Theo định nghĩa ấy, tôi nghĩ GS Ngô Bảo Châu hẳn phải là một anh hùng theo nghĩa số 1, và có thể là nghĩa thứ 3 nữa vì tôi thấy nhà nước cũng rất quan tâm đến thành tích của ông và có tặng thưởng cho ông nhà cửa, huân chương, chức vụ gì gì đấy. Nhưng thực ra, đối với tôi thì mặc dù GS Ngô Bảo Châu là một tài năng không thể chối cãi, nhưng ông cũng chẳng gây cho tôi ấn tượng hay sự mến mộ gì đặc biệt, cho đến khi ông viết bài viết ngăn ngắn ấy, bài "Về sự sợ hãi", liên quan đến vụ Cù Huy Hà Vũ.
(Hượm đã, tôi vừa nhận ra cách viết của tôi thực ra cũng bị ảnh hưởng bởi cách viết của ông trong chính bài viết ấy, dù rằng tôi vẫn luôn phủ nhận vai trò thần tượng của ông đối với tôi. Chà chà, ảnh hưởng của GS NBC có vẻ rất khó tránh, chết thật đấy!)
Trong bài viết của mình, GS Ngô Bảo Châu đã so sánh CHHV như một vị anh hùng. Tôi nghĩ mãi, không rõ là "anh hùng" ở đây được hiểu theo nghĩa nào trong 3 nghĩa nêu trên. Chắc hẳn là không phải nghĩa số 3 rồi. Nhưng vẫn còn lại 2 nghĩa, nghĩa số 1 và nghĩa số 2. Không hiểu GS NBC muốn nói đến nghĩa nào nhỉ? Cái này mà muốn biết thì chắc chỉ có cách duy nhất là hỏi GS Châu thôi. Tiếc là sau bài viết ấy chẳng hiểu sao ông lại đóng mất blog của mình rồi, nên tôi không còn cơ hội để hỏi nữa. Tiếc thật ấy chứ!
Nhưng bài viết của GS Châu cũng đã lâu lâu rồi, và mọi người có lẽ cũng đã hơi quên quên rồi. Nếu cách đây vài ngày trên báo CAND không có bài viết liên quan đến sự ngộ nhận của GS NBC, nhắc lại đúng bài viết vốn đã từng làm nóng dư luận của GS NBC. Bài viết ấy ở đây.
Một bài viết khá thú vị, đặc biệt là vì nó được đăng trên báo CAND. Bởi đây vốn là một tờ báo mà người ta không mong đợi nhiều về sự văn vẻ hoặc hàm lượng tri thức cao. Điều này có hai lý do: đã là báo Công An, thì tin tức hẳn phải tập trung vào những vấn đề lùng bắt tội phạm, vốn mang tính kể lể với nhiều tình tiết cụ thể - đôi khi ly kỳ hấp dẫn, nhưng không đòi hỏi phải đầu tư suy nghĩ; hơn nữa, vì độc giả của tờ báo, nếu không phải là những người làm việc trong ngành an ninh, thì hẳn cũng là những người bình dân chứ chắc là ít trí thức, và điều này cũng đúng với cái tên của tờ báo là công an NHÂN DÂN cơ mà.
Nhưng riêng bài viết này thì khá là văn vẻ, có vẻ có nhiều hàm lượng tri thức, đặc biệt là đoạn đầu tiên, lấp lánh kiến thức về thần thoại Hy Lạp. Các bạn thưởng thức ở dưới đây này:
Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác. Nhân cách ấy, tài năng ấy và tinh thần ấy đã đưa Hector vào bất tử. Chàng trở thành một trong số Chín Hiệp Sĩ Được Kính Trọng để sánh vai cùng Alexander đại đế, Julius Caesar, vua Arthur, hoàng đế Charle-magne…
Sau phần mở đầu rất hoa mỹ nói trên, phần còn lại của bài báo có vẻ như là nhằm kết luận 2 việc: GS NBC viết như thế là không đúng; TS CHHV không thể là anh hùng (như nhà báo đã mổ xẻ trong bài - sẽ bàn sau). Cho nên, khi GS NBC viết như thế thì chẳng qua đó là do GS NBC ngộ nhận mà thôi.
Nhưng ngộ nhận là gì nhỉ? Tra tiếp Đại từ điển tiếng Việt, tôi thấy định nghĩa như sau: Ngộ nhận là "Hiểu sai, nhận thức sai". Ra thế, GS NBC tài giỏi thế mà cũng hiểu sai, nhận thức sai cơ đấy. Vì dám xem CHHV là một anh hùng.
