Phần 1 (viết ngày 6/1/2011)
Trước khi mọi người đọc tiếp, xin được giải thích một chút. Entry này gồm có 3 phần, được viết tại 3 thời điểm khác nhau.
Phần đầu là phần này, được viết tối hôm qua, khi tôi nghĩ là tôi sẽ hoàn tất ngay được trong buổi tối ấy.
Phần 2 thực ra lại là phần đầu tiên, được bắt đầu vào ngày 8/11/2010 , nhân dịp có một số vấn đề liên quan đến những bloggers Việt, chẳng hạn như blogger Hương Trà bị tạm giam vì tội "vu khống" do những điều cô ấy đã viết có liên hệ đến những người đang làm việc trong bộ máy nhà nước của VN.
Còn phần 3 là phần cuối, được viết hôm nay, khi tôi cố gắng hoàn tất entry đã bị để quá lâu này.
----
Hôm bắt đầu viết entry này vào cách đây 2 tháng, tôi hoàn toàn không có ý định bình luận gì về việc giam giữ các bloggers, mà chỉ là định ghi lại những suy nghĩ tản mạn của riêng tôi về nguyên do tại sao người ta lại viết blog mà thôi.
Nhưng tôi viết dở dang rồi bỗng ngưng lại, để đó mà không kết thúc. Hình như tôi có hơi e ngại vì sợ bị hiểu lầm về động cơ viết entry đó (ví dụ, bị xem là ... có ý chống đối chính quyền), nên muốn viết từ từ và đọc kỹ trước khi đăng lên - một thói quen trái ngược với tính cách "tùy hứng" của tôi). Rồi sau đó thì bận quá nên quên mất, và sau đó thì ... mất hứng vì chuyện đã cũ.
Mãi đến hôm nay (6/1/2011), trong một bữa tiệc để tiễn một người đồng nghiệp của tôi tại cơ quan chuyển công tác sang nơi khác, cái thói quen “chơi blog” của tôi lại được “sếp” tôi nhắc đến. Thực tình, tôi cũng không hiểu rõ sếp tôi nhắc thế là có ý gì không, ví dụ, nhắc nhở tôi cần ... cẩn ngôn hơn, chẳng hạn. Mà nếu ví dụ “sếp” có ý nhắc thì chắc cũng đúng thôi, blog tuy là chốn riêng, nhưng cũng rất công cộng, nên một người trưởng thành và có ý thức thì không được lạm dụng nó và làm ảnh hưởng không tốt đến người khác.
Vấn đề là người ta có thể cảm nhận khác nhau về ảnh hưởng của các “phát ngôn”. Có những điều mình viết vì đinh ninh là không ảnh hưởng đến ai, rồi bỗng nhiên có những người kêu ầm lên là bị ảnh hưởng, thậm chí là ảnh hưởng nghiêm trọng. Biết làm thế nào nhỉ? Nếu vì sợ bị người khác than phiền nên cái gì cũng giữ gìn, "tròn trịa" quá, thì liệu người ta có sẽ mất hết khả năng suy nghĩ độc lập, mất đi cái riêng, và mất đi khả năng sáng tạo hay không nhỉ?
Tôi thì cứ nghĩ đơn giản rằng điều tốt nhất là mỗi người cứ sống đúng như mình, cứ dám là mình, mặc dù cũng đồng thời cố gắng lắng nghe người khác và điều chỉnh dần cho tốt hơn lên cho cả mình và mọi người (bởi vì người ta không chỉ sống một mình). Rồi thì cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, mà chẳng cần gì nhiều, ngoài việc áp dụng phương pháp "thử và sai" và “liên tục cải tiến”, như cuộc sống vốn thế, trong thiên nhiên.
Và tôi tìm lại để viết tiếp entry này. Cũng là một cách "giãi bày" những suy nghĩ của mình đến những ai quan tâm (trong đó có cả "sếp" và các đồng nghiệp của tôi nữa)?
Mọi người đọc nhé, có lẽ cũng ... mua vui được ít phút, cho nó ... đổi món, đỡ ngán vậy mà. Hẳn là đọc blog của tôi phải thú vị hơn ... đọc báo cáo đánh giá chất lượng các trường đại học, chẳng hạn (!!!).
---------
Phần 2 (viết ngày 8/11/2010)
Chẳng rõ thế nào mà dạo này các trang blog (và người viết blogs) gặp nhiều vấn đề quá!
Tôi thực sự không hiểu tại sao có ai đó lại sợ blog. Đã đành là cũng có những trang blog có phong cách chẳng lấy gì lịch sự, thanh cao. Và thông tin từ nhiều trang blogs cũng chẳng có giá trị gì cả, đặc biệt là những thông tin có tính tuyên truyền chính trị, hoặc chửi bới, bôi nhọ cá nhân, vv.
