Tượng Sư tử biển ở đảo Sentosa
3. Sentosa
Vào wikipedia tìm mục từ Sentosa, bạn sẽ được giải thích: Sentosa là một từ gốc Malay, có nghĩa là peace and tranquility. Yên bình và thanh tịnh.
Đó là tên một hòn đảo du lịch của Singapore, một trong những điểm du lịch mà mọi du khách đến Singapore lần đầu đều được giới thiệu phải ghé qua. Mặc dù theo bài viết giới thiệu về Sentosa trên wikipedia thì đối với dân địa phương, những gì có trên đảo này để thu hút du khách thực ra rất boring, đến nỗi người ta giải thích Sentosa là So Expensive & Nothing TO See Also! (Quá mắc, và cũng chẳng có gì mà xem).
Thử ngẫm nghĩ xem tại sao lại thế, thì thấy có lẽ cái tên ấy cũng không oan uổng gì lắm: ở trên hòn đảo này chỉ có Viện bảo tàng (có tên là Images of Singapore), rồi nhạc nước, Sky Tower (tạm dịch là Tháp trời), công viên bướm, thủy cung, bãi biển, sân golf .... Rặt chỉ toàn là những trò ... giải trí lành mạnh, chẳng hấp dẫn tí nào, quả thực thế!
Boring thế, nhưng lại hợp với những người boring giống như tôi. Hơi mọt sách, có lẽ thế, vì ở trong môi trường giáo dục cả đời mà (giống như học sinh học mãi mà không được ra trường vậy, bạn tôi nói thế).
Tôi đến Sentosa lần đầu cách đây 10 năm, rất có ấn tượng với Viện bảo tàng đặt ở đây, nên lần này đến Singapore cùng với một bạn nhỏ ở cơ quan - chưa đến Singapore lần nào - tôi bèn cùng bạn ấy trở lại hòn đảo yên bình và thanh tịnh ấy. Có lẽ để tìm chút thanh tịnh cho tâm hồn mình chăng?
Một tour đi thăm Sentosa trong vòng khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ, bao gồm đi lại từ khách sạn, đi cáp treo vào đảo, và thăm 3 địa điểm tham quan, bọn tôi phải trả 69 đô la Singapore cho một người. Tính ra tiền Việt là khoảng hơn 1 triệu đồng, mất đứt 1/3 tháng lương của mấy bạn nhỏ mới ra trường ở trung tâm tôi rồi! Đúng là So Expensive (and Nothing TO See Also)!!!
Cáp treo đến đảo Sentosa
Trên đường lên đảo, nhìn xuống cảng
Ba địa điểm tham quan ấy là gì? Là Viện bảo tàng (tôi chấm điểm tối đa cho địa điểm này), rồi thủy cung (well, cái này ở đâu cũng giống nhau, hồi đi học ở Úc tôi cũng đi nhiều rồi, đặc biệt là ở Queensland, rất kỳ thú, nên không mấy có ấn tượng về điểm này), và cuối cùng là một show biểu diễn có tên là Songs of the Sea, một loại nghệ thuật tạo hình thị giác bằng cách phun nước và chiếu tia lazer, kèm âm nhạc làm nền, khá hoành tráng, nhưng không mấy hấp dẫn đối với một người ... già như tôi. Tóm lại, chỉ có cái bảo tàng là đáng giá!
Bảo tàng ấy có gì? Ừ, thực ra thì cũng thường thôi. Chỉ là lịch sử Singapore từ thời thuộc địa đến khi lập quốc. Singapore chỉ mới dành độc lập vào năm 1965, 10 năm trước ngày VN hoàn toàn thống nhất. Nhớ lại, hồi ấy ở Sài Gòn có ai xem Singapore là cái gì lắm đâu nhỉ? Vì những cái gì Singapore có thì Sài Gòn đều có cả: thì đấy, cảng biển, tự do thương mại, người Ấn người Hoa vv - à quên, còn người Mã, thì ta không có, nhưng bù lại đã có người Việt, chăm chỉ mà thông minh hơn người Mã nhiều (tự khen tí!).
