Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Về việc vào Đảng

Cái tựa của entry chắc chắn sẽ làm cho bạn bè và những người quen biết tôi tò mò; thậm chí sẽ có những người ... nổi giận chửi tôi là ... bồi bút và dối trá; cũng có thể có người ... vui mừng vì tôi đã bắt đầu có ý thức chính trị, là điều hẳn là cần có của một người đang làm trong khu vực nhà nước và có một chút vị trí quản lý (xin làm rõ thêm: một vị trí vô cùng nhỏ, không đáng gì và cũng sắp hết nhiệm kỳ rồi).

Những thái độ này là do tôi luôn tuyên bố không quan tâm đến chính trị và không muốn làm chính trị. Mà ở VN thì chỉ có những người quan tâm đến chính trị và muốn làm chính trị thì mới đọc, suy nghĩ, viết, hoặc nói về Đảng mà thôi. Vậy không quan tâm đến chính trị mà lại nói về việc vào Đảng, là cớ làm sao?

Xin cho tôi được giải thích. Rất tình cờ, sáng nay tôi tìm thấy bài phỏng vấn đã được thực hiện gần 2 năm nay về việc không muốn vào Đảng của nhà văn Võ Thị Hảo. Một bài phỏng vấn rất hay, đặt ra rất nhiều điều đáng suy nghĩ mặc dù theo tác giả của nó thì bài phỏng vấn đã được gửi đến nhiều tờ báo nhưng chẳng có ai phản hồi cả. Nói cách khác, công luận chính thống không xem những vấn đề được nêu trong bài phỏng vấn là đáng quan tâm, hoặc cũng có thể là nó quá ... nhạy cảm nên mọi người muốn lờ đi vì không biết nên phản ứng với nó ra sao.

Bài phỏng vấn đó ở đây này. Tôi tin rằng nó là một bài nên đọc, đặc biệt là đối với những ai yêu Đảng và quan tâm xây dựng nó. Còn dưới đây thì tôi xin trích lại vài đoạn, cùng với những suy nghĩ của tôi về những phát biểu của nhà văn Võ Thị Hảo, và thông qua đó, những suy nghĩ về Đảng Cộng sản Việt Nam:

Tôi về đây được ba tháng, mọi thủ tục bổ nhiệm tôi giữ chức Phó tổng biên tập báo này gần như đã hoàn tất, kể cả việc lấy ý kiến tán thành của tất cả 100% anh chị em trong toà soạn, chỉ còn chờ sự phê duyệt của Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương là xong. Nhưng đến đây vấn đề bị “ách” lại vì tôi không là đảng viên (!?). Trước tình hình này, các cấp uỷ Đảng ở đây có lời đề nghị tôi nên chấp thuận vào Đảng nhưng tôi đã một mực từ chối: “Tôi không vào Đảng để chỉ đổi lấy một cái chức. Nếu mà vào Đảng như vậy thì rất là cơ hội, rất là tồi. Nếu mà quyền lực chỉ để phân phối cho những đảng viên thì Đảng chỉ thu hút được những kẻ cơ hội, những kẻ chỉ vì một miếng mồi lợi, vun vén cho bản thân mình mà thôi! Và như thế thì Đảng sẽ suy yếu, sẽ mọt ruỗng từ bên trong, từ tâm hồn, hành vi của mỗi đảng viên”. Tôi không muốn làm một người như thế. Có những lúc nhiều người đã mời tôi đến cùng ăn với họ một bữa cơm để vận động tôi nên vào Đảng. Tôi rất cảm ơn họ và thật cảm động vì thực sự là họ vì quyền lợi của tôi. Họ nói: “Hảo cần phải ngồi vào một vị trí có quyền lực. Những người như Hảo ngồi vào chức vụ đó thì những kẻ cơ hội sẽ không thể chen chân vào đó được”. Cho đến tận giờ tôi vẫn thầm cảm ơn họ. Có lúc tôi cũng định đồng ý vào Đảng cho xong vì thực sự muốn quản lý một tờ báo, muốn làm cho nó phát triển thì mình phải có một vị trí, một chút quyền lực nhất định mới có thể làm được. Nhưng tôi không thể tự lừa dối lòng mình được.

[...]

Bố mẹ tôi là những người cộng sản nòi. Bố tôi tham gia Cách mạng đồng chí Hội từ năm 1929, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1931 cho đến bây giờ. Mẹ tôi vào Đảng từ năm 1934, là đảng viên mãi cho đến lúc cụ mất. Các anh em ruột của bố mẹ tôi đều là những người khá giả và đều đã từng bỏ tiền nhà mình ra để hoạt động cách mạng. Và thời đó, họ đã hy sinh cho một lý tưởng, lý tưởng giải phóng cho những người bị áp bức, bóc lột, đem lại công bằng, tự do cho xã hội. Thời đó, đa phần những trí thức cũng vậy. Còn bây giờ thì khác, bây giờ vào Đảng là... Tôi không phê phán gì ai vào Đảng mà theo tôi, bây giờ vào Đảng là tự dối chính mình. Phải sống làm sao để mình trọng được mình. Đấy mới là quan trọng. Nếu bản thân mình không trọng mình thì mình sẽ không yêu mình được. Không yêu mình được thì không thể yêu người khác được.