Tôi nhớ, hồi đầu tiên khi có mạng Internet, một điều làm cho tôi rất lo lắng là sự tồn tại của những trang web sex. Lần đầu mới nhìn thấy những trang này, tôi thực sự shocked vì sự dung tục và nhiều khi kỳ quặc, bệnh hoạn của chúng. Và shocked hơn nữa khi có những người tôi quen biết, những người mà tôi tin là ... rất đàng hoàng và hoàn toàn bình thường, lại có những khoảng thời gian gần như là bị nghiện vào web để xem những trang web này.
Những trang web ấy đã từng gây lo lắng, sợ hãi, đau khổ cho các bậc phụ huynh, dẫn đến sự canh chừng, cấm đoán .... Nhưng cũng chẳng được, vì cha mẹ, phụ huynh nào mà có thời gian để canh chừng mãi. Nên đành phải chấp nhận, mặc dù rất không hài lòng. Và tôi cũng đã từng rơi vào tâm trạng lo lắng, khổ sở đó vì có những bằng chứng là những người thân của mình cũng không cưỡng được sự tò mò. Nói tóm lại, xã hội như thế này thì hỏng, hỏng, hỏng!!!!
Rồi sao nữa? Sau một thời gian thì hình như những người tôi quen biết, những người mà tôi đánh giá là đàng hoàng ấy, không ai còn thèm vào những trang "web xấu" ấy nữa. Những trang ấy có lẽ cũng vẫn có người xem, tất nhiên, nhưng dường như mọi người đã xem việc ấy là điều ... bình thường, ừ thì cuộc sống nó thế mà.
Vì bản chất của con người là tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu của mình. Không bằng cách này thì bằng cách khác. Nên ai mà có nhu cầu xem ... "web xấu", thì nếu họ không xem trên web, chắc sẽ tìm cách xem ... ở chỗ khác! Và cũng vậy, với những người viết blog: nếu không có blog, hẳn là họ cũng sẽ tìm được một cách nào đó để thỏa mãn nhu cầu ghi lại và chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của mình. Ví dụ như thời còn đi học ở trung học, tôi và mấy đứa bạn hay viết nhật ký và lâu lâu đưa cho nhau xem (!). Hoặc là thói quen viết "lưu bút" - một thói quen mà tôi thấy vẫn còn tồn tại đến năm 1982 khi bọn tôi tốt nghiệp đại học (cuốn lưu bút ấy hiện nay tôi vẫn còn giữ, sợ chưa!)
-----
Phần 3 (viết vào tối ngày 7/1/2011)
Như thế là tôi vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đã được đặt ra, đó là: vì sao người ta viết blog?
Câu trả lời của riêng tôi là tôi viết đơn giản chỉ vì nó là một phần tính cách của tôi, là một nhu cầu rất căn bản, như ăn khi đói, ngủ khi buồn ngủ. Thậm chí, có thể nói nó giống như nhu cầu thở, không cần suy nghĩ, không phải cố gắng, và không ngừng nghỉ. Vì nếu ngưng thở, thì cũng đồng nghĩa với việc không còn sống nữa.
Tôi viết, vì tôi cần ghi lại những kinh nghiệm, những suy nghĩ, những cảm xúc của chính mình, để khi nào có dịp thì đọc lại, để hiểu chính mình, hiểu cuộc đời, để sửa chữa những gì cần sửa chữa, để nhân rộng những gì cần nhân rộng, và chia sẻ những gì mình biết với người khác, những người cũng có nhu cầu giống như tôi, mà thôi.
Viết như thế, có phải là mất thì giờ vô ích không? Tôi không nghĩ thế. Thực ra, tôi tin rằng từ ngày tôi viết blog, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn (vì nói ra được một phần những gì làm mình nặng lòng, trăn trở), và cũng có vẻ được bạn bè, đồng nghiệp hiểu và thông cảm nhiều hơn.
Đối với những người như tôi, không có blog thì tôi sẽ viết bằng cách khác. Viết nhật ký. Viết tự truyện. Viết tiểu thuyết dựa trên những gì mình quan sát và cảm nhận.
Viết blog – chơi blog, như cách nói của sếp tôi – là một công việc ôn hòa, hiền lành, và có tính xây dựng. Là chủ động góp tiếng nói và sự có mặt của mình đối với cộng đồng. Là đóng góp cho những người có trách nhiệm về những vấn đề mà các bloggers cho là đáng quan tâm dưới góc nhìn cá nhân của mình. Là, thực vậy, góp phần xây dựng một xã hội dân sự, điều rất cần cho sự phát triển của mọi quốc gia, mà đặc biệt là VN trong giai đoạn hiện nay.
