho tôi biết các bạn nghĩ gì nhé.

Vì cho đến giờ tôi vẫn cứ thắc mắc: Đông đảo là đông làm sao?

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

GS Judith Ladinsky vừa từ trần đêm qua

Tôi vừa nhận được tin (qua mail) từ Vietnam Studies Group cho biết GS Ladinsky vừa từ trần tại bệnh viện Trường ĐH Wisconsin – Madison vì một cơn đột quỵ (stroke). Nguyên văn tin (bằng tiếng Anh) như sau:

Dear Friends and Colleagues,

Prof. Judith Ladinsky had a severe stroke recently, and passed away this afternoon at 12:05 pm at UW Hospital. I will keep you informed about memorial service arrangements as things develop. Right now, no more information is available about what kind of funeral or memorial service is being planned. If you wish to offer condolences by email, Judy's sister, Nina Byers (nbyers@ucla.edu), and her son, Mark Ladinsky (ladinsky@caltech.edu) have both said that people should feel free to contact them. Mark said he would be happy to hear from people who Judy worked with in Vietnam and elsewhere, "to learn more about what my mom did for them, their families, and their country."

With sorrow,


GS Judy Ladinsky là một người có rất nhiều đóng góp tích cực cho Việt Nam trong lãnh vực y tế, giáo dục và khoa học. Bà là một trong những người Mỹ đầu tiên sang Việt Nam từ thập niên 1980, rất lâu trước khi 2 nước bình thường hóa quan hệ, và đã giúp đỡ tìm học bổng sau đại học cho hàng trăm giảng viên người Việt từ rất sớm. Tôi cũng may mắn được nằm trong số những người được bà giúp đỡ đi học ở Mỹ, dù chỉ là một khóa ngắn hạn 3 tháng, từ tháng 6/1989 tức cách đây hơn 20 năm rồi.

Những đóng góp lớn lao của bà cũng đã được nhà nước VN ghi nhận. Theo Vietbao,
Ngày 11/7/2007, Bộ Khoa học Công nghệ đã trao tặng Huy chương Vì Sự nghiệp Khoa học Công nghệ cho GS.TS Judith Ladinsky, công dân Mỹ. Huy chương này đã ghi nhận sự đóng góp của bà trong 30 năm qua đối với sự hợp tác khoa học công nghệ giữa nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ.

GS. Ladinsky đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển chăm sóc y tế ban đầu và giáo dục kinh tế ở Việt Nam. Trong đó có việc thực hiện 1.800 cuộc thi TOEFL cho các sinh viên Việt Nam muốn đi du học, và chuyển giao công nghệ y tế và đào tạo về phẫu thuật, khám chữa mắt, mammogram, và công nghệ nano.

Bà đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề chăm sóc y tế ở Việt Nam, gần đây nhất là về sốt rét, đái tháo đường và viêm não Nhật Bản.

Tham tán Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Y tế của Đại sứ quán Hoa Kỳ, ông Nathan Sage, đã ghi nhận công lao của GS. Ladinsky đối với nhân dân Việt Nam.

Theo ông Nathan sage, Nhờ tâm huyết lâu dài, sự cống hiến và đóng góp của bà đối với nhân dân Việt Nam, quan hệ Mỹ-Việt đã được cải thiện ở cả hai bờ Thái Bình Dương. Bà đã đến Việt Nam 101 lần kể từ năm 1980.

Đến nay, GS. Ladinsky đã được trao tặng 5 huy chương của Chủ tịch nước Việt Nam, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.


Xin đọc thêm ở đây: http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Bo-Khoa-hoc-Cong-nghe-tang-huy-chuong-cho-mot-nguoi-My/20717989/188/

Những ai đã từng quen biết, làm việc, hoặc nhận sự giúp đỡ của GS Ladinsky, xin gửi lời chia buồn đến gia đình bà theo địa chỉ mail đã nêu trong phần thư tiếng Anh ở trên. Và cũng xin báo cho những người khác có liên quan biết và chia buồn cùng gia đình bà.

Và xin được cầu nguyện cho linh hồn bà sớm về nước Chúa.
---

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Nhân đọc “Đôi lời với PGS TS Nguyễn Ngọc Điện”

Như các bạn đọc của bloganhvu đều biết, trên blog này tôi ít khi đăng lại bài từ nơi khác. Theo tôi, đó là một việc làm hơi thừa, vì không làm tăng lượng thông tin sẵn có trong không gian thông tin công cộng.