Hai đoạn tôi trích ở trên là những đoạn gây cho tôi ấn tượng mạnh nhất về nhà văn Võ Thị Hảo, đồng thời làm nổi bật những vấn đề mà tôi cho là những người có vị trí quyết định trong Đảng hiện nay nên thực sự quan tâm. Về đoạn đầu tiên, tôi thấy hoàn toàn đồng cảm, đặc biệt là điều trăn trở cho rằng nếu mình muốn thực sự có tác động gì đó (ở đây là đóng góp cho những điều tích cực) thì trước hết mình cũng cần một ít quyền lực. Vì tôi cũng đã từng trải qua nhiều ngày suy nghĩ như thế: nên vào Đảng để làm được nhiều hơn cho công việc chung. Nhưng cuối cùng, tôi cũng vẫn thấy hình như có cái gì đó không ổn, có một chút dối trá, một chút ... lươn lẹo trong cái lập luận đó của chính tôi.

Tại sao lại dối trá và lươn lẹo nhỉ? Nói thẳng ra, là vì như thế này: tôi không tin vào lý tưởng cộng sản như một chân lý tuyệt đối, và tôi vì vậy tôi không sẵn sàng "nguyện suốt đời trung thành với lý tưởng cộng sản", là điều mà tôi đoán rằng các đảng viên khi làm lễ kết nạp sẽ phải tuyên thệ. Nếu tôi có vào (đây chỉ là giả thuyết, là câu điều kiện loại 3 trong tiếng Anh), thì chắc tôi cũng chỉ xem đó như một công cụ cho phép tôi đạt được những tính toán, cân nhắc của tôi để được thăng tiến trong nghề nghiệp mà thôi. Một việc làm, nói gì thì nói, cũng sẽ được tất cả mọi người (nói theo ngôn ngữ chính trị của đảng là "quần chúng") nhìn nhận đó trước hết là vì lợi ích riêng, chứ chẳng thể nào nhận vơ rằng đấy là vì cái chung được. Ai mà tin, và làm sao mà tin nổi, khi một người vào Đảng vì một cái chức vụ dang chờ mình, mà lại nói là mình vào chỉ vì mình muốn đóng góp cho cái chung, vào vì người khác?

Nói một chút về từ "quần chúng". Chẳng biết mọi người thì sao, chứ tôi thì cực ghét cái từ này, vì nó có hàm ý ngạo mạn, xem mọi người là một đám đông vô thức cần được dẫn dắt, chỉ có mình (tức các đảng viên và những người sắp được kết nạp vào đấy) mới sáng suốt, có ý thức, và vì thế mới được làm lãnh đạo. Tôi nghĩ, thái độ này có thể sẽ làm cho (một số) trí thức xa rời, xa lánh Đảng. Nếu Đảng muốn có sức thu hút hơn, muốn làm cho mình thực sự mạnh một cách bền vững, tức là có những đảng viên có tri thức thực sự, và gắn bó với "quần chúng", với "nhân dân" thực sự, do dân và vì dân, thì chắc là phải thay đổi một số quan điểm và cả ngôn ngữ của Đảng, thì mới có sức thu hút nhiều hơn.

Còn nếu không, tôi e rằng hiện nay tình trạng sẽ là, ai vào Đảng thì cứ vào, their problem, chẳng qua là họ muốn vào đấy để đạt được một mục đích riêng mà thôi. Ví dụ, họ vào vì muốn được bổ nhiệm những chức vụ quan trọng, thì cũng giống như muốn lấy vợ Công giáo thì anh phải (giả vờ) theo đạo. OK, đó là lựa chọn của anh, đường anh anh cứ đi, còn thì quần chúng người ta cũng có những lựa chọn và những con đường của họ, anh đi đường anh tôi đường tôi!

Tôi không nói là cứ hễ là đảng viên thì không tốt (chính ra, về mặt chính thống thì trong xã hội ta, by default thì đảng viên đương nhiên phải tốt hơn quần chúng đấy ạ). Thôi thì không tranh cãi ai đúng ai sai, hãy cứ tạm chấp nhận là ở đâu cũng vậy, sẽ có người tốt hay người xấu, dù họ có là đảng viên hay không, nhưng mà nếu thế thì đảng viên đâu có khác gì ai đâu nhỉ? Cũng là những lựa chọn, cân nhắc cho cuộc đời riêng của mình mà thôi!

Tôi muốn quay lại đoạn trích thứ hai của nhà văn Võ Thị Hảo. Nhà văn nói về cha mẹ mình, những đảng viên cộng sản nòi. Tôi cũng tin, như nhà văn đã tin, là những vị ấy là những người có lý tưởng. Thì đã rõ: họ phải hy sinh cho lý tưởng của mình, trước mắt họ chẳng được gì cho bản thân khi vào Đảng, mà chỉ thấy bị mất mát thôi, thế nhưng họ vẫn vào. Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với nhà văn rằng với cái cách gắn việc vào Đảng với những "phần thưởng" cụ thể như được quy hoạch để bổ nhiệm các chức vụ quan trọng, thì đảng viên thời nay đã hoàn toàn mất đi điều kiện để hy sinh vì lý tưởng rồi. Đảng đã tước mất của họ cơ hội để rèn luyện, để chứng tỏ với "quần chúng" rằng họ là một giai cấp ưu tú hơn.

