Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Vài con số, và một nghịch lý Việt

Lang thang trên mạng, tôi tình cờ đọc được bài "Con số mà biết nói năng" của một blogger nào đó. Bài ấy ở đây.

Rất thú vị, có tác dụng giúp ta giải trí ... lành mạnh, mọi người nên vào đọc cả bài. Còn trong entry này thì tôi chỉ xin trích vài câu thôi:

Sáng nay đọc được cái tin trên báo Thanh Niên: "Hơn 3 triệu bài dự thi về Thăng Long - Hà Nội" trong đó có nêu ra " Sau gần 1 năm phát động, cuộc thi đã nhận được 3.273.479 bài dự thi trên cả nước." Thật là một con số ấn tượng hết sức.

Một năm có 365 ngày, cứ cho là ngày nào, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ các bạn dự thi đều gửi bài đều đều về Ban Chỉ đạo 1000 năm. Thế là mỗi ngày nhận được khoảng 8968 bài. Để mà chấm thi, thì cho rằng mỗi bài phải được 1 vị giám khảo đọc trong 15 phút, vị chi mỗi ngày phải cần tới 134.520 phút chỉ để đọc. Mà thời gian của 1 ngày có nhõn 1440 phút thôi. Vậy là Ban chỉ đạo cần có đến 93.4 vị giám khảo ngồi đọc bài thi không nghỉ ngơi, không ăn ngủ, không đi tè (!), liên tục trong vòng một năm qua. Thật là phi thường, đến siêu nhân cũng chả khỏe thế được.
Thật tức cười, đúng không? Nói theo kiểu trẻ con thời nay hay nói, là "bó tay chấm com", hoặc "hiểu chết liền"!

Tôi cũng nhớ có một vài lần trên các blogs của tôi về những con số, đặc biệt là về những số liệu thống kê của giáo dục VN. Ví dụ như bài này hoặc bài này. Nói chung, có thể tạm kết luận rằng các số liệu thống kê của VN rất là ... trời ơi đất hỡi, vô lý rành rành ra đấy, đến nực cười. Nhưng hình như không ai đọc, hay có đọc mà không thấy là nó vô lý đến chừng nào, tóm lại là đọc mà chẳng hiểu gì "sất"?

Ơ nhưng mà viết đến đây tôi bỗng nhớ ra, người Việt mình nổi tiếng giỏi toán cơ mà? Thì chẳng phải là một nước nghèo như VN mà vẫn có kha khá thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi toán quốc tế đó sao? Và chẳng phải bằng chứng hùng hồn nhất là GS Ngô Bảo Châu đó, giờ đã được nhà nước mời về để xây dựng Viện Toán gì đó thì phải, hòng đưa hình ảnh, vị thế của khoa học VN lên đối với thế giới đó sao? (Well, cần phải mở ngoặc để nói rõ rằng tôi vô cùng trân trọng tài năng của GS NBC và tấm lòng cùng những đóng góp của ông đối với đất nước, chứ không có gì tị hiềm gì đối với ông và những việc ông làm cả).

Vậy chứ sao những con số thống kê ... kỳ cục như thế này lại cứ nhan nhản trên báo chí, truyền thông, rồi cả trong các báo cáo trong các cơ quan nhà nước như thế này? Những số liệu mà trên cơ sở đó các vị lãnh đạo các cấp của ta đưa ra những kết luận về hiện trạng của các ngành, về hiệu quả của các hoạt động, rồi dự báo nhu cầu của người dân, rồi định hướng phát triển của đất nước.

Những định hướng rất rõ ràng, với những chỉ tiêu rất cụ thể. Ví dụ, đến năm ??? sẽ có ??? tiến sĩ, đến năm ??? sẽ có ??? trường đại học, có ??? sinh viên trên vạn dân, có ??? trường đại học lọt vào top ??? trên thế giới, và học sinh, sinh viên trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân sẽ đạt trình độ ??? về ngoại ngữ, để biến tiếng Anh thành thế mạnh của VN (!).

Lại phải nói thêm: tôi cũng chẳng có ý chống đối gì về những chỉ tiêu nói trên, vì xét riêng từng chỉ tiêu thì chúng đều rất tốt, thể hiện ước vọng và quyết tâm cao độ của các vị lãnh đạo. Chỉ có điều, hình như khi thông qua các kế hoạch với các chỉ tiêu như thế này, thì không có ai thắc mắc liệu các chỉ tiêu đó có đạt được hay không với những nguồn lực hiện có. Còn nếu cần phải đầu tư thêm, thì đầu tư bao nhiêu, vào lúc nào, nguồn lực lấy ở đâu ra?

Không một ai thắc mắc cả! Còn số liệu thì cứ chửi nhau chan chát!

Mà người Việt Nam thì nổi tiếng là giỏi toán lắm cơ mà?