Nhưng cái cách họ lưu giữ, sắp xếp và diễn giải các hình ảnh và sự kiện lịch sử, và đặc biệt là những hình ảnh về truyền thống văn hóa của các dân tộc tạo nên nước Singapore ngày nay, Ấn, Hoa và Mã, và cả những ảnh hưởng của Âu nữa chứ, lần nào tôi vào xem cũng cảm thấy xúc động, và thực sự thấy ... phục những người lãnh đạo đất nước này, đã đưa một đảo quốc bé tí ti với những người dân nghèo nàn lạc hậu trở thành một đất nước thịnh vượng, chỉ vài triệu dân nhưng có đến mấy trường đại học trong top 100 thế giới như hiện nay.
Những hình ảnh trong viện bảo tàng ấy tôi chụp bằng điện thoại di động, không rõ lắm, có lẽ cũng không đẹp. Nhưng đó là những tấm hình đối với tôi là có ý nghĩa. Nó cho thấy sự phát triển vượt bực của một dân tộc trên một đất nước vốn chẳng có gì ngoài con người, với một lịch sử thuộc địa cũng tang thương không kém gì VN. Những hình ảnh đối với tôi thật gần gũi, như ngày tết truyền thống, các trò chơi của trẻ em như con vụ, hay cảnh hớt tóc cho con nít thời xưa - mẹ ẵm ngửa cho ông thợ cạo tóc, còn em bé thì la khóc. Nhìn vào, cứ thấy một VN thời xưa mà tôi còn nhờ được, khoảng thập niên 1960 của thế kỷ trước.
Phu phen thời thuộc địa
Người lao động
Người lao động 2
Truyền thống
Ngày tết
Lì xì
Đất nước đứng lên!
Không, không phải đánh đuổi thực dân đế quốc gì đâu, mà là bị Malaysia "đuổi" ra khỏi khối liên hiệp Mã Lai thời ấy, vì những bất đồng trong quan điểm về chính sách dân tộc - sự phân biệt đối xử đối với người gốc Hoa của Mã Lai. Xem thêm ở đây.
Tôi chợt nhớ một người bạn Singapore mà tôi quen vào đầu thập niên 1990, khi VN mới mở cửa. Người bạn này thực ra là một "học trò" học tiếng Việt với tôi, vì lúc ấy những người nước ngoài vào làm ăn tại VN cần học tiếng Việt nhưng chỉ có thể dạy qua tiếng Anh, nên nhiều giáo viên tiếng Anh có thêm cái nghề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Anh ấy lớn hơn tôi cả chục tuổi, học với tôi rồi thành bạn.
Môt người Hoa, self-made, rất dễ thương, không có bằng đại học, nhưng vì làm lâu năm trong hãng lớn (hãng Shell) nên anh cũng có một vị trí tương đối trong công ty.
Và một trong những lời tâm sự của anh ấy từ những năm đầu thập niên 1990 mà tôi còn nhớ, đó là: "Nhìn thấy VN ngày nay (thập niên 1990), tôi nhớ Singapore những năm đầu độc lập quá! Cũng những kênh nước đen, dân chúng khạc nhổ bừa bãi .... Lúc ấy, chúng tôi nghèo khổ lắm. VN mở cửa, đi đúng hướng, rồi thì sẽ còn thịnh vượng hơn chúng tôi nhiều!"
Tôi vẫn nhớ mãi, và vẫn tin. Singapore đã từng nghèo nàn và lạc hậu như thế, và nay họ như thế. Tôi vẫn chờ, và đến nay là 20 năm rồi. VN ơi, VN, VN! Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ của thế giới ngày nay?
(còn tiếp)
Blog này là hậu thân của BlogAnhVu đã bị tôi xóa do một số vấn đề kỹ thuật. Như tên gọi của blog, Just for myself, nó chỉ là nhật ký cá nhân, dù ở dạng mở, nhằm ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của chính tôi về những vấn đề xung quanh mình. Vì là nhật ký mở, tôi cũng chia sẻ đến những người đồng cảm, nhưng không chịu trách nhiệm nếu ai đó lấy bài đi và sử dụng ở nơi khác với những mục đích riêng. Nếu có comment, xin sử dụng ngôn từ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng những quan điểm khác biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.