Dưới mắt "quần chúng" như tôi thì họ vào đó thì Đảng sẽ cho họ được chức vụ, được trở thành giai cấp lãnh đạo, được tổ chức giáo dục, che chở, bảo vệ kể cả khi có sai lầm, lại được cung cấp những thông tin mật mà quần chúng sẽ chẳng bao giờ được cung cấp hoặc chỉ được cung cấp sau mà thôi. Cho nên, tôi hoàn toàn thông cảm với nhà văn VTH khi nói rằng đôi khi cũng nghĩ đến việc vào cho rồi, vì đã muốn làm gì thì cũng cần một chút quyền lực để có thể làm được điều mình muốn làm. Nhưng nếu thế, thì đảng viên nếu không làm tốt hơn người khác thì thật mới là khó hiểu, còn làm tốt thì chẳng có gì đáng phục cả; ngược lại nếu họ làm không tốt bằng quần chúng thì thật vô cùng đáng trách, vì họ đã được tổ chức đầu tư biết bao nhiêu (bằng tiền thuế của dân, nhớ nhé!) để trở thành những người lãnh đạo cơ mà!

Cơ chế của chúng ta hiện nay khiến cho chỉ có các đảng viên mới được có quyền lợi chính trị thực sự (nói theo một cách nào đó là họ được độc quyền yêu nước, còn quần chúng như tôi thì không). Chỉ có họ mới được là đại biểu quốc hội (hơn 90%), được tham gia các đại hội đảng cấp dưới để bầu ra những đại biểu tham dự đại hội Đảng cấp trên --> đại hội Đảng toàn quốc, vốn là sự kiện chính trị quan trọng nhất để định đoạt tương lai của đất nước. Chứ người dân như tôi thì có quyền gì đâu, cho nên đại hội Đảng quan trọng thế mà một người có học (ừ thì cũng có bằng sau đại học, cũng đi dạy học) như tôi cũng chẳng quan tâm gì mấy, vì có nói gì thì rồi cái cơ chế ấy nó vẫn chạy theo những nguyên tắc vận hành riêng (đối với tôi là hơi bí hiểm) của nó, thì tôi quan tâm để làm gì?

Có lẽ nãy giờ tôi nói hơi lòng vòng, lộn xộn. Xin tóm lại như thế này: tôi thấy đảng viên ở VN hiện nay là một giai cấp đặc quyền đặc lợi, vì nếu bạn làm việc ở những cơ quan thuộc nhà nước mà không phải là đảng viên thì chỉ là công dân hạng hai (thực ra mọi việc lúc này cũng đã có những thay đổi, nhưng mà rất chậm). Tuy vậy, hình như cái đặc quyền đặc lợi đó hiện nay cũng không phải là quá hấp dẫn đối với tất cả mọi người, vì vẫn có người không muốn vào như nhà văn Võ Thị Hảo, hay ... như tôi. Nếu những người không muốn hoặc không thể vào là những thực sự kém cỏi, hoặc tầm thường, thì Đảng không có gì phải suy nghĩ. Nhưng nếu đó là những trí thức, những người có tâm huyết, có năng lực, ví dụ như nhà văn Võ Thị Hảo (tôi chẳng quen biết gì, chỉ biết tên chứ thậm chí còn chưa biết mặt), mà họ không muốn vào, thì Đảng nên xem lại cách thu hút Đảng viên mới của mình.

Và quan trọng hơn nữa, nếu vì họ không phải là đảng viên, nên dù họ có tốt mấy thì Đảng cũng sẽ không bổ nhiệm những chức vụ quan trọng cho họ, mà sẽ đưa vào đấy những đảng viên dù hơi kém hơn một chút, thì liệu như thế Đảng có đang sử dụng nhân lực tốt nhất để xây dựng đất nước hay không? Chắc là không. Những người có tài, có tâm huyết nhưng không vào Đảng vì lý do nào đấy, nhưng vẫn sẵn sàng làm trong khu vực nhà nước để đóng góp, mà Đảng không sử dụng (vì không chịu vào Đảng) thì đồng nghĩa với việc đẩy họ ra ngoài, làm việc cho những công ty tư nhân hoặc nước ngoài, vậy có phải là Đảng đang hành động tốt nhất cho lợi ích của dân tộc như Đảng vẫn "tâm nguyện" hay không?

Cũng chỉ là mấy câu hỏi lan man, hơi vớ vẩn nhưng thẳng thắn của tôi, nhân dịp tôi đọc bài phỏng vấn mà thôi. Nếu Đảng có quan tâm và đọc đến, thì cũng xin xem đấy là đóng góp của tôi cho đại hội Đảng lần thứ XI, sắp diễn ra trong vài ngày tới. Nếu tôi nói sai hoặc phiến diện, xin mọi người cứ trao đổi cho tôi hiểu rõ hơn. Còn nếu không ai quan tâm, thì cũng chỉ như bất kỳ entry nào khác, tôi viết để ghi lại những thắc mắc của tôi mà thôi. Biết đâu 10, 20 năm nữa đọc lại, thì mọi việc đã thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn?