Nhưng thỉnh thoảng cũng có những ngoại lệ, khi những bài mà tôi đăng lên tình cờ gần như trùng khớp với những ý nghĩ của tôi. Trong trường hợp ấy, sự đăng lại trước hết có ý nghĩa là một sự đồng cảm với tác giả bài viết mà tôi đăng lại. Hơn nữa, nó cũng là một cơ hội để tôi có cơ hội xem xét luận điểm của chính mình và củng cố hoặc bổ sung, điều chỉnh nó.

Ví dụ như bài mà tôi sẽ đăng lại dưới đây, sau mấy lời tâm sự thêm của tôi. Sự trùng khớp về ý tưởng giữa tôi và bài viết ấy bắt đầu ngay từ cái tựa, vì tôi cũng muốn có “Đôi lời với PGS TS Nguyễn Ngọc Điện”. Xin nói thêm, tôi và PGS TS Nguyễn Ngọc Điện có biết nhau vì là đồng nghiệp của nhau, trước đây đã có lúc cùng ở chung một đại học lớn. Phải nói thêm, tất nhiên tôi với anh là khác ngành, và tất nhiên là anh nổi tiếng hơn tôi rất nhiều.

Cũng như một số người khác đã viết khi đọc bài viết của anh Điện, tôi cũng khá mến mộ anh, như một trí thức học nhiều, hiểu rộng, và có trách nhiệm đối với những vấn đề của xã hội, đặc biệt là qua những bài viết trên Tuổi Trẻ.

Nhưng bài viết mới đây của anh thì tôi có những điểm không đồng tình. Cũng là một người thích viết lách, tôi hiểu đôi khi người cầm bút có thể rơi vào những rủi ro, diễn đạt không thành công những điều mình muốn nói, đặc biệt là khi đề cập đến những điều đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, như những ví dụ trong bài viết “Không để cái xấu, cái ác lộng hành” vừa đăng trên Tuổi Trẻ của anh.

Tôi muốn nhắc đến hai ví dụ mà anh Điện đã nêu trong phần mở đầu bài viết về “cái ác, cái xấu” của mình. Theo tôi, hai ví dụ ấy không thể nào để chung vào cùng một loại được. Vụ gài mìn tại nhà vị giám đốc công an tỉnh rõ ràng là một vụ ám hại, lén lút và bí mật. Còn vụ nổ súng chống lại cưỡng chế thu hồi đất thì theo tôi nó rất giống sự chống trả vì tự vệ. Tất nhiên, sự chống trả ấy rõ ràng là sai, nếu xét theo luật. Nhưng sâu xa hơn, ở đây còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi đã ra quyết định thu hồi đất với những điểm dường như còn khuất tất khiến những người nông dân chăm chỉ giỏi giang, bám đất, bám biển như anh Vươn phải chống trả bằng bạo lực.

Cũng xin tâm sự với anh: tôi đã rất mong đợi một trí thức được đào tạo bài bản về luật học như anh Điện sẽ lên tiếng về sự khuất tất này, để mọi người có thể có phán đoán chính xác về trách nhiệm của cả hai bên về sự việc đã xảy ra. Nhưng không, anh đã viết:

“Luật pháp được xã hội đặt ra để kiềm chế, ngăn chặn sự bùng phát, hoành hành của thứ bản năng tiêu cực ấy và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của bộ máy nhà nước.”

Và:

“[…] muốn trật tự, sự bình ổn trong xã hội được duy trì vững vàng, một trong những điều tối cần thiết là các cơ quan thực thi pháp luật phải thực hiện chức năng được giao phó có hiệu quả. Đặc biệt, các vị trí chuyên môn phải tích cực, tận tụy với công việc; chủ động và nhạy bén trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật; không lơi lỏng, xuề xòa; luôn tỉnh táo và đứng vững trước mọi thách thức, đe dọa, cám dỗ; chấp nhận đương đầu và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác.”

