Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Khi kẻ chinh phục bị đồng hóa

Khi kẻ chinh phục bị đồng hóa
-----
Khi đọc lịch sử trên thế giới ta sẽ thấy có rất nhiều trường hợp kẻ đi chinh phục bị đồng hóa ngược về mặt văn hóa. Ấy là khi một nền văn minh cao hơn lại là kẻ thua cuộc do những bất lợi về thời thế, hoặc yếu kém về chính trị hoặc quân sự, như khi có kẻ nội gián phá hoại ở bên trong, hoặc khi những cải cách đúng nhưng hơi sớm và chưa được đám đông ủng hộ.

Lúc ấy, kẻ chiến thắng đại diện cho một nền văn minh thấp hơn chắc chắn sẽ thực hiện những chính sách mang tính hủy diệt đối với nền văn minh cao hơn -- đơn giản vì họ không hiểu giá trị của những gì họ phá hủy. Và cùng với đó là sự than rền rĩ không được thốt rõ thành lời, sự nghiến răng chịu đựng, thậm chí gượng cười làm vui của kẻ bị chinh phục, nuốt hận mà nhìn những thành tựu, những giá trị của nền văn minh mà trước đây mình đã từng biết bị phỉ báng, bị lăng mạ, bị đập phá ngay trước mắt mình, mà không thể phản đối hay đơn giản chỉ là giải thích, ngăn can...

Những điều đang xảy ra ở Trung Đông dưới bàn tay ISIS là một ví dụ hùng hồn cho cái chính sách hủy diệt ấy.

Và điều phải đến sẽ đến: một quá trình đồng hóa tất yếu để kéo mặt bằng văn minh của toàn xã hội xuống cho bằng trình độ của kẻ cầm quyền. Những gì mà thế hệ thứ nhất cảm thấy không thể chấp nhận sẽ trở nên chấp nhận được ở thế hệ thứ hai, và trở thành bình thường ở thế hệ thứ ba.... Và cứ thế.

Nhưng hượm đã.... Bao giờ cũng vậy, những giá trị của nền văn minh cũ tưởng đã hoàn toàn biến mất không hiểu sao bỗng từ từ trỗi dậy trong xã hội mới. Và chính con cháu của những kẻ chinh phục,  "tầng lớp ưu tú mới" lại chính là những người hăng hái khôi phục những giá trị cũ, dù không phải là hoàn toàn vì sự hạn chế về trình độ hiểu biết của họ, và cũng vì hoàn cảnh đã thay đổi ít nhiều.

Chỉ có điều những người này không biết hoặc không muốn biết và không thể thừa nhận nguồn gốc của những giá trị mới mà họ đang tạo ra (thực ra là khôi phục lại) mà thôi. Ngược lại, với sự kiêu ngạo cố hữu của người chiến thắng, họ cho rằng đó chính là những sáng tạo của họ; họ tin rằng mình là chủ nhân của một nền văn minh mới mà họ đang tạo dựng ra.

Các nhà sử học gọi đó là quá trình đồng hóa ngược khi kẻ bị chinh phục lại đồng hóa kẻ đi chinh phục - dù có ai thừa nhận điều này hay không thì cũng thế. Nhưng quá trình ấy diễn ra như thế nào thì ít người phân tích ra được. Mà cũng phải thôi, vì quá trình ấy diễn ra từ từ như như mưa dầm thấm đất; nó không có những cuộc cách mạng long trời lở đất để các nhà sử học có thể ghi lại sự kiện mà phân tích. Để hiểu quá trình này có lẽ chỉ có những người trong cuộc và phải mất hàng nửa thế kỷ trở lên mới thấy được. Vậy nên cần phải có văn học nơi số phận của những con người được ghi lại một cách cách trung thực dù không chính xác hoàn toàn về từng chi tiết.

Như một người luôn thuộc về phe thiểu số, khi đọc văn học của các quốc gia tôi đều quan tâm đến các tác giả và tác phẩm viết về những kẻ bên lề.  Như những tác giả da đen trong văn học Mỹ hoặc sau này là tác phẩm của những người nhập cư. Và tôi nghĩ, độ mở và sự bao dung của một nền văn hóa ra được thấy rõ nhất khi những người thiểu số,  những kẻ bên lề trở thành những tác gia được xã hội thừa nhận và vinh danh.

Đó cũng là lúc những giá trị của bên thua trận đã chinh phục được kẻ thắng trận, và cũng là lúc quá trình "đồng hóa ngược" được xem như là hoàn tất. Quá trình này có thể chủ động hoặc bị động, và ta cũng có thể gọi nó bằng một cái tên gọi khác dễ nghe hơn, như "quá trình giao thoa văn hóa" chẳng hạn.

Và chỉ đến lúc ấy thì mới có cái gọi là hòa hợp, hòa giải hay thông cảm gì đó vì mọi người đã suy nghĩ giống nhau sau và chấp nhận những giá trị như nhau.
------
Ghi vụn vào một ngày cuối tuần nhân dịp nghỉ 30 tháng 4 -1 tháng 5, 45 năm sau ngày ngày chấm dứt chiến tranh để mở ra một cuộc chiến khác âm thầm hơn trong mỗi lòng người.... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.