Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Tản mạn về giải thưởng hòa bình

Sáng nay ông xã tôi hỏi tôi một câu thật bất ngờ: Đố em biết có bao nhiêu giải thưởng hòa bình trên thế giới?

Qủa là ... choáng! Có bao nhiêu giải thưởng hòa bình ư? Thì ... có một giải từ đó đến giờ là Nobel hòa bình, chứ còn gì nữa mà phải hỏi?

Biết ngay mà! Ông xã tôi đắc thắng. Sai bét, trên thế giới có nhiều giải thưởng hòa bình lắm. Ngay tính chỉ riêng mấy nước anh em, đồng chí, láng giềng của VN thôi thì nước nào cũng có giải hòa bình của riêng mình rồi. Em giỏi tìm thông tin lắm mà, lên google tìm thử mà xem!

Tức mình quá, và ... quê quá, tôi google search từ "peace prize", và quả nhiên có ngay một danh sách các giải thưởng hòa bình trên wikipedia, trong đó có đến hơn 20 giải thưởng và huy hiệu hòa bình thế giới. Thế mới biết, hòa bình quan trọng thế đấy, đến nỗi đã có bao nhiêu giải thưởng rồi mà người ta vẫn cứ tạo ra thêm giải thưởng mới, vì hình như mọi người vẫn cảm thấy chưa đủ.

Hoặc đúng hơn, là chưa có loại hòa bình giống như mình mong muốn. Thì đấy, giải Nobel hòa bình năm nay được trao cho một người TQ, nhưng người TQ ấy ở TQ thì lại bị xem là người phá hoại hòa bình vì kêu gọi chống lại chính quyền. Nên TQ bèn ... dạy cho phương Tây một bài học bằng cách tạo luôn ra một giải hòa bình mới, gọi là giải Khổng tử hòa bình, và còn kịp tổ chức trao giải luôn, trước khi lễ trao giải Nobel hòa bình được tổ chức. Đúng là nước lớn có khác, họ muốn gì là làm được ngay! Ghê thật!

Rồi tôi sực nhớ câu nói của ông xã tôi về việc các nước anh em, đồng chí của VN đều có giải thưởng hòa bình riêng của mình, và nhớ lại giải thưởng hòa bình Lenin (giải Lenin hòa bình, nói theo cấu trúc đang "thịnh hành" hiện nay: Nobel hòa bình, Khổng tử hòa bình).

Rất tiếc là giải ấy bây giờ đã ngưng rồi, cùng với sự xụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng đây là giải thưởng quốc tế duy nhất mà VN có hơn một người được vinh dự nhận giải. Này nhé, trước hết là Bà Nguyễn Thị Định, nguyên PCT nước của VN, được trao giải từ năm 1967 (chắc lúc ấy phe XHCN còn đang rất mạnh?) Rồi sau đó là Ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Quyền CT nước, được trao giải năm 1983 cùng năm với Indira Gandhi của Ấn Độ (nhân tiện, sau khi được trao giải thưởng hòa bình thì chỉ năm sau Bà Gandhi bị ám sát chết vào năm 1984, khổ thế). Cũng hãnh diện lắm chứ, vì danh sách những người được giải thưởng đều là những người nổi tiếng cả.

Lan man, tôi tự hỏi người ta chọn danh nhân để đặt tên cho giải thưởng dựa trên cơ sở nào nhỉ? Trong trường hợp Nobel thì không có gì để bàn, vì giải thưởng lấy từ tiền của Nobel nên giải thưởng mang luôn tên của ông (cho nó ... tiện, vả lại mục đích của ông là để mọi người nhớ đến ông mà lại). Nhưng còn những trường hợp khác thì sao?

Trong trường hợp giải thưởng Lenin hòa bình thì hình như đây là vấn đề chính trị rất rõ. Giải này đầu tiên là giải Stalin hòa bình cơ đấy, nhưng sau đó hình như là hình ảnh Stalin không phù hợp lắm với bản chất của giải thưởng này thì phải, nên người ta đổi lại là giải thưởng Lenin hòa bình, vì dù sao thì Lenin cũng có vẻ ... hòa bình hơn Stalin. Nhưng thực ra, việc lấy lãnh tụ của một nước để đặt tên cho một giải thưởng quốc tế kể ra cũng ... không hay lắm, vì việc trao giải thưởng mang tên lãnh tụ của một nước cho công dân của nước kia nó cứ có cái gì đó .. trịch thượng, nước lớn thế nào ấy, tôi nghĩ thế.

Vậy những giải thưởng hòa bình khác thì sao nhỉ? Thử xem một giải thưởng của Nhật, Niwano Peace Prize (giải thưởng Niwano hòa bình). Đây là tên của nhà sáng lập ra phong trào đối thoại giữa các tôn giáo có tên là Nikkyo Niwano, mất năm 1999. Giải thưởng này được trao cho những người có công làm tăng hiểu biết giữa các tôn giáo để giúp tạo ra hòa bình thế giới. Một nỗ lực tốt, một giải thưởng có ý nghĩa, ấy là tôi nghĩ vậy.

Lại có giải thưởng Sydney hòa bình, cái này là do ĐH Sydney của Úc tạo ra, nên nó mang tên Sydney (tên thành phố) cũng là dễ hiểu. Mục đích của giải cũng rất hay: tưởng thưởng và vinh danh những người góp phần xóa bỏ nghèo đói và bất công, bạo lực có tính hệ thống, thúc đẩy hòa bình thế giới.