Thực sự, tôi không dám chắc là tôi đã hiểu đúng ý anh. Nhưng có vẻ như anh đang kêu gọi nhà nước hãy trấn áp thật mạnh mẽ những hành động “bản năng ứng xử hoang sơ” (lời của anh) theo kiểu anh Vươn – mà anh cho rằng cũng chẳng khác gì hành động của những kẻ khủng bố, “giang hồ” như một tờ báo nào đó đã (lỡ lời) đặt cho anh Vươn – như thể đó là giải pháp duy nhất để xã hội bình ổn hơn. Nếu quả đúng như vậy, tôi xin được phản biện lại anh: theo tôi hiểu, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy nơi nào/ lúc nào mà nhà nước cần sử dụng nhiều nhất sự cưỡng chế bằng bạo lực nhằm đem lại “trật tự, bình ổn trong xã hội", thì nơi đó/ lúc đó sự bất ổn tiềm ẩn cũng là cao nhất.

Vì vậy, những chính sách và quyết định của một nhà nước thực sự giỏi luôn luôn là những chính sách, quyết định hợp lòng dân, khiến người dân tự nguyện thực hiện mà hoàn toàn không cần đến sự cưỡng chế. Điều này tôi nghĩ không hề khó đối với nhà nước ta, vốn là một nhà nước đặc biệt có kinh nghiệm vận động nhân dân qua hai cuộc kháng chiến với tất cả những hy sinh, gian khổ.

Vài lời với anh như vậy, anh Điện ạ. Hy vọng nó sẽ được anh để mắt đến, và mong được nghe đôi lời đáp lại của anh. Còn dưới đây là bài viết mà tôi xin đăng lại vì rất chia sẻ với tác giả.

-----------------
Đôi lời với PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện
http://caulongbachai.multiply.com/journal/item/19446/19446

Trong bài: Không để cái xấu, cái ác lộng hành đăng trên báo Tuổi trẻ 9/1/2012, tôi rất đồng tình với ông về cái tựa. Nhưng cách đặt vấn đề của ông hình như có chút khiên cưỡng.

Thứ nhất: ông đã đánh đồng việc nổ mìn tại nhà giám đốc công an tỉnh với vụ việc của gia đình anh Vươn. Sự so sánh này sẽ hướng bạn đọc nghĩ gia đình anh Vươn là một băng nhóm xã hội đen, đồng nghĩa với một ổ nhóm trộm cướp!

Nguyên văn:
TT - Vụ nổ mìn tại nhà một giám đốc công an tỉnh làm chấn động dư luận những ngày qua. Cách đó ít hôm, vụ mâu thuẫn trong cưỡng chế thu hồi đất dẫn đến làm trọng thương một số nhân viên công lực cũng tạo ra tác động xã hội tương tự.

Thứ hai: ông nói: Con người vốn là một loài động vật và luôn có xu hướng tự nhiên hành động theo bản năng. Để giải thích nguồn gốc của cái xấu, cái ác. Tôi cũng không đồng tình với việc viện dẫn này, vì tôi cho rằng con người sinh ra là lương thiện và cái xấu cái ác không hề tiềm ẩn bên trong bản năng, mà nhiễm phải từ xã hội bên ngoài. Trong trường hợp này, không phải tất cả con người đều hành xử theo bản năng.

Thứ ba: không hiểu ông GS muốn dạy dổ công dân như trên giảng đường hay sao mà dùng toàn những lý luận và học thuật cao siêu rườm rà rắc rối. Tôi là người ít học nên suy nghĩ đơn giản hơn:

Trong một xã hội, chính pháp luật là cái xương sống giử cho xã hội đó phát triển lành mạnh. Vậy thì tại sao bạo lực tràn lan như bây giờ không chỉ: “chuyện cãi cọ trong những trường hợp mâu thuẫn xoay quanh việc tìm kiếm lợi ích.” Mà còn do luật pháp không nghiêm minh, không được thực thi đúng nghĩa với phương châm: Sống và làm việc theo pháp luật. Một ví dụ cụ thể là vụ gia đình anh Vươn, nếu hành xử đúng pháp luật chính quyền phải giao đất 20 năm, tức theo lời TS. Đặng Hùng Võ thì phải đến năm 2017 mới đến hạn trả lại cho nhà nước. Nếu chính quyền làm đúng thì việc manh động có xảy ra không? Tôi chắc là không.