À mà tôi đang hết sức tò mò tự hỏi, ở các nước người ta tham gia các đảng phái chính trị như thế nào nhỉ? Chắc là không giống VN một chút nào cả. Việc riêng hoàn toàn, và không ai dám hỏi đến cho đến khi họ đã trở thành chính khách thực sự, chứ không thể nào lại là chuyện mà tất cả mọi người làm trong cơ quan nhà nước đều phải nghĩ đến như VN hiện nay, chắc là thế. Chính ra, VN là một cái case hết sức độc đáo, có khi phải có nhà khoa học chính trị (political scientist) làm một nghiên cứu đến nơi đến chốn để mọi người cùng hiểu, phải không?
-------
Cập nhật ngày 23/1/2011

Bài viết này của tôi đã nằm trên blog này khá lâu rồi, và cho đến nay tôi cũng đã viết entry khác (tức là entry này đã cũ). Nhưng cho đến nay mỗi ngày tôi vẫn thấy có người vào đọc nó, và thỉnh thoảng vẫn có người comment. Điều này cho thấy entry này thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Nhưng có một điều bất ngờ đối với tôi là bên cạnh mối quan tâm về vấn đề chính mà tôi nêu ra (vào Đảng), thì entry này có vẻ lại có nhiều người quan tâm và phản ứng hơn về mấy câu có liên quan đến đạo Công giáo, mà tôi xem là "di sản tinh thần" của chính mình.

Như các bạn có thể thấy, đã có những người phản ứng với mấy câu đó của tôi, qua các comments đôi khi phải nói là khá gay gắt. Và hôm nay tôi nhận được email của một người bạn cũ với lời khuyên là lẽ ra không nên đề cập đến những điều đó. Một người bạn mà tôi quý trọng, một người đồng đạo.

Thực sự như tôi đã nói trong các comments, tôi không có ý đả kích bất kỳ ai trong entry này, lại càng không có ý định đả kích đạo Công giáo mà tôi đã xem là "di sản tinh thần" của chính tôi. Tôi cũng có những lý do để đề cập đến những điều liên quan đến đạo Công giáo, vì nó là sự nối dài của những suy nghĩ và tranh luận mà tôi đã có với những người tôi quen biết và có đọc blog này. Tôi đã viết rất chân thành với chính mình và không ngại bị ai lên án hay kết tội gì cả - vì có lẽ ai cũng hiểu rằng để hiểu cả một con người mà chỉ dựa vào mấy câu thì hẳn là không thể đúng được.

Nhưng nếu những câu tôi nói ra - thể hiện suy nghĩ của chính mình, một kiểu tự phản tỉnh - mà một cách nào đó đã vô tình xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của mọi người thì quả thật đó là điều mà tôi hoàn toàn không muốn. Vì vậy, sau khi nhận được góp ý của bạn tôi thì tôi đã remove những dòng ấy đi và không còn thấy trên entry này nữa. Mặc dù tôi vẫn để lại những comments có liên quan đến phần đã được remove, vì nó có tính lịch sử của nó, và cũng là để tỏ sự tôn trọng những người đã đến đọc và bỏ công nhận xét, phản ứng, dù đôi lúc không mấy nhẹ nhàng.

Trên hết, xin cám ơn mọi người đã đọc và trao đổi, dù ý kiến có trái ngược nhau. Đáng mừng là trang blog này của tôi cũng tạo ra được một diễn đàn nho nhỏ để mọi người chia sẻ những suy nghĩ thẳng thắn về những vấn đề của cuộc sống xung quanh.

Một điều mà hình như cho đến nay vẫn chưa có nhiều trong xã hội của ta thì phải? Mà tinh thần thẳng thắn tranh luận trong hòa bình, trật tự và thượng tôn pháp luật thật cần thiết biết bao cho sự phát triển của đất nước này?

Chúc các bạn một ngày chủ nhật hạnh phúc.

26 nhận xét:

  1. Chọn lựa cũng là quyền của mỗi người. Theo tôi, nếu bạn là người tốt, thì ở đâu, trong môi trường nào bạn cũng sẽ tốt. Mong bạn vui, khỏe để luôn sống có ích!

    Trả lờiXóa
  2. Trời đang vào mùa lạnh,thấy chị PA viết nhức nhối quá ,làm vết thương lòng tôi đau đớn thêm!!!

    Trả lờiXóa
  3. Chào bạn Cỏ Tranh,

    Cám ơn lời chúc của bạn. Vâng, lựa chọn là quyền của từng cá nhân, bạn nhỉ. Chỉ có điều, người nào có trách nhiệm lựa chọn cho cả người khác, cho toàn dân tộc, thì phải sáng suốt để tránh sai lầm. Nếu không, sẽ đắc tội với cả dân tộc.

    Anh Cà Tửng,

    Rất tiếc làm anh đau đớn với vết thương lòng. Anh có thể chia sẻ nhiều hơn không? Biết đâu vết thương sẽ nhẹ đi?

    Trả lờiXóa
  4. >ở các nước người ta tham gia các đảng phái chính trị như thế nào nhỉ? Chắc là không giống VN một chút nào cả<

    Đúng thế. Vào đàng là muôn tham gia sinh hoạt chính trị. Tức là bạn chọn làm chính trị như một nghề câu cơm thay vì học thuốc làm y sĩ, hoc kỹ thuật làm kỹ sư. Chì có tại các nước độc tài mới cần vào đảng để xây dựng quyền lực cá nhân. Vì đã biết rằng không là đảng viên thì cuộc đời mãi mãi là con số không!