Thế tại sao theo nhà báo QT thì CHHV lại không thể là anh hùng? À, quá đơn giản. Ông ấy có những cư xử tầm thường. Ví dụ, phát biểu khi tự ứng cử vào năm 2006, ông dám tự nhận mình là có tài có đức. Điều ấy, theo nhà báo QT, tác giả của bài viết, thật là ... tầm thường; ai lại tự nhận mình như thế cơ chứ?
Nhưng thực ra, tôi thì tôi lại cho rằng ngay cả trong phát biểu ấy thì CHHV cũng thể hiện mình là không tầm thường. Một người bình thường, được nuôi dạy ở VN thì sẽ bị thấm đẫm cái văn hóa khiêm tốn (giả vờ) để không bao giờ tự nhận mình như thế. Nhưng đấy chỉ là giả vờ thôi nhé, chứ có ai tự biết mình không có tài không có đức mà lại vẫn ra tự ứng cử bao giờ? Hay là, ứng cử là do ... tổ chức phân công nhỉ? Nhưng nếu vậy, chẳng lẽ tổ chức chọn sai người, chỉ chọn những người tài hèn đức kém? Làm sao có thể như vậy được, đúng không?
Ngoài phát biểu thiếu khiêm tốn nói trên, thì theo tác giả QT, dường như CHHV lại còn có âm mưu chiếm dụng nhà đất, đoạn tuyệt tình nghĩa gia đình, học hành và làm việc không rõ ràng gì đấy - nhưng những cái này nhà báo chỉ đá qua một chút thôi, không thèm chứng minh. Tôi hơi thắc mắc, vì chỗ này lập luận của nhà báo có vẻ hơi ... làm sao ấy, hao hao giống chiêu "đòn gió" - cứ nói đại một cái gì đó thiếu căn cứ, xong bỏ lửng ở đó, không chứng minh, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tha hồ cho thiên hạ suy đoán, mà mình thì không chịu trách nhiệm, vì tôi có nói gì đâu mà!
Nhưng đoạn thú vị nhất trong bài viết là đoạn chót, cũng với cách viết văn vẻ như đoạn đầu, với những trích dẫn trong thần thoại Hy Lạp, rất "lấp lánh ngôn từ" (cụm này là tôi mượn ngay trong bài báo của tác giả QT đấy):
Ngạn ngữ Hy Lạp nói: "Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần". Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng. Giờ đây, những hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ.
Thực ra, tôi không đọc kỹ bài viết này, vì chẳng quan tâm đến GS NBC hoặc TS CHHV. Vì vậy, tôi hoàn toàn không đọc đoạn chót của bài viết. Nhưng thật thú vị, hôm nay tôi tình cờ đọc được bài viết của GS NVT về việc trích dẫn sai trong bài viết trên. Đại khái, câu gốc (vốn của Euripides) là như thế này cơ: Nếu các thần linh muốn hủy hoại ai đó thì trước hết sẽ làm cho kẻ ấy điên dại. Nhưng tác giả QT lại viết: "Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần".
Trong bài viết của mình, GS Tuấn cho rằng đấy là trích dẫn sai. Còn tôi, tự nhiên tôi nghĩ, hay là nhà báo ... hiểu sai tiếng Anh, tức, theo định nghĩa nói trên, là ngộ nhận? Chẳng hạn, ngộ nhận "gods" là Thượng đế, trong khi thật ra Thượng đế trong tiếng Anh sẽ phải dịch là God. Cái này hẳn là do nhà báo QT vô thần mà, không phân biệt được đa thần với độc thần là như thế nào, nên mới ngộ nhận thế. Và cũng là ngộ nhận nữa khi hiểu rằng "làm cho ai đó điên dại" cũng đồng nghĩa với "biến kẻ ấy thành một vị thần". Chà, riêng cái mục này thì thật khó giải thích tại sao lại có thể ngộ nhận như thế được.
Vì tôi cứ nghĩ, đã là nhà báo thì phải nghĩ kỹ, tìm hiểu kỹ, tra cứu kỹ lưỡng, rồi mới viết chứ nhỉ? Chứ nếu mình cũng hiểu sai - tức là "ngộ nhận", theo định nghĩa của ĐTĐTV mà tôi có trích dẫn ở trên, thì còn nói được gì ai?
Nhưng nếu đó không phải là ngộ nhận, thì nên hiểu đó là gì đây? Là ngụy biện chăng?