Khi làm điều ấy, thì tất nhiên mỗi blogger sẽ làm với phong cách khác nhau. Có người ôn tồn, nhã nhặn, đưa lập luận thuyết phục, đưa những giải pháp hợp lý. Rất tốt. Có người thì bức xúc la lối, chửi rủa vô lễ; cũng có người lại cạnh khóe, mỉa mai, cay độc. Rất dở. Nhưng mà đó cũng là chuyện bình thường thôi, 9 người 10 ý, và chẳng ai giống ai. Cái chính vẫn là họ đã nói lên điều họ quan tâm, tức cung cấp thông tin miễn phí đến những người cần thông tin - chính quyền và báo chí, tức quyền lực thứ tư. Vậy thì phản ứng tốt nhất đối với những người này là cứ để yên cho họ làm, để còn biết đường mà điều chỉnh các chính sách, định hướng xã hội chứ. Cấm họ thì có ai được lợi gì đâu, chưa kể là còn làm cho họ bức xúc thêm?
Và nếu thế, thì tại sao ở một số nơi trên thế giới, người ta không hài lòng với các bloggers? Vì ... bực mình quá vì "chúng" nói cạnh nói khóe, hoặc thậm chí nói thẳng, phê bình mình nặng nề, nên ... bắt cho bõ ghét? Tôi nghĩ, nếu thế thì trẻ con quá. Tất nhiên là các bloggers cũng cần có thái độ đúng đắn và có trách nhiệm, đặc biệt khi nói những điều liên quan đến chính quyền. Đặc biệt là ... nếu không muốn bị bắt (!).
Thật ra thì ở các nước phát triển, báo chí còn tha hồ tự do chỉ trích chính quyền kia, chứ không phải chỉ là trên blog. Còn blogs ư? Nó nhiều quá, đến nỗi chẳng mấy ai đọc, mà gần như chỉ là việc riêng của từng người, hoặc của từng nhóm bạn nho nhỏ. Hoặc là cánh tay nối dài của những người sống bằng nghề viết lách, chẳng hạn như các nhà báo và các nhà giáo, giống như tôi. Để những ý tưởng của mình được phổ biến rộng rãi, để tạo được những trao đổi, tranh luận, để từ đó chân lý sẽ bật ra.
Viết đến đây thì tôi nhớ hiện nay facebook ở VN lại đang bị chặn, không ai vào được. Thì chắc là nó có hại gì đó đối với an ninh của đất nước. Nhưng quả thật cũng chẳng hiểu tại sao lại như thế. Lẽ nào một đất nước hiền lành, một dân tộc thân thiện như VN, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng ta, lại có thể những bất ổn bên trong, và có thể có những kẻ thù rình rập bên ngoài, đến nỗi nhà nước ta phải lo lắng, đến nỗi phải lập tường lửa, phải đánh sập các trang blog, phải chặn facebook như thế?
Tôi không biết, hoặc cũng có thể là không muốn biết. Điều ấy quá phức tạp (và dường như cũng quá nguy hiểm?) đối với tôi, dù giờ đây tôi đã là một bà già ngoài 50 tuổi. Về các vấn đề chính trị thì tôi cảm thấy mình rất giống như Xuân Diệu trong 2 câu thơ ấy:
Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm
Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì!
(Chú thích: yêu ở đây là yêu thơ, và cả yêu blog nữa. Vâng, người ta viết blog có thể chỉ vì lý do đơn giản vậy thôi!)
Blog này là hậu thân của BlogAnhVu đã bị tôi xóa do một số vấn đề kỹ thuật. Như tên gọi của blog, Just for myself, nó chỉ là nhật ký cá nhân, dù ở dạng mở, nhằm ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của chính tôi về những vấn đề xung quanh mình. Vì là nhật ký mở, tôi cũng chia sẻ đến những người đồng cảm, nhưng không chịu trách nhiệm nếu ai đó lấy bài đi và sử dụng ở nơi khác với những mục đích riêng. Nếu có comment, xin sử dụng ngôn từ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng những quan điểm khác biệt.
Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
"dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng ta" Có thống kê hoặc trưng cầu dân ý nào chứng minh không hay chỉ mấy cái loa của đảng? Và đây là một trong những nguyên nhân mà người ta viết blog.
Trả lờiXóaConnect với nhau :))
Trả lờiXóaChẳng hiểu sao cảm thấy rất đồng cảm với Cô, dù chỉ được học Cô 1 lần! chắc tại...blog này!
Trả lờiXóaLâu rồi ko gặp Cô, Nhớ!...lại vào blog Cô đọc!
NBN