    Nhưng muốn cải hóa tệ nạn này thì phải càng nhiều người tốt tham gia vào đảng thì bạn mới có cơ may dùng quyền lực của mình để thay đổi cơ chế hiện tại. Có vậy cái xấu mới bị tiêu trừ và cái tốt sẽ được nẩy nở.

    NẾU BẠN CHƯA DIỆT ĐƯỢC NÓ THÌ HÃY TẠM CHUNG SỐNG VỚI NÓ

    Luật tiến hóa đã cho thấy không chủ thuyết nào mãi tồn tại với thới gian -không ngoại lệ-

    Trả lờiXóa
  5. Chào chị,tôi cũng là một người làm trong cơ quan nhà nước và cũng là người công giáo "được thừa hưởng" như chị. Đọc bài của chị thấy - thú thật hơi khó chịu trong người - vì sự lập luận của chị về Đạo Công Giáo và Đức Thánh Cha. Thiên Chúa cho con người quyền tự do để theo và không theo Ngài. Với tư cách là người công giáo mà chị có những lời lẽ không mấy thiện chí như thế thì có nên hay không? Việc chị tin hay không tin là quyền của chị nhưng không được dừng những lời lẽ "thiếu suy nghĩ" để bài xích Đạo Công giáo. Cho tôi hỏi: Chị có còn nhận Thiên Chúa là Chúa của chị nữa không? Nếu có thì chắc chị phải xem lại, còn ngược lại thì tôi không còn ý kiến gì nữa.

    Trả lờiXóa
  6. Bạn Nặc danh 11:00 ngày 11/1/2011 thân mến,

    Tôi hiểu nỗi bất bình của bạn, vì khi một điều gì mình xem là thiêng liêng mà có ai chạm đến thì sẽ hết sức khó chịu.

    Thực sự tôi không có ý định bài xích ai, cả đảng viên hay người công giáo cũng vậy. Tôi đưa ví dụ về đạo công giáo để chứng minh là ngay cả với tư cách một người có đạo tôi cũng có thể nhận ra những điểm chưa hoàn toàn hợp lý trong tín lý của mình thôi. Còn niềm tin thì nó là một lựa chọn, và nó là việc riêng của từng người bạn ạ.

    PA

    Trả lờiXóa
  7. Bài của cô rất hay. Có lẽ nhiều người cũng suy nghĩ thế nhưng chưa có điều kiện viết ra. Hầu như đa số mọi người hiện nay vào Đảng không vì lý tưởng mà vì quyền lợi sẽ được hưởng. Ví dụ một tiến sỹ được thăng chức Phó khoa mà chưa là Đảng viên thì sẽ mau chóng được kết nạp vào Đảng để hợp thức hóa,....

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn chị đã phúc đáp. Tuy nhiên, với hiểu biết nông cạn của mình về Đạo Công Giáo. Tôi hiểu chị có "những điểm chưa hoàn toàn hợp lý trong tín lý". Não trạng con người chỉ có thể suy luận theo ý thức của con người còn Thiên Chúa vẽ những đường tròn, đường cong mà con người không thể biết được. "Phúc cho ai không thấy mà tin" chắc với ai đó thì thật hoang đường. Nhưng đó là điểm khác biệt căn bản giữa "hữu thần" và "vô thần", mà trong trái đất này đang có hơn 1/5 dân số tin theo trong đó có tôi, gia đình tôi và cả ông bà cụ sinh thân ra chị. Niềm tin của họ đơn giản lắm, không nhiều chữ như tôi và chị. Dù sao tôi sẽ cầu nguyện cho chị và cả cho tôi nữa. Thân chào chị

    Trả lờiXóa
  9. chào chị,em là người ko theo đạo,gia đình có nhiều người là đảng viên.Nhưng em biết chắc họ ko vào vì có tình cảm gì với đảng hay để lên chức mà đơn giản vào cho nó xong chuyện, đỡ bị người ta để ý dòm ngó,thắc mắc.Có lẽ vì vậy mà bố mẹ em mặc dù rất muốn đóng góp nhưng họ ko thể làm được gì nhiều. Em nhớ câu thơ này "Tài cao phận thấp chí khí uất.Giang hồ mê chơi quên quê hương".Lúc nhỏ em vẫn tự hỏi sao nhiều người về năng lực ko bằng bố mẹ mình nhưng họ rất giàu có thành đạt còn nhà mình thì ko.Giờ lớn rồi mới hiểu.Vì bố mẹ chỉ muốn sống đúng với lương tâm.Nếu ko theo dõi tình hình trong thời gian vừa qua chắc em cũng chỉ muốn "mê chơi quên quê hương" cho xong.hi.