Đấy, nghịch lý Việt đấy. Một nghịch lý. Mà dường như không chỉ có một nghịch lý thôi thì phải?

Phải làm gì đây?

À, tôi biết rồi: chúng ta hãy lập kế hoạch phấn đấu phổ cập môn thống kê đến toàn dân. Từ nay đến năm ???, 100% học sinh phổ thông Việt Nam có ... chứng chỉ thống kê sơ cấp, chẳng hạn?

Vậy có được không nhỉ? Rất mong có vị lãnh đạo nào đó đọc và xem xét góp ý này của tôi, để góp phần ... cải thiện chất lượng nhân lực VN (!!!!!!).

(Tất nhiên, như mọi người đều có thể nhận ra, đây chỉ là một entry nhảm nhí!)

6 nhận xét:

  1. Chúc chị PA năm mới 2011 gặt hái nhiều thành công, gia đình hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  2. Năm mới, chúc chị và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc!
    nguyennx

    Trả lờiXóa
  3. Chúc cho giáo dục Việt Nam hiện thực hoá được chỉ tiêu của mình. Chúc cho những mong muốn của cô thành hiện thực trong năm mới, cô và gia đình cô sẽ có nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công!!!

    Trả lờiXóa
  4. Chào mọi người,

    Rất xin lỗi vì đến hôm nay mới cám ơn và trả lời mọi người được. Vô cũng cảm kích vì những lời chúc, và sự động viên, chia sẻ của mọi người.

    Và cũng chúc mọi người - SG, nguyenxn, và ... ? (nặc danh) một năm mới an lành và hạnh phúc.

    Đây cũng là một trong những lý do mà tôi viết blog, các bạn của tôi ạ (xin mọi người đọc entry mới của tôi nhé, nếu chưa đọc). Không gian blog, chẳng phải nó là cây cầu nối gần chúng ta lại với nhau sao?

    Phải chăng đó là lý do khiến facebook trở nên một sức mạnh khiến ai đó e sợ, nhỉ?

    Một lần nữa, năm mới 2011 an lành!

    PA

    Trả lờiXóa
  5. Tình cờ mình vào blog của bạn, và đọc bài viết này. Lời đầu tiên mình xin gửi lời chúc mừng năm mới tới bạn, gia đình và bạn bè bạn một năm mới an khang, thịnh vượng và thành công.
    Mình không có ý kiến gì về nội dung chính bài viết của bạn,về ý các con số mà người ta đưa ra ở đây. Tuy nhiên mình đã học trong môi trường giáo dục ở Việt Nam. Mình biết số liệu này là thật, không dám chắc là 100% nhưng mình sẽ giải thích như thế này:
    Ở HN có bao nhiêu trường phổ thông, với bao nhiêu học sinh thì có lẽ là sẽ có gần tương ứng với ngần ấy bài viết. Mỗi khi có những ngày lễ, những lễ kỷ niễm...thì các thầy cô thường mang cả đáp án xuống cho các lớp tham khảo, chép lại. Cả một tiết học, thường là tiết sinh hoạt ngồi chép, chép được bao nhiêu thì chép nhưng cũng khá dài, vì nếu chép khó coi quá thì sẽ bị đánh lỗi là không chuyên cần.
    Sau khi nhân bài từ mỗi lớp về, các giáo viên chủ nhiệm sẽ tiến hành lọc bài, họ nhìn lướt qua rất nhanh và chọn ra một số bài viết trình bày đẹp, nội dung dài vừa phải. Đó chính là những bài mà người viết tự mình tìm tài liệu, tự mình bỏ công sức ra viết rồi để riêng ra vào vòng của trường.
    Bạn thấy đấy. Mỗi lớp có khoảng 40-50 bài, sau đó lọc ra chỉ khoảng 2-3 bài. Như vậy thì vấn đề chấm đã được giải quyết. Không lẽ bài viết khoảng 2 trang giấy, trình bày cẩu thả mà ng chấm cũng phải để ra 15' để chấm hay sao?
    Bạn thử nghĩ mà xem, để có được giải thưởng cao nhất của cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm vừa rồi, mỗi năm có bao nhiêu triệu bài của học sinh phổ thông đó. Một con số còn lớn hơn cuộc thi viết về đại lễ rất nhiều.
    Mình rất đồng ý với bạn về các chỉ số về kinh tế, giáo dục... nhưng bạn đưa ra con số về bài viết này lại không thể thuyết phục được người đọc.
    Cảm ơn bạn về bài viết này.
    Tanle.

    Trả lờiXóa
  6. Bạn Tanle thân mến,

    Hân hạnh được biết bạn.

    Có lẽ con số bạn đưa ra là đúng nếu cách làm giống như bạn mô tả.

    Nhưng nếu thế thì con số ấy vẫn rất có vấn đề, có phải không? Vì nó không hề có cái ý nghĩa mà người ta muốn gán cho nó.

    Thân ái,

    PA

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.