Giờ hãy thử làm con tính, theo như người em của anh Vươn khai: gia đình còn mắc nợ cả chục tỷ đồng tiền đầu tư vào khu đất ấy. Ta khoanh lại món nợ chỉ 5 tỷ thôi. Thử tính; vay ngân hàng với lãi suất 21%/năm. Cứ mỗi tháng gia đình anh phải trả lãi 105 triệu đồng. Thí dụ như gia đình chấp nhận hành xử theo đúng trình tự pháp luật, tức tạm tuân theo lệnh trả lại đất rồi mới đi khiếu nại theo đúng trình tự pháp luật thì trong bao lâu sẽ được giải quyết? Và trong thời gian đó, đồng hồ của ngân hàng vẫn cứ chạy chứ đâu có dừng lại mà chờ phân xử. Ai sẽ chịu thanh toán khoản lãi chứ chưa nói đến trả nợ cho gia đình anh?

Như vậy nguyên nhân dẫn tới việc manh động do không còn niềm tin vào chính pháp luật, cái mà lẽ ra nó phải đứng về phía công lý. Và họ bế tắc.

Như người ta thường nói: Luật của kẻ mạnh! Ngày nào luật còn chưa được hành xử và tôn trọng đúng mực thì ngày đó những hành vi manh động vẫn sẽ còn tiếp diễn. Ở đây tôi cũng không thấy ông GS đề xuất giải pháp nào cho hợp lý, ông chỉ nói chung chung mà ai cũng nói được chứ không cần phải là PGS. TS như ông.

Trích:
(Rõ hơn, muốn trật tự, sự bình ổn trong xã hội được duy trì vững vàng, một trong những điều tối cần thiết là các cơ quan thực thi pháp luật phải thực hiện chức năng được giao phó có hiệu quả. Đặc biệt, các vị trí chuyên môn phải tích cực, tận tụy với công việc; chủ động và nhạy bén trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật; không lơi lỏng, xuề xòa; luôn tỉnh táo và đứng vững trước mọi thách thức, đe dọa, cám dỗ; chấp nhận đương đầu và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác.)

Xin lỗi ông GS, tôi lúc này hơi bị dị ứng với mấy cái chử to đứng trước tên của 1 ngài nào đó. Nếu có gì đụng chạm xin ông thứ lỗi.

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Người Hoa và lịch sử đàng trong

Đã từ lâu tôi luôn quan tâm và muốn tìm hiểu rõ hơn về lịch sử đàng trong, trong đó có vai trò của người Hoa. Sự quan tâm này bắt nguồn từ ngày tôi học lớp 6 ở trường Gia Long, một ngôi trường “đậm đà bản sắc Nam bộ”. Ngày ấy, ở SG có hai trường nữ trung học lớn là Gia Long và Trưng Vương, với sự phân chia (không chính thức) như sau: Trưng Vương là trường “Bắc”, đa số giáo viên (thời ấy gọi là “giáo sư”) và học sinh là người Bắc, nói tiếng Bắc, theo văn hóa Bắc. Còn Gia Long thì là trường “Nam”, với giáo viên và học sinh Nam, nói tiếng Nam, và theo văn hóa Nam.

Còn tôi, là người gốc Bắc, nhưng lại học trường Nam, nên từ năm lớp 6 đã thấy mình sao khác mọi người. Một sự khác biệt rõ rệt. Đặc biệt, tôi nhớ lớp 6-1 của tôi thời ấy có rất nhiều bạn người Việt gốc Hoa, và học rất giỏi (đa số sinh sống ở quận 5). Những cái tên đọc lên là đã thấy rõ nguồn gốc người Hoa của họ: Lâm Liễu Phương, Quán Thục Dinh, Trương Thể Hà … (tôi chỉ còn nhớ có vài tên như vậy).

Những người bạn gốc Hoa ấy có những thói quen về lời ăn tiếng nói, sinh hoạt, những suy nghĩ, những giá trị rất khác những gì tôi biết từ cộng đồng người Bắc di cư nhỏ bé mà tôi vẫn tiếp xúc từ nhỏ đến lúc ấy (11, 12 tuổi). Quả là một cuộc hội nhập văn hóa, trong đó tôi là thiểu số, và buộc phải hội nhập, còn nền văn hóa “chính thống” là văn hóa của những bạn người Nam, trong đó có nhiều người gốc Hoa. Những thói quen nghe cải lương, xem hát bội, thờ Quan công, cúng ông Táo vv là những gì tôi mới được tiếp cận lần đầu khi bắt đầu vào trường Gia Long. Sự khác biệt rất lớn và rõ nét ấy khiến tôi cứ tò mò mãi về nguồn gốc văn hóa đa dạng của người Việt nam, về đàng trong đàng ngoài, và về ảnh hưởng của các nền văn hóa bên ngoài đến lịch sử lập quốc của đất nước.