    Trả lờiXóa
  10. Dẫu sao chị vẫn còn đỡ hơn tôi! Hoàn cảnh tôi mới đau đầu. Cách đây vài năm, khi tôi được chuyển nơi làm việc, chỉ là chuyên viên Ban này sang Ban khác vậy thôi. Tất cả tầm ngắm của những anh Đảng Viên đang ngâm nghe chiếc ghế Phó Ban chỉa mũi súng vào tôi. Đầu tiên là họ hỏi tôi có muốn vào Đảng không? Đúng như tôi suy nghĩ, tôi từ chối ngay, tôi chỉ muốn an phận làm việc. Nếu lúc đó và bây giờ tôi vào Đảng thì có lẽ, tôi khó có việc làm ở đó. Thật tâm mà nói từ lâu tôi đã không màng cái danh cái lợi hư danh đó. Tôi cũng từng đi học đối tượng Đảng và tìm hiểu về Đảng rất kỹ, nhưng những gì các Đảng Viên gần bên tôi họ thể hiện từ tính cách con người, tính cách làm việc tôi thấy trái ngược những gì tốt đẹp nhất. Mỗi khi tôi cố gắng làm việc cho tròn trách nhiệm thôi vì trong lương tâm tôi nghĩ là nhận lương thì mình có trách nhiệm phải làm việc cho Công ty và cho XH. Vậy mà cứ mỗi lần như thế là bắt đầu có xầm xì và những họng súng lâu ngày lại ngẫng đầu quay lại tôi. Cứ sau mỗi lần họp về Đảng, không biết họ có phát biểu phê bình, tự phê bình để XD Đảng ngày càng tốt đẹp không thì tôi không biết. Nhưng khi tan họp rồi là ôi thôi toàn những lời nói xấu nhau. Thấy mà chán....Chia sẽ cùng bạn

    Trả lờiXóa
  11. Chào bạn Hay Khóc Nhè,

    Câu thơ mà bạn chép rất hay. Và tình cảnh mà câu thơ nói lên mới thật đáng buồn làm sao, bạn nhỉ!

    Bạn làm tôi nhớ mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương:
    Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
    Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
    Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
    Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ...


    Bạn Nặc danh lúc 21:57 ngày 11/1/2011

    Cám ơn những chia sẻ của bạn. Thôi thì mình cứ cố gắng sống đúng lương tâm của mình thôi, cũng như cách sống của cha mẹ bạn Hay Khóc Nhè ấy, chứ biết làm sao giờ, bạn nhỉ?

    PA

    Trả lờiXóa
  12. Rất chia sẻ và đồng cảm với bài viết của chị. Là một người công giáo, có hơi buồn khi đọc những đoạn chị viết về đạo công giáo. Tuy vậy, đức tin là lựa chọn riêng của mỗi người, hoài nghi khoa học cũng là phương cách để củng cố đức tin vậy.
    nguyennx

    Trả lờiXóa
  13. Bạn nguyenxn,

    Rất vui vì sự đồng cảm của bạn. Và càng vui hơn khi biết bạn là một người Công giáo.

    Do chúng ta là đồng đạo nên cho phép tôi trao đổi thêm như thế này:

    1. Khi tôi nêu những sai lầm trong quá khứ của đạo Công giáo, tôi cũng rất buồn nhưng không hổ thẹn mà ngược lại thấy tự hào vì đạo Công giáo đã chứng tỏ khả năng tự thay đổi. Tôi vẫn có ấn tượng rất sâu sắc với Công đồng Vatican II.

    2. Tôi tin rằng tinh thần Công giáo đích thực luôn khuyến khích sự khiêm tốn và tự phê phán. Và, đúng như bạn nói, hoài nghi là một cách để tôi củng oố niềm tin. Cám ơn bạn vì câu ấy.

    Bên lề: có cách nào để tôi gặp được bạn ngoài đời không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  14. Anh Vũ thân mến!
    Theo tôi, bạn nên tìm một người trưởng thành Đức tin và hiểu biết về Đạo công giáo để tâm sự về " Đời sống đạo" của bạn.
    Bởi vì bạn có thể là một người trí thức nhưng chưa hẳn đã là một người TRI THỨC. Những suy nghĩ của bạn về Công giáo rất cần phải đặt lại vấn đề, nhất là ơn " Bất khả ngộ" của Đức Giáo Hoàng. Bạn có thực sự hiểu ngọn nguồn và đặc tính về ơn " Bất khả ngộ" của Đức Giáo Hoàng không???
    Nếu chưa hiểu mà chỉ nghe nói thì sao bạn có thể so sánh Công giáo với Cộng sản? Bạn không sợ phép so sánh đó là quá khập khiểng sao? Vậy Bạn có tin phép lạ trong đời sống không? Bạn đã bao giờ được đón nhận "phép lạ" chưa? Hay bạn chỉ nhìn Đức tin bằng con mắt lý trí và thực nghiệm. Đời sống đạo (nghĩa là sự liên kết mật thiết với Chúa) của bạn như thế nào? Tớ nghĩ không khéo bạn đang "ngoại tình" đạo công giáo cũng nên... (còn nữa)

    Trả lờiXóa
  15. Thôi thì thế này nhé.

    Nguời có đạo, nguời đi đạo, và nguời sống đạo là hòan tòan khác nhau.

    Ai muốn nhận mình là nguời nào cũng đuợc tùy thích.

    Có mỗi một câu kinh mà nguời có đạo, nguời đi đạo, và nguời sống đạo hàng ngày đọc mà khó thực hiện đuợc.

    "XIN CHA THA NỢ CHO CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON."