Thế còn giải thưởng Khổng tử hòa bình? Ừ, thì thúc đẩy hòa bình, cái này thì tốt rồi. Còn Khổng tử, với cả một di sản khổng lồ do ông để lại, có lẽ cũng ... không tệ. Dưới cái nhìn của riêng tôi, Khổng tử nổi tiếng nhất với vai trò của một người thầy. Và thầy giáo, đặc biệt là thầy giáo ở phương Đông, thì luôn luôn dạy cho học trò cách làm sao có thể tồn tại trong hệ thống hiện hành một cách tốt nhất, vì vậy điều đầu tiên cần dạy là sự tuân thủ, tôn trọng những người cai trị và những tầng bậc về quyền lực xã hội. Quân, sư, phụ. Tam cương, ngũ thường. Tam tòng, tứ đức.

Tất cả đều là những sợi dây vô hình nhưng rất chặt để cột người ta vào cái nguyên trạng, để giữ được sự bình ổn xã hội, để mọi cái cứ thế mà chạy tiếp, không có gì bất ngờ, bất ổn, không có cải cách, không có bạo loạn và lật đổ, không có cách mạng, máu đổ đầu rơi ...

Đấy cũng là một cách nhìn về hòa bình. Một cách nhìn mà theo trang wikipedia là giải Khổng tử hòa bình đang cổ vũ, đó là cái nhìn phương Đông về hòa bình. Một cách nhìn có thể nói là trái ngược hẳn với một số quan điểm, ví dụ như quan điểm của giải Lenin hòa bình, vốn đã từng được trao cho các nhân vật đấu tranh lỗi lạc như Nguyễn Thị Định và Nguyễn Hữu Thọ của VN, hay Fidel Castro của Cuba .... Nhưng nếu thế, thì nhìn theo cách mà chính quyền TQ hiện nay đang nhìn về Lưu Hiểu Ba, thì những người này hoàn toàn không xứng đáng nhận giải thưởng Khổng tử hòa bình, vì lý do gì thì đã rất rõ, vì cũng giống như Lưu Hiểu Ba, họ không chấp nhận nguyên trạng, đặc biệt là khi cái nguyên trạng đó đã bộc lộ ra những khiếm khuyết rõ ràng.

Chà chà, khó xử thật đấy!

Tò mò, tôi tự hỏi, thực ra hòa bình là cái gì nhỉ, mà tại sao các giải thưởng lại khác nhau đến thế? Hòa bình, một giá trị mà có lẽ toàn thế giới cùng chia sẻ, tôi tưởng nó cũng giống như tình yêu, như cái đẹp, như công lý, như lẽ công bằng, tất cả là những khái niệm phổ quát, là universals chứ nhỉ?

Hay là không phải thế? À, tôi nhớ rồi, thời tôi học trung học (vào cuối thập niên 1970), các thầy cô dạy văn của tôi hay nhấn mạnh: văn học có tính giai cấp!

Bây giờ, áp dụng quan điểm đó vào việc nhìn nhận hòa bình, tôi nghĩ có lẽ hòa bình cũng có tính giai cấp chăng? Ngoài việc nó còn có tính địa phương nữa, như giải thưởng Khổng tử hòa bình đã nhấn mạnh: hòa bình theo quan niệm của Á Đông (ie, keeping the status quo?)

Hẳn là thế! Chà, không hiểu rồi sau này VN có tạo ra giải hòa bình của riêng mình không nhỉ? Lúc ấy, nếu có, tôi tin rằng VN sẽ chọn giải thưởng hòa bình mang tên HCM, chắc chắn là thế rồi!

Hãy chờ xem!

6 nhận xét:

  1. Hòa bình cũng có tính ý thức hệ! Mà bản thân hòa bình cũng chỉ là một construct (kiến tạo) của ideology mà thôi!
    L

    Trả lờiXóa
  2. Lâu nay mình đã rối bời đầu óc vì mấy chuyện của thế giới, đúng là thời đại thông tin, không biết giúp con người phát triển đến mức nào, nhưng không thấy ai thống kê được mức độ suy nhược thần kinh do thời đại thông tin mang đến nhỉ. Lâu nay mình cũng bận tâm những chuyện này, giờ độc bài viết của cô Phương Anh, thấy lại càng phức tạp thêm

    Trả lờiXóa
  3. Vậy hòa bình chỉ đúng với một phạm vi trong một ý thức hệ và tư tưởng mà thôi. Đối với mấy vấn đề cô đưa ra, hòa bình chỉ cho một nhóm người nào đó chứ hòa bình không phải là khái niệm phổ quát cho mọi người. Đọc xong bài viết của cô lại ngộ thêm một số vấn đề về hòa bình. Em lại nghĩ nhớ lại cái thuật ngữ 'diễn biến hòa bình'. Đã là 'hòa bình' rồi lại còn 'diễn biến'. Vậy hòa bình cũng có diễn biến. Vấn đề của Lưu Hiểu Ba có lẽ xếp vào diễn biến hòa bình theo nhà nước Trung Hoa

    Trả lờiXóa
  4. Sáng nay bài này của chị PA xuất hiện trên trang boxitvn. Link
    nguyennx

    Trả lờiXóa
  5. Vì vậy mới có thêm thuật ngữ: dân xứ Lừa.
    "một lần làm Lừa, mãi mãi làm Lừa.

    Trả lờiXóa
  6. Nếu có giải thưởng Hòa Bình mang tên HCM thì người đó phải biết CCRĐ, hehe

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.