Theo tôi nhớ thì chương trình lịch sử của bọn tôi đến lớp 9 vẫn chưa học (hoặc chưa học kỹ) về lịch sử cận đại của VN, mặc dù thỉnh thoảng qua các môn học khác như địa lý hoặc văn học (hồi ấy gọi là môn Giảng văn) thì bọn tôi cũng thỉnh thoảng được nghe đề cập sơ qua. Nhưng bà chị tôi thì lúc ấy đang học cấp 3 (thời ấy không gọi như vậy, mà gọi là trung học đệ nhị cấp, còn bọn tôi cấp 2 thì là trung học đệ nhất cấp), và phần lịch sử đàng trong được học rất kỹ. Tôi nhớ chị tôi hay bàn bạc, tranh luận về lịch sử với những người bạn của mình, trong đó rất hay đề cập đến đàng trong, với những cái tên như Mặc Cửu, Dương Ngạn Địch, với làng Minh Hương, với phong trào “phản Thanh phục Minh” của cựu thần nhà Minh vào thế kỷ 17, vv. Và rất tò mò, muốn mau lên cấp 3 để được học thêm, tìm hiểu thêm nhiều nữa.

Tiếc một nỗi là khi tôi lên cấp 3 thì … “giải phóng”. Chương trình thay đổi khá nhiều, đặc biệt là các môn khoa học xã hội và nhân văn. Lịch sử các lớp 10, 11 học gì tôi không còn nhớ nữa, nhưng chắc chắn lớp 12 thì chỉ tập trung học (rất nhiều, rất chi tiết) về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng tuyệt nhiên là trong suốt chương trình sử cấp 3 hoàn toàn không thấy nói gì đến lịch sử khẩn hoang miền Nam và mở cõi ở đàng trong của nhà Nguyễn. Nhắc đến nhà Nguyễn thì chỉ thấy toàn là “bán nước” mà thôi, còn mở nước thì chẳng thấy đâu.

Rồi sau khi “giải phóng” được một vài năm, vấn đề người Hoa ở VN lại nổi lên – phải nói là nổi cộm – một lần nữa. Trước hết là mấy vụ “đánh tư sản”, đa số trúng vào người gốc Hoa ở VN. Tôi nhớ năm ấy lớp tôi có một bạn người gốc Hoa, nhà ở đường Trần Quang Khải Quận 1, tên có hai chữ cụt ngủn là Trần Huệ. Bạn Huệ bảo, hồi sinh ra cha mẹ định đặt tên bạn là Trần Huệ Hương, nhưng không hiểu viên thư lại ghi chép thế nào mà khi khai sinh in ra chỉ còn có chữ Trần Huệ, đành chấp nhận làm tên luôn (ở nhà vẫn gọi là Huệ Hương). Bạn Huệ người mảnh mai, cao 1,70m, tức là rất cao so với thế hệ của tôi, mắt một mí, da trắng, ăn nói chậm rãi dễ thương, hơi giống tài tử Hồng Kông thời ấy (hoặc nữ diễn viên Hàn Quốc bây giờ).

Năm bọn tôi học lớp 11, 12 gì đó (khoảng năm 1976-1977) thì đánh tư sản, có mấy bạn  đi học mà đầu tóc rối bời, mặt mày thờ thẫn, thỉnh thoảng lại kể vài câu về việc các “cán bộ” kiểm kê đóng chốt tại nhà bạn ấy, lục tung đồ đạc để kiểm kê tài sản, ghi biên bản và tịch thu …. Tôi vẫn nhớ, có bạn đem vào trong lớp một vài cuốn sổ chép nhạc (nhạc vàng), chép thơ, nhật ký của mình thời cũ, gửi bạn bè trong lớp giữ giùm vì sợ bị tịch thu mất. Nhớ lại, vẫn cảm thấy rùng mình với ký ức của một thời ấu trĩ đã qua – mà không rõ nó đã thực sự qua chưa nhỉ?