    Trả lờiXóa
  16. Nhân vô thập toàn! Ngay cả trong phần giới thiệu bằng tiếng Anh về bản thân, chị cũng có lỗi chính tả đó - chị vốn đã thích "chua" những từ ngữ bằng tiếng Anh trong bài viết tiếng Việt của mình, hẳn chị phải là người trong ngành này và rành rẽ tiếng Anh. Không thể có sai lầm!
    Trêu chị xíu cho vui.
    Rõ ràng những quan sát thực tế, nhận xét về lối sống, tư cách các đảng viên cọng sản cũng như sự từ chối dù khó khăn nhưng khẳng khái trước lời mời gọi vào đảng của nhà văn VTH và của chị phản ánh tâm trạng của nhiều người. Nghĩa là cái môi trường đó thúi hoắc.

    Sự so sánh về chân lý giữa đảng cọng sản và đạo Công giáo với vài ví dụ vô tình kéo theo những góp ý và phản ứng có phần mạnh mẽ từ nhiều đồng đạo.

    Chị làm trong ngành giáo dục, được học về dảng, được "lên lớp" nhiều về chủ nghĩa vô thần, rồi chị đọc các báo chí, sách vở tây phương rất "lý trí, thực nghiệm" nhất định đầu chị luôn bị...cám dỗ đặt lại nhiều vấn đề của Công giáo và sự hiện hữu của Thiên Chúa.

    Nếu chị là người có đạo, hãy đến với Chúa với tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ, hãy cầu nguyện cho Giáo hội được thánh thiện hơn. Chị sẽ thấy muôn vàn bình yên.

    Vài dòng trêu chị và chia sẻ.
    Một người đồng đạo, nhỏ tuổi hơn chị.

    Trả lờiXóa
  17. Đúng là nhân vô thập toàn cô ạ! Em cũng đồng quan điểm như cô. Đạo hay Đảng cũng đều có quan điểm riêng và cũng có những hạn chế riêng. Biết là biết vậy, riêng mình cứ sống sao cho tâm hồn của mình thanh thản là tốt rồi. chúc cô hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  18. Rất bất ngờ em nhận được bài này qua mail của một người bạn gửi mặc dù em đã biết chị qua công việc. Rất trân trọng và chia sẻ những suy nghĩ của chị (vì rất đồng cảnh ngộ và rất đồng ý nhiều điểm!!!)

    Trả lờiXóa
  19. Chào tất cả mọi người,

    Cám ơn các bạn đã đọc, dù có chia sẻ những điều tôi viết ra hay không. Và tất nhiên, rất cảm ơn sự đồng cảm và chia sẻ của một số bạn.

    Có một số bạn đồng đạo với tôi có ý bất bình vì tôi so sánh đạo với đảng. Tất nhiên là 2 cái này hoàn toàn không so sánh với nhau được, cả về bản chất lẫn về hệ thống giá trị. Sự so sánh của tôi chỉ đơn thuần dừng lại ở một vài hiện tượng bên ngoài, đó là: sự đòi hỏi của cả hai bên về niềm tin tuyệt đối.

    Còn việc nói rằng đạo hay đảng có thể sai lầm hay không, một khi đã là niềm tin, thì rõ ràng không thể nói niềm tin nào đúng hơn niềm tin nào. Nên mong các bạn không bắt bẻ tôi về sự so sánh ấy nữa.

    Và nếu có ai đó cảm thấy bị xúc phạm vì bài viết, thì mong các bạn hiểu rằng tôi chỉ muốn chia sẻ những suy nghĩ thật của tôi mà thôi, chứ hoàn toàn không có ý định bài xích ai, như tôi đã viết trong một comment trước.

    Một lần nữa cám ơn các bạn.

    Trả lờiXóa
  20. Chào cô Phương Anh!
    Cháu chưa được đọc nhiều các bài viết của cô, nhưng được đọc khá nhiều comt của cô trên blog bác Hải. Thú thực cháu cảm thấy rất yêu quí, mến phục cô! (cô đừng chê cháu thấy người sang bắt quàng làm họ nhé :))
    Chỉ là đọc qua các comt nhưng cháu cảm nhận thấy ở cô 1 con ngừoi trong sáng, giản dị, hướng thiện vô cùng. Nhân vô thập toàn cô ơi, sống ở trên đời sao làm vừa lòng toại ý được tất cả mọi người. Viết blog cũng như làm dâu trăm họ vậy, thật khó vô cùng. Nhưng sống, viết sao cho được thật nhất với chính mình, trải lòng cho mọi người thấy mới thật khó khăn và cao quí vô cùng. Chính điều này mà cháu rất thích nhật kí Đặng Thùy Trâm, nhưng chưa bao giờ thích Mãi mãi tuổi 20 cả.
    Cháu mong và chúc cô luôn sống khỏe, suy nghĩ khỏe để tiếp tục gửi hương cho đời. Vài suy nghĩ nhận xét của cháu, cháu diễn tả không được tốt, có chỗ nào không được mong mọi người bỏ quá cho cháu ạ