Lại phải xem lại định nghĩa của từ này nữa, trên cùng một cuốn từ điển. Ngụy biện là "cố ý dùng lý lẽ, cách bao biện có vẻ rất hợp lý, đúng đắn nhưng thực tế là sai, để rút ra những kết luận sai lầm, dối trá". Hừm, định nghĩa này hơi nặng đấy.
Tôi thì tôi không nghĩ báo CAND lại có thể ngụy biện. Vậy chỉ còn có thể là ngộ nhận thôi. Nhưng đã ngộ nhận, thì rõ ràng không nên nói người khác là ngộ nhận. Vì cái đó cũng giống như câu ca dao trong tiếng Việt: "Chân mình đã lấm bê bê/Còn cầm bó đuốc ...".
A nhưng mà tôi nhớ ra rồi, trong tiếng Anh có câu "it takes one to know one" - dịch nghĩa đen đại khái là "mình phải có vậy thì mới nhận ra người khác cũng vậy" chứ. Hoặc dịch thoát, là "suy bụng ta ra bụng người". Nên nhà báo của CAND nhận ra GS NBC ngộ nhận, vì mình cũng rất hay ngộ nhận.
Có thế thôi mà nghĩ mãi không ra! Chứ làm sao mà báo CAND lại có thể ngụy biện được, phải không nào?
Có ai nghĩ khác, hoặc thấy tôi sai chỗ nào, thì bảo cho tôi biết với nhé!
Kẻ "có âm mưu chiếm dụng nhà đất" liên quan tới nhà lưu niệm nhà văn Xuân Diệu thực ra chính là kẻ khác, mà không chỉ có vụ nhà lưu niệm ở Hà Nội!
Trả lờiXóaXuân Diệu đã từng tá túc ở nhà bà con ở Bình Định trong thuở còn cắp sách đến trường. Thoạt đầu trong âm mưu chiếm đoạt trá hình nhà lưu niệm, chủ căn nhà này được ngồi ghế khách danh dự trong các buổi lễ hội tại địa phương. Rồi họ đề xuất làm nhà lưu niệm ở căn nhà ông ở, với lời nói ngon ngọt rằng "địa phương ta vinh danh nhà thơ Xuân Diệu như một danh nhân văn hóa, thì dòng họ ông cũng được vinh danh. Nghe thì quá bùi tai, nhưng căn nhà bị chiếm đoạt ngay trước mắt chủ nhà: nhà lưu niệm mà lại đập đi xây mới! Còn vinh danh dòng họ ông Xuân Diệu kiểu chi mà di ảnh của cha mẹ chú bác Xuân Diệu bị xếp vào một góc dưới cùng, chỉ có ảnh Xuân Diệu là nằm chỗ trang trọng duy nhất, tít trên cao.
Thế là một ngôi nhà chỉ là nơi Xuân Diệu tạm ở nhờ gần nơi đi học, chẳng phải của cha mẹ ông Xuân Diệu, đã sang tay người khác dưới danh nghĩa nhà lưu niệm Xuân Diệu!
Việc chiếm nhà này ông Cù Huy Hà Vũ biết rõ, và ông CHHV không thể làm ngơ để người ta tái diễn vở kịch nhà lưu niệm Xuân Diệu để đoạt ngôi nhà của ông. Xuân Diệu không có vợ con đã làm di chúc để lại cho Cù Huy Hà Vũ với vai là cậu và cha nuôi. Di chúc có xác nhận của địa phương thì đó là ngôi nhà hợp pháp của ông. Việc tranh chấp ngôi nhà này của ông trong họ có hay không, cũng không có luật nào cho báo chí cái quyền đem ra để vu khống lăng mạ ông Cù Huy Hà Vũ.
Cháu chào cô!
Trả lờiXóaLâu lâu có thời gian cháu lại ghé thăm blog của cô. Cháu đọc trộm nhiều, com ít, nhung rất thích lối viết của cô. Đọc thấy cô trẻ trung, dí dỏm, sâu xa quá cô ạ.Phải nói công lực bút nghiên của cô ngày càng thâm hậu.
Cháu chúc cô và gia đình luôn mạnh khỏe!
Chào bạn Nặc danh,
Trả lờiXóaCám ơn comment dài của bạn, và những thông tin mà bạn chia sẻ.
Langle,
Cám ơn lời khen của cháu. Thỉnh thoảng ghé thăm và "để lại dấu vết" cháu nhé!