Rồi lên đại học, năm thứ nhất lại nổ ra vụ “nạn kiều” và người Hoa “di tản” sang Trung Quốc. Tôi cũng chẳng rõ cái vụ này thực sự là như thế nào; hình như chưa có tài liệu chính thức nào của VN nói rõ ràng về điều này cả. Nhưng theo những gì tôi biết qua những sự việc xảy ra cho bạn bè cùng lớp, cùng khóa thì sự kiện này cũng có tác động rất lớn và làm lung lạc ý chí của rất nhiều người Việt gốc Hoa. Lúc ấy trong khóa của tôi, lớp tiếng Nga (tôi là tiếng Anh) có một bạn trai tên là Bành Văn Tín (hay Bành Trung Tín) gì đấy, tôi quên rồi, là Đoàn viên, cán bộ Đoàn (hình như Bí thư Đoàn khoa), nhưng là người gốc Hoa, nên đến năm thứ 4 dù học giỏi nhưng không được giữ lại trường, và có vẻ lận đận lắm. Bạn Tín vốn tháo vát, vui vẻ, mau mồm mau miệng, nhưng đến lúc ấy thấy trầm hẳn, ít nói, mặt buồn buồn, rồi về sau tôi không còn thấy đâu nữa, chẳng rõ có ra trường hay đã nghỉ học từ trước. Một thời loạn lạc.

Và rồi sau này, ra trường đi dạy, tôi vẫn còn nhiều dịp được tiếp xúc với những gia đình người Việt gốc Hoa. Có một dạo tôi dạy tiếng Anh vào buổi tối ở Trường Tân Trang Quận Tân Bình, giáp ranh Quận 11, có nhiều học trò người gốc Hoa. Có một cô học trò rất quý tôi, hay rủ tôi đến nhà chơi. Vào dịp gần Tết, đến khu nhà người (gốc) Hoa ở quận 11, đa số là người lao động, tôi thấy rất đông đúc, nhộn nhịp, ồn ào, màu đỏ khắp nơi, bàn thờ màu đỏ, đèn màu đỏ trên bàn thờ, Quan công cũng mặt đỏ (râu đen dài), đám múa lân cũng màu đỏ, cờ đỏ rợp trời, tiếng trống gõ, tiếng chập cheng ầm ĩ. Lạ lắm.

Bạn bè tôi cũng nhiều người gốc Hoa. Trong ấy, có nhiều người đã đi định cư ở nước ngoài, với nguồn gốc là công dân Việt. Còn trong số bạn bè còn ở VN hiện nay thì tôi có quen một cặp vợ chồng, cả bên chồng lẫn bên vợ đều bố gốc Hoa mẹ Việt, hai đứa lấy nhau sinh ra con trông y xì là người Hoa 100%: da trắng, mập mạp, mắt một mí, trông không ai bảo là người Việt. Nhưng họ thì hoàn toàn suy nghĩ như Việt, nói tiếng Việt (tiếng miền Nam), viết chữ Việt, đọc sách Việt, thậm chí không biết nói tiếng Hoa, không biết đọc tiếng Trung. Và đối với tôi, cũng như với họ, thì tất cả đều là người Việt Nam, chẳng có một chút phân biệt gì hết, dù nguồn gốc thì khác nhau. Cũng như tôi là người gốc Bắc, nhưng sinh ra và lớn lên ở miền Nam, ăn vị Nam, dùng từ Nam (mặc dù nói theo giọng Bắc).

Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc nhà nước Việt Nam phải nghĩ đến việc viết lại rõ ràng hơn trong lịch sử Việt Nam về vai trò và lịch sử phát triển, suy vong, hội nhập vào văn hóa Việt của các dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay. Và chắc chắn là phải nhìn nhận sự đóng góp của người gốc Hoa trong sự phát triển của đàng trong và của đất nước. Vì nếu để cho dân chúng mù mờ về lịch sử Việt thì sẽ có nhiều hệ quả không ngờ, tôi nghĩ thế. Ít nhất là sẽ không thu phục được nhân tâm, kêu gọi mọi người phát huy hết mọi khả năng để tiếp tục xây dựng đất nước.

Trong entry tới tôi sẽ gửi lên một bài viết mà tôi mới tìm thấy trên mạng về vấn đề tôi vừa đề cập đến. Để lưu cho tôi, và để cho mọi người cùng đọc và chia sẻ. Có lẽ tôi sẽ còn đề cập đến vấn đề này nhiều nhiều nữa trên blog này.
----