    Trả lờiXóa
  21. Chào chị AnhVu.
    Nhân vô thập toàn là tất yếu, sống thật với bản thân là vô cùng cần thiết và trở nên hiếm hoi ở cái xã hội có nền giáo dục vụ lợi và nuôi trồng sự giả dối trong gần 100 năm qua dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
    vì vậy hầu hết người dân (kể cả Trí Thức) đã mắc phải căn bệnh ích kỷ và thực dụng. Chị đã hiểu sai một cách trầm trọng vè ơn "Vô Ngộ" của Đức Giáo Hoàng vì vậy chị cần phải nhận là sai. Nếu chị không công nhận cái sai trầm trọng trong vấn đề này của chị mà lại lấy "nhân vô thạp toàn" lấy lý do nói một vài hiện tượng là chị đã không nói thật lòng.
    Vẫn biết rằng con người chúng ta không ai có thể hiểu hết được all mọi sự, song THẬT LÒNG là khi có ai đó chỉ ra điều sai của mình thì chúng ta phải cám ơn họ, và tìm mọi cách để khắc phục. Nếu xét theo luật công bằng thì còn phải đền bù những thiệt hại cả tinh thần và vật chất cho đối tượng bị hại nữa.
    Với một cô giáo, chị biết được mấy nhà Khoa Học của công giáo??? Sao chị bỏ niềm tin mà ông bà đã truyền lại cho chị??? Chị thấy tin vào Chúa là không khoa học, không văn minh như đảng nói à???
    Nếu không nhầm thì chị lơi là việc đạo từ khi lấy chồng, vì có thể chồng của chị là một người không công giáo.
    Những điều tôi nói về chị có thể đúng, có thể sai giống như chị đang nhận xét về Giáo Hội của Chúa đó. Chị Nghĩ Sao???
    Đúng là một nhà Trí thức của xã hội chủ nghĩa không hơn không kém.

    Trả lờiXóa
  22. Gửi anh Nặc danh 17:27 Ngày 15 tháng 1 năm 2011.

    Anh cần phải về đọc lại thật kỹ hà học nhiều về tôn giáo truớc khi phê phán nguời khác như thế.

    Tìm đọc : Code of Hebrew, Sermont on the Mount, và Martin Lutheran cho kỹ xong nghe rồi hãy bàn chuyện về đúc tin và ơn "Vô Ngộ"

    Cái cần nhất là đừng có cuồng tín qúa như thế.


    choi

    Trả lờiXóa
  23. đọc xong 3 quyển sách đó mà bàn được Đức Tin, "ơn Vô Ngộ" thì Giáo Hội đã bị đánh sụp đổ từ khi Chúa Giê su sinh ra, đâu còn có thể tồn tại đến tận bây giờ cho anh "Bình loạn"
    Cần gì đọc nhiều vậy bạn, chỉ cần chừng này thôi:
    • Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không thể chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng : “Thưa Ông, Ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à ?”.

    Cụ già thản nhiên trả lời : “Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao ?”.

    Người thanh niên xấc xược trả lời : “Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi Ông sẽ thấy rằng những gì Ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.

    Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên: Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không ?

    Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời : Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho Ông, rồi Ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.

    Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi:
    Louis Pasteur
    Viện Hàn Lâm khoa học Paris

    Trả lờiXóa
  24. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nay mới đọc comment của bạn. Đời sống nhân dân đúng là có khá hơn, nhưng cái đó liệu có phải do Đảng tạo ra, hay là xu thế chung của thế giới? Các nước như Nam Hàn (Hàn Quốc), Nhật Bản, Mã Lai, không có Đảng Cộng sản độc quyền cai trị đất nước, vậy sao đời sống của nhân dân họ lại tốt vậy? Thế thì nhân dân họ biết ơn đảng nào đây vì các đảng phái thay nhau nắm chính quyền mà?

      Xóa
  25. Bạn ơi chúng ta có làm ra một giá trị thặng dư nào ngoài 1) những nguồn lực thiên nhiên đang bị khai thác tận kiệt: gỗ rừng, than, dầu mỏ, quặng các loại kể cả titan trong cát biển và bauxit Tây nguyên- thậm chí bán cả cát trắng; cho thuê đất khu công nghiệp, đất rừng và bán các sản phẩm nông nghiêp và thủy sản như lúa gạo, cà phê, cao su, cá tôm,...; 2) Lao động cơ bắp rẻ mạt cho các doanh nghiệp nước ngoài?
    Trí tuệ Việt nằm đâu trong chuỗi giá trị?
    Một nguồn lực nữa đang được tận dụng là nợ ODA mà con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả.
    Vậy sự cải thiện là từ đâu? Tiền ở đâu ra nếu không phải ta đang ăn của thừa kế cha ông để lại và ăn vay (nơ ODA) của con cháu mai sau? Nếu bạn biết những sinh viên nông thôn đang vật lộn thế nào với học phí, dù chỉ vài triệu/năm, tính ra là mấy tấn gạo khi cha mẹ ở quê chỉ có vài sào ruộng(Bắc bộ 360m2/sào). Nếu bạn biết những em công nhân trẻ đang bị bần cùng hóa trong các khu công nghiệp. Mà tội nghiệp nhất là các em nữ công nhân, ngoài việc bị bóc lột sức lao động, còn bị lợi dụng tình cảm.
    Tương lai dân tộc về đâu nếu chúng ta không giải phóng năng lượng sáng tạo của trí tuệ Việt để thực sự làm giàu bằng trí tuệ như Hàn Quốc, Đài Loan